BỘ KẾT NỐI
VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI
(Con người và cuộc sống xung quanh)
Đề bài
ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
Cuộc sống của con người từ bao đời nay đã luôn gắn bó với môi trường thiên nhiên, trong đó biển và đại dương bao phủ hơn 2/3 bề mặt, chứa đựng hơn 95% lượng nước trên Trái đất, có vai trò quan trọng trong việc duy trì các hoạt động kinh tế, các giá trị văn hóa, tinh thần của con người. Các đại dương, vùng biển, ven biển rất quan trọng đối với an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng, góp phần thiết yếu trong xóa đói, giảm nghèo thông qua việc tạo ra sinh kế bền vững.
Tuy nhiên, nhân loại đang phải đối mặt với những vấn đề hết sức bức thiết về môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong đó, vấn đề nhức nhối lâu nay đang được nhiều quốc gia quan tâm là vấn đề rác thải nhựa đại dương, khai thác, sử dụng tài nguyên biển thiếu bền vững. Đây là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực ứng phó của từng quốc gia cũng như sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế.
Từ năm 2018, Liên Hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Kể từ đó đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng và tuần hoàn chất thải nhựa.
Một lần nữa “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” với trọng tâm thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution) tiếp tục được lựa chọn là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2023. Thông điệp này cùng với chủ đề “Hành tinh đại dương: Thủy triều đang thay đổi” của Ngày Đại dương thế giới đã truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; nhấn mạnh vai trò của đại dương, cuộc sống của nhân loại phụ thuộc vào đại dương; nhân loại cần chung tay hành động bảo vệ đại dương cũng như toàn bộ hành tinh xanh của chúng ta.
Trích – Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh tại Lễ hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Ngày Môi trường thế giới 2023 (04/06/2023 11:30:00)
Trả lời các câu hỏi: (Luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng, yếu tố bổ trợ)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?
Câu 2: Đoạn trích trên bàn về vấn đề gì?
Câu 3: Mục đích bài phát biểu của tác giả là gì?
Câu 4:Việc đưa ra số liệu: Biển và đại dương bao phủ hơn 2/3 bề mặt, chứa đựng hơn 95% lượng nước trên Trái đất có tác dụng gì?
Câu 5:Cho biết những hành động cụ thể để giảm thiểu sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường
Câu 6: Nội dung khái quát của đoạn trích?
Câu 7: Anh, chị có đồng tình với quan điểm của tác giả: Các đại dương, vùng biển, ven biển rất quan trọng đối với an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng, góp phần thiết yếu trong xóa đói, giảm nghèo thông qua việc tạo ra sinh kế bền vững.
Câu 8: Anh, chị rút ra được thông điệp gì cho bản thân sau khi đọc đoạn trích trên?
LÀM VĂN (4,0 điểm)
Anh, chị hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về các giải pháp cần thiết để giảm thiểu rác thải nhựa.
Hướng dẫn đáp án chi tiết
- ĐỌC – HIỂU
Câu 1: Nghị luận
Câu 2: Môi trường
Câu 3: Mỗi người cần chung tay hành động bảo vệ đại dương cũng như toàn bộ hành tinh xanh của chúng ta.
Câu 4: Nhấn mạnh tầm quan trọng của đại dương trong việc duy trì các hoạt động kinh tế, các giá trị văn hóa, tinh thần của con người. Các đại dương, vùng biển, ven biển rất quan trọng đối với an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng, góp phần thiết yếu trong xóa đói, giảm nghèo thông qua việc tạo ra sinh kế bền vững.
Câu 5:
- Sử dụng túi giấy đựng thực phẩm thay túi nilon; không mua túi nilon và hạn chế mua những sản phẩm đựng trong túi nilon
- không sử dụng chai nhựa
- phân loại rác trước khi vứt, tách riêng các loại nhựa để tái chế
Câu 6: Hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương
Câu 7: Học sinh được tự do bày tỏ quan điểm, miễn là có những lí giải thuyết phục. Tham khảo:
– Đồng tình
– Lí giải:
+ Biển đóng vai trò quan trọng là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước. Các đảo và quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với Việt Nam.
+ Biển còn tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế và là cửa ngõ để Việt Nam có quan hệ trực tiếp với các vùng miền của đất nước, giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hoá.
+ Tạo điều kiện để Việt Nam phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch…
Chính vì vậy: Các đại dương, vùng biển, ven biển rất quan trọng đối với an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng, góp phần thiết yếu trong xóa đói, giảm nghèo thông qua việc tạo ra sinh kế bền vững.
Câu 8: Học sinh được tự do rút ra thông điệp, miễn là tích cực và liên quan đến nội dung văn bản. Tham khảo:
– Cần có những hành động để giảm thiểu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường
– Cần lên án những hành động hủy hoại môi trường
- LÀM VĂN
(Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)
- Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận.
– Nêu vấn đề xã hội cần nghị luận: Mỗi chúng ta đều tồn tại trong môi trường sống của mình, vì vậy, đều phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường.
– Nêu tính cấp thiết của vấn đề: Tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống và sức khỏe của con người là rất lớn. Chính vì vậy, chúng ta cần có biện pháp hạn chế rác thải nhựa để tránh những hậu quả khôn lường đến với sức khỏe con người và hệ sinh vật. Thế nhưng xử lý như thế nào là đúng cách và hiệu quả?
- Thân bài:
* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống
– Rác thải nhựa: Rác thải nhựa là những chất không được phân hủy trong nhiều môi trường. Bao gồm nhiều loại chai lọ, túi đựng hay đồ chơi cũ… Chất thải ni lông gồm các bao bì bằng nhựa polyethylene (PE) sau khi sử dụng trở thành rác thải. Trong rác thải sinh hoạt còn có các loại nhựa khác cũng có chứa các loại nhựa phế thải. Rác thải ni lông thực chất là một hỗn hợp nhựa, trong đó chiếm phần lớn là nhựa PE
– Thực trạng rác thải nhựa trong đời sống: Rác thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn gốc khác nhau và chủ yếu là từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người.
* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.
-Tác hại của rác thải nhựa
+ Đối với môi trường
+Đối với sinh vật biển
+Đối với con người
– Giải pháp hạn chế ô nhiễm rác thải nhựa
+ Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về chất thải nhựa nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung
+ Phân loại từ đầu nguồn để tái chế
+ Tái sử dụng đồ nhựa
+ Thay thế túi nylon bằng túi giấy, túi vải tái sử dụng được nhiều lần
+ Hạn chế rác thải nhựa từ chính các hộ gia đình
+ Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, đồ uống sử dụng cốc nhựa ống hút 1 lần
* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều
Những năm gần đây rất nhiều các sự kiện kêu gọi thay đổi nhận thức, thay đổi hành động để bảo vệ môi trường được diễn ra; những câu kêu gọi “Giảm thiểu rác thải nhựa”, “Cứu lấy Trái Đất trước ô nhiễm trắng”, “Nói không với nhựa dùng 1 lần”… xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông cả online và offline, được nhiều người ủng hộ, hưởng ứng
Những hành động thiết thực đang dần trở nên phổ biến: ít sử dụng túi nilong, mang túi xách cá nhân hoặc sử dụng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn khi đi chợ; hạn chế nhận đồ nhựa khi đặt đồ ăn sẵn…Họ đã thể hiện sự chung tay vì môi trường qua những chương trình như: “Cuộc họp không chai nhựa”, “Văn phòng không nhựa”,
* Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng.
Mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng
- Kết bài:
– Khẳng định vấn đề: Bảo vệ môi trường là một vấn đề cấp bách, mang tính chất sống còn đối với toàn bộ nhân loại hiện nay.
– Nêu ý nghĩa thực tiễn của vấn đề: Xử lý rác thải nhựa đúng cách là ưu tiên hàng đầu hiện nay để góp phần bảo vệ môi trường. Vì thế mỗi người hãy chung tay, thay đổi từ hôm nay để có một môi trường trong lành và cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bài viết tham khảo
Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” .Tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống và sức khỏe của con người là rất lớn. Chính vì vậy, chúng ta cần có biện pháp hạn chế rác thải nhựa để tránh những hậu quả khôn lường đến với sức khỏe con người và hệ sinh vật.
Rác thải nhựa là những chất không được phân hủy trong nhiều môi trường. Bao gồm nhiều loại chai lọ, túi đựng hay đồ chơi cũ… Chất thải ni lông gồm các bao bì bằng nhựa polyethylene (PE) sau khi sử dụng trở thành rác thải. Trong rác thải sinh hoạt còn có các loại nhựa khác cũng có chứa các loại nhựa phế thải. Rác thải ni lông thực chất là một hỗn hợp nhựa, trong đó chiếm phần lớn là nhựa PE. Rác thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn gốc khác nhau và chủ yếu là từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người. Hiện nay trên thế giới cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Điều đáng lo ngại là phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới phân hủy hết, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.Khi phân hủy chúng sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ, những hạt vi nhựa (microplastic) này đi vào nguồn nước, đất, không khí, thức ăn… và khi con người tiếp xúc, ăn phải những mảnh vi nhựa này thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh về hô hấp, bệnh về thần kinh, gây khó thở, rối loạn tiêu hoá, làm tăng khả năng ung thư.…
Rác thải nhựa còn đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”. Vì rác thải nhựa trong những năm gần đây làm cho nhiều loài sinh vật biển giảm mạnh về số lượng, có loài biến mất cục bộ, không những ảnh hưởng đến sự đa dạng của hệ sinh thái biển mà còn tác động trực tiếp đến sinh kế của người dân dựa vào tài nguyên biển và các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, ngành du lịch biển.
Để bảo vệ cho môi trường sống, cuộc sống của chính mình. Chúng ta cần có biện pháp hạn chế rác thải nhựa.
Hạn chế rác thải nhựa từ chính các hộ gia đình Việc sử dụng các đồ vật dụng cụ gia đình bằng nhựa là rất phổ biến tại các hộ gia đình Việt. Đồ nhựa thường có giá thành rẻ, nhiều mẫu mã nên rất được lòng người. Hãy từ bỏ thói quen sử dụng đồ vật bằng nhựa trong nhà bếp và thay thế bằng những vật liệu thân thiện với môi trường khác. Trên thực tế, việc hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần có thể dễ dàng được thực hiện trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng như: – Túi giấy- Túi vải sử dụng nhiều lần- Túi dệt từ sợi nylon sử dụng nhiều lần- Túi nylon tự huỷ, phân hủy sinh học
Phân loại từ đầu nguồn để tái chế:Thói quen của nhiều người đó là vẫn để chung các loại rác thải với nhau thay vì phân loại rác thải ra từng loại riêng biệt trước khi bỏ. Vì vậy, mang đến nhiều khó khăn trong quá trình thu gom và xử lý như: Gây khó khăn cho nhân viên môi trường khi thu gom rác thải nhựa.- Gây tốn kém thêm thời gian cho việc phân loại rác trước khi xử lý. Làm rác thải nhựa bị lẫn, bị bẩn và có thể phải chôn hoặc đốt gây nên những tác động xấu đến môi trường.Do vậy hãy phân loại rác để tái chế.
Tái sử dụng đồ nhựa:Tái sử dụng là biện pháp đang được rất nhiều cơ quan môi trường khuyến khích và khuyên người dân nên làm. Việc này sẽ hạn chế phần nào rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Thay vì dùng một lần và vất đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác, vừa tiết kiệm vừa giúp bạn thỏa sức sáng tạo: Tái sử dụng đồ nhựa, chai nhựa làm đồ trang trí như: ống cắm bút, chậu hoa,… Chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, bột giặt, nước rửa bát,… Tuy nhiên lưu ý là những vỏ chai của các loại thuốc tẩy, chai đựng hóa chất,… tuyệt đối không nên tái sử dụng.Việc tái chế này hoàn toàn đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà.
Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, đồ uống sử dụng cốc nhựa ống hút 1 lần:Hiện nay, việc sử dụng thức ăn nhanh mang lại rất nhiều sự tiện lợi với những các sản phẩm nhựa dùng một lần như cốc, dĩa, thìa, hộp xốp, túi nylon, người dân có thể gặp bất cứ đâu, ở hàng nước, hàng chè, các quán cơm bình dân hoặc có thể tự mua trong siêu thị với giá rất rẻ. Hàng nghìn cốc nước mía, trà sữa hay cốc chè được bán ra mỗi ngày cũng là chừng ấy những chiếc cốc nhựa, ống hút và túi nylon bị vứt ra ngoài môi trường.
Việc sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa đối với người dân đang trở thành thói quen khó bỏ bởi tính tiện dụng mà ít ai quan tâm đến tác hại của nó. Ngoài ảnh hưởng đến môi trường như làm suy kiệt dinh dưỡng trong đất, tàn phá hệ sinh thái, gây ngập úng ở các đô thị, hủy hoại sinh thái biển và sinh thái sông hồ… túi nylon và rác thải nhựa còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về hệ tiêu hóa, hệ hô hấp và bệnh ung thư. Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh không chỉ đảm bảo sức khỏe mà còn là cách chung tay bảo vệ môi trường. Chúng ta hãy thay thế bằng bộ đồ thìa, muỗng, nĩa làm từ bã mía, việc này góp phần hạn chế rác thải nhựa, giữ gìn sự sống xanh của trái đất.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về rác thải nhựa. Tuyên truyền thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin. Tăng cường, mạnh dạn lồng ghép nội dung “xanh” vào chương trình giảng dạy ở trường học; Nói không với những sản phẩm nhựa dùng một lần; Tuyên dương kịp thời những tấm có nhiều đóng góp, sáng kiến và nêu gương trong phong trào hạn chế rác thải nhựa.
Những năm gần đây rất nhiều các sự kiện kêu gọi thay đổi nhận thức, thay đổi hành động để bảo vệ môi trường được diễn ra; những câu kêu gọi “Giảm thiểu rác thải nhựa”, “Cứu lấy Trái Đất trước ô nhiễm trắng”, “Nói không với nhựa dùng 1 lần”… xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông cả online và offline, được nhiều người ủng hộ, hưởng ứng.Những hành động thiết thực đang dần trở nên phổ biến: ít sử dụng túi nilong, mang túi xách cá nhân hoặc sử dụng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn khi đi chợ; hạn chế nhận đồ nhựa khi đặt đồ ăn sẵn.. những chương trình như: “Cuộc họp không chai nhựa”, “Văn phòng không nhựa”,
đã thể hiện sự chung tay vì môi trường của cộng đồng để bảo vệ môi trường sống và giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa.
Từ những tác hại của rác thải nhựa,mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng…
Cần chung tay hành động vì một môi trường sống trong lành, bảo vệ môi trường trái đất tránh khỏi những ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Vấn đề rác thải nhựa có thể giải quyết được hay không tùy thuộc vào ý thức, hành vi và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa của bạn. Hãy dừng lại ngay việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần, hãy lan tỏa thông điệp này đến bạn bè ở trường lớp, những người xung quanh để bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.