Phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật bài thơ Tạ của tác giả Phùng Quán

  ĐỀ KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ I

NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn: Ngữ văn 11

Thời gian làm bài : 120 phút, không kể thời gian phát đề

(Đề thi có 02 trang)

 

ĐỌC (6.0 điểm)

Đọc bài thơ sau:

                     TẠ

 

Ngày ra trận
Tóc tôi còn để chỏm
Nay trở về
Đầu đã hoa râm…
Sau cuộc trường chinh ba mươi năm
Quỳ rạp trán xuống đất làng
Con tạ…
Con tạ đất làng quê
Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất
Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt
Không lá cây nào không mặn chát gian lao!

Con tạ ơn cha
Đã yêu đằm thắm mẹ con
Con tạ ơn mẹ
Đã sinh con đúng lúc
Con tạ trời
Tạ đất
Đã mưa thuận gió hoà đêm mẹ lên giường sinh
Con tạ bà mụ vườn
Tạ lưỡi liềm cùn cắt rốn
Đã đỡ con ra đời
Vẹn toàn, sung sức…

Con tạ

Manh chiếu rách con nằm

Con tạ
Bát cơm nghèo mẹ con ăn
Con tạ
Câu dân ca mẹ con hát….
Tất cả thành sữa ngọt
Nuôi con ngày trứng nước…
Để hôm nay con được sống
Được lớn khôn…
Được chiến đấu hết mình
Vì tự do của Tổ Quốc
Được ca hát hết mình
Tổ Quốc thành thơ!

(Phùng Quán – Tạp chí Sông Hương, số 28, T.11&12-1987)

Chú thích: Nhà thơ Phùng Quán (1932 -1995) quê ở Thừa Thiên –Huế. Năm 1945, ông tham gia quân đội trong thời kì chống Pháp, sau đó chuyển sang làm công tác văn hóa. Phùng Quán có những tác phẩm nổi tiếng ở nhiều thể loại: tiểu thuyết, bút kí, thơ, trường ca. Cuộc đời thăng trầm của ông đã để lại những trang viết thấm đẫm máu lính trận và nhọc nhằn hơi thở mưu sinh. Những bài thơ của ông như được chiết ra từ nỗi đau của quê hương trong chiến tranh cùng sự lầm than của kiếp người nhưng vượt lên tất cả là tình yêu đất nước luôn bỏng cháy trong trái tim của một cựu binh.

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0.5 điểm): Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0.75 điểm): Xác định các phương thức biểu đạt của bài thơ.

Câu 3 (0.75 điểm): Trong bài thơ, “Tôi” đã tạ ơn cha, mẹ về điều gì?

Câu 4 (1.0 điểm): Vì sao nhân vật trữ tình lại thay đổi xưng hô từ “tôi” sang “con”?

Câu 5 (0.75 điểm): Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ điệp cấu trúc trong đoạn thơ in đậm.

Câu 6 (0.75 điểm): Nhận xét về việc sử dụng dấu ba chấm (…) trong bài thơ.

Câu 7 (0.75 điểm): Nêu tình cảm chủ đạo được nhân vật trữ tình thể hiện xuyên suốt bài thơ.

Câu 8 (0.75 điểm): Giá trị nhân sinh sâu sắc nhất mà anh/chị rút ra được từ bài thơ là gì?

  1. VIẾT (4.0 điểm)

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật bài thơ Tạ của tác giả Phùng Quán.

(Lưu ý: Khi phân tích, đánh giá cần đảm bảo đầy đủ cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, trong đó phải có các yếu tố nghệ thuật sau: nhân vật trữ tình, ngôn từ, hình ảnh.)

 

­­­­                                                                       ….HẾT….

 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

 

Họ và tên thí sinh:……………………………………………..; Số báo danh: …………………………….

 

 

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN

KỲ THI CUỐI HỌC KÌ I – NĂM HỌC  2023-2024

Môn Ngữ văn – lớp 11

HƯỚNG DẪN CHẤM – THANG ĐIỂM

Phần Câu Nội dung Điểm
I   Đọc hiểu 6.0
1 Bài thơ được viết theo thể thơ: Tự do 0.5
2 Các phương thức biểu đạt: biểu cảm, tự sự, miêu tả, nghị luận

(Hs trả lời đúng 1 ý được 0.25đ; đúng 2 ý được 0.5đ; đúng từ 3 ý trở lên được 0.75đ)

0.75
3 “Tôi” đã tạ ơn cha “đã yêu đằm thắm mẹ con”, tạ ơn mẹ “đã sinh con đúng lúc”

(Hs trả lời đủ, đúng 2 ý được 0.75; chỉ đúng một ý được 0.5đ)

0.75
4 Nhân vật trữ tình thay đổi xưng hô từ “tôi” sang “con” vì:

– Xưng “tôi” là để tâm tình, kể lại câu chuyện của mình cho mọi người (0.25đ)

– Xưng “con” khi đối diện với quê hương, gia đình, những điều thiêng liêng, ý nghĩa đã làm nên sự sống, sự trưởng thành của “tôi” (0.25đ)

– Thể hiện sự gần gũi, bày tỏ thái độ thành kính biết ơn đối với những điều thiêng liêng, ý nghĩa (0.5đ)

1.0
5 Tác dụng của biện pháp tu từ điệp cấu trúc trong đoạn thơ in đậm.

– Cấu trúc được điệp: “không… nào không…” (0.25đ)

– Tác dụng: (0.5đ)

+ Nhấn mạnh, khẳng định những mất mát, đau thương bao trùm quê hương

+ Nói lên nỗi xót xa, thương cảm của nhân vật trữ tình với làng quê

+ Tạo giọng điệu tha thiết, tăng tính liên kết giữa các hình ảnh, các câu thơ.

(Nếu hs nêu chung chung, sơ sài = 0.25đ)

0.75
6 Nhận xét về việc sử dụng dấu ba chấm (…) trong bài thơ:

– (1) Dấu … được sử dụng nhiều trong bài thơ

– (2) Việc sử dụng dấu … có tác dụng quan trọng: diễn tả nhiều điều nhân vật muốn tạ ơn, nhiều điều mà nhân vật trữ tình may mắn có được nhưng không thể kể ra hết được; gợi những khoảng lặng của cảm xúc, sự ngân vọng của lòng biết ơn…

-> (3) Đây là một sáng tạo của Phùng Quán để làm tăng hiệu quả biểu đạt, khơi gợi cảm xúc cho bài thơ

(- Được 0.25đ khi: chỉ trả lời được ý (1) hoặc (3)

– Được 0.5đ khi: chỉ trả lời được ý (2); trả lời được ý (1) và (3)

– Được 0.75đ khi: trả lời ý (2) và (3), (1) và (2) hoặc cả 3 ý.

 Hs có thể diễn đạt khác nhưng nội dung hợp lí, thuyết phục, diễn đạt mạch lạc vẫn đạt điểm tối đa.)

0.75
7 Tình cảm chủ đạo: lòng biết ơn sâu sắc của nhân vật trữ tình đối với quê hương, gia đình và những điều thiêng liêng đã làm nên mình

(Hs có thể diễn đạt khác nhưng nội dung hợp lí, thuyết phục, diễn đạt mạch lạc vẫn đạt điểm tối đa.)

0.75
8 Học sinh nêu 1 giá trị nhân sinh phù hợp với nội dung của bài thơ (0.5đ) và diễn giải ngắn gọn về giá trị đó (0.25đ).

(Nếu hs liệt kê nhiều giá trị: 0.25đ)

0.75
II   Viết 4.0
    a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0.25
  b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: phân tích, đánh giá một số nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật bài thơ Tạ của tác giả Phùng Quán. 0.25
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau:

1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, nêu vấn đề nghị luận (0.25đ)

2. Nội dung bài thơ:

(thể hiện ở các phương diện: đề tài, cảm hứng chủ đạo, chủ đề tp…)

– Người lính trở về sau cuộc trường chinh thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với quê hương gian lao, đau thương; với cha mẹ, với những điều thiêng liêng đã cho mình sự sống; với cuộc sống nghèo khó mà ngọt ngào tình nghĩa đã nuôi mình khôn lớn, trưởng thành.

– Niềm hạnh phúc và lí tưởng của cuộc đời: được sống hết mình, được chiến đấu cho tự do của Tổ Quốc, được say đắm, ngợi ca vẻ đẹp của Tổ Quốc

-> lòng biết ơn và tình yêu sâu sắc của nhân vật trữ tình đối với Tổ Quốc, quê hương, gia đình và những điều thiêng liêng đã làm nên mình

3. Nghệ thuật:

– Thể thơ: tự do.

– Nhan đề: “Tạ”- ngắn gọn, ôm trọn chủ đề

– Nhân vật trữ tình: “Tôi”/ “con”/ Người lính trở về quê hương sau cuộc trường chinh 30 năm. Nhân vật trữ tình thay đổi xưng hô từ “tôi” sang “con”.

– Thơ trữ tình có yếu tố tự sự: nhân vật, sự việc…

– Hình ảnh: hình ảnh người lính, hình ảnh làng quê, những hình ảnh cuộc sống cơ cực, hình ảnh Tổ Quốc

– Các biện pháp tu từ: phép điệp, liệt kê, ẩn dụ

– Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, mang tính khẩu ngữ; giọng điệu linh hoạt: trầm lắng, suy tư, xúc động, hãnh diện, tự hào…

– Dấu câu: toàn bài chỉ sử dụng dấu ba chấm (…), dấu chấm than (!)

– Viết hoa từ Tổ Quốc

Yêu cầu cần đạt

Quá trình phân tích cần linh hoạt, hòa quyện giữa nội dung và hình thức nghệ thuật, có thể đi từ nghệ thuật tới nội dung (đảm bảo 3 yếu tố nghệ thuật: nhân vật trữ tình, hình ảnh, ngôn từ).  Sau khi phân tích cụ thể cần có đánh giá, tổng kết về nội dung và nghệ thuật.

– Khi phân tích 1 yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật :

·        Gọi tên chính xác yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật được sử dụng trong thơ và nêu biểu hiện của yếu tố đó

·        Phân tích, lí giải các biểu hiện bằng lí lẽ, dẫn chứng cụ thể.

·        Nhận xét, đánh giá về ý nghĩa, vai trò của yếu tố nghệ thuật đối với việc thể hiện chủ đề tác phẩm.

·        So sánh, liên hệ với các TP khác (không bắt buộc)

Biểu điểm

– Trình bày đầy đủ, sâu sắc, dẫn chứng thuyết phục: 2.0 điểm – 2.5 điểm.

– Trình bày chưa đầy đủ hoặc chưa sâu, thiếu dẫn chứng: 1.0 điểm – 1.75 điểm.

– Trình bày chung chung, sơ sài: 0.25 điểm – 0.75 điểm.

2.75
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.25
  e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.5

 

TỔNG ĐIỂM 10.0

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *