SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HẢI DƯƠNG
|
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2018-2019 MÔN: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 180 phút (không kể giao đề) (Đề thi gồm 02 câu, 01 trang) |
Câu 1 (3,0 điểm)
Schweitzer từng nói:
“Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn“.
Hãy bày tỏ quan điểm của anh (chị) về ý kiến trên.
Câu 2 (7,0 điểm)
Bàn về thơ, tác giả Xuân Diệu có ý kiến:
“Người đọc thơ muốn rằng, thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo càng hay”.
Anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí (Nguyễn Du) và đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích”Chinh phụ ngâm” – Đặng Trần Côn, dịch giả: Đoàn Thị Điểm).
————————-Hết————————
(Thí sinh không sử dụng tài liệu, cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)
Họ và tên thí sinh………………………………………….Số báo danh…………………………….
Chữ kí giám thị số 1………………………………….Chữ kí giám thị số 2……………………….
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HẢI DƯƠNG |
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2018-2019 MÔN: NGỮ VĂN ( Hướng dẫn chấm gồm 05 trang) |
YÊU CẦU CHUNG
– Giám khảo phải nắm chắc phương pháp và nội dung kiến thức của từng dạng câu trong đề để có sự đánh giá khách quan, chính xác.
– Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
– Sau khi cộng điểm toàn bài, không làm tròn số, để điểm lẻ đến 0,25.
YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu 1(3,0 điểm)
Về kĩ năng
– Biết cách làm bài nghị luận xã hội, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục, văn viết mạch lạc, trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ hoặc đặt câu.
Về kiến thức
– Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các nội dung cơ bản như sau:
Ý | Nội dung | Điểm |
1 | Nêu được vấn đề cần nghị luận hợp lí, rõ ràng. | 0,25 |
2 | Giải thích. | 0,5 |
– Sống vì người khác là lối sống biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương; biết bỏ qua những lợi ích của bản thân để chăm lo cho hạnh phúc của người khác, sống vì lợi ích của người khác. – Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác nghĩa là khi ta chọn lối sống hi sinh cuộc sống của ta có thể sẽ có những vất vả, khó khăn, phải đối mặt với nhiều thử thách, thậm chí có thêm những rắc rối, rủi ro. – Nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn. Lối sống vì người khác là cách sống cao quý, đáng trân trọng, mang đến cho mọi người những điều tốt đẹp. à Câu nói chỉ ra giá trị của lối sống vì người khác. |
||
3 | Phân tích, lí giải. | 1,25 |
* Sống vì người khác có thể làm cho cuộc sống của bản thân trở nên khó khăn hơn: – Sống vì người khác đôi khi phải chịu những thiệt thòi, phải hi sinh những quyền lợi của cá nhân, phải dành cả những điều tốt đẹp cho người khác. Vì người khác mà có thể phải nhận về mình những điều không thuận lợi, may mắn, cơ hội có thể sẽ qua mất. – Sống vì người khác còn có thể bị hiểu lầm, nghi ngờ, liên lụy,… * Sống vì người khác tuy khó khăn nhưng cuộc sống sẽ trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc: – Sống vì người khác là lối sống vị tha, có ý nghĩa lớn lao cho xã hội. Đó là cách hành xử đẹp giúp cho các mối quan hệ trở nên hài hòa, thân thiện. Nếu ai cũng biết sống vì người khác thì những hận thù, ích kỉ,…sẽ bị đẩy lùi, cuộc sống sẽ đầy yêu thương và ấm áp. – Đó là biểu hiện của nhân cách đẹp, con người sẽ nhận được sự quý mến, trân trọng, ngưỡng mộ của người khác. Cách sống đó mang lại hạnh phúc cho chính mình, tìm thấy sự bình an, tự tại trong lòng. – Lối sống biết hi sinh còn giúp mỗi người rèn được khả năng nhẫn nại, ý chí, nghị lực,… (Học sinh lấy dẫn chứng để làm sáng tỏ) |
0,5 0,75 |
|
4 | Bàn luận mở rộng. | 0,5 |
– Mỗi con người cần xác định cho mình lối sống tích cực, biết sống vì người khác nhưng cần có sự sáng suốt, trí tuệ, tránh những hi sinh mù quáng vừa không giúp được cho người khác lại không có lợi cho bản thân. – Cũng cần có sự dung hòa giữa cách sống vì người khác với hạnh phúc của bản thân. |
|
|
5 | Bài học nhận thức và hành động. Khái quát lại vấn đề. | 0,5 |
– Lên án, phê phán lối sống thực dụng, ích kỉ, hẹp hòi, toan tính. – Khích lệ, biểu dương những tấm gương có trái tim vị tha, luôn biết cống hiến những điều tốt đẹp. |
Câu 2 (7,0 điểm)
Về kĩ năng:
– Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, vận dụng tốt kiến thức lí luận văn học.
– Biết cách chọn và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
– Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Về kiến thức:
– Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các ý cơ bản sau:
Ý | Nội dung | Điểm |
1 | Giới thiệu vấn đề cần nghị luận | 0,25 |
2 | Giải thích | 0,5 |
– “Thơ”: là thể loại văn học thuộc phương thức trữ tình nghiêng về thể hiện thế giới nội tâm của con người, được tổ chức qua hình thức ngôn ngữ đặc biệt gợi hình, gợi cảm, giàu nhạc điệu. – “Thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống”: thơ ca phải bắt nguồn từ hiện thực đời sống. Hiện thực cuộc đời vừa là nơi cung cấp chất liệu vừa là mạch nguồn nuôi dưỡng thơ ca. – “Đi qua một tâm hồn, một trí tuệ”: thơ ca phải in dấu tình cảm và tư tưởng của tác giả. Thơ ca khác với văn xuôi ở chỗ thể hiện rõ cảm xúc chủ quan của người nghệ sĩ. – “Càng cá thể, càng độc đáo, càng hay”: nhấn mạnh yêu cầu sự sáng tạo của người nghệ sĩ. à Một tác phẩm thơ cần bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, có giá trị tư tưởng sâu sắc. Nhưng tác phẩm thơ muốn độc đáo cần thể hiện rõ những dấu ấn riêng của tác giả trên phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. |
||
3 | Lí giải | 1,0 |
– Cuộc sống là điểm xuất phát, là đích đến của văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng. Thơ ca nghệ thuật luôn vận động và phát triển trong sự ràng buộc tự nhiên với đời sống xã hội. (Học sinh vận dụng kiến thức về mối liên hệ giữa văn học và hiện thực đời sống để lí giải ngắn gọn) – Cái riêng của thơ ca là luôn in đậm tình cảm, tư tưởng của người nghệ sĩ. (Học sinh vận dụng kiến thức lí luận về đặc trưng nội dung của sáng tác thơ để lí giải) – Thơ ca cũng khác các thể loại khác ở hình thức thể hiện. Mọi yếu tố hình thức của thơ ca (thể loại, ngôn ngữ, nhịp điệu, thanh điệu,…) đều cần đến sự cách điệu, độc đáo riêng biệt. (Học sinh vận dụng kiến thức lí luận về đặc trưng hình thức của thơ ca để lí giải) |
||
4 | Phân tích chứng minh | 4,5 |
4.1. Cả hai văn bản Đọc Tiểu Thanh kí và Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ đều xuất phát từ thực tại, đời sống: phản ánh số phận bất hạnh của những người phụ nữ, phơi bày hiện thực đời sống của xã hội Việt Nam thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX. – Hai văn bản cùng phản ánh số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến: + Đọc Tiểu Thanh kí dựa trên một câu chuyện có thật về cuộc đời nàng Tiểu Thanh, người phụ nữ tài sắc hơn người nhưng số phận bi kịch. + Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ phản ánh thân phận đáng thương của người phụ nữ có chồng ra trận, vì chiến tranh phi nghĩa mà hạnh phúc bị chia lìa. – Hai văn bản còn phản ánh khái quát một giai đoạn xã hội phong kiến với nhiều bất công phi lí, nhiều biến động dữ dội: + Đọc Tiểu Thanh kí mượn câu chuyện nàng Tiểu Thanh phản ánh những bất công của xã hội phong kiến nước ta thế kỉ XVIII. Từ số phận nàng Tiểu Thanh tác phẩm còn khái quát bi kịch chung của thân phận những người phụ nữ trong xã hội phong kiến và bi kịch của người tài hoa. + Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ phản ánh mặt trái của chiến tranh phi nghĩa giữa các tập đoàn phong kiến. Vì chiến tranh mà tuổi xuân của con người bị đánh mất, hạnh phúc bị tước đoạt. (Học sinh chọn phân tích những câu thơ tiêu biểu) |
1,5 0,75 0,75 |
|
4.2. Hai văn bản in dấu tâm hồn, trí tuệ của hai tác giả với những nghệ thuật biểu đạt đặc sắc. – Đọc Tiểu Thanh kí: + Bài thơ thể hiện sự xót thương của tác giả với những người phụ nữ tài hoa nhưng số phận ngang trái. Cái mới trong tư tưởng của bài thơ là không chỉ bàn về những hiện tượng hồng nhan đa truân mà tác giả còn nói đến bi kịch tài tử đa cùng. Cái mới của bài thơ còn ở chỗ từ nỗi thương người nhà thơ tự thương mình, từ chỗ khóc người nhà thơ tự khóc chính mình. Bài thơ vì thế đã manh nha thể hiện ý thức cái tôi cá nhân của một cá tính sáng tạo, đồng thời mang đến những giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. + Bài thơ được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú hàm súc, cô đọng với những hình ảnh thơ ẩn dụ mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, nghệ thuật tương phản đối lập, những câu hỏi tu từ day dứt,… Với khả năng ngôn ngữ bậc thầy, bài thơ thể hiện tầm tư tưởng của một thi nhân có con mắt trông thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời. (Học sinh chọn và phân tích những dẫn chứng tiêu biểu) – Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ: + Đoạn trích thể hiện sự đồng cảm của tác giả với số phận của những người phụ nữ có gia đình mà không được hưởng hạnh phúc một cách trọn vẹn. Thông qua nỗi đau của người phụ nữ có chồng ra trận, Đặng Trần Côn đã có sự sáng tạo trong việc thể hiện tiếng nói phản chiến. Chiến tranh không chỉ gây nỗi đau cho người ra trận mà còn gây thương tổn cho những người ở lại. Cái mới của đoạn trích còn nằm ở sự quan tâm tới quyền sống, thấu hiểu sâu sắc những nỗi đau và khát vọng về hạnh phúc của con người, đặc biệt là người phụ nữ. + Đoạn trích được dịch giả Đoàn Thị Điểm thể hiện bằng thể thơ song thất lục bát với âm hưởng mênh mang, dàn trải đầy réo rắt. Đoạn trích cũng đặc biệt thành công với nghệ thuật miêu tả tâm lí, cách sử dụng những từ láy, những phép so sánh độc đáo, phép điệp liên hoàn,…(Học sinh chọn lọc và phân tích những dẫn chứng tiêu biểu). Lưu ý: Học sinh có thể chọn cách phân tích, chứng minh khác nhau nhưng cần nêu được những yêu cầu cơ bản trên. |
3,0 1,5 1,5 |
|
5 | Bàn luận, mở rộng | 0,5 |
– Ý kiến của Xuân Diệu đã nêu lên đặc trưng của một tác phẩm văn học, cũng là yêu cầu đặt ra cho tác phẩm thơ ca. Một tác phẩm có giá trị phải gắn bó với hiện thực cuộc sống, phải chứa đựng những tâm tư tình cảm mãnh liệt, có những đóng góp mới mẻ vể tư tưởng, nghệ thuật. – Bài học đối với người sáng tác và tiếp nhận thơ ca: + Nhà thơ: phải gắn bó, có những trải nghiệm phong phú với cuộc sống, sống sâu sắc với thế giới nội tâm của mình; cần trau dồi vốn sống, lao động công phu, nỗ lực không ngừng trong hoạt động sáng tạo. + Người đọc: cần có sự đồng cảm sâu sắc, mãnh liệt với thế giới cảm xúc của tác giả, từ đó thấu hiểu giá trị tư tưởng, nghệ thuật mới mẻ, độc đáo của tác phẩm. |
||
6 | Khái quát lại vấn đề | 0,25 |