TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÀO CAI ——————- ĐỀ THI ĐỀ XUẤT |
KỲ THI OLYMPIC HÙNG VƯƠNG NĂM HỌC 2018 – 2019 Môn: Ngữ văn 10 Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề) (Đề thi gồm có 01 trang, 02 câu) |
Câu 1 (8.0 điểm):
Suy nghĩ của anh/chị về bài học được rút ra từ câu chuyện sau:
BỌ CẠP & NHÀ SƯ
Thiền sư nhìn thấy một con bọ cạp bị ngộp nước nên định vớt lên. Nhưng khi vớt thì ông bị cắn. Vì đau, ông phải thả ra nên bọ cạp lại rơi chìm xuống nước. Nhà sư lại cố kéo lên, và lại bị cắn. Chú tiểu đứng nhìn nãy giờ mới lại gần nói: “Lạy Phật, sao sư phụ “cứng đầu” thế! Sư phụ không biết là hễ cố vớt nó lên là nó lại cắn sư phụ à?”
Nhà sư trả lời: “Tánh của bọ cạp là cắn; nhưng nó chẳng thay đổi được cái tánh giúp đời của ta.” Rồi ông lấy một ngọn lá để vớt con bọ cạp ra.
*Tánh: Tính (tánh nết: tính nết)
Theo https://www.vienchuyentu.com/thien-su-va-bo-cap/
Câu 2 (12.0 điểm):
“Tác giả tôi không sống trên ngọn hải đăng tỏa ánh sáng trong sạch, phát hiện ra cái dơ bẩn ở quanh mình, để rồi khi sáng ngời lên vì trong sạch, anh ta lên tiếng chửi mắng cái dơ bẩn ấy. Tác giả tôi sống trên đất đã làm nên anh ta, đau nỗi đau của đất đã làm nên anh ta.”
(Heinrich Boll, trích “Những vấn đề với tình anh em”, Tiểu luận chính trị)
Từ nhận định trên, anh/chị có suy nghĩ gì về cái nhìn của người nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống?
————————Hết————————-
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÀO CAI ——————- ĐỀ THI ĐỀ XUẤT |
KỲ THI OLYMPIC HÙNG VƯƠNG NĂM HỌC 2018 – 2019 Môn: Ngữ văn 10 Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề) (Đề thi gồm có 01 trang, 02 câu) |
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÀO CAI ——————- ĐỀ THI ĐỀ XUẤT |
KỲ THI OLYMPIC HÙNG VƯƠNG NĂM HỌC 2018 – 2019 HƯỚNG DẪN CHẤM Môn: Ngữ văn 10 Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề) (Hướng dẫn chấm gồm: 04 trang) |
- Yêu cầu chung:
- Thí sinh có thể trình bày thao các chách khác nhau nhưng phải đảm bảo nội dung chính, chấp nhận bài viết có những ý ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng, lí lẽ thuyết phục, trân trọng bài làm của học sinh, khuyến khích những bài văn sáng tạo, có cách kiến giải riêng hợp lí, thuyết phục, có thể bỏ qua những lỗi nhỏ về kỹ năng hoặc có ý chưa sâu so với đáp án.
- Chỉ có điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiến thức lẫn kỹ năng.
- Giảm khảo cần trừ điểm đối với những lỗi chính tả, ngữ pháp, hành văn.. trong bài viết.
- Căn cứ vào hướng dẫn chấm, giám khảo có thể chia điểm lẻ trong mỗi câu chi tiết đến 0,25 điểm. Bài thi không làm tròn điểm.
- Yêu cầu cụ thể:
Câu 1 (8.0 điểm)
- Về kĩ năng:
Biết làm văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí; bài viết có bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ; diễn đạt mạch lạc, lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; chữ viết rõ ràng, sạch đẹp.
- Về kiến thức:
– Hiểu đúng ý ý kiến, rút ra nhận thức phù hợp.
– Thí sinh có thể trình bày những quan điểm riêng, nhưng cần có lí lẽ và căn cứ xác đáng, thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
– Học sinh có thể trình bày và diễn đạt theo những cách khác nhau song cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
Ý | Nội dung chính cần đạt | Điểm | |
1 | Giới thiệu vấn đề nghị luận rõ ràng, chính xác, hấp dẫn | 0,5 | |
2 | Giải thích, rút ra ý nghĩa câu chuyện: | 2,0 | |
– Tóm tắt câu chuyện: Vị thiền sư tìm mọi cách để giúp chú bọ cạp khỏi bị ngộp nước, cho dù bị bọ cạp cắn đau vẫn không từ bỏ ý định của mình. – Nhà sư lý giải hành động của mình: “Tánh của bọ cạp là cắn; nhưng nó chẳng thay đổi được cái tánh giúp đời của ta.” + Tánh: bản tính – điều thuộc về bản chất cốt tủy của người hay vật. + Bản tính của nhà sư là giúp đời, từ bi, lương thiện; bản tính phòng vệ của bọ cạp là cắn. Bản tính của nhà sư và bọ cạp dù mâu thuẫn, đối lập, nhưng điều đó không làm thay đổi bản tính của nhà sư. => Ý nghĩa câu chuyện: Đừng thay đổi bản tính tốt đẹp vốn có cho dù bạn có bị tổn thương vì lòng tốt của chính mình. |
|||
3 | Bình luận, lý giải, chứng minh | 3,0 | |
* Khẳng định ý nghĩa câu chuyện sâu sắc, nhân văn, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của con người và cuộc sống. * Lý giải: – Mỗi người hay vật đều có bản tính riêng của mình để có thể sinh tồn. Khác với nhiều loài vật chỉ có bản năng phòng vệ để tồn tại, con người còn mang bản chất xã hội để hòa hợp chung sống giữa cộng đồng. Sự lương thiện, lòng tốt chính là một bản chất xã hội đó. – Lòng tốt, bản chất thiện lương của con người được thể hiện trong suy nghĩ và hành xử giữa cuộc sống hàng ngày, trong những tình huống cụ thể: biết chia sẻ, giúp đỡ người khác nhất là trong hoạn nạn khó khăn… – Bản chất tốt đẹp của con người mang nhiều ý nghĩa: khẳng định giá trị người, phẩm chất người, vẻ đẹp người; giúp ta có cuộc sống thanh thản, nhẹ nhõm, hạnh phúc, an vui; được mọi người quý mến, kính trọng; lan tỏa những điều tốt lành trong cộng đồng… – Đôi khi lòng tốt cũng khiến ta bị tổn thương vì không được thấu hiểu, vì không phải ai cũng đem lòng tốt mà đối đãi với người khác… Điều đó dễ khiến con người thất vọng. Song nếu vì thế mà từ bỏ thiện tâm của mình thì ta sẽ đánh mất mình, đó là điều vô cùng đáng tiếc. Vậy nên, thay vì từ bỏ lòng nhân ái của mình, nên cẩn trọng hơn trong hành xử để vẫn giúp được người mà không làm mình bị tổn thương, như cái cách nhà sư trong câu chuyện lấy lá vớt bọ cạp ra khỏi nước. Đồng thời, rõ ràng là, nhân hậu rất cần cả lòng dũng cảm, bản lĩnh sống để mạnh mẽ hướng thiện và hướng thượng. * Chứng minh: chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu. |
|||
4 | Bàn luận, mở rộng nâng cao vấn đề | 1,0 | |
– Phê phán những người vô tình, vô tâm, vô cảm với khó khăn, hoạn nạn của người khác, bỏ mặc không động lòng trắc ẩn, không giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn. Xã hội sẽ trở nên thiếu nhân bản, nhân văn biết bao nhiêu. – Để có thể giữ vững bản tính lương thiện, con người cần có hiểu biết (để biết cách giúp người thông minh nhất), cần có bản lĩnh (để bị tổn thương mà vẫn không từ bỏ bản tính của mình) và cả sự tỉnh táo (để không bị lợi dụng)… |
|||
5 | Rút ra bài học nhận thức và hành động | 1,0 | |
HS tự rút ra bài học. | |||
6 | Kết thúc vấn đề: Đúng, lắng đọng, sâu sắc | 0,5 | |
Câu 2 (12.0 điểm)
- Về kĩ năng:
– Thí sinh phải huy động kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bình luận, cảm thụ văn chương của mình để làm bài.
– Bài viết có văn phong sáng rõ, bố cụ rõ ràng, hợp lý, lập luận và dẫn chứng thuyết phục, diễn đạt lưu loát, biết vận dụng kết hợp các thao tác lập luận hiệu quả.
– Thể hiện tốt năng khiếu viết văn, có sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách viết.
- Về kiến thức:
– Thí sinh xác định đúng vấn đề cần bàn luận: Yêu cầu của tiếp nhận văn học đối với độc giả.
– Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo những ý sau:
Ý | Nội dung chính cần đạt | Điểm |
1 | Giới thiệu vấn đề nghị luận rõ ràng, chính xác, hấp dẫn | 0,5 |
2 | Giải thích ý kiến | 2,0 |
-“sống trên ngọn hải đăng tỏa ánh trong sạch”:cái nhìn hiện thực từ bên ngoài, đứng bên trên hiện thực và phán xét. -“sống trên đất đã làm nên anh ta”, “đau nỗi đau của đất đã làm nên anh ta”: cái nhìn của người nghệ sĩ đứng bên trong hiện thực để quan sát, dấn thân, trải nghiệm, dùng chính nỗi đau của bản thân để phản ánh hiện thực. -> Vấn đề nghị luận: Nhận định của Heinrich Boll nhắc đến vấn đề cái nhìn và cũng là thái độ tiếp cận của người nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống: người nghệ sĩ không đứng ngoài hiện thực, đứng trên hiện thực để phán xét như người ngoài cuộc, mà cần phải dấn thân để quan sát hiện thực từ bên trong, dưới cái nhìn của người trong cuộc. |
||
3 | Bình luận, lý giải | 4,0 |
* Khẳng định ý kiến đúng, xác đáng. * Lý giải: – Văn học chính là tấm gương phản ánh cuộc sống, hiện thực chính là nguồn chất liệu, nguồn cảm hứng bất tận của tác phẩm văn học. Không có tác phẩm nào không phản ánh cuộc sống và do vậy không nhà văn nào có thể sáng tác nếu không gắn mình với hiện thực cuộc sống. -Nhận định của Heirich Boll còn nhấn mạnh hơn đến việc lựa chọn cách tiếp cận, đến vấn đề “đôi mắt” của tác giả đối với hiện thực cuộc sống. Tác giả không thể thành công nếu tự cho mình cao hơn hiện thực, thoát ly khỏi hiện thực để phán xét nó. Linh hồn thực sự của tác phẩm nằm ở chính trải nghiệm của nhà văn, ở cách anh ta dùng nỗi đau của mình để hiểu nỗi đau của người. -Hơn nữa, vai trò, sứ mệnh của người nghệ sĩ rất cao cả, họ là “người cho máu”, là người “nâng giấc cho những kẻ cùng đường tuyệt lộ” (Nguyễn Minh Châu), nhà văn không phải là kẻ phán xét mà trước hết tác giả phải là người dấn thân. Việc đứng ngoài phán xét chỉ mang đến những trang văn đầy định kiến và tàn nhẫn, chỉ sự dấn thân, thấu hiểu mới mang đến giá trị “nhân đạo từ trong cốt tủy” (Sê-khốp) và do vậy tác phẩm mới có được sức sống lâu bền. -Cái nhìn của người trong cuộc, việc “đau nỗi đau của đất làm nên anh ta” không hẳn là người nghệ sĩ phải dùng chính chất liệu cuộc đời mình để làm nên tác phẩm văn học, mà nó nhấn mạnh đến việc dù viết về ai, viết về việc gì, viết về vấn đề gì, người nghệ sĩ đều phải thể nghiệm, đặt mình vào vị trí của người trong cuộc để cảm nhận thấu đáo, sâu sắc, để thấu hiểu tường tận, cặn kẽ bản chất của sự việc. |
|
|
4 | Chứng minh | 4,0 |
5 | Bàn luận, mở rộng nâng cao | 1,0 |
– Sự phản ánh hiện thực không bao giờ là sự sao chép vô hồn, mà bao giờ cũng in đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ, cho nên cùng là “cái nhìn trong cuộc”, nhưng mỗi người nghệ sĩ sẽ có những góc nhìn khác nhau, có một cách quan sát độc đáo không trùng lặp, mang đậm “dấu vân tay nghệ thuật” của riêng mình. -“Cái nhìn” của người nghệ sĩ chỉ được truyền tải một cách trọn vẹn khi nó có được một hình thức nghệ thuật phù hợp, độc đáo và đặc sắc. |
||
6 | Khái quát vấn đề: Đúng, lắng đọng, có chiều sâu | 0,5 |
Giáo viên ra đề: Bùi Thị Thanh Hoa