Ôn tập bài thơ Tây Tiến Quang Dũng, phần 3

Ôn tập bài thơ Tây Tiến, phần 3
Lưu ý : Bài ôn tập Tây Tiến có nhiều phần, các em tìm đọc ở link này :http://vanhay.edu.vn/tag/tay-tien
Đoạn 3 : Bức tượng người lính Tây Tiến bất tử với thời gian
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc … Sông Mã gầm lên khúc độc hành Đoạn thơ tập trung vào khắc họa hình ảnh người lính Tây Tiến bằng bút pháp lãng mạn nhưng không thoát ly hiện thực với cảm xúc bi tráng.

  • Vẻ đẹp lẫm liêt, kiêu hùng, hào hoa, lãng man:

+ Sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật: Thân hình tiều tuỵ vì sốt rét rừng của người lính Tây Tiến : không mọc tóc, xanh màu lá. Diện mạo của người lính Tây Tiến hiện lên với nét vẽ khác thường. Hình ảnh không mọc tóc gợi lên hai cách hiểu: Người lính Tây Tiến cạo trọc tóc để thuận tiện trong chiến đấu; cũng có thể đó là hậu quả những trận sốt rét rừng. Xanh màu lá là sắc màu của lá nguỵ trang trên vai người lính nhưng cũng có thể hiểu đó là sắc da gương mặt gày ốm bởi sốt rét, bởi thiếu thốn về vật chất của người chiến sĩ nhưng hình tượng người lính Tây Tiến vẫn hiện ra với dáng vẻ oai phong, lẫm liệt, vẫn toát lên cốt cách, khí phách hào hùng, mạnh mẽ: xanh màu lá, dữ oai hùm. Quang Dũng miêu tả người lính trong gian khổ nhưng không chú trọng vào hậu quả của nó mà nghiêng về ca ngợi vẻ đẹp phi thường, hào hùng, lãng mạn, đem đến ấn tượng mạnh mẽ về tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường vượt lên khó khăn, chiến thắng khó khăn.
+ Bức tượng đại chiến sĩ Tây Tiến không chỉ có nét ngang tàng, oai phong trong dáng vẻ dữ dội, uy nghi mà còn được thể hiện ở chiều sâu đẹp đẽ trong tâm hồn. Mắt trừng là ánh mắt mở to, hướng thẳng về phía trước, ngời lên ý chí chiến đấu và khát vọng chiến thắng, khát vọng gửi mộng chiến trường cao đẹp của những người con trai thời loạn. Hình ảnh thơ khắc hoạ nét đẹp lãng mạn trong tâm hồn người lính có lí tưởng và khát vọng lớn, ra đi vì nghĩa lớn những những chiến sĩ xưa. Ở nơi xa xôi, dù đang theo đuổi lí tưởng và khát vọng nhưng sâu thẳm tâm hồn họ vẫn “mơ Hà Nội dáng kiều thơm” – mơ về, nhớ về dáng hình kiều diễm của người thiếu nữ đất Hà thành thanh lịch. Những giấc “mộng” và “mơ” ấy như tiếp thêm sức
 
mạnh để các anh vượt gian khổ để lập nên nhiều chiến công. Hai câu thơ đã khắc hoạ những chàng trai Hà Nội thật kiêu hùng và lãng mạn, họ gạt lại tình riêng để lại nơi quê nhà để ra đi vì nghĩa lớn.

  • Vẻ đẹp bi tráng:

