SỞ GD – ĐT BÌNH ĐỊNH ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG THI THPT
TRƯỜNG THPT NGUYỄN DU Năm học 2019-2020
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 120 phút (không tính thời gian phát đề)
I.ĐỌC – HIỂU: (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
Bạn sẽ làm gì khi có một ngày thức dậy thấy bên mình không còn việc gì nữa cả. Tiền trong túi không còn, việc làm không có, người yêu chia tay, bạn bè, gia đình ở xa… Cuộc sống coi như mất hết ý nghĩa. Vậy mà đến lúc đó, tôi lại tự dưng mỉm cười.
Con số không tròn trĩnh để người ta soi mình vào đó và chợt nhận ra những thất bại. Như một chiếc gương soi trung thực để thấy ta từ thuở tập bò, tập đi, vội vàng tập chạy, rồi thì… vấp ngã. Có kẻ ngã rồi nằm luôn, có kẻ gượng dậy để… ngã tiếp. Trong suốt cuộc đời bao nhiêu lần ta ngã, bao nhiêu lần đứng dậy, ta có nhớ hết không?
Khi tiền trong túi không còn, tôi nghĩ đến hàng triệu người trên thế giới vẫn còn đang đói khát. Khi việc làm không có, tôi tin cũng có hàng triệu người khác cũng đang chạy đôn chạy đáo tìm việc như mình. Khi tình yêu tan vỡ, tôi viết thêm vào thời gian biểu của mình một số giờ học thêm hoặc đi ngủ. Và rồi tôi mỉm cười. Cuộc sống vẫn cứ trôi. Đôi khi ta chao đảo. Rồi sau đó ta sẽ nhận ra và lấy lại thế cân bằng. Một câu danh ngôn nào đấy đại ý là như vậy. Hình như tôi là người lạc quan.
Và khi người ta no đủ, người ta sẽ không thể có được cảm giác thử sức khao khát và hy vọng. Bởi vậy cho đến già ta vẫn cứ là bé thơ khi chơi thứ đồ chơi này đến chán ngấy rồi lại đòi thứ khác. Tôi khao khát no đủ nhưng sẽ chẳng bao giờ no đủ. Lúc biết mình đang đi vào cái vòng tròn của con số không, tôi sẽ hít một hơi dài rồi vùng vẫy.
Có biết bao nhiêu người trên trái đất này tìm ý nghĩa cuộc sống bằng cách ban tặng cuộc đời mình đến những nơi xa xôi, những người cùng khổ. Thế thì tại sao ta thấy đời mất hết ý nghĩa khi lại bắt đầu bằng bàn tay trắng?
Hãy cứ tin đi, bằng cách mỉm cười khi mình thất bại, sẽ thấy cuộc đời lại mỉm cười. Khi ta không còn gì hết, không có gì hết, đời sẽ ban tặng ta một cái gì đó mới mẻ hơn, hạnh phúc hơn. Sau hạnh phúc là bất hạnh, đi hết bất hạnh rồi sẽ gặp hạnh phúc. Điều đó chẳng phải là quy luật hay sao?
(Trích “Bài học của thầy” – Trang 32 – NXB Hà Nội – Năm 2016)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích ? (0,5 điểm)
Câu 2. Hình ảnh “con số không” trong đoạn trích có ý nghĩa như thế nào? (1.0 điểm)
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về quan niệm của tác giả: “Lúc biết mình đang đi vào cái vòng tròn của con số không, tôi sẽ hít một hơi dài rồi vùng vẫy” ? (1.0 điểm)
Câu 4. Anh/chị rút ra thông điệp nào có ý nghĩa nhất từ đoạn trích trên? Vì sao? (0.5điểm)
II.LÀM VĂN: (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về điều bản thân cần làm để giữ thái độ lạc quan trong cuộc sống.
Câu 2: (5.0 điểm)
Cảm nhận đoạn thơ sau trích trong bài thơ “Đất Nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm:
“ Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đât Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…”
(Ngữ văn 12, tập 1, Nxb Giáo dục, 2008, trang 119-120)
…………Hết………..
SỞ GD&ĐT BÌNH ĐỊNH
TRƯỜNG THPT NGUYỄN DU
HƯỚNG DẪN CHẤM VÀ BIỂU ĐIỂM
BÀI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG THI THPT
NĂM HỌC 2109-2020
ĐỌC HIỂU: (3.0 điểm)
Câu 1. Học sinh nêu được một trong các biểu hiện của thái độ sống lạc quan:
+ Khi tiền trong túi không còn, tôi nghĩ đến hàng triệu người trên thế giới vẫn còn đang đói khát.
+ Khi việc làm không có, tôi tin cũng có hàng triệu người khác cũng đang chạy đôn chạy đáo tìm việc như mình.
+ Khi tình yêu tan vỡ, tôi viết thêm vào thời gian biểu của mình một số giờ học thêm hoặc đi ngủ.
– Điểm 0.5: Trả lời đúng đáp án.
– Điểm 0.25: Trả lời được một ý hoặc trả lời chung chung.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 2. Hình ảnh “con số không” tượng trưng cho những mất mát, thất bại mà con người cần phải đối diện và vượt qua trong cuộc sống.
– Điểm 1.0: Trả lời đúng đáp án.
– Điểm 0.5: Trả lời được một ý hoặc trả lời chung chung.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 3. Giải thích quan niệm “Lúc biết mình đang đi vào cái vòng tròn của con số không, tôi sẽ hít một hơi dài rồi vùng vẫy”:
-“Bước vào vòng số không” là khi cuộc sống rơi vào khó khăn, thất bại thậm chí bế tắc, tuyệt vọng.
-“Hít một hơi dài rồi vùng vẫy” là nỗ lực để thoát ra tìm cơ hội vươn lên.
=> Ý kiến đưa lời nhắc nhở về lối sống chủ động, tích cực, không đầu hàng trước khó khăn, thử thách.
– Điểm 1.0: Trả lời đúng đáp án.
– Điểm 0.5: Trả lời được một ý hoặc trả lời chung chung.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 4. Rút ra thông điệp có ý nghĩa nhất:
-Thí sinh có thể lựa chọn một thông điệp rút ra từ đoạn trích như:
+ Sống lạc quan, luôn hướng về tương lai
+ Sống mạnh mẽ vượt lên hoàn cảnh…
-Thí sinh nêu rõ vì sao thông điệp có ý nghĩa nhất đối với bản thân một cách thuyết phục.
– Điểm 0.5: Trả lời đúng đáp án.
– Điểm 0.25: Trả lời được một ý hoặc trả lời chung chung.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
II. LÀM VĂN
Câu 1: Nghị luận xã hội (2.0 điểm)
1.Yêu cầu về kĩ năng
Đảm bảo cấu trúc của đoạn văn nghị luận. (0,25đ)
+ Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ các phần giới thiệu vấn đề, triển khai vấn đề và kết thúc vấn đề. Phần giới thiệu dẫn đắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần triển khai vấn đề viết thành nhiều câu liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết kết thúc vấn đề thể hiện nhận thức của cá nhân.
+ Điểm 0: Thiếu giới thiệu vấn đề, hoặc triển khai vấn đề sai lạc.
2.Yêu cầu về kiến thức
a.Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. (0,25đ)
+ Điểm 0,25: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Điều bản thân cần làm để giữ thái độ lạc quan trong cuộc sống.
+ Điểm 0: Xác định sai hoặc không rõ ràng.
- Trình bày nội dung của vấn đề cần nghị luận. (1.0đ)
Biết kết hợp giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận; kết hợp giữa nêu lí lẽ và dẫn chứng; dẫn chứng lấy từ thực tế đời sống.
– Lạc quan: Là thái độ sống tích cực của con người khi đối diện với khó khăn thử thách, luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng và những điều tốt đẹp trong cuộc sống
–Những điều cần làm để giữ thái độ sống lạc quan:
+Nhận thức rõ cuộc sống luôn tồn tại hai mặt khó khăn và thuận lợi, thử thách và thời cơ, coi thái độ sống lạc quan là động lực để vươn lên trong cuộc sống.
+ Sẵn sàng đối diện với khó khăn, thử thách, không buông xuôi, nản chí khi thất bại.
+ Coi thất bại là cơ hộ tôi luyện ý chí, bản lĩnh và đúc kết kinh nghiệm để đi đến thành công.
– Bài học:
Cần rèn luyện bản thân, trau dồi tri thức để có thể sẵn sàng đương đầu và vượt qua khó khăn trong cuộc sống với tinh thần lạc quan.
Biểu điểm:
+ Điểm 1.0: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu đã nêu; diễn đạt rõ ràng sâu sắc
+ Điểm 0,5: Đáp ứng 2/3 các yêu cầu đã nêu.
+ Điểm 0,25: Đáp ứng khoảng 1/3 các yêu cầu đã nêu.
+ Điểm 0,0: không đáp ứng được bất cứ yêu cầu nào.
c.Chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25đ)
+ Điểm 0,25: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
+ Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
d.Sáng tạo.(0,25đ)
+ Điểm 0,25: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
+ Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không thể hiện một số suy nghĩ riêng hoặc có nhưng trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Câu 2/ Nghị luận văn học. (5.0 điểm)
1.Yêu cầu về kĩ năng
Đảm bảo cấu trúc bài của văn nghị luận. (0,5 đ)
+Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Phần mở bài dẫn đắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần thân bài tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện nhận thức của cá nhân.
+ Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài nhưng các phần chưa thể hiện đầy đủ các yêu cầu như trên; phần thân bài chỉ có một đoạn văn.
+ Điểm 0: Thiếu mở bài, thân bài, hoặc kết bài hoặc cả bài chỉ có một đoạn văn.
- Yêu cầu về kiến thức
a.Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. (0,5đ)
+ Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý niệm Đất Nước trong đoạn thơ trích.
+ Điểm 0: Xác định sai hoặc không rõ ràng.
b.Chia vấn đề NL thành các luận điểm phù hợp. (3,0đ)
– Giới thiệu ngắn gọn tác giả, tác phẩm và đưa vấn đề vào.(0.5đ)
– Nội dung:
+ Đất nước có trong cuộc sống của mỗi người, trong anh và em, trong mỗi cá thể đều có một phần Đất Nước. Khi có sự kết hợp giữa các cá thể lại với nhau thì tạo nên sự bền chặt đầy sức sống. (0,75đ)
+ Đất nước sẽ được thế hệ mai sau (con ta lớn lên) sẽ mang Đất nước đi xa để làm cho đất nước tốt đẹp hơn, phồn vinh hơn. (0,5đ)
+ Đất nước chính là sinh mệnh, là máu xương của mình, phải biết quí, phải biết giữ gìn, phải biết “gắn bó và san sẻ”, hi sinh cái riêng hòa vào cái chung “hóa thân cho dáng hình xứ sở”. Có vậy Đất Nước mới bền vững muôn đời. (0,5đ)
– Nghệ thuật: Thể thơ tự do, vận dụng chất liệu văn hóa dân gian, nhịp điệu thơ linh hoạt, kết hợp chính luận và trữ tình, suy tưởng và cảm xúc… (0,25đ)
– Đánh giá:
Đoạn trích thể hiện những suy ngẫm mới mẻ, sâu sắc của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước. Hình tượng Đất Nước được thể hiện bằng thể thơ tự do, linh hoạt với chất liệu thi ca được lấy từ kho tàng văn hóa, văn học dân gian, góp phần khẳng định tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”. (0,5đ)
c.Yêu cầu về chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,5đ)
+ Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
+ Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
+ Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
d.Yêu cầu về sáng tạo. (0,5đ)
+ Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
+ Điểm 0,25: Có một số chỗ diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
+ Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không thể hiện một số suy nghĩ riêng hoặc có nhưng trái với đạo đức và pháp luật.