Đề đọc hiểu NLXH viết bài văn về lời tự bào chữa

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

(Con người và cuộc sống xung quanh)

BỘ KẾT NỐI

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(Văn bản nghị luận)

{…}Bạn sẽ khám phá ra rằng những người không thành công luôn mắc phải một căn bệnh tinh thần – tạm gọi căn bệnh” tự bào chữa”. Hầu như ai cũng mang trong mình ít nhiều biểu hiện của căn bệnh này. Khi căn bệnh đã trở nên trầm trọng, chắc chắn người đó sẽ không tránh khỏi thất bại.

Căn bệnh tự bào chữa là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt lớn giữa một người có khả năng và một người bất lực trong kiểm soát hành động và suy nghĩ của chính mình. Một người cành thành công bao nhiêu, lại càng ít tự biện hộ bấy nhiêu. Còn những người chưa gặt hái được thành quả gì trong hành trang cuộc sống, hoặc không hề có kế hoạch gì cho tương lai thì thường viện dẫn đến rất nhiều lý do để bào chữa cho hiện trạng của mình.

Khi quan sát, tìm hiểu những người dẫn đều trong bất cứ lĩnh vực nào, dù là kinh doanh, giáo dục hay trong quân đội, bạn sẽ thấy: nếu muốn an phận, họ vẫn có thể đưa ra những lời biện bạch nhưng người bình thường vẫn làm, những họ chẳng bao giờ làm như vậy cả.

Quả thực, nếu muốn, Roosevelt có thể viện cớ vào đôi chân tật nguyền của ông, Truman có thể biện bạch ông chưa hề được học đại học; cũng như Kennedy vẫn có thể kêu ca: “Tôi quá trẻ, làm sao làm tổng thống được!”; hay Johnson và Eisenhower có thể vịn vào những cơn đau tim khủng khiếp thường xuyên để từ chối nhận lãnh trọng trách quốc gia.

Cũng giống như bất cứ căn bệnh nào khác, chứng “tự bào chữa” sẽ trở nên trầm trọng nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách. Thông thường, diễn biến tâm lý của một nạn nhân mắc phải căn bệnh này như sau: “Lẽ ra mình phải làm tốt hơn, phải tìm lý do gì đó mới được, chứ nếu không thì mất mặt lắm. Để xem nào, có thể là do sức khoẻ giảm sút? Do tuổi tác? Do hạn chế về mặt kiến thức? Do ảnh hưởng từ chuyện gia đình? Hay do ảnh hưởng từ nền tảng giáo dục?”.

Khi đã tìm được lý do “hợp lý” để tự bào chữa, anh ta sẽ bám riết lấy nó để biện minh với chính bản thân mình và với những người xung quanh, rằng đó chính là căn nguyên tại sao anh ta không thể thành công. Bạn nên biết một suy nghĩ, dù tích cực hay tiêu cực, cũng sẽ tạo nên một cường lực nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ càng lúc ăn sâu vào tiềm thức.Lúc đầu, có thể người bện hoàn toàn đủ tỉnh táo để nhận ra cái cớ mình đang dùng chẳng khác gì một lời nói dối nhưng lâu dần, chính bản thân anh ta cũng bị thuyết phục rằng đó thực sự là nguyên nhân tại sao anh ta không thể thành công.

Chính vì vậy, nếu bạn thực sự quyết tâm và muốn hướng đến thành công thì cần phải bắt tay ngay vào bước thứ nhất – tự tạo ra một loại vắc – xin tiêu diệt tận gốc từng tế bào của căn bệnh nguy hiểm này.

 

Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)

Câu 1: Văn bản trên đề cập đến vấn đề gì?

Câu 2: Chỉ ra các luận điểm được tác giả được triển khai trong bài viết?

Câu 3: Chỉ ra những yếu tố bổ trợ tạo nên sức hấp dẫn của bài viết?

Câu 4: Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn văn sau?

Thông thường, diễn biến tâm lý của một nạn nhân mắc phải căn bệnh này như sau: “Lẽ ra mình phải làm tốt hơn, phải tìm lý do gì đó mới được, chứ nếu không thì mất mặt lắm. Để xem nào, có thể là do sức khoẻ giảm sút? Do tuổi tác? Do hạn chế về mặt kiến thức? Do ảnh hưởng từ chuyện gia đình? Hay do ảnh hưởng từ nền tảng giáo dục?”.

Câu 5: Trong đoạn trích tác giả nhắc đến nhiều đời tổng thống Mĩ nhằm mục đích gì?

Câu 6: Nhận xét về quản điểm của tác giả về bệnh tự bào chữa?

Câu 7: Anh/chị có đồng tình với cách lí giải của tác giả về diễn biến tâm lý của những người mặc bệnh “tự bào chữa hay không?

Câu 8: Theo em, tự bào chữa có giống với thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh không?

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của bản thân về lời tự bào chữa?

Hướng dẫn đáp án chi tiết

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Văn bản trên đề cập đến vấn đề: Những người không thành công luôn mắc phải căn bệnh tinh thần: tự bào chữa.

Câu 2: Chỉ ra các luận điểm được tác giả được triển khai trong bài viết?

– Luận điểm: Căn bệnh tự bào chữa là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt lớn giữa một người có khả năng và một người bất lực trong kiểm soát hành động và suy nghĩ của chính mình

– Luận điểm 2: Chứng “tự bào chữa” sẽ trở nên trầm trọng nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách

– Luận điểm 3: Nếu bạn thực sự quyết tâm và muốn hướng đến thành công thì cần tự tạo ra một loại vắc – xin tiêu diệt tận gốc từng tế bào của căn bệnh nguy hiểm này.

Câu 3: Một số yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của bài viết;

– Cách dùng từ độc đáo “bệnh tự bào chữa” “tế bào của bệnh tự bào chữa”…

– Dẫn chứng thực tế tiêu biểu, có tính chân thực, nhân vật được chọn làm minh chứng đều là những người có tầm ảnh hưởng lớn nên có tính thuyết phục cao.

– Sử dụng hình thức câu hỏi tu từ “có thể là do sức khoẻ giảm sút? Do tuổi tác? Do hạn chế về mặt kiến thức? Do ảnh hưởng từ chuyện gia đình? Hay do ảnh hưởng từ nền tảng giáo dục?” để phơi bày diễn biến tâm lý của những người mắc bệnh bào chữa; Sử dụng phép điệp cấu trúc câu: có thể biện bạch, có thể kêu ca, có thể vịn vào… để nhấn mạnh con đường dẫn đến thành công của các nguyên thủ quốc gia nước Mỹ tuyệt đối không phải từ sự bào chữa.

Câu 4: Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn văn sau?

– Biện pháp nghệ thuật: lặp lại nhiều lần dạng thức câu hỏi tu từ “…do sức khoẻ giảm sút? Do tuổi tác? Do hạn chế về mặt kiến thức? Do ảnh hưởng từ chuyện gia đình? Hay do ảnh hưởng từ nền tảng giáo dục?”

– Tác dụng:

+ Phơi bày diễn biến tâm lý của người mắc bệnh bào chữa, đánh vào nhận thức và tình cảm của họ để họ thấy được những sai lầm cần sửa chữa.

+ Làm cho lời văn trở nên sinh động và mang lại cho người đọc những liên tưởng đầy lý thú.

Câu 5: Trong đoạn trích tác giả nhắc đến nhiều đời tổng thống Mĩ nhằm mục đích gì?

Việc tác giả nhắc đến nhiều đời tổng Mỹ nhằm mục đích: tăng tính thuyết phục cho lời nói, khẳng định tính đúng đắn của quan điểm. Bởi vì, những đời Tổng thống Mĩ đều có đặc điểm chung: Họ đều là những người gặp những khó khăn trở ngại trong cuộc sống, Họ không bao giờ đưa ra những lời biện bạch, họ đã rất thành công trong cuộc sống và trong công việc

Câu 6: Nhận xét quan điểm của tác giả về bệnh tự bào chữa?

– Tác giả nêu quan điểm: Tự bào chữa là căn bệnh phổ biến trong đời sống xã hội, nếu không được chữa trị đúng cách bệnh sẽ trở nên nguy hiểm.

– Nhận xét: Đây là quan điểm đúng đắn, sâu sắc, thể hiện tư duy khoa học của người viết.

Câu 7: Anh/chị có đồng tình với cách lí giải của tác giả về diễn biến tâm lý của những người mắc bệnh “tự bào chữa hay không?

HS nêu rõ quan điểm và có kiến giải hợp lý, có thể theo hướng sau:

Đồng tình với ý kiến của tác giả vì đó là những nét tâm lý thường thấy ở bất cứ một ai.

Câu 8: Theo em, tự bào chữa có giống với thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh không?

Gợi ý:

– Tự bào chữa và đổ lỗi cho hoàn cảnh đều là đưa ra những biện minh sai lầm cho việc mình đã làm hoặc không hoàn thành công việc.

– Khác với thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh, tự bào chữa đôi khi lại cần thiết với mối người trong cuộc sống.  Nó giúp ta bảo vệ được ý kiến cá nhân cũng như những quan điểm của chúng ta về một vấn đề nào đó, thể hiện sự nhìn nhận của bản thân về một sự vật hiện tương.

LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của bản thân về lời tự bào chữa?

Khả năng của chúng ta luôn lớn hơn sức mạnh của ý chí – chính vì thói quen ngụy biện mà ta cho rằng bản thân không thể làm điều gì

Hướng dẫn

Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.

– Trong hành trình phát triển bản thân, chúng ta thường không tránh khỏi thói quen xấu tự bào chữa – khi ta đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài trốn tránh trách nhiệm hay tìm cách chống chế cho những thiếu sót của bản thân.

– Việc loại bỏ thói xấu này sẽ giúp mỗi người có cơ hội hoàn thiện bản thân làm nền tảng vươn tới thành công và hạnh phúc trong cuộc sống

Thân bài:

* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống

– Tự bào chữa  nghĩa là không chấp nhận lỗi sai của mình, luôn cho ý kiến của mình là đúng.

– Tự bào chữa chính là sựu bảo thủ không tiếp thu ý kiến từ người khác để che giấu những sai lầm, khuyết điểm của mình, là nguyên nhân dẫn đến những thất bại sau này.

* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

– Tự bào chữa là một hiện tượng phổ biến trong xã hội. Ta có thể thấy những người có thói quen bào chữa ở bất cứ đâu: trong gia đình, trong cơ quan, hay ngoài xã hội…; ta cũng nghe thấy những lời bào chữa ở bất cứ ai: từ những người thân trong gia đình, những người bạn mà ta rất tin tưởng hay trong chính bản thân chúng ta.

– Xu hướng tự chữa xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, phổ biến nhất là người tự bào chữa muốn trốn tránh trách nhiệm bảo vệ lòng tự trọng của mình khỏi cảm giác tội lỗi, giữ gìn hình ảnh của bản thân hoặc người đó muốn giữ thể diện cho bản thân. Hành vi tự bào chữa được sử dụng như một phương diện để tránh xung đột. Ngoài ra lời bào chữa còn đóng vai trò là cơ chế đối phó với nỗi sợ hãi và lo lắng đặc biệt là trong những tình huống liên quan đến thành công, thất bại của bản thân. Viện cớ cũng là dấu hiệu của xu hướng trì hoãn, để việc đến giờ trót.

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

– Một số người có thể coi việc tự bào chữa là có lợi – qua việc cho phép họ giữ được lòng tự trọng hoặc giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống; hoặc dùng lời bào chữa để bảo vệ danh dự cho bản thân. Luật pháp chẳng phải cũng trao quyền tự bào chữa cho phạm nhân đấy sao?

– Song những lời biện minh và viện cớ như vậy cần phải được xem xét lại vì chúng đang cản trở chúng ta tự biết chịu trách nhiệm,  hoàn thành mục tiêu hoặc học hỏi từ những thất bại của bản thân. Thực chất tự bào chữa là một hành vi tự gây khó khăn cho bản thân, về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến hiệu suất và động lực của mỗi người. Từ đó hình thành thói xấu đổ lỗi cho hoàn cảnh khiến ta chuyển hướng sự chú ý khỏi những khuyết điểm hoặc sai lầm của chính mình để đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài.

+ Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.

Việc ta loại bỏ thói quen tự bào chữa sẽ giúp cho những cảm xúc tiêu cực sẽ được giảm bớt và tạo dựng thêm nhiều bài học bổ ích. Khi đó, ta sẽ có cái nhìn nhận thực tế vào đời sống cũng như nhận được sự đánh giá cao của người khác. người có bản lĩnh, bởi họ biết bước ra khỏi “cái tôi” của chính mình để phát triển bản thân theo một chiều hướng tốt đẹp hơn, họ xứng đáng được tin tưởng, được tha thứ và được noi gương.

Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề.

– Viện cớ và đổ lỗi cho hoàn cảnh là những thói quen xấu phổ biến, ngăn trở sự tiến bộ và đạt được mục tiêu của chúng ta.

– Nhận thức được những nguy hại của bệnh tự bào chữa, chúng ta sẽ nhận ra những giá trị thực của bản thân.

Bài viết tham khảo

Fracoi de La Rochefoucauld từng nói “Khả năng chúng ta luôn lớn hơn sức mạnh của ý chí – chính vì thói quen ngụy biện mà ta cho rằng bản thân không thể làm gì”. Trong hành trình phát triển bản thân, chúng ta thường không tránh khỏi thói quen xấu tự bào chữa – khi ta đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài trốn tránh trách nhiệm hay tìm cách chống chế cho những thiếu sót của bản thân. Việc loại bỏ thói xấu này, sẽ giúp mỗi người có cơ hội hoàn thiện bản thân làm nền tảng vươn tới thành công và hạnh phúc trong cuộc sống

Tự bào chữa  nghĩa là không chấp nhận lỗi sai của mình, luôn cho ý kiến của mình là đúng. Tự bào chữa cũng chính là sựu bảo thủ không tiếp thu ý kiến từ người khác để che giấu những sai lầm, khuyết điểm của mình. Về cơ bản, mục đích của một lời bào chữa như vậy nhằm chuyển hướng trách nhiệm ra khỏi bản thân bằng cách quy nó cho sự kém cỏi của người khác.

Tự bào chữa là một hiện tượng phổ biến trong xã hội. Ta có thể thấy những người có thói quen bào chữa ở bất cứ đâu: trong gia đình, trong cơ quan, hay ngoài xã hội…; ta cũng nghe thấy những lời bào chữa ở bất cứ ai: từ những người thân trong gia đình, những người bạn mà ta rất tin tưởng hay trong chính bản thân chúng ta.  Xu hướng tự chữa xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, phổ biến nhất là người tự bào chữa muốn trốn tránh trách nhiệm bảo vệ lòng tự trọng của mình khỏi cảm giác tội lỗi, giữ gìn hình ảnh của bản thân hoặc người đó muốn giữ thể diện cho bản thân. Hành vi tự bào chữa được sử dụng như một phương diện để tránh xung đột. Ngoài ra lời bào chữa còn đóng vai trò là cơ chế đối phó với nỗi sợ hãi và lo lắng đặc biệt là trong những tình huống liên quan đến thành công, thất bại của bản thân. Lời bào chữa cũng giống như viện cớ, đều là dấu hiệu của xu hướng trì hoãn, để việc đến giờ trót.

Một số người có thể coi việc tự bào chữa là có lợi – qua việc cho phép họ giữ được lòng tự trọng hoặc giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống; hoặc dùng lời bào chữa để bảo vệ danh dự cho bản thân. Và họ tự biện minh rằng: luật pháp chẳng phải cũng trao quyền tự bào chữa cho phạm nhân đấy sao? Song những lời biện minh và viện cớ như vậy cần phải được xem xét lại vì chúng đang cản trở chúng ta tự biết chịu trách nhiệm,  hoàn thành mục tiêu hoặc học hỏi từ những thất bại của bản thân. Thực chất tự bào chữa là một hành vi tự gây khó khăn cho bản thân, về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến hiệu suất và động lực của mỗi người. Từ đó hình thành thói xấu đổ lỗi cho hoàn cảnh khiến ta chuyển hướng sự chú ý khỏi những khuyết điểm hoặc sai lầm của chính mình để đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài. Có thể viện dẫn ra một câu chuyện sau đây để chúng ta thấy rằng việc vin vào những lời bào chữa để ứng phó với hoàn cảnh là nên hay không nên. Năm 2004, Bill Clintơn đã phát hành cuốn hồi kí nổi tiếng của mình. Ông biết mình phải đề cập đến vụ bê bối với Monica Lewinski đã làm tổn hại nhiệm kì thứ hai của ông. Thay vì tìm cách bào chữa hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, ông đã tự nhận trách nhiệm về mình – thừa nhận đó là một thất bại cá nhân, một cuộc đấu tranh nội tâm mà ông đã thua. Điều đó nói lên rằng, bất kể tác động hay hoàn cảnh bên ngoài như thế nào – một khi đã trưởng thành, mỗi cá nhân phải biết tự nhận lỗi của mình chứ không được được dùng lời bào chữa để thoái thác trách nhiệm.

Việc ta loại bỏ thói quen tự bào chữa sẽ giúp cho những cảm xúc tiêu cực sẽ được giảm bớt và tạo dựng thêm nhiều bài học bổ ích. Khi đó, ta sẽ có cái nhìn nhận thực tế vào đời sống cũng như nhận được sự đánh giá cao của người khác. Người biết từ bỏ thói quen bào chữa là người có bản lĩnh, bởi họ biết bước ra khỏi “cái tôi” của chính mình để phát triển bản thân theo một chiều hướng tốt đẹp hơn, họ xứng đáng được tin tưởng, được tha thứ và được noi gương. Đặc biệt, khi thoát ra khỏi cạm bẫy bào chữa cho bản thân, chúng ta sẽ mở cho mình cơ hội phát triển trong phần lớn các lĩnh vực của cuộc sống.

Viện cớ và đổ lỗi cho hoàn cảnh là những thói quen xấu phổ biến, ngăn trở sự tiến bộ và đạt được mục tiêu của chúng ta.  Nhận thức được những nguy hại của bệnh tự bào chữa, chúng ta sẽ nhận ra những giá trị thực của bản thân, biết vận dụng một cách hiệu quả những giá trị đó để đạt mục tiêu trong cuộc sống.

 

 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *