VÒNG XÒE – Lò Cao Nhum –
Vòng xoè*
Ngọn lửa xanh
Ngọn lửa vàng
Ngọn lửa thuở hồng hoang
Bập bùng hoa cà hoa cải
Ngôi nhà đốm lửa
Âm ỉ cùng gió hú
Đượm nồng sải dọc vạn năm
Bền bỉ dưỡng nuôi sự sống loài người.
Vòng xoè
Gương mặt bừng ánh trăng
Nụ cười hồng ngọn lửa
Trẻ, già, trai, gái kết hoa
Vòng nguyệt quế bản mường
Vòng nguyệt quế trao người hùng của bản
Tặng người gan của mường
Người hùng, người gan
Cột lim, cột nghiến
Kết đan phên rào, phên giậu
Chắn bão, ngăn giông
Xua mây, đuổi nắng
Che mầm xanh không héo quắt
Chắn mùa vàng không lở xuống thung sâu.
Chớ buông tay em nhé
Em buông tay làm đứt vòng xoè
Em buông tay rời rạc mường bản
Lẻ loi sẽ cô độc vực đá
Vòng xoè cuộc đời nghiệt ngã
Vòng xoè cộng đồng gắn kết
Em ơi chớ buông tay
Vòng xoè mênh mông tình mặn
Vòng xoè vực sâu
Vòng xoè núi cao.
Kìa núi quanh thung
Đồi quanh bãi
Kề vai nhau
Xoè ngàn năm vạn thuở
Dắt tay nhau kết dính lẽ đất trời
Nào trẻ, già, trai, gái muôn người
Nào xóm trên, dưới mường mọi nơi
Hãy cầm tay, hãy dắt tay
Xoè cùng đồi, cùng núi
Sánh cùng sao, cùng trăng
Bền cùng trời, cùng đất.
Chú thích:
* Vòng xòe: Xòe là điệu múa tái hiện lại các động tác trong lao động được dùng trong lễ hội gắn với văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Thái. Xòe vòng còn thể hiện tính cởi mở, gắn kết, thân thiện của một loại hình nghệ thuật cộng đồng.
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)
Câu 1. Xác định đối tượng trữ tình và nhân vật trữ tình trong bài thơ. (0,5 điểm)
Câu 2. Hãy chép hai câu thơ có ngữ điệu cầu khiến. (0,5 điểm)
Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ đầu của bài thơ. (1,0 điểm).
Câu 4. Nhận xét về tình cảm của tác giả đối với văn hóa truyền thống của quê hương, bản mường mình. (1,0 điểm)
Câu 5. Em hiểu như thế nào về lời nhắn gửi thể hiện trong đoạn thơ bên dưới. Từ đó, em hãy rút một thông điệp ý nghĩa nhất trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Nào trẻ, già, trai, gái muôn người
Nào xóm trên, dưới mường mọi nơi
Hãy cầm tay, hãy dắt tay
Xoè cùng đồi, cùng núi
Sánh cùng sao, cùng trăng
Bền cùng trời, cùng đất.
PHẦN II. VIẾT (6,0 ĐIỂM)
Câu 1 (2,0 điểm). Hãy viết đoạn văn theo cấu trúc TPH để cảm nhận về sức sống, ý nghĩa của vòng xòe được thể hiện trong khổ thơ thứ hai của bài thơ.
Câu 2 (4,0 điểm): Hãy viết bài văn nghị luận xã hội theo chủ đề: Hãy thắp lên ngọn lửa thiêng.
——HẾT——
GỢI Ý ĐÁP ÁN
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 ĐIỂM)
Câu 1. Xác định đối tượng trữ tình và nhân vật trữ tình trong bài thơ. (0,5 điểm)
Gợi ý:
– Đối tượng trữ tình: Vòng xòe (múa xòe đứng theo vòng tròn)
– Nhân vật trữ tình: là người giấu mặt (đó có thể là sự hóa thân của tác giả; hoặc của một chàng trai giấu mặt nào đó)
(Lưu ý: Đối tượng trữ trình là đối tượng được miêu tả, được phản ánh trong bài thơ. Chủ thể trữ trình (nhân vật trữ tình): là chủ thể phát ngôn, bày tỏ tình cảm, cảm xúc của bản thân trước đối tượng trữ tình. Đối tượng trữ tình có thể xưng anh, em, tôi, ta…thường đối tượng trữ tình là sự hóa thân của tác giả; tuy nhiên không nên đồng nhất đối tượng trữ tình là tác giả => điều đó làm cho bài thơ bị hẹp về ý nghĩa khái quát).
Câu 2. Hãy chép hai câu thơ có ngữ điệu cầu khiến. (0,5 điểm)
Gợi ý:
– Chớ buông tay em nhé
– Em ơi chớ buông tay
(Lưu ý: Câu chứa ngữ điệu cầu khiến là các câu có chứa từ cầu khiến: Hãy, nên, chớ, đừng, nào…hoặc là các câu chứa ngữ điệu cầu khiến => ngữ điệu này cần căn cứ vào trạng huống và ngữ cảnh).
Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ đầu của bài thơ. (1,0 điểm).
Gợi ý:
– Chỉ ra: Trong khổ thơ đầu, tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật: Điệp ngữ “ngọn lửa…”. liệt kê: ngọn lửa vàng, xanh, hồng hoang – hoa cà, hoa cải; ẩn dụ: Ngọn lửa – điệu múa xòe (vòng xòe).
– Tác dụng: Vừa tăng sức gợi hình biểu cảm, vừa tạo nên âm hưởng tha thiết, nhịp điệu tươi vui, rộn ràng. Nhấn mạnh vẻ đẹp, sức sống của vòng xòe: nó đẹp nồng ấm như ngọn lửa, như hoa cà, hoa cải; nó có sức sống mãnh liệt như ngọn lửa bền bỉ có thể nuôi dưỡng sự sống loài người. Qua đó, nhân vật trữ tình bày tỏ niềm tự hào, tự tôn dân tộc đối với nét văn hóa đặc sắc của người Thái.
(Lưu ý: Xem hướng dẫn phân tích BPTT ở đề 1 hoặc Chuyên đề: THƠ TIẾNG NÓI CỦA TRÁI TIM”
Câu 4. Nhận xét về tình cảm của tác giả đối với văn hóa truyền thống của quê hương, bản mường mình. (1,0 điểm)
Gợi ý:
Tình cảm của tác giả đối với văn hóa truyền thống dân tộc:
– Tình yêu, niềm tự hào về vẻ đẹp của vòng xòe, sự tin tưởng về sức sống mãnh liệt; mong muốn mọi người giữ gìn bảo vệ nét văn hóa đặc sắc này.
– Nhận xét:
+ Tình cảm rất chân thành, tha thiết, xuất phát từ một trái tim yêu quê hương tha thiết.
+ Tình cảm đó được thể hiện rất sâu sắc qua từng câu, từng chữ, từng hình ảnh thơ.
+ Tình cảm này thâm trầm, kín đáo mà sâu sắc đáng trân trọng.
+ Chính tình cảm này làm cho bài thơ hay hơn, xúc động hơn để có thể chạm đến trái tim của người yêu thơ.
(Lưu ý: Ở dạng câu hỏi này: Đầu tiên HS phải nêu được những cung bậc tình cảm cảm xúc (yêu, thương, giận, hờn, yêu, ghét, trân trọng, tự hào, biết ơn, xót thương…) => sau đó học sinh mới đưa ra nhận xét (tình cảm đó xuất phát từ đâu; mức độ tình cảm như thế nào; thể hiện bằng thứ ngôn từ nghệ thuật ra sao? Tình cảm đó có ý nghĩa như thế nào đối với bài thơ?)
Câu 5. Em hiểu như thế nào về lời nhắn gửi thể hiện trong đoạn thơ bên dưới. Từ đó, em hãy rút một thông điệp ý nghĩa nhất trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Nào trẻ, già, trai, gái muôn người
Nào xóm trên, dưới mường mọi nơi
Hãy cầm tay, hãy dắt tay
Xoè cùng đồi, cùng núi
Sánh cùng sao, cùng trăng
Bền cùng trời, cùng đất.
Gợi ý:
Đoạn thơ là lời nhắn gửi mọi người từ trẻ, già, gái, trai, từ xóm trên, mường dưới cùng cầm tay đoàn kết để giữ gìn và phát huy điệu múa xòe của quê hương bản mường, để điệu múa bền như trăng sao, như đất trời. Lời nhắn nhủ thật chân thành, tha thiết thể hiện tình yêu mãnh liệt đối với văn hóa truyền thống của quê hương, bản mường. Lời nhắn nhủ có ý nghĩa lớn lao và nhân văn biết bao, bởi giữ gìn văn hóa truyền thống là giữ gìn sự sống, giữ gìn cho hôm nay và mãi mãi mai sau.
(Lưu ý: Đối với dạng câu hỏi này HS cần xác định: Nội dung lời nhắn gửi, ý nghĩa lời nhắn gửi và thái độ tình cảm của người nhắn gửi. Muốn vậy HS phải đọc kĩ để hiểu rõ hơn nội dung và ý nghĩa sâu xa của đoạn thơ.)
– Thông điệp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc: Giữ gìn bản sắc dân tộc là giữ gìn hồn vía của đất nước/Giữ gìn bản sắc dân tộc là việc làm của toàn dân/Giữ gìn bản sắc dân tộc là giữ cho hôm nay và mai sau…
(Kiểu bài này, HS cần căn cứ vào nội dung của đoạn thơ để rút ra thông điệp về một vấn đề đã được xác định cụ thể).
PHẦN II. VIẾT (6,0 ĐIỂM)
Câu 1 (2,0 điểm). Hãy viết đoạn văn theo cấu trúc TPH để cảm nhận về sức sống, ý nghĩa của vòng xòe được thể hiện trong khổ thơ thứ hai của bài thơ.
Gợi ý:
* Yêu cầu về cấu trúc: TPH
– Câu chủ đề 1: Đáp ứng 4 tiêu chí (Tác giả, tác phẩm, VĐNL và GHDC)
– Câu chủ đề 2: Khái quát và nâng cao.
* Yêu cầu về nội dung: Sức sống và ý nghĩa của vòng xòe ở khổ thơ thứ hai:
Vòng xoè
Gương mặt bừng ánh trăng
Nụ cười hồng ngọn lửa
Trẻ, già, trai, gái kết hoa
Vòng nguyệt quế bản mường
Vòng nguyệt quế trao người hùng của bản
Tặng người gan của mường
Người hùng, người gan
Cột lim, cột nghiến
Kết đan phên rào, phên giậu
Chắn bão, ngăn giông
Xua mây, đuổi nắng
Che mầm xanh không héo quắt
Chắn mùa vàng không lở xuống thung sâu.
– Vòng xòe làm con người đẹp hơn, tươi hơn (gương mặt bừng ánh trăng, nụ cười hồng ngọn lửa).
– Vòng xòe tăng tinh thần đoàn kết trong nhân dân “già trẻ, gái trai” như “đan phên rào, kết giậu”.
– Vòng xòe là nguyệt quế dần lên cho người hùng, người gan dạm dũng cảm của bản làng => Xòe để mừng chiến công, để thể hiện niềm tự hào, tự tôn về những người anh hừng của buôn làng.
– Sức sống của vòng xòe vững chắc như “cột lim, cột nghiến”, nó có tác dụng bảo vệ cửa nhà vườn tược khỏi thú dữ, chắn bão, ngăn giông => mang lại bình yên cho dân tộc; xua mây, đuổi nắng để cuộc đời tươi đẹp, ý nghĩa hơn.
– Vòng xòe của bảo vệ mầm xanh, bảo vệ sự sống; bảo vệ mùa màng, thành quả lao động của nhân dân.
=> Vòng xòe có sức sống mãnh liệ, thiêng liêng và bất diệt.
* Nghệ thuật: Thể thơ tự do, giọng thơ tha thiết tự hào, âm hưởng vừa mạnh mẽ, vừa vui tươi; hình ảnh thơ giàu sức gọi, cách diễn đạt theo đúng tư duy của người miền núi, công biện pháp tu từ so sánh, điệp từ, điệp ngữ, ẩn dụ.
* Thái độ của tác giả: Thể hiện niềm tự hào, tự tôn và tình yêu rất mãnh liệt đối vòng xòe, với quê hương đất nước.
Câu 2 (4,0 điểm): Hãy viết bài văn nghị luận xã hội theo chủ đề: Hãy thắp lên ngọn lửa thiêng.
Gợi ý:
MB: HS có thể trích dẫn 4 câu thơ để đi đến vấn đề nghị luận
Tôi muốn thắp ngọn lửa thiêng hùng vĩ.
Thấm máu xương bao chiến sĩ năm nào.
Bởi tâm hồn luôn phủ ngập khát khao.
Mong nhân loại mãi ngọt ngào hạnh phúc.
– VĐNL: Việc thắp ngọn lửa thiêng có ý nghĩa rất quan trọng đối với mọi người trên toàn nhân loại.
TB: 1. Giải thích khái niệm: lửa là gì?
– Theo nghĩa đen: Lửa là một loại vật chất rất quan trọng giúp loài người duy trì sự sống, bước sang một nền văn minh mới.
– Nghĩa bóng: Lửa là ngọn lửa lòng; là sự nhiệt huyết, đam mê trong công việc; là tình yêu mãnh liệt bỏng cháy…
– Cách tạo ra lửa từ sự tương tác giữa hai hòn đá; giữa hai thanh gỗ được cọ xát với nhau => Lửa có được từ sự tương tác; tác động từ hai phía. Thắp lửa thiêng ở đây được hiểu và bàn luận đó chính là ngọn lửa lòng, ngọn lửa nhiệt huyết đam mê.
- Biểu hiện của ngọn lửa: Người biết thắp lửa thường có những biểu hiện sau:
– Trong suy nghĩ: chín chắn, thấu đáo, luôn biết nghĩ cho người khác, nghĩ cho đại cục, nghĩ vì tập thể; đó là mẫu người “hi sinh tất cả chỉ quên mình”.
– Về thái độ:
+ Đối với công việc: nhiệt huyết, say mê, luôn làm việc bằng một thái độ chuyên nghiệp, tinh thần cầu tiến.
+ Đối với mọi người: thể hiện sự quan tâm, lắng với những con người bất hạnh, yếu thế trong xã hội; thể hiện thái độ bất bình, căm tức với các thế lực tàn bạo; thù địch.
+ Đối với người yêu thì ân cần, nhẹ nhàng; chân thành nhưng không kém phần lãng mạn, bỏng cháy hết mình; sẵn sàng hi sinh vì người mình yêu; luôn mang lại cho người mình yêu những điều tốt đẹp nhất.
– Về hành động: Hành động vừa thận trọng nhưng không kém phần quyết đoán; nếu là 1% nhân văn thì họ cũng hành động hết mình; luôn nhận khó, nhận khổ xông pha trong mọi công việc nhất là công việc quan trọng; hiểm nguy.
- Phân tích vai trò của người thắp lửa:
– Đối với cá nhân: là cách duy trì cuộc sống; giúp cho cá nhân sống đẹp hơn; sống có ích hơn; cá nhân dễ nâng tầm bản thân; luôn được mọi người yêu thương, quý trọng.
– Đối với tập thể: Họ truyền nguồn năng lượng tích cực cho mọi người; biết lan tỏa những giá trị yêu thương để cho tập thể ngày càng phát triển hơn.
– Đới với đất nước: Nếu ai cũng biết thắp ngọn lửa thiêng thì đất nước sẽ ngày càng phát triển.
=> Nói tóm lại ở đâu có lửa ở đó có sự sống; có tình yêu thương; có sự văn minh và tiến bộ.
=> Việc thắp lên ngọn lửa thiêng là điều vô cùng quan trọng và cần thiết; là điều không thể thiếu trong trái tim mỗi người muốn thành công, hạnh phúc.
- Chứng minh: Hs lấy dẫn chứng về các tấm gương, trong các lĩnh vực khác nhau đã biết thắp lửa và chính vì thế họ đã thành công, thành danh.
- Bàn luận:
– Phản đề:
+ Phê phán những kẻ sống thờ ơ, nguội lạnh.
+ Thắp lửa là tốt nhưng phải biết thắp đúng cách, đúng lúc bởi “Nhiệt tình cộng ngu dốt là phá hoại”.
– Liên hệ với lứa tuổi và thời đại để đưa ra định hướng cho bản thân trong việc thắp lửa.
KB:
– Khẳng định việc thắp lửa là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.
– Kêu gọi hành động/hoặc kết bằng câu danh ngôn; tục ngữ.