Đề HSG sách mới: sứ mệnh của nhà văn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật

Đề tham khảo số 13:

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

TRƯỜNG ………….

KỲ THI HỌC SINH GIỎI THPT

NĂM HỌC 2023 – 2024

 Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Ngày thi:

Câu 1. (8,0 điểm)

Trước năm 2020, người ta đã nói không ít đến sự bất định. Nhưng phải đến khi thế giới trải qua những ngày “chưa từng thấy”, vượt xa mọi sự tưởng tượng do đại dịch COVID hoành hành, có lẽ sự hình dung về bất định mới trở nên rõ ràng hơn. Phong toả, cách ly, giãn cách xã hội dẫn tới sự đình trệ, ngừng hoạt động trên quy mô toàn cầu; chúng ta ngỡ ngàng trước những gì xảy ra, không biết liệu có thể trở lại trạng thái bình thường như trước và khi nào. Ý niệm về sự bất định trở nên hiển hiện, không còn mơ hồ. Câu hỏi lớn đặt ra đối với nhân loại, đặc biệt là với thế hệ trẻ, là chúng ta sẽ ứng xử thế nào, và chuẩn bị ra sao cho một thế giới càng ngày càng khó đoán trước.

(Trích Giáo dục trong kỉ nguyên của bất định của tác giả Đỗ Thị Ngọc Quyên,       Nguyễn  Đức Dũng, Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 19/02/2022)

Suy nghĩ của anh/chị về những vấn đề đặt ra trong đoạn trích trên.

Câu 2. (12,0 điểm)

Nhà tri thức đã đành là có nhiệm vụ phải trả lời những câu hỏi của thời đại. Nhưng cái quan trọng gấp bội việc trả lời là đặt ra những câu hỏi mới, làm cho loài người luôn luôn thấp thỏm, luôn luôn suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, chống lại sự đinh ninh của thói quen và những lời ru ngủ của tinh thần tự mãn.

(Lê Đạt, Đường chữ, NXB Hội Nhà văn, 2009, tr 494-495)

Từ ý kiến trên, bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy bình luận và làm sáng tỏ sứ mệnh của nhà văn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

—— HẾT——

* Thí sinh không được sử dụng tài liệu, cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

* Họ và tên thí sinh: ………………………………….. Số báo danh: …………..

 

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN

HƯỚNG DẪN CHUNG

– Hướng dẫn chấm được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực. Giám khảo cần chủ động nắm bắt nội dung trình bày của thí sinh để đánh giá bài làm một cách tổng quát.

– Cần linh hoạt khi vận dụng hướng dẫn chấm. Phát hiện và trân trọng những bài làm thể hiện tính sáng tạo, tư duy độc lập. Nếu học sinh làm bài theo cách riêng (không có trong Hướng dẫn chấm) nhưng đáp ứng yêu cầu của đề văn và có sức thuyết phục vẫn được chấp nhận.

– Tổng điểm toàn bài là 20.0 điểm, điểm lẻ tính đến 0.25 điểm.

HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

Câu 1. (8.0 điểm)

Nội dung yêu cầu Điểm
I. Yêu cầu về kĩ năng

–  Nắm vững kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội. Bài văn có đủ mở bài, thân bài, kết bài.

– Bài làm có hệ thống luận điểm rõ ràng; lí lẽ, dẫn chứng có sức thuyết phục; lập luận chặt chẽ, sáng tạo, giải quyết tốt các yêu cầu của đề văn.

– Vận dụng linh hoạt các thao tác nghị luận, diễn đạt mạch lạc; hành văn sắc sảo, giàu tính biểu đạt, biểu cảm; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

 

 

1.0

II. Yêu cầu về kiến thức 

Đề có tính mở nên thí sinh có thể hiểu và trình bày vấn đề khác nhau, miễn sao thể hiện suy nghĩ phù hợp với các chuẩn mực văn hoá, đạo đức, pháp luật. Dưới đây là một cách tiếp cận:

 
1. Giải thích

 – thế giới: cuộc sống tự nhiên và xã hội; nơi sinh sống của loài người.

bất định: không ổn định, biến đổi khó lường, khó đoán trước.

câu hỏi lớn: vấn đề trọng đại, bức thiết, có tính nguy cơ đối với nhân loại.

=> Đoạn trích thể hiện cách nhìn về thế giới và đặt ra vấn đề về ứng xử, chuẩn bị của nhân loại cho một thế giới tồn tại nhiều yếu tố bất định.

 

 

1.0

2. Bàn luận

– Thế giới luôn tồn tại các yếu tố ổn định và bất định. Các yếu tố bất định xuất hiện do những biến đổi vô thường của tự nhiên hoặc ý muốn, tác động chủ quan của con người. Hiện nay, những biểu hiện cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra; những nguy cơ về đại dịch, xung đột, chiến tranh, sự xói mòn lòng tin … làm cho sự bất định trở nên hiển hiện, không còn mơ hồ. Ý niệm về một thế giới càng ngày càng khó đoán trước là có cơ sở.

– Ứng xử và chuẩn bị cho cuộc sống là hoạt động thường xuyên của con người. Nhận thức không đầy đủ về các yếu tố bất định, thiếu sự ứng xử và chuẩn bị thích hợp, nhân loại sẽ đối mặt với những hiểm hoạ “chưa từng thấy”. Hiện nay, hoạt động này của nhân loại, nhất là thế hệ trẻ – lực lượng sở hữu sức khoẻ, ý chí và tài năng – càng trở nên khẩn thiết.

– Thái độ ứng xử và sự chuẩn bị cần có:

+ Tôn trọng quy luật, quan tâm đến cuộc sống chung, kết nối với cộng đồng, có niềm tin vào nội lực cá nhân, … để chấp nhận và thích ứng, …

+ Nâng cao tri thức, kĩ năng sống; rèn luyện ý chí, nghị lực; sẵn sàng hành động … để chủ động biến nguy thành cơ, …

* Lưu ý: Khuyến khích những đề xuất về cách ứng xử và chuẩn bị cho sự bất định xuất phát từ những trải nghiệm sâu sắc của cá nhân, xác lập được thái độ và hành động đúng đắn để trả lời câu hỏi lớn được đặt ra.

 

3.5

 

– Thừa nhận việc tồn tại các yếu tố bất định, song sự ổn định của thế giới vẫn là căn bản.

– Sự tồn tại các yếu tố bất định còn là cơ hội để con người nhận thức, khám phá, chinh phục thế giới; đoàn kết đấu tranh để bảo vệ chân lí, kiến tạo và phát triển xã hội văn minh.

– Từ việc ứng xử và chuẩn bị cho một thế giới bất định, mỗi người có thể rút ra bài học về sự thích ứng của bản thân trước những thăng trầm của cuộc đời.

– Phê phán những nhân tố gây ra những nguy cơ, hiểm hoạ cho thế giới; những thái độ, hành vi xuyên tạc, lợi dụng các yếu tố bất định để gây bất an, bất ổn xã hội. Đề cao sức mạnh đoàn kết, trí tuệ của nhân loại trong việc ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ gây mất ổn định của cuộc sống xã hội.

– …

2.0
3. Bài học

Trong thế giới càng ngày càng khó đoán trước, thế hệ trẻ cần nhận thức sâu sắc; ứng xử bình tĩnh, thận trọng, linh hoạt; chuẩn bị đầy đủ tri thức, kĩ năng, hành động có trách nhiệm, đúng đắn trước những nguy cơ; có niềm tin vào nhân loại, vào sự ổn định của thế giới.

0,5

Câu 2. (12.0 điểm)

Nội dung yêu cầu Điểm
I. Yêu cầu về kĩ năng

– Thí sinh biết cách làm bài văn bình luận và chứng minh một vấn đề lý luận văn học. Bài văn có đủ mở bài, thân bài, kết bài.

– Bài viết có hệ thống luận điểm rõ ràng; lí lẽ chuẩn xác, thuyết phục; phần chứng minh đúng trọng tâm, sáng rõ vấn đề; thể hiện kiến thức phong phú, sức viết dồi dào.

– Vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận; văn viết giàu hình ảnh, biểu cảm; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

1.0
II. Yêu cầu về kiến thức

– Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, sau đây là một số ý cơ bản cần hướng đến:

 
1. Giải thích

câu hỏi của thời đại: vấn đề hệ trọng của thời đại.

– trả lời những câu hỏi: lí giải, làm rõ những vấn đề mà xã hội quan tâm.

– đặt ra những câu hỏi mới: suy tư, chất vấn, dự báo/cảnh báo những vấn đề có nguy cơ … đối với nhân loại.

làm cho loài người … của tinh thần tự mãn: khai phóng, làm cho con người tự nhận thức, thay đổi, vượt lên chính mình, truy tìm ý nghĩa của cuộc sống.

=> Ý kiến gián tiếp đề cập đến sứ mệnh của nhà văn trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật: phản ánh và lí giải hiện thực; đặc biệt là phát hiện, truy vấn và cảnh báo những vấn đề mới để thức tỉnh, khai phóng con người về sự đổi mới hướng tới ý nghĩa của cuộc sống.

1,5
2. Bình luận

2.1. Bình

Phản ánh hiện thực là đặc tính của văn chương. Nhà văn là nhà tri thức có tâm hồn ưu ái, nhạy cảm; nhãn quan tinh tế, trí kiến sâu rộng, trí tưởng tượng phong phú và năng lực phân tích sâu sắc về đời sống.

Trả lời câu hỏi của thời đại, thông qua tác phẩm, nhà văn thể hiện sự gắn bó, khám phá để nhận thức và lí giải đời sống, đưa ra chiều hướng giải quyết hiện thực, kiến tạo một xã hội nhân ái, nhân văn.

– Đặt ra các câu hỏi mới, bằng những suy tư, hoài nghi và khả năng tiên cảm, thông qua tác phẩm, nhà văn phát hiện, cảnh báo, đối thoại với người đọc về những vấn đề mới của thời đại. Từ đó, nhà văn đem lại cho người đọc những trăn trở, suy tư, truy tìm giá trị cuộc đời; khai phóng con người thoát khỏi những lối mòn của tư duy, chất vấn lại lẽ thường và niềm tin cố hữu để vượt lên thực tại vì một cuộc sống có ý nghĩa.

Đặt ra được các câu hỏi mới, nhà văn đem lại chiều sâu tư tưởng cho tác phẩm, đáp ứng và nâng tầm đón nhận thẩm mĩ của người đọc, khẳng định tầm vóc của nhà văn và thúc đẩy sự phát triển của văn học.

 

3.5

 

 

 

 

 Chứng minh

Thí sinh chọn được một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học dân tộc và thế giới để phân tích, khái quát làm sáng tỏ các ý chính sau đây:

– Thông qua tác phẩm, nhà văn đã trả lời những câu hỏi của thời đại,  đặt ra được những câu hỏi mới, mở ra không gian đối thoại với người đọc, giúp người đọc nhận thức sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống. Khẳng định những tác phẩm đó có sức sống bền vững, làm nên sự bất tử của nhà văn.

3.0
2.2. Luận

– Nhà văn cần phải xuất phát từ việc nhận thức sâu sắc quy luật vận động và những đòi hỏi cấp thiết của thời đại thì mới có cơ sở đặt ra được những câu hỏi mới, đề xuất những vấn đề có giá trị, ý nghĩa.

– Làm cho con người luôn luôn thấp thỏm, luôn luôn suy nghĩ không có nghĩa là nhà văn đẩy con người vào trạng thái hoang mang, vô vọng, …; chống lại sự đinh ninh của thói quen và những lời ru ngủ của tinh thần tự mãn không có nghĩa là nhà văn phủ nhận những giá trị bền vững trong cuộc sống con người, xã hội.

– Nhà văn không chỉ là nhà tri thức mà còn là một người nghệ sĩ; bên cạnh cái tâm, cái tầm, nhà văn cần có tài năng nghệ thuật để sáng tạo nên một hình thức nghệ thuật tương xứng, độc đáo, có giá trị thẩm mĩ cho tác phẩm.

– Những nhà văn có tư tưởng phản nhân văn, đứng ngoài cuộc sống, giẫm trên lối mòn,… sẽ bị đào thải.

– …

2.0
3. Đánh giá chung

– Ý kiến của Lê Đạt thể hiện sự trải nghiệm, đúc kết sâu sắc về quá trình sáng tạo nghệ thuật; đồng thời khẳng định, đề cao sứ mệnh cao cả của nhà tri thức, nghệ sĩ, nhà văn.

–  Ý kiến định hướng cho hoạt động sáng tác và tiếp nhận văn học:

+ Nhà văn phải thực sự có tâm lực, trí lực, bút lực, dũng cảm dấn thân vào cuộc sống mới có thể thực hiện được sứ mệnh cao cả của mình.

+ Người đọc phải có ý thức về giá trị sống, có năng lực lĩnh hội sâu sắc thì mới có thể đối thoại với nhà văn về những vấn đề đặt ra trong tác phẩm.

1.0

————————- Hết —————————-

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *