Đề đọc hiểu + viết bài văn nghị luận phân tích Một bữa no của Nam Cao

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

 (Lược phần đầu: Chồng mất sớm, bà lão cả đời cặm cụi nuôi con. Đứa con trai chết, vợ nó đi lấy chồng, bà một mình nuôi cháu gái. Do nghèo khổ, bà phải bán cháu gái cho bà phó Thụ. Bị ốm một trận thập tử nhất sinh, không thể đi buôn như trước, cũng không ai thuê làm, bà thường xuyên phải nhịn đói. Một hôm, bà đến nhà bà phó Thụ thăm cháu gái. Đói quá, bà nấn ná ở lại để được ăn cơm.)

Bà vào nhà, ngồi xón vén vào một xó ngay xuống đất. Bà phó cất lấy con. Cái đĩ lụt cụt chạy xuống nhà dưới. Một lát sau, tiếng đũa bát bắt đầu lạch cạch… Bà phó bảo:

– Bà xuống dưới này mà ăn cơm.

Bà bế con ra. Bà lão theo sau. Tiếng khung cửi đã ngừng. Mấy cô dệt cửi đều là con gái hoặc con nuôi bà phó Thụ, đang tới tấp, cô xới cơm, cô bỏ rau, cô sẻ mắm, chung quanh cái mâm gỗ đặt ngay trên mặt đất. Cả nhà quây quần vào, chỉ ngồi có một mâm. Bà lão chẳng đợi ai phải bảo, ngồi ngay xuống cạnh cháu, tay run run so đũa. Trông bà so đũa mà ngứa mắt! Bà phó muốn giật xoét lấy làm thật nhanh cho đỡ bực. Nhưng bà nhịn đuợc. Bà chỉ chép miệng và lừ lừ đôi mắt, tỏ ý khó chịu. Cái đĩ hiểu nên chỉ nhìn xuống đất. Nó giận bà nó lắm. Nó đã bảo bà nó về đi mà bà nó không chịu về…

Bà phó chẳng nói nửa lời, bê lấy bát cơm ăn. Mặt bà vẫn hầm hầm. Lũ con gái, con nuôi, con ở, biết hiệu, vội vàng cũng làm theo. Chậm một tí, bà chửi cho phải biết! Có khi bà hắt cả bát cơm vào mặt. Bà lão nhìn vòng quanh một lượt, rồi cũng cất bát cơm lên:

– Mời bà phó…

Nhưng bà vừa mới há mồm ra thì bà phó đã cau mặt quát:

– Thôi, bà ăn đi! Đừng mời!

Bà lão vội vàng ăn ngay. Nhưng họ ăn nhanh quá. Mọi người đều lặng lẽ, cắm cúi, mải mốt. Đôi đũa này lên lại có đôi khác xuống. Liên tiếp luôn như vậy. Cứ tăm tắp tăm tắp. Tay bà lão lờ rờ, không biết lợi dụng lúc nào để gắp rau vào bát mắm. Lập cập quá, bà đánh rơi cả mắm ra ngoài bát. Bà phó lại cau mặt, gắt:

– Sẻ riêng cho bà ấy một bát mắm, để ra cạnh mâm cho bà ấy!

Một cô vội làm ngay. Từ đấy, bà lão dễ xoay xở hơn một chút. Nhưng bà mới ăn chưa hết hai lượt cơm thì bà phó đã quăng bát đũa xuống đất. Chỉ một thoáng sau, mọi nguời khác cũng thôi. Họ thôi gần đều một lượt. In như bà mẹ ra hiệu cho họ vậy. Thật ra thì lệ mỗi người chỉ được ăn có ba vực cơm thôi. Mà phải ăn nhanh để còn làm. Nhưng bà lão nhà nghèo, đã quen sống vô tổ chức, làm gì hiểu trong những nhà thừa thóc, thừa tiền, lại có sự hạn chế miệng ăn như vậy? Bà đoán rằng họ khảnh ăn. No dồn, đói góp. Người đói mãi, vớ được một bữa, tất bằng nào cũng chưa thấm tháp. Nhưng người no mãi, người ta có cần ăn nhiều lắm đâu. Vậy thì bà cứ ăn. Ăn đến kì no. Đã ăn rình thì ăn ít cũng là ăn. Đằng nào cũng mang tiếng rồi thì dại gì mà chịu đói? Bà ăn nữa thật. Cái đĩ ngượng quá, duỗi cổ ra, trợn mắt, nuốt vội mấy miếng cơm còn lại như một con gà con nuốt nhái. Rồi nó buông bát đũa. Bà bảo cháu:

– Ăn nữa đi, con ạ. Nồi còn cơm đấy. Đưa bát bà xới cho.

Nó chưa kịp trả lời thì bà phó đã mắng át đi:

– Mặc nó! Nó không ăn nữa! Bà ăn bằng nào cho đủ thì cứ ăn!

À! Bây giờ thì bà lão hiểu. Người ta đứng lên tất cả rồi. Chỉ còn mình bà lão ngồi ăn với bà phó Thụ ngồi lại để lườm với nguýt. Nhưng bà lão còn thấy đói. Còn cơm mà thôi ăn thì khí tiếc. Vả đã đi ăn chực thì còn danh giá gì mà làm khách. Bà cứ ăn như không biết gì. Đến khi bà đã tạm no, thì cơm vừa hết. Chỉ còn một ít bám dưới đáy và chung quanh nồi. Bà vẫn tiếc. Bà kéo cái nồi vào lòng, nhìn, và bảo con bé cháu:

– Còn có mấy hột để nó khô đi mất. Tao vét cho mày ăn nốt đi kẻo hoài, đĩ nhé?

– Khô mặc kệ nó! Bà có ăn được hết thì ăn đi, đừng bảo nó. Nó không ăn vào đâu được nữa. Ăn cho nó nứt bụng ra thì ăn làm gì?

Bà phó vội gắt gỏng bảo thế. Ừ, thì bà ăn nốt vậy! Bà cạo cái nồi sồn sột. Bà trộn mắm. Bà rấm nốt. Ái chà! Bây giờ thì bà no. Bà bỗng nhận ra rằng bà no quá. Bụng bà tưng tức. Bà nới thắt lưng ra một chút cho dễ thở. Bà tựa lưng vào vách để thở cho thỏa thích. Mồ hôi bà toát ra đầm đìa. Bà nhọc lắm. Ruột gan bà xộn xạo. Bà muốn lăn kềnh ra nghỉ, nhưng sợ người ta cười, cố gượng. Ôi chao! Già yếu thì khổ thật. Đói cũng khổ mà no cũng khổ. Chưa ăn thì người rời rã. Ăn rồi thì có phần còn nhọc hơn chưa ăn. Ôi chao!…

Xế chiều hôm ấy, bà lão mới ra về được. Bà bảo: về muộn cho đỡ nắng. Thật ra thì bà tức bụng, không đi nổi. Mà bà uống nhiều nước quá. Uống bằng nào cũng không đã khát. Bà chỉ càng thêm tức bụng. Đêm hôm ấy, bà lăn lóc rất lâu không ngủ được. Bà vần cái bụng, bà quay vào lại quay ra. Bụng bà kêu ong óc như một cái lọ nước. Nó thẳng căng. Bà thở ì ạch. Vào khoảng nửa đêm, bà thấy hơi đau bụng. Cơn đau cứ rõ thêm, cứ tăng dần. Chỉ một lúc sau, bà đã thấy đau quắn quéo, đau cuống cuồng. Rồi bà thổ. Rồi bà tả. Ôi chao! Ăn thật thì không bõ mửa. Bà tối tăm mặt mũi. Đến khi bệnh tả dứt thì bà lại sinh chứng đi lị. Ruột bà đau quằn quặn. Ăn một tí gì cũng đau không chịu được. Luôn nửa tháng trời như vậy. Rồi bà chết. Bà phó Thụ, nghe tin ấy, bảo: “Bà chết no”. Và bà dùng ngay cái chết ấy làm một bài học dạy lũ con gái, con nuôi:

– Chúng mày xem đấy. Người ta đói đến đâu cũng không thể chết nhưng no một bữa là đủ chết. Chúng mày cứ liệu mà ăn tộ vào!…

(Trích Một bữa no – Nam Cao)

 

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Lựa chọn đáp án đúng ( Mỗi câu 0.5 điểm):

Câu 1: Xác định thể loại của văn bản:

Tiểu thuyết B. Truyện ngắn C. Tùy bút                 D. Kịch

Câu 2: Tác phẩm cùng đề tài với văn bản trên là:

Sang thu (Hữu Thỉnh) B. Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)

Lão Hạc (Nam Cao) D. Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long)

Câu 3: Truyện được kể theo ngôi thứ mấy?

Ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng “tôi”.

Ngôi thứ nhất, người kể chuyện là nhân vật người cháu.

Ngôi thứ ba, người kể chuyện giấu mình.

Ngôi thứ ba, người kể chuyện là bà phó Thụ.

Câu 4: Nhân vật chính trong câu chuyện trên là ai?

Người bà B. Người cháu C. Bà phó                  D. Đám con nuôi

Câu 5: Điểm nhìn của người kể chuyện có sự chuyển dịch sang điểm nhìn của nhân vật nào?

Người bà B. Người cháu C. Bà phó                  D. Cả A, B, C

Câu 6: Truyện “Một bữa no” sử dụng các hình thức ngôn ngữ nào?

Ngôn ngữ trực tiếp B. Ngôn ngữ gián tiếp

Ngôn ngữ nửa trực tiếp D. Cả 3 hình thức ngôn ngữ trên

Câu 7: Dòng nào nêu đúng dụng ý của tác giả khi xóa đi tên riêng của nhân vật?

Nhằm nhấn mạnh số phận chung của biết bao người nông dân nghèo khổ trong nạn đói.

Nhằm nhấn mạnh vẻ bề ngoài của nhân vật.

Nhằm nhấn mạnh tính cách của nhân vật.

Nhằm nhấn mạnh tâm trạng, thái độ của nhân vật.

Trả lời câu hỏi:

Câu 8 (0.5điểm):  Phân tích tác dụng của sự thay đổi điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật bà lão thể hiện trong những câu văn trích dưới đây:

 Bà đoán rằng họ khảnh ăn; Bây giờ thì bà lão hiểu; Nhưng bà lão còn thấy đói. Còn cơm mà thôi ăn thì khí tiếc. Vả đã đi ăn chực thì còn danh giá gì mà làm khách. Bà cứ ăn như không biết gì. Đến khi bà đã tạm no, thì cơm vừa hết. Chỉ còn một ít bám dưới đáy và chung quanh nồi. Bà vẫn tiếc..

Câu 9 (1.0 điểm): Theo em, bi kịch của nhân vật người bà trong đoạn trích trên là gì?

Câu 10 (1.0 điểm): Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn Nam Cao qua nhân vật người bà.

 

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Xác định đề tài của văn bản.

Câu 2: Sự việc được kể trong đoạn trích là sự việc gì?

Câu 3: Tìm những chi tiết kể về sự nhẫn nhục, hạ mình của bà lão để được ăn cơm. Lí giải vì sao bà phải nhẫn nhịn chịu đựng như vậy?

Câu 4: Theo em, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của nhân vật người bà là gì?

Câu 5: Truyện đề cập đến hiện tượng nào trong bộ phận người nông dân những năm đói?

Câu 6: Nam Cao có biệt tài là từ những điều nhỏ nhặt trong đời sống, đã nâng lên thành những vấn đề có ý nghĩa xã hội lớn lao. Điều đó được thể hiện như thế nào qua đoạn trích trên?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 500 chữ) phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm trên.

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết

ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Câu 1: B

Câu 2: C

Câu 3: C

Câu 4: A

Câu 5: D

Câu 6: D

Câu 7: A

Câu 8: Tác dụng của sự thay đổi điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật bà lão:

– Điểm nhìn chuyển dịch từ người kể chuyện sang nhân vật bà lão khiến Nam Cao có điều kiện đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật, miêu tả chân thực, sâu sắc, cụ thể hơn suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật người bà.

– Giúp câu chuyện trở nên linh hoạt, hấp dẫn hơn.

Câu 9: Người bà trong đoạn trích trên có số phận đầy bi kịch:

– Bi kịch vật chất: nghèo khổ, thường xuyên phải chịu đói.

– Bi kịch tinh thần: mất con, phải bán cháu, đánh mất cả lòng tự trọng để được ăn cuối cùngvẫn phải chết, chết no nhưng thực ra là chết đói, chết rồi vẫn mang tiếng xấu chết vì tham ăn.

Câu 10: Về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn Nam Cao qua nhân vật người bà:

– Đặt nhân vật trong tình huống “ăn chực” – buộc phải bộc lộ suy nghĩ, tính toán.

– Nam Cao chọn ngôi kể thứ 3 – ngôi kể khách quan, tuy nhiên, điểm nhìn của người kể chuyện lại chuyển dịch sang điểm nhìn của nhân vật người bà. Cách  kể kết hợp ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật tạo nên sự chân thực, hấp dẫn, giúp Nam Cao thâm nhập vào đời sống nội tâm của nhân vật bà lão. Suy nghĩ, tâm trạng nhân vật bà lão hiện lên chân thực, sống động.

– Giọng kể khách quan, lạnh lùng, pha chút bông đùa khi miêu tả tâm lí nhân vật tạo nên sức hấp dẫn của ngòi bút Nam Cao.

 

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Đề tài của văn bản: số phận người nông dân.

Câu 2: Sự việc được kể trong đoạn trích: Người bà ăn chực bữa cơm ở nhà phó Thụ – bà chủ của cháu gái.

Câu 3:

Những chi tiết kể về sự nhẫn nhục, hạ mình của bà lão để được ăn cơm:

+ Cố nán lại để được ăn cơm;

+ Bà ngồi xón vén vào một xó ngay xuống đất để chờ cơm;

+ Bị quát, bà lão “vội vàng ăn ngay”;

+ Mọi người đã đứng cả lên, bà lão vẫn ngồi ăn trong ánh mắt lườm nguýt của bà phó Thụ;

+ Bị gắt gỏng, sỉ nhục “ăn cho nứt bụng ra”, bà lão vẫn trệu trạo “rấm” nốt mấy hạt cơm cháy.

– Người bà phải nhẫn nhịn chịu đựng như vậy vì bà quá đói, bà muốn ăn một bữa no.

Câu 4:

– Cuối truyện, theo bà phó Thụ thì bà lão chết vì ăn quá no.

– Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của nhân vật người bà là do chết đói: vì đói, bà đã cố ăn cho thật no dẫn đến đau bụng, bị tả, bị lị mà chết. Nếu không phải vì đói, bà đã không phải ăn cho cố như vậy rồi chuốc họa vào thân.

Câu 5:

– Bà lão trong truyện đói quá mà cố nấn ná để được ăn, chấp nhận ăn trong thái độ khinh bỉ, coi thường, trong tiếng rỉa rói, gắt gỏng và ánh mắt lườm nguýt của chủ nhà.

– Qua đó, có thể thấy, truyện đề cập đến hiện tượng bộ phận người nông dân trước Cách mạng tháng Tám: vì đói mà bị tha hóa, đánh mất cả lòng tự trọng để có được miếng ăn.

Câu 6: Nam Cao có biệt tài là từ những điều nhỏ nhặt trong đời sống, đã nâng lên thành những vấn đề có ý nghĩa xã hội lớn lao. Trong đoạn trích trên, Nam Cao kể về điều nhỏ nhặt, đó là một bữa ăn no của nhân vật người bà. Nhưng từ bữa ăn ấy, Nam Cao đã đặt ra những vấn đề xã hội lớn lao: tình trạng người nông dân bị bần cùng hóa đến mức đánh mất cả nhân phẩm, lòng tự trọng. Đây là vấn đề nhức nhối được thể hiện trong nhiều trang viết của Nam Cao.

LÀM VĂN

Mở bài:

Kỉ niệm

             rơi

            như tiếng sỏi

             trong lòng giếng cạn

            Riêng những câu thơ còn xanh

            riêng những bài hát còn xanh”.

Đúng vậy, cuộc đời dù hữu hạn, kỉ niệm có thể quên, nhưng nghệ thuật thì lại bất tử với thời gian. Sức sống của một tác phẩm nghệ thuật đích thực là trường tồn. Người đọc nhớ mãi dòng tên Nam Cao cũng bởi những tác phẩm xuất sắc của ông. Trong đó phải kể đến “Một bữa no” – truyện ngắn xuất sắc viết về đề tài người nông dân.

Thân bài:

* Nêu các điểm nổi bật về nội dung, ý nghĩa tác phẩm

– Đề tài quen thuộc, nhưng Nam Cao đã thể hiện hướng đi riêng: đi sâu vào bi kịch vật chất và cả bi kịch tinh thần:

+ Bi kịch vật chất: nghèo khổ, thường xuyên phải chịu đói -> phân tích hoàn cảnh của bà lão.

+ Bi kịch tinh thần: mất con, phải bán cháu, đánh mất cả lòng tự trọng để được ăn cuối cùng

vẫn phải chết -> phân tích tình huống ăn chực để làm bật lên bi kịch tinh thần.

–  Từ tình huống “ăn chực” của bà lão, truyện đặt ra những vẫn đề xã hội lớn lao: Nam Cao có biệt tài là từ những điều nhỏ nhặt trong đời sống, đã nâng lên thành những vấn đề có ý nghĩa xã hội lớn lao. Trong đoạn trích trên, Nam Cao kể về điều nhỏ nhặt, đó là một bữa ăn no của nhân vật người bà. Nhưng từ bữa ăn ấy, Nam Cao đã đặt ra những vấn đề xã hội lớn lao: tình trạng người nông dân bị bần cùng hóa đến mức đánh mất cả nhân phẩm, lòng tự trọng. Đây là vấn đề nhức nhối được thể hiện trong nhiều trang viết của Nam Cao.

– Khái quát giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của tác phẩm.

* Phân tích cái hay, cái đẹp của các yếu tố nghệ thuật hoặc hình ảnh đặc sắc.

– Đặt nhân vật trong tình huống “ăn chực” – buộc phải bộc lộ suy nghĩ, tính toán.

– Nam Cao chọn ngôi kể thứ 3 – ngôi kể khách quan, tuy nhiên, điểm nhìn của người kể chuyện lại chuyển dịch sang điểm nhìn của nhân vật người bà. Cách  kể kết hợp ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật tạo nên sự chân thực, hấp dẫn, giúp Nam Cao thâm nhập vào đời sống nội tâm của nhân vật bà lão. Suy nghĩ, tâm trạng nhân vật bà lão hiện lên chân thực, sống động.

– Giọng kể khách quan, lạnh lùng, pha chút bông đùa khi miêu tả tâm lí nhân vật tạo nên sức hấp dẫn của ngòi bút Nam Cao.

* Đánh giá (Nhận xét, bình luận), nâng cao, mở rộng.

– So sánh với người vợ nhặt (Vợ nhặt – Kim Lân), lão Hạc (Lão Hạc – Nam Cao), mõ làng (Tư cách mõ – Nam Cao) -> vấ đề có ý nghĩa nhân sinh: người ta không tránh khỏi có những lúc đánh mất cả lòng tự trọng chỉ vì miếng ăn.

Kết bài:

“Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ

Như đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu”… ”

“Một bữa no” là một trong những trang sách như thế. Đó là câu chuyện thực sự xúc động, chạm đến trái tim người đọc – một truyện ngắn nhưng “không dừng lại ở trang cuối cùng”, khiến ta cứ ám ảnh mãi bởi cái chết vì một bữa no nhưng thực ra là chết vì đói của bà lão khốn khổ và không thôi day dứt bởi tình trạng con người bị bần cùng hóa đến mức đánh mất cả nhân phẩm, lòng tự trọng để được ăn.

 

Bài viết tham khảo (dẫn bài làm của HS):

 

Kỉ niệm

             rơi

            như tiếng sỏi

             trong lòng giếng cạn

            Riêng những câu thơ còn xanh

            riêng những bài hát còn xanh”.

Đúng vậy, cuộc đời dù hữu hạn, kỉ niệm có thể quên, nhưng nghệ thuật thì lại bất tử với thời gian. Sức sống của một tác phẩm nghệ thuật đích thực là trường tồn. Người đọc nhớ mãi dòng tên Nam Cao cũng bởi những tác phẩm xuất sắc của ông. Trong đó phải kể đến “Một bữa no” – truyện ngắn xuất sắc viết về đề tài người nông dân.

Trên văn đàn, Nam Cao là người đến muộn, song với tài năng và sự nỗ lực của mình, ông đã trở thành đại diện ưu tú nhất cho trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930-1945 với quan điểm nghệ thuật phải gắn liền với hiện thực, phải “vị nhân sinh”. Sáng tác của Nam Cao tập trung vào hai đề tài: Người nông dân và người trí thức nghèo trước cách mạng tháng 8. Ở đề tài người nông dân, Nam Cao đã dựng lên bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam trên con đường phá sản, bần cùng, không lối thoát, hết sức thê thảm vào những năm trước Cách mạng tháng Tám. Và nổi bật trên bức tranh ấy là hình ảnh những người nông dân hiền lành, lương thiện bị đẩy vào tình trạng tha hóa, lưu manh hóa, bị hủy hoại cả nhân hình và nhân tính. Nhân vật người bà trong truyện ngắn “Một bữa no” tiêu biểu cho hình ảnh những người nông dân khốn khổ ấy.

Truyện kể về một bà lão với cuộc đời đầy bi kịch: chồng mất sớm, bà một mình nuôi con. Đứa con trai duy nhất cũng đoản mệnh, người con dâu đi lấy chồng, bà lại thân già vò võ nuôi cháu. Vì nghèo, bà phải để cháu gái đi ở cho nhà bà phó Thụ, thui thủi một mình hết đi buôn lại đi làm thuê. Một trận ốm nặng khiến bà chẳng thể làm được những việc đó, bà lay lắt sống qua ngày, thường xuyên phải chịu đói. Một ngày, bà đến thăm đứa cháu gái, bà cố nán lại để được nhà chủ mời cơm. Đúng là hôm đó, bà được ăn một bữa no, dù phải ăn trong tủi nhục. Nhưng bữa no đó lại khiến bà phải chết chỉ sau nửa tháng.

Có thể nói, đề tài người nông dân như thứ hạt quen thuộc được gieo trên mảnh đất văn chương. Bao cây đa cây đề trước Nam Cao, cùng thời với Nam Cao đã viết về họ. Nhưng với quan niệm: “văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”, Nam Cao vẫn tìm cho mình một lối đi riêng, tạo nên những trái ngọt mang hương vị riêng khi viết về đề tài này. Người bà trong câu chuyện trên không chỉ được biết đến với nỗi khổ về vật chất như biết bao người nông dân khác như anh Pha, chị Dậu,… nhà văn còn đi sâu khắc họa bi kịch tinh thần của nhân vật này.

Đó là một người phụ nữ khốn khổ, nạn nhân của xã hội cũ, nạn nhân của thảm họa đói lịch sử. Bà sớm  mất hết người thân, từ chồng, đến con. Còn đứa cháu gái duy nhất những mong nương tựa tuổi già cùng bị cái đói giằng đi mất. Cả cuộc đời trơ trọi, cô đơn. Bà buôn thúng bán mẹt những mong sống qua ngày, bà làm thuê làm mướn cho người ta để kiếm cơm ăn. Vậy mà trời chẳng thương, cứ như muốn tận diệt sự sống của người đàn bà khốn khổ ấy. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, bà gần như chẳng làm được gì. Bà thành kẻ đói. Nhưng Nam Cao không đi sâu miêu tả cái đói của bà lão. Nếu vậy, truyện có khác gì những truyện trước đó viết về người nông dân?

Nhà văn đã khéo léo đặt nhân vật trong tình huống rất bình thường của biết bao kẻ đói: ăn chực. Vậy mà tình huống ấy, chẳng khác gì “hạt bụi vàng” của tác phẩm, giúp phơi bày tất cả: từ hiện thực thê thảm năm đói, đến sự biến dạng của lòng tự trọng vì miếng ăn, thậm chí cả cái sự bạc bẽo của bụng dạ kẻ giàu. Đó là bước đi rất khác của Nam Cao khi tiếp cận cuộc sống nông thôn trước Cách mạng.

Tình huống “ăn chực” của bà lão được miêu tả rất cụ thể, từ ý định “biến đùa làm thật” của bà khi nói với cháu gái rằng bà tới đây để xin ăn, đến cái dáng ngồi xón vó của bà ở góc nhà lúc chờ cơm, rồi từng dòng suy nghĩ, tính toán của bà trong bữa cơm, đến thái độ khinh bỉ của bà phó Thụ… tất cả, lồ lộ trên trang giấy. Tất cả, cho ta hiểu cái sức mạnh tha hóa ghê gớm của cái đói. Cái đói khiến nhân cách con người méo mó, biến dạng. Ta biết đến một chị vợ anh cu Tràng (Vợ nhặt) trơ trẽn gợi ý miếng ăn một cách lộ liễu, sẵn sàng theo không một người đàn ông xa lạ để được ăn, được sống. Giờ ta lại biết đến một người bà cũng phải chịu nhục không kém miễn có được miếng ăn. Đáng thương sao, miếng ăn đúng là miếng nhục, bị quát tháo, gắt gỏng, bà vẫn thản nhiên ăn, bị lườm nguýt, rỉa rói, bà vẫn cạo nốt mấy hạt cháy. Bà biết người ta đang rủa ráy mình, bà  chịu nhịn hết, để được ăn. Bà có khác chi gã Chí Phèo sẵn sàng làm việc ác để có rượu thịt, khác chi anh mõ làng (Tư cách mõ) bất chấp sự khinh miệt mọi người dành cho hắn, cứ ngang nhiên ngồi xuống bất cứ đám cỗ nào ăn cho thỏa rồi còn gói mang về. Thì ra, trước sự rượt đuổi của cái đói, cái chết, giới hạn giữa tư cách và vô sỉ gần nhau chỉ tấc gang. Mấy ai giữ được mình như lão Hạc, thà chết chứ không chịu đụng vào một xu của con. Vấn đề miếng ăn, vốn là vấn đề hết sức bình thường. Nhưng qua ngòi bút Nam Cao, miếng ăn trở thành ranh giới giữa sự sống, cái chết. Ai chẳng ham sống, để sống biết bao người đã vượt qua ranh giới của lòng tự tôn, tự trọng để bước về phía miếng ăn. Bà lão trong câu chuyện náy cũng thế. Và bao người nông dân khác cũng phải đánh đổi nhân phẩm lấy miếng ăn như bà.

Một tình huống tưởng giản đơn mà khiến ta xót xa cho cảnh ngộ của bà lão nghèo, cho biết bao người nông dân trong cảnh đói Ất Dậu, cho ta hiểu hiện thực đen tối, chết chóc của xã hội lúc bấy giờ. Cũng từ tình huống này, ta cũng hiểu hơn về triêt lí nhân sinh mà nhà văn gửi gắm: người ta không tránh khỏi có những lúc đánh mất cả lòng tự trọng chỉ vì miếng ăn. Dù vậy, nhà văn không coi thường, khinh rẻ người nông dân. Viết về họ không phải để bôi nhọ, mà để thấu hiểu, cảm thông, xót thương cho họ, để lên tiếng đòi quyền sống cho họ trong một xã hội tối đen bị bao phủ bởi bóng đêm của nghèo đói, áp bức. Đó chính là chiều sâu nhân đạo của ngòi bút truyện ngắn bậc thầy Nam Cao.

“Một tác phẩm thực sự không chỉ là sự sáng tạo về nội dung mà còn lá sự hoàn chỉnh về hình thức”. “Một bữa no” cũng vậy, truyện tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nam Cao. Bên cạnh việc dựng tình huống đơn giản mà có vấn đề, nhà văn còn khéo léo chọn ngôi kể thứ 3 – ngôi kể khách quan, tuy nhiên, điểm nhìn của người kể chuyện lại chuyển dịch sang điểm nhìn của nhân vật người bà, cháu gái, bà phó Thụ. Cách  kể kết hợp ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật tạo nên sự chân thực, hấp dẫn, giúp Nam Cao thâm nhập vào đời sống nội tâm của từng nhân vật. Đặc biệt là nhân vật bà lão khiến suy nghĩ, tâm trạng nhân vật này hiện lên chân thực, sống động. Giọng kể khách quan, lạnh lùng, pha chút bông đùa của Nam Cao cũng là một nét riêng không trộn lẫn. Ngôn ngữ Nam Cao giản dị, tự nhiên, đậm chất “nông dân”… mang đến trải nghiệm khó quên cho người đọc khi tiếp cận truyện ngắn Nam Cao.

“Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ

Như đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu”… ”

“Một bữa no” là một trong những trang sách như thế. Đó là câu chuyện thực sự xúc động, chạm đến trái tim người đọc – một truyện ngắn nhưng “không dừng lại ở trang cuối cùng”, khiến ta cứ ám ảnh mãi bởi cái chết vì một bữa no nhưng thực ra là chết vì đói của bà lão khốn khổ và không thôi day dứt bởi tình trạng con người bị bần cùng hóa đến mức đánh mất cả nhân phẩm, lòng tự trọng để được ăn.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *