VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI
(Con người và cuộc sống xung quanh)
BỘ KẾT NỐI
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
(1) Nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng, khi lo lắng, tức giận hay thất vọng, con người thường mất đi lý trí. Một số biểu hiển ngôn ngữ và hành vi của họ đều nằm trong trạng thái cảm xúc hoang mang, mơ hồ, lúc này, họ giống như một chiếc súng máy bị mất kiểm soát, bất cứ ai muốn can thiệp, tác động vào hoạt động của nó cũng đều có thể bị thương.
(2) Trong Kinh Phật có một câu nói: “Đừng vội vàng làm gì, hãy đứng ở đó.” Khi con người gặp phải những người mất kiểm soát cảm xúc, chẳng khác gì việc họ đang đứng cạnh một thùng thuốc nổ, lúc này, bất cứ điều gì nói ra cũng chỉ gây ra những rủi ro. Vì vậy, cách tốt nhất là im lặng, để đối phương giải tỏa áp lực thông qua việc bộc lộ cảm xúc, để họ thoải mái giải tỏa sự uất ức trong lòng, sau đó, hai bên mới có thể giao tiếp hiệu quả với một tâm trạng nhẹ nhàng, thoải mái, ổn định.
(3) Nhà tư tưởng Cơ Đốc giáo người Đan Mạch Kierkegaard nói : “Đừng trừng phạt bản thân bằng những lỗi lầm của người khác.” Đối với chúng ta, thật sai lầm khi để cảm xúc bị ảnh hưởng vì sự tức giận của người khác hay phải chịu đựng những tổn thương không đáng có. Vì vậy, khi người khác tức giận, đừng vội vàng hồi đáp họ, cho dù là cổ vũ hay phê bình, cũng đừng hấp tấp giải quyết những vấn đề như vậy.
(Trích Đừng để cảm xúc hạ gục bản thân, Vũ Nhất Lỗ,
NXB Lao động, 2021, tr.178.179)
Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)
Câu 1: Vấn đề trọng tâm được đề cập đến ở văn bản trên là gì?
Câu 2: Chỉ ra các luận điểm được tác giả triển khai trong văn bản.
Câu 3: Theo văn bản, con người thường mất đi lí trí khi nào?
Câu 4: Việc trích dẫn những quan điểm trong Kinh Phật và nhà tư tưởng Cơ Đốc giáo đã đem lại hiệu quả lập luận như thế nào cho văn bản?
Câu 5: Nêu hiệu quả của phép tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn (1) của văn bản.
Câu 6: Trong đoạn (2) của văn bản, tác giả đã đưa ra lời khuyên nào khi giao tiếp với người đang mất kiểm soát cảm xúc? Ý nghĩa của lời khuyên đó?
Câu 7: Anh/chị có đồng tình với quan điểm được đưa ra trong văn bản “Khi người khác tức giận, đừng vội vàng hồi đáp họ”? Vì sao?
Câu 8: Thông điệp của văn bản có ý nghĩa nhất với anh/chị là gì?
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải tôn trọng cảm xúc của người khác trong cuộc sống.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Câu 1: Vấn đề trọng tâm được đề cập trong văn bản: cách ứng xử với những người đang có những cảm xúc tiêu cực.
Câu 2: Các luận điểm được triển khai trong văn bản:
Khi lo lắng, tức giận hay thất vọng, con người thường mất đi lý trí
Cách tốt nhất khi giao tiếp với những người mất kiểm soát cảm xúc
Câu 3: Theo văn bản, con người thường mất đi lí trí khi tức giận hay thất vọng.
Câu 4: Việc trích dẫn những quan điểm trong Kinh Phật và nhà tư tưởng Cơ Đốc giáo đã đem lại hiệu quả lập luận:
Tăng tính thuyết phục, hấp dẫn, sinh động cho lập luận.
Nhân mạnh luận điểm: không nên vội vàng hồi đáp, hấp tấp giải quyết khi giao tiếp với những người đang trong trạng thái cảm xúc tiêu cực.
Câu 5: Hiệu quả của phép tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn (1) của văn bản: so sánh những người đang tức giận, thất vọng với một chiếc súng máy bị mất kiểm soát
Làm cách diễn đạt trở nên sinh động, hấp dẫn, gợi hình
Nhấn mạnh tác hại, những nguy cơ nguy hiểm tiềm ẩn của những người đang trong trạng thái tức giận, thất vọng có thể gây ra cho người khác.
Câu 6: – Trong đoạn (2) của văn bản, tác giả đã đưa ra lời khuyên khi giao tiếp với người đang mất kiểm soát cảm xúc: nên im lặng, để đối phương giải tỏa áp lực thông qua việc bộc lộ cảm xúc, để họ thoải mái giải tỏa sự uất ức trong lòng, sau đó, hai bên mới có thể giao tiếp hiệu quả với một tâm trạng nhẹ nhàng, thoải mái, ổn định.
Ý nghĩa: đưa ra cách thức hợp lý, tăng hiệu quả giao tiếp, hạn chế những tổn thương, mâu thuẫn khi giao tiếp với những người đang mất kiểm soát.
Câu 7: – HS đưa ra quan điểm của bản thân: đồng tình hoặc không đồng tình
– HS có được những lí giải phù hợp, thuyết phục.
Câu 8: – HS đưa ra hông điệp có ý nghĩa nhất với bản thân: nên tôn trọng cảm xúc của người khác; không nên vội vàng, hấp tấp trong giao tiếp; cần lắng nghe, thấu hiểu tâm lý của người khác trong giao tiếp,…
– HS có được những lí giải phù hợp, thuyết phục.
LÀM VĂN
Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.
Tôn trọng cảm xúc của người khác
Thân bài:
* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống
– Cuộc sống luôn chứa đựng những thử thách, khó khăn, bởi vậy, việc con người rơi vào những trạng thái cảm xúc tiêu cực là điều không thể tránh khỏi.
– Mỗi người đều có cá tính, quan điểm sống độc lập, khác biệt, vì vậy cũng sẽ có những phản ứng tâm lý, trạng thái cảm xúc riêng khi đứng trước những vấn đề của đời sống.
* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.
– Tôn trọng cảm xúc của người khác cần thiết vì mỗi người là một cá thể độc lập, có những nhu cầu cảm xúc khác nhau.
– Tôn trọng cảm xúc của người khác là một phần của quy tắc lịch sự trong giao tiếp, khiến người khác cảm thấy đối phương cảm thấy những giá trị của bản thân được tôn trọng, mình được lắng nghe, sẻ chia trong giao tiếp.
– Tôn trọng cảm xúc của người khác cần thiết vì sẽ giúp con người cảm thấy thoải mái, tự tin, được là chính mình; giúp mối quan hệ trở nên chân thành, gắn kết, bền vững.
– Nếu không được tôn trọng cảm xúc, con người sẽ rơi vào trạng thái bị dồn ép, ức chế, dẫn đến những cư xử tiêu cực, gây tổn thương cho người khác. Hoặc sẽ luôn phải gồng mình để che giấu, ẩn đi những cảm xúc của bản thân, không được sống thật là mình.
* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều
– Tuy nhiên, tôn trọng cảm xúc của người khác không đồng nghĩa với việc thỏa hiệp với những cảm xúc tiêu cực, ích kỉ, không chỉ độc hại với cá nhân người đó mà còn gây ảnh hưởng đến cái chung.
– Tôn trọng cảm xúc của người khác không có nghĩa quên đi cảm xúc của chính mình, mà cần cân bằng hài hòa trong các mối quan hệ.
+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.
– Đối với cá nhân: giúp con người trở nên cư xử văn minh, lịch sự, hơn thế, còn trở thành những người tinh tế, khéo léo, có nghệ thuật giao tiếp, biết chia sẻ và lắng nghe.
– Đối với cộng đồng: giúp các mối quan hệ trở nên hài hòa, gắn kết, hạn chế những mâu thuẫn, tổn thương, từ đó nâng cao hiệu quả công việc, học tập, phát triển tập thể, xã hội, cộng đồng.
Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.
Vấn đề đặt ra có ý nghĩa thiết thực trong giao tiếp, đặc biệt trong đời sống xã hội hiện đại ngày nay, khi cảm xúc của con người ngày càng phức tạp, các mối quan hệ dễ bị tổn thương, từ đó giúp con người có được cách ứng xử văn minh, phù hợp.
Bài viết tham khảo
Trong cuộc sống ngày nay, nơi mà nhịp sống hối hả và áp lực ngày càng gia tăng, sự tôn trọng cảm xúc của người khác trở thành một giá trị quý báu, một chìa khóa mở cánh cửa của những mối quan hệ chặt chẽ và lành mạnh. Mạnh Tử có câu “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình: ”. Câu nói của Mạnh Tử đã nêu nên cách ứng xử của con người trong xã hội: mỗi người cần tôn trọng người khác. Đặc biệt là cảm xúc, như những dòng sông nhỏ trong bản đồ tâm hồn, là nguồn năng lượng vô hình nhưng vô cùng quan trọng để chúng ta tạo nên một xã hội đồng lòng và đầy nhân ái. Từ đó, có thể thấy sự cần thiết phải việc tôn trọng cảm xúc của người khác trong cuộc sống có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Vậy trước hết, chúng ta cần hiểu tôn trọng cảm xúc của người khác là gì? Nó có thể được hiểu là khả năng hiểu và quan tâm đến những tình cảm và trạng thái tâm lý của người khác. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tỏ ra lắng nghe, không đánh giá và thấu hiểu người khác. Hành động tôn trọng như vậy đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ tốt trong cuộc sống.
Tôn trọng cảm xúc của người khác không chỉ là một lời nói, mà còn được thể hiện thông qua các hành động và thái độ cụ thể. Điều đó được biểu hiện qua việc chúng ta lắng nghe những người xung quanh. Sự lắng nghe không chỉ đơn giản là nghe, mà còn là việc hiểu và đáp ứng đúng cách với cảm xúc của người khác. Khi chúng ta thể hiện sự lắng nghe chân thành, đó là một dấu hiệu rõ ràng của sự tôn trọng. Việc bản thân mỗi người nỗ lực hiểu rõ hơn về tình cảm và cảm xúc của người khác cũng là một cách quan trọng để tôn trọng họ. Khi chúng ta chia sẻ sự hiểu biết và cung cấp hỗ trợ trong những thời điểm khó khăn, chúng ta đang thể hiện sự quan tâm và sẻ chia, an ủi cũng như động viên họ vươn lên khó khăn. Không chỉ vậy, việc chia sẻ cảm xúc của bản thân cũng là một cách để tạo ra một môi trường tôn trọng. Khi chúng ta mở lòng và chia sẻ những trải nghiệm cảm xúc, chúng ta thúc đẩy sự chia sẻ và kết nối. Hay khi người khác tin tưởng chia sẻ với chúng ta về cảm xúc của họ, việc giữ bí mật và tôn trọng sự riêng tư là quan trọng. Không chia sẻ thông tin cá nhân của người khác mà không có sự cho phép là biểu hiện của sự tôn trọng cảm xúc của người khác. Thêm vào đó, mỗi người chúng ta ai cũng có những cách trải nghiệm, suy nghĩ, hành động và biểu đạt cảm xúc riêng biệt. Tôn trọng cảm xúc của người khác cũng bao gồm việc chấp nhận sự đa dạng này, không đánh giá và so sánh một cách không công bằng. Trong cuộc sống sự tôn trọng cảm xúc của người khác còn có thể hiện lên qua những hành động nhỏ như việc gửi một tin nhắn khích lệ, đưa ra một sự động viên, hay đơn giản là nói “Tôi quan tâm đến bạn hay cậu có ổn không,…” đều là biểu hiện rõ ràng của sự tôn trọng và quan tâm đến cảm xúc của người khác. Đặc biệt việc hiểu rõ và tôn trọng cảm xúc của bản thân cũng là một điều rất quan trọng. Khi chúng ta tự biết quản lý và hiểu rõ về tình cảm của mình, chúng ta cũng trở nên có khả năng tốt hơn trong việc hiểu và tôn trọng cảm xúc của người khác.
Trong cuộc sống hiện đại, áp lực từ công việc, gia đình và xã hội thường xuyên khiến chúng ta trải qua nhiều cảm xúc đa dạng. Mỗi người đều có cảm nhận và trải nghiệm riêng, và tôn trọng cảm xúc của người khác đồng nghĩa với việc chấp nhận sự đa dạng này. Đôi khi, một từ ngữ hay hành động nhỏ cũng có thể ảnh hưởng lớn đến tâm trạng và tinh thần của người khác. Việc biểu hiện lòng tôn trọng và sẵn sàng lắng nghe giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nhau, từ đó xây dựng được mối quan hệ mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Không chỉ vậy, sự nhạy cảm đối với cảm xúc của người khác giúp giảm thiểu xung đột và hiểu lầm. Khi chúng ta biết đến tâm trạng và cảm xúc của người khác, chúng ta có thể tránh được những hành động và từ ngữ gây thương tổn hoặc làm tổn thương họ. Sự tôn trọng cảm xúc không chỉ là việc nghe và hiểu, mà còn là việc khích lệ người khác thể hiện chính mình. Khi chúng ta tôn trọng và chấp nhận cảm xúc của họ, chúng ta đồng thời đang khuyến khích họ tự tin và phát triển bản thân. Ví như trong môi trường làm việc, sự tôn trọng cảm xúc giúp tạo ra một không khí tích cực. Nhân viên cảm thấy được tôn trọng và đánh giá, điều này tạo động lực cho họ để làm việc hiệu quả hơn và hỗ trợ sự hài lòng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, trong những thời điểm khó khăn, sự tôn trọng cảm xúc trở thành nguồn hỗ trợ quan trọng. Khả năng lắng nghe và chia sẻ cảm xúc giúp tạo ra một môi trường thoải mái và an ninh tinh thần, giúp cho mỗi người có thể vượt qua mọi khó khắn và đạt được tới thành công trong cuộc sống. Hơn nữa, tôn trọng cảm xúc cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng. Khi chúng ta hiểu rõ hơn về cảm xúc và trải nghiệm của những người khác với chúng ta, chúng ta trở nên mở lòng và tăng cường sự hiểu biết.
Dẫn đến con người tôn trọng cảm xúc lẫn nhau trong cuộc sống đóng một vai trò quan trọng, vì thế có một số giải pháp và hành động có thể được thực hiện như giáo dục và nâng cao nhận thức cho mỗi cá nhân trong xã hội. Ví như nhà trường tổ chức chương trình giáo dục và ôn tập về tầm quan trọng của tôn trọng cảm xúc cho các học sinh, để học sinh hiểu rõ hơn về sự cần thiết của nó ngay từ nhỏ. Hay xây dựng môi trường làm việc, học tập hoặc sống tích cực, an toàn và chấp nhận sự đa dạng cảm xúc. Tích cực khuyến khích việc chia sẻ cảm xúc mà không sợ bị phê phán hoặc đánh giá trên các nền tảng mạng xã hội và cũng như tuyên truyền, khuyến khích mọi người thực hiện hành động nhỏ để thể hiện sự quan tâm và tôn trọng cảm xúc của người khác. Thêm vài đó,các địa phương có thể tổ chức các hoạt động nhóm như những buổi nói chuyện, sự kiện xã hội để tạo cơ hội gắn kết và chia sẻ cảm xúc.
Tôn trọng cảm xúc không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là cơ sở của một xã hội hòa bình. Trong một môi trường làm việc hoặc học tập, sự hiểu biết và tôn trọng cảm xúc của đồng nghiệp giúp tạo ra không khí tích cực, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới. Ngược lại, sự thiếu tôn trọng có thể dẫn đến mâu thuẫn, gian lận và giả mạo, tạo ra một môi trường không lành mạnh. Nếu không tôn trọng cảm xúc của người khác, chúng ta có thể gây tổn thương và tạo ra khoảng cách trong mối quan hệ. Người khác có thể cảm thấy bị coi thường và thiếu sự đồng cảm, dẫn đến mất lòng tin và thất bại trong giao tiếp. Bên cạnh đó, nếu chúng ta tôn trọng cảm xúc không đúng thì đôi khi sẽ dẫn đến việc chúng ta có thể làm cho người khác cảm thấy bị ép buộc hoặc không thoải mái trong tình huống đó, hay nếu thể hiện sự tôn trọng mà không chân thành, người khác có thể cảm thấy bị giả dối hoặc không được chấp nhận. Đôi khi, sự tôn trọng không đúng lúc có thể bị hiểu lầm là việc không đồng ý hoặc phản đối mạnh mẽ ý kiến hoặc quyết định của người khác. Thậm chí, việc tôn trọng cảm xúc của người khác có thể đối mặt với sự khó khăn. Mọi người có thể có quan điểm khác nhau về việc đặt giới hạn và tỏ ra quá nhạy cảm. Tuy nhiên, việc tôn trọng và cân nhắc đến những cảm xúc này vẫn là cách tốt nhất để duy trì được sự tôn trọng với người khác.
Việc tôn trọng cảm xúc của người khác là một bài học sâu sắc về nhận thức, hành động và quan hệ giữa con người. Bài học này đưa ra những hiểu biết quan trọng về tầm quan trọng của sự nhạy cảm đối với cảm xúc của những người xung quanh, và qua đó, nó hình thành cơ sở cho những hành động tích cực và mối quan hệ lành mạnh. Chúng ta nhận ra rằng mỗi người đều có trải nghiệm và biểu hiện cảm xúc riêng biệt, thế nên chính bản thân chúng ta phải hiểu rõ về sự đa dạng của cảm xúc, từ niềm vui, buồn bã đến lo lắng và hạnh phúc cũng như nhận thức về ảnh hưởng lớn của cảm xúc đến quyết định, hành vi và mối quan hệ. Không chỉ vậy, mỗi người chúng ta trong cuộc sống cần phải biết lắng nghe tôn trọng cảm xúc của người khác. Tránh đánh giá hoặc đưa ra nhận xét không tôn trọng đối với cảm xúc của người khác. Hơn nữa, học cách chia sẻ cảm xúc một cách mở cửa để tạo ra sự giao tiếp và kết nối tốt hơn. Từ đó, dễ dàng nhận thấy tôn trọng cảm xúc không chỉ là về việc thay đổi cách nhìn nhận của bản thân về cảm xúc mà còn là về việc xây dựng một cộng đồng đầy đủ sự hiểu biết và hỗ trợ, nơi mọi người có thể phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.
Hãy sống một cuộc đời ý nghĩa bởi cuộc sống như một trang sách, kẻ ngu ngốc sẽ lật trang nhanh chóng mà chẳng để lại gì. Còn người khôn ngoan thì vừa đọc, vừa suy ngẫm vì biết rằng mình chỉ đọc một lần. Ý nghĩa cuộc sống không chỉ được đo bằng độ dài sự sống, mà được tính bằng những gì bạn đã làm, đã cống hiến cho cuộc đời hay đơn giản là bạn đã hành xử ra sao về việc chúng ta phải biết tôn trọng cảm xúc của người khác trong cuộc sống.