Đề lớp 10 chương trình mới: về quyền năng của lời người kể chuyện trong Nhà mẹ Lê

     KÌ THI KSCL SAU LỚP 10 NĂM HỌC 2022 – 2023

Môn thi: NGỮ VĂN LỚP 10

Thời gian 120 phút (Không kể thời gian phát đề)

 

ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu :

   Thầy giáo hỏi: Có một con sâu không biết bơi mà lại muốn qua sông. Các em có biết con sâu qua sông bằng cách nào không?

Học trò đưa ra ba đáp án:

– Con sâu bò qua cầu.

Thầy giáo trả lời: “ Không có cầu”

–  Con sâu nằm trên lá, qua sông.

Thầy giáo cười: “Nước chảy xiết, chiếc lá sẽ bị nước cuốn trôi”

–  Con sâu bị chim nuốt vào bụng rồi bay qua sông.

Thầy giáo lắc đầu: “Vậy sâu chết thì đâu còn ý nghĩa của việc qua sông nữa”

– Vậy con sâu qua sông bằng cách nào đây?

Thầy giáo cười rồi nói:

“Con sâu nếu muốn qua sông, thì nó chỉ còn một cách, là biến thành bướm. Trước khi biến thành bướm, nó phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn. Nó ở trong cái kén, ban ngày cũng như ban đêm, không ăn không uống. Nỗi khổ này trải qua một thời gian rất dài. Cuối cùng nó thành con bướm và bay qua sông…”

(Chuyện “Con sâu qua sông”, Quà tặng cuộc sống – NXB Thanh Niên, 2018)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2. Thầy giáo đã lí giải như thế nào về hành trình qua sông của con sâu?

Câu 3. Hình ảnh con sâu muốn qua sông rộng, không cầu, nước chảy xiết… gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì ?

Câu 4. Nêu thông điệp được gửi gắm qua văn bản trên?

 

  1. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Anh/chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 150 chữ) bàn về vai trò của ý chí đối với đời sống con người?

Câu 2. (5,0 điểm) Đọc đoạn văn bản sau:

Nhà mẹ Lê là một gia đình, một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một người đàn bà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay nhăn nheo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa, mà đứa lớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.

Mẹ con bác ta ở một căn nhà lá. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan gãy nát. Mùa rét thì trải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với người nghèo như bác, một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi từng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà.

Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói, mấy đứa nhỏ nhất: con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi vì không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó. […]

Nhưng mọi người biết bác Lê quí con lắm. Tuy bác hết sức công bằng, người ta cũng thấy bác yêu thằng Hy hơn cả. Nó là con thứ chín, ốm yếu, xanh xao nhất trong nhà. Bác thường bế nó lên hôn hít, rồi khoe với hàng xóm, nội cả nhà chỉ có nó là giống thầy cháu như đúc. Rồi bác lại ôm con ngồi lặng yên một lát, như để nhớ lại chuyện gì đã lâu lắm…

Mùa rét năm ấy đến, giá lạnh và mưa gió lầy lội. Đàn con bác Lê ôm chặt lấy nhau rét run trong căn nhà ẩm ướt và tối tăm vì đèn đuốc không có nữa. Mấy gia đình ở phố chợ đều đói rét và khổ sở. Nhưng mỗi nhà đều lặng lẽ, âm thầm và chịu khổ một mình, không than thở với láng giềng hàng xóm lời gì, ai nấy đều biết cũng nghèo khốn như nhau.

         Một buổi chiều, đàn con đã nhịn đói suốt buổi, bác Lê vá lại manh áo rét, gọi đứa cả đến rồi bảo:

– Ở nhà trông các em, tao vào ông Bá xem có xin được ít gạo nào không?

– Ban sáng u đã vào nhà người ta có cho đâu, cậu Phúc lại còn bảo hễ u vào nữa thì cậu ấy thả chó ra cắn.

Bác Lê đáp:

– Nhưng biết làm thế nào! Không có thì lấy gạo đâu ra mà ăn? Thôi tao cứ liều vào lần nữa xem sao.

Nói xong, bác Lê mở cửa ra đi. Trong lòng bác vẫn có chút hy vọng.

Ở nhà, đàn con bác ngồi nhìn nhau đợi trong ổ rơm. Bác đi lâu không thấy về. Thằng Hy lắng tai nghe tiếng chó cắn trong làng rồi bảo chị nó:

– Hình như u về đấy chị ạ.

         Thằng cả đi lại bên cửa bếp nhìn ra ngoài. Bỗng có tiếng chân người rầm rập, đến tiếng gọi, rồi lũ trẻ thấy bác Đối và một người nữa khiêng bác Lê vào trong nhà. Trên bắp chân người mẹ, máu đỏ chảy ròng ròng. Thằng cả hiểu ngay mẹ nó bị chó ông Bá cắn. Bác Đối đặt người bị thương xuống chiếu, rồi ra đi sau khi căn dặn:

– Bây giờ, lấy lá lốt mà dịt cho nó cầm máu. Chó tây cắn thì độc lắm đấy.

Khi bác đi khỏi, lũ trẻ xúm quanh lấy mẹ. Thằng Hy vừa mếu máo vừa hỏi:

– U làm sao thế, u?

Bác Lê nén cái đau, giảng cho con biết:

– Thật cậu Phúc ác quá! Đã không cho thì thôi lại còn thả chó ra đuổi, tao đã chạy mà không kịp, nên nó cắn phải. May gặp bác Đối, chứ không biết bao giờ mới lê được về đến nhà.

Bác ngừng lại nhìn đàn con ốm yếu, rồi thở dài:

– Thế là mẹ con lấy gì ăn cho đỡ đói bây giờ?

Thằng Hy òa lên khóc, con Tý cũng khóc theo. Bác Lê giơ tay ôm chúng nó vào lòng nghĩ thân phận mình, bác cũng ứa nước mắt. […]

(Trích Nhà mẹ Lê – Rút từ tập truyện ngắn Gió đầu mùa, Thạch Lam, Nhà xuất bản Đời nay, 1937)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích trên? Từ đó, nhận xét về quyền năng của lời người kể chuyện trong tác phẩm văn học?

 

……………………… Hết …………………………….

 

Lưu ý

* Tác giả: Thạch Lam (1910 – 1942) Tên khai sinh Nguyễn Tường Vinh (sau đổi thành Nguyễn Tường Lân), quê gố ở tỉnh Quảng Nam, nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Ông viết văn, làm báo và là một trong những cây bút chủ chốt của Tự lực văn đoàn – một tổ chức văn học đóng vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam thập niên 1930 – 1945 của thế kỉ XX.

Thạch Lam được biết đến là một cây bút thiên về tình cảm, bộc lộ niềm cảm thương sâu sắc trước những số phận hẩm hiu, cuộc sống cơ cực của người lao động nghèo khổ, nhất là phụ nữ trong xã hội cũ nát, sống vất vả, chịu đựng, thầm lặng và trong đó có cả sự hy sinh…

Truyện ngắn Thạch Lam hấp dẫn bạn đọc bằng lối kể chuyện tâm tình, cốt truyện đơn giản, lời văn trong sáng, giản dị, giàu chất thơ… Đây cũng chính là nét độc đáo trong phong cách Thạch Lam.

* Xuất xứ: được tuyển in trong tập truyện“Gió đầu mùa” (1937)  ⇒ Truyện ngắn này nằm trong mạch cảm hứng chung của toàn tập truyện: Hướng về cuộc sống của người lao động nghèo khổ, số phận hẩm hiu, về những cảnh đời, cảnh sống tối tăm, tù túng, tội nghiệp…

* Chú giải:

– Cuống rạ: Gốc dưới thân cây lúa

– Lả: Trạng thái bị kiệt sức đến mức người như rũ xuống, không gượng dậy được nữa.

– Dịt: đắp vào, dán vào chỗ vết thương

  ĐÁP ÁN ĐỀ THI KSCL LỚP 10 NĂM HỌC 2022 – 2023

Môn thi: NGỮ VĂN LỚP 10

 

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 3,0
  1 Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Hướng dẫn chấm:   – Học sinh trả lời như Đáp án: 0,75 điểm.

                                – Học sinh trả lời không đúng :  không cho điểm.

0,75
2 Thầy giáo đã lí giải về hành trình qua sông của con sâu:

“Con sâu nếu muốn qua sông, thì nó chỉ còn một cách, là biến thành bướm. Trước khi biến thành bướm, nó phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn. Nó ở trong cái kén, ban ngày cũng như ban đêm, không ăn không uống. Nỗi khổ này trải qua một thời gian rất dài. Cuối cùng nó thành con bướm và bay qua sông…”

Hướng dẫn chấm:    – Học sinh trả lời được 2 ý: 0,75 điểm.

                                  – Học sinh  trả lời không đủ ý: 0,5 điểm.

0,75
3 Hình ảnh con sâu muốn qua sông rộng không cầu, nước chảy xiết… gợi cho em những suy nghĩ:

–  Con sâu : gợi liên tưởng đến con người…

– Con sông không cầu: Gợi liên tưởng đến những khó khăn, trở ngại trên đường đời…

– Qua sông: Gợi liên tưởng đến hành trình vượt khó của mỗi người…

à Hình ảnh con sâu muốn qua sông rộng không cầu, nước chảy xiết…  gợi cho em liên tưởng đến hành trình vươn tới ước mơ, thành công của mỗi người phải trải qua những khó khăn, trở ngại trên đường đời…

Hướng dẫn chấm:
– Học sinh trả lời như đáp án
hoặc có cách diễn đạt khác nhưng có ý tương đương:                                                          1.0   điểm.

– HS trả lời được ý khái quát mà không giải thích:  0,75 điểm.

– HS trả lời được ý giải thích mà không khái khát:  0,5 điểm.

– HS trả lời chung chung : 0,25 điểm

1,0
4 HS nêu thông điệp được gủi gắm qua văn bản trên. Sau đây là một số gợi ý:

– Con người phải có khát vọng chinh phục, thử sức với những điều lớn lao. Đó sẽ là động lực mạnh mẽ để vượt qua mọi khó khăn trở ngại vốn là điều tất yếu trong cuộc sống, điều tất yếu trên hành trình đến với thành công.

– Có nỗ lực thì có thành công, thành công là cả một quá trình gian khổ cần bền tâm, vững chí…

– Cần hiểu biết về chính mình, hiểu biết tình thế để có thể chủ động trước hoàn cảnh, tìm cách chế ngự hoàn cảnh.

– Cần tôi rèn bản lĩnh sống, khát khao chinh phục từ những việc nhỏ, những cái hàng ngày….

Hướng dẫn chấm– Học sinh trả lời được thông điệp ý nghĩa:0,5đ
                             – Học sinh trả lời chỉ nêu chung chung: 0,25 điểm

0,5
II   LÀM VĂN 7,0
  1 Viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ)  bàn về vai trò của ý chí đối với đời sống con người 2,0
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vai trò của ý chí đối với đời sống con người. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ. Có thể theo hướng sau:

– Ý chí giúp cho con người có bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn, dũng cảm hơn trong cuộc sống, kiên định, vững vàng trên con đường thực hiện mục tiêu; Giúp con người khắc phục những khó khăn, trở ngại, những vật cản…trong cuộc sống; Giúp con người chủ động, sáng tạo trong công việc, trong học tập; Giúp khẳng định giá trị bản thân, tự tin với bản thân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội…

Hướng dẫn chấm:

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (0,75 điểm).

– Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 điểm).

– Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm).

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

0,75
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân khi bàn luận; có cái nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.

0,5
2 Cảm nhận đoạn văn và nhận xét 5,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích nội dung tư tưởng và nghệ thuật của đoạn văn. Từ đó nhận xét quyền năng của lời người kể chuyện trong tác phẩm văn học.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

– Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.

– Xác định không đúng vấn đề nghị luận : Không cho điểm

0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

 
* Giới thiệu tác giả (0,25 điểm), tác phẩm (0,25 điểm) 0,5
* Cảm nhận đoạn trích:

Đây là dạng đề mở, học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Giám khảo cần lưu ý khuyến khích những bài viết có cảm nhận sâu sắc, hay, nắm chắc đoạn trích; khuyến khích bài viết có tính sáng tạo trong ý tưởng, có phong cách…

Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới:

–  Cảm nhận về Nội dung:

+ Truyện ngắn “Nhà mẹ Lê” nằm trong tập truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của nhà văn Thạch Lam. Tác phẩm là câu chuyện về số phận những người dân ngụ cư mà trung tâm là mẹ Lê và mười một đứa con. Xuyên suốt tác phẩm, Thạch Lam kể về cuộc sống của gia đình mẹ Lê khi chuyển đến sống tại Đoàn Thôn từ những ngày vui sướng, yên ấm đến những ngày nghèo khổ, thiếu thốn nhất….

+ Đoạn trích tập trung khai thác những nội dung tư tưởng:

(-) Cảm nhận Không gian sống của gia đình nhà mẹ Lê (căn nhà lá, khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan gãy nát. Mùa rét thì trải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc.…)

(-) Cảm nhận nhân vật mẹ Lê (hoàn cảnh xuất thân, ngoại hình, tính cách và số phận, Phẩm chất của mẹ Lê…)

(-) Thái độ của nhà văn: Qua nhân vật, Thạch Lam bày tỏ sự thương cảm, xót xa cùng thái độ trân trọng với những người dân lương thiện bị rơi vào hoàn cảnh bất hạnh. Từ đó, nhà văn đã ngầm lên án, tố cáo xã hội thực dân phong kiến tước đi hạnh phúc con người.

=> Rút ra giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo…

– Cảm nhận về nghệ thuật:

+ Nghệ thuật tạo dựng tình huống truyện gay cấn, dữ dội: Đói, Rét,… không đành lòng nhìn mười một đứa con nhịn đói, mẹ Lê liều lĩnh đến nhà ông Bá xin gạo nhưng lại bị cậu Phúc con ông Bá thả chó ra cắn,… -> Làm nổi bật tình yêu thương và đức hi sinh cao cả của người mẹ…

+ Nghệ thuật tạo dựng bối cảnh: Thạch Lam đã giúp người đọc hình dung được cuộc sống của người nông dân dưới ách thống trị tàn ác của thực dân phong kiến, đã đẩy cuộc sống con người rơi vào bế tắc, tuyệt vọng…

+ Kết hợp bút pháp  hiện thực và lãng mạn…

+ Lối kể chuyện tỉ mỉ, tinh tế. Giọng văn nhẹ nhàng, ngôn ngữ trong sáng…

+ Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc….

Hướng dẫn chấm:

– Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,5 điểm.

– Phân tích đầy đủ nhưng chưa sâu sắc: 1,75 điểm – 2,25 điểm.

– Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1,0 điểm – 1,5 điểm

– Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 0,75 điểm.

2,5
* Nhận xét vai trò lời người kể chuyện trong tác phẩm văn học:

Người kể chuyện dù ở ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba đều kể chuyện từ điểm nhìn nhất định, qua hệ thống lời kể. Lời người kể chuyện là lời kể, lời tả, lời bình luận của người kể chuyện.

Lời người kể chuyện có quyền năng vô cùng quan trọng trong tác phẩm văn học:

+ Có chức năng khắc họa bối cảnh không gian, thời gian, miêu tả sự việc, nhân vật…

+ Thể hiện cách nhìn nhận, thái độ đánh giá của tác giả đối với sự việc, nhân vật…

+ Làm tái hiện bức tranh đời sống và số phận, cuộc đời nhân vật để người đọc tri nhận…

+ Giúp người đọc cắt nghĩa, đánh giá sự kiện, nhân vật được khắc họa trong tác phẩm văn học…

Hướng dẫn chấm:  – Trình bày  được 3 ý trở lên: 0,5 điểm.

                                 -Trình bày được 1-2 ý: 0,25 điểm.

0,5
d. Chính tả, ngữ pháp:Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác, với thực tiễn đời sống để làm nổi bật vấn đề nghị luận; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

– Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *