Tính dân tộc trong đoạn thơ : Mình đi có nhớ những ngày (Việt Bắc- Tố Hữu)

Đề bài: Cảm nhận đoạn thơ sau:
“Mình đi có nhớ những ngày

Tân Trào ,Hồng Thái mái đình cây đa”
Từ hiểu biết của anh chị về đoạn thơ hãy làm sáng tỏ vẻ đẹp của tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.
Bài làm
(Đây là bài viết của bạn Nguyễn Nhung gửi vào hòm thư nhờ cô nhận xét, cô đã chỉnh sửa một số lỗi diễn đạt, Nhung xem lại để rút kinh nghiệm nhé.)
Không có nhà thơ nào được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong lòng dân tộc mà không có hồn dân tộc trong sáng tác của mình. Chính vì thế tính dân tộc đậm đà là một nét đặc sắc tiêu biểu cho hồn thơ Tố Hữu. “Việt Bắc” là bài thơ  tiêu biểu. Mười hai dòng thơ sau đây là lời nhắn nhủ của người ở lại về nỗi nhớ về Việt Bắc thân yêu . Đoạn thơ giúp ta cảm nhận rõ hơn về vẻ đẹp của tính dân tộc trong thơ của ông:

Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa? 

           Ra đời vào tháng 10 năm 1954 khi Tố Hữu chứng kiến cuộc chia tay lịch sử  của nhân nhân Việt Bắc với người cán bộ cách mạng về xuôi. Bài thơ ghi lại tâm tình của người đi- người cán bộ cách mạng, người ở lại- nhân dân Việt Bắc để bày tỏ tấm lòng của mình với cách mạng và nhân dân. Nghĩa tình cao đẹp ấy được chuyển tải bằng lối thơ đậm đà tính dân tộc. Đây là một yếu tố thể hiện sự gắn bó giữa tác phẩm văn học, bản sắc văn hóa và giá trị tinh thần của dân tộc. Tính dân tộc được thể hiện trên hai phương  diện : nội dung và nghệ thuật. Về nội dung, tác phẩm mang tính dân tộc khi phản ánh vẻ đẹp của thiên nhiên của con người mang màu sắc dân tộc và ca ngợi phẩm chất cao đẹp của dân tộc. Về hình thức,tác phẩm mang tính dân tộc khi kết tinh vẻ đẹp nghệ thuật từ thể thơ đến giọng điệu, hình ảnh và ngôn từ. Mười hai dòng thơ lơi người ở lại thể hiện rõ vẻ đẹp của tính dân tộc.
Đoạn trích tuy chỉ mười hai dòng thơ nhưng mang nội dung đậm đà tính dân tộc. Đó là lời nhắc nhở về những kỉ niệm kháng chiến ân tình suốt mười lăm năm gắn bó. Vì thế trong lời nhắn nhủ về nổi nhớ ta nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên con người mang đậm màu sắc dân tộc.
“Mình đi, có nhớ những ngày 
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?”

Hình ảnh quen thuộc của bức tranh thiên nhiên Việt Bắc hiện lên một cách chân thật với “mưa nguồn suối lũ”, “mây cùng mù”, một thiên nhiên khắc nghiệt tiềm ẩn bao nguy hiểm. Đó cũng chính là môi trường kháng chiến gian khổ nhiều khó khăn thử thách mà quân và dân ta đã gắn bó trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.Không những thiên nhiên khắc nghiệt mà cuộc sống ở đây lại càng thiếu thốn hơn:
“Mình về, có nhớ chiến khu 
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

Hình ảnh thơ xúc động được diễn đat theo hình thức tiểu đối nhấn mạnh về hồi ức về những ngày “miếng cơm chấm muối”.  Nhưng trong gian khổ thử thách , người đi kẻ ở, cách mạng với nhân dân  cùng đồng cam cộng khổ ,chia sẻ ngọt bùi. Họ đoàn kết sánh vai nhau vì mục đích lí tưởng chung:”mối thù nặng vai”.
Bên cạnh hình ảnh thiên nhiên, hình ảnh con người cũng hiện lên cụ thể và bình dị :
“Mình về, rừng núi nhớ ai 
Trám bùi để rụng, măng mai để già “

Một lời nhắn nhủ kín đáo mà ẩn chứa bao nhiêu tâm sự. Đó là một nỗi nhớ da diết, bâng khuâng khi gợi nhớ đến “trám bùi”, “măng mai”- những sản phẩm của núi rừng một thời là nguồn lương thực nuôi cách mạng trong những ngày gian khó thể hiện một khát khao, một tình cảm lớn lao của con người Việt Bắc với cán bộ cách mạng về xuôi.Đó chính là biểu hiện của tính dân tộc.
“Mình đi, có nhớ những nhà 
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son”

Khung cảnh Việt Bắc hoang vu, vắng lặng và cuộc sống nghèo nàn “hắt hiu lau xám”nhưng con người luôn có một lòng thủy chung sâu sắc.Họ là những con người bình dị, thầm lặng hi sinh và cống hiến cho cách mạng . Chính họ là những người luôn gắn bó với cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến: “Mình về, còn nhớ núi non/ Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh”. Đây là kỉ niệm sâu sắc về thời kì gian khó khi VB trở thành cái nôi của cách mạng là căn cứ địa quan trọng của Việt Minh. Điều đó càng cho thấy vẻ đẹp phẩm chất dân tộc của ngưới ở lại –người dân Việt Bắc.
Cuối cùng, ta cảm nhận được hình ảnh của dân tộc hòa cùng khat khao thủy chung, mười lăm năm gắng bó với VB đã trở thành một phần máu xương của mỗi người qua câu thơ:
Mình đi, mình có nhớ mình 
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

Mười hai dòng thơ là lời nhắn nhủ ân tình thủy chung của người ở lại thể hiện một khát khao, một hi vọng được gắn bó với người ra đi.
Tính dân tộc trong thơ Tố Hữu không chỉ được thể hiện qua nội dung mà còn được thể hiện đậm nét qua cả hình thức với việc sử dụng thể thơ lục bát với nhịp điệu nhẹ nhàng sâu lắng.Hơn thế nữa lối đối đáp giao duyên của dân gian cách xưng hô “mình”-“ta” ngọt ngào tình tứ trong ca dao, dân gian. Tuy nhiên , không giống như trong ca dao, dân ca truyền thống cách xưng hô “mình-ta”để chỉ tình yêu đôi lứa , trong thơ Tố Hữu “mình-ta”là để chỉ tình quân dân thắm thiết, tình yêu của người cán bộ với nhân dân Việt Bắc, “ta” với “Mình” hòa làm một.
Ngoài ra, tính dân tộc còn được thể hiện qua hình ảnh dân gian quen thuộc “ miếng cơm chấm muối”, “ hắt hiu lau xám” cùng lối nói vòng vo ẩn ý kín đáo của dân gian:”Mình đi mình có nhớ mình”là một lời nhắc nhở mười lăm năm kháng chiến gắng bó thủy chung son sắt ta với mình tuy hai mà một người đi phải ghi nhớ quãng thời gian đẹp đẽ đó.Bên cạnh đó,cách ngắt nhịp thơ 4/4 nhẹ nhàng, da diết như một lời ru mang đậm phong vị  của dân gian và hơi thở của dân tộc. Tính dân tộc thể hiện ngay trong chính đề tài sử thi là cuộc kháng chiến hơn mười lăm năm chống Pháp oanh liệt, cùng chủ đề tư tưởng ca ngợi vẻ đẹp đạo lý của dân tộc ”Uống nước nhớ nguồn” giàu tình yêu tổ quốc, con người.
Mười  hai dòng thơ là lời nhắn nhủ nhẹ nhàng sâu lắng của người ở lại với người  cán bộ về xuôi. Qua đoạn thơ, người đọc càng thấy rõ hơn biệt tài của Tố Hữu- nhà thơ của trữ tình chính trị, khi đã biến cho Việt Bắc trở thành một khúc tình ca, một bản hung ca bất diệt mang đậm tính dân tộc trong từng hơi thở của thời đại. Với em, là một người con của dân tộc được sinh ra và lớn lên trong thời bình, không phải chứng kiến bom đạn của chiến tranh, bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu đã giúp em thêm yêu đất nước này, càng quý trọng tình cảm của những người xung quanh, trân trọng, biết ơn những điều tốt đẹp mà cuộc đời đem lại vì theo như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết:
“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”
Xem thêm :
Tuyển tập đề thi về các tác phẩm lớp 12
Kiến thức cơ bản và những đề thi liên quan đến bài Việt Bắc ngữ văn 12: Việt Bắc
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *