Đề văn 11 NLXH Giá trị tinh thần ý nghĩa nhất đối với tôi

SỞ GDĐT TỈNH ….

TRƯỜNG THPT ….

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ 1

Năm học: 2023 – 2024

Môn: Ngữ văn Lớp 11

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian phát đề)

Ngày kiểm tra:

 ĐỀ CHÍNH THỨC

(Đề gồm có 02 trang)

 

 

PHẦN ĐỌC HIỂU. (5,0 điểm)

          Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

 […]

         Tôi nhìn ra cái tàu lăn nghiến đá mặt đường mới, nhìn ra những kíp thợ xây dựng mở đường, nhìn ra một tổ ong của anh chị em làm đường vừa mang được ong chúa về. Cửa sổ buồng tôi viết, lúc nào cũng nhộn nhịp cánh tay người và những cánh ong quen dần với tổ mới. Ong bay trên trang sổ tay tôi. Ong tua tròn trên trang giấy chữ nhật trắng, như là tàu bay đảo nhiều vòng chờ lệnh hạ cánh xuống. Buồng bên có người bị ong đốt. Bởi vì người đó hoảng hốt vừa giết ong một cách không cần thiết, và ngửi thấy mùi máu, bọn ong cùng tổ liền xông tới đốt. Rồi ong cũng lăn ra chết, tinh hồn xuất theo luôn với nọc đốt. Con ong bé cũng như con voi to, vốn tính lành nhưng khiêu khích chúng thì chúng đánh lại ngay, dẫu rằng có phải lấy bổn mạng ra mà trả lời. Anh cán bộ địa chất liền cho tôi mượn một số tạp chí khoa học có mấy trang về nuôi ong. Giờ tôi mới biết rằng đó là một thế giới đầy sinh thú. Đời sống con ong để lại cho người đọc nó một bài học về kiên nhẫn, về cần lao, về tích lũy, chế tạo và sáng tạo. Người ta đã đánh dấu con ong, theo dõi nó, và thấy rằng cái giọt mật làm ra đó, là kết quả của 2.700.000 chuyến (bay) đi, đi từ tổ nó đến khắp các nơi có hoa quanh vùng. Và trong một nửa lít mật ong đóng chai, phân chất ra được 5 vạn thứ hoa. Tính ra thành bước chân người thì tổng cộng đường bay của con ong đó là 8.000.000 cây số.

Giữa rừng Tây Bắc đầy hoa, đầy bướm, đầy ong, cái tôi thấy say say trong chính mình là dầu không được một chuyến đi bằng một đời ong, mình cũng là một con sinh vật đang nung một thứ mật gì. Sự tích lũy ở mình cũng ngày ngày có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống. Đối hoa xuân, lắng ong mật mà thêm ngẫm tới đàn bướm tốt mã chấp chới bay, lộng lẫy những sắc phấn của sáo ngữ ồn ào. Bướm phù phiếm cũng bay vào hoa, nhưng cặp cánh hào nhoáng cũng chẳng để lại gì. Từ ngày có lịch sử tiến hóa của loài người, chưa ai dám nói đến mật bướm.

Người ta hay nhắc đến mang nặng đẻ đau. Có những quá trình không phải là hoài thai, không đẻ gì (theo nghĩa hẹp và theo nghĩa đen sinh học) nhưng rất khổ đau và nặng nhọc đèo bòng. Ngọc trai nguyên chỉ là một hạt cát, một hạt bụi biển xâm lăng vào vỏ trai, lòng trai. Cái bụi bặm khách quan nơi rốn bể lẻn vào cửa trai. Trai xót lòng. Máu trai liền tiết ra một thứ nước rãi bọc lấy cái hạt buốt sắc. Có những cơ thể trai đã chết ngay vì hạt cát từ đâu bên ngoài gieo vào giữa lòng mình (và vì trai chết nên cát bụi kia vẫn chỉ là hạt cát). Nhưng có những cơ thể trai vẫn sống, sống lấy máu, lấy rãi mình ra mà bao phủ lấy cái hạt đau xót. Tới một thời gian nào đó, hạt cát khối tình con, cộng với nước mắt hạch trai đã trở thành lõi sáng của một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời.

[….]

Tôi đã lấy cách nhìn ngọc trai mà nhìn vào sự biểu dương một công tác, một công trạng, một công trình. Cũng bằng cách đó mà hiểu được bước sinh trưởng của một đóa hoa thơm, trước khi nó được làm cái nụ đầu thai vào vườn người. Nhìn ngọn hoa sáng chói công khai giữa bầu trời mà không khỏi không bận lòng vì lũ rễ cái, rễ con trong bóng tối lòng đất kín: rễ trong kia chỉ liên lạc được với hoa ngoài đây bằng con đường nhựa đắng duy nhất của ruột mình. Nhìn bông hoa nở tập kết đất Bắc (1963) càng thấy bồi hồi về cái rễ máu mình đang thọc sâu rừng Tây Nguyên, rừng U Minh, thọc sâu và đội lên cả gạch đá phố Sài Gòn.

(Trích Tờ hoa, Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập 2), NXB Văn Học, 1998,tr. 5-7)

 

Câu 1. Xác định thể loại của văn bản. (0,5 điểm)

Câu 2. Chỉ ra yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong văn bản. (0,75 điểm)

Câu 3. Hãy liệt kê một số từ ngữ hoặc câu văn cho thấy sự hiện diện cái ‘tôi” của tác giả trong văn bản. (0,75 điểm)

Câu 4. Qua mạch liên tưởng về con ong và sự hình thành ngọc trai, tác giả đã phát hiện những vẻ đẹp nào của cuộc sống? (1,0 điểm)

Câu 5. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến của tác giả: “Tôi đã lấy cách nhìn hạt ngọc mà nhìn vào sự biểu dương một công tác, một công trạng, một công trình”. (1,0 điểm)

Câu 6. Bức thông điệp được gửi gắm qua văn bản trên là gì? Từ đó, chia sẻ suy nghĩ về tác động của văn học đối với mỗi cá nhân. (1,0 điểm)

 

PHẦN VIẾT (5,0 điểm)

Hãy lựa chọn một/ một số từ ngữ sau (Tri thức; Ước mơ; Lý tưởng sống; Tình cảm cao đẹp; Nghị lực), kết nối chúng để viết bài văn nghị luận với chủ đề: Giá trị tinh thần ý nghĩa nhất đối với tôi.

Học sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi kiểm tra không giải thích thêm.

Họ và tên thí sinh: ……………………………………….   ; Số báo danh:……………………………….

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

NỘI DUNG ĐIỂM
I. ĐỌC HIỂU 5,0
Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể loại tùy bút. 0,5
Câu 2.  Học sinh chỉ ra được ít nhất 01 yếu tố tự sự và 01 yếu tố trữ tình. Chẳng hạn:

– Yếu tố tự sự: Cửa sổ buồng tôi viết, lúc nào cũng nhộn nhịp cánh tay người và những cánh ong quen dần với tổ mới: Buồng bên có người bị ong đốt. Bởi vì người đó hoảng hốt vừa giết ong một cách không cần thiết, và ngửi thấy mùi máu, bọn ong cùng tổ liền xông tới đốt;…

– Yếu tố trữ tình: Giờ tôi mới biết rằng đó là một thế giới đầy sinh thú, cái tôi thấy say say trong chính mình là dầu không được một chuyến đi bằng một đời ong, mình cũng là một con sinh vật đang nung một thứ mật gì…

0,75
Câu 3. Những từ ngữ hoặc câu văn cho thấy sự hiện diện cái “tôi” của tác giả trong văn bản:

– Tôi nhìn ra cái tàu lăn nghiến đá mặt đường mới,…

– Cửa sổ buồng tôi viết, lúc nào cũng nhộn nhịp….

– Anh cán bộ địa chất liền cho tôi mượn một số tạp chí khoa học có mấy trang về nuôi ong…

– Tôi đã lấy cách nhìn ngọc trai mà nhìn vào sự biểu dương một công tác,…

0,75
Câu 4. Qua mạch liên tưởng về con ong và sự hình thành ngọc trai, tác giả đã phát hiện nhiều vẻ đẹp của cuộc sống:

– Vẻ đẹp về sự kì diệu của thiên nhiên.

– Vẻ đẹp của sự kiên nhẫn để đóng góp, làm đẹp cho đời

1,0
Câu 5: Câu văn trên được hiểu là: Khi nhìn thấy thành quả thành tựu ta cần nhận thấy, hiểu được quá trình gian nan, khó nhọc, nhiều khi âm thầm, đau đớn, xót xa để đạt được nó.

* Học sinh có thể có những cách diễn đạt khác, có thể dựa vào các ý sau:

+ Cần có sự đánh giá quá trình khi nhận xét một kết quả, một thành tích.

+ Cần có sự ghi nhận, trân trọng công sức, lao động sáng tạo thực sự.

1,0
Câu 6: – Bức thông điệp được gửi gắm qua văn bản:

Khẳng định cái Đẹp trong cuộc sống không ngẫu nhiên mà là kết quả của quá trình nỗ lực, sáng tạo, khổ đau âm thầm.

– Tác động của văn học tới cá nhân:

+ Biết nâng niu, trân trọng những thành quả mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

+ Giúp bồi dưỡng tâm hồn, biết quan tâm, yêu thương con người và cuộc sống.

+ Có cái nhìn, nhận thức sâu sắc hơn về cuộc sống…

1,0
II. VIẾT 5,0
Hãy lựa chọn một/ một số từ ngữ sau (Tri thức; Ước mơ; Lý tưởng sống; Tình cảm cao đẹp; Nghị lực), kết nối chúng để viết bài văn nghị luận với chủ đề: Giá trị tinh thần ý nghĩa nhất đối với tôi.

 

 
a. Đảm bảo hình thức đoạn văn: Thí sinh có thể viết đoạn văn diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp,…; kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, có lí lẽ dẫn chứng hợp lí, thuyết phục. 0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: – Lựa chọn từ ngữ kết nối với giá trị bản thân; – Nêu rõ vấn đề nghị luận (ước mơ/ khát vọng hoặc lý tưởng sống, hoặc…) 0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận: thành các luận điểm HS có thể trình bày bài viết theo nhiều cách trên cơ sở đảm bảo những yêu cầu sau: 3,5
Gồm các ý chỉnh sau:

1. Giải thích và nêu biểu hiện của vấn đề.

2. Bàn luận – chứng minh làm rõ ý nghĩa vấn đề:

– Gồm ít nhất hai lý lẽ kèm dẫn chứng thể hiện:

+ Ý nghĩa đối với nhận thức, hành động của bản thân.

+ Tác động tới sự kết nối, hòa nhập cộng đồng của cá nhân.

* Lưu ý: Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể, xác thực, kết hợp yếu tố biểu cảm; Quan điểm của người viết rõ ràng, toàn diện, mở rộng góc nhìn đa chiều nhưng đảm bảo phù hợp với giá trị văn hóa dân tộc, nhân loại.

– Bài học nhận thức, hành động bản thân khi tìm được giá trị tinh thần ý nghĩa nhất:

+ Thay đổi nhận thức khi có điểm tựa tinh thần.

+ Hành động cụ thể: cần làm gì để gìn giữ và phát huy động lực sức mạnh từ giá trị tinh thần ý nghĩa nhất đó.

 

 
d. Chính tả, từ ngữ, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ 0.5

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *