Truyện ngắn đoạt giải: Để gió cuốn đi

ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
Trần Thị Thúy Nga,
– Đồ mồ côi
– Đồ không có bố mẹ!
Tiếng cười vang lên giòn giã, những cánh tay cứ đua nhau lên chỉ vào nó và hét to. Gương mặt nó biến sắc, đồng tử nhăn lại, đôi mắt đỏ hoe. Nó thét thật to:
– Chúng mày im đi. Rồi nhanh như cắt nó lao nhanh về phía những đứa trẻ đang cười nói túm tóc và bắt đầu cuộc chiến. Toàn thân đau nhức, toàn vết bầm dập dù đã biết trước sau mỗi lần đánh nhau với tụi nó là nó sẽ như thế nhưng nó không còn cách nào khác không thể để bọn chúng nói như vậy. Nó khóc, khóc càng lúc càng to. Tại sao nó không có bố mẹ?
Những mảng kí ức ùa về khiến nó khẽ rùng mình, một giọt nước mắt lăn dài trên gò má, đưa tay lau đi giọt nước mắt ấy nó nhanh chóng ra chợ phụ bà nó dọn dẹp để chuẩn bị về. Mười hai năm trôi qua từ khi mới sáu tuổi bị bọn trẻ trêu đùa bây giờ nó đã 18 tuổi. Cái tuổi tươi đẹp, hạnh phúc của người con gái. Liệu nó có được như thế không? Nó – Trần Linh Đan, sống với bà Năm, người bà đã nhận nuôi từ khi nó mới bé tí trong căn nhà nhỏ ở cuối dãy của thị trấn. Nó đang trầm ngâm suy tư thì bị một giọng nói quen thuộc cắt ngang dòng suy nghĩ.
– Đan ơi xuống ăn cơm.
– Giọng bà Năm vang lên trầm ấm. Nó nhanh nhẹn đáp lại:
– Cháu xuống luôn.
Thu dọn đống bừa bộn trên bàn nó chạy nhanh xuống bếp. Mâm cơm đã dọn xong trên bàn. Bà là vậy đấy luôn quan tâm, chăm lo cho nó từng chút một, luôn giành cho nó tình yêu thương vô bờ bến. Cũng chính nhờ bà mà nó có ngày hôm nay, nhờ bà mà nó có thêm sức mạnh để tiếp tục cuộc sống. Bà là người tuyệt vời nhất với nó. Tiếng nói cười của hai bà cháu khiến cả căn phòng nhỏ trở nên nhộn nhịp ấm cúng.
– Cháu bà từ mai đã là học sinh lớp 12 rồi đấy!
Nó nhoẻn miệng cười đáp: Tất cả là nhờ có bà.
Bà nó chỉ cười nhẹ, đôi mắt ánh lên sự đau đớn. Mai là ngày khai giảng cuối cùng trong những năm cấp ba của nó, tự nhiên nó cảm thấy buồn.
Màn đêm buông xuống, căn phòng nhỏ đã tràn ngập bóng tối nhưng vẫn có một cô gái đang ngồi dựa lưng vào tường, tai đeo phone, mắt nhắm hờ gương mặt dường như vô cảm. Ánh sáng leo lét của chiếc đèn ngủ không đủ để soi sáng cả căn phòng nhưng đủ để ta nhìn rõ ánh mắt nhọc nhằn đang nhìn xa xăm, đủ để cho ta thấy rõ một tâm hồn đang phải gồng mình lên để chịu đựng những nỗi đau mà chỉ nó mới cảm nhận được. Lớp vỏ ngoài thật hoàn hảo để che đi vết thương tâm hồn khi hàng ngày nó nói rất nhiều và rất hay cười. Bên trong đó là cô gái luôn khao khát có một gia đình đầm ấm. Mặt trời đã bắt đầu rạng ló đón một ngày mùa thu trong lành. Khẽ trở mình vươn vai thật mạnh, nó dậy trong tâm trạng háo hức đón năm học mới. Chuẩn bị xong xuôi nó chạy xuống bếp giúp bà chuẩn bị đồ ra chợ.
– Nay cháu dậy sớm vậy.
– Nay trời đẹp mà bà.
Hai bà cháu lại cười khúc khích với nhau.
– Nay chắc cháu về muộn, bà cứ ăn cơm trước đi nhé!
– Biết rồi cô nương, năm nào cháu chả thế.
Nói rồi nó thu dọn đồ rồi chở ra chợ cho bà. Nó không vòng về mà đạp luôn xe đến trường. Trên chiếc xe đạp thân yêu, nó tận hưởng không khí trong lành của buổi sáng mùa thu. Thật là dễ chịu. Buổi khai giảng kết thúc trong tiếng vỗ tay hoan hỉ của hàng loạt học sinh. Nó chạy về lớp cùng lũ bạn, không như dự tính của nó, năm nay nó phải về nhà sớm, lũ bạn của nó rất bận thì phải. Đang đi trên đường về nó thấy xe nặng dần, dừng lại nhìn xuống hoá ra là bị thủng xăm, nó lẩm bẩm: “Sao đen vậy trời” rồi lủi thủi dắt xe vào trong quán sửa xe của bác Hùng. Về nhà nó phát hiện là nhà mình có khách. Chưa kịp bước chân vào nhà thì một giọng nói vang lên:
– Con bé thế nào rồi ạ! nó có sống tốt không mẹ!- người phụ nữ nói.
– Nó vẫn sống tốt, các con không phải lo, thôi các con về đi.
Lần này là giọng của một người đàn ông: “thế thì tốt rồi”.
Dúi vào tay bà Năm một số tiền, người đàn ông và người phụ nữ ấy xin phép ra về.
Nó nhanh chóng chạy nấp sau hiên nhìn chiếc xe khuất dần. Lại một lần nữa đập vào mắt nó cảnh tượng bà đang khóc. Nó dường như không thể tin nổi những gì tai mình nghe mắt mình thấy. Nó không hiểu là đã có chuyện gì. Lúc sau, nó vào nhà với nét mặt thẫn thờ, thấy nó về bà hỏi: Sao cháu về sớm thế?
Nó không trả lời câu hỏi : “cháu thấy hơi mệt, cháu đi nghỉ tí nhá”.
Bà nó lo lắng: “cháu không khoẻ à”.
Nó cười : “Cháu không sao, nghỉ tí là khoẻ ạ”.
Bước từng bước vào phòng, đặt người xuống chiếc giường trong đầu nó chỉ hiện ra những lời nói lúc nãy và hình ảnh của bà. Nó thiếp đi trong bộ dạng mệt mỏi. Đến tối bà gọi nó dậy ăn cơm, thấy nó có vẻ không vui bà hỏi:
– Cháu vẫn còn mệt à!
Nó không nói gì, lưỡng lự một lúc cuối cùng nó cũng quyết định hỏi bà:
– Thật sự bà không biết bố mẹ cháu là ai à?
Bất giác đôi đũa trên tay bà nó rơi xuống, người bà bắt đầu run lên với nụ cười gượng gạo:
– Không bà không biết. Bà nói chuyện này với cháu lâu rồi mà.
Nhìn vào ánh mắt ấy nó biết bà đang giấu nó chuyện gì quan trọng. Trong phòng, bà Năm đang chăm chú nhìn vào bức ảnh một gia đình nhỏ đôi mắt ánh lên tia đau đớn. Thời gian cứ thế trôi qua, lực học của nó càng ngày càng sa sút. Trong lớp không chú ý nghe giảng, về nhà không chịu làm bài tập, mặc dù cô giáo và các bạn khuyên nhủ, hỏi han nhưng kết quả của nó chẳng thay đổi gì. Cuối cùng cô giáo cũng tìm đến nhà nó. Nghe cô giáo nói xong mà bà Năm không khỏi bàng hoàng. Không hiểu vì lý do gì mà cháu bà lại như thế. Mọi chuyện lại còn tồi tệ hơn khi nó phát hiện tấm ảnh. Đó là vào một buổi sáng chủ nhật bà nó quên không cầm theo túi tiền khi đang bán hàng ở ngoài chợ, nó nhanh chóng chạy về nhà vào phòng bà để tìm. Nhìn thấy túi tiền, nhưng vì vội vàng nó đã làm khung ảnh trên bàn rơi xuống, ba tấm hình văng ra. Cúi xuống nhặt tấm hình lên nó vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy một tấm hình là hình ảnh người đàn ông và người phụ nữ đến nhà hôm trước, còn một tấm là hình ảnh một gia đình nhỏ, tim nó đau thắt laị khi nhìn thấy đứa trẻ trong hình, đó không phải là nó hồi nhỏ sao. Lật mặt sau tấm hình, đập vào mắt nó là dòng chữ đã bị phai mờ nhưng vẫn có thể nhìn  rõ ” Con gái yêu- 25/6/1994″ người nó như không còn tí sức lực nào, đôi chân mềm nhũn ra, nó ngã khuỵ xuống đất, đó không phải là ngày sinh nhật của nó sao. Người trong hình có phải là bố mẹ nó không, từng giọt nước mắt chảy xuống tấm hình, giờ đây nó chẳng nhìn thấy gì ngoài nước mắt.
15 phút, rồi 30 phút trôi qua mà chưa thấy nó đâu, bà Năm thấy trong lòng thấp thỏm không yên, nhờ cô bên cạnh trông hộ hàng rồi chạy về nhà. Tiếng bà Năm gọi Đan khi bà chưa vào đến cổng: “Đan ơi Đan”. Đổi lại tiếng gọi của bà chỉ là sự im lặng, sao bà thấy lo lắng quá. Chạy vào trong nhà tìm ở các phòng cũng không có, giờ chỉ còn lại phòng của bà, vén chiếc màn gió lên, ngay lập tức hình ảnh đứa cháu gái với gương mặt giàn giụa nước mắt tay cầm bức ảnh đang thẫn thờ ngồi bệt dưới đất. Đến bên đứa cháu tội nghiệp, lòng bà đau thắt lại, một nỗi sợ hãi chạy qua người khiến bà rùng mình. Bà lên tiếng phá tan không gian tĩnh lặng: “Đan à, bà xin lỗi”.
Nó lạnh lùng đáp: “Bà nói đi chuyện này là thế nào”
Không dám nhìn thẳng vào đôi mắt Đan, bà chỉ liên tục nói lời xin lỗi.
– Bà nói cho cháu biết đi. Cháu xin bà mà. Nó nói trong tiếng khóc.
Hít một hơi thật sâu, bà Năm lên tiếng:
– Đúng vậy, người trong bức ảnh là bố mẹ của cháu. Cách đây 15 năm vào cái đêm định mệnh, cái đêm ngày 25/6/1997 có một đôi vợ chồng trẻ đang trên đường trở về nhà với đứa con tròn 3 tuổi của mình cùng chiếc bánh sinh nhật nhưng thật không may một vụ tai nạn thảm khốc đã sảy ra vì cố gắng bảo vệ đứa con mà hai người đã ra đi vĩnh viễn. Tai nạn đó sảy ra nguyên nhân phần nào do ta và hai người con.
– Không tôi không muốn nghe nữa xin bà đừng nói gì nữa. Nó hét lên trong tiếng nấc. Trái tim nhỏ bé của nó như có hàng trăm mũi kim xuyên qua, quá đau lòng giờ thì nó đã hiểu tại sao bà lại nhận nuôi nó, người đàn ông và người phụ nữ kia lại quan tâm đến nó. Đứng dậy với bức ảnh trong tay nó chạy thật nhanh ra khỏi nhà, nó không muốn ở đây. Nó căm hận chính mình, tại sao lại tin và yêu thương người đã hại gia đình nó. Còn bà Năm, bà còn đau gấp trăm lần, một nỗi đau mà không thể khóc. Chạy đuổi theo Đan bà không ngừng gọi: “Nghe bà giải thích đã Đan ơi”.
Nhưng bóng dáng nó đã khuất đi, chỉ còn mình bà ôm nỗi đau tuyệt vọng. Màn đêm đã buông xuống nhưng bóng dáng nhỏ bé, gầy guộc thân thuộc ấy không ngừng tìm kiếm Đan. Còn nó, đôi chân mệt nhoài đang lạc bước giữa dòng người đông đúc. Nhìn những đứa trẻ được bố mẹ âu yếm bồng bế, trái tim nó vỡ thành trăm mảnh. Tại sao lại yêu thương nó nhiều đến thế để giờ đây nó trở thành thế này.
Đan, Đan ơi! bên kia đường mà Đan đứng, vẫn ánh mắt đó, ánh mắt yêu thương xen lẫn đau xót nhìn nó. Nó hận nhiều lắm nhưng thương yêu cũng nhiều lắm. Người bà đã tần tảo nuôi nó để bây giờ tóc đã bạc, da đã nhăn, sức khoẻ đã yếu dần. Nó muốn chạy đến ôm bà quá mà đôi chân không thể cất bước. Mưa, mưa rơi hoà lẫn với dòng nước mắt thật bi kịch. Bên kia đường bà vẫn đứng, đứng để chờ những giọt nước mắt xoá nhoà đi những đau đớn, đứng để chờ những giọt nước mưa cuốn trôi đi những tội lỗi. Cuối cùng lý trí đã chiến thắng, nó muốn sang kia đường để nghe lời giải thích từ bà. Một chiếc xe lao tới, ánh sáng chói của chiếc đèn làm nó không nhìn thấy gì. Nó nhắm mắt lại như muốn rời bỏ thế giới này, bàn tay thân thuộc ấy đã đẩy nó ra để một mình hứng chịu tất cả. Mở mắt ra, trời đất trước mắt như xụp xuống, nó biết phải làm gì bây giờ. Bà nó đã nằm trên mặt đường. Nó muốn chết, nó muốn thượng đế mang nó đi, chỉ cần nó chết thì tất cả ,mọi  người mà nó yêu thương sẽ không sao. Bò đến chỗ bà, toàn thân nó run lập cập, nói không nên lời: “Bà ơi… bà sao vậy… bà đừng làm cháu sợ”.
Bà nói trong đau đớn:
– Cháu không sao là tốt rồi. Nhưng có chuyện này bà nhất định phải nói cho cháu.
– Bà đừng nói gì cả, muốn nói gì thì bà phải khoẻ lên rồi nói sau cũng được. Nó nói trong tiếng nấc.
– Nhất định bà phải nói. Hôm sảy ra vụ tai nạn, bà bị nghi là bị đau ruột thừa nên con bà chở đi bệnh viện, khi chụp chiếu không phải thì con bà đưa bà về nhà. Trên đường trở về thì xe bố mẹ cháu đi ngược chiều với một xe tải khác, bố mẹ cháu muốn tránh nên đã chuyển hướng nhưng lại đâm phải xe của con bà. Khi xuống xe thì bà thấy bố mẹ cháu đã …, vì quá sợ hãi nên con bà định bỏ chạy nhưng đúng lúc ấy đứa trẻ đã khóc, thì ra đứa trẻ vẫn còn sống. Bà và con đã quyết định đưa cháu về nuôi. Lúc ấy, trên tay mẹ cháu vẫn cầm tấm ảnh mới chụp.
– Cháu sai rồi… cháu xin lỗi bà… bà ơi bà!  Nó hét lên trong đau đớn. vì quá nhiều chuyện đến với nó, nó không chịu được cú sốc quá lớn mà đã ngất đi trong khuôn mặt đẫm nước mắt. Nó tỉnh dậy trong bệnh viện với mùi thuốc sát trùng nồng nặc. Nó giật giây nước chuyền lao như điên ra khỏi phòng, khóc thét lên tìm bà.
– Bà ơi, bà đâu rồi. Nó gào lên
Người đàn ông đến giữ chặt tay nó, đó là con bà. Nó luống cuống hỏi: “chú ơi bà đâu rồi”
Nó cứ như điên như dại vậy.
– Cháu cứ bình tĩnh, bà không sao rồi, cháu không phải lo, giờ cháu về phòng nghỉ đi. Giờ nó mới thôi khóc: “Không chú dẫn cháu đến chỗ bà đi”
Nhìn thấy bà đang truyền nước, gương mặt xanh xao, nó thấy mình thật vô dụng. Nhờ có bà mà nó mới có ngày hôm nay, vậy mà nó lại đối sử với bà như vậy. Nó lại khóc, nó muốn quên hết đau đớn, nó muốn bà khoẻ lại, muốn những ngày tháng hai bà cháu cùng chở hàng ra chợ, cùng nhau bán hàng.
Nửa năm sau trên sân trường…
– Đan ơi, mày làm được bài không?
– Đương nhiên rồi! Mày thì sao?
– Tao cũng thế!
Nó và con bạn trò chuyện vui vẻ. Nó cười thật tươi, nụ cười hạnh phức nhất của nó, nó thấy mình thật may mắn vì được rất nhiều người thương yêu và đặc biệt nó biết được rằng bố mẹ rất yêu thương nó. Nó nhìn về phía trước, ngôi nhà mà nó và bà đang sống nở một nụ cười thật hạnh phúc.

5 bình luận trong “Truyện ngắn đoạt giải: Để gió cuốn đi

  1. Cảm ơn Cô đã lập 1 trang web rất hữu ích cho mùa thi của tụi em và cảm ơn Cô đã nhiệt huyết như thế, giúp chúng em được trau dồi những vẻ đẹp của cuộc sống.

  2. cô cho em hỏi truyện ngắn của tác giả nào? Đoạt giải trong cuộc thi gì? Do ai tổ chức, thời cụ thể. Cô giúp em, em rất cần thông tin này! Cảm ơn cô!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *