Đề văn 11 bám sát đề minh hoạ 2025 Gửi mẹ của Lưu Quang Vũ

GỬI MẸ

(Tác giả: Lưu Quang Vũ)

Trên đời chẳng ai lo cho ta bằng mẹ
Cũng chẳng ai ta làm khổ nhiều như mẹ của ta
Mẹ ơi nếu con được sống lại tuổi thơ
Con sẽ chẳng bao giờ mải chơi trốn học
Đứa con trai nhiều lỗi lầm ương ngạnh
Sẽ không lần nào làm mẹ xót xa.

Ước mẹ trẻ hoài như buổi mới gặp cha
Ước con được sống suốt đời bên mẹ
Mẹ muốn ăn cá thu con chẳng nề xuống bể
Chẳng ngại lên ngàn kiếm đọt măng mai
Nhưng xứ sở ta quân Mỹ tới rồi
Cùng bè bạn con lên đường đuổi giặc.

Mẹ vui vẻ gánh lấy phần khó nhọc
Việc cơ quan, việc Đảng, việc nhà
Đánh Pháp năm xưa, đánh Mỹ bây giờ
Quen vất vả, mẹ quản gì sương nắng.

Đêm nay con nằm rừng xa gió lạnh
Mẹ nghỉ chưa hay đã thức rồi?
Suốt một đời chưa có lúc nghỉ ngơi
Nghĩ thương mẹ, giận quân thù quá đỗi.

Lo trước mọi điều mẹ thường ít nói
Mắt tin yêu nhìn thấu tận đường xa
Mọi giả dối quanh co mọi tàn bạo hận thù
Đều nát vụn trước mắt hiền của mẹ.

Dẫu cuộc đời là con đường dài thế
Con sẽ đi qua mọi đèo dốc trông gai
Bằng đôi chân của mẹ, mẹ ơi.

  1. Phần đọc hiểu:

Câu 1. Bài thơ trên viết theo thể thơ nào? Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ.

Câu 2. Theo tác giả, ai là người lo cho ta nhiều nhất?

Câu 3. Nếu “được sống lại tuổi thơ”, “đứa con ương ngạnh” sẽ sửa chữa lỗi lầm như thế nào?

Câu 4. Qua bài thơ, chủ thể trữ tình có mong ước gì? Mong ước đó cho thấy chủ thể trữ tình là người như thế nào?

Câu 5. Căn cứ vào ý thơ trong bài và cho biết: vì sao người con lại “giận quân thù” khi “nghĩ về mẹ” ?

Câu 6. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong 2 câu thơ sau:

Mọi giả dối quanh co mọi tàn bạo hận thù
Đều nát vụn trước mắt hiền của mẹ.

Câu 7. Qua bài thơ, em rút ra cho mình bài học gì? (Trả lời bằng đoạn văn khoảng 5 – 7 dòng)

PHẦN II. VIẾT (6,0 ĐIỂM)

Câu 1. (2,0 điểm): Viết đoạn văn cảm nhận về tấm lòng của người con dành cho mẹ.

Câu 2. (4,0 điểm): Trên thế giới có rất nhiều kì quan, nhưng kì quan vĩ đại nhất là trái tim của người mẹ.

Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ về câu danh ngôn trên.

——HẾT——

 

 

ĐÁP ÁN

Câu 1:

– Thể thơ tự do

– Phương thức biểu cảm

Câu 2: Theo tác giả, mẹ là người lo cho ta nhiều nhất

Câu 3: Những lỗi lầm mà “đứa con ương ngạnh” sẽ sửa chữa khi được quay về tuổi thơ:

– Không mải chơi trốn học

– Không làm mẹ đau buồn, xót xa

Câu 4:

– Mong ước của chủ thể trữ tình:

+ Ước mẹ sẽ mãi trẻ, khỏe như thời còn thanh xuân, khi mẹ mới gặp cha

+ Ước mẹ sống lâu để con suốt đời được bên mẹ

– Đó là những mong ước của một người con chí hiếu; những mong ước đó thể hện niềm kính yêu vô hạn của con dành cho mẹ

Câu 5: Người con “giận quân thù” khi “nghĩ về mẹ”, bởi quân thù giày xéo quê hương nên con phải lên đường đánh giặc, để mẹ ở nhà một mình với biết bao gánh nặng công việc và những nỗi vất vả lo toan trong cuộc sống đời thường, khiến cho mẹ chẳng thể có được giây phút nghỉ ngơi.

Câu 6:

– Biện pháp tu từ:

+ Liệt kê: giả dối quanh co, tàn bạo hận thù

+ Ẩn dụ: Đều nát vụn trước mắt hiền của mẹ ý muốn nói đến việc mẹ nhìn thấu hết tất cả những điều xấu xa; không có gì có thể che được mắt mẹ. Mắt hiền còn biểu thị cho sự hiền từ của mẹ.

– Tác dụng:

+ Giúp cho câu thơ tăng sức gợi hình, gợi cảm

+ Nhấn mạnh được những phẩm chất cao quý của mẹ

+ Thể hiện được niềm kính yêu và sự cảm phục của người con dành cho mẹ

Câu 7: Học sinh rút ra bài học có ý nghĩa, phù hợp với nội dung văn bản

Gợi ý:

– Bài học về lòng biết ơn đối với những người đã sinh thành ra mình

– Bài học về lòng hiếu thảo đối với mẹ cha

– Bài học về niềm hạnh phúc khi có mẹ

– Bài học về sự quan trong của mẹ trong cuộc sống của con

PHẦN II. VIẾT (6,0 ĐIỂM)

Câu 1. (2,0 điểm): Viết đoạn văn cảm nhận về tấm lòng của người con dành cho mẹ.

Gợi ý:

Câu 1:

– Mở đầu bài thơ, người con bộc lộ lòng biết ơn đối với mẹ, bởi trên đời mẹ là người hết lòng chăm lo cho con. Đồng thời người con còn thể hiện sự ân hận, xót xa khi nhớ lại những ngày ấu thơ đã từng làm cho mẹ buồn, mẹ xót.

– Giữa bài thơ, trong lòng người con chợt dâng lên nỗi nhớ, niềm thương người mẹ nơi quê nhà đang vật lộn với những lo toan của cuộc sống đời thường.

– Đến cuối bài thơ, người con thể hiện sự cảm phục, niềm kính yêu đối với mẹ. Người con cảm thấy hạnh phúc khi có mẹ và luôn vững tin rằng mẹ chính là chỗ dựa tinh thần, nâng bước cho con vượt qua những chông gai, trắc trở trên đường đời.

 

Câu 2. (4,0 điểm): Trên thế giới có rất nhiều kì quan, nhưng kì quan vĩ đại nhất là trái tim của người mẹ.

Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội trình bày suy nghĩ về câu danh ngôn trên.

Gợi ý:

MB:

– Dẫn dắt vấn đề

– Nêu VĐNL: Câu danh ngôn “Trên thế giới có rất nhiều kì quan, nhưng kì quan vĩ đại nhất là trái tim người mẹ”

TB:

  1. Giải thích:

– Kì quan là gì?

– Câu danh ngôn được hiểu như thế nào? => Không có kì quan nào vĩ đại, đẹp hơn trái tim người mẹ => câu danh ngôn là lời khẳng định tuyệt đối, thể hiện sự tôn vinh, tấm lòng yêu thương bao la của người mẹ dành cho con.

  1. Phân tích câu danh ngôn:

– Câu danh ngôn rất hay, cách diễn đạt giàu hình ảnh; thể hiện trái tim của một người con trân trọng, tôn vinh vẻ đẹp của mẹ.

– Câu khẳng định chất chí lí, hay và giàu ý nghĩa:

+ Trái tim người mẹ sở dĩ vĩ đại vì trái tim đó yêu thương con vô bờ bến; giàu đức hi sinh, giàu lòng vị tha.

+ Trái tim yêu thương đó giúp mẹ trở thành phật bà nghìn tay, nghìn mắt để quán xuyến chăm lo mọi công việc của gia đình, của xã hội.

+ Trái tim ấy sẵn sàng là đôi cánh để che trở cho đàn con; là bông hoa để con cài lên ngực, là cánh diều cho con bay đến những chân trời xa.

+ Trái tim ấy yêu thương rất mãnh liệt, căm hơn cũng bỏng cháy, sục sôi nếu như sự bình yên của các con bị đe dọa.

+ Trái tim ấy, sẽ trường tồn bất diệt cùng thời gian.

=> Trái tim ấy thật vĩ đại, cao quý biết nhường nào.

– Câu danh ngôn có ý nghĩa gì?

+ Là thái độ thể hiện sự tri ân tuyệt đối dành cho mẹ.

+ Là lời nhắc nhở mọi người cần biết trân trọng, thương yêu mẹ bởi đi khắp cuộc đời không ai tốt bằng mẹ, không ai yêu thương ta bằng mẹ.

+ Câu danh ngôn giúp cho mọi người nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về vẻ đẹp của tình mẫu tử, thiêng liêng, cao cả bất diệt.

  1. Chứng minh:

– Mẹ Khổng Tử, me Ê đin sơn…

  1. Bàn luận:

– Đa phần trái tim người mẹ là yêu thương con bao la cao ca, tuy nhiên có một vài trường hợp câu sâu làm dầu nồi canh => nhẫn tâm hãm hại con đẻ của mình.

– Trái tim yêu thương là điều rất cần thiết; nhưng cần phải phân biệt giữa yêu thương # chiều chuộng; yêu thương # bao bọc.

– Trái tim yêu thương thực sự là biết dạy con nên người, thành người tốt, người có ích, sống giàu lòng tự trọng, giàu tình nhân ái.

– Là con mỗi người cần hiếu thảo với cha mẹ, luôn đặt chữ hiếu lên hàng đầu; lấy chữ hiếu làm trọng.

– Phê phán những đứa con bất hiếu, là nghịch tử có những hành động chà đạp lên tình mẫu tử.

KB:

– Khẳng định lại ý nghĩa đúng đắn của câu danh ngôn.

– Rút ra bài học và kêu gọi hành động

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *