VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI
(Con người và cuộc sống xung quanh)
BỘ KẾT NỐI
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
Con người có vẻ như không có cách gì để ngăn cản được suy nghĩ của mình. Nhưng sự thật là có. Những ý nghĩ tiêu cực được tạo ra và nuôi dưỡng từ trí óc của ta. Chính vì vậy, chỉ có ta mới thay đổi được chúng. Thứ duy nhất cản trở tiến trình thay đổi này là bản thân chúng ta mà thôi.
Để thay đổi cách suy nghĩ, chúng ta cần trải qua một quá trình gồm nhiều bước liên tục. Bước đầu tiên là sẵn sàng từ bỏ những kiểu suy nghĩ quen thuộc. Đây là bước từng khiến nhiều người trượt chân ngã sóng soài. Thật ra, khá nhiều người trong chúng ta không nhận ra suy nghĩ của mình là tiêu cực và mặc kệ nó. Nhưng một khi bạn bắt đầu nhận thấy lối suy nghĩ nào đó không phù hợp với mình nữa thì bước tiến quan trọng cần thiết là sẵn sàng thay đổi nó. Bước thứ hai là hình dung bạn đang sống trong một hoàn cảnh mới, thực hiện những vai trò mới, có thể là ở nơi làm việc, ở nhà hay ở giữa bàn bè. Hãy nhìn vào bản thân – đang vượt qua mọi thử thách từng gây trở ngại cho bạn trong quá khứ. Hãy chiêm nghiệm bản thân theo cách mà bạn muốn! Hãy tưởng tượng hình ảnh tương lai của bạn càng chi tiết càng tốt.
Tôi sẽ chia sẻ với các bạn một kinh nghiệm nhỏ khi tôi hình dung ra mình trong tình huống sắp phải đối mặt. Đó là khoảng tời gian tôi chuẩn bị cho buổi bảo vệ luận văn tiến sĩ ở đại học Minnesota. Tôi tình cờ đọc được một bài báo trên tờ …. Nội dung bài báo xoay quanh cuộc thử nghiệm được tiến hành với các vạn động viên trượt tuyết đang chuẩn bị cho kì thi Olympic. Họ chia các vận động viên thành hai nhóm. Một nhóm tập luyện trên đường đua dốc, mỗi ngày giống như những năm trước. Nhóm còn lại chỉ tưởng tượng họ đang tập luyện, tự cho rằng mình hoàn thành toàn bộ đường đua và vượt qua mọi địa hình phức tạp một cách xuất sắc. Vào thời điểm cuộc thi đấu thực sự bắt đầu, nhóm vận động viên chỉ đơn thuần tưởng tượng, họ thi đấu thành công đã ghi điểm tốt hơn hẳn nhóm còn lại. Cuộc nghiên cứu kết luận rằng, khi chúng ta hình dung ra mình hoàn thành xuất sắc một thứ nào đó, chúng ta có thể dựa vào hình ảnh đó, và dùng nó như người dẫn đường để đạt được thành công thực sự…
(Khi ta thay đổi thế giới sẽ thay đổi – Karen Casey)
Trả lời các câu hỏi:
Câu 1: Xác định luận đề được nêu trong văn bản?
Câu 2: Văn bản trên có bao nhiêu luận điểm, đó là những luận điểm nào?
Câu 3: Câu chứa luận điểm trong văn bản trên là câu nào?
Câu 4: Chỉ ra các yếu tố bổ trợ có sử dụng trong đoạn trích trên?
Câu 5: Tác dụng của việc trích dẫn câu chuyện cá nhân của tác giả?
Câu 6: Tác giả thể hiện thái độ, tình cảm của mình đối với những đối tượng nào? Đó là tình cảm, thái độ gì?
Câu 7: Nhận xét về mối quan hệ giữa lí lẽ và bằng chứng với luận điểm?
Câu 8: Anh/ chị học được gì trong cách lập luận từ đoạn văn bản trên?
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn bàn về nỗ lực thay đổi bản thân của mỗi người.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Câu 1. Luận đề của văn bản: đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực.(0,5 điểm)
Câu 2. Văn bản trên có 3 luận điểm: (0,5 điểm)
– Luận điểm 1: Chính chúng ta mới đẩy lùi được suy nghĩ tiêu cực.
– Luận điểm 2: Các bước để thay đổi cách suy nghĩ.
– Luận điểm 3: Tác giả học cách thay đổi suy nghĩ.
Câu 3: Câu chứa luận điểm trong văn bản trên là: (0,5 điểm)
– Luận điểm 1: Chính vì vậy, chỉ có ta mới thay đổi được chúng.
– Luận điểm 2: Để thay đổi cách suy nghĩ, chúng ta cần trải qua một quá trình gồm nhiều bước liên tục.
– Luận điểm 3: Tôi sẽ chia sẻ với các bạn một kinh nghiệm nhỏ khi tôi hình dung ra mình trong tình huống sắp phải đối mặt.
Câu 4: Các yếu tố bổ trợ có sử dụng trong đoạn trích trên: (1,0 điểm)
– Thuyết minh: được sử dụng ở luận điểm 2 để cung cấp những thông tin cơ bản về các bước thay đổi cách suy nghĩ tiêu cực.
– Tự sự: được sử dụng ở luận điểm 3 để làm dẫn chứng sáng tỏ luận điểm.
Câu 5: Tác dụng của việc trích dẫn câu chuyện cá nhân của tác giả: (1,0 điểm)
– Làm cho luận điểm được rõ ràng và có sức thuyết phục.
– Làm cho bài văn nghị luận thêm sinh động và phong phú nhờ yếu tố tự sự hỗ trợ.
Câu 6: Tác giả thể hiện thái độ, tình cảm của mình đối với những đối tượng: (1,0 điểm)
– Đối với vấn đề bàn luận: tác giả cho rằng việc đẩy lùi uy nghĩ tiêu cực hết sứ cần thiết, quan trọng.
– Đối với đọc giả: tác giả trao đổi vấn đề một cách bình đẳng, phân tích và kêt câu chuyện của mình để từ đó gợi những suy nghĩ, cách giải quyết khách quan từ phía người đọc.
Câu 7: Nhận xét về mối quan hệ giữa lí lẽ và bằng chứng với luận điểm: (1,0 điểm)
– Lí lẽ phù hợp luận điểm
– Bằng chứng chân thực, cụ thể, có tính thuyết phục cao, nhằm làm rõ luận điểm.
Câu 8: Bài học trong cách lập luận từ đoạn văn bản trên: (0,5 điểm)
– Luận điểm rõ ràng, lí lẽ và dẫn chứng phù hợp, có sức thuyết phục.
– Có thể sử dụng yếu tố hỗ trợ để luận điểm được sáng rõ.
LÀM VĂN (4,0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề. (0,25 điểm)
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: (0,25 điểm)
Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; thể hiện được thái độ hiểu biết, tinh thần cảm thông, chia sẻ, tin tưởng; sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực, tế nhị, giàu sức thuyết phục… : (3,0 điểm)
Sau đây là một hướng gợi ý:
Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.
– Nỗ lực thay đổi bản thân của mỗi người.
Thân bài:
* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống
– Nỗ lực thay đổi bản thân là thái độ sống tích cực để đem lại những giá trị ý nghĩa của cuộc sống.
– Thay đổi bản thân là quá trình rèn luyện, cải thiện chính mình một cách chậm rãi nhưng vô cùng bền bỉ.
– Thay đổi bản thân bắt đầu từ việc có ý thức và hành động xây dựng, điều chỉnh thói quen nhỏ nhặt hàng ngày, thay đổi về thể chất, diện mào của bản thân để trở nên khỏe mạnh tốt hơn; không ngừng nỗ lực học tập, tích lũy, tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau; biết nhìn nhận vào những lỗi sai của mình, từ đó rút ra bài học và khắc phục, có ý thức vươn lên trong cuộc sống; sống có đam mê và cố gắng theo đuổi đam mê đó.
* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.
– Nỗ lực thay đổi bản thân sẽ đem lại cho mỗi người những điều ý nghĩa:
+ Giúp ta sống tích cực, tiến bộ hơn, có mục tiêu, có động lực để tiến tới những điều tốt đẹp, có ý nghĩa.
+ Giúp mỗi người hạn chế được những khuyết điểm của chính mình, khiến bản thân ngày càng hoàn thiện.
+ Giúp cuộc sống của mỗi con người trở nên thú vị, được mọi người kính trọng, nể phục, xã hội sẽ văn minh
– Nỗ lực thay đổi bản thân không phải điều dễ dàng và tất cả mọi người đều làm được. Nó bắt nguồn từ nhận thức của mỗi người và nhu cầu thay đổi bản thân.
– Để thay đổi bản thân, chúng ta cần:
+ Luôn tin vào chính bản thân mình, tin vào tương lai mà bạn hướng tới thì nội lực trong con người bạn mới bùng cháy, mới giúp vượt qua mọi thử thách, chông gai để tiến lên.
+ Kiên trì cố gắng mỗi ngày, từ những thói quen nhỏ nhặt nhất.
+ Nghiêm túc với chính mình, học hỏi những người xung quanh.
+ Kiên định với mục tiêu của chính mình, không nản chí dù gặp nhiều khó khăn.
+ Luôn tạo cho mình tâm thế tích cực, tươi vui, lạc quan.
* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều
– Thay đổi bản thân không có nghĩa sống theo người khác, bắt chước, lai căng mà đánh mất chính mình. Nỗ lực thay đổi bản thân phải là quá trình suy ngẫm, quan sát, điều chỉnh hành vi, lời nói, suy nghĩ phù hợp với chuẩn mực các giá trị và phát huy được ưu điểm của chính mình, làm cho mình tiến bộ hơn.
– Lúc nào cũng có ý định thay đổi bản thân mà không tự tin về những giá trị của chính mình. Điều này bắt nguồn tự việc thiếu tự tin, chưa phân biệt được giá trị cốt lõi để lựa chọn nên thay đổi cái gì, thay đổi như thế nào.
– Nỗ lực thay đổi bản thân mà không chú ý đến những chuẩn mực, chỉ làm theo bản năng, sở thích, suy nghĩ chủ quan, điều này sẽ dẫn đến tình trạng lệch lạc, không tích cưc, tiến bộ.
+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.
– Nỗ lực thay đổi bản thân là điều ai cũng cần phải làm, để tạo cho mình một cuộc sống có giá trị.
– Điều này giúp mỗi người luôn có ý thức vươn lên, chấm dứt tình trạng sống không mục đích, bằng lòng với thực tại, không phấn đấu để tiến bộ.
– Mỗi cá nhân luôn nỗ lực thay đổi bản thân thì sẽ tạo sự lan tỏa những thái độ sống tích cực đến cho nhiều người, cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp.
Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.
– Mỗi người hay thay đổi suy nghĩ và cách sống của mình, luôn nỗ lực thay đổi bản thân.
– Bàn luận về nỗ lực thay đổi bản thân tạo cho ta ý thức và sẵn sàng hành động để thay đổi chính mình và cả những người xung quanh.
Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. (0,25 điểm)
Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ; văn viết có cảm xúc. (0,25 điểm)
Bài viết tham khảo
Thành công của mỗi con người đều cần phải cố gắng nỗ lực để đạt được điều mong muốn. Lỗ Tấn, nhà văn lớn của Trung Quốc từng nói rằng: “Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Để có được thành công hay muốn đạt được điều gì trong cuộc sống, ta không chỉ cố gắng học hỏi mà mỗi chúng ta cần phải luôn nỗ lực thay đổi bản thân từng ngày.
Nhịp sống của con người ngày một nhanh, thế giới đang từng bước đổi thay và nó kéo theo sự thay đổi của con người. Thay đổi bản thân là quá trình rèn luyện, cải thiện chính mình một cách chậm rãi nhưng vô cùng bền bỉ. Con người chúng ta, muốn thay đổi bản thân phải bắt đầu từ việc có ý thức và hành động xây dựng, điều chỉnh thói quen nhỏ nhặt hàng ngày, thay đổi về thể chất diện mạo của bản thân để trở nên khỏe mạnh tốt hơn, biết nhìn nhận vào những lỗi sai của mình, từ đó rút ra bài học và khắc phục, có ý thức vươn lên trong cuộc sống; sống có đam mê và cố gắng theo đuổi đam mê đó.
Sự nỗ lực thay đổi bản thân sẽ đem lại cho mỗi người có nhiều ý nghĩa to lớn. Nó giúp ta sống tích cực tiến bộ hơn. Ta phải có mục tiêu sống để ta phấn đấu từng ngày, lấy nó làm động lực để tiến tới những điều tốt đẹp và ý nghĩa. Con người nếu không sống với mục đích thì chỉ như những hạt cát trôi vô định giữa khoảng không và không bao giờ thấy được ánh sáng. Sự thay đổi sẽ giúp mỗi người hạn chế được những khiếm khuyết mà chúng ta còn mắc phải để rồi từ đó ta nhận ra lỗi lầm tự sửa chữa và hoàn thiện mình hơn. Thay đổi bản thân chính là từng bước dần cải thiện về chính mình. Biết hoàn thiện bản thân không chỉ giúp cuộc sống ta thêm phần thú vị mà ta còn được mọi người kính trọng, nể phục. Cuộc sống có những con người luôn biết hướng về những điều tốt đẹp, luôn nỗ lực cải thiện chính mình thì xã hội sẽ văn minh và giàu đẹp.
Nỗ lực để thay đổi bản thân có ý nghĩa quan trọng nhưng nó không phải là điều dễ dàng mà tất cả mọi người đều làm được. Nó bắt nguồn từ nhận thức và quan điểm riêng của mỗi người có muốn thay đổi bản thân hay không. Khi con người ta muốn hướng đến vẻ đẹp toàn diện thì ta sẽ tự tìm đến nó với mọi cách , có những phương pháp giúp thay đổi bản thân. Để làm được điều đó thì chúng ta cần phải tin tưởng vào chính mình, tin vào mục tiêu và tương lai từ đó nỗ lực trong con người mới bùng cháy rực lửa, giúp ta vượt qua mọi khó khăn gian lao. Ta thấy rõ sự nỗ lực ở chính trên đôi chân của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Từ nhỏ thầy đã bị liệt hai tay nhưng vẫn luôn ham học, muốn đến trường học tập. Tuy không có đôi tay nhưng đôi chân của thầy vẫn từng ngày nỗ lực tập gắp phấn để viết. Nhờ sự nỗ lực với mục tiêu của mình, thầy Nguyễn Ngọc ký đã trở thành một thầy giáo xuất sắc với nhiều người biết đến là tấm gương nghị lực. Thay đổi bản thân không ở đâu xa mà nó xuất phát từ những thói quen quanh ta. Những gọn gàng, ngăn nắp, chăm chỉ, lễ phép… đều là những thói quen tốt giúp ta hoàn thiện được bản thân. Khi một con người biết lễ phép, hiểu chuyện thì sẽ được mọi người yêu quý. Có một nhà văn từng nói rằng: “Chỉ khi chấp nhận sự thay đổi điều trước mắt chúng ta ta mới có cuộc sống mới mẻ”. Bởi vậy, khi chúng ta gặp khó khăn thì chúng ta cũng không nản chí với nó mà chúng ta càng phải đối mặt trực diện, luôn kiên định với mục tiêu bản thân để vượt qua nó. Ta luôn có một tinh thần lạc quan yêu đời thì con người ta mới dễ thay đổi được chính mình.
Chúng ta thay đổi bản thân mỗi ngày là tốt nhưng không có nghĩa là sống theo người khác, bắt chước, lai căng mà đánh mất chính mình , bởi chúng ta “sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao” (John Mason). Nỗ lực thay đổi bản thân là quá trình suy ngẫm, quan sát, điều chỉnh hành vi, lời nói, suy nghĩ phù hợp với chuẩn mực các giá trị và phát huy ưu điểm của chính mình, từ đó giúp mình tiến bộ hơn. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng với sự nổ lực phát triển, sáng tạo ông đã trở thành người giàu nhất Việt Nam. Chủ tịch tập đoàn Vingroup khởi nghiệp từ mì ăn liền tại Ukraina, sau đó ông trở về Việt Nam làm bất động sản rồi đầu tư vào sản xuất ô tô với tham vọng đưa chính nỗ lực của mình ra quốc tế. Nhờ có mục tiêu ý tưởng và sự nỗ lực thì ông đã trở thành một tỷ phú như bây giờ.
Mỗi người luôn có ý định thay đổi bản thân nhưng lại không tin tưởng về giá trị của chính mình. Điều này bắt nguồn từ việc thiếu tự tin, chưa phân biệt được giá trị cốt lõi để lựa chọn thay đổi cái gì, thay đổi như thế nào. Chúng ta phải biết rõ được điểm mạnh và điểm yếu của chúng ta thì từ đó mới phát phát huy điểm mạnh và thay đổi điểm yếu để hoàn thiện được chính bản thân. Đôi khi, có những người nỗ lực thay đổi bản thân mà không để ý đến chuẩn mực của xã hội, chỉ làm theo bản năng, sở thích, suy nghĩ chủ quan. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến bản thân dẫn đến tình trạng lệch lạc về nhân cách, không tích cực và tiến bộ.
Cuộc sống của một con người đang ngày càng phát triển và nỗ lực để thay đổi bản thân là điều ai cũng phải làm để tạo cho mình một cuộc sống có giá trị. Jame Allen có ý kiến cho rằng: “Nơi bạn đang đứng hôm nay hay ngày mai đều do chính suy nghĩ của bản thân dẫn đường”. Còn trong truyền thuyết, nếu cá chép muốn hóa rồng, nó phải rút đi toàn bộ vẩy cá trên người mình, chặt đứt vây cá, mới có thể hóa thành rồng. Trong truyền thuyết, con chim phải tự đốt cháy mình, trải qua cơn đau thiêu đốt của ngọn lửa, mới có thể hóa thành phượng hoàng. Cuộc đời sẽ không bày sẵn cho chúng ta những thành quả mà chúng ta phải chinh phục những thành quả ấy. Vì vậy, mỗi người phải có ý thức vươn lên, chấm dứt tình trạng sống không có mục đích, không phấn đấu để tiến bộ. Khi một cá nhân luôn nỗ lực thay đổi bản thân thì tạo ra sự lan tỏa những thái độ sống tích cực đến cho mọi người, cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp.
Thời gian trôi mãi, cuộc sống, cảnh vật luôn đổi thay và con người muốn hoàn thiện cũng cần phải thay đổi chính mình. Mỗi người có một cuộc sống, một cách lựa chọn riêng, thay đổi suy nghĩ và cách sống phù hợp với bản thân nó mới là đích đến của cuộc sống.