VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI
(Con người và cuộc sống xung quanh)
BỘ KẾT NỐI
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
“Nhiều người nghĩ rằng thật khó để sống kỷ luật. Sống kỷ luật vô cùng khổ sở. Đó chẳng qua là vì họ chưa từng được nếm “trái ngọt” của việc sống kỷ luật mà thôi. Sống một cách tùy tiện, tùy hứng, không có kế hoạch có vẻ rất thoải mái, nhưng thật ra lại không hề thoải mái chút nào. Bởi lẽ tận sâu trong suy nghĩ của mỗi người đều mong muốn bản thân được tiến bộ và trở nên tốt hơn. Khi mỗi ngày trôi qua, bạn chỉ vùi mình trong phim ảnh hay mạng xã hội, trông thì có vẻ vui thú đó, nhưng lúc dừng lại sẽ cảm thấy bản thân mình chẳng khác gì một kẻ dư thừa. Ngược lại, khi không ngừng cố gắng, có thể bạn sẽ cảm thấy đôi chút mệt mỏi về thể xác nhưng lại vô cùng mãn nguyện về tinh thần. Khi đó bạn sẽ thấy: Bản thân mình đã cố gắng thật nhiều, ý chí mình thật kiên cường. Và bạn sẽ cảm thấy yêu quý bản thân nhiều hơn. Đó chính là lý do vì sao những người ngày nào cũng vùi đầu vào phim ảnh hay mạng xã hội đều trông rất uể oải. Bởi vì họ vừa xem, vừa chơi, vừa phủ nhận bản thân. Vậy thì những người xung quanh cũng sẽ phủ định họ. Trong một môi trường mà ai cũng phủ định mình như vậy, liệu tinh thần của họ có sảng khoái được hay không? Còn với những người ngày ngày cố gắng, không ngại khó khăn, không ngại vất vả thì sẽ luôn giữ được cho mình tinh thần vui tươi, thoải mái. Bởi vì trong lòng họ vốn đã tràn ngập tia sáng tích cực rồi, lại thêm sự đón nhận và khẳng định của những người xung quanh. Giữa những điều tốt đẹp như vậy, thử hỏi sao họ có thể không thoải mái, không tự do? Nhiều người không hiểu được vì sao một số người lại có thể sống kỷ luật như vậy. Rốt cuộc làm thế nào để họ có thể duy trì được nếp sống như thế? Họ có bí quyết gì không? Thật ra tất cả những người có thể sống tự giác và kỷ luật đều chỉ có một lý do: Họ đã được nếm thử “trái ngọt” mà sự kỷ luật đó mang lại!”
(Trích “Không sợ chậm – Chỉ sợ dừng” – Vãn Tình)
Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)
Câu 1. Xác định đề tài của văn bản trên.
Câu 2. Xác định các thao tác lập luận được sử dụng trong văn bản.
Câu 3. Tác giả triển khai vấn đề nghị luận bằng những luận điểm nào?
Câu 4. Anh/chị hãy đặt nhan đề cho bài viết trên và lí giải sự lựa chọn nhan đề đó.
Câu 5. Thao tác lập luận so sánh có tác dụng gì trong việc làm nổi bật chủ đề bài viết.
Câu 6. Từ bài viết, hãy nêu thông điệp có ý nghĩa nhất với anh/chị. Lí giải.
Câu 7. “Bởi lẽ tận sâu trong suy nghĩ của mỗi người đều mong muốn bản thân được tiến bộ và trở nên tốt hơn.” Quan điểm trên gợi cho em những suy nghĩ gì?
Câu 8. Theo anh, chị trong thời đại 4.0 lối sống kỉ luật có còn cần thiết?
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh/chị hãy viết bài văn bàn về lối sống kỷ luật.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
ĐỌC – HIỂU
Phần | Câu/Ý | Nội dung | Điểm |
I | Đọc hiểu | 6.0 | |
1 | Đề tài: Lối sống | 0.5 | |
2 | Thao tác lập luận:
Bác bỏ, so sánh, phân tích |
0.5
|
|
3 | Tác giả triển khai vấn đề nghị luận bằng những luận điểm nào?
-Tác hại của lối sống vô kỉ luật -Tác dụng của lối sống kỉ luật.
|
0.5
|
|
4 | Anh/chị hãy đặt nhan đề cho bài viết trên và lí giải sự lựa chọn nhan đề đó.
Có thể đặt nhan đề: – Kỉ luật và vô kỉ luật. – Sống kỉ luật! Bạn có ngại thử? – Trái ngọt của lối sống kỉ luật. Lí giải: (hợp lí) |
0.5 | |
5 | Thao tác lập luận so sánh có tác dụng gì trong việc làm nổi bật chủ đề bài viết.
Tác dụng của lập luận so sánh là nhằm nhận thức nhanh chóng tác dụng của lối sống kỷ luật và tác hại của lối sống vô kỷ luật. Từ đó có thể rút ra cho bản thân bài học bổ ích. |
1.0 | |
6 | Nêu thông điệp có ý nghĩa nhất với anh/chị. Lí giải. -Thông điệp: +Nên sống kỉ luật +Không nên sống vô kỉ luật +Cần nhận thức được tác hại của lối sống vô kỉ luật … (Lí giải hợp lí) |
1.0 | |
7 | Câu 7. “Bởi lẽ tận sâu trong suy nghĩ của mỗi người đều mong muốn bản thân được tiến bộ và trở nên tốt hơn.” Quan điểm trên gợi cho em những suy nghĩ gì?
– Câu nói trên thể hiện cách nhìn rất nhân văn của tác giả bài viết về con người, tác giả có suy nghĩ tích cực về bản chất tốt đẹp của con người. – Quan điểm trên có tính khích lệ người đọc, khuyến khích người đọc hướng đến những điều tốt đẹp, khám phá những điều tích cực tiến bộ trong chính con người mình. Câu nói thể hiện sự khéo léo của tác giả bài viết. – Giúp em có niềm tin vào mọi người vào chính mình. |
1.0 | |
8 | Câu 8. Theo anh, chị trong thời đại 4.0 lối sống kỉ luật có còn cần thiết?
– Thời đại 4.0 là thời đại kĩ thuật số, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ. Khoa học công nghệ tham gia ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống và công việc của con người. Thời đại của kết nối, tự động hóa, máy học, dữ liệu. Không gian học tập và làm việc của con người mở hơn. – Thời đại phát triển như vậy càng cần con người phải sống kỉ luật vì: + Nếu không sống kỉ luật con người sẽ bị chính công nghệ giám sát và thay thế + Sống kỉ luật để trở nên chuyên nghiệp tham gia vào việc vận hành hệ thống công nghệ hiện đại. |
0,5
|
LÀM VĂN
(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.
– Dẫn dắt vấn đề
– Khẳng định mức độ cần thiết phải có tính kỷ luật trong cuộc đời
Thân bài:
* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống
Lối sống kỉ luật là khi ta có kế hoạch, có lộ trình, có mục tiêu rõ ràng; luôn nỗ lực đưa bản thân vào những khuôn khổ nhất định. Lối sống này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cá nhân.
* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.
Vai trò:
– Người có lối sống kỉ luật luôn chỉn chu và cố gắng, có khả năng tập trung cao, nắm bắt được những điều trọng tâm, quan trọng, sẽ định hướng sự phát triển của bản thân để vươn tới thành công. Và luôn nỗ lực hết mình vì những đam mê mà mình lựa chọn.
-Lối sống kỉ luật còn giúp ta hạn chế những “chùng chình, vòng vèo” trên đường đời, để ta luôn kiên định với hành trình mình đặt ra.
-Lối sống kỉ luật sẽ giúp ta tiết kiệm thời gian, tận dụng và nắm bắt được những cơ hội phát triển trong cuộc sống.
-Lối sống kỉ luật sẽ tạo cho bản thân có kĩ năng tốt biết tôn trọng tập thể, sống có trách nhiệm, đó là những phẩm chất cần thiết của con người trong mọi thời đại. Nó sẽ tạo ra sự chuyên nghiệp vô cùng cần thiết với 1 người lao động hiện đại ngày nay.
Dẫn chứng thực tế:
Einstein được biết đến là một đứa trẻ không có khả năng học tập. Thế nhưng vượt qua mọi khó khăn, với tính kỷ luật và sự quyết tâm, ông đã có rất nhiều sáng chế, đặc biệt là Thuyết tương đối. Và từ đó được coi là nhà bác học vĩ đại nhất mọi thời đại.
Làm thế nào để sống có kỷ luật:
– Xác định mục tiêu của mình. Khi đã có được cho mình mục tiêu rõ ràng cho bản thân, luôn cố gắng nỗ lực hoàn thành kế hoạch.
– Trong học tập, luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ của người học sinh. Luôn có ý thức tự giác chấp hành tốt nội quy, trau dồi kiến thức, rèn luyện đạo đức, tác phong.
– Trong cuộc sống, biết tuân thủ các quy định của cộng đồng và nghiêm khắc pháp luật, xây dựng cuộc sống có nề nếp, kỉ cương…
– Có ý chí kiên định
* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều
-Tuy nhiên, nhiều người quá gò bò với lối sống kỉ luật để rồi biến bản thân trở nên cứng nhắc như một cỗ máy được lập trình sẵn.
-Có người lại vô tổ chức vô kỉ luật để bản thân đánh mất nhiều thứ quý giá: cơ hội phát triển, thời gian, các mối quan hệ…
– Có những người thực hiện một cách hời hợt, qua loa, chiếu lệ
+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.
Mỗi chúng ta nên cân bằng giữ cảm hứng và kỉ luật để có một cuộc sống trọn vẹn nhất. Quyết tâm duy trì tính kỷ luật của bản thân, của tập thể. Đó cũng chính là điều tôi luôn tâm niệm trong hành trình phía trước.
Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.
Kỷ luật là một đức tính cần có của mỗi người.
Bài viết tham khảo:
Mở bài:
Cuộc đời mỗi con người là một cuốn sách đẹp, nếu ai không biết cách đọc cuốn sách quý ấy thì vĩnh viễn không thể đọc nó lần thứ hai bởi nó chỉ mở ra một lần trong khoảng thời gian ngắn ngủi của đời người. Những trang sách cuộc đời được viết từ những thứ vô cùng quý giá trong đó tiêu biểu là cần con người có tính kỷ luật để có thể vươn tới thành công và hạnh phúc.
Thân bài:
* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống
Lối sống kỉ luật là khi ta có kế hoạch, có lộ trình, có mục tiêu rõ ràng; luôn nỗ lực đưa bản thân vào những khuôn khổ nhất định, là khả năng sắp xếp, tổ chức cuộc sống 1 cách khoa học. Lối sống này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cá nhân. Kỉ luật đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình trưởng thành của mỗi con người và cho cả sự phát triển của cộng đồng, xã hội
* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.
Vai trò của lối sống kỷ luật:
Lối sống kỉ luật sẽ giúp bản thân rèn luyện được nhiều phẩm chất năng lực quan trọng cần thiết cho sự phát triển của cá nhân: sự đúng giờ, tôn trọng tổ chức kỉ luật của nơi học tập, làm việc, rèn được sự nỗ lực cố gắng, tinh thần vượt khó, bản lĩnh cá nhân. “Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu”. Người có lối sống kỉ luật luôn chỉn chu và cố gắng, có khả năng tập trung cao, nắm bắt được những điều trọng tâm, quan trọng, sẽ định hướng sự phát triển của bản thân để vươn tới thành công. Và luôn nỗ lực hết mình vì những đam mê mà mình lựa chọn. Lối sống kỉ luật còn giúp ta hạn chế những “chùng chình, vòng vèo” trên đường đời, để ta luôn kiên định với hành trình mình đặt ra. Lối sống kỉ luật sẽ giúp ta tiết kiệm thời gian, tận dụng và nắm bắt được những cơ hội phát triển trong cuộc sống. Một người kỉ luật bao giờ cũng được tin tưởng, tín nhiệm và sự yêu mến của mọi người xung quanh, uy tín bản thân cũng được nâng cao. Lối sống kỉ luật sẽ tạo cho bản thân có kĩ năng tốt biết tôn trọng tập thể, sống có trách nhiệm, đó là những phẩm chất cần thiết của con người trong mọi thời đại. Nó sẽ tạo ra sự chuyên nghiệp vô cùng cần thiết với 1 người lao động hiện đại ngày nay, là yếu tố then chốt dựng xây một xã hội văn minh, hiện đại; là nền móng để phát triển đất nước.
Dẫn chứng thực tế:
Thuở nhỏ, Einstein được biết đến là một đứa trẻ không có khả năng học tập (luôn xếp hạng cuối ở lớp), viết rất kém (Cậu từng nói: “Viết đối với tôi là cái gì khó khăn lắm”); có thể bị hội chứng Aspergers Syndrome, một dạng của bệnh tự kỷ; diễn đạt các ý tưởng rất kém (lên 3 chưa biết nói, 7 tuổi mới biết đọc, là một giáo sư giảng dạy tồi). Thế nhưng vượt qua mọi khó khăn, với tính kỷ luật và sự quyết tâm, ông đã có rất nhiều sáng chế, đặc biệt là Thuyết tương đối. Và từ đó được coi là nhà bác học vĩ đại nhất mọi thời đại.Thậm chí những lý thuyết quy luật vật lý mà ông nghĩ ra tại thời điểm đó.Là đi trước thời đại đến hàng thế kỷ phát triển của con người.
Làm thế nào để sống có kỷ luật:
Xác định mục tiêu của mình. Khi đã có được cho mình mục tiêu rõ ràng cho bản thân, luôn cố gắng nỗ lực hoàn thành kế hoạch. Trong học tập, luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ của người học sinh. Luôn có ý thức tự giác chấp hành tốt nội quy, trau dồi kiến thức, rèn luyện đạo đức, tác phong. Trong cuộc sống, biết tuân thủ các quy định của cộng đồng và nghiêm khắc pháp luật, xây dựng cuộc sống có nề nếp, kỉ cương…Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ mà bạn nên làm như là dọn giường trước khi rời nhà, giữ nhà cửa sạch sẽ, đổ rác và dọn dẹp những gì bạn đã bày ra. Khi bạn kỷ luật chính mình để làm những điều nhỏ nhặt, bạn sẽ trở nên kỷ luật hơn khi làm những việc to lớn và quan trọng hơn. Và điều tiên quyết bạn có thể tạo thói quen có tính kỷ luật đó là bạn phải có một ý chí vững vàng, kiên định để trở nên kỷ luật. Đại dương mênh mông sẽ không thể đánh chìm một con tàu nếu nước không tràn vào bên trong nó. Cũng tương tự như thế, những khó khăn sẽ không thể quật ngã bạn nếu bạn không cho phép chúng làm thế.
* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều
Tuy nhiên, nhiều người quá gò bò với lối sống kỉ luật để rồi biến bản thân trở nên cứng nhắc như một cỗ máy được lập trình sẵn. Nhưng không có kỷ luật sẽ không có thành công. Những kẻ không khép mình vào kỷ luật sẽ sống tùy hứng thậm chí tùy tiện, cao hơn nữa dễ bị sa ngã cám dỗ bởi thói xấu. Những người sống vô tổ chức vô kỉ luật để bản thân đánh mất nhiều thứ quý giá: cơ hội phát triển, thời gian, các mối quan hệ… Lại có những người thực hiện hời hợt, thực hiện cho có,… những người này sẽ bị chỉ trích và nhận hình phạt về hành vi của mình.
+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.
Mỗi chúng ta nên cân bằng giữa cảm hứng và kỉ luật để có một cuộc sống trọn vẹn nhất. Tôn trọng kỷ luật không chỉ bảo vệ lợi ích của cộng đồng mà còn bảo vệ lợi ích của chính mình. Chính vì vậy mỗi người phải biết tôn trọng kỷ luật. Đó cũng chính là điều tôi luôn tâm niệm trong hành trình phía trước.
Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.
Là một học sinh THPT tôi cảm thấy bản thân mình cần phải sống có kỷ luật, cố gắng chăm chỉ học tập hơn tự giác học và làm bài sớm nhất có thể không ỉ lại, không chép bài của bạn, luôn luôn nỗ lực học bài chứ không phải đến kỳ thi mới học. Kiên trì làm nên sức mạnh nhưng chính sự kỷ luật mới phát huy sức mạnh ấy. Không có kỷ luật sẽ không có sức mạnh nào được gìn giữ và không có thành công nào được tạo nên. “Thà để những giọt mồ hôi rơi trên trang sách/ Còn hơn là giọt nước mắt rơi trên bài thi”