Đề đọc hiểu văn bản thông tin lớp 11 Cánh diều, viết bài văn thuyết minh tổng hợp

đề LỚP 11CÁNH DIỀU:

VIẾT BÀI THUYẾT MINH TỔNG HỢP

Đề bài:(Theo ma trậncủaBộgiáodục)

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thựchiệnyêucầu: (Trắc nghiệm)

Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng Giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.

Tôi yêu sông xanh, núi tím; tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngần và tôi cũng xây mộng ước mơ, nhưng yêu nhất mùa xuân không phải là vì thế.

Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng…

 Người yêu cảnh, vào những lúc trời đất mang mang như vậy, khoác một cái áo lông, ngậm một ống điếu mở cửa đi ra ngoài tự nhiên thấy một cái thú giang hồ êm ái như nhung và không cần uống rượu mạnh cũng như lòng mình say sưa một cái gì đó – có lẽ là sự sống!

Ấy đấy, cái mùa xuân thần thánh của tôi làm cho người ta muốn phát điên lên như thế ấy. Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh.

Cùng với mùa xuân trở lại, tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá. Lúc ấy, đường sá không còn lầy lội nữa mà là cái rét ngọt ngào, chớ không còn tê buốt căm căm nữa.

Y như những con vật nằm thu hình một nơi trốn rét thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra để nhảy nhót kiếm ăn, anh cũng “sống” lại và thèm khát yêu thương thực sự. Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa.

Nhang trầm, đèn nến, và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh, bàn thờ tổ tiên làm cho lòng anh ấm lạ ấm lùng, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan.

Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng giêng, Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhuỵ vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu giêng, nhưng trái lại, lại nức một mùi hương man mác.

Thường thường, vào khoảng đó trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ra ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa lí, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột.

Ấy là lúc thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị có cà om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng. Cánh màn điều treo ở đầu bàn thờ ông vải đã hạ xuống từ hôm “hoá vàng” và các trò vui ngày Tết cũng tạm thời kết thúc để nhường chỗ cho cuộc sống êm đềm thường nhật.

Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai, NXB Văn học, Hà Nội, 1993

Đề 1: Trắcnghiệm + Tự luận

Lựa chọn đáp án đúng (Mỗi câu 0.5 điểm)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại 

  1. Tản văn
  2. Tùy bút
  3. Truyện kí

Câu 2. Bên cạnh yếu tố trữ tình (biểu cảm), văn bản trên có sử dụng thêm phương thức biểu đạt nào khác?  

  1. Tự sự và miêu tả
  2. Miêu tả và nghị luận
  3. Miêu tả và thuyết minh
  4. Tự sự và thuyết minh

Câu 3. Nội dung chính của đoạn văn trên là gì?

  1. Bày tỏ cảm xúc yêu mến với mùa xuân của Hà Nội, mùa xuân của Bắc Việt
  2. Thuật lại kỉ niệm khó quên về tết Hà Nội
  3. Bày tỏ nỗi nhớ Hà Nội
  4. Miêu tả không khí mùa xuân Hà Nội

Câu 4. Biện pháp tu từ được nhà văn sử dụng trong câu sau là gì?

Y như những con vật nằm thu hình một nơi trốn rét thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra để nhảy nhót kiếm ăn, anh cũng “sống” lại và thèm khát yêu thương thực sự. Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa.

  1. So sánh và nhân hóa
  2. So sánh và điệp từ
  3. So sánh và ẩn dụ
  4. So sánh và liệt kê

Câu 5. Biện pháp lặp cấu trúc được sử dụng trong đoạn sau có tác dụng gì? 

Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng Giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.

  1. Khẳng định vẻ đẹp của mùa xuân
  2. Khẳng định mùa xuân là mùa của yêu thương và tình yêu
  3. Khẳng định ai cũng chuộng mùa xuân, những sự việc hiển nhiên không bao giờ dừng lại cũng như việc không bao giờ có người hết yêu mùa xuân
  4. Khẳng định tình cảm của nhà văn với mùa xuân đất trời

Câu 6. Đọc văn bản và chỉ ra khoảng thời gian mà tác giả cảm thấy “yêu mùa xuân nhất”

  1. Đầu xuân
  2. Tết nguyên Đán
  3. Sau rằm tháng giêng
  4. Cuối mùa xuân

Câu 7. Cảm xúc chủ đạo của văn bản trên là:  

  1. Niềm hoài niệm trước những vẻ đẹp truyền thống xưa cũ
  2. Tình yêu và nỗi nhớ với tết Hà Nội
  3. Tình yêu và nỗi nhớ với Hà Nội mùa xuân
  4. Tình yêu và nỗi nhớ với những điều bình dị nhất của mùa xuân của Bắc Việt

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

Câu 8. Lựa chọn một biện pháp tu từ trong văn bản trên và phân tích

Câu 9. Chỉ ra những đặc điểm của tản văn xuất hiện trong văn bản

Câu 10. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) chia sẻ cảm nhận của em về mùa xuân (hoặc Tết) ở địa phương mà em sinh sống

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Văn bản trên viết về vùng đất nào? (0,5 điểm)

Câu 2:  Biện pháp tu từ nào sau đây được sử dụng phổ biến trong đoạn (1) (0,5 điểm)

Câu 3: Biện pháp tu từ nào sau đây được sử dụng phổ biến trong đoạn (2) (0,5 điểm)

Câu 4: Cái tôi của tác giả được thể hiện như thế nào qua văn bản? (0.5 điểm)

Câu 5: Nêu  nội dung khái quát của văn bản? (1.0 điểm)

Câu 6: Bạn rút ra được thông điệp gì sau khi đọc văn bản trên? (1.0 điểm)

Câu 7. Nêu chủ đề của văn bản? (1,0 điểm)

Câu 8. Từ nội dung văn bản, bạn có suy nghĩ gì về vai trò của quê hương đối với mỗi con người? (Viết khoảng 5 – 7 dòng) (1.0 điểm)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Dựa vào nội dung của văn bản trên, em hãy viết một bài văn thuyết minh về: Những giá trị tinh thần quan trọng của mỗi người con xa xứ khi nhớ về quê hương.

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết

ĐỌC – HIỂU

Đề 1: Trắcnghiệm + Tự luận

Câu Nội dung Điểm
ĐỌC HIỂU 6.0
1 A 0.5
2 C 0.5
3 A 0.5
4 B 0.5
5 C 0.5
6 C 0.5
7 D 0.5
8 HS có thể lựa chọn các biện pháp sau:

– Điệp cấu trúc:Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng Giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân. (Ai – cấm/đừng – động từ chỉ cảm xúc yêu, nhớ)

– So sánh: Ấy đấy, cái mùa xuân thần thánh của tôi làm cho người ta muốn phát điên lên như thế ấy. Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh. (Những xúc cảm mạnh mẽ trong tâm hồn khi đón nhận mùa xuân)

(Hoặc có thể có những biện pháp khác miễn sau HS chỉ đúng và có kiến giải phù hợp)

0.5
9 Đặc điểm tản văn trong văn bản 

Về yếu tố trữ tình: Cảm xúc của nhà văn về mùa xuân Hà Nội và Bắc Việt, bày tỏ niềm yêu thương, nhớ nhung về những điều bình dị nhất. (Cảm xúc yêu, mến được nhắc lại nhiều lần trong văn bản)

– Đan xen yếu tố miêu tả và thuyết minh: Miêu tả những đặc điểm của mùa xuân, thuyết minh thêm về những món ăn, những nét văn hóa đẹp của mùa xuân Bắc Việt (Các đoạn văn miêu tả về không khí, về các món ăn ngon sau rằm tháng giêng, các nghi lễ khác của mùa xuân Bắc Việt)

(Mỗi luận điểm HS đưa thêm các dẫn chứng thuyết phục)

1.0
10 Học sinh đưa ra suy nghĩ của mình về vấn đề theo dòng cảm xúc của cá nhân đảm bảo yêu cầu

– Mùa xuân hoặc Tết ở địa phương nào?

– Một số nét đặc sắc

– Cảm nhận chung của em

1.0

 

Đề 2: Tự luận

Câu 1: Hà Nội và Bắc Việt

Câu 2: Liệt kê

Câu 3: Câu hỏi tu từ

Câu 4: Cái tôi tài hoa, trữ tình

Câu 5: Nội dung chính:  Nỗi nhớ da diết đối với Hà Nội nói riêng và Bắc Việt nói chung

Câu 6: Học sinh được tự do rút ra thông điệp, miễn là tích cực và liên quan đến nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu. Tham khảo:

– Hãy yêu thương mảnh đất mà mình từng gắn bó

– Hãy biết phát hiện và trân trọng những vẻ đẹp của quê hương, đất nước

Câu 7

Chủ đề của văn bản: Văn bản là nỗi nhớ da diết của người đi xa nhớ về Hà Nội, nhớ về Bắc Việt. Qua đó ta thấy được vẻ đẹp của Hà Nội nói riêng và Bắc Việt nói chung, đồng thời cũng thấy được tấm lòng yêu thương, gắn bó sâu nặng mà tác giả dành cho những miền đất ấy.

Câu 8

Suy nghĩ về vai trò của quê hương đối với mỗi con người:

– Quê hương là nơi ta được sinh ra và lớn lên, gắn với tuổi thơ ấu tươi đẹp

– Quê hương là nơi cho ta những giá trị văn hóa, cho ta tình yêu thương của gia đình, bạn bè, lối xóm, giúp hình thành nhân cách và tâm hồn của ta sau này

– Quê hương là nơi mà ta có thể trở về để tìm lại sự cân bằng cho cuộc sống

v.v…

 

  1. LÀM VĂN
  2. Mở bài:Nêu khái quát vấn đề cần thuyết minh: Những giá trị tinh thần của người con xa xứ khi nhớ về quê hương
  3. Thân bài:

HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu những người con xa xứ là những ai (họ cần gì và nghĩ gì khi nhắc đến quê hương), những giá trị tinh thần của họ có thể là những gì?

Sau đây là một hướng gợi ý:

  1. Những người con xa xứ – là những đối tượng nào?

– Du học sinh

– Người làm ăn xa

– Người định cư bên nước ngoài nhưng có gia đình tại Việt Nam

  1. Đưa ra các giá trị tinh thần và vai trò của những giá trị tinh thần đó trong cuộc sống của những người xa xứ

– Tình cảm của những người trong gia đình, bạn bè thân yêu, có thể là nỗi nhớ mong, niềm hi vọng

– Kỉ niệm với nơi mà họ đã sinh ra và lớn lên gắn bó (Các dịp lễ Tết hoặc các món ăn ngon)

– Nỗi trông mong đoàn tụ và mong muốn trở về quê hương để xây dựng quê hương đồng thời phát triển sự nghiệp tại quê hương

  1. Nếu không có những giá trị tinh thần thì cuộc sống của những người xa xứ sẽ ra sao?

– Mất cân bằng

– Thiếu niềm tin và chỗ dựa

– Không có một điểm tựa để hi vọng và để trở về

Lưu ý: Với mỗi luận điểm, HS cần lí giải vì sao đây là NHỮNG GIÁ TRỊ TINH THẦN QUAN TRỌNG, giá trị ấy giúp đỡ mỗi người xa xứ như thế nào? Có thể lấy ví dụ minh chứng ra sao Cần thể hiện rõ thái độ, tình cảm; vận dụng được kiến thức và những trải nghiệm của cá nhân người viết.

  1. Kết bài:Khẳng định vấn đề.

 

Bài viết tham khảo

 

Con người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về, đó là quê hương. Phải chăng quê hương – tự thân nó đã là một suối nguồn dạt dào cảm xúc không bao giờ vơi cạn trong tâm hồn những người con yêu quê. Quê hương, hai tiếng thân thương – đây không chỉ là nơi để nhớ, để thương, mà còn là nơi để những người xa quê cùng hướng về. Dù sinh sống ở đâu nhưng những người con xa xứ ấy vẫn đau đáu nỗi nhớ nhà. Sâu thẳm trong tâm hồn, họ luôn hướng về nơi “chôn nhau, cắt rốn” và mong muốn được đóng góp cho quê hương.

Tình yêu quê hương, đất nước là một tình cảm đặc biệt, chân thành và sâu sắc, một tình cảm yêu mến và gắn bó với những sự vật, con người thuộc về nơi mình sinh ra và lớn lên. Đây là một trong những giá trị cốt lõi của người Việt Nam, được truyền lại từ đời này sang đời khác. Tình cảm ấy càng nồng cháy hơn trong tâm hồn của mỗi người con tha hương. Đó là những du học sinh, những người đi xuất khẩu lao động, làm ăn bên nước ngoài hay những người định cư bên nước ngoài nhưng có gia đình tại Việt Nam….. Đó là những người:

Thân cư hải ngoại
Tâm tại cố hương.

Quê hương là nơi chúng ta sinh ra và lớn lên, mảnh đất cho ta sự sống sẽ ghi dấu lại những kỉ niệm của ta từ khi ta lọt lòng mẹ, cho ta những nhận thức căn bản về cuộc đời. Mỗi người có một quê hương, mỗi quê hương có một bản sắc khác nhau nuôi dưỡng nên những tâm hồn con người khác nhau vô cùng phong phú. Quê hương mang đến cho ta những trải nghiệm, kỉ niệm đầu đời đẹp đẽ nhất, đáng nhớ nhất để ta lớn khôn và nhớ về.

Con người khi sinh ra và lớn lên, tiếp thu, chịu ảnh hưởng từ những sự kiện, nền văn hóa của quê hương, từ đó hình thành nên tính cách, tư duy và suy nghĩ cá nhân, có thể thấy quê hương đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên con người. Quê hương rộng hơn là đất nước, nơi nhiều nền văn hóa khác nhau cùng hòa hợp để con người cùng học tập, giữ gìn và phát huy. Dù bạn ở bất cứ nơi nào trên đất nước này cũng sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm quý báu khác nhau, nuôi dưỡng tâm hồn phong phú hơn.

Hai tiếng quê hương sao mà thân thương, lớn lao quá đỗi. Thương biết bao những mái nhà ngói cũ phủ rêu xanh, những bếp tranh nghèo mỗi buổi chiều khói nghi ngút. Rồi thời gian cứ thế lặng lẽ trôi. Quê hương như dòng máu nóng, thấm sâu vào huyết quản, bằng hơi thở tình yêu và sức sống, quê hương là nơi nuôi chúng ta khôn lớn. Hiện nay, thì càng có nhiều người con xa quê, xa xứ để đi kiếm sống, để làm việc học tập. Nhưng những người con xa quê thì lúc nào cũng luôn nhớ về cha mẹ, nhớ về gia đình, người thân. Những giá trị tinh thần đều luôn luôn quan trọng đối với mỗi người con xa xứ. Những giá trị tinh thần đó sẽ có thể là những nỗi nhớ, những kỉ niệm mà quê hương đã đem đến cho mỗi người. Hay đó chỉ là một lời hỏi han tận tình của gia đình sẽ khiến cho người con xa xứ bớt nhớ về quê hương. Hay đó còn là hương vị Tết Việt, là những món ăn ngon mà không tìm thấy ở phương trời xứ lạ….Chỉ người xa xứ mới hiểu quê hương ra sao? Nó thuộc về ta khi ta có là mảnh đất cha mẹ gặp nhau xây dựng gia đình, là nơi lớn khôn của ta và ta đi xa vì miếng cơm manh áo, vì đồng tiền bát gạo thật cực chẳng đã mới làm kẻ tha hương cầu thực.

Mong muốn có một tương lai tốt đẹp hơn, nhiều người chọn cách xa gia đình, xa quê hương để lập nghiệp. Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân đã trở thành động lực lớn lao để họ vững tin bước tiếp chặng đường ở những miền đất lạ… Mỗi người con xa quê có một cách thức khác nhau để hướng về quê cha, đất tổ. Với anh Nguyễn Tiến Lợi, sinh ra ở phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) dù sinh sống tại nước ngoài nhiều năm, nhưng vẫn luôn nhớ mình là người Việt Nam; vẫn luôn đau đáu, dõi mắt về quê hương bằng cả tấm lòng. Hơn 33 năm xa quê nhưng hình ảnh về những chùm nho sai trĩu, căng mọng; những cung đường no gió và đầy nắng hay vẻ hoang sơ, bình dị của những miền quê Ninh Thuận vẫn hằn in trong tim anh. Thay niềm nhung nhớ, anh đã dành tình cảm, tâm sức đóng góp vật chất, gửi gắm yêu thương về quê hương với cả tấm lòng. Nghĩ là làm, hơn chục năm qua, cứ vào dịp tết Dương lịch anh lại về thăm quê nhà và hành trang mang theo là 200 chiếc xe đạp dành cho các em học sinh còn khó khăn không có phương tiện đến trường cùng 1.000 phần quà dành cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Anh chia sẻ: Tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người. Vì vậy, tôi muốn sẻ chia, giúp đỡ những người kém may mắn để họ có động lực vươn lên. Đó cũng là thể hiện truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam. Năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên anh đành lỡ hẹn với quê nhà. Không về được nhưng anh cùng gia đình vận động bạn bè, người thân hỗ trợ hơn 1.000 suất quà gửi về cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn. Chính bởi tấm lòng thơm thảo của anh giúp nhiều gia đình có cái Tết đầm ấm, đủ đầy hơn.

Quê hương là một chìa khóa vạn năng giúp chúng ta khám phá cách sống và trở thành con người tốt hơn. Chúng ta phải biết trân trọng gốc rễ, hướng về cội nguồn và yêu quê hương. Thử hỏi, Nếu không có những giá trị tinh thần thì cuộc sống của những người xa xứ sẽ ra sao? Thiếu đi tình cảm này là một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời của mỗi con người, đặc biệt là trong cuộc sống tâm hồn, tình cảm sẽ làm cho con người không thể trọn vẹn. Lúc đó, những người con xa xứ sẽ cảm thấy mất cân bằng trong cuộc sống, thiếu đi niềm tin và chỗ dựa trong tâm hồn, không có điểm tựa tinh thần. Do đó, dù đi đâu và trải qua bao nhiêu, chúng ta hãy luôn nhớ rằng nơi đó vẫn đang chờ đợi, chờ một ngày chúng ta trở về và mang lại nhiều thành công rực rỡ vang dội cho quê hương – đất nước – con người Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay với cuộc sống đầy bận rộn và cuộc tranh đấu, không ít bạn trẻ có những hành động và suy nghĩ không tích cực về quê hương, chẳng hạn như chê trách quê hương nghèo khó, lạc hậu; phỉ báng nền văn hóa tuyệt vời của dân tộc. Với những hành vi và suy nghĩ thiếu chắc chắn như vậy, tất cả chúng ta cần tự kiểm điểm bản thân mình thay vì để bị tác động từ ý kiến đám đông. Trong cuộc sống và phong cách sống, nếu chúng ta muốn xây dựng một quê hương – đất nước thịnh vượng, chúng ta cần có một lối sống đẹp, lành mạnh và có ích cho xã hội và tương lai.

Quê hương không phải chỉ là những điều lớn lao. Quê hương còn là nơi chứa đựng những kí ức nhỏ bé mà thân thương. Quê hương đôi lúc cũng chứa đựng cả những nỗi khổ cực vất vả ngày xưa. Tuy nhiên, dù thế nào, quê hương vẫn là nơi đẹp nhất của mỗi người, nó luôn chứa đựng 1 thứ tình cảm nào đó rất khó diễn tả, quen thuộc gần gũi và luôn muốn trở về khi bạn đi xa:

Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp

Quê nhà một góc nhớ mênh mang

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *