Bàn về thơ Tố Hữu, có ý kiến cho rằng: Nghệ thuật trong thơ Thơ Tố Hữu thể hiện tính dân tộc rất đậm đà. Lại có ý kiến cho rằng: Thơ Tố Hữu mang màu sắc trữ tình – chính trị. Hãy phân tích đoạn thơ dưới đây làm sáng tỏ hai ý kiến trên.
– Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
– Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, trang 109)
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Mục lục
Mở bài Việt Bắc
− Giới thiệu vấn đề nghị luận
+ Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai của dân tộc ta thắng lợi được nhân loại tiến bộ vinh danh là “cuộc chiến tranh thần thánh”. Tính thần thánh, huyền thoại ấy được biểu hiện ở đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng suốt, ở lòng yêu nước, lí tưởng độc lập – tự do, ở tinh thần kiên cường, dũng cảm của quân dân ta. Với một lực lượng nhỏ bé, vũ khí thô sơ, chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, quân ta phải đối diện trước bọn thực dân Pháp binh hùng, tướng mạnh, vũ khí hiện đại… Vậy mà cuối cùng dân tộc ta đã chiến thắng. Một trong những nguyên nhân thắng lợi là sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, sức mạnh của tình dân với cách mạng, tình người mặn nồng, tha thiết, yêu thương, gắn bó với nhau.
+ Vẻ đẹp của khối đoàn kết toàn dân, của tình người ấy đã được nhà thơ Tố Hữu ngợi ca bằng những từ ngữ, những câu thơ, những hình tượng thẩm mĩ vô cùng ấn tượng trong đoạn trích phần một của trường ca Việt Bắc. Ngày nay, cuộc chiến đã đi qua, nhưng tình người thì còn lại mãi mãi…
− Dẫn ra vấn đề nghị luận
+ Bàn về thơ Tố Hữu, có ý kiến cho rằng: Nghệ thuật trong thơ Thơ Tố Hữu thể hiện tính dân tộc rất đậm đà. Lại có ý kiến cho rằng: Thơ Tố Hữu mang màu sắc trữ tình – chính trị.
+ Chúng ta cùng đi phân tích đoạn thơ dưới đây để làm rõ hai ý kiến trên:
– Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
– Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
Thân bài
Khái quát chung về Tố Hữu và bài Việt Bắc
− Tố Hữu là nhà thơ lớn, cánh chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp thơ ca của ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng, phản ánh những chặng đường đầy gian lao nhưng cũng rất hào hùng. Thơ ông đậm chất trữ tính – chính trị (tức là nói về chính trị nhưng lại rất trữ tình, đi sâu vào hồn người chứ không hề khô khan), giọng thơ tâm tình ngọt ngào mà tha thiết và thơ ông cũng rất đậm đà tính dân tộc.
− Tác phẩm Việt Bắc là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là thành tựu xuất sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ ra đời nhân một sự kiện lịch sử tháng 10 – l954, những người cán bộ kháng chiến rời căn cứ Việt Bắc trở về Thủ đô. Từ điểm xuất phát ấy, bài thơ ngược về quá khứ để tưởng nhớ một thời cách mạng và kháng chiến gian khổ mà anh hùng, để nói lên nghĩa tình gắn bó thắm thiết với Việt Bắc, với Đảng và Bác Hồ, với đất nước và nhân dân – tất cả là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc ta vững vàng bước tiếp trên con đường cách mạng. Nội dung ấy được thể hiện bằng hình thức đậm tính dân tộc. Bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu.
Giải thích hai nhận định về bài Việt Bắc
a. Tính dân tộc là một phạm trù mĩ học
− Tính dân tộc được biểu hiện ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Đề tài là những sự kiện xảy ra trong lịch sử dân tộc, những hiện tượng chính trị của dân tộc; chủ đề ca ngợi lòng yêu nước, khẳng định ý thức, tinh thần dân tộc; nhân vật là những con người điển hình, biểu hiện tập trung tâm lí, tính cách của cả một dân tộc… đó chính là những yếu tố nội dung in đậm tính dân tộc trong một tác phẩm văn học. Tác phẩm ấy còn phải biểu hiện được sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và cách tân, dân tộc và hiện đại khi sử dụng linh hoạt những yếu tố hình thức như thể loại, ngôn ngữ, hình ảnh…
− Biểu hiện của tính dân tộc trong thơ Tố Hữu: đó là việc Tố Hữu vận dụng sáng tạo thể thơ lục bát, lối đối đáp quen thuộc trong ca dao, đại từ nhân xưng “mình – ta”, chất liệu văn hóa dân gian, hình ảnh, từ ngữ đậm đà phong vị dân gian.
b. Màu sắc trữ tình – chính trị
− Thơ Tố Hữu đúng là thơ chính trị, bởi đề tài trong thơ Tố Hữu là những vấn đề chính trị, hồn thơ Tố Hữu luôn hướng tới “cái ta” chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn và niềm vui lớn của Đảng, dân tộc, cách mạng.
− Nhưng thơ Tố Hữu cũng rất đỗi trữ tình. Tố Hữu đã đưa thơ trữ tình chính trị lên đến đỉnh cao. Có được điều ấy là nhờ những vấn đề chính trị trong thơ Tố Hữu đã được chuyển hóa thành những vấn đề của tình cảm, cảm xúc rất mực tự nhiên, chân thành, đằm thắm với một giọng thơ ngọt ngào, tâm tình, giọng của tình thương mến.
Phân tích đoạn thơ làm sáng tỏ hai ý kiến
a. Nghệ thuật trong thơ Thơ Tố Hữu thể hiện tính dân tộc rất đậm đà
− Đoạn thơ thể hiện ở việc vận dụng sáng tạo thể thơ lục bát quen thuộc trong ca dao, dân ca của dân tộc tạo nên nhịp điệu nhịp nhàng, giọng điệu tha thiết:
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
Tất cả gợi nhớ đến những câu dao, dân ca về tình yêu đôi lứa.
− Lối đối đáp “mình – ta” được vận dụng sáng tạo. Trong ca dao về tình yêu đôi lứa, “mình – ta” thường là chàng trai hoặc cô gái. Còn trong thơ Tố Hữu, “mình – ta” là cán bộ về xuôi và người dân Việt Bắc. Mục đích của việc sử dụng lối đối đáp này nhằm thể hiện tình cảm gắn bó mật thiết giữa người đi (cán bộ) và người ở (người dân Việt Bắc) sau “mười lăm năm” gắn bó.
− Tính dân tộc còn thể hiện ở việc thể hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn qua câu thơ:Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.
− Đại từ phiếm chỉ “ai” quen thuộc trong ca dao được sử dụng trong câu: Tiếng ai tha thiết bên cồn gợi bao nỗi niềm xao xuyến, lưu luyến của người đi.
− Hình ảnh ẩn dụ “áo chàm” trong câu thơ: Áo chàm đưa buổi phân li là trang phục quen thuộc của đồng bào Việt Bắc. Chiếc “áo chàm” không chỉ gợi nhớ đồng bào Việt Bắc mà còn gợi nhớ bao nghĩa tình, gắn bó giữa bộ đội và đồng bào nơi đây.
b. Thơ Tố Hữu mang màu sắc trữ tình – chính trị
− Đoạn trích trên đây đề cập đến sự kiện lịch sử là cuộc chia tay giữa những người cán bộ kháng chiến với nhân dân Việt Bắc tháng 10 – 1954, cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng ân tình cách mạng, niềm biết ơn sâu sắc với Đảng, Bác Hồ, căn cứ địa cách mạng, nhân dân trong suốt “mười lăm năm” gắn bó.
− Đồng thời, cuộc chia tay trọng đại giữa người đi – kẻ ở diễn ra đầy lưu luyến, bịn rịn sau “mười lăm năm” gắn bó. Cán bộ về xuôi, đồng bào Việt Bắc, kẻ ở, người đi đã xưng hô một cách mộc mạc, giản dị thân thiết: “ta – mình”:
+ Cách xưng hô như vậy thắm thiết yêu thương gợi nhớ những khúc hát ca dao của đôi lứa. Cuộc chia tay lớn mang ý nghĩa lịch sử trọng đại bỗng ùa về trong dáng dấp của cuộc biệt li giữa những đôi lứa yêu nhau.
+ Âm điệu thơ, lời thơ vừa xao xuyến, bâng khuâng vừa da diết, khắc khoải. Bao kỉ niệm, nghĩa tình suốt mười lăm năm gắn bó nén lại trong mấy chữ: “tha thiết”, “mặn nồng”.
− Hàng loạt điệp từ, điệp cấu trúc đan kết vào nhau khiến điệu thơ da diết, quyến luyến, hằn sâu một nỗi nhớ thương. Đặc biệt là từ “nhớ” điệp lại bốn lần. Đáp lại lời nhắn nhủ tha thiết của đồng bào chiến khu là sự im lặng lắng nghe của đồng bào miền xuôi. Im lặng mà cõi lòng bồi hồi xúc động: Tiếng ai tha thiết bên cồn. Người ở lại gợi nhắc kỉ niệm tha thiết, mặn nồng, người ra đi lắng nghe được tiếng ai tha thiết bên cồn. Kẻ ở, người đi thực sự tâm đầu, ý hợp, trái tim có lẽ đã hòa chung một nhịp nên mới có sự hiểu thấu đồng điệu như vậy.
− Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi. Câu thơ tám chữ ngắt nhịp 4/4 chia hai vế cân xứng. Một vế bộc lộ nội tâm, một vế bộc lộ dáng vẻ. Tất cả cùng chung cảm xúc lưu luyến nhớ thương.
− Hình ảnh đồng bào Việt Bắc trong buổi chia li hiện lên qua cái nhìn của cán bộ kháng chiến thật giản dị, gần gũi với màu “áo chàm” thân thương. Màu “áo chàm” ấy ghi dấu truyền thống nghĩa tình thủy chung của đồng bào chiến khu.
− Câu thơ: Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay gợi cảnh chia tay đầy xúc động. Đồng bào và cán bộ, kẻ ở −người đi, tay trong tay trao hơi ấm, yêu thương, quyến luyến, bịn rịn không nỡ buông rời. Có khác nào nỗi biệt li của những lứa đôi yêu nhau thắm thiết.
Bình luận hai ý kiến
− Hai ý kiến trên tuy nhận xét về hai phương diện khác nhau: ý kiến thứ nhất nhận xét về nghệ thuật biểu biệu trong thơ Tố Hữu; ý kiến thứ hai nhận xét về phong cách thơ trữ tình – chính trị trong thơ ông. Nhưng cả hai ý kiến lại nhận xét chính xác về nghệ thuật biểu hiện cũng như phong cách thơ của Tố Hữu.
− Hai ý kiến không trái ngược nhau, mà còn bổ sung cho nhau giúp người đọc hiểu hơn về nghệ thuật biểu hiện và phong cách thơ thể hiện trong thơ Tố Hữu cũng như về đoạn trích Việt Bắc.
Kết bài
− Khái quát lại vấn đề vừa nghị luận
+ Như vậy nhà thơ Tố Hữu đã thể hiện những tâm sự của mình nói riêng và của tất cả những chiến sĩ và nhân dân Việt Bắc nói chung.
+ Mười lăm năm kháng chiến với biết bao nhiêu kỉ niệm và giờ đây khi phải xa nhau thấy lòng mình thật muốn vỡ òa trong nức nở, chân không muốn rời xa. Qua đây ta thấy được tình nghĩa đoàn kết keo sơn của con người Việt Nam mà cụ thể đó là tình quân dân. Để đạt được những thắng lợi trên mặt trận ấy thì không thể nào quên ơn những người dân Việt Bắc được.
− Cảm xúc của bản thân
+ Trong câu chuyện với một nhà nghiên cứu văn học người Pháp, Tố Hữu tâm sự rằng: Mình phải lòng đất nước và nhân dân của mình. Nói về đất nước, nói về nhân dân như nói về người mình yêu. Phải chăng, tâm sự đó là những lời mà Tố Hữu nói về Việt Bắc, nói về những vần thơ chan chứa tình quân dân gắn bó, tình yêu nước thiết tha. Những tình cảm thiêng liêng ấy cứ vấn vương mãi trong lòng người đọc
Dẫn theo tài liệu thầy Nguyễn Thành Huân ( Chủ biên )
Xem thêm : việt bắc
hơi sơ sài so với 1 bài văn nghị luận