BỘ CÁNH DIỀU
Đề bài
ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản:
Thằng con tôi 11 tuổi, học lớp sáu. Qua mùa thi chuyển cấp, nhân một buổi chiều cho con đi chơi mát, nó kể… Đang hỏi nó về chuyện thi cử, nó chợt hỏi lại tôi:
– Ba! Có bao giờ thấy có một bài luận văn nào điểm không không ba? Con số không cô cho bự bằng quả trứng gà. Không phải cho bên lề, mà một vòng tròn giữa trang giấy. Thiệt đó ba. Chuyện ngay trong lớp của con, chứ không phải con nghe kể đâu.
Tôi chưa kịp hỏi, nó tiếp:
– Còn thua ba nữa đó, ba. Ít nhứt ba cũng được nửa điểm. Còn thằng bạn của con, con số không bự như quả trứng.
Thằng con tôi ngửa mặt cười, có lẽ nó thấy thú vị vì thời học trò của ba nó ít nhứt cũng hơn được một đứa.
Số là cách đây vài năm, có một nhà xuất bản gởi đến các nhà văn, nhà thơ quen biết trong cả nước một câu hỏi, tôi còn nhớ đại ý, nhà văn, nhà thơ thời thơ ấu học văn như thế nào, nhà xuất bản in thành sách “Nhà văn học văn”. Đọc qua, nghe các nhà văn, nhà thơ kể, tất nhiên là mỗi người có mỗi cuộc đời, mỗi người mỗi giọng văn, nhìn chung thì người nào, lúc còn đi học, cũng có khiếu văn, giỏi văn. Nếu không thì lấy gì làm cơ sở để sau này trở thành nhà văn? Rất lô-gích và rất là tự nhiên vậy. Duy chỉ có bài của tôi hơi khác, có gì như ngược lại. Tôi kể, hồi tôi học ở trường trung học Nguyễn Văn Tố (1948 – 1950), tôi là một học sinh trung bình, về môn Văn không đến nỗi liệt vào loại kém, nhưng không có gì tỏ ra là người có khiếu văn chương. Và có một lần, bài luận văn của tôi chỉ được có một điểm trên hai mươi (1/20). Đó là kỷ niệm không quên trong đời học sinh của tôi, môn Văn.
Khi con tôi đọc bài văn đó, con tôi hỏi:
– Sao bây giờ ba là nhà văn? Và bạn bè cũng hỏi như vậy. Tôi cũng đã tự lý giải về mình, và lời giải cũng đã in vào sách rồi, xin không nhắc lại.
Tôi hỏi con tôi:
– Luận văn cô cho khó lắm hay sao mà bạn con bị không điểm.
– Luận văn cô cho “Trò hãy tả buổi làm việc ban đêm của bố”.
– Con được mấy điểm?
– Con được sáu điểm.
– Con tả ba như thế nào?
– Thì ba làm việc làm sao thì con tả vậy.
– Mấy đứa khác, bạn của con?
Thằng con tôi như chợt nhớ, nó liến thoắng:
– A! Có một thằng ba nó không hề làm việc ban đêm mà nó cũng được sáu điểm đó ba.
– Đêm ba nó làm gì?
– Nó nói, đêm ba nó toàn đi nhậu.
– Nó tả ba nó đi nhậu à?
– Dạ không phải. Ba nó làm việc ban ngày nhưng khi nó tả thì nó tả ba nó làm việc ban đêm, ba hiểu chưa?
– Còn thằng bạn bị không điểm, nó tả như thế nào?
– Nó không tả không viết gì hết, nó nộp giấy trắng cho cô.
– Sao vậy?
– Hôm trả lại bài cho lớp, cô gọi nó lên, cô giận lắm, ba. Cô hét: “Sao trò không làm bài”. Nó cúi đầu làm thinh. Cô lại hét to hơn: “Hả?”. Nó cũng làm thinh. Tụi con ngồi dưới, đứa nào cũng run.
– Nó là học trò loại ” cá biệt” à?
– Không phải đâu ba, học trò tiên tiến đó ba.
– Sao nữa? Nó trả lời cô giáo như thế nào?
Nó cứ làm thinh. Tức quá, cô mới quất cây thước xuống bàn cái chát: “Sao trò không làm bài?” Tới lúc đó nó mới nói: “Thưa cô, con không có ba”. Nghe nó nói, hai con mắt của cô con mở tròn như hai cái tô. Cô đứng sững như trời trồng vậy ba!
Tôi bỗng nhập vai là cô giáo. Tôi thấy mình ngã qụy xuống trước đứa học trò không có ba.
Sau đó cô và cả lớp mới được biết, em mồ côi cha khi vừa mới lọt lòng mẹ. Ba em hy sinh trên chiến trường biên giới. Từ ấy, má em ở vậy, tần tảo nuôi con…
Có người hỏi em: “Sao mày không tả ba của đứa khác”. Em không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống đôi má.
Chuyện của đứa học trò bị bài văn không điểm đã để lại trong tôi một nỗi đau. Em bị không điểm, nhưng với tôi, người viết văn là một bài học, bài học trung thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt.
Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, tôi xin để trang giấy trắng trung thực trên bàn viết.
(Bài học tuổi thơ – Truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, NXB Văn học, 1990)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Theo tác giả, phản ứng lặp lại nhiều lần của cậu bé học trò bị bài văn không điểm khi bị cô giáo mắng là gì?
Câu 3. Trong truyện ngắn, lí do “không có ba” của cậu bé học trò bị bài văn không điểm là gì?
Câu 4. Tại sao chuyện cậu bé học trò bị bài văn không điểm lại để lại trong nhân vật “tôi” nỗi đau?
Câu 5. Những câu văn Có người hỏi em: “Sao mày không tả ba của đứa khác”. Em không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống đôi má giúp anh/chị hiểu gì về cảm xúc của nhân vật “em“?
Câu 6. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng muốn gửi gắm ý nghĩa gì qua phần kết của câu chuyện?
Câu 7. Trình bày suy nghĩ của em về tình cảm của tác giả dành cho cậu bé học trò bị bài văn không điểm qua truyện ngắn. Trả lời bằng đoạn văn từ 5 đến 7 dòng.
- LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/ chị hãy viết một bài văn phân tích những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của truyện Bài học tuổi thơ của Nguyễn Quang Sáng.
SỞ GD – ĐT …
TRƯỜNG THPT … |
KIỂM TRA CUỐI KÌ I NĂM HỌC 2023 – 2024
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM Môn: Ngữ văn, lớp 11 (Đáp án và hướng dẫn chấm gồm 04 trang) |
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 6,0 | |
1 | – Phương thức biểu đạt chính: tự sự
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như Đáp án: 0,5 điểm. – Học sinh không trả lời đúng: không cho điểm. |
0,5 | |
2 | – Theo tác giả, phản ứng lặp lại nhiều lần của cậu bé học trò bị bài văn không điểm khi bị cô giáo mắng là: cúi đầu làm thinh.
Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như Đáp án: 0,5 điểm. – Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: không cho điểm. |
0,5 | |
3 | Trong truyện ngắn, lí do “không có ba” của cậu bé học trò bị bài văn không điểm là:
– Ba em hy sinh trên chiến trường biên giới. Từ ấy, má em ở vậy, tần tảo nuôi con… Hướng dẫn chấm: – Học sinh trả lời như Đáp án: 0,5 điểm. – Học sinh không làm được: 0 điểm. |
0,5 | |
4 | Chuyện cậu bé học trò bị bài văn không điểm lại để lại trong nhân vật “tôi” nỗi đau. Bởi vì:
– Nỗi đau vì một học trò được kém một cách không đáng có. (0,5đ) – Nỗi đau vì cuộc đời thiếu sự sẻ chia, thông cảm, thấu hiểu với nhau. (0,5đ) Hướng dẫn chấm: – Học sinh đưa ra lí giải thuyết phục (đủ 2 ý): 1,0 điểm. – Học sinh đưa ra được một ý lí giải: 0,5 diểm. – Học sinh không làm được: 0 điểm. |
1,0 | |
5 | Những câu văn Có người hỏi em: “Sao mày không tả ba của đứa khác”. Em không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống đôi má thể hiện cảm xúc của nhân vật “em“:
– Nỗi buồn, nỗi tủi hờn vì không còn ba. – Niềm tự hào về người cha đã hi sinh vì đất nước. Hướng dẫn chấm: – Học sinh đưa ra cảm nhận thuyết phục (đủ 2 ý): 1,0 điểm. – Học sinh đưa ra được một ý cảm nhận: 0,5 diểm. – Học sinh không làm được: 0 điểm. |
1,0 | |
6 | Nhà văn Nguyễn Quang Sáng muốn gửi gắm ý nghĩa gì qua phần kết của câu chuyện:
– Bài học về tính trung thực và sự lựa chọn cách sống trung thực trong cuộc sống. (0,5đ) – Bài học về sự thấu hiểu, đòng cảm.(0,5đ) Hướng dẫn chấm: – Học sinh giải thích và đưa ra được ý nghĩa thuyết phục: 1,0 điểm. – Học sinh đưa ra được 01 ý: 0,5 diểm. – Học sinh không làm được: 0 điểm. |
1,0 | |
7 | Đoạn văn cần đảm bảo các ý:
– Tình cảm của tác giả dành cho cậu bé học trò bị bài văn không điểm qua truyện ngắn: cảm thông, thấu hiểu, đồng cảm với hoàn cảnh không có cha của cậu bé. (0,75đ) – Sự trân trọng, cảm kích của một người lớn tuổi, một nhà văn trước một em bé nhỏ tuổi mà trung thực. (0,75đ). Hướng dẫn chấm: – Học sinh viết đoạn văn đảm bảo dung lượng, cấu trúc, xác định đúng vấn đề và lập luận chặt chẽ, đảm bảo đủ 2 ý, không sai quá 02 lỗi chính tả, ngữ pháp: 1,5 điểm. – Học sinh đưa ra được 01 ý: 0,75 diểm. – Học sinh không làm được: 0 điểm. |
1,5 | |
II | LÀM VĂN: Từ truyện ngắn “Ga tàu tuổi thơ” (Vũ Thị Huyền Trang), em hãy bàn về sức mạnh của tình cảm gia đình trong đời sống hiện nay. | 4,0 | |
· Yêu cầu chung:
– Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết bài văn nghị luận. – Lập luận thuyết phục, diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. |
|||
· Yêu cầu cụ thể: | |||
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Từ truyện ngắn “Ga tàu tuổi thơ” (Vũ Thị Huyền Trang), bàn về sức mạnh của tình cảm gia đình trong đời sống hiện nay.
– Xác định đúng vấn đề nghị luận, trong đó trọng tâm là bàn luận trong đời sống: 0,25 điểm – Xác định chưa rõ vấn đề nghị luận, chỉ nêu chung chung hoặc xác định sai vấn đề nghị luận, trình bày lạc đề: 0 điểm |
0,25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần dẫn dắt, giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục. Bài viết cần đảm bảo các nội dung sau: |
|
||
c.1 Mở bài: 1. Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm truyện, nhân vật, đoạn trích cần khai thác: + Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – cây đại thụ của nền văn học Nam Bộ. Là một trong những nhà văn đã từng tham gia kháng chiến. + Những tác phẩm của ông nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng thường mang tính giáo dục, triết lý cao, khiến cho độc giả sau khi đọc xong đều có những bài học, suy nghĩ riêng cho bản thân mình. + Truyện ngắn “Bài học tuổi thơ” tuy bình dị, trằm lắng vậy mà lại khiến độc giả vô cùng ấn tượng. Ấn tượng bởi hình ảnh cậu bé trung thực và sâu lắng hơn bởi những lời tâm sự của tác giả. – Nêu yếu tố nổi bật sẽ phân tích, đánh giá: ý nghĩa sâu sắc của chuyện về lòng trung thực, về sự thấu hiểu, đồng cảm, về cách người ta đối xử với quá khứ được thể hiện qua cốt truyện đơn giản mà thấm thía.
|
0,25 | ||
c.2 Thân bài:
* Nêu các điểm nổi bật về nội dung, ý nghĩa tác phẩm: – Nét đặc sắc về nội dung của truyện ngắn: Câu chuyện về tình người và cách người ta đối xử với quá khứ. Điểm “không” dành cho người thầy khi chưa thấu đáo trong cách đánh giá và bất kì ai đã quên một phần lịch sử cũng như trân trọng đức tính cao đẹp của con người. – Nét đặc sắc về nghệ thuật: Cốt truyện đơn giản, dễ hiểu, xoay quanh cuộc trò chuyện giữa hai cha con. Câu chuyện được kể thông qua điểm nhìn của người cha – người kể chuyện ngôi thứ nhất. Đây là điểm nhìn xuyên suốt tác phẩm, giúp cho câu chuyện trở nên sinh động, cụ thể, giàu cảm xúc và chân thật hơn. Thành công của truyện là đã xây dựng được những nhân vật thật tiêu biểu…… |
0,25 |
||
* Phân tích cái hay, cái đẹp của các yếu tố nghệ thuật hoặc hình ảnh đặc sắc; về nhân vật hoặc vấn đề đặt ra trong tác phẩm.
– Nội dung truyện ngắn Bài học tuổi thơ là một cuộc trò chuyện giữa cố nhà văn và đứa con trai 11 tuổi, học lớp 6, viết vào mùa thu năm 1990. Truyện ngắn “Bài học tuổi thơ” kể về một bài văn bị điểm 0 của cậu học trò lớp 6. Đề văn là “Tả ba em làm việc vào ban đêm” nhưng cậu bé lại nộp giấy trắng cho cô giáo, chỉ tới khi cô giáo hỏi cậu rằng vì sao cậu không làm bài thì mọi người mới lặng người đi khi biết rằng cha của cậu đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đó không chỉ là một bài văn bị điểm 0, đó còn là bài học về sự trung thực, dũng cảm đối mặt với sự thật cho dù biết rằng kết quả có thể xấu tới thế nào đi chăng nữa. – Cậu bé trong câu truyện đã chấp nhận rằng mình có thể sẽ bị mắng, bị trách tội cũng như bị điểm kém vì đã không hoàn thành bài tập được cô giáo giao. Thế nhưng cậu không muốn sống là một người giả dối. Khi có người bạn hỏi rằng “Vì sao mày không tả bố đứa khác”, cậu chỉ im lặng mà không trả lời. Có lẽ, cậu chưa từng được nhìn thấy bố, chưa được biết hình ảnh của bố mình trông sẽ ra sao khi làm việc buổi đêm, nhưng cậu tự hào vì bố mình, cậu tự hào khi bố mình đã không tiếc hi sinh mạng sống, hạnh phúc của bản thân để dành lại sự hạnh phúc cho những gia đình khác. Cậu im lặng khi được hỏi cũng như đã trả lời rằng bố của mình chỉ duy nhất có một người, sẽ không có bất cứ ai có thể thay thế được vị trí của bố trong lòng cậu cả. Qua đó cũng phần nào thể hiện được sự khát khao có được tình yêu thương của bố, được nhìn ngắm bố làm việc. +) Đặc sắc nghệ thuật: – Cách kể lại câu chuyện: mạch tự sự của VB truyện lại có sự đảo lộn trật tự thời gian: truyện bắt đầu bằng cuộc trò chuyện giữa hai cha con về bài luận cô giáo giao cho, sau đó quay ngược lại với hồi ức thuở nhỏ nhân vật tôi từng bị điểm kém bài văn. Tiếp theo, mạch truyện lại quay về thực tại, câu chuyện có thêm các tình tiết giúp người đọc hiểu về các nhân vật và kết thúc là những suy tư của người cha về lòng trung thực. – Nghệ thuật xây dựng tình huống: + Xác định tình huống truyện: cậu học sinh được 0 điểm vì bỏ giấy trắng, không làm bài văn “tả buổi làm việc ban đêm của bố”, hóa ra là vì cậu không có bố. + Nhận xét, đánh giá về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của tình huống truyện trong việc khắc họa nhân vật: khắc họa tính cách trung thực của nhân vật cậu bé được 0 điểm, thể hiện sự day dứt của nhân vật “tôi”. – Cách lựa chọn ngôi kể, tác dụng của ngôi kể + Xác định ngôi kể: ngôi thứ nhất + Tác dụng của người kể chuyện ngôi thứ nhất: là người kể chuyện hạn tri, không được nhà văn trao cho quyền năng toàn tri như người kể chuyện ở ngôi thứ 3. Tuy không tham gia và chứng kiến những gì xảy ra với nhân vật cậu bé bị điểm 0 bài văn nhưng người kể chuyện xưng tôi được cậu con trai hồn nhiên, thật thà kể lại nên câu chuyện vẫn có sức hấp dẫn, lôi cuốn; nhân vật hiện lên qua lời kể chân thực, sống động, tự nhiên… – Điểm nhìn trần thuật và lời kể: + Điểm nhìn bên ngoài miêu tả lời nói, hành động, cử chỉ, ánh mắt của người con, hai người bạn của người con, cô giáo và nhân vật tôi; Điểm nhìn bên trong miêu tả nội tâm của nhân vật tôi khi nhập vai là cô giáo; Lời của người kể chuyện xưng tôi, lời đối thoại của các nhân vật, lời nửa trực tiếp. + Nêu tác dụng: Điểm nhìn và lời kể khắc họa các nhân vật: người con thì ngây thơ và trung thực, hai người bạn với hai lựa chọn khác nhau thể hiện hai tính cách: một người bạn sẵn sàng nói sai sự thật để có điểm, người kia có hoàn cảnh éo le nhưng có tính cách trung thực, nhân vật tôi là một nhà văn và cũng lựa chọn sự trung thực, từ chối sự bịa đặt trên trang giấy. – Giọng điệu trần thuật: người kể chuyện kể chuyện với giọng điệu day dứt, trăn trở, thái độ vừa xót xa, đồng cảm vừa trân trọng cậu bé được 0 điểm. Đó cũng chính là thái độ của nhà văn. * Đánh giá (Nhận xét, bình luận), nâng cao, mở rộng: – Tác giả không chỉ đề cao sự trung thực của cậu bé, mà qua đó ông còn dành sự kính trọng cho những người lính đã đánh đổi xương máu của mình để dành lại độc lập, tự do hôm nay cho đất nước. |
2,0
0,25
|
||
c.3 Kết bài
– Khái quát về giá trị của các yếu tố đã phân tích đối với tác phẩm. – Nêu ấn tượng và cảm xúc của người viết về các yếu tố đã phân tích; giá trị, hiệu quả tác động tới bạn đọc. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh. – Đáp ứng được 1-2 yêu cầu trở lên: 0,25 điểm. – Không đáp ứng được cả 2 yêu cầu: 0 điểm. |
0,25 | ||
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. Hướng dẫn chấm: – Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt: 0,25 điểm – Sai từ 5 lỗi trở lên: 0 điểm |
0,25 | ||
Tổng điểm | 10,0 |
Bài viết tham khảo:
Nguyễn Quang Sáng có một truyện ngắn mang tên “Bài học tuổi thơ”, viết năm 1990, kể câu chuyện của một bài tập làm văn với đề bài là “Trò hãy tả buổi làm việc ban đêm của bố”.
Nhà văn đã rất cẩn thận khi viết rõ rằng các em học sinh ở đây 11 tuổi, học lớp 6. Nghĩa là lấy mốc năm 1990 trừ đi, thì người cha của em học trò bị điểm 0 đã hy sinh năm 1979. Đó là năm mà tại cái “chiến trường biên giới” ấy, rất nhiều gia đình đã mất đi một người cha, người chồng, người con.
Tác phẩm được dẫn ra ở trên chính là truyện ngắn mang tên ‘Bài học tuổi thơ“, kể về một bài tập làm văn với đề bài là “Trò hãy tả buổi làm việc ban đêm của bố”.
Câu chuyện khá đơn giản với một chút mâu thuẫn nhẹ mà có lẽ, chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta đã từng bắt gặp, ít nhất một lần trong đời. Có một học trò được 6 điểm dù ba của nó không hề làm việc ban đêm. Nó tâm sự với bạn bè, ban đêm ba nó chỉ đi nhậu vậy là nó đành tả ba nó làm việc ban ngày rồi chuyển thành ban đêm. Một trò khác miêu tả chân thực ba mình làm việc ban đêm cũng chỉ nhận điểm 6. Đặc biệt, có một trò không miêu tả gì hết, trò này nộp giây trắng và nhận điểm không “bự như quả trứng”.
Khi cô giáo gặng hỏi nguyên nhân vì sao trò không làm bài. Nhân vật trong chuyện chỉ im lặng hồi lâu rồi thú nhận mình không có ba. Ba em đã hy sinh nơi mặt trận từ khi em vừa lọt lòng.
Đó là một câu chuyện của giáo dục. Những điểm 0 và điểm 6 như thế chắc chắn đã không “tuyệt tích” từ thời mà Nguyễn Quang Sáng viết “Bài học tuổi thơ”. Đến tận hôm nay đề tập làm văn trong trường phổ thông vẫn mang mô thức “Hãy tả một ai đó đang làm gì đó” mà không nhất thiết phải quan tâm đến việc ai đó có thực sự tồn tại hay là họ đã tồn tại như thế nào.
Điểm 0 của Nguyễn Quang Sáng, thật ra dành cho người thày – người đã dạy một công thức lắp ghép hơn là dạy cách mô tả cuộc sống. Những điểm 0 như thế đến hôm nay vẫn tồn tại.
Đó còn là câu chuyện của tình người, của cách người ta đối xử với quá khứ. Một đứa trẻ có người cha đã hy sinh ở “chiến trường biên giới” năm 1979, tồn tại trong lớp học ấy như một điều hiển nhiên cho đến khi hoàn cảnh trớ trêu cho người ta biết sự thật. Nguyễn Quang Sáng hẳn đã không vô tình khi chọn chi tiết “chiến trường biên giới” cho sự thờ ơ ấy, sự lãng quên ấy.
Còn bao nhiêu số phận nữa gắn với cái chiến trường biên giới năm 1979 ấy cũng đã bị lãng quên như em học sinh lầm lũi trong lớp học kia? Câu hỏi ấy vẫn chưa thể được trả lời đích đáng đến hôm nay.
Và hẳn ông cũng không vô tình khi mô tả rằng mắt cô giáo chỉ biết “mở tròn như hai cái tô” và “đứng như trời trồng” khi nghe đến câu chuyện của em học sinh.
Giá mà câu chuyện có thể kết lại bằng một tiết học về những người lính đã hy sinh nơi chiến trường biên giới cách đấy 11 năm hay là một sự thay đổi nào đó trong bài văn bị điểm 0 của em học trò.
Nhưng không, cô giáo đứng như trời trồng, câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, em học trò vẫn bị điểm 0 vì ba em đã mất nơi chiến trường biên giới. Một ẩn dụ đắng chát.
Điểm 0 ấy, có thể dành cho bất kỳ ai trong chúng ta, những người đã lãng quên một phần lịch sử. Điểm 0 ấy, đến hôm nay vẫn đáng phê lên trán của rất nhiều người đang sống.
Chính nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã từng nói: “Nghệ thuật không có cái đỉnh cuối cùng. Có những cái đỉnh càng leo càng gần, nhưng cái đỉnh của nghệ thuật, của văn học càng leo càng thấy xa. Với tôi, văn học là con đường càng đi càng xa, đi mãi không dừng…“. “Bài học tuổi thơ” giống như một câu chuyện được kể qua góc nhìn của một người cha, người đã trải qua những kỷ niệm đau buồn trong quá khứ và hiểu rõ giá trị của sự trung thực. Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, nhưng vẫn đầy tình cảm để tạo nên sức hút cho câu chuyện.Nhà văn Nguyễn Quang Sáng luôn đặt cao yếu tố thực tế, tính trung thực khi viết văn. Ông viết truyện ngắn “Bài học tuổi thơ” từ thực tế một học sinh bị điểm không bài văn với đề bài “Tả buổi làm việc ban đêm của bố em”. Vì em học sinh đó không có bố nên để giấy trắng, không làm bài. Ông nhấn mạnh: “Viết văn phải viết từ gan ruột, viết bằng máu thịt của mình viết ra. Khi mình viết về những gì mình biết thì mới có thể viết trơn tru được. Còn nếu ép buộc viết về những điều mình không nắm rõ thì rất khó viết hay. Cái gì tôi từng trải thì tôi mới viết”. Khi viết văn tôi không nghĩ ngợi nhiều về tiền bạc hay sự nổi tiếng mà viết một cách tự nhiên, viết theo hứng. Hứng ở đây là thời điểm chín muồi của quá trình tư duy. Có như thế, tác phẩm viết ra mới tạo dấu ấn đặc sắc đi sâu vào tâm hồn độc giả.
“Bài học tuổi thơ” là một tác phẩm văn học đầy ý nghĩa và giá trị. Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu để kể câu chuyện, nhưng lại mang đến những thông điệp sâu sắc về tình cảm gia đình, giá trị của sự trung thực và quan tâm đến vấn đề giáo dục. Tác phẩm này là một lời nhắn nhủ đến chúng ta về tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tình cảm gia đình và giáo dục trẻ em một cách trung thực và chân thành. Ngoài ra, tác phẩm cũng cho thấy sự tinh tế trong cách kết hợp giữa câu chuyện của đứa trẻ bị không điểm với ký ức của người cha để tạo nên một câu chuyện đầy cảm xúc và ý nghĩa.Ông còn tự rút ra bài học cũng nhắn nhủ cho mình cũng như toàn thể độc giả:”văn chương có thể hư cấu, có thể sáng tạo chứ không được bịa đặt’’.