+ Câu thơ: Rải rác biên cương mồ viễn xứ đem đến cảm giác buồn bã, ảm đạm về cái chết. Hình ảnh mồ viễn xứ là hình ảnh thực miêu tả về thực tế chiến trường lúc đó, khi những người lính hi sinh trên đường hành quân, việc chôn cất sơ sài, vội vã. Đồng đội xót lòng để các anh lại trong những nấm đất hoang lạnh, hiu hắt, đơn sơ bên đường. Những nấm mồ rải rác trên từng chặng đường hành quân, thiếu thốn hơi ấm của gia đình, quê hương đất nước vì vậy mà sự hi sinh ấy càng khắc hoạ nỗi bi thương trong lòng người ở lại. Câu thơ gợi lên cái bi mà không luỵ, ảm đạm mà không yếu mềm, cảm hứng bi tráng chủ đạo cho cả đoạn thơ.
+ Những người lính ra đi rắn rỏi, mạnh mẽ như một lời tuyên ngôn: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Hình ảnh thơ đã tô đậm lí tưởng cao cả và khí phách phi thường của những chàng trai Tây Tiến. Họ không tiếc đời xanh, quãng đời thanh xuân – thời gian đẹp nhất của cuộc đời để dâng hiến cho đất nước và cũng giống như cách nói của nhà thơ Thanh Thảo về thanh niên Việt Nam thời chống Mĩ:
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc.
+ Hình ảnh “áo bào thay chiếu” là cách nói mĩ lệ hóa của cảm hứng lãng mạn về sự hy sinh của người lính Tây Tiến. Người lính nằm xuống nơi chiến trường không có đủ manh chiếu để liệm bởi thế cách nói “áo bào thay chiếu” của Quang Dũng như muốn làm dịu đi nỗi đau mất mát trước hiện thực tàn nhẫn, đồng thời hàm chứa sự biết ơn, cảm phục sâu xa với công lao của những chiến sĩ anh hùng. Hình ảnh thơ gợi liên tưởng tới lí tưởng của bậc trượng phu, của người tráng sĩ xả thân vì nghĩa lớn sẵn sàng “da ngựa bọc thây” nơi chiến trường. Những người lính Tây Tiến coi cái chết tựa lông hồng. Sự hy sinh ấy nhẹ nhàng, thanh thản như trở về với đất mẹ: “anh về đất”.
+ “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” : Linh hồn người tử sĩ đó hoà cùng sông núi. Con sông Mã đã tấu lên khúc nhạc độc tấu đau thương, hùng tráng để tiễn người lính vào cõi bất tử: Âm hưởng dữ dội tô đậm cái chết bi hùng của người lính Tây Tiến.
+ Hàng loạt từ Hán Việt: Biên cương, viễn xứ, chiến trường, độc hành… gợi không khí tôn nghiêm, trang trọng khi nói về sự hi sinh của người lính Tây Tiến.
Hình ảnh người lính Tây Tiến phảng phất vẻ đẹp lãng mạn mà bi tráng của người tráng sĩ anh hùng thời xưa.
Đoạn 4 : Lời hẹn ước của người lính Tây Tiến – khúc vĩ thanh nhớ về miền Tây và Tây Tiến
Trở về với hiện tại, miền Tây và Tây Tiến đã lùi xa trong kí ức, trong nỗi nhớ nhung:
Tây Tiến người đi không hẹn ước Đường thăm thẳm một chia phôi Tác giả nhắc đến hình ảnh người đi trong nét nghĩa mơ hồ: đó có thể là những chàng trai Hà Nội năm xưa từ biệt quê hương, ra đi Tây Tiến không hẹn ước trở về, lên với miền Tây thăm thẳm xa xăm và mờ mịt; cũng có thể là nhà thơ nhắc tới thời điểm cuối năm 1948, khi ông đang ở Phù Lưu Chanh, bâng khuâng nhớ về việc mình đã chia xa trung đoàn Tây Tiến không hẹn ước ngày về, đã từ biệt Tây Tiến không hẹn ngày gặp lại bởi Đường lên thăm thẳm một chia phôi. Dù hiểu theo cách nào thì người đọc đều có thể cảm nhận được tình cảm sâu sắc mà tác giả dành cho miền Tây và những người lính Tây Tiến.
Bài thơ khép lại bằng lời nhắn nhủ thiết tha:
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi Dường như nhà thơ đang thể hiện tâm nguyện âm thâm mà thuỷ chung, son sắt của tất cả những Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy, trong lòng họ, thời gian gắn bó với trung đoàn, với miền Tây từ mùa xuân ấy là khoảng thời gian quý giá nhất trong cuộc đời, khoảng thời gian vời vợi nhớ thương. Dù chia xa nhưng tâm hồn những người lính Tây Tiến mãi đi về với miền Tây, với những Sầm Nưa, Pha Luông, Mường Hịch. Hai câu thơ còn gợi lên trong lòng người đọc một cách hiểu khác: những người lính Tây Tiến đã vĩnh viễn nằm lại trong những nấm mồ cô đơn miền viễn xứ. Họ lên Tây Tiến mùa xuân ấy, đã chiến đấu kiên cường, hi sinh dũng cảm. Linh hồn và thân xác họ đã vĩnh ciễn ở lại với miền Tây, để lại nỗi nhớ thương da diết, nỗi chua xót ngậm ngùi cho người còn sống.
Vẻ đẹp bất tử của người lính Tây Tiến được thể hiện ở âm hưởng, giọng điệu của cả bốn dòng thơ. Chất giọng thoáng buồn pha lẫn chút bâng khuâng, song chủ đạo vẫn là giọng hào hùng đầy khí phách.
(Tài liệu sưu tầm )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *