Đề thi lớp 10 ( sách mới ) vở chèo Quan Âm Thị Kính

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

NỖI OAN THỊ KÍNH

THIỆN SĨ:

Nàng ơi,

Anh học đã thâu đêm suốt sáng

Dường như mệt mỏi trong mình

Mượn gối nàng anh ngả lưng một lát

THỊ KÍNH (Ngồi quạt cho chồng):

Đạo vợ chồng trăm năm kết tóc

Trước đẹp mặt chồng sau đẹp mặt ta

Bỗng làm sao râu một chiếc mọc ra

Dị hình lắm dưới cằm mọc ngược

Khi chàng thức tôi cắt làm sao được

Chờ đương cơn giấc ngủ mơ màng

Khéo xa xa kẻo động mình chàng

Sẵn dao bén xén tầy một mực.

THIỆN SĨ (giật mình):

Ơi cha, ơi mẹ! Ơi xóm, ơi làng!

Đêm hôm khuya khoắt

Cớ làm sao có sự bất tường

Giời đất hỡi cùng là cha mẹ!

(Ông Sùng, bà Sùng chạy ra)

BÀ SÙNG: Bất tường là bất tường làm sao?

THIỆN SĨ:

Trình lạy mẹ,

Đêm hôm qua giấc điệp vừa êm

Bỗng đâu thấy dao con kề cổ…

ÔNG SÙNG: Kề cổ mày hay kề cổ ai?

BÀ SÙNG:

Ối chao ôi!

Gớm tiết! Gớm tiết!

Cả gan, cả gan!

May con tao sực tỉnh giấc vàng

Đỉnh đình đinh còn gì mà chả chết!

Dù mày có say hoa đắm nguyệt

Trót trên dâu, dưới bộc[1] hẹn hò

Nói với bà nửa nhời bà cũng thứ đi cho

Can chi phải dụng tình bất trắc?

Nhà tao đây thật là cao môn, lệnh tộc

Nhưng chữ tam tòng mày ăn ở đơn sai

Chả công đâu tao đánh mắng cho hoài

Gọi Mãng tộc[2] đem ngay phó giả.

THỊ KÍNH: Oan con lắm, mẹ ơi!

BÀ SÙNG: Thôi đi.

Mày không sợ gươm trời, búa nguyệt

Cả gan thay cho bụng dạ đàn bà

Gái bất nghì phó giả mẹ cha

Ngựa bất kham phó về Bồng báo!

(Nói với ông Sùng): Này ông, gọi ông Mãng ra mà phó đi thôi, kẻo con mình có khi mà chết oan đấy.

(Với Thiện Sĩ): Nào Thiện Sĩ đâu, đi về, mẹ lấy cho con mười vợ!

ÔNG SÙNG: Ới ông Mãng[3]! Ra mà ăn cữ cháu.

(Hạ)

(Trích vở chèo Quan Âm Thị Kính, Hà Văn Cầu sưu tầm và chú thích, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1976, Tr. 54)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Phát biểu nào sau đây nói về đặc trưng của thể loại chèo? (0,5 điểm)

Chèo là một loại hình sân khấu dân gian

Chèo là một loại hình thơ dân gian

Chèo là một loại hình truyện kể dân gian

Chèo là một loại hình hội họa dân gian

Câu 2. Phát biểu nào sau đây nói về đặc trưng của nhân vật trong thể loại chèo? (0,5 điểm)

Nhân vật chèo có tính cách thay đổi

Nhân vật chèo có tính cách đa dạng

Nhân vật chèo có tính cách không thay đổi

Nhân vật chèo không có tính cách

Câu 3. Những câu nằm trong ngoặc đơn là: (0,5 điểm)

Lời của khán giả

Lời của nhân vật

Lời chỉ dẫn sân khấu

Lời của tác giả

Câu 4. Nhân vật trung tâm của đoạn trích trên là ai? (0,5 điểm)

Thiện Sĩ

Ông Sùng

Bà Sùng

Thị Kính

Câu 5. Đâu là đề tài chính mà đoạn trích trên đề cập đến? (0,5 điểm)

Đề tài Phật giáo

Đề tài Nho giáo

Đề tài sinh hoạt, thế sự

Đề tài đạo đức, tình yêu

Câu 6. Tình huống chính của đoạn trích trên là: (0,5 điểm)

Thị Kính thức chăm sóc cho chồng ôn thi

Thị Kính dùng dao cắt râu cho chồng

Thị Kính dùng dao cắt râu cho chồng và bị nghi là có ý định giết chồng

Thị Kính bị bố mẹ chồng bắt gặp đang dùng dao cắt râu cho chồng

Câu 7. Qua đoạn trích, tác giả dân gian gián tiếp bày tỏ thái độ gì đối với Thị Kính? (0,5 điểm)

Lên án, tố cáo

Đồng cảm, xót thương

Mỉa mai, chế giễu

Không bày tỏ thái độ

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

Câu 8. Dựa vào đoạn trích, bạn hãy cho biết Thị Kính là một người vợ như thế nào? (0,5 điểm)

Câu 9. Qua những lời thoại của Thiện Sĩ với cha mẹ, bạn có nhận xét gì về tính cách của con người này? (1,0 điểm)

Câu 10. Hãy bày tỏ cảm xúc của bạn trước nỗi oan mà Thị Kính phải gánh chịu. (Viết khoảng 5 – 7 dòng) (1,0 điểm)

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Bạn hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích đã cho ở phần Đọc hiểu.

[1] Trên dâu, dưới bộc: Ý nói Thị Kính ngoại tình

[2] Mãng tộc: dòng họ nhà Thị Kính

[3] Ông Mãng: Bố đẻ của Thị Kính

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 A 0.5
2 C 0.5
3 C 0.5
4 D 0.5
5 C 0.5
6 C 0.5
7 B 0.5
8 Dựa vào đoạn trích ta thấy, Thị Kính là một người vợ hiền thảo. Nàng hết mực lo lắng, chăm sóc cho chồng để chồng được thảnh thơi ăn học, dùi mài kinh sử. 0.5
9 Qua những lời thoại của Thiện Sĩ với cha mẹ, ta thấy đây là một con người có nhân cách thấp hèn: Anh ta không tin tưởng chính cả đối với người vợ đã vì anh ta mà thức khuya dậy sớm, làm lụng vất vả để cho anh ta ăn học. Anh ta cũng tỏ ra là một con người nhu nhược, thiếu chính kiến, chỉ biết nghe theo mọi lời của mẹ mà không hề có một lời bênh vực cho vợ, cũng không hề phản kháng trước mọi quyết định của Sùng Bà. 1.0
10 Nỗi oan mà Thị Kính mắc phải là một nỗi oan oái ăm, chua xót: Chỉ vì nàng quá thương chồng, quan tâm chăm sóc cho chồng mà bị vu cho có ý định giết chồng. Nỗi oan này của Thị Kính cho ta thấy được thân phận nhỏ bé, lệ thuộc của người phụ nữ, nhất là phụ nữ nhà nghèo trong xã hội phong kiến. Nỗi oan này gợi dậy trong ta lòng thương xót, đồng cảm với Thị Kính nói riêng và những người phụ nữ trong xã hội xưa nói chung. 1.0
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích đã cho ở phần Đọc hiểu.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí.

Sau đây là một số gợi ý:

I. MỞ BÀI

– Giới thiệu đoạn trích: “Quan Âm Thị Kính” là một vở chèo cổ đặc sắc trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, và thành ngữ “Nỗi oan thị Kính” từ lâu đã đi vào trí nhớ của biết bao người. Đoạn trích trên đây chính là phân đoạn miêu tả nguồn gốc của nỗi oan khiên đó.

– Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá: Trong bài viết sau đây, chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích nói trên.

II. THÂN BÀI

1. Tóm tắt đoạn trích: Thị Kính là con gái một nông dân nghèo, được gả cho Thiện Sĩ. Một đêm, Thiện Sĩ học mệt nên ngủ say, Thị Kính thấy có chiếc râu cằm mọc tốt nên đã lén lấy dao để cắt giúp chồng. Thiện Sĩ chợt tỉnh, la ầm lên vì tưởng Thị Kính có ý định giết mình. Bố mẹ của Thiện Sĩ sau đó đã trả Thị Kính về nhà bố mẹ ruột.

2. Xác định và phân tích, đánh giá chủ đề:

a. Xác định chủ đề: Thông qua tình huống dẫn đến nỗi oan ức của Thị Kính, tác giả dân gian thể hiện sự đồng cảm, xót thương đối với số phận của người phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo trong xã hội phong kiến. Đồng thời cũng lên tiếng tố cáo xã hội nam quyền độc đoán, lên án những hủ tục phong kiến cổ hủ đã đày đọa người phụ nữ, khiến họ rơi vào bất hạnh.

b. Phân tích, đánh giá chủ đề:

– Chủ đề của đoạn trích đã cho ta thấy thân phận tủi cực của người phụ nữ trong xã hội cũ: Họ là những con người có nhan sắc, có phẩm chất tốt đẹp, nhưng họ luôn phải sống theo sự sắp đặt của người khác, không có quyền tự quyết định trước mọi sự kiện quan trọng của đời mình, nhất là không có được sự tự do trong yêu đương, trong hôn nhân. Chính vì vậy mà Thị Kính đã gặp phải một người chồng xấu xa, nhu nhược, đẩy nàng rơi vào tình cảm oan ức không thể giãi bày.

– Chủ đề của đoạn trích cũng khiến ta thêm căm thù những kẻ nhu nhược như Thiện Sĩ, những kẻ cổ hủ độc đoán như Sùng Bà. Họ là đại diện cho cái sức mạnh của nam quyền, của lề thói cổ hủ trong xã hội phong kiến, đã đày đọa người phụ nữ, khiến họ rơi vào bất hạnh.

– Đoạn trích vừa có giá trị phê phán, lại vừa có giá trị nhân đạo, mang tính nhân văn sâu sắc.

3. Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật:

– Xây dựng tình huống: Điểm đáng chú ý đầu tiên về mặt nghệ thuật của đoạn trích đó chính là đoạn trích đã xây dựng được một tình huống độc đáo, kịch tính: Đó là tình huống Thị Kính vì muốn cắt râu cho chồng mà dẫn đến bị nghi muốn giết chồng. Lòng yêu thương, quan tâm hết mực của Thị Kính đã bị gia đình Thiện Sĩ hiểu thành hành động tội ác. Đó là một tình huống khiến cho ta phải tức tưởi, và sau đó là xót thương cho Thị Kính, đồng thời căm giận, ghê tởm sự xấu xa nhu nhược của Thiện Sĩ, thái độ tàn nhẫn hống hách của Sùng Bà. Tình huống truyện, như vậy, đã ẩn chứa trong nó nhiều thông điệp sâu sắc.

– Xây dựng nhân vật: Đoạn trích có hai tuyến nhân vật, chính diện và phản diện.

+ Nhân vật chính diện có Thị Kính, con người đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ: đam đang, hiền lành, hết mực yêu thương chồng, hết lòng làm tròn bổn phẩn của một người phụ nữ “tam tòng tứ đức”. Tuy vậy, một con người như thế lại phải chịu nỗi hàm oan tức tưởi. Thị Kính là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ trong xã hội xưa: Họ đẹp người đẹp nết, nhưng lại không thể tự quyết định hạnh phúc cho mình, bị sắp đặt, bị vùi dập, bị rẻ rúng, không hề được coi trọng.

+ Tuyến nhân vật phản diện có Thiện Sĩ và vợ chồng Sùng Bà. Thiện Sĩ là gã đàn ông có tâm địa nhỏ nhen, nhu nhược, không có chính kiến. Thật không thể tưởng tượng được hắn lại có thể nghĩ rằng Thị Kính, một người vợ ngoan hiền như thế lại có ý định giết hắn. Việc hắn lu loa lên với cha mẹ cho thấy hắn là kẻ tiểu nhân. Hắn cũng hề có một lời nào bênh vực cho vợ, nhất nhất nghe theo lời mẹ của hắn. Đó là một gã đàn ông nhu nhược tới mức đớn hèn. Sùng Bà là nhân vật đại diện cho những kẻ nhà giàu hợm hĩnh, hách dịch, xấu xa. Bà ta không hề điều tra, chỉ tin vào lời con trai mà đuổi Thị Kính về nhà. Bà ta chính là hiện thân cho sự chuyên chế, cho những hủ tục cực đoan trong xã hội cũ.

– Lời thoại: Lời thoại của đoạn trích mang đặc trưng của lời thoại chèo, có kết hợp giữa nói và hát, lời thoại có vần điệu như thơ. Lời thoại trong đoạn trích đã góp phần bộc lộ nội tâm và tính cách nhân vật.

III. KẾT BÀI

– Khẳng định khái quát những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của đoạn trích: Có thể nói, đoạn trích mà chúng ta vừa đi vào phân tích, đánh giá ở trên là một đoạn trích hay, đặc sắc về mặt nội dung và nghệ thuật trong vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”.

– Nêu ý nghĩa của đoạn trích đối với bản thân và người đọc: Đoạn trích giúp ta hiểu được thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa với những áp bức, những bất hạnh mà họ phải gánh chịu. Đoạn trích cũng khơi dậy trong ta lòng căm phẫn với những thế lực xấu xa, độc ác đã đẩy những ngưởi phụ nữ tốt đẹp vào hoàn cảnh bất hạnh.

2.5
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,5
Tổng điểm 10.0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *