Đề thi văn 11: phân tích bài thơ Ba mét cách mặt đường

 

SỞ …..

TRƯỜNG …..

(Đề thi gồm 02 trang)

ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ I – LỚP 11

  NĂM HỌC: 2023 – 2024   MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 90 phút (Không kể thời gian giao đề)Thời gian làm bài: 90 phút (Không kể thời gian giao đề)

  1. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản:

Ba mét cách mặt đường

(Nguyễn Hoàng Sơn)[1]

Ba mét cách mặt đường

Vòm cây ngang cửa sổ

Thế giới riêng của gió

Vũ trụ của loài chim

Và mùa thu đến ở

Đợi mắt người trông lên…

 

Người đương ngồi trên xe

Mải nhìn đèn xanh đỏ

Người đương chen với người

Văng tục và cau có

Chẳng nghe lời của gió

Đâu biết gì cánh chim

Và mùa thu lần lữa

Vẫn đợi người trông lên…

 

Em vội gì thế em

Tìm gì mà hăm hở?

Cả một mùa thu vàng

Cho không nơi cửa sổ

Mà em chẳng đoái hoài

Mà em thường bỏ lỡ

Và ngày thu tàn úa

Rơi buồn theo vết xe…

(Dẫn theo “Đi giữa miền thơ”, Vũ Nho, NXB Văn hóa thông tin HN, 2001, T312)

 

 

 

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,5 điểm). Văn bản được viết theo thể thơ gì?

Câu 2  (0,5 điểm). Xác định đề tài của văn bản.

Câu 3 (0,5 điểm).  Theo tác giả, mùa thu đợi mọi người ở đâu?

Câu 4 ( 0,75 điểm). Chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng trong bài thơ.

Câu 5 (1,0 điểm). Tìm 04 hình ảnh miêu tả cảnh thiên nhiên trong bài thơ.

Câu 6 (1,0 điểm). Theo tác giả, mọi người có thái độ, cách ứng xử như thế nào trước vẻ đẹp của mùa thu? Hãy tìm trong văn bản những từ ngữ cho anh/ chị nhận thấy điều đó.

Câu 7 (1,0 điểm). Hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của phép điệp cấu trúc  ở cuối các khổ trong bài thơ.

Câu 8 (0,75 điểm). Nêu thông điệp mà anh/ chị nhận được từ tác phẩm.

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Hãy viết một bài văn nghị luận khoảng 500 chữ trình bày cảm nhận của anh/chị về bài thơ trên.

……………………… Hết ……………………

 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

 

Họ, tên thí sinh……………………………………………………………Số báo danh…………………….

 

SỞ ….

TRƯỜNG ……

 KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN 1 (2023 – 2024)

HƯỚNG DẪN CHẤM VÀ BIỂU ĐIỂM MÔN NGỮ VĂN 11

(Gồm 03 trang)

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6.0
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1 Thể thơ: năm chữ/ ngũ ngôn.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời đúng như đáp án: 0,5 điểm.

– Hs trả lời không đúng đáp án: 0 điểm.

0.5
2 Đề tài: mùa thu

Hướng dẫn chấm:

– Hs trả lời đúng như đáp án: 0,5 điểm.

– Hs trả lời không đúng đáp án: 0 điểm

0.5
3 Theo tác giả, mùa thu đợi chúng ta ở: “Ba mét cách mặt đường/Vòm cây ngang cửa sổ”..

(Hoặc:  trong vòm cây ngang cửa sổ, nơi cách mặt đường ba mét)

Hướng dẫn chấm:

– Hs trả lời  như đáp án: 0,5 điểm; trả lời nửa số ý:0,25 điểm

– HS trả lời không đúng nội dung trên: 0 điểm

0.5
4 – Các phương thức biểu đạt: biểu cảm, miêu tả, tự sự.

Hướng dẫn chấm:

– Mỗi PTBD đúng: 0,25 điểm

– Hs liệt kê đủ 3 PTBD, nhưng thừa từ 2 phương thức khác trở lên: trừ 0,25 điểm.

0,75
5 Những hình ảnh miêu tả thiên nhiên: vòm cây ngang cửa sổ, gió (lời của gió), chim (cánh chim, vũ trụ của loài chim), cả một mùa thu vàng, ngày thu tàn úa …

Hướng dẫn chấm:

Hs cần chỉ ra 4 hình ảnh, trả lời đúng mỗi ý: 0,25 điểm

1,0
6 – Thái độ, cách ứng xử của mọi người: thờ ơ/ dửng dưng/ vô tình/ bàng quan/ hờ hững/ không để ý…

– Các từ ngữ trong văn bản thể hiện thái độ, cách ứng xử: chẳng nghe, đâu biết, chẳng đoái hoài, thường bỏ lỡ.

Hướng dẫn chấm:

– Ý 1: 0,5 điểm (HS chỉ cần trả lời bằng 1 từ hoặc 1 vài từ đúng là được điểm tối đa).

– Ý 2: 0,5 điểm (HS chỉ nêu ra 1-2 từ: 0,25 điểm;  nêu 3-4 từ: 0,5 điểm).

1,0
7 – Phép điệp cấu trúc: Và … thu…

– Tác dụng:

+ Tạo tính liên kết, tạo nhịp điệu (hoặc nhạc điệu) cho lời thơ ( hoặc: góp phần hình thành cấu tứ của bài thơ).

+ Nhấn mạnh, làm nổi bật vẻ đẹp, sự hữu tình của mùa thu và sự vô tình của con người.

Hướng dẫn chấm:

– Ý 1: 0,25 điểm.

–  Ý 2: 0,75 điểm. ( HS trả lời đúng nửa số ý: 0,5 đ), chấp nhận cách diễn đạt tương đương.

1,0
8 Thông điệp

VD: – Vẻ đẹp của cuộc sống có trong những điều rất giản đơn và gần gũi, hãy mở rộng tâm hồn đón nhận, tận hưởng, ta sẽ thấy hạnh phúc.

– Đừng vì áp lực của cuộc sống mà để tâm hồn mình cằn cỗi, đến độ dửng dưng với những điều tuyệt vời vốn hiện hữu xung quanh ta mỗi ngày.

– Thiên nhiên vốn dĩ vẫn luôn đẹp, thơ mộng, hữu tình như thế – ngay cả nơi phố phường đông đúc; chỉ con người là hờ hững, quay lưng với vẻ đẹp của thế giới tự nhiên…

 Hướng dẫn chấm:

HS chỉ cần nêu ra một thông điệp phù hợp, được rút ra từ bài thơ, chấp nhận những cách diễn đạt khác nhau.

 

0,75
II   VIẾT 4.0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0.25
  b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của bài thơ Ba mét cách mặt đường (Nguyễn Hoàng Sơn).

0.5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

* Phân tích vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

Nội dung:

+ Vẻ thơ mộng, hữu tình của cảnh thiên nhiên mùa thu: cả một mùa thu vàng, ngay trong vòm cây ngang khung cửa sổ, với lời của gió, vũ trụ của loài chim; mùa thu đợi, lần lữa đợi người trông lên, tàn úa rơi buồn theo vết xe khi bị người hờ hững….

+ Nhịp sống phố phường hối hả và sự dửng dưng, vô tình khiến con người bỏ lỡ những vẻ đẹp của mùa thu, cũng giống như bỏ lỡ nhiều điều tuyệt diệu, bình dị trong cuộc đời:  Người  ngồi trên xe, chen với người, mải nhìn đèn xanh đỏ, văng tục, cau có, vội vã, hăm hở kiếm tìm (để thỏa mãn những nhu cầu khác nhau), mà chẳng đoái hoài, bỏ lỡ cả mùa thu…

+ Bài thơ thể hiện niềm đắm say trước cảnh sắc thiên nhiên và sự tiếc nuối  của nhà thơ trước cách ứng xử của con người.

– Nghệ thuật:  thể thơ 5 chữ giàu tính nhạc, cấu tứ chặt chẽ,  ngôn từ giản dị mà giàu sức gợi hình gợi cảm, nhờ sử dụng nhiều biện pháp tu từ, thủ pháp nghệ thuật: điệp từ, điệp cấu trúc, liệt kê, nhân hóa, tương phản…

* Đánh giá:

 Bài thơ là lời nhắn nhủ nhẹ nhàng, mang đến những thông điệp giàu ý nghĩa. (Hs cần nêu được thông điệp, hoặc nhận thức mới mẻ của bản thân sau khi đọc bài thơ).

Hướng dẫn chấm:

Giới thiệu, phân tích, đánh giá đầy đủ hoặc chưa thật đầy đủ nhưng sâu sắc: 2,5 điểm – 2,75 điểm.

Giới thiệu, phân tích, đánh giá chưa đầy đủ hoặc chung chung, sơ sài: 1,0 điểm – 1,5 điểm.

2.75

 

 

 

 

(0,5)

 

 

 

 

(1,25)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

(0,5)

 

 

 

 

(0,5)

  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0. 25
  e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ; dẫn chứng hay, tiêu biểu.

Hướng dẫn chấm: Huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân khi bàn luận; có cái nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, giàu sức thuyết phục.

–  Chỉ cần đáp ứng được 1 yêu cầu trở lên: 0.25 điểm.

0.25
Tổng điểm 10.0

[1] Nguyễn Hoàng Sơn sinh ngày 5/2/1949 tại Sóc Sơn, Hà Nội, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được biết đến với nhiều thể loại: thơ, truyện, kịch thơ, phê bình – tiểu luận. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam các năm 1990, 1993, Tặng thưởng Hội Nhà văn 2001, Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam, Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam. Hiện ông làm việc tại báo Tiền phong.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *