VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI
(Con người và cuộc sống xung quanh)
BỘ KẾT NỐI
Đề bài
- ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
Đừng gây tổn thương
Ca-ren Ca-xây
Trong lúc bạn phát ngôn và cả sau đó, bạn có ý thức được lời phê bình của mình đã ảnh hưởng đến người khác như thế nào không? Bạn có nhanh chóng đáp trả bằng một nhận xét đầy ác ý sau khi bị người khác chỉ trích không? Bạn có chú ý đến cảm giác của mình sau khi gắt gỏng với bạn bè hay một người hoàn toàn xa lạ không? Bạn có bao giờ tỏ ra tử tế ngay cả khi người ta đối xử với bạn chẳng ra gì không?
Câu trả lời của chúng ta cho những câu hỏi trên đủ để nói lên tất cả. Ngẫm nghĩ từng câu hỏi và trả lời chúng một cách trung thực mang đến phác hoạ đơn giản về vị trí của bạn trong thế giới này. Sau đó, nó có thể giúp ích cho bạn như một bản kế hoạch để bạn trở thành con người mà mình mong muốn.
Nếu muốn thay đổi tính chất của các mối quan hệ với mọi người xung quanh, bạn phải ý thức rõ tác động của những gì mình nói ra. Có lẽ, chúng ta không cố tình gây tổn thương người khác bằng nhận xét của mình. Thật ra, chúng ta cứ nghĩ mình đang cư xử lịch thiệp hay thậm chí là ân cần, nhưng biểu hiện trên gương mặt của người đối diện mới nói lên sự thật.
Không ai trong chúng ta đủ khéo léo để che giấu mức độ ảnh hưởng từ lời nói và hành động của người khác đối với mình. Cặp mắt trừng trừng, ánh nhìn lơ đi nơi khác, cái nhếch mép hay đôi môi trễ xuống… thường bộc lộ cảm xúc thật của chúng ta. Nhận thấy được những biểu hiện này ở người khác giúp chúng ta đưa ra các lựa chọn tốt hơn trong những lần giao tiếp về sau, với bất kì ai.
Hầu hết chúng ta đều không chủ tâm tỏ ra ác ý trong giao tiếp, trừ khi với kẻ thù thật sự. Những câu bình luận mỉa mai cũng thường xuất hiện một cách vô ý, xuất phát tử cảm xúc nhất thời hay sự thiếu suy nghĩ chứ không phải từ bản chất xấu xa, hèn hạ.
Phương pháp giải quyết vấn đề này là tập trung trí óc. Đơn giản thôi! Bạn hãy đưa ra quyết định và theo đuổi nó bằng cách rèn luyện. Bạn có thể tạo nên mọi sự khác biệt trong mối quan hệ nếu tuân theo quy tắc ứng xử cơ bản: Đừng nói với người khác những điều mà bạn không muốn nghe. Tôi muốn bạn nhớ lại câu chuyện về người phong viên vẫn mua báo từ một kẻ bán báo vô văn hoa. Người phóng viên ấy đã lựa chọn cách cư xử tử tế ngay cả với một kẻ chẳng ra gì. Ông ấy chọn hành động ôn hoà. Đôi lúc chúng ta có suy nghĩ sai lầm rằng đáp trả là cần thiết. Và nó thường được ngụy biện rằng đó là sự công bằng. Nhưng hành động “ăn miếng trả miếng” chỉ cho thấy bạn là người yếu đuối và thiếu suy nghĩ. Nói đơn giản hơn là bạn chẳng được lợi gì khi đối xử với người khác không tử tế.
Mỗi tình huống là trải qua đều là cơ hội để lựa chọn con đường tương tác đảng đắn giữa ta và người khác. Chúng ta không cần phải đáp trả bằng thái độ tương tự khi ai đó đối xử tệ với mình. Chọn cách ứng xử cùng với yêu thương không quá khó so với chọn cách đáp trả tàn nhẫn. Đó chỉ là một quyết định mà thôi – quyết định mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
( Trích Khi ta thay đổi, thế giới sẽ đổi thay, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016)
Chú thích: Ca-ren Ca-xây sinh năm 1947, là tác giả nổi tiếng chuyên về tâm lí và nghệ thuật sống.
Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)
Câu 1: Văn bản trên bàn về vấn đề gì? (0,5 điểm)
Câu 2: Tóm lược một số ý kiến tác giả lần lượt trình bày trong văn bản. (0,5 điểm)
Câu 3: Chỉ ra các bằng chứng mà tác giả sử dụng để nói về phương pháp giải quyết vấn đề không gây tổn thương bằng lời nói. (0,5 điểm)
Câu 4: Văn bản trên được viết với mục đích gì? (1.0 điểm)
Câu 5: Phân tích được vai trò của các yếu tố tự sự trong văn bản trên. (1.0 điểm)
Câu 6: Nhận xét về mức độ thuyết phục của các luận cứ được người viết đưa ra. (1.0 điểm)
Câu 7: Theo anh/chị Đừng gây tổn thương bằng lời nói có ý nghĩa gì với cuộc sống ngày nay? (1.0 điểm)
Câu 8: Anh/chị sẽ làm cách nào để không gây tổn thương cho người khác khi bản thân bị bạc đãi. (0,5 điểm)
- LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận với chủ đề: Niềm hi vọng.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
- ĐỌC – HIỂU
Câu 1 (0,5 điểm): Đừng gây tổn thương bằng lời nói
Hướng dẫn chấm:
– Học sinh trả lời đúng đáp án: 0,5 điểm.
– Học sinh trả lời chưa đúng/thừa: 0,0 điểm.
Câu 2 (0,5 điểm):
– Nhận ra việc mình đã làm tổn thương người khác: Cặp mắt trừng trừng, ánh nhìn lơ đi, cái nhếch mép hay đôi môi trễ xuống… bộc lộ cảm xúc thật.
– Phương pháp giải quyết vấn đề này là tập trung trí óc, bạn cần rèn luyện và đừng nói với người khác điều mà bạn không muốn nghe.
Hướng dẫn chấm:
– Học sinh trả lời tương đương đáp án trên: 0,5 điểm.
– Học sinh trả lời chưa đúng 1 ý: 0,25 điểm.
– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm
Câu 3 (0,5 điểm): Bằng chứng: Câu chuyện người phóng viên đã chọn cách cư xử tử tế với kẻ bán báo vô văn hóa, chứ không chọn cách “ăn miếng trả miếng”.
Hướng dẫn chấm:
– Học sinh trả lời đúng đáp án: 0,5 điểm.
– Học sinh trả lời chưa đúng: 0,0 điểm.
Câu 4 (1,0 điểm):
– Tác hại của việc gây ra tổn thương cho người khác
– Đưa ra những lời khuyên đừng gây tổn thương người khác bằng lời nói, hành động.
Hướng dẫn chấm:
– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm.
– Học sinh trả lời được 1 ý: 0,5 điểm.
– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm.
* Lưu ý: Học sinh có thể diễn đạt bằng nhiều cách, miễn hợp lý.
Câu 5 (1,0 điểm):
– Giúp cho văn bản có sức thuyết phục
– Tăng giá trị biểu cảm, làm tăng sự chân thực của lí lẽ.
Hướng dẫn chấm:
– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm.
– Học sinh trả lời được 1 ý: 0,5 điểm.
– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm.
* Lưu ý: Học sinh có thể diễn đạt bằng nhiều cách, miễn là đúng ý
Câu 6 (1,0 điểm):
– Lí lẽ logic, thuyết phục: Tác hại của việc làm tổn thương người khác bằng lời nói; Những phương pháp giải quyết vấn đề.
– Bằng chứng đa dạng, sinh động: bằng chứng lấy từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày
– Tác dụng: tạo nên độ thuyết phục cao cho bài viết.
Hướng dẫn chấm:
– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm.
– Học sinh trả lời được 1 ý: 0,5 điểm.
– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm.
* Lưu ý: Học sinh có thể diễn đạt bằng nhiều cách, miễn hợp lý.
Câu 7 (1,0 điểm):Việc con người cần thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau có ý nghĩa quan trọng:
– Tâm hồn con người dễ bị tổn thương khi phải nghe những lời nói, trải qua những hành động xúc phạm.
– Bằng cách này hay cách khác, lời nói, thái độ, cử chỉ của chúng ta đôi khi khiến cho người khác cảm thấy không được tôn trọng.
– Vì vậy, để có thể gắn kết cá nhân với tập thể, phát triển cộng đồng, xã hội. mỗi chúng ta cần học cách thấu hiểu và sẻ chia để không gây ra những hành động gây tổn thương.
Hướng dẫn chấm:
– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm.
– Học sinh trả lời được 2 ý: 0,75 điểm.
– Học sinh trả lời được 1 ý: 0,5 điểm.
– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm.
* Lưu ý: Học sinh có thể diễn đạt bằng nhiều cách, miễn hợp lý.
Câu 8 (0,5 điểm):
– Kiểm soát cảm xúc của mình và không gây tổn thương cho người khác.
+ Hãy giữ bình tĩnh và suy nghĩ trước khi nói hoặc hành động.
+ Tránh phản ứng quá mạnh và không kiểm soát được cảm xúc của mình.
– Tìm cách để giải tỏa cảm xúc của mình một cách tích cực,
+ Như tập thể dục, viết nhật ký hoặc nói chuyện với người tin cậy.
+ Tìm cách giải quyết vấn đề một cách hòa bình và lịch sự.
Hướng dẫn chấm:
– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 0,5 điểm.
– Học sinh trả lời được 1 ý: 0,25 điểm.
– Học sinh trả lời không thuyết phục hoặc không trả lời: 0,0 điểm.
- LÀM VĂN (4,0 điểm)
- Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.
Niềm hi vọng
- Thân bài:
* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống
Hy vọng là một sự trông chờ, ấp ủ niềm tin, kì vọng mãnh liệt vào một sự vật, sự việc, vào những điều mình mong muốn của bản thân sẽ xảy ra trong tương lai.
* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.
– Hi vọng là chìa khóa thành công của mỗi người: Cuộc sống của mỗi người luôn có muôn vàn những khó khăn, chông gai ở phía trước, nhưng dù khắc nghiệt đến đâu mỗi chúng ta vẫn không bao giờ ngừng hi vọng, sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai, đó sẽ là chìa khóa thành công của mỗi người.
– Hi vọng mang đến cho cuộc sống này nhiều ý nghĩa: Hi vọng, sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai, đó sẽ là chìa khóa thành công của mỗi người. Bởi trên đường đời, chưa ai không một lần vấp ngã. Điều quan trọng không phải ngã như thế nào, đau đớn ra làm sao mà là ta phải biết đối mặt với nó như thế nào. Nếu mất đi niềm tin, trở nên tuyệt vọng, không có ý chí vươn lên, ta sẽ mãi chìm trong vũng bùn tăm tối và chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến bờ vực của những thất bại.
– Nếu trong tâm có hi vọng, ta luôn có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, tìm được sự bình an, thanh thản trong bất hạnh khổ đau. Đồng thời, thái độ sống lạc quan, vui vẻ sẽ giúp ta nhận được sự yêu quý, gần gũi từ những người xung quanh và không bao giờ cảm thấy cô đơn, lạc lõng.
– Hi vọng tạo cho con người động lực để sống, để tồn tại. Nó cũng tạo cho con người niềm tin, sự lạc quan hướng đến thế giới của tương lai.
* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều
Sống không có hi vọng sẽ làm cho tâm hồn con người trở nên cằn cỗi, đánh mất đi ý nghĩa của cuộc sống.
Người không có hi vọng sẽ tự vây hãm mình trong cảm xúc bi quan, chán nản, vì vậy mà khó có thể thành công và hạnh phúc.
– Một số dễ dàng bi lụy trước khó khăn, từ bỏ hi vọng, niềm ước mơ và sống một cuộc đời mờ nhạt.
– Số khác thì lại cứ lao theo những ảo vọng xa vời, những mộng tưởng phù phiếm mà dần lãng quên giá trị đích thực của cuộc sống.
=> Tất cả cuối cùng họ đều trở thành cái bóng mờ nhạt trên chính cuộc đời của mình.
+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.
Hi vọng được nảy sinh từ những mong muốn mãnh liệt và niềm tin thầm kín và bất cứ ai cũng có quyền hi vọng vào những điều tốt đẹp. Chúng ta hãy nuôi dưỡng hi vọng, niềm tin để có sức mạnh vượt qua tất cả những chông gai của cuộc sống, vươn mình tới ánh sáng của thành công.
- Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.
– Hi vọng có vai trò quan trọng trong cuộc sống, là kim chỉ nam của mỗi người. Cuộc sống của chúng ta sẽ thật ý nghĩa nếu chúng ta có ước mơ, dám hi vọng và cố gắng để hiện thực hóa những ước mơ, lí tưởng ấy. Hãy sống có mạnh mẽ, có niềm tin và hãy hi vọng vào một tương lai tươi sáng phía trước, chúng ta sẽ vượt qua được mọi chông gai để bước về phía chân trời của thành công, hạnh phúc.
– Vậy nên, tất cả chúng ta hãy tìm cho mình những hi vọng đúng đắn và sống hết mình từng giây từng phút để thực hiện những giấc mơ của bản thân, để trở thành công dân có ích.
Bài viết tham khảo
Helen Keller từng nói: Sự lạc quan chính là niềm tin dẫn đến thành công. Cho dù cuộc sống có đánh ngã bạn, hãy đứng lên, ngẩng cao đầu và tiếp tục hành trình. Hãy luôn lạc quan và mang trong tim niềm hi vọng rằng ngày mai trời lại sáng. Hãy bước đi, đời ta sẽ thành công.
Còn nhớ nàng Păng-đo trong thần thoại Hy Lạp, giây phút sai lầm mở chiếc hộp tai họa, nàng đã sợ hãi mà đậy ngay nắp lại và giữ được cho con người một hạt giống duy nhất: Hạt giống hy vọng. Vì thế giờ đây, cho dù con người có lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bi đát thì niềm hy vọng vẫn còn đó. Nó là tia sáng, là ngọn lửa dẫn đường đưa ta tới khu vườn tươi đẹp của cuộc đời. Vậy hy vọng là gì? Đó một sự trông chờ, ấp ủ niềm tin, kì vọng mãnh liệt vào một sự vật, sự việc, vào những điều mình mong muốn của bản thân sẽ xảy ra trong tương lai. Nó giúp ta vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc đời.
Với mỗi người, hy vọng chính là chìa khóa của thành công. Cuộc sống của chúng ta luôn có muôn vàn những khó khăn, chông gai ở phía trước. Nhưng dù khắc nghiệt đến đâu mỗi chúng ta không bao giờ được ngừng hi vọng, ngừng lạc quan bởi đó sẽ là chìa khóa của thành công. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng viết: Trong thất vọng sẽ nảy mầm hi vọng. Nếu không hi vọng, ta sẽ gục ngã trước khó khăn. Hãy trở về với thời kỳ kháng chiến khốc liệt của dân tộc. Nếu không có niềm hi vọng, làm sao ta có thể chiến thắng? Nếu không hi vọng, làm sao ta có sức mạnh để vượt qua hết thảy những mất mát, hy sinh? Năm 1958, một người tù Côn Đảo, nhạc sĩ Nguyễn Văn Ký, khi ấy mới 30 tuổi, ông viết “Bài cai hy vọng” với ca từ ngọt ngào tha thiết “Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai/Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm…”. Năm 1971, khi cuộc kháng chiến đang trong thời kì khốc liệt, Nguyễn Khoa Điềm viết trong Trường ca Mặt đường khát vọng: Mai này con ta lớn lên/ Con sẽ mang Đất Nước đi xa/ Đến những tháng ngày mơ mộng. Đâu phải chỉ chiến tranh mới cần hy vọng. Cuộc sống của chúng ta ngày nay cũng vô vàn những khó khăn thử thách. Muốn thành công, ta luôn cần niềm hy vọng, niềm lạc quan không ngừng.
Hi vọng mang đến cho cuộc sống này nhiều ý nghĩa. Trên đường đời, chưa ai không một lần vấp ngã. Điều quan trọng không phải ngã như thế nào, đau đớn ra làm sao mà là ta phải biết đối mặt với nó như thế nào. Khi ta vượt qua được thử thách, khi ta sẵn sàng đối mặt với thất bại, cuộc đời ta trở nên phong phú sắc màu. Mỗi lần vượt qua được một trở ngại, cuộc sống sẽ lại tặng ta một món quà của niềm hạnh phúc. Ý nghĩa cuộc sống cũng từ đó mà không ngừng lớn lên. Niềm hy vọng sẽ giúp ta sống vui vẻ mỗi ngày, khát vọng vươn lên mỗi ngày. Nếu mất đi niềm tin, trở nên tuyệt vọng, không có ý chí vươn lên, ta sẽ mãi chìm trong vũng bùn tăm tối và chắc chắn sẽ đưa chúng ta đến bờ vực của những thất bại.
Nếu trong tâm có hi vọng, ta luôn có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, tìm được sự bình an, thanh thản trong bất hạnh khổ đau. Đồng thời, thái độ sống lạc quan, vui vẻ sẽ giúp ta nhận được sự yêu quý, gần gũi từ những người xung quanh và không bao giờ cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Tấm gương lớn nhất để ta học hỏi, đó chính là những người sinh ra đã không may mắn, không lành lặn: Nguyễn Sơn Lâm, Nguyễn Công Hùng, Nick Vujicic… Họ đã vượt qua quãng đời tăm tối nhất bằng niềm hy vọng để đi tới thành công. Chúng ta cũng vậy, khi gặp những khó khăn, bất hạnh, đừng đổ lỗi, đừng trút giận, hãy thanh thản đón nhận, cũng chia sẻ với những người bên ta, khi ấy mọi vấn đề sẽ dần được giải quyết.
Hi vọng tạo cho con người động lực để sống, để tồn tại. Nó cũng tạo cho con người niềm tin, sự lạc quan hướng đến thế giới của tương lai. Hãy luôn ghi nhớ rằng: Những điều tốt đẹp sẽ đến với những người biết chờ đợi…những điều tuyệt vời hơn sẽ đến với những người chịu bắt tay vào việc và làm bất cứ điều gì để làm chúng trở thành hiện thực (khuyết danh).
Sống không có hi vọng sẽ làm cho tâm hồn con người trở nên cằn cỗi, đánh mất đi ý nghĩa của cuộc sống. Người không có hi vọng sẽ tự vây hãm mình trong cảm xúc bi quan, chán nản, vì vậy mà khó có thể thành công và hạnh phúc. Quanh ta, một số người dễ dàng bi lụy trước khó khăn, từ bỏ hi vọng, niềm ước mơ và sống một cuộc đời mờ nhạt. Số khác lại cứ lao theo những ảo vọng xa vời, những mộng tưởng phù phiếm mà dần lãng quên giá trị đích thực của cuộc sống. Tất cả cuối cùng họ đều trở thành cái bóng mờ nhạt trên chính cuộc đời của mình.
Hi vọng được nảy sinh từ những mong muốn mãnh liệt và niềm tin thầm kín và bất cứ ai cũng có quyền hi vọng vào những điều tốt đẹp. Chúng ta hãy nuôi dưỡng hi vọng, niềm tin để có sức mạnh vượt qua tất cả những chông gai của cuộc sống, vươn mình tới ánh sáng của thành công.
Hi vọng có vai trò quan trọng trong cuộc sống, là kim chỉ nam của mỗi người. Cuộc sống của chúng ta sẽ thật ý nghĩa nếu chúng ta có ước mơ, dám hi vọng và cố gắng để hiện thực hóa những ước mơ, lí tưởng ấy. Hãy sống có mạnh mẽ, có niềm tin và hãy hi vọng vào một tương lai tươi sáng phía trước, chúng ta sẽ vượt qua được mọi chông gai để bước về phía chân trời của thành công, hạnh phúc. Vậy nên, tất cả chúng ta hãy tìm cho mình những hi vọng đúng đắn và sống hết mình từng giây từng phút để thực hiện những giấc mơ của bản thân, để trở thành công dân có ích.