Đề nghị luận truyện ngắn Thương quá rau răm Nguyễn Ngọc Tư

BÀI KIỂM TRA CUỐI KÌ I, KHỐI 11  BỘ CÁNH DIỀU

Đề 1:Đọc văn bản sau:

Lược phần đầu: Ông Tư Mốt  là một cựu chiến binh, là trưởng ấp của một dải đất cù lao Mút cà Tha gồm ba mươi ta nóc nhà. Hôm nay ông đang chở một bác sĩ trẻ từ thành phố về đây công tác. Bác sĩ thứ sáu về làm việc ở trạm xá cù lao. Năm người trước đã ra đi, đi vì không chịu nổi thiếu thốn. Và buồn.

Cù lao Mút Cà Tha nằm gần cuối sông Dài, trên nó một chút có một nhánh sông khác rẽ về phía mặt trời, rộn rịp được đoạn đó rồi thôi. Mút Cà Tha nằm hiu hắt, lâu lâu mới thấy bóng dáng một con tàu lớ ngớ chạy vào rồi lại tẽn tò quay ra vì lầm đường, vì không biết đằng sau cù lao, sông cụt. Ngó sông vắng vẻ quá trời buồn, nhìn cảnh cù lao còn buồn hơn. Buồn từ mùi ổi chín phảng phất trong vườn, từ giọng người ới lên một tiếng rồi bặt, dư âm còn thâm u trên các ngọn cây, tiếng cạo cơm cháy xa vẳng trong nắng chiều… Từ mé rừng mắm chống lở đất phía bên này, đi hết vườn cây này gặp được một căn nhà thì lại tiếp đến vườn cây trái khác. Cuối cùng là bãi bồi, dây khoai lang bò xùm xòa phủ kín đất. Bóng người ẩn hiện dọn cỏ dưới các gốc cây. Bên đường thấp thoáng nhiều nấm đất con con của những đứa trẻ kiệt sức vì bị đẹn mà chỉ được rơ miệng bằng cỏ mực, những đứa trẻ bệnh sốt xuất huyết chỉ chữa bằng cạo gió, uống nước mía lau, rễ tranh, những đứa trẻ mắc thương hàn bị thủng ruột vì tự do chạy ra vườn ăn ổi chua, ổi chát… Những gò đất ấy đã cũ mèm rồi, bây giờ người cù lao hiểu biết nhiều, nhưng vẫn còn chuyện rủi may, còn người bị rắn độc cắn, chết trên đường ra bệnh viện huyện. Hôm ấy, trưởng ấp Tư Mốt tuyệt vọng nắm chặt hơi thở cuối của ông bạn láng giềng trong tay, tuyệt vọng thấy nó tan đi, ông về nhà viết lên tường trạm xá “Cương quyết chỉ chết vì già”.

Nhân viên y tế nào mới về ngó câu khẩu hiệu ấy cũng cười, cũng thương. Nhưng rồi nửa khuya ngồi ăn mì gói, nghe cú kêu lẫn tiếng radio khọt khẹt (để chút âm thanh đấy cho đỡ quạnh), vạch đi vạch lại tờ báo cũ mèm, họ sực nhớ phải về quê lấy vợ, lấy chồng, sực nhớ vợ mình mới sinh, sực nhớ tội nghiệp ba má đã già… Và họ từ giã cù lao. Ông Tư Mốt ờ ờ ra chiều thông cảm, vẻ mặt cố tỏ ra không buồn nhưng hàm râu xuôi xị. Họ ngoắc đò đi rồi ông còn đứng mãi trên bến, nghĩ giận đám trẻ cù lao đã được học hành nhưng chẳng đứa nào chịu quay về.

Nên ông bảo với bốn mươi ba nóc gia sống trên Mút Cà Tha, “Bất cứ người xứ lạ nào đến làm việc ở đất cù lao đều quý, mình phải đối xử cho tử tế, thiệt tử tế”. Gặp Văn lần đầu tiên, ông nghĩ ngay, phải giữ thằng nhỏ này ở lại cù lao, thấy cái mặt buồn buồn, ngó bộ đàng hoàng. Ông nghĩ là mình có cách, không có gì sâu nặng bằng tình cảm người với người. Thì ông đã rịt chân mấy thầy cô giáo cho đám trẻ cù lao đấy thôi. Hôm Văn đến, bà con ôm lại cho một đống áo quần, góp gạo đổ vô thùng, câu cá đem rộng. Rồi mấy con cá ốm nhom, trắng dờ con mắt, lội vật vờ tới lui chờ hóa kiếp mà Văn vẫn còn ngợp trong mớ lời mời, hết nhà này đến nhà khác, bữa thì cháo vịt, cháo rắn, bữa khác tôm nướng, lươn um…

Mà, trông Văn vẫn buồn, buồn chen giữa hai cái cười, nó tranh thủ cả khi Văn đưa ly rượu lên môi và để ly không xuống (còn lúc uống thì mặt Văn nhăn nhúm lại, vẻ buồn không rõ ràng). Hỏi làm sao buồn thì Văn cười, ủa, cháu có buồn gì đâu. Hỏi nhớ thành phố à, Văn cũng cười, không, thành phố có gì mà nhớ. Hỏi nghĩ sao mà tình nguyện về đất cù lao này, nghe tên Mút Cà Tha bộ không ớn sao, Văn (lại) cười, không, có nghĩ gì đâu, cháu chọn nơi nào hẻo lánh ít người… Nghe cái giọng như đời ta là lục bình, trôi đâu cũng được, càng xa càng tốt.

Nhưng trưởng ấp Tư Mốt phải làm cho anh chàng hiểu đời anh có ý nghĩa với đất này như thế nào, thiếu anh người cù lao sống không nổi chớ chơi à. Buổi sáng có người chạy lại than nhức đầu, sổ mũi, buổi chiều thêm chứng chóng mặt, đau mình… Trưởng ấp tà tà dài theo xóm, thấy ai rảnh rỗi là kêu, đứng đó làm gì, sao hổng lại trạm xá cho bác sĩ người ta khám.(…)

Và anh hiểu tại sao ông già ấy lại quan tâm tới mình. Chiều nào ông cũng lại chỗ Văn, rủ rỉ rù rì. Ông biết giờ đó, bà mụ Năm, nhân viên thứ hai của trạm xá đã về nhà, có thể Văn thấy cô đơn. Ông kêu đám thanh niên lại chỗ Văn đàn hát tẳng tằng tăng, dẫn Văn đi câu cá hay soi ếch trong “mà”. Văn tham gia nhiệt tình nhưng không tha thiết như người đi đường thấy vật lạ thì cầm lên, rồi lại bỏ xuống, đi tiếp. Có lần ông Tư hỏi nhà Văn ở khúc nào, Văn bảo ở chỗ ấy chỗ ấy mà trong bụng buồn cười, nghĩ nói cho có chứ chắc gì ông biết, nghe cái giọng như thể thành phố nhỏ bằng cù lao. Không ngờ ông biết thật, nói hồi giải phóng, trung đội ông đánh vô đường đó. Ban quân quản còn cấp cho ông căn nhà đằng trước có khoảng sân ngập tràn bông giấy rụng. Văn hỏi, rồi sao bác lại ra sống ở đây. Ông cười, vì cái đất này cần mình. Nói xong câu này, ông lén dò xét coi thằng nhỏ có bắt được cái ý nghĩa ngầm mà ông gửi gắm không, chỉ thấy Văn ngó lên trời, ngó xa xôi, hỏi nhìn gì, Văn ù ờ, bảo nhìn chim bay, không biết tụi nó bay tới đâu, về tận đâu. Trưởng ấp Tư Mốt thấy bất an, về nhà biểu con gái sớt nửa nồi bí hầm dừa bưng qua trạm xá. Con Nga dạ rồi tong tả đi.

Nó thường được ông Tư sai bưng thức ăn đến trạm xá cho Văn. Nhiều nhất, thường nhất là món khoai luộc nóng hổi, thơm bừng. Bưng rổ khoai từ nhà đến chỗ Văn, khói mềm cả ống tay áo Nga. Trời trở chướng, gió ráo hanh nhưng nước lên, sân trước trạm xá ngập lênh láng, con Nga xắn quần quá gối lội qua, thấy Văn, nó thưa thẽ thọt “Ba em gửi anh ít khoai” rồi về. Lần sau, nó xắn quần thấp một chút, bảo ăn khoai đi anh. Sau nữa nó cứ để ống quần bết nước, lọng cọng đứng ngoài cửa, hai gò má rựng lên, gọi “Ăn khoai nè”. Lúc đấy thì nói ít, thẹn thò nhưng ở lại lâu, dọn dẹp lăng xăng, quét trên quét dưới, bắc nồi cơm lên bếp, làm cá nấu canh chua trái giác, sung sướng thấy mình bận rộn giống hệt mấy nhỏ bạn mới lấy chồng (tụi con gái thường hay điên vậy, tới khi xà quần chồng con thật, lại than số mình cực như trâu). Rồi sực nhớ bếp ở nhà lạnh tanh, nó chạy về. Ông Tư ngồi trước cửa, giấu sự thắc thỏm (và một chút lưỡng lự, mình tạo điều kiện cho hai đứa gần gũi vầy có sao không ta). Cố tươi tỉnh, ông hỏi ngay, “Con Nga lo cho anh bay xong chưa ? Mắc gì mà mày cười suốt từ ngoài đường vào đây ?”. Dạ, con Nga chối bay, con đâu có cười, tại ba má sanh cái miệng con vậy mà. Nói rồi nó chạy vô bếp, bâng khuâng cười thêm một hồi nữa…

(Tóm tắt: Chủ nhật, Văn mượn xe đạp chở con Nga đi chơi lòng vòng cù lao. Bữa nọ, Nga đem mấy cần xé ổi ra chợ huyện cân cho vựa thì gặp đám bạn văn xốc xếch đứng bến. Nga cho quá giang về Mút Cà Tha….Văn đưa bạn ra về rồi về không trở lại, lặng lẽ như chạy trốn)

Trưởng ấp Tư Mốt đứng ở trạm xá, thấy sau trước trống không, trong lòng nghe đau tiếc như vừa thua một ván bài lớn. Văn không từ giã ông một lời, để nói cháu về vì má cháu đang đau, hoặc cháu ra ngoài trung tâm y tế huyện một tí, rồi lên xe đi luôn cũng được, dù nhìn vào đôi mắt đang cụp xuống kia, biết người ta nói dối, dù trong tâm ông đã vẫy tay để chào xa mãi.

Trong một thoáng, ông thấy mình chùng chình, vớ được khúc cây bình bát, ông chống vào đất. Bên ngoài cái đất Mút Cà Tha dường như đã có sự thay đổi lớn. Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao ? Tuyệt không đáng gì à ?

Đề 1: Trắc nghiệm và tự luận

Câu 1: Đề tài của truyện ngắn là gì?

  1. Mảnh đất và con người Nam Bộ
  2. Thiên nhiên sông nước Nam Bộ
  3. Tình yêu đôi lứa
  4. Chiến tranh

Câu 2: Truyện được kể ở ngôi thứ mấy và ai là người kể chuyện trong truyện ngắn “Thương quá rau răm”?

  1. Ngôi thứ nhất, nhân vật ông Tư Mốt
  2. Ngôi thứ nhất, nhân vật Văn
  3. Ngôi thứ ba; người kể chuyện giấu mặt
  4. Ngôi thứ ba; nhân vật Nga.

Câu 3: Đọc đoạn văn sau:

Nhân viên y tế nào mới về ngó câu khẩu hiệu ấy cũng cười, cũng thương. Nhưng rồi nửa khuya ngồi ăn mì gói, nghe cú kêu lẫn tiếng radio khọt khẹt (để chút âm thanh đấy cho đỡ quạnh), vạch đi vạch lại tờ báo cũ mèm, họ sực nhớ phải về quê lấy vợ, lấy chồng, sực nhớ vợ mình mới sinh, sực nhớ tội nghiệp ba má đã già… Và họ từ giã cù lao. Ông Tư Mốt ờ ờ ra chiều thông cảm, vẻ mặt cố tỏ ra không buồn nhưng hàm râu xuôi xị. Họ ngoắc đò đi rồi ông còn đứng mãi trên bến, nghĩ giận đám trẻ cù lao đã được học hành nhưng chẳng đứa nào chịu quay về.

Đoạn trích sử dụng điểm nhìn nào?

  1. Điểm nhìn của người kể chuyện di chuyển thâm nhập vào nhân vật Văn
  2. Điểm nhìn của người kể chuyện di chuyển thâm nhập vào nhân vật ông Tư Mốt
  3. Điểm nhìn bên ngoài của người kể chuyện khách quan trung tính
  4. Điểm nhìn bên ngoài của nhân vật Văn.

Câu 4. Đâu không phải là việc làm của ông Tư Mốt để giữ chân bác sĩ Văn ở lại dải cù lao Mút cà Tha?

  1. Ông kêu đám thanh niên lại chỗ Văn đàn hát tẳng tằng tăng,
  2. Dẫn Văn đi câu cá hay soi ếch
  3. Có ý tác thành Nga với Văn, thường về nhà biểu con gái bưng đồ ăn đến chỗ Văn
  4. Đến trạm xá tha thiết xin Văn ở lại với người dân Mút cà Tha

Câu 5: Nguyên nhân nào dẫn đến việc bác sĩ Văn bỏ đi không lời từ biệt với mảnh đất Mút Cà Tha?

  1. Do thái độ miệt thị, khinh thường của người dân
  2. Do công việc ở trạm y tế quá vất vả, cực nhọc
  3. Do nhớ người yêu ở nơi xa
  4. Do Văn không đủ quyết tâm để đối mặt với cuộc sống tẻ nhạt, thiếu thốn nơi đây

Câu 6. Phương án nào dưới đây thể hiện vẻ đẹp của nhân vật ông Tư Mốt

  1. Là một người sống gắn bó, nghĩa tình với mảnh đất quê hương
  2. Là một người lính yêu hòa bình, yêu quê hương
  3. Là một người bao đồng, lo xa.
  4. Là một người yêu thương con cái, luôn mong muốn hạnh phúc tình yêu sẽ đến với con mình.

Câu 7. Phương án nào sau đây nói đúng về giọng điệu kể chuyện trong văn bản

  1. Dửng dung, lạnh lùng
  2. Mỉa mai chua xót
  3. Ngậm ngùi tha thiết buồn thương mênh mang
  4. Hoài cổ, tiếc nhớ não nùng

Câu hỏi tự luận:

Câu 8: Anh chị có nhận xét gì về ngôn ngữ trong đoạn văn sau: “Trong một thoáng, ông thấy mình chùng chình, vớ được khúc cây bình bát, ông chống vào đất. Bên ngoài cái đất Mút Cà Tha dường như đã có sự thay đổi lớn. Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao ? Tuyệt không đáng gì à ?”

Câu 9: Đọc xong câu chuyện, anh/chị hiểu ý nghĩa của nhan đề truyện ngắn như thế nào?

Câu 10. Cách ứng xử của nhân vật bác sĩ Văn trong câu chuyện đã tác động đến suy nghĩ của em như thế nào?

 

Đề 2: Tự luận

I.Đọc hiểu (6 điểm)

Câu 1. Xác định đề tài của truyện ngắn “ Thương quá rau răm”

Câu 2. Người kể chuyện trong truyện ngắn “Thương quá rau răm” thuộc ngôi nào? Tác dụng của ngôi kể đó trong truyện là gì?

Câu 3. Nhân vật ông Tư Mốt đã có những việc làm nào để giữ chân bác sĩ Văn ở lại với dải cù lao Mút Cà Tha?

Câu 4. Nhận xét giọng điệu của người kể chuyện trong truyện ngắn

Câu 5. Đọc xong câu chuyện, anh/chị hiểu ý nghĩa của nhan đề truyện ngắn như thế nào?

Câu 6. Cách ứng xử của nhân vật bác sĩ Văn trong câu chuyện đã tác động đến suy nghĩ của em như thế nào?

II.Tự luận (4 điểm)

Viết bài văn đánh giá nét đặc sắc về nội dung tư tưởng của truyện ngắn Thương quá rau răm của Nguyễn Ngọc Tư

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6.0
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1 A 0.5
2 C 0.5
3 B 0.5
4 D 0.5
5 D 0.5
6 A 0.5
7 C 0.5
8 Nhận xét về ngôn ngữ trong đoạn văn:

-Sử dung ngôn ngữ:

+khẩu ngữ: chùng chình, vớ được, con cá lá rau, hạt gạo thương mến

+ Câu dài ngắn đan xen với câu hỏi tu từ: Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao ? Tuyệt không đáng gì à ?

-Nhận xét:

+ngôn ngữ đậm trạng thái tâm lí của nhân vật ông tư Mốt trước việc Văn về thành phố không một lời từ biệt. Qua ngôn ngữ tren, hình ảnh ông Tư Mốt hiện lên chân thực với dáng vẻ trầm ngâm suy tư.

+ Những dòng cảm xúc, suy nghĩ và câu hỏi chưa lời đáp cho thấy nỗi thất vọng xót xa và niềm trăn trở khôn nguôi về con người, về cuộc sống mơi đây trong dòng suy tư của nhân vật.

0,75
9 – Ý nghĩa của nhan đề:

+Mượn hình ảnh ẩn dụ rau răm – loại cây thân cỏ mọc rễ  bò ở phía gốc vốn rất quen thuộc và được làm gia vị bình dân, nhà văn bộc lộ trực tiếp tình cảm “thương quá” của mình trước cuộc sống thiếu thốn khó khăn của người dân ở cù lao Mút cà Tha.

+ Nhan đề đã gói trọn tình cảm ngậm ngùi thương cảm của tác giả đối với cuộc sống khó khan và thiếu thốn của người dân ở cù lao Mút cà Tha nói riêng, ở vùng đảo nói chung

 

 0,75
10 – Văn đã lặng lẽ rời mảnh đất này không một lời từ biệt. Hành động của Văn như một gáo nước lạnh dội vào trái tim nóng hổi tình nghĩa  của ông Tư Mốt, như một cái tia lửa nhỏ nhoi bị  tắt ngấm đi một cách nhanh chóng.

– Cách ứng xử của Văn: gợi suy nghĩ:

+ vừa đáng trách vừa đáng thương. Đáng trách vì sự vô tâm với người dân nơi đây, vừa đáng thương vì cho thấy sự mất phương hướng của tuổi trẻ.

+Cần sống có trách nhiệm hơn với bản thân và mọi người xung quanh.

 

1,0
ĐỀ 2-Tự luận
Phần Câu Nội dung  
I   ĐỌC HIỂU Điểm
1 -Đề tài của truyện ngắn: mảnh đất và con người Nam Bộ

 

0,5
2 -Người kể chuyện trong truyện ngắn Thương quá rau răm thuộc ngôi thứ ba

người kể có vẻ như đứng ngoài câu chuyện, luôn có một khoảng cách với nhân vật, khiến câu chuyện mang đậm tính khách quan.

1,0
3  Nhân vật ông  Tư Mốt đã làm những việc để giữ chân bác sĩ Văn ở lại dải cù lao Mút cà Tha:

– Ông bảo với bốn mươi ba nóng nhà sống trên Mút Cà Tha phải đối xử tử tế, thiệt tử tế

– Ông kêu đám thanh niên lại chỗ Văn đàn hát tẳng tằng tăng,

– Dẫn Văn đi câu cá hay soi ếch

– Có ý tác thành Nga với văn, thường về nhà biểu con gái bưng đồ ăn đến chỗ Văn

0,5
4 – Giọng điệu của người kể chuyện: Ngậm ngùi tha thiết buồn thương mênh mang.

– Nhận xét: Đó là giọng điệu rất Nam Bộ dân dã, mộc mạc tha thiết yêu thương pha trộn chất trữ tình tạo nên một tác phẩm văn xuôi giàu chất thơ

1,0
5 – Ý nghĩa của nhan đề:

+Mượn hình ảnh ẩn dụ rau răm – loại cây thân cỏ mọc rễ  bò ở phía gốc vốn rất quen thuộc và được làm gia vị bình dân, nhà văn bộc lộ trực tiếp tình cảm “thương quá” của mình trước cuộc sống thiếu thốn khó khăn của người dân ở cù lao Mút cà Tha.

+ Nhan đề đã gói trọn tình cảm ngậm ngùi thương cảm của tác giả đối với cuộc sống khó khan và thiếu thốn của người dân ở cù lao Mút cà Tha nói riêng, ở vùng đảo nói chung

 

1,0
6 – Văn đã lặng lẽ rời mảnh đất này không một lời từ biệt. Hành động của Văn như một gáo nước lạnh dội vào trái tim nóng hổi tình nghĩa  của ông Tư Mốt, như một cái tia lửa nhỏ nhoi bị  tắt ngấm đi một cách nhanh chóng.

– Cách ứng xử của Văn: gợi suy nghĩ:

+ vừa đáng trách vừa đáng thương. Đáng trách vì sự vô tâm với người dân nơi đây, vừa đáng thương vì cho thấy sự mất phương hướng của tuổi trẻ.

+Cần sống có trách nhiệm hơn với bản thân và mọi người xung quanh.

 

1,0
II   VIẾT 4.0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0.5
  b. Xác định đúng yêu cầu của đề.

Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Thương quá rau răm

0.5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau:

2.0
  – Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm và ý kiến khái quát của người viết về tác phẩm

– Đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm:

+ Về nội dung:

++Thương quá rau răm kể về cuộc sống của những con người nơi vùng đất hẻo lánh, xa xôi Mút Cà Tha. Con người nơi đây sống gần như tách biệt với cuộc sống bên ngoài, đó là nơi “nằm hiu hắt, lâu lâu mới thấy bóng dáng một con tàu lớ ngớ chạy vào rồi lại tẽn tò quay ra vì lầm đường, vì không biết đằng sau cù lao, sông cụt”. Chứng kiến cái chết đau thương của ông bạn láng giềng, trưởng ấp Tư Mốt tha thiết mong muốn có bác sĩ về đây làm việc, chữa bệnh cho người dân, có thêm hơi người  để cuộc sống của họ bớt tẻ nhạt, cô đơn.

++Qua truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư  đã phản ánh cuộc sống của phần lớn người nông dân Nam bộ đều nghèo, đều có một số phận long đong, vất vả nhưng trên hết, họ sống với nhau bằng cái tình, bằng sự thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, bằng một nghị lực sống dồi dào, mãnh liệt. “Cương quyết chỉ chết vì già”.

++ Truyện cũng đem đến những suy ngẫm về những nghịch lí luôn tồn tại trong cuộc đời: không phải cứ yêu thương là được  đáp lại bằng yêu thương, không phải trao một nụ cười hiền lành là nhận được một ánh mắt trìu mến, người tốt nhưng chưa chắc đã được hưởng hạnh phúc. Việc Văn bỏ về thành phố là chi tiết nghệ thuật phản chiếu vết thương lòng khó chữa lành trong tâm hồn người dân vùng song nước.

+ Về nghệ thuật, tác phẩm chứa đựng những đặc trưng của nghệ thuật truyện kể

++ Cốt truyện: Cốt truyện giản dị không có những sự kiện kịch tính, những xung đột giằng xé quyết liệt

+++ Nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn hấp dẫn với sự đa dạng trong điểm nhìn trần thuật

+ Nghệ thuật khắc họa nhân vật không chỉ qua hành động lời nói mà qua dòng nội tâm sâu kín của nhân vật

+ Ngôn ngữ trần thuật tự nhiên mang màu sắc Nam Bộ. Giọng điệu mộc mạc, dân dã rất Nam Bộ pha trộn cùng với giọng trữ tình .

– Nêu được bài học rút ra từ câu chuyện:

Truyện ngắn đem đến cho người đọc bài học nhân văn sâu sắc: trong cuộc sống, cần phải có lòng trắc ẩn, tình yêu thương, nhất là đối với những số phận bất hạnh; và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy sống trọn tình, trọn nghĩa.

  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0.5
  e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.5
Tổng điểm 10.0

LÀM VĂN:

Mỗi một tác phẩm văn học phải là một phát minh về hình thức và một sáng tạo về nội dung”( Lêônit Lêônôp). Trên hành trình sáng tạo nghệ thuật các nhà văn luôn thấm thía yêu cầu của nghề viết rằng tác phẩm văn học viết ra  phải thể hiện những tư tưởng, những quan niệm mới mẻ về cuộc sống và xã hội  bằng những tìm tòi đột phá trong hình thức nghệ thuật. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư  đã thực sự làm được điều này trong tác phẩm Thương quá rau răm của mình khi đã chuyển tải nội dung tư tưởng đẹp đẽ bằng nghệ thuật trần thuật đặc sắc.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sinh ra lớn lên trên mảnh đất Nam Bộ nghèo khó, tuổi thơ của Nguyễn Ngọc Tư gắn liền với những dòng sông uốn khúc, rừng đước bạt ngàn, đồng lúa mênh mang, những con người lam lũ mà thật thà, hồn hậu. Chị thường viết về những chuyện nhỏ xíu ở xung quanh mình, với những con người và sự kiện của thời hôm nay liên quan đến cuộc sống của ngày hôm nay.Thương quá rau răm là một câu chuyện như thế, nhẹ nhàng nhưng chứa đựng triết lý nhân sinh sâu sắc.

Tác phẩm kể về cuộc sống của những con người nơi vùng đất hẻo lánh, xa xôi Mút Cà Tha. Con người nơi đây sống gần như tách biệt với cuộc sống bên ngoài, đó là nơi “nằm hiu hắt, lâu lâu mới thấy bóng dáng một con tàu lớ ngớ chạy vào rồi lại tẽn tò quay ra vì lầm đường, vì không biết đằng sau cù lao, sông cụt”. Chứng kiến cái chết đau thương của ông bạn láng giềng, trưởng ấp Tư Mốt tha thiết mong muốn có bác sĩ về đây làm việc, chữa bệnh cho người dân, có thêm hơi người  để cuộc sống của họ bớt tẻ nhạt, cô đơn. Khó có thể tìm thấy ở truyện ngắn này những sự kiện lớn lao của một cốt truyện phức tạp. Trong truyện, thời gian vận động của cốt truyện bị cắt ngang, ghép nối bởi cách chiếm lĩnh đời sống theo khoảnh khắc. Tính cách nhân vật cũng vậy, nó không có quá trình bộc lộ, phát triển mà như dòng chảy của sông, không ồn ào mà nặng trong từng cử chỉ, lời nói. Qua truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư đã đề cập đến một vấn đề rất đời thường của cuộc sống nhưng người đọc cảm nhận được từ đó tấm lòng nhân hậu của con người vùng đất Mũi. Mặc dù phần lớn người nông dân Nam bộ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đều nghèo, đều có một số phận long đong, vất vả nhưng trên hết, họ sống với nhau bằng cái tình, bằng sự thương yêu và đùm bọc lẫn nhau, bằng một nghị lực sống dồi dào, mãnh liệt. Họ truyền cho nhau lòng quyết tâm “Cương quyết chỉ chết vì già”. Đây là một cá tính khá nổi bật của người Nam bộ, họ không sống bằng triết lý màu mè mà bằng chính tấm lòng yêu thương chân thành với đất và con người quê hương, mong muốn đem đến những điều tốt đẹp cho bà con mình. Bất giác đến đây, câu chuyện của người dân dải cù lao Mút Cà Tha làm ta nhớ tới khao khát âm thanh ánh sáng của hai đứa trẻ trong tác phẩm cùng tên của Thạch Lam. Giữ cuộc sống phố huyện nghèo túng, không biết lấy gì để vui, để hi vọng, hai chị em Liên hang ngày chờ đợi chuyến tàu đêm đi qua phố huyện để được nhúng mình vào cuộc sống thành thị trong chốc lát. Thế mới thấy khát vọng thoát khỏi sự vô tăm vô tích của cuộc đời luôn là một khát vọng cháy bỏng dù họ có sống ở thời đại nào đi chăng nữa.

Truyện ngắn “Thương quá rau răm” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng không quên gieo vào lòng người đọc bao nỗi suy tư, liên tưởng mạnh mẽ về cuộc sống. Những mong muốn về một cuộc sống mới mẻ, tươi đẹp hơn  cho con người vùng đất bị cách biệt được nhà văn gửi gắm qua  qua nhân vật ông Tư Mốt, qua người con gái tên Nga và những người dân của một chỏm xóm chưa đến ba mươi tư  nóc nhà. Ông Tư Mốt là một cựu chiến binh vô cùng yêu mến và gắn bó với dải đất cù lao mênh mang sông nước quê mình. Theo lời tâm sự của ông thì ông từng có cơ hội sống với phố xá tấp  nập, điều kiện vật chất đủ đầy nhưng vì thấy mảnh đất này cần ông nên ông sẵn sàng từ bỏ cơ hội để trở về gắn bó nơi đây. Cũng như những con người mảnh đất cù lao nghèo khó, tình nghĩa trong ông luôn đong đầy ăm ắp như dòng sông Vàm Cỏ. Ông luôn hi vọng rằng khi “đối xử tử tế thiệt tử tế” bằng cái tình sâu nặng thì sẽ giữ chân được những con người thành phố đến với dải đất này. Mặc dù năm người trước, họ đã đến  và đi không một lời từ biệt, ông trưởng ấp vẫn không hết hi vọng khi bác sĩ Văn đến công tác. Chiều nào ông cũng lại chỗ Văn, rủ rỉ rù rì. Ông biết giờ đó, bà mụ Năm, nhân viên thứ hai của trạm xá đã về nhà, có thể Văn thấy cô đơn. Ông kêu đám thanh niên lại chỗ Văn đàn hát tẳng tằng tăng, dẫn Văn đi câu cá hay soi ếch trong “mà”. Văn tham gia nhiệt tình nhưng không tha thiết như người đi đường thấy vật lạ thì cầm lên, rồi lại bỏ xuống, đi tiếp. Ông giục bà con đến trạm xá khám bệnh đẻ cho bác sĩ thấy sự cần thiết của mình ở nơi đây. Thậm chí ông sai con gái mà ông hết mực yêu thương bưng sang phòng Văn rổ khoai luộc, bắc nồi cơm lên bép, làm cá nấu canh chua như muốn nhen lên sự quyến luyến của tình cảm đôi lứa. Tuy nhiên tình nghĩa của người dân Mút Cà Tha lớn thế nào, tình yêu trong trẻo đẹp đẽ của Nga có sâu sắc đến nhường nào thì cũng không thể níu giữ chàng thanh niên Văn ở lại lâu hơn với những người dân nghèo thiệt phận. Văn đến với mảnh đất này rất lặng lẽ, không kết nối, không mưu cầu, không nhiệt thành, không quyến luyến cứ như thể đời ta là lục bình trôi đâu cũng được. “như người đi đường thấy vật lạ thì cầm lên, rồi lại bỏ xuống, đi tiếp”. Với cử chỉ, hành động đầy khó đoán, nặng trĩu nỗi niềm của Văn, ta dễ hiểu một lúc nào đó những vẫy vùng của tuổi trẻ trỗi dậy, Văn thế nào cũng ra đi. Chuyện gì đến cũng phải đến, Văn đã lặng lẽ rời mảnh đất này không một lời từ biệt. Hành động của Văn như một gáo nước lạnh dội vào trái tim nóng hổi tình nghĩa  của ông Tư Mốt, như một cái tia lửa nhỏ nhoi bị  tắt ngấm đi một cách nhanh chóng. Ông Tư mốt đầy thất vọng xót xa, trăn trở, tâm tư của ông như vọng vào sông nước mây trời:  “Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao? Tuyệt không đáng gì à?”.  Câu hỏi đó cũng đã tạo nên  cái kết truyện đầy ngổn ngang, dang dở ấy khiến người đọc day dứt cho số phận con người rằng không phải cứ yêu thương là được  đáp lại bằng yêu thương, không phải trao một nụ cười hiền lành là nhận được một ánh mắt trìu mến, người tốt nhưng chưa chắc đã được hưởng hạnh phúc. Đọc truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không ai trong mỗi chúng ta khi gấp cuốn sách lại mà không thở dài một tiếng, không thốt lên một câu xót xa “ Sao mà lại buồn đến thế!”. Những con người Nam Bộ với nỗ lực thoát ra khỏi sự vô tăm vô tích của cuộc đời mà khó khăn, bất lực đến thế sao? Những khoảnh khắc, những mảnh vỡ tâm trạng, những dằn vặt, băn khoăn của nhân vật nhưng chứa đựng trong nó biết bao chiêm nghiệm, chân lí về cuộc đời, về con người của nhà văn.

Mỗi một tác phẩm văn học chân chính có giá trị luôn là “một khám phá về nội dung và sáng tạo về hình thức”. Ta không khó tìm trong tác phẩm “Thương quá rau răm” những sáng tạo riêng độc đáo về hình thức nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư. Nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn hấp dẫn với sự đa dạng trong điểm nhìn trần thuật.Nhà văn trong vai của người kể chuyện ngôi thứ 3 , điểm nhìn trần thuật dịch chuyển có khi là điểm nhìn bên ngoài, có khi là điểm nhìn của ông Tư Mốt : Ông Tư kè chiếc xuồng vô sau, giậm chân giậm cẳng bứt đầu gãi tóc như thể mình vừa lỡ tay làm nên cơn giông chiều nay. Bởi ông biết rằng, mưa gió kia, sóng nước mênh mông kia và cả màu chiều đang lịm dần kia sẽ làm cho người bác sĩ trẻ này thất vọng. Bác sĩ thứ sáu về làm việc ở trạm xá cù lao. Năm người trước đã ra đi, đi vì không chịu nổi thiếu thốn. Và buồn. Có khi là điểm nhìn của bác sĩ Văn :”Mà, trông Văn vẫn buồn, buồn chen giữa hai cái cười, nó tranh thủ cả khi Văn đưa ly rượu lên môi và để ly không xuống (còn lúc uống thì mặt Văn nhăn nhúm lại, vẻ buồn không rõ ràng). Hỏi làm sao buồn thì Văn cười, ủa, cháu có buồn gì đâu. Hỏi nhớ thành phố à, Văn cũng cười, không, thành phố có gì mà nhớ. Hỏi nghĩ sao mà tình nguyện về đất cù lao này, nghe tên Mút Cà Tha bộ không ớn sao, Văn (lại) cười, không, có nghĩ gì đâu, cháu chọn nơi nào hẻo lánh ít người… Nghe cái giọng như đời ta là lục bình, trôi đâu cũng được, càng xa càng tốt”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư như hòa nhập vào dòng tâm tư của  nhân vật, giúp nhân vật nói lên những tâm sự thầm kín của mình, cũng chính là tựa vào giác quan, tâm hồn nhân vật để người kể biểu hiện cảm nhận về cuộc sống xung quanh. Những lời tha thiết, những dòng cảm xúc của nhân vật  trước cuộc đời bàng bạc trong từng trang văn hay cũng chính là niềm thương cảm  khôn nguôi của nhà văn cho  kiếp người đang quẫy đạp giữa biển đời tăm tối. Nghệ thuật khắc họa nhân vật không chỉ qua hành động lời nói mà qua dòng nội tâm sâu kín của nhân vật. Ngôn ngữ trần thuật tự nhiên mang màu sắc Nam Bộ. Giọng điệu mộc mạc, dân dã rất Nam Bộ pha trộn cùng với giọng trữ tình. Tất cả tạo nên một tác phẩm văn xuôi giàu chất thơ trữ tình, nhẹ nhàng, tinh tế và sâu lắng có ý nghĩa rất lớn trong khả năng lay động tâm hồn, thức tỉnh nhận thức của người đọc . Rằng ở đâu đó quanh cuộc sống của mỗi người, còn có biết bao kiếp người đang quẫy đạp trong biển đêm tăm tối của cuộc đời cần lắm sự đồng cảm chở che của con người.

Dù dòng thời gian vẫn miệt mài chảy trôi, bao đời người dâu bể, bao thế kỷ thăng trầm, âm thầm cái công việc của nó là phủi bụi, xoá bỏ tất cả thì những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật sẽ còn sống mãi trong đó có tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *