Đề thi thử THPT Quốc gia môn văn 2018 dạng liên hệ Vợ chồng A Phủ- Hai đứa trẻ

SỞ GD&ĐT PHÚ THỌ
NHÓM GV HUYỆN HẠ HÒA
ĐỀ KHẢO SÁT ÔN TẬP
Môn: Ngữ văn
 
 
Thời gian làm bài 120 phút, không kể thời gian giao đề
(Đề thi có 02 trang)

Phần Đọc hiểu (3,0 điểm): Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi
Khách mù màu bật khóc khi lần đầu nhìn màu của mùa thu
Cả khu rừng thay lá vào mùa thu là khung cảnh tuyệt đẹp song du khách mắc chứng mù màu khó có thể thưởng thức. Do đó, ngày 1/11, Sở phát triển Du lịch của bang Tennessee, Mỹ quyết định đặt các ống ngắm đặc biệt tại ba điểm quan sát phổ biến nhất, cho phép du khách dễ dàng tận hưởng sự rực rỡ của khu rừng, Fox News đưa tin. Những chiếc kính này giúp cho du khách giảm bớt sự thiếu hụt màu đỏ và xanh, dễ dàng ngắm toàn cảnh đẹp.
Nhiều du khách tỏ ra thích thú khi được quan sát cảnh đẹp qua ống kính. Jim Nichols là du khách bị mù màu nặng. Khi được tận hưởng cảnh đẹp qua lăng kính đặc biệt, anh đã quay một video và đăng tải lên Facebook, khen ngợi công nghệ này hoạt động tốt. Anh nói: “Tôi chỉ ước rằng có thể nhìn cảnh này suốt cả cuộc đời. Tôi rất vui sướng khi ngắm được cảnh sắc ở đây. Nó giống như điều tôi tưởng tượng, sự khác biệt giữa mặt đất và thiên đường”. Một du khách bị mù màu khác cho biết, cuối cùng ông cũng hiểu được vẻ đẹp thực sự của cảnh lá chuyển màu. “Bây giờ, tôi thực sự biết tại sao mọi người ở các bang khác đi chặng đường dài tới đây ngắm cảnh”. Nhiều du khách mù màu khác đã bật khóc khi lần đầu được nhìn thấy những màu sắc như người bình thường.
Theo trang web của Sở, ba địa điểm kính được lắp đặt là khu bờ sông, lưu vực Big South Fork, gần Oneida, Ober Gatlinburg ở Gatlinburg và xa lộ Interbound 26 về phía Erwin, hạt Unicoi. Kevin Triplett, ủy viên Sở phát triển Du lịch của bang cho biết: “Đỏ, cam và vàng vào mùa thu là yếu tố quan trọng khi mọi người nghĩ về Tennessee và khiến họ ghé thăm. Nhưng có tới hơn 13 triệu người trên khắp cả nước sẽ không thể tự mình đánh giá được vẻ đẹp này”.
(Theo Khách mù màu bật khóc khi lần đầu nhìn màu của mùa thu, Vnexpress, 5/11/2017)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ được dùng trong văn bản trên.
Câu 2. Khi lần đầu được nhìn thấy những màu sắc như người bình thường, nhiều du khách có phản ứng như thế nào ?
Câu 3. Anh/chị có đánh giá gì về việc làm của Sở phát triển Du lịch của bang Tennessee, Mỹ trong văn bản trên ?
Câu 4. Theo anh/chị, có thể học được điều gì về cách ứng xử với những người không may gặp khiếm khuyết trên cơ thể từ văn bản trên ?
Phần Làm văn
Câu 1 (2 điểm)
 Khi hiện tượng sống ảo, sống vội đang khiến dư luận lo ngại thì hình ảnh nhiều người lớn tuổi bật khóc khi lần đầu nhìn màu của mùa thu trong văn bản trên gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì ?
(Trình bày trong một đoạn văn khoảng 200 chữ).
Câu 2 (5 điểm)
Cảm nhận của anh/ chị về niềm khao khát muốn đi chơi của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài). Từ đó, liên hệ với niềm mong đợi chuyến tàu đêm đi qua phố huyện của chị em Liên, An (Hai đứa trẻ – Thạch Lam) và nhận xét quan niệm của mỗi nhà văn về cuộc sống có ý nghĩa.
 
………………Hết…………………
Gợi ý
Phần Đọc hiểu (3,0 điểm):
Câu 1. Phong cách ngôn ngữ báo chí. (0,5 điểm)
Câu 2. Khi lần đầu được nhìn thấy những màu sắc như người bình thường, nhiều du khách tỏ ra thích thú, xúc động, thậm chí nhiều người đã bật khóc. (0,5 điểm)
Câu 3. Việc làm của Sở phát triển Du lịch của bang Tennessee, Mỹ thật sự có ý nghĩa nhân văn tốt đẹp: thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch, tạo điều kiện cho những người bị mắc bệnh mù màu có cơ hội thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống; cổ vũ cho sự ứng dụng thành tựu khoa học kĩ thuật để nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người. (1,0 điểm).
Câu 4. Có thể trình bày ý kiến khác nhau, song cần thể hiện thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa, tôn trọng con người. Ví dụ: tôn trọng những người không may gặp khiếm khuyết trên cơ thể, tạo điều kiện để họ sống, sinh hoạt, lao động như những người bình thường khác, đối xử bình đẳng và nhân ái với những người yếu thế, không may mắn…
Phần Làm văn
Câu 1 (2 điểm)

  1. Yêu cầu về hình thức (0,25 điểm)

– Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận.
– Vận dụng các thao tác lập luận và hiểu biết xã hội để bày tỏ ý kiến cá nhân về vấn đề nghị luận.

  1. Yêu cầu về nội dung

Có thể triển khai một số ý sau:
– Hình ảnh những người khuyết tật đã lớn tuổi bật khóc khi nhìn thấy màu sắc chân thực của thế giới tự nhiên diễn tả nỗi xúc động chân thành, sự gắn bó của con người với thiên nhiên và cuộc sống.
– Con người cần sống gắn bó, hài hòa với thiên nhiên, với đời sống thực để cảm nhận, trải nghiệm những cảm xúc chân thành, sâu sắc.
– Cần biết tránh xa lối sống thờ ơ, vô cảm; đóng kín, bó hẹp; tránh sống ảo
– Cần biết hòa hợp cuộc sống riêng và chung, biết trân trọng và bảo vệ thiên nhiên.
Câu 2 (5 điểm)

  1. Yêu cầu về hình thức (0,5 điểm)

– Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Vận dụng tốt các thao tác lập luận.
– Kết hợp hài hòa lí lẽ với dẫn chứng.
– Có những sáng tạo trong diễn đạt.

  1. Yêu cầu về nội dung (4,5 điểm).
  2. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm. (0,5 điểm)
  3. Cảm nhận về niềm khao khát muốn đi chơi của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (2,25 điểm)

– Giới thiệu sơ lược về đặc điểm con người và số phận đau khổ của Mị trong nhà Pá Tra.
– Vài nét về bối cảnh nhân văn của thiên nhiên và cuộc sống, sinh hoạt ở Hồng Ngài trong mùa xuân.
– Diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị: nhẩm thầm bài hát – uống rượu và say – sống dậy những ngày quá khứ tươi đẹp và thức tỉnh tình cảnh thê thảm ở thực tại – muốn chết và muốn đi chơi.
– Niềm khao khát được đi chơi là biểu hiện cho sức sống, khao khát tự do, ý thức làm người bấy lâu bị tê liệt nay đã hồi sinh ở Mị.

  1. Liên hệ với niềm mong đợi chuyến tàu đêm đi qua phố huyện của chị em Liên, An (1,0 điểm)

– Hai chị em Liên An từng có những ngày tuổi thơ tươi đẹp ở Hà Nội, nay vì gia cảnh sa sút mà phải sống buồn lặng, tăm tối ở phố huyện nghèo. Mỗi ngày, hai chị em chỉ có một niềm vui duy nhất: ngắm nhìn chuyến tàu đêm từ Hà Nội qua phố huyện.
– Điểm giống nhau: Các nhân vật đều khao khát thoát khỏi thực tại buồn chán, tăm tối trói buộc sự sống; đều khao khát được đổi thay, được sống có ý nghĩa hơn.
– Điểm khác nhau:
+ Chị em Liên, An là những đứa trẻ, niềm mong ước đổi thay còn nhỏ bé, mơ hồ, mong manh.
+ Niềm khao khát được đi chơi ở Mị chuyển hóa thành những hành động cụ thể; dù không thành nhưng là bước đột phá trong sự vận động tâm lí nhân vật, tạo chuyển biến cho hành động trốn khỏi nhà Pá Tra ở đêm mùa đông năm sau.

  1. Nhận xét quan niệm của mỗi nhà văn về cuộc sống có ý nghĩa. (0,5 điểm)

– Với Thạch Lam: Viết về đề tài thị dân nghèo, quan tâm đến mảnh đời nhỏ bé, thương xót cho những kiếp người vô danh nhất là những em bé nên ao ước cuộc sống tốt đẹp, tươi sáng hơn. Nhưng nhà văn lãng mạn – dù có cái nhìn gắn với thực tại đời sống – chưa tìm được lối thoát cho nhân vật.
– Với Tô Hoài: Viết về đề tài cuộc sống của người lao động trong xã hội cũ nhưng có cách nhìn, cách lí giải mới gắn với đổi thay trong tư tưởng của nhà văn, vì thế, cuộc sống có ý nghĩa là cuộc sống được tự do, được sống trong niềm vui sống của tuổi trẻ.

  1. Đánh giá (0,25 điểm)

– Về nhân vật Mị
– Về giá trị nhân đạo của hai tác phẩm.

, , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *