Đề thi theo chương trình SGK mới vở chèo Trương Viên

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Tóm tắt vở kịch: Trương Viên quê đất Võ Lăng, nhờ mẹ sang hỏi cưới Thị Phương, người con gái của Tể tướng đã hồi hưu. Thấy chàng học giỏi, cha Thị Phương đồng ý và cho đôi ngọc lưu ly làm của hồi môn. Giữa lúc chàng đang dùi mài kinh sử thì được chiếu đòi đi dẹp giặc, chàng từ biệt mẹ già, vợ trẻ ra chiến trường. Trong cảnh chạy giặc, Thị Phương đã dắt mẹ chồng lưu lạc suốt mười tám năm. Hai người bị quỷ dữ trong rừng sâu đòi ăn thịt, song may nhờ người vợ quỷ nhận làm chị em xin tha rồi cho vàng. Tiếp đó họ lại bị hổ dữ đòi ăn thịt. Thị Phương tình nguyện dâng miếng thịt nơi cánh tay để cứu mẹ chồng. Hổ tha mạng cho cả hai mẹ con. Mẹ ốm, nàng dâng đôi mắt mình để Sơn Thần làm thuốc chữa cho mẹ. Để có cách sinh nhai, Ngọc Hoàng sai Chúa Tiên xuống dạy nàng nghề đàn hát. Thắng trận trở về, Trương Viên trở về quê cũ tìm mẹ già và vợ, sau đó đi nơi khác, chàng gặp hai mẹ con bà hát xẩm. Qua bài Trần tình, chàng đã nhận ra mẹ và vợ. Nhờ ngọc lưu ly, đôi mắt của Thị Phương trở lại trong sáng như xưa và gia đình lại đoàn tụ sum vầy.

MỤ: Con ơi, ông gì đấy con?

THỊ PHƯƠNG: Thưa mẹ, ông Thần Rừng ạ!

MỤ: Vậy mà mẹ coi dửng dừng dưng.

(nói sử) Con ơi.

Thiên cao nhật nguyệt

Quỷ thần rạng soi

Mênh mông những bể cùng trời

Xa trông chẳng thấy một người vãng lai.

(hát vãn) bạn với thú cầm

Sớm ăn hoa quả, tối nằm gốc cây

Đèn giăng chiếu đất màn mây

Dưỡng thân hoa quả, bạn bầy hươu nai

(nói) Con ơi,

Mẹ làm sao váng mặt, rức đầu

Bụng nhâm nhẩm đau

Chân tay buồn bã

Mẹ xem thân thể mẹ

Chẳng chịu được nao

Con tìm chốn nào

Cho mẹ an nghỉ.

THỊ PHƯƠNG: Trình lạy mẹ

Ở đây vắng vẻ cửa nhà

Con biết tìm nơi nao

Xin mẹ vào tạm trú miếu này

Để con xin thuốc thang chạy chữa

Mẹ ơi,

Thuốc thang chẳng có

Phù chú thì không

Thân nàng dâu phụng dưỡng mẹ chồng

Trời đất hỡi, thấu hay chăng nhẽ.

(cùng vào miếu)

THẦN LINH (ra): Ta sơn thần vốn ở thượng thiên

Trời phong sắc Sơn thần đệ nhất

Ngày ngày dạo chơi sơn cước

Đêm thanh nhàn quan khán thi thư

Chống gậy lê dạo khắp lâm cùng

Cưỡi bạch hạc về miền tuế nguyệt

Nghe Thị Phượng là người trinh liệt

Thử nàng xem có vẹn chữ hiếu trung

Âm binh!

Truyền âm binh trở lại miếu môn

Nàng vãng quá rồi ta khoét mắt.

THỊ PHƯƠNG: Trình lạy ông trong ấy

Mẹ con tôi lưu lạc tới đây

Mẹ già tôi đau ốm nhường này

Có thang thuốc xin ông thí bỏ.

THẦN LINH: Mẹ chồng nàng ta đã quá tay

Lòng có thương muốn sống ngày rày

Khoét đôi mắt dâng lên cùng mỗ

Rồi ta sẽ phù trì, bảo hộ

Mẹ con bay sẽ được an toàn

Truyền thổ địa cho ra khoét mắt.

THỊ PHƯƠNG (nói sử):

Trình lạy ông, khoan khoan, rẽ rẽ

Để tôi xin dẫn nỗi sự tình

Ông sinh phúc mở lòng nhân đức.

THẦN LINH: Ta ăn mắt già, không ăn mắt trẻ.

THỊ PHƯƠNG (nói sử):

Mẹ chồng tôi đã bảy mươi ba

Già mong trẻ để mà trông cậy

Chồng tôi khi ấy

Đi thú nước Xiêm

Vắng mặt khuất tin

Sự nhà không biết

Tử sinh lưỡng biệt

Chồng một nơi, vợ lại một nơi

Ông chẳng thương đến mẹ con tôi

Nguyện thiên địa: tôi xin dâng mắt.

(Thổ địa ra khoét mắt Thị Phượng)

THỊ PHƯƠNG (hát vãn)

Khoét mắt dâng thần

Huyết rơi lai láng cực lòng con thay

Ông hưởng lấy mắt này

Xin ông phù hộ, mẹ tôi rày được bình an.

THẦN LINH (nói)

Khen Thị Phượng con người có nghĩa lại có nhân

Thương mẹ chồng mà khoét mắt dâng thần

Tai nạn ấy sau này ắt khỏi

– Truyền thổ địa, hạt điện môn!

(hạ)

THỊ PHƯƠNG: Mẹ ơi, ông thần khoét mắt con rồi, đau lắm mẹ ơi!

MỤ: Giời ơi, ông ấy khoét mắt con tôi.

THỊ PHƯƠNG: Mẹ ở đâu, mẹ dắt con với mẹ ơi!

(hát vãn) Khi xưa con dắt mẹ đi

Bây giờ mù mịt, mẹ thì dắt con.

MỤ (hát tiếp) Có sinh, có đẻ cho cam

Nàng dâu nuôi mẹ thế gian mấy người.

(cùng hạ)

(Trích vở chèo Trương Viên, Hà Văn Cầu sưu tầm và chú thích, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1976, Tr. 96)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Phát biểu nào sau đây nói lên đặc điểm của lời thoại ở đoạn trích trên? (0,5 điểm)

  1. Lời thoại có vần điệu
  2. Lời thoại kết hợp giữa hát và nói
  3. Kết hợp giữa độc thoại và đối thoại
  4. Cả A và B

Câu 2. Mối quan hệ giữa nhân vật Thị Phương và Mụ là: (0,5 điểm)

  1. Con gái – Mẹ đẻ
  2. Nàng dâu – Mẹ chồng
  3. Con ở – Bà chủ
  4. Người dưng

Câu 3. Thị Phương đã có hành động gì để cầu thần linh phù hộ cho người mẹ được bình an? (0,5 điểm)

  1. Cúng vái thần linh
  2. Van xin thần linh
  3. Khoét mắt dâng thần
  4. Dâng tiền bạc lên thần linh

Câu 4. Câu thơ nào sau đây nói về sự cảm phục của người mẹ dành cho Thị Phương? (0,5 điểm)

  1. Mênh mông những bể cùng trời/ Xa trông chẳng thấy một người vãng lai
  2. Thân nàng dâu phụng dưỡng mẹ chồng/ Trời đất hỡi, thấu hay chăng nhẽ
  3. Khen Thị Phượng con người có nghĩa lại có nhân/ Thương mẹ chồng mà khoét mắt dâng thần
  4. Có sinh, có đẻ cho cam/ Nàng dâu nuôi mẹ thế gian mấy người

Câu 5. Phát biểu nào sau đây nói lên đề tài của đoạn trích? (0,5 điểm)

  1. Đề tài đạo đức
  2. Đề tài thần linh
  3. Đề tài ma quỷ
  4. Đề tài Phật giáo

Câu 6. Hành động thần linh đòi khoét mắt người mẹ nhằm mục đích gì? (0,5 điểm)

  1. Đe dọa người mẹ
  2. Thể hiện sự tàn ác của thần linh
  3. Thử lòng hiếu thuận của Thị Phương
  4. Thử lòng yêu con của mẹ chồng

Câu 7. Phát biểu nào sau đây nói về chủ đề của đoạn trích? (0,5 điểm)

  1. Ca ngợi phẩm chất hiếu thuận của nàng dâu đối với mẹ chồng
  2. Thể hiện quan điểm: người tốt sẽ được thần linh phù hộ
  3. Phê phán thói mê tín dị đoan trong xã hội phong kiến
  4. Đồng cảm với số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

Câu 8. Tình huống chính trong đoạn trích trên là gì? (0,5 điểm)

Câu 9. Theo bạn, qua đoạn trích trên, tác giả dân gian muốn gửi gắm đến người đọc thông điệp gì? (1,0 điểm)

Câu 10. Chi tiết nào trong đoạn trích trên để lại cho bạn ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao? (1,0 điểm)

  1. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Bạn hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích đã cho ở phần Đọc hiểu.

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 D 0.5
2 B 0.5
3 C 0.5
4 D 0.5
5 A 0.5
6 C 0.5
7 A 0.5
8 Tình huống chính trong đoạn trích trên là: Thần linh đòi khoét mắt mẹ chồng của Thị Phương, và để cứu mẹ chồng, Thị Phương đã van xin thần linh và sau đó khoét mắt của mình đề dâng thần. 0.5
9 Học sinh được tự do rút ra thông điệp, miễn là có ý nghĩa và liên quan đến nội dung của đoạn trích. Tham khảo: Qua đoạn trích trên, tác giả dân gian muốn gửi gắp đến chúng ta thông điệp: Con người sống phải có lòng hiếu thuận, phải biết yêu thương và hy sinh cho người khác. 1.0
10 Học sinh được tự do lựa chọn chi tiết mà bản thân ấn tượng nhất, miễn là có lí giải thuyết phục. Tham khảo:

– Chi tiết: Thị Phương khoét mắt dâng thần.

– Lí giải: Chi tiết này đã cho ta thấy được tấm lòng cao đẹp của Thị Phương, tình cảm yêu thương hết mực mà Thị Phương đã dành cho mẹ chồng của mình.

1.0
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích đã cho ở phần Đọc hiểu.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí.

Sau đây là một số gợi ý:

I. MỞ BÀI

– Giới thiệu đoạn trích: “Trương Viên” là một vở chèo cổ nổi tiếng xúc động về tình cảm của nàng dâu đối với mẹ chồng, một vở kịch vô cùng đặc sắc trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Đoạn trích ở phần Đọc hiểu được trích ra từ vở chèo này.

– Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá: Trong bài viết sau đây, chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích nói trên.

II. THÂN BÀI

1. Tóm tắt đoạn trích: Để chạy giặc, Thị Phương dẫn mẹ chồng chạy vào rừng. Mẹ chồng bị ốm, nàng cầu xin thần linh thuốc chữa cho mẹ, tuy nhiên thần linh lại đòi khoét mắt mẹ chồng nàng để dâng thần. Để cứu mẹ, Thị Phương đã cầu xin thần linh lấy đôi mắt của mình, và sau đó, khoét mắt dâng lên thần linh.

2. Xác định và phân tích, đánh giá chủ đề:

a. Xác định chủ đề: Thông qua đoạn trích, tác giả dân gian muốn ca ngợi tấm lòng cao đẹp, tình yêu thương sâu nặng mà Thị Phương dành cho mẹ chồng của mình.

b. Phân tích, đánh giá chủ đề:

– Tình cảm nàng dâu mẹ chồng xưa nay vẫn là một đề tài quen thuôc, nhưng thường được miêu tả theo hướng tiêu cực. Đoạn trích trên đã đem đến cho ta một cái nhìn hoàn toàn khác, ở đó, Thị Phượng, nàng dâu, đã dành cho mẹ chồng một tình cảm yêu thương sâu nặng. Nàng đã hết lòng hết dạ chăm sóc mẹ chồng, và khi hoàn cảnh bắt buộc, nàng đã sẵn sàng hy sinh cả đôi mắt của mình để bảo vệ mẹ chồng. Tình cảm đó của nàng khiến mẹ chồng vô cùng cảm động: Có sinh, có đẻ cho cam/ Nàng dâu nuôi mẹ thế gian mấy người.

– Chủ đề đoạn trích cũng cho ta thấy được rằng: chính lòng yêu thương mới là thứ có sức mạnh to lớn, khiến con người có thể vượt qua nghịch cảnh. Lòng yêu thương của Thị Phương dành cho mẹ chồng đã không chỉ khiến cho mẹ chồng cảm động, mà còn làm cảm động cả thần linh.

3. Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật:

– Xây dựng tình huống: Đoạn trích đã xây dựng được một tình huống truyện giàu kịch tính: đưa nhân vật vào trong một tình thế bắt buộc phải lựa chọn một cách đau đớn, một là nhìn mẹ chồng bị khoét mắt, hai là khoét mắt mình để cứu mẹ, và Thị Phương đã chọn cách thứ hai. Tình huống truyện đã giúp làm nổi bật thái độ dũng cảm, tấm lòng cao thượng của Thị Phương. Tình huống truyện, do vậy, mang tính giáo dục và tính nhân văn sâu sắc.

– Xây dựng nhân vật:

+ Nhân vật chính của đoạn trích là Thị Phương, một người con dâu hiếu thảo, hết lòng chăm sóc mẹ chồng, sẵn lòng hy sinh bản thân trước sự an nguy của mẹ chồng. Đây là một người phụ nữ có phẩm hạnh hiếm thấy. Tấm lòng của nàng đã khiến cho mẹ chồng và cả thần linh phải cảm động.

+ Nhân vật người mẹ chộng xuất hiện trong đoạn trích góp phần làm nổi bật phẩm chất cao đẹp của Thị Phương, đồng thời cũng góp một tiếng nói khách quan để đánh giá về tấm lòng của Thị Phương. Nhân vật này cũng cho ta thấy được mối quan hệ tốt đẹp giữa mẹ chồng và nàng dâu.

+ Các nhân vật thần linh trong đoạn tríc được hư cấu để nhằm tạo ra tình huống thử thách, từ đó cũng góp phần làm nổi bật phẩm cách cao quý của Thị Phượng.

III. KẾT BÀI

– Khẳng định khái quát những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của đoạn trích:

– Nêu ý nghĩa của đoạn trích đối với bản thân và người đọc:

2.5
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,5
Tổng điểm 10.0

  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *