Đề đọc hiểu+ nghị luận truyện Trở về của Thạch Lam

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM TRUYỆN

(Giới hạn:Truyện ngắn hiện đại Việt Nam)

BỘ CÁNH DIỀU

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

TRỞ VỀ

Thạch Lam

Mùa hè năm nay, Tâm và vợ chàng về nghỉ mát ở nhà một người bạn ở vùng thôn quê. Khi người bạn mời thì Tâm nhận lời ngay, vì chàng tính được chỗ nghỉ mát suốt một tháng hè không phải mất tiền, vả lại tiện hơn nữa, chàng có dịp về thăm nhà cũng ở gần đó.

Hôm ấy trời nắng mà có gió. Buổi sáng, ăn điểm tâm xong, hai vợ chồng Tâm bắc ghế ngồi ngoài hiên hưởng gió mát. Người bạn Tâm vì có việc phải ra tỉnh từ sớm. Tâm sực nhớ đến việc về thăm nhà, mà từ khi về nghỉ đến giờ, chàng cứ để lần lữa mãi. […]

Có đến năm, sáu năm nay, tâm không về thăm quê nhà. Trong thời gian ấy, ở Hà Nội, Tâm gắng sức làm việc để giành một cái địa vị trong xã hội. Chàng lấy vợ, con một nhà giàu có, cũng không cho mẹ biết. Thỉnh thoảng chàng nhận được ở nhà quê gửi ra một bức thư mà chữ viết non nớt nguệch ngoạc, và lời lẽ quê kệch. Tâm chỉ đọc thoáng qua rồi không để ý đến. Sống trong hoàn cảnh giàu sang chắc chắn, Tâm không bao giờ nghĩ đến quê nhà nữa. Hoặc có nghĩ đến, chỉ để lại tự chế riễu mình, khi còn nhỏ, đã có cái đời ở thôn quê là giản dị, và sung sướng. Chàng mơ màng yêu một cô thôn nữ, và ước mong cùng nhau sống trong cảnh thanh bạch dưới một túp lều tranh. Cái mộng ấy, bây giờ làm chàng khi nghĩ đến mỉm cười.

Không còn một cái liên lạc gì ràng buộc Tâm với thôn quê nữa. Những người họ hàng ở làng chỉ làm chàng sinh ghét, vì những sự đi lại nhờ vả lôi thôi. Còn đối với mẹ chàng, Tâm tin rằng đã làm đủ bổn phận khi mỗi tháng gửi về giúp bà cụ một số tiền, chàng lại càng tin như vậy lắm, khi nghĩ đến những cái khó khăn chàng phải vượt qua để có số tiền ấy. Bao nhiêu sự dối trá chàng phải cần đến để giấu không cho vợ biết! Có khi chàng nghĩ giận bà mẹ, vì bà mà chàng phải giấu diếm như thế.

Tuy vậy, khi đến gần đầu làng, Tâm trong lòng cũng thấy cảm động. Hai bên cánh đồng lúa xanh gió đưa như nổi sóng. Trên đường giải đá, mặt đất khô rắn lại và nứt nẻ nhiều chỗ. Tâm nhớ lại cái đất ấy đã làm đau đớn bàn chân non nớt của chàng khi còn nhỏ ngày ngày cắp sách đi học.

Một cái cảm giác mát lạnh bỗng trùm lên hai vai: Tâm ngửng đầu lên nhìn, chàng vừa đi vừa bước vào dưới vòm lá tre xanh trong ngõ. Mấy đứa trẻ nhà quê trần truồng và đen sạm đương chơi khăng ở vệ đường. Khi thấy chàng đi qua, chúng đưa những cặp mắt bẩn thỉu nhấp nháy nhìn, và chùi tay giây bùn vào bắp chân. Nghĩ đến thuở nhỏ, chàng cũng chỉ là một đứa bẩn thỉu như những đứa trẻ này, Tâm tự phụ vì mình bây giờ đã vượt hẳn được cái bực nghèo hèn ấy.

Khi vào đến sân nhà, Tâm thấy bốn bề yên lặng, không có bóng người. Cái nhà cũ vẫn như trước, không thay đổi, chỉ có sụp thấp hơn một chút và mái gianh xơ xác hơn. Tâm bước qua sân đồi đẩy cái liếp bước vào. Vẫn cái gian nhà mà chàng đã sống từ thuở nhỏ. Tâm cất tiến gọi. Chàng nghe thấy tiếng guốc đi, vẫn cái tiếng guốc ấy, thong thả và chậm hơn trước, rồi mẹ Tâm bước vào. Bà cụ đã già đi nhiều, nhưng vẫn mặc cái bộ áo cũ kỹ như mấy năm về trước.

Khi nhận ra con, bà cụ ứa nước mắt:

– Con đã về đấy ư?

– Vâng, chính tôi đây, bà vẫn được mạnh khỏe đấy chứ? – Câu nói như khó khăn mới ra khỏi miệng được, vì Tâm thấy cái lãnh đạm của mình.

– Bà ở đây một mình thôi à?

Bà cụ cảm động đến nỗi không nói được. Một lát bà mới ấp úng:

– Vẫn có con Trinh nó ở đây với tôi.

– Cô Trinh nào? Có phải cô Trinh con bác Cả không? Tâm nhớ mang máng cái cô con gái bé nhỏ ngày trước vẫn hay chơi với chàng. Tôi tưởng cô ta đi lấy chồng rồi.

Bà cụ ngồi xuống chiếc phản gỗ, đáp:

– Đã lấy ai đâu. Con bé dở hơi chết đi ấy mà. Cũng đã có mấy đám hỏi, mà nó không chịu lấy. – Bà cụ yên lặng một lát. – Thỉnh thoảng nó vẫn nhắc đến cậu đấy.

Tâm nhún vai, không trả lời. Tuy ngoài trời nắng, mà Tâm thấy bên trong cái ẩm thấp hình như ở khắp tường lan xuống, thấm vào người.

Bà cụ âu yếm nhìn con, săn sóc hỏi:

– Năm ngoái bác Cả lên tỉnh về bảo cậu ốm. Tôi lo quá, nhưng quê mùa chả biết tỉnh thế nào mà đi, thành ra không dám lên thăm. Bây giờ cậu đã khỏe hẳn chưa?

Tâm nhìn ra ngoài đáp:

– Như thường rồi. – Rồi muốn nói sang chuyện khác, Tâm hỏi:

– Ở làng có việc gì lạ không?

Bà cụ trả lời:

– Chả việc gì lạ sất, ngày nào cũng như ngày nào, nhưng được có con Trinh sang đây với tôi nên cũng đỡ buồn. Nó thường vẫn làm giúp tôi nhiều công việc, con bé thế mà đảm đang đáo để, đã chịu khó lại hay làm.

Có tiếng người đi ở ngoài vườn. Bà cụ ngừng lại: Có lẽ nó về đấy. Rồi bà cụ cất tiếng gọi:

– Trinh đấy phải không con? Vào đây, có cậu Tâm vừa về chơi.

Một thiếu nữ lách cửa liếp bước vào. Tâm trông ra thấy một cô gái quê ăn mặc giản dị, nhưng sạch sẽ. Đôi mắt Tâm gặp đôi mắt cô ta, đen láy, mở to nhìn chàng:

– Cậu Tâm đấy, con không nhớ ư?

Cô Trinh mỉm cười:

– Thưa, có ạ, ai chứ cậu Tâm thì quên thế nào được.

Hình như lỡ lời, cô thiếu nữ cúi mặt, hơi e lệ. Cái cử chỉ ấy, và lời nói đã không làm cho Tâm cảm động, lại làm cho chàng hơi ghét. Cô gái quê mùa tưởng chàng để ý đến chắc? Vì vậy, Tâm cất tiếng hỏi hơi sẵng:

– Thế nào, cô Trinh còn đợi gì mà không lấy chồng đi cho tôi ăn mừng.

Thấy thiếu nữ không trả lời, Tâm để ý nhìn. Chàng thấy cô ta không thay đổi, tuy có nhớn lên mà vẫn là cái cô bé chơi đùa với chàng thuở còn nhỏ. Tâm nhận thấy, ở thôn quê, người ta không thay đổi mấy, và tính tình vẫn giữ được y nguyên. Nhưng chàng, thì chàng thay đổi khác hẳn rồi. Những kỷ niệm cũ đối với chàng bây giờ thành ra trẻ con và vô vị. Tâm không thấy có sự tha thiết giữa chàng và cảnh cũ nữa. Bây giờ, chàng không khi nào có cái ý tưởng điên rồ đi lấy một cô gái quê như Trinh để sống một cái đời tối tăm nghèo khổ.

Tâm lơ đãng nghe lời mẹ kể những công việc và cách làm ăn ngày một khó khăn ở làng. Chàng dửng dưng không để ý đến. Con bác Cả Sinh lấy vợ, hay chú bác ta chết thì có can hệ gì đến chàng? Cái đời ở thôn quê với đời của chàng, chắc chắn, giàu sang, không có liên lạc gì với nhau cả.

Câu chuyện nhạt dần. Những câu hỏi và sự săn sóc của bà cụ về công việc của chàng chỉ làm cho Tâm khó chịu. Chàng trả lời qua loa lấy lệ.

Nghĩ đến vợ đợi, Tâm vội vàng đứng dậy. Bà cụ nhìn theo khẩn khoản:

– Cậu hãy ở đây ăn cơm đã. Đến chiều hãy ra.

– Thôi, bà để tôi về. Độ này bận công việc lắm.

Tâm lại an ủi:

– Nhưng thế nào có dịp tôi cũng về.

Rồi Tâm mở ví lấy ra bốn tấm giấy bạc 5 đồng đưa cho mẹ. Tâm hơi kiêu ngạo, trước mặt cô Trinh, chàng nói:

– Đúng hai chục, bà cầm lấy mà tiêu, có thiếu tôi lại gửi về cho.

Bà cụ run run đỡ lấy gói bạc, rơm rớm nước mắt.[…]

(Truyện ngắn Trở về– Trích Truyện ngắn Thạch Lam, NXB Văn học 2012)

Chú thích:

Nhà văn Thạch Lam sinh năm 1910 tại Hà Nội, tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh. Ông là người con thứ sáu trong gia đình, nguyên quán ở Hội An, tỉnh Quảng Nam. Thạch Lam và hai người anh ruột là Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (nhà văn Hoàng Đạo) đều là những cây bút chủ lực của trào lưu văn học Tự lực văn đoàn với các tác phẩm để lại dấu ấn đặc biệt trên văn đàn những năm 30 thế kỉ XX.

Truyện ngắn Thạch Lam không hấp dẫn bạn đọc bằng những chi tiết xung đột gay cấn, mà gây xúc động độc giả bằng lối kể chuyện tâm tình, tâm sự về những cảnh đời, cảnh sống tối tăm, tù túng, tội nghiệp. Văn Thạch Lam nhẹ nhàng, thủ thỉ nhưng có sức ám ảnh lớn. Là lối truyện tâm tình, không có cốt truyện, toàn truyện không hề có hành động phát triển xung đột mà chỉ toát lên một tâm trạng, một không khí nhưng lại rất thực, rất đời.

Trở về là một trong những truyện ngắn ấn tượng của nhà văn Thạch Lam, in trong tập Gió đầu mùa xuất bản năm 1937.

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Lựa chọn đáp án đúng ( Mỗi câu 0,5 điểm):

Câu 1: Xác định ngôi kể của truyện.

  1. Ngôi thứ nhất (người kể chuyện hạn tri)
  2. Ngôi thứ hai
  3. Ngôi thứ ba (người kể chuyện toàn tri)
  4. Kết hợp ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba

Câu 2: Tác giả chọn điểm nhìn

  1. Từ nhân vật người mẹ
  2. Từ nhân vật Tâm
  3. Từ nhân vật cô gái tên Trinh
  4. Từ nhân vật vợ Tâm

Câu 3: Sự việc nào làm nảy sinh tâm trạng của nhân vật Tâm?

  1. Sự trở về bất ngờ thăm mẹ ở quê
  2. Chuyến nghỉ mát miễn phí.
  3. Sự trở về trong sự tính toán tiện đi nghỉ mát không mất tiền, tiện về thăm nhà.
  4. Sự trở về quê hương với khao khát mong chờ, nhớ mong người mẹ già từ lâu.

Câu 4: Xác định chủ đề của văn bản

  1. Sự vô tâm, bất hiếu của người con tham phú phụ bần
  2. Hình ảnh làng quê nghèo nhưng trong trẻo, bình yên trong kí ức nhân vật chính
  3. Người con hiếu thảo, hết lòng vì gia đình
  4. Tình yêu trong trong sáng, tinh khôi của người làng quê

Câu 5: Hành động và suy nghĩ của Tâm qua những câu văn: “Rồi Tâm mở ví lấy ra bốn tấm giấy bạc 5 đồng đưa cho mẹ. Tâm hơi kiêu ngạo, trước mặt cô Trinh, chàng nói:

– Đúng hai chục, bà cầm lấy mà tiêu, có thiếu tôi lại gửi về cho….

– Ra đến ngoài Tâm nhẹ hẳn mình. Chàng tự cho đã làm xong bổn phận” cho ta hiểu gì về Tâm?

  1. Một con người có trách nhiệm với gia đình cha mẹ
  2. Một con người sống thực dụng, vô cảm, coi nặng vật chất
  3. Một con người quá tự tin và kiêu ngạo nên đã thành vô tình quên đi tình cảm với gia đình, với cha mẹ, coi nặng vật chất, suy nghĩ thực dụng.
  4. Một đứa con hiếu thảo, biết chăm lo.

Câu 6: Thái độ của Tâm khi gặp trò chuyện với mẹ và cô Trinh

  1. Thờ ơ, lạnh nhạt
  2. Hơi ghét, lơ đãng, dửng dưng, khó chịu
  3. Khinh thường, cảm thấy vô vị
  4. Vui mừng, phấn khởi

Câu 7: Đặc sắc nghệ thuật nào không có trong văn bản:

  1. Tả cảnh
  2. Miêu tả tâm trạng nhân vật
  3. Trào phúng châm biếm sắc sảo
  4. Tả cảnh ngụ tình

 

Trả lời câu hỏi:

Câu 8 (0,5điểm): Thông qua văn bản em thấy nhân vật Tâm là người thế nào?

Câu 9 (1,0 điểm): Em hãy nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật trong đoạn trích trên?

Câu 10 (1,0 điểm):

 Thông qua văn bản “Trở về”, nhà văn muốn gửi đến thông điệp gì ?

 

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Văn bản trên có sự kết hợp giữa các phương thức biểu đạt nào? Tác dụng của sự kết hợp các phương thức biểu đạt trên ? (1,0 điểm)

Câu 2: Xác định chủ đề của văn bản. Em nhận xét như thế nào về chủ đề ấy? (1,0 điểm)

Câu 3: Nhận xét thái độ, tình cảm của người mẹ Tâm dành cho con? (1,0 điểm)

Câu 4: Vai trò của yếu tố miêu tả, biểu cảm trong truyện (1,0 điểm)

Câu 5: Em hãy nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật trong đoạn trích trên? (1,0 điểm)

Câu 6: Thông qua văn bản “Trở về”, thông điệp nào có ý nghĩa nhất với em ? Vì sao? (1,0 điểm)

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm trên.

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

  1. ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Câu 1. C

Câu 2. B

Câu 3. C

Câu 4. A

Câu 5. C

Câu 6. B

Câu 7. C

Câu 8. Thông qua văn bản em thấy nhân vật Tâm là người:

– Là người hám danh lợi, dễ dàng lãng quên quá khứ nghĩa tình và nơi chôn rau cắt rốn của mình.

– Là con người thực dụng, bội bạc và vô tình, vô cảm.

Câu 9. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật trong đoạn trích trên:

– Miêu tả tinh tế các sắc thái tâm trạng như nhập thân vào nhân vật

– Ngôn ngữ trong sáng, gợi cảm

– Giọng điệu nhẹ nhàng, giàu chất trữ tình

– Dùng thủ pháp tương phản đối lập ( người mẹ và Tâm)

– Dựng đối thoại sinh động

Câu 10: Thông điệp (HS có thể chọn trong các thông điệp sau)

– Phải biết ơn, có hiếu với người sinh thành nuôi dưỡng mình

– Phải biết ơn quê hương, nơi chúng ta lớn lên, nơi chon giấu biết bao kỉ niệm thời ấu thơ.

– Sống có chí hướng, mục đích, lý tưởng nhưng cũng không chạy theo đồng tiền, danh lợi mà lãng quên quá khứ, lãng quên cội nguồn

– Con người cần tự nhận thức bản thân, biết trân trọng quá khứ, sống có ích trong hiện tại và hướng tới tương lai

– Không được vô cảm, vô tâm với chính những người thân của mình…

– Cần biết lên án những người ham vật chất, hư vinh mà quên đi quá khứ; phải biết trân trọng những người, những việc đã giúp mình trưởng thành và cho mình cuộc sống ở hiện tại.

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Văn bản trên có sự kết hợp giữa các phương thức biểu đạt: tự sự, biểu cảm, miêu tả.

Việc kết hợp các phương thức trên: Yếu tố miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự giúp sự việc được thể hiện cụ thể, tính cách nhân vật được khắc họa rõ nét, làm cho việc kể chuyện thêm sinh động, sâu sắc hơn, đồng thời thể hiện được thái độ, tình cảm của người kể.

Câu 2: Xác định chủ đề của văn bản:

– Trở về là một truyện ngắn dễ hiểu với cốt truyện đơn giản nhưng chứa đựng trong đó là bài học về đạo hiếu làm con đáng suy ngẫm.Văn bản là lời nhắc nhở, lên án sự vô tâm, bất hiếu của người con tham phú phụ bần.

– Con người sống trên đời cần phải biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của cha, mẹ làm tròn chữ hiếu. Hình tượng nhân vật Tâm: điển hình cho một bộ phận không nhỏ trong xã hội hiện đại. Nhà văn phê phán thâm trầm, sâu sắc những con người chạy theo danh lợi mà chà đạp quá khứ. Chủ đề mang tính cấp thiết trong xã hội đương thời khi sự băng hoại đạo đức, con người chạy theo đồng tiền, sống vô cảm…

Câu 3: Tình mẫu tử thiêng liêng

– Người mẹ cảm động đến ứa nước mắt không nói được khi con về thăm quê. Người mẹ nghèo thương con, chăm lo cho con. Người mẹ già yếu luôn quan tâm đến con, gửi thư và lo nghĩ không biết cách lên thành phố thăm con khi con ốm. Dù cho thái độ của Tâm lạnh nhạt nhưng mẹ vẫn niềm nở, nhìn anh bằng ánh mắt âu yếm, ân cần hỏi han, kể cho con nghe về những công việc và cách làm ăn ngày một khó khăn ở quê…

Câu 4. Vai trò của yếu tố miêu tả, biểu cảm trong truyện:

– Làm cho câu chuyện trở lên sinh động, hấp dẫn

– Yếu tố miêu tả giúp người đọc hình dung ra khung cảnh yên bình, nghèo khổ, nhọc nhằn nhưng đầy tình nghĩa của cảnh quê, người quê qua hình ảnh mẹ Tâm và cô Trinh

– Yếu tố biểu cảm giúp thể hiện rõ diễn biến tâm trạng của nhân vật- Tâm (nhân vật chính của truyện)

Câu 5. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật trong đoạn trích trên:

– Miêu tả tinh tế các sắc thái tâm trạng như nhập thân vào nhân vật

– Ngôn ngữ trong sáng, gợi cảm

– Giọng điệu nhẹ nhàng, giàu chất trữ tình

– Dùng thủ pháp tương phản đối lập ( người mẹ – Tâm)

– Dựng đối thoại sinh động

– Truyện sử dụng ngôi kể thứ ba, điểm nhìn đặt vào nhân vật Tâm

Câu 6. Thông điệp

– Phải biết ơn, có hiếu với người sinh thành nuôi dưỡng mình

– Phải biết ơn quê hương, nơi chúng ta lớn lên, nơi chon giấu biết bao kỉ niệm thời ấu thơ.

– Sống có chí hướng, mục đích, lý tưởng nhưng cũng không chạy theo đồng tiền, danh lợi mà lãng quên quá khứ, lãng quên cội nguồn

– Con người cần tự nhận thức bản thân, biết trân trọng quá khứ, sống có ích trong hiện tại và hướng tới tương lai

– Không được vô cảm, vô tâm với chính những người thân của mình…

– Cần biết lên án những người ham vật chất, hư vinh mà quên đi quá khứ; phải biết trân trọng những người, những việc đã giúp mình trưởng thành và cho mình cuộc sống ở hiện tại.

  1. LÀM VĂN
  2. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm truyện.

– Nêu yếu tố nổi bật sẽ phân tích, đánh giá.

Thạch Lam là cây bút tiêu biểu của nhóm Tự lực văn đoàn.

Sức hấp dẫn của văn Thạch Lam là ở lối viết truyện không có cốt truyện, thủ thỉ, tâm tình với những diễn biến tinh tế trong tâm hồn nhân vật để gửi gắm những triết lí nhân sinh đáng quý.

– Trở về in trong tập Gió đầu mùa (1937) của Thạch Lam là một truyện ngắn dễ hiểu với cốt truyện đơn giản nhưng những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đã để lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm về đạo lý làm con.

  1. Thân bài:

* Nêu các điểm nổi bật về nội dung, ý nghĩa tác phẩm

– Tóm tắt: Truyện xoay quanh cuộc sống của nhân vật chính là Tâm. Tâm được nuôi dưỡng và giáo dục bởi người mẹ yêu thương và quan tâm. Khi anh ta dần bước vào cuộc sống thành phố, với những tham vọng và cuộc sống danh vọng hào nhoáng, Tâm dần quên đi người mẹ già yếu ở quê nhà. Khi cuối cùng anh quay trở về thăm quê hương, Tâm đối xử với mẹ một cách lạnh nhạt và tỏ thái độ kiêu căng. Người mẹ già nua, còm cõi Tâm không quan tâm và chỉ lo sợ mẹ sẽ khóc và gặp những lời chỉ trích từ những người khác. Tâm đã bị cuộc sống đô thị biến đổi và lòng tham lam thay đổi, khiến anh trở nên vô tình và xa lạ với tình cảm gia đình và gốc rễ của mình.

– Nội dung: Đoạn trích miêu tả cuộc trở về thăm quê sau khi công thành danh toại, lấy vợ lập nghiệp nơi xa của Tâm. Một cuộc trở về trong sự miễn cưỡng, giả tạo, lạnh nhạt.

+ Có đến năm, sáu năm nay, Tâm không về thăm quê nhà. Trong thời gian ấy, ở Hà Nội, Tâm gắng sức làm việc để giành một cái địa vị trong xã hội. Chàng lấy vợ, con một nhà giàu có, cũng không cho mẹ biết.

+Tâm chán ghét quá khứ ở quê nghèo: Những kỷ niệm cũ đối với chàng bây giờ thành ra trẻ con và vô vị. Tâm muốn cắt đứt với quá khứ và cuộc sống nghèo khổ chốn quê nhà, chối từ họ hàng, hàng xóm.

+ Thậm chí Tâm còn chối bỏ chính mẹ mình, Tâm tin rằng đã làm đủ bổn phận khi mỗi tháng gửi về giúp bà cụ một số tiền, giấu không cho vợ biết.

+ Tiện đi nghỉ mát thì về thăm mẹ nhưng tỏ ra thái độ thờ ơ, lạnh nhạt trước hững câu hỏi và sự săn sóc của bà cụ về công việc của chàng.

+ Hành động chối từ mẹ và rút từ trong ví  4 tâm giấy bạc 5 đồng

=> người con lạnh lùng, vô cảm với chính mẹ đẻ mình, coi khinh, tự phụ người làng quê

+ Mẹ của Tâm là một người mẹ nghèo khổ, thương con, giàu lòng bao dung, nhân ái

Giữa Tâm và quá khứ tuy nghèo nhưng đầy tình nghĩa đã có một bờ rào ngăn cách, đó là xe ô tô, tiền tài, danh vọng, cái đời sang trọng, sung sướng. Hắn thảnh thơi, hưởng thụ mà mặc nhiên rũ bỏ những điều mà người mẹ nghèo khổ hy sinh cho mình.

* Phân tích cái hay, cái đẹp của các yếu tố nghệ thuật hoặc hình ảnh đặc sắc.

– Truyện không có nhiều sự kiện, cốt truyện đơn giản nhưng để lại nhiều day dứt trong lòng độc giả.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật: nhân vật miêu tả qua hành động, ngôn ngữ đặc biệt là suy nghĩ nội tâm. Nhà văn tạo sự tương phản đối lập giữa người mẹ và đứa con. Người mẹ già yếu hiền lành bao dung và giàu tình cảm với đứa con khỏe khoắn mạnh mẽ giỏi giang mà bất nghĩa bất nhân lạnh lùng. Qua đó, tác giả cất tiếng phê phán và bày tỏ nỗi chua xót về lòng người

Truyện sử dụng ngôi kể thứ ba, điểm nhìn đặt vào nhân vật Tâm giúp cho câu chuyện như một dòng nhật ký của nhân vật nhưng đồng thời dễ dàng đan xen những lời bình luận, linh hoạt trong không gian kể chuyện góp phần làm nổi bật chủ đề của truyện Thay đổi điểm nhìn, từ bên ngoài, khách quan dần chuyển vào tâm trạng nhân vật nhấn mạnh hơn sự tha hóa biến chất của Tâm.

* Đánh giá (Nhận xét, bình luận), nâng cao, mở rộng.

– Nhân vật Tâm điển hình cho một bộ phận không nhỏ trong xã hội hiện đại. Nhà văn phê phán thâm trầm, sâu sắc những con người chạy theo danh lợi mà chà đạp quá khứ.

– Dẫu luôn muốn che giấu quá khứ bằng sự lãnh đạm thường trực song ẩn sâu bên trong thâm tâm, Tâm vẫn còn chút gì đó xúc động khi đặt chân lên mảnh đất quê hương=>Tác giả đã tinh tế khi xen kẽ chi tiết đắt giá này, làm nổi bật một điều rằng bản chất con người vốn không xấu xa, chỉ là bị lợi danh trước mắt làm khuất lấp những giá trị tốt đẹp. Đây cũng là tinh thần nhân đạo nổi bật trong các trang viết của Thạch Lam, sự khám phá tinh vi về nội tâm giúp ông thành công khi khai thác mảng truyện ngắn.

– Liên hệ tác phẩm cùng đề tài

– Bài học rút ra.

  1. Kết bài:

– Khái quát về giá trị của các yếu tố đã phân tích đối với tác phẩm.

– Nêu ấn tượng và cảm xúc của người viết về các yếu tố đã phân tích; giá trị, hiệu quả tác động tới bạn đọc.

 

Bài viết tham khảo:

“Chỉ cần một số ít trang văn xuôi mà họ (các bậc thầy về truyện ngắn) có thể làm nổ tung trong tình cảm và ý nghĩ người đọc những điều rất sâu xa và da diết của con người, khiến người đọc phải nhớ mãi, suy nghĩ mãi, đọc đi đọc lại vẫn không thấy chán”. (Nguyễn Minh Châu). Và mỗi khi lật dở trang văn của Thạch Lam biết bao cảm xúc sẽ chạy qua trái tim người đọc! Với tác phẩm “Trở về” ngay từ những dòng đầu truyện người đọc xúc động, trăn trở theo cho đến những câu chữ cuối cùng với những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

“Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc. Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời.” – (Nhà văn Nguyễn Tuân tâm sự). Sức hấp dẫn của văn Thạch Lam là ở lối viết truyện phong phú , thủ thỉ tâm tình với những với những diễn biến tinh tế trong tâm hồn nhân vật để gửi gắm những triết lý sống đáng quý. Truyện ngắn “Trở về” in trong tập “Gió đầu mùa “ ( 1937 ) của Thạch Lam là 1 truyện ngắn dễ hiểu với cốt truyện đơn giản nhưng những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đã để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về đạo lý làm con

Truyện ngắn xoay quanh cuộc sống của nhân vật tên là Tâm. Tâm được nuôi dưỡng và giáo dục bởi người mẹ quan tâm và yêu thương . Khi anh ta dần bước vào cuộc sống thành phố đô thị với những tham vọng và cuộc sống hào nhoáng, Tâm dần quên đi người mẹ già yếu nơi quê nhà. Cuối cùng, anh quay trở về thăm quê hương, Tâm đối xử với người mẹ một cách lạnh nhạt và tỏ ra vẻ kiêu căng và chỉ lo sợ mẹ sẽ khóc khi gặ những lời chỉ trích từ người khác. Tâm đã bị cuộc sống đô thị biến đổi và lòng tham lam khiến anh trở nên vô tình xa cách với tình cảm gia đình, xa cách với người mẹ nay đã già yếu. Qua câu chuyện với văn phong nhẹ nhàng , hình ảnh là lát cắt của những chi tiết nhỏ nhặt trong rất dễ lãng quên trong cuộc sống thường nhật khiến cho người đọc xót xa trước hoàn cảnh éo le mà khốn khó, lối sống thực dụng và bội bạc của nhân vật chính .

Đoạn trích miêu tả cuộc sống trở về thăm quê sau khi thành công, lập nhiệp có 1 quá khứ tươi đẹp được người mẹ và hàng xóm hết mực yêu thương. Mẹ anh nuôi nấng cho anh ta ăn học tử tế thành 1 người có công ăn việc làm ổn định. Tâm lấy 1 người vợ giàu có trên thành phố có nhà đẹp, xe đẹp và từ đó, anh ta quên hẳn mẹ , quên đi tình cảm của những người ở quê đã dành cho mình. Đến những năm sau này, anh ta không về quê mà ở lại Hà Nội và có được cho mình một địa vị trong xã hội. Anh lấy vợ ,có con mà không cho mẹ biết. Những kỉ niệm cũ đối với anh giờ trở thành những trò trẻ con vô vị. Tâm đã chọn cách trốn tránh quá khứ , anh ghét bỏ những người ở quê và cho rằng họ lôi thôi. Anh không mảy may đến việc liên lạc hay nhắn nhủ bất cứ điều gì tới mẹ hay những người ở quê. Vẫn đưa tiền đều đặn cho mẹ và làm tròn bổn phận của 1 người con. Nhưng anh không hề hay biết người mẹ ở quê nay đã già và điều mà bà mong mỏi chỉ là được nhìn thấy người con trai. Nhưng Tâm không hiểu, anh không hiểu cảm xúc của mẹ và chỉ quan tâm đến cảm xúc của bản thân bởi anh đã trải qua bao cay đắng mới đến được ngày hôm nay. Giấu đi tất cả những kỉ niệm trong lòng nơi có người mẹ nay đã già và không thể sống 1 cuộc sống chân thực. Thật chua xót khi ta thấy được 1 mặt trái của xã hội khi một người con lại cảm thấy xấu hổ về mẹ mình .Nghĩ rằng chỉ mấy đồng tiền đã làm đủ trọng trách. Đến đây người đọc thầm trách Tâm đúng là người con bất hiếu.Tâm là một người có chí tiến thủ không ngừng nhưng lại là con người vô ơn bạc bẽo quên đi những năm tháng mà người mẹ một hai sương chăm sóc cho chàng khôn lớn. Nếu như không có mẹ thì sẽ chẳng có Tâm như ngày hôm nay. Nhưng có lẽ ta cũng đồng tình với sự nỗ lực vượt khó của anh ta để đổi đời.

Trong một lần đi nghỉ mát thì Tâm liền về thăm mẹ nhưng anh lại tỏ ra thái độ thờ ơ lạnh nhạt trước những câu hỏi và sự săn sóc của bà cụ về công việc của chàng khi về quê anh khinh bỉ,ghẻ lạnh,coi thường người thân hàng xóm của mình.Anh coi thường họ sống ở nông thôn bởi anh đã quen với nơi trang trọng,ánh đèn của thành thị.Khi nhìn những đứa trẻ nhà quê chân trần truồng Tâm lại nhớ đến wuas khứ của mình.Anh cảm thấy tự phụ vì mình đã thay đổi được số phận .Gặp lại người mẹ già ,mặc bộ áo cũ kĩ mấy năm về trước,trước cảm xúc xúc động đến ứa nước mắt thì đáp người mẹ ấy là “ câu nói như khó khăn mới ra khỏi miệng được”.”Bà ở đây một mình thôi à?”Câu nói ấy đã thể hiện sự xa cách ,lạnh lùng của người con lâu ngày không gặp lại mẹ.Nhưng cũng có thể do lâu ngày quá nên chàng không biết nói gì .Biết được sự lạnh đạm của mình anh đã hỏi thêm. Khi người mẹ kể về người thân, hàng xóm câu thờ ơ cảm thấy coi thường người ở quê vì không chịu thây đổi. Đến người mẹ đã đứt ruột đẻ ra mình Tâm còn chẳng mảy may quan tâm đoái hoài gì đến:”đọc bức thư mà người mẹ gửi đến chỉ đọc thoáng qua không để ý đến”thì những người hàng xóm họ hàng đối với anh ta có là gì. Bằng tâm thế của một người giàu có luôn coi mình hơn người Tâm luôn nhìn những người đồng hương bằng thái độ khinh bỉ, coi thường. Được người mẹ săn sóc,chăm lo cho từng li từng tí đến khi ra về vẫn quan tâm, mong mỏi khi nào con sẽ lại ghé thăm . Nhưng đáp lại sự mong mỏi ,chờ đợi tình yêu thương của người mẹ là sự kiêu ngạo “Tâm lấy ví ra bốn tấm giấy bạc năm đồng đưa cho mẹ” Tâm hơi kiêu ngạo, trước mặt cô Trinh “Đúng hai chục,bà cầm lấy mà tiêu có thiếu tôi lại gửi về cho”. Hành động ấy đã khiến cho người đọc vô cùng đau đớn, xót xa cho tình mẫu tử thiêng liêng, bức xúc vì sự kiêu ngạo coi thường người nghèo, khinh thường người làng quê của Tâm

Mẹ vừa Tâm là một người nghèo khổ thương con giàu lòng bao dung, nhân ái. Giữa Tâm và quá khứ tuy nghèo nhưng đầy tình nghĩa đã có một bờ rào ngăn cách đó là xe ô tô,tiền tài danh vọng,cái đời trang trọng,sung sướng. Hắn thảnh thơi ,hưởng thụ mà mặc nhiên rũ bỏ những điều mà người mẹ hi sinh vì mình.

Qua câu chuyện ta thấy được một triết lí khi con người chạy theo những danh lợi sẽ quên đi những điều xưa cũ : “Tâm tự giễu khi nhớ lại quá khứ”. Tác giả đã rất tinh tế khi xen kẽ nhiều chi tiết để làm nổi bật lên bản chất con người vốn không xấu xa mà chỉ là bị danh lợi trước mắt làm khuất lấp những giá trị tốt đẹp.Truyện khắc họa sự vô ơn đáng trách của đứa con bất hiếu.Có thể nói tác phẩm đã xây dựng thành công thông qua việc miêu tả hành động ,ngôn ngữ đặc biệt là suy nghĩ nội tâm .Thông qua nhân vật này, nhà văn phê phán những con người chạy theo danh lợi mà chà đạp quá khứ, phủ nhận những giá trị đích thực của cuộc đời.

Thạch Lam cũng rất thành công trong việc xây dựng nhân vật. Nhân vật được miêu tả qua hành động, ngôn ngữ đặc biệt là suy nghĩ nội tâm. Nhà văn đã tạo sự tương phản đối lập giữa người mẹ già yếu hiền lành ,có lòng bao dung và giàu tình cảm  và đứa con khỏe khoắn mạnh mẽ nhưng thờ ơ, lạnh lùng . Qua đó, tác giả cất tiếng bày tỏ nỗi chua xót về lòng người.

Truyện được kể ngôi thứ ba với điểm nhìn được đặt vào nhân vật Tâm giúp cho câu chuyện như một dòng nhật kí của nhân vật đồng thời đã dễ dàng đan xen những lời bình luận linh hoạt trong không gian kể chuyện góp phần làm nổi bật chủ đề của truyện. Thay đổi điểm nhìn từ bên ngoài ,khách quan dần chuyển vào tâm trạng nhân vật nhấn mạnh sự tha hóa biến chất của Tâm. Đặc biệt bậc nhất của Thạch Lam đó là ông luôn viết ít nhưng luôn để lại ấn tượng đậm nét. Câu chuyện tuy không có nhiều tình tiết nhưng dòng suy nghĩ của nhân vật được Thạch Lam khai phá tìm tòi và lột tả trọn vẹn qua ngòi bút tinh tế nhẹ nhàng mà sâu sắc

Nhân vật Tâm điển hình cho một bộ phận không nhỏ trong xã hội hiện đại. Nhà văn phê phán thâm trầm, sâu sắc những con người chạy theo danh lợi mà chà đạp quá khứ :”Đã có lúc Tâm tự giễu mình khi nhớ lại ước mơ còn nhỏ “ kí ức trong trẻo ấy khiến anh ta cảm thấy nực cười , cuộc sống bon chen chà đạp lên chính quá khứ của bản thân .Tuy khi về quê anh nhớ lại những kỉ niệm đen tối nhưng có lẽ với anh nó vẫn là 1 phần quan trọng của cuộc đời khiến anh xúc động khi vừa đặt chân đến làng quê. Tác giả đã tinh tế khi xen kẽ chi tiết đắt giá này, làm nổi bật một điều rằng bản chất con người vốn không xấu xa, chỉ là bị lợi danh trước mắt làm khuất lấp những giá trị tốt đẹp. Đây cũng là tinh thần nhân đạo nổi bật trong các trang viết của Thạch Lam, sự khám phá tinh vi về nội tâm giúp ông thành công khi khai thác mảng truyện ngắn. Cùng đề tài với truyện ngắn là tác phẩm “Ánh Trăng” của Nguyễn Duy :

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

Khi con người quen với ánh điện cửa gương ,cuộc sống thành thị khiến họ quên bẵng đi người bạn tri kỉ một thời .Qua đoạn trích, nhà văn ngầm nhắc nhở mỗi chúng ta cần phải tôn trọng quá khứ, sống trọng tình trọng nghĩa biết yêu thương ,đồng cảm . Biết quan tâm đến người khác, phê phán những người chà đạp quá khứ .

Người làm văn nhờ xúc cảm dồi dào, mà viết thành văn, thì người đọc cũng phải biết rẽ văn mà thâm nhập vào tình cảm” (Lưu Hiệp). Có thể nói giá trị của một tác phẩm văn học không nằm ở những ca tụng hoa mĩ của các nhà phê bình, mà là ở cách nó mang đến rung cảm cho người đọc, khiến chúng ta hạnh phúc, buồn, vui cùng trang viết. Truyện ngắn “ Trở về “ là minh chứng mạnh mẽ cho sức sống của văn chương Thạch Lam trải qua nhiều thách thức của thời gian sáng tác của ông ngày càng trở nên sáng ngời với giá trị nhân văn cao cả , sức sống mãnh liệt mà nó mang lại với giá trị nhân văn cao cả, có sức sống hấp dẫn kì diệu với thế hệ độc giả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *