Đề luyện thi THPT Quốc gia Dịch bệnh covid 19- Việt Bắc

LUYỆN THI QUỐC GIA THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM 2020
Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau đây:
Những ngày gần đây, nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam đang phải đối mặt với dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Giữa thời điểm dịch có nguy cơ lan rộng và bùng phát toàn cầu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang y tế khi đến nơi đông người.
Lợi dụng điều này, không ít hiệu thuốc đã đẩy giá khẩu trang y tế lên gấp 3, gấp 5 và thậm chí gấp 10 lần khiến người dân gặp khó khăn trong việc tìm mua. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã phát khẩu trang miễn phí cho người đi đường để đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này.
Mới đây, cậu bé 11 tuổi có tên Andy Đào Nguyên đã dùng 10 triệu đồng tiền lì xì của mình để mua khẩu trang y tế phát tặng mọi người. Trước đó, Andy từng nhiều lần cùng mẹ phát khẩu trang miễn phí tại đường Lý Tự Trọng, Q.1, TP HCM. Nhận thấy số lượng trên vẫn chưa đủ, cậu bé quyết định tự mình bỏ tiền ra để mua thêm.
Với nhiều đứa trẻ, 10 triệu là một số tiền khá lớn nhưng với Andy, sức khỏe của cộng đồng mới là thứ quan trọng hơn cả. Cậu chia sẻ: “Con muốn mọi người cùng hiểu mối nguy hại từ dịch cúm do virus corona, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Tiền lì xì để dành cũng không có nghĩa gì khi người dân bị mối nguy về sức khỏe”.
Không chỉ phát miễn phí, Andy còn cùng những nhân viên, đồng nghiệp của mẹ mình hướng dẫn người qua đường cách đeo khẩu trang đúng cách, giữ vệ sinh nơi công cộng nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Được biết, khi trường cho nghỉ thêm 1 tuần để tránh dịch, cậu bé đã dành thời gian để giúp đỡ cộng đồng…
(Cậu bé 11 tuổi dành hết tiền lì xì mua khẩu trang phát miễn phí, Nguồn http:/tiin.vn/chuyen-muc/song, 04-02-2020)
Thực hiện các yêu cầu:

  1. Nêu những việc làm của cậu bé 11 tuổi có tên Andy Đào Nguyên.
  2. Anh/chị hiểu như thế nào về nhận xét: Với nhiều đứa trẻ, 10 triệu là một số tiền khá lớn nhưng với Andy, sức khỏe của cộng đồng mới là thứ quan trọng hơn cả?
  3. Thông tin trong văn bản giúp anh/chị hiểu thêm điều gì về hiện tượng tốt-xấu, đúng-sai… trong cuộc sống?
  4. Những lời chia sẻ của cậu bé Andy Đào Nguyên gợi anh/chị suy nghĩ gì ?

Làm văn (7 điểm)
Câu 1 ( 2 điểm)
Dựa vào nội dung trong phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bày tỏ suy nghĩ ý‎ nghĩa của những việc làm thiện nguyện trong cuộc sống.
Câu 2 ( 5 điểm)
Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng.
Ai về ai có nhớ không?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhở từ Cao – Lạng, nhớ sang Nhị Hà.
 ( Trích Việt Bắc, Tố Hữu)
Cảm nhận của anh/ chị về nỗi nhớ trong đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét chất trữ tình chính trị của thơ Tố Hữu.
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
 

Phần Câu/Ý Nội dung Điểm
I Đọc hiểu 3.0
1 Những việc làm của cậu bé 11 tuổi Andy Đào Nguyên là :
-Dùng 10 triệu đồng tiền lì xì của mình để mua khẩu trang y tế
-Nhiều lần cùng mẹ phát tặng mọi người khẩu trang miễn phí tại đường Lý Tự Trong ,Q.1,TPHCM.
-Cùng mẹ ,những nhân viên , đồng nghiệp của mẹ mình hướng dẫn người qua đường cách đeo khẩu trang đúng cách, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng
-Dành thời gian nhà trường cho nghỉ để giúp đỡ cộng đồng.
0.5
2 Hiểu về nhận xét: Với nhiều đứa trẻ, 10 triệu là một số tiền khá lớn nhưng với Andy, sức khỏe của cộng đồng mới là thứ quan trọng hơn cả:
-Tiền tuy quan trọng nhưng Andy đã nhận ra được sức khỏe là thứ quan trọng hơn cả. ( 0.25)
-Thế nên Andy đã nhận ra và dùng 10 triệu tiền lì xí của chính mình để giúp đỡ mọi người xung quanh – một hành động đáng trân trọng. ( 0.25)
0.5
 
3 Thông tin trong văn bản giúp hiểu thêm về hiện tượng tốt-xấu, đúng-sai… trong cuộc sống:
– Bất cứ vấn đề gì xảy ra trong cuộc sống cũng đều luôn tồn tại 2 mặt song song tốt – xấu. Có không ít người xấu nhưng người tốt vẫn còn nhiều và luôn ở xung quanh chúng ta. (0.5)
-Vì vậy cần rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức của bản thân và biết chia sẻ với mọi người để trở thành người có ích cho xã hội. (0.5) 
1.0
 
 
4 Những lời chia sẻ của cậu bé Andy Đào Nguyên gợi suy nghĩ :
– Nêu nội dung lời chia sẻ ( 0.5): cậu bé Andy Đào Nguyên muốn mọi người hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh corona, cần phải nâng cao ý thức phòng chống để bảo vệ tính mạng của con người;
– Nêu suy nghĩ của bản thân (0.5)
( HS thể hiện suy nghĩ riêng từ nội dung trên)
Gợi ý:
-Những lời chia sẻ của cậu bé gợi tôi suy nghĩ: tuy còn nhỏ nhưng hiểu biết và tấm lòng của cậu bé không nhỏ. Trẻ con luôn có tâm hồn trong sáng, thương yêu mọi người, có khi người lớn không làm được điều này, thậm chí có người còn làm việc thiếu suy nghĩ như bán khẩu trang với giá cao để trục lợi;
– Bản thân sẽ học tập theo tấm gương của cậu bé: nâng cao ý thức sống vì cộng đồng, bảo vệ sức khoẻ bản thân và mọi người, sống bằng cái tâm trong sáng, thánh thiện…
1.0
 
 
 
 
II Làm văn
1   Dựa vào nội dung trong phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bày tỏ suy nghĩ ý‎ nghĩa của những việc làm thiện nguyện trong cuộc sống. 2.0
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng -phân-hợp, song hành hoặc móc xích.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội: suy nghĩ về giải pháp để ngăn chặn thói xu nịnh trong cuộc sống.
0.25
 
 
0.25
 
c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ suy nghĩ về ý‎ nghĩa của những việc làm thiện nguyện trong cuộc sống. Có thể triển khai theo hướng sau:
-Việc làm thiện nguyện là dùng thời gian của mình, của cải của mình để góp cho cộng đồng xã hội. Trong cuộc sống chúng ta vẫn có quy luật là luật nhân quả, cho và nhận. Nhưng thực chất bạn cho đi là bạn đang nhận lại.
-Ý‎ nghĩa của những việc làm thiện nguyện trong cuộc sống:
+ Làm thiện nguyện nói là cho nhưng thật chất là nhận, bạn nhận nhiều hơn rất nhiều;
+ Làm việc thiện nguyện đem lại lợi ích cho cả cộng đồng và cả bản thân;
+ Làm thiện nguyện sẽ giúp cho bạn sự bình an, niềm vui và niềm hạnh phúc lan tỏa, giúp cho bạn cảm thấy cuộc đời này đáng sống và cảm thấy mình sống có ý nghĩa.
-Bài học nhận thức và hành động:
+ Về nhận thức: làm thiện nguyện chính là việc không thể thiếu trong cuộc sống;
+ Về hành động: đi làm từ thiện, làm việc tốt; đấu tranh, lên án những hành vi vô cảm, trục lợi…
1.00
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,25
2 Cảm nhận về nỗi nhớ trong đoạn thơ (…). Từ đó, nhận xét chất trữ tình chính trị của thơ Tố Hữu. 5,0
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một đoạn thơ ( có ý phụ)
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.       
(0,25)
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Nỗi nhớ trong đoạn thơ (…);chất trữ tình chính trị của thơ Tố Hữu.
(0,25)
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
3.1.Mở bài: 0.25
-Tố Hữu là một trong những nhà thơ lớn, tiêu biểu nhất của nền thi ca Việt Nam hiện đại, là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng, của lý tưởng cộng sản. Mọi sự kiện chính trị qua trái tim nhạy cảm và cảm hứng nghệ thuật của ông đều kết tinh thành những bài thơ đặc sắc. Trong số đó, tập thơ “Việt Bắc” được xem là đỉnh cao của thơ kháng chống Pháp, mà bài thơ “Việt Bắc” là kết tinh sở trường nghệ thuật ngòi bút Tố Hữu. Bài thơ là khúc hát ân tình của người kháng chiến đối với quê hương, đất nước, nhân dân cách mạng được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật đậm đà tính dân tộc.
– Nêu vấn đề cần nghị luận: Đoạn thơ (…) diễn tả nỗi nhớ về những ngày kháng chiến trong tâm trí của người về xuôi, thể hiện chất trữ tình chính trị độc đáo của thơ Tố Hữu.
3.2.Thân bài: 3.50
a. Khái quát về bài thơ, đoạn thơ:
-Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Miền Bắc được giải phóng. Tháng 10 năm 1954, các cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước chuyển từ Việt Bắc (Thủ đô kháng chiến) về thủ đô Hà Nội. Sự lưu luyến giữa kẻ ở và người ra đi đã khơi nguồn cảm xúc lớn cho nhà thơ sáng tác “Việt Bắc”.
           -“Việt Bắc” được viết bằng thể thơ lục bát, dài 150 câu thơ, gồm hai phần. Phần đầu bài thơ tái hiện một thời gian khổ mà oanh liệt của cách mạng và kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc nay đã trở thành những kỉ niệm sâu nặng trong lòng người. Phần sau nói lên sự gắn bó giữa miền ngược và miền xuôi trong một viễn cảnh hòa bình tươi sáng của đất nước và kết thúc bằng lời ngợi ca công ơn Bác Hồ và Đảng đối với dân tộc. Bài thơ có kết cấu đối đáp. Hai nhân vật trữ tình “mình-ta” kẻ ở, người đi bộc lộ tâm trạng trong buổi chia tay đầy lưu luyến, xúc động. Chuyện ân tình cách mạng được tác giả khéo léo thể hiện như câu chuyện tình yêu đôi lứa. Nhà thơ hoá thân vào hai nhân vật trữ tình để bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình, cũng là của những người tham gia kháng chiến. Đoạn thơ gồm 10 câu đầu thuộc phần một của bài thơ.
b. Cảm nhận nội dung, nghệ thuật thể hiện nỗi nhớ trong đoạn thơ:
* Về nội dung: Nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến và niềm tự hào của tác giả về Việt Bắc anh dũng, kiên cường:
– 6 dòng thơ đầu: Nỗi nhớ về thiên nhiên và con người Việt Bắc
+Trong những ngày đầu kháng chiến gian khổ ở giai đoạn phòng ngự, bộ đội phải dựa vào dân, dựa vào núi rừng Việt Bắc hiểm trở để đánh giặc.
+ Trước giờ khắc quyết định của lịch sử, không chỉ nhân dân mà cả núi rừng cùng vùng lên, chung sức đánh Tây. Với cuộc kháng chiến gian khổ của quân và dân Việt Bắc, núi rừng cũng trở nên có chí, có tình người, đã trở thành những người đồng đội, những chiến sĩ anh hùng.
+ Trong 4 câu thơ, “rừng” và “núi” được lặp đi lặp lại đến năm lần, nó rải kín câu thơ, rải kín đất Việt Bắc tạo lên thế hiểm của tường thành lũy thép vây bọc quân thù.
+ Phép nhân hóa: Rừng cây núi đá “ta cùng đánh Tây”, “rừng” với “núi” trên dưới một lòng cùng con người đánh đuổi quân xâm lược.
+Đồng thời thể hiện tình cảm giữa con người kháng chiến và thiên nhiên núi rừng Việt Bắc đoàn kết, chung lòng.
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng
Hình ảnh “bốn mặt sương mù ” thật giàu ý nghĩa, vừa là đặc trưng thiên nhiên chiến khu Việt Bắc, vừa mang ý nghĩa biểu trưng cho khó khăn, thách thức của buổi đầu kháng chiến.Với sự đồng lòng, đồng sức, tất cả thành một khối đại đoàn kết vững chắc.
4 dòng thơ tiếp: Nỗi nhớ về những địa danh của Việt Bắc gắn liền với chiến công vang dội của quân dân ta trong kháng chiến chống Pháp.
+ Sức mạnh của khối đại đoàn kết đã làm nên những chiến công vang dội, hàng loạt địa danh vang lên, mỗi nơi đều gắn với một thắng lợi vẻ vang.
+ Câu hỏi tu từ, hỏi nhưng không cần trả lời, thể hiện niềm vui to lớn trước chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
+ Sau đó, là câu trả lời: “Ta về ta nhớ… ” đồng thời cũng là câu nói khẳng định, ẩn chứa biết bao niềm tự hào.
+ Bằng phép liệt kê các địa danh gắn liền với những sự kiện quan trọng là những chiến công tiêu biểu góp phần quan trọng mang tính quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến.                                    
– Khái quát: Đoạn thơ khắc họa được hình ảnh thiên nhiên Việt Bắc trù phú, dữ dội nhưng cũng rất lãng mạng và “bao la”, khắc họa được hình ảnh người cán bộ về xuôi có tình cảm sâu nặng gắn bó với thiên nhiên, với cách mạng. Đồng thời thể hiện niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của quân và dân ta và khẳng định một điều: Việt Bắc chính là cái nôi, nuôi dưỡng cách mạng.
*Về nghệ thuật:
-Thể thơ lục bát, âm điệu tha thiết, sâu lắng. Hình ảnh, từ ngữ chọn lọc, các phép tu từ: nhân hoá, liệt kê, điệp từ.
– Giọng thơ thay đổi linh hoạt: Lúc trầm lắng, lúc mạnh mẽ, mãnh liệt trong niềm vui, khiến độc giả như đang hòa mình vào niềm vui lớn của dân tộc, niềm vui trọn vẹn khi đất nước giành chiến thắng.
c. Nhận xét chất trữ tình chính trị của đoạn thơ:
– Biểu hiện:
+Chất chính trị của đoạn thơ: Nhà thơ làm sống lại những năm tháng kháng chiến chống Pháp gian khổ mà hào hùng của dân tộc ta. Thiên nhiên, trong đó có rừng cây, núi đá đã cùng bộ đội ta đánh giặc. Việt Bắc như người mẹ yêu thương che chở cho quân dân ta, đồng thời là mồ chôn dành cho thực dân Pháp. Mặt khác, đoạn thơ còn ghi lại những địa danh, những trận đánh đi vào lịch sử chiến thắng vinh quang của dân tộc.
+ Chất trữ tình của đoạn thơ: thể hiện qua nỗi nhớ, là tình cảm cách mạng trong hoài niệm của người cán bộ về xuôi. Năm tháng đi qua nhưng kỉ niệm về kháng chiến không phai mờ trong tâm trí của mọi người. Nhà thơ Tố Hữu đã hoá thân vào cả hai nhân vật “mình,ta”để bộc lộ cảm xúc vui mừng, tự hào. Mừng vì cuộc chiến tranh nhân dân đã thắng lợi nhờ đóng góp lớn lao của nhân dân và sự hi sinh của bao chiến sĩ. Tự hào vì ta đã làm chủ đất trời, chiến trận.
-Ý nghĩa: Chất trữ tình chính trị trong đoạn thơ đã hoà quyện với nhau được diễn đạt bằng thể thơ lục bát với âm điệu, giọng thơ vừa ngọt ngào vừa hào hùng, tràn ngập cảm hứng lãng mạn cách mạng. Tất cả đã góp phần thể hiện tấm lòng thuỷ chung cách mạng, ca ngợi và biết ơn nhân dân Việt Bắc trong nỗi nhớ của người về xuôi, đem lại niềm tin vào cách mạng và kháng chiến trong cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng của dân tộc.
3.3.Kết bài: 0.25
     – Kết luận về nội dung, nghệ thuật vẻ đẹp của đoạn thơ;
– Bài học cuộc sống từ đoạn thơ: tình yêu thiên nhiên và con người, niềm tự hào dân tộc, lòng biết ơn nhân dân…
(4.00)
4. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
( 0,25)
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
( 0,25)

 
 
 
 

, , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *