Đề cuối kì lớp 11 Cánh Diều, bài thơ Tự hát của Xuân Quỳnh

BỘ CÁNH DIỀU

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu: (Trắc nghiệm)

 TỰ HÁT

Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em

Biết khao khát những điều anh mơ ước

Biết xúc động qua nhiều nhận thức

Biết yêu anh và biết được anh yêu

 

Mùa thu nay sao bão giông nhiều

Những cửa sổ con tàu chẳng đóng

Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm

Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh

 

Em lo âu trước xa tắp đường mình

Trái tim đập những điều không thể nói

Trái tim đập cồn cào cơn đói

Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn

 

Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.

(Trích Tự hát – Xuân Quỳnh, NXB Tác phẩm mới, 1984)

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Lựa chọn đáp án đúng (Mỗi câu 0.5 điểm):

Câu 1: Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?.

  1. Lục bát
  2. Thất ngôn
  3. Tám chữ
  4. Tự do

Câu 2: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là

  1. tự sự
  2. biểu cảm
  3. nghị luận
  4. miêu tả

Câu 3: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

  1. Nhân vật anh
  2. Nhân vật em
  3. Người mẹ
  4. Người chồng

Câu 4: Những từ ngữ nào sau đây cho thấy trạng thái cảm xúc, tình cảm của nhân vật “em” được thể hiện trong khổ 1 của văn bản?

  1. Khao khát, mơ ước, yêu
  2. Khao khát, xúc động, yêu.
  3. Khao khát, xúc động, nhận thức.
  4. Xúc động, yêu, mơ ước.

 

Câu 5: Bài thơ Tự hát viết về đề tài nào?

  1. Tình yêu
  2. Đất nước
  3. Thiên nhiên
  4. Người phụ nữ

Câu 6: Câu thơ Em trở về đúng nghĩa trái tim em nghĩa là trở về với điều gì?

  1. Trở về với tình yêu chân thành, không giả dối.
  2. Trở về với nỗi đau khổ không cùng.
  3. Trở về với quy luật của cuộc sống.
  4. Trở về với những hờn ghen, lo lắng.

Câu 7:  Sau khi đọc đoạn thơ đề ra, theo anh/chị, trong tình yêu đôi lứa, điều gì giúp cho con người ta có thể vượt qua mọi sóng gió của tình yêu?

  1. Tình yêu chân thành từ hai phía, luôn sẻ chia, tôn trọng bao dung, vị tha, thủy chung, hi sinh hết mình vì nhau.
  2. Phải có nhiều tiền, công việc ổn định, con người được làm những điều mình thích, đừng hi sinh vì người khác, hãy sống vì mình.
  3. Con người phải có niềm tin vào bản thân, luôn có chính kiến, lập trường vững vàng.
  4. Con người cần khiêm tốn, trung thực thẳng thắn, không chấp nhận sự dối lừa phản bội

 

Trả lời câu hỏi:

Câu 8 (0.5điểm):

Nêu biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong câu thơ: “Mùa thu nay sao bão giông nhiều”

Câu 9 (1.0 điểm): Vẻ đẹp của trái tim yêu được thể hiện như thế nào trong khổ thơ sau:

“Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.”

 

Câu 10 (1.0 điểm): Thông điệp, ý nghĩa anh/chị nhận được thông qua văn bản trên là gì?

 

Đề 2: Tự luận

 Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ trên.

Câu 2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của bài thơ.

Câu 3: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

Câu 4. Trong khổ thơ thứ nhất, những từ ngữ nào cho thấy trạng thái cảm xúc, tình cảm của nhân vật “em”?

Câu 5: Anh/chị hiểu như thế nào về câu thơ : Em trở về đúng nghĩa trái tim em ?

Câu 6. Theo anh/chị, trong tình yêu đôi lứa, điều gì giúp cho con người ta có thể vượt qua mọi sóng gió của tình yêu?

Câu 7. Vẻ đẹp của trái tim yêu được thể hiện như thế nào trong khổ thơ sau:

“Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.”

Câu 8. Thông điệp, ý nghĩa anh/chị nhận được thông qua văn bản trên là gì?

 

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Viết một bài luận khoảng 500 – 800 chữ phân tích vẻ đẹp của trái tim của người phụ nữ trong bài thơ Tự hát (được dẫn ở trên) của tác giả Xuân Quỳnh.

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết

  1. ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắc nghiệm + Tự luận

Phần Câu Nội dung Điểm
I Đọc hiểu (6.0 điểm)
Trắc nghiệm      
  1 D 0.5
2 B 0.5
3 B 0.5
4 B 0.5
5 A 0.5
6 A 0.5
7 A 0.5
Tự luận      
  8 Biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong câu thơ: “Mùa thu nay sao bão giông nhiều” là

Ẩn dụ: Bão  giông-> Những khó khăn, trở ngại…

 

0.5
9 Vẻ đẹp của trái tim yêu được thể hiện trong khổ thơ:

– Tình yêu chân thành, giản dị rất đỗi đời thường

– Sự hi sinh, dâng hiến, sống hết mình, cháy hết mình cho tình yêu.

1.0
10 Nêu được thông điệp, ý nghĩa mà bản thân rút ra.

Học sinh nêu được một trong các thông điệp sau:

– Tình yêu là một thứ tình cảm thật kì diệu và thiêng liêng.

– Tình yêu là động lực, là sức mạnh giúp con người vượt qua giông gió cuộc đời, sống hết mình cho tình yêu.

– Sống thật với cảm xúc của  bản thân

– Biết đồng cảm, thấu cảm, sẻ chia trong tình yêu

Ý nghĩa rút ra được từ thông điệp đó

1.0

 

Đề 2: Tự luận

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I Đọc hiểu (6.0 điểm)
  1 – Thể thơ: Tự do  
  2 – PTBĐ: Biểu cảm  
  3 Nhân vật “em” – người con gái khi yêu  
  4 Trong khổ thơ thứ nhất, những từ ngữ cho thấy trạng thái, cảm xúc, tình cảm của nhân vật “em” khi yêu: Khao khát, xúc động, yêu  
  5 BPTT: Ẩn dụ: Bão  giông-> Những khó khăn, trở ngại trong cuộc đời của con người.  
  6 Trong tình yêu đôi lứa, điều giúp con người ta có thể vượt qua mọi sóng gió của tình yêu:

– Tình yêu đó phải xuất phát từ trái tim, từ hai phía

– Luôn có niềm tin vào tình yêu

– Có sự đồng cảm, sẻ chia, hi sinh hết mình vì nhau

– Có lòng vị tha, bao dung

 
  7 Vẻ đẹp của trái tim yêu được thể hiện trong khổ thơ:

– Tình yêu chân thành, giản dị rất đỗi đời thường

– Sự hi sinh, dâng hiến, sống hết mình, cháy hết mình cho tình yêu

 
  8 Nêu được thông điệp, ý nghĩa mà bản thân rút ra.

Học sinh nêu được một trong các thông điệp sau:

– Tình yêu là một thứ tình cảm thật kì diệu và thiêng liêng.

– Tình yêu là động lực, là sức mạnh giúp con người vượt qua giông gió cuộc đời, sống hết mình cho tình yêu.

– Sống thật với cảm xúc của  bản thân

– Biết đồng cảm, thấu cảm, sẻ chia trong tình yêu

Ý nghĩa rút ra được từ thông điệp đó

 

 

Đề 2: Tự luận

  1. LÀM VĂN

1.Mở bài:

  • Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm truyện.
  • Dẫn dắt đưa vấn đề cần nghị luận vào: vẻ đẹp của trái tim người phụ nữ trong bài thơ Tự hát.

2.Thân bài:

2.1: Nêu khái quát vài nết về tác giả, tác phẩm

 

2.2 Phân tích cái hay, cái đẹp của các yếu tố nghệ thuật hoặc hình ảnh đặc sắc; về nhân vật hoặc vấn đề đặt ra trong tác phẩm.

a.Ý nghĩa nhan đề “Tự hát”

Nhan đề “Tự hát”

– Nghĩa đen: Thể hiện một trạng thái tâm lý hưng phấn của con người (hát lên)

– Nghĩa bóng:

+ Tiếng lòng của người phụ nữ được cất lên chân thành da diết.

+ Trái tim yêu mãnh liệt, cuồng say; một trái tim thấu cảm, hi sinh, bao dung, sẻ chia.

+ Một trái tim luôn trân trọng, nâng niu, luôn kiếm tìm hạnh phúc; vun đắp, dựng xây để làm nên giá trị của tình yêu bất biến, …

 

b.Trái tim yêu chân thành, thấu cảm, sẻ chia; luôn hết mình vì  người mình yêu; khao khát một tình yêu đích thực, …

– “Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em” -> chân thành, không giả dối.

– “Biết khao khát những điều anh mơ ước

Biết xúc động qua nhiều nhận thức

Biết yêu anh và biết được anh yêu”

NT: Điệp ngữ “biết”

+ Luôn sẻ chia, kề vai sát cánh, đồng tâm, đồng lực, chắt chiu những phút giây bên nhau.

+ Sống vì người yêu

+ Khao khát tình yêu là sự đồng điệu của trái tim, ở đó, con người luôn biết sống vì nhau.

  1. c. Một trái tim yêu tinh tế, nhạy cảm, luôn lo âu, phấp phỏng, luôn dự cảm những đổi thay trong tình yêu.

“Mùa thu nay sao bão giông nhiều

Những cửa sổ con tàu chẳng đóng

Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm

Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh”

– “Bão giông” -> Những sóng gió trong cuộc đời, trong tình yêu

– Hình ảnh “Những cửa sổ con tàu chẳng đóng” những điều kiện bất lợi luôn thường trực.

– “Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm” giữa một cánh đồng hoang trong cái thời điểm “tối sẫm” càng làm cho người khách đi tàu thêm lo lắng.

– Tác giả so sánh mình với một hành khách đi tàu, con tàu sẽ tới ga cuối cùng có tên là “Hạnh Phúc”. Nhưng trên hành trình của nó thì khó khăn quá, mong manh quá.

– “Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh”

Anh cũng khó lường như đại dương, bình yên đó mà bão tố đó. Anh là một thế giới bí hiểm khôn lường. Cô gái cảm thấy hoang mang và lạc loài trong tình yêu

– “Em lo âu trước xa tắp đời mình” -> Cuộc đời thì dài, những lo toan không khi nào hết.

– “Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn” phản ánh cái tâm trạng hoang mang đến vô cùng, lo lắng đến vô cùng. Lo lắng và tìm tìm cách vượt lên mà không hề có ý định quay lại hay chối bỏ.

  • Điệp ngữ “Trái tim đập” ->một sự thúc giục đến cồn cào từ bên trong để vươn tới những điều nhân vật em mong muốn khi yêu

d.Khẳng định trái tim yêu mãnh liệt, luôn sống hết mình, cháy hết mình, hi sinh hết mình cho tình yêu.

“Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.”

– Tình yêu chân thành luôn ý thức được quy luật của cuốc sống, của tình yêu.

– Một tình yêu thủy chung, bất biến, vĩnh hằng.

– Tình yêu được xây đắp từ thấu cảm, từ sự san sẻ, dám đối mặt với khó khăn, thử thách, cùng nhau vượt qua giông gió.

– Vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian bằng sự dâng hiến, hi sinh.

=> Nhân hậu, bao dung, vị tha trong tình yêu.

Quan hệ từ “Nhưng” cho thấy trái tim em khác với những trái tim khác ở chỗ “Biết yêu anh cả khi chết đi rồi”. Khó khăn vất vả không làm em chùn bước, kể cả khi em không còn sống nữa thì tình yêu yêu em vẫn dành cho anh.

2.3. Đánh giá (Nhận xét, bình luận), nâng cao, mở rộng:

Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn khi nhận xét về thơ Xuân Quỳnh đã viết: “Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi giông bão của cuộc đời … Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hóa khôn cùng của chúng. Ở đó trái tim thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn chuồn báo bão cứ chao đi chao về, mệt nhòai giữa biến động và yên định, bão tố và bình yên, chiến tranh và hòa bình, thác lũ và êm trôi, tình yêu và cách trở, ra đi và trở lại, chảy trôi phiêu bạt và trụ vững kiên gan, tổ ấm và dòng đời, sóng và bờ, thuyền và biển, nhà ga và con tàu, trời xanh và bom đạn, gió Lào và cát trắng, cỏ dại và nắng lửa, thủy chung và trắc trở, xuân sắc và tàn phai, ngọn lửa cô đơn và đại ngàn tối sẫm…”

Tự hát của Xuân Quỳnh là một bài thơ như thế, với biện pháp tu từ như điệp cấu trúc ngữ pháp, ẩn  dụ, so sánh, bài thơ mang vẻ đẹp thiên tính nữ- vẻ đẹp của trái tim yêu bao dung, nhân hậu, luôn thấu cảm, sẻ chia, cháy hết mình sống hết mình về tình yêu.

  1. Kết bài:

-Khái quát về giá trị của các yếu tố đã phân tích đối với tác phẩm.

– Nêu ấn tượng và cảm xúc của người viết về các yếu tố đã phân tích; giá trị, hiệu quả tác động tới bạn đọc

Bài viết tham khảo

Raxun Gamzatôp từng nói rằng: “Cái tài nhờ cái tâm để cháy lên, cái tâm nhờ có cái tài mà tỏa sáng”. Quả thật khi bài thơ “Tự hát”, Xuân Quỳnh đã tỏa sáng cái tâm cao đẹp và cái tài của người nghệ sĩ chân chính. Và mỗi lần đắm mình trong trang thơ ấy độc giả càng thấu hiểu hơn vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.

Xuân Quỳnh là thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của người phụ nữ nhiều trắc ẩn vừa hồn nhiên tươi tắn vừa chân thành đằm thắm luôn da diết khát khao hạnh phúc đời thường. Tự hát là bài thơ tình hay nổi tiếng của Xuân Quỳnh viết 1984, bài thơ là tiếng lòng của người phụ nữ dạt dào trong tình yêu,  người phụ nữ yêu và được yêu.

 

Nhan đề “Tự hát” có lẽ đã thể hiện một trạng thái tâm lý hưng phấn của con người, một tâm hồn thơ được “hát” lên về một bản lĩnh đầy tự tin, một trái tim yêu say đắm, một lời ngỏ về tình yêu trọn vẹn hiến dâng, vừa nồng nàn xúc cảm bộc lộ tình yêu vừa sâu sắc trong hành trình tự nhận thức giá trị của tình yêu. Bài thơ là lời bày tỏ tha thiết đắm say những tâm nguyện khi yêu của một người phụ nữ hồn hậu, chân thành.

 

“Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em

Biết khao khát những điều anh mơ ước

Biết xúc động qua nhiều nhận thức

Biết yêu anh và biết được anh yêu”

 

Đọc khổ thơ, ta thấy hiện lên chân dung một người phụ nữ luôn song hành cùng người mình yêu.

“Trở về đúng nghĩa trái-tim-em” nghĩa là yêu là thấu cảm, sẻ chia cùng những ước mơ của anh. “Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của một người phụ nữ” là như thế. Em mong muốn anh hạnh phúc, vậy thì những gì anh mơ ước em cũng quan tâm và mong nó thành công. Đó là điều cốt yếu của một lứa đôi hạnh phúc, biết quan tâm, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Qua những gì em nhận thức được làm cho trái tim em cảm động, đó là khi em nhận biết được những gì anh đã làm em hạnh phúc hơn. Sự tương tác qua lại, giúp đỡ lẫn nhau được thể hiện qua những câu thơ đó. Rồi “Biết yêu anh và biết được anh yêu”. Yêu và biết yêu là hoàn toàn khác nhau. Có người không biết thể hiện tình yêu của mình bằng những hành động cụ thể thì đó chưa thể gọi là biết yêu. Có người được yêu nhưng không cảm nhận được, không biết đón nhận, như thế tình yêu cũng không thể gọi là trọn vẹn. Điệp từ “Biết” giúp nhấn mạnh, khẳng định triết lí: Trong tình yêu, trong gia đình, vợ chồng phải biết quan tâm, chia sẻ với nhau, phải biết thể hiện tình yêu và đón nhận tình yêu.

Nếu như khổ thơ trên là những hành động cụ thể có ý nghĩa thiết thực để có một tình yêu bền vững thì khổ thơ sau lại cho thấy thế giới khách quan và cuộc sống luôn tồn tại những rủi ro, những khó khăn không lường hết được:

“Mùa thu nay sao bão giông nhiều

Những cửa sổ con tàu chẳng đóng

Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm

Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh”

Bão giông” thường xảy ra vào mùa hè. Bây giờ đã là mùa thu mà giông bão chưa yên. Hình ảnh “Những cửa sổ con tàu chẳng đóng” là điều kiện bất lợi khi giông bão đến. Ngoài kia “Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm” càng làm cho người khách đi tàu thêm lo lắng. Tác giả so sánh mình với một hành khách đi tàu, con tàu sẽ tới ga cuối cùng có tên là “Hạnh Phúc”. Nhưng trên hành trình của nó thì khó khăn quá, mong manh quá, nếu có xảy ra vấn đề gì thì ở bên ngoài cũng chỉ là dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm ấy sẽ không có người đến giúp đỡ. Một mình trước nguy cơ phong ba bão tố, biết tính sao đây. Tất cả để chỉ sự cô đơn, sự lạc loài khi em dấn thân vào cuộc đời anh. Anh cũng khó lường như đại dương, bình yên đó mà bão tố đó. Đàn ông là một thế giới bí hiểm khôn lường. Vì vậy mà em hoang mang lo lắng khả năng và sức mạnh của mình có vượt qua được hay không? Khổ thơ này khác với khổ thơ đầu. Nếu như khổ thơ đầu là sự cân nhắc, đắn đo khi lựa chọn cách thức để đi tìm hạnh phúc thì trong khổ thơ này, những khó khăn, thử thách được đặt liên tục, hết lớp này đến lớp khác, sự khó khăn càng cao hơn, càng chồng chất lên. Đúng vậy, cuộc sống là như thế, có khi nào bình yên.

Cuộc đời thì dài, những lo toan không khi nào hết. Làm thế nào để giải quyết được hết những khó khăn đó?

“Em lo âu trước xa tắp đời mình

Trái tim đập những điều không thể nói

Trái tim đập cồn cào cơn đói

Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn”

Trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc đó, em không có bạn đồng hành. Có cách nào giúp em vượt qua những khó khăn đó không? “Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn” phản ánh cái tâm trạng hoang mang đến vô cùng, lo lắng đến vô cùng. Lo lắng chứ không lo sợ, em vẫn tìm cách vượt lên mà không hề có ý định quay lại hay chối bỏ. Em dám đương đầu với mọi hiểm nguy. “Trái tim đập cồn cào cơn đói”. Một sự thúc giục đến cồn cào từ bên trong để thoả mãn nhu cầu của mình. Tác giả đã khéo léo sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác để diễn tả những băn khoăn, trăn trở trong lòng nhân vật em. Cái đói cũng là cái thiếu, là cái mình cần. Em cần có hạnh phúc, em cần có anh.

Trái tim em khác với những trái tim khác ở chỗ :

“Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.”

Dù thế nào em cũng chỉ cần trái tim mình theo đúng nghĩa. Xét về mặt sinh học nó cũng là máu thịt, nếu trái tim ấy ngừng lại thì có nghĩa là cơ thể sẽ chết. Ba câu thơ ấy hàm chứa một sự so sánh. Cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, họ cũng có trái tim bằng máu thịt, họ cũng phải trải qua những khó khăn thử thách khắc nghiệt rồi họ cũng đến được bến bờ hạnh phúc. Quan hệ từ “Nhưng” cho thấy trái tim em khác với những trái tim khác ở chỗ “Biết yêu anh cả khi chết đi rồi”. Khó khăn vất vả không làm em chùn bước, kể cả khi em không còn sống nữa thì tình yêu yêu em vẫn dành cho anh. Chao ôi! Một trái tim yêu đến như thế chắc chắn là mức độ yêu tuyệt đối, không thể còn có ai yêu mãnh liệt hơn thế. Yêu anh cả khi đã về thế giới bên kia. Một tình yêu sắt son chung thuỷ, yêu cháy bỏng, yêu say đắm, dâng hiến hết mình cho tình yêu.

Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn khi nhận xét về thơ Xuân Quỳnh đã viết: “Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi giông bão của cuộc đời … Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hóa khôn cùng của chúng. Ở đó trái tim thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn chuồn báo bão cứ chao đi chao về, mệt nhòai giữa biến động và yên định, bão tố và bình yên, chiến tranh và hòa bình, thác lũ và êm trôi, tình yêu và cách trở, ra đi và trở lại, chảy trôi phiêu bạt và trụ vững kiên gan, tổ ấm và dòng đời, sóng và bờ, thuyền và biển, nhà ga và con tàu, trời xanh và bom đạn, gió Lào và cát trắng, cỏ dại và nắng lửa, thủy chung và trắc trở, xuân sắc và tàn phai, ngọn lửa cô đơn và đại ngàn tối sẫm…”

Tự hát của Xuân Quỳnh là một bài thơ như thế, với biện pháp tu từ như điệp cấu trúc ngữ pháp, ẩn  dụ, so sánh, bài thơ mang vẻ đẹp thiên tính nữ- vẻ đẹp của trái tim yêu bao dung, nhân hậu, luôn thấu cảm, sẻ chia, cháy hết mình sống hết mình về tình yêu.

Hemingway từng nói: “Mọi tác phẩm nghệ thuật đều có sự bất tử riêng của nó. Vì nó là thành phẩm vững bền nhất của sức lao động và trí tuệ của con người”. Đúng như vậy, những  tranh tượng có thể tiêu tan, các tượng đài có thể sụp đổ nhưng các tác phẩm chân chính sẽ vượt ngoài quy luật băng hoại thời gian để tồn tại vĩnh viễn. Tác phẩm “Tự hát” của Xuân Quỳnh sẽ ngân vang mãi với thời gian bởi vẻ đẹp thiên tính nữ trong tình yêu cùng những giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc của nó.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *