Chuyên đề đọc hiểu truyện, thơ, kí Việt Nam và luyện đề đọc hiểu

CHUYÊN ĐỀ 1:  ĐỌC  HIỂU TRUYỆN, THƠ, KÍ VIỆT NAM 1945-1975
VÀ LUYỆN ĐỀ ĐỌC HIỂU
         Đơn vị : Trường THPT LÊ HỒNG PHONG – NAM ĐỊNH

  1. MỤC TIÊU CẦN ĐẠT

– Tổng hợp những kiến thức về thể loại của văn bản văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975.
– Đưa ra một số định hướng dạy đọc hiểu văn bản theo thể loại (truyện, thơ, kí).
–  Từ một số câu hỏi đọc hiểu theo thể loại văn bản định hướng về luyện đề đọc hiểu.

  1. NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ
  2. Hoàn cảnh phát triển đặc biệt của một giai đoạn văn học

Tác phẩm văn chương bao giờ cũng là sản phẩm tinh thần của một thời đại, mang dấu ấn của hoàn cảnh văn hóa xã hội mà nó ra đời, thời đại  nào văn học nấy đã trở thành một quy luật quan trọng của quá trình văn học. Để hiểu các tác phẩm văn học giai đoạn 1945-1975 không thể không tìm hiểu hoàn cảnh phát triển của nó.
          Giai đoạn văn học từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến năm 1975 diễn ra trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Đây là ba mươi năm của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vô cùng ác liệt. Chiến tranh là hoàn cảnh không bình thường của đất nước. Hoàn cảnh đó đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc, trong đó có văn học nghệ thuật. Trong chiến tranh vấn đề hàng đầu được đặt ra là lợi ích của cộng đồng, là vận mệnh chính trị của dân tộc- hướng tới độc lập tự do. Cũng trong chiến tranh cần phải nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ hi sinh. Văn chương vì thế hạn chế nói đến chuyện hưởng thụ, riêng tư, chuyện hạnh phúc cá nhân, văn học thiên về hướng ngoại: hướng về quần chúng cách mạng, hướng về những người anh hùng để ngoại ca, hướng về kẻ địch để thể hiện lòng căm thù, lên án cái ác, cái xấu… Do đó văn học tất yếu ,mang khuynh hướng sử thi. Đề tài các tác phẩm văn học thường là đề tài sử thi gắn với  những vấn đề liên quan đến vận mệnh của cộng đồng; nhân vật sử thi là những con người đại diện cho cộng đồng, kết tinh các phẩm chất cao quý của cộng động, số phận gắn bó với cộng dồng, sống chết vì cộng đồng. Nhà văn ca ngợi con người với thái độ sùng kính, lời lẽ trang nghiêm, ngôn từ tráng lệ.
Trong hoàn cảnh chiến tranh nhiệm vụ hàng đầu của văn học nghệ thuật là phục vụ chính trị, tuyên truyền, cổ vũ chiến đấu. Lòng yêu nước được đề cao. Hi sinh cho Tổ Quốc là tự nguyện, là niềm vui, ngày ra trận con người không mang nỗi buồn chia ly. Con người tràn ngập niềm tin ở chiến thắng, ở tương lai xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là cơ sở của chủ nghĩa lãng mạn cách mạng trong văn học 1945-1975.
Trong chiến tranh lực lượng đóng vai trò quyết định là công nông binh vì thế văn học phải hướng về đại chúng. Văn học hướng về đại chúng nên phải phản ánh một cách sâu sắc đời sống của quần chúng nhân dân, từ nỗi đau khổ, bất hạnh của những người lao động nghèo khổ bị áp bức trong xã hội cũ đến niềm vui, niềm hạnh phúc của họ trong chế độ mới, thấy cả  con đường đến với cách mạng, phẩm chất anh hùng, Giai đoạn văn học này  cũng đã khắc họa tất cả vẻ đẹp của người lao động…, hình thức văn học thường ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu phù hợp với đối tượng tiếp nhận…
Như vậy hoàn cảnh đặc biệt của đất nước trong giai đoạn 1945-1975 đã chi phối đặc điểm của văn học. Hiểu bối cảnh phát triển trên của văn học chúng ta sẽ có cơ sở để khám phá, lí giải giá trị của từng  tác phẩm cụ thể trong giai đoạn 1945-1975.

  1. Đọc – hiểu các thể loại văn bản
  2. Đọc – hiểu văn bản truyện

Truyện là một trong những thể loại quan trọng của văn học, chiếm vị trí khá lớn trong chương trình Ngữ văn THPT, trong các đề thi THPT Quốc gia, do đó việc cung cấp cho HS cách tiếp cận để đọc hiểu truyện là việc làm cần thiết.

  1. 1. Đặc trưng truyện

Hầu hết các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 12 đều thuộc thể loại truyện ngắn. Đây là  những tác phẩm tự sự cỡ nhỏ: ít nhân vật, ít sự kiện;  thể  hiện nét riêng trong cách nắm bắt cuộc sống:  hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện nét bản chất nhất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người, nội dung của thể loại truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi… Để tiếp cận giá trị của các truyện ngắn trong chương trình, HS cần hiểu được một số đặc trưng cơ bản sau của truyện ngắn:
1.1.1. Nhân vật
Truyện ngắn thường ít nhân vật, nhân vật ít được khắc họa tỉ mỉ, toàn diện, đầy đặn . Nhân vật trong truyện ngắn thường hiện thân cho một quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người.
-Truyện ngắn hiện đại thường chú ý diễn biến nội tâm, tính cách đậm nét; tâm lí phù hợp với cá tính, lứa tuổi, giới tính…Truyện ngắn thường miêu tả tâm lí nhân vật qua bút pháp ngoại hiện (miêu tả qua hành vi, biểu hiện bên ngoài, qua đối thoại);  bút pháp trực tiếp(diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật bằng trần thuật  theo điểm nhìn của nhân vật, sử dụng thủ pháp độc thoại nội tâm…)
– Qua nhân vật nhà văn thường thể hiện những tư tưởng, tình cảm, quan niệm về cuộc đời
1.1.2. Cốt truyện
– Cốt truyện: là hệ thống sự kiện(biến cố) xảy ra trong đời sống của nhân vật
-Truyện ngắn thường chỉ tập trung vào một vài biến cố, mặt nào đó của đời sống, các sự kiện tập trung trong một không gian, thời gian nhất định, nói như nhà văn Nguyễn Kiên :  Truyện ngắn thường chỉ phản ánh một khoảnh khắc, một mẩu nhỏ nào đó của cuộc sống.
– Cốt truyện đóng vai trò quan trọng trong truyện ngắn Một truyện ngắn hay phải có một cốt truyện kì lạ, hay nói cách khác nghệ thuật truyện ngắn đồng nghĩa với nghệ thuật sáng tạo cốt truyện(Gớt).
1.1.3.Tinh huống truyện
-Tình huống truyện là hoàn cảnh chứa xung đột được nhà văn tạo lập để triển khai cốt truyện. Tình huống truyện xét đến cùng là những sự kiện đặc biệt của đời sống trong đó chứa đựng những diễn biến, mâu thuẫn được nhà văn triệt để khai thác làm bật lên ý đồ nghệ thuật của mình. Trong truyện ngắn tình huống là “cái tình thế xảy ra truyện” để diễn tả “một khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc”, là cái khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người” (Nguyễn Minh Châu)
– Các loại tình huống: tình huống hành động (hướng tới hành động có tính chất bước ngoặt  của nhân vật); tình huống tâm lí (chủ yếu tác động đến tâm tư, tình cảm nhân vật hơn là đẩy họ vào tình thế phải lựa chọn hay quyết định những hành động thích ứng) ; tình huống nhận thức (mang đến nhận thức cho nhân vật, chủ yếu cắt nghĩa giây phút giác ngộ chân lí của nhân vật)
– Tình huống truyện là cơ sở để cốt truyện phát triển một cách tự nhiên, hợp lí; góp phần thể hiện tư tưởng, tính cách của nhân vật, thể hiện chủ đề của tác phẩm.
1.1.4. Kết cấu
– Kết cấu là cách tổ chức tác phẩm: thể hiện ở phần mở đầu, kết thúc; sự lựa chọn, sắp xếp các chi tiết đời sống, sắp xếp các chương đoạn…
– Trong truyện ngắn phần mở đầu và kết thúc đóng vai trò quan trọng Theo tôi, viết truyện ngắn cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và kết luận(Sêkhôp). Sức mạnh của cú đấm (nghệ thuật) là thuộc về đoạn cuối (Nhà văn Nga Phuôcmanôp)    Để cho độ mở của đoạn kết được rộng, tạo nên độ tin cậy và quyền chủ động của người đọc theo lí thuyết đồng sáng tạo, trong truyện ngắn hiện đại thường có một khoảng trống tự do ở cuối truyện. Lối kết thúc mở còn tạo ra sự bất ngờ làm cho câu truyện vì thế ám ảnh và có dư ba.
1.1.5. Chi tiết
– Chi tiết là những tiểu tiết của tác phẩm có thể là về phong cảnh, môi trường, chân dung, cử chỉ, phản ứng nội tâm, hành vi, lời nói…
– Chi tiết nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong truyện ngắn  yếu tố có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là chi tiết có dung lượng lớn (Lí luận văn học). Không chỉ mang giá trị tạo hình, chi tiết còn mang sức khái quát lớn tô đậm tính cách nhân vật, thể hiện điểm nhìn, nghệ thuật kể chuyện của tác giả… tạo ra những tầng nghĩa sâu xa cho tác phẩm. Chi tiết cô đúc là bởi đây là những yếu tố nhỏ trong tác phẩm nhưng lại  mang sức chứa lớn về tư tưởng và cảm xúc. Những chi tiết đặc sắc, độc đáo thường làm nên những truyện ngắn có giá trị, hấp dẫn Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn
– Để có được những chi tiết nghệ thuật hay nhà văn phải có sự tìm tòi, sáng tạo, phải có vốn sống thực tế phong phú.
1.1.6. Điểm nhìn và giọng điệu trần thuật:

  1. Điểm nhìn

– Điểm nhìn văn bản là phương thức phát ngôn, trình bày, miêu tả phù hợp với cách nhìn, cách cảm thụ thế giới của tác giả, chỉ vị trí để quan sát, cảm nhận, đánh giá (bao gồm cả khoảng cách giữa chủ thể và khách thể, cả phương diện vật lí, tâm lí, văn hóa…)
– Các loại điểm nhìn: điểm nhìn  của người trần  thuật (điểm nhìn bên ngoài) và của nhân vật (theo cá tính, địa vị tâm lí nhân vật); điểm nhìn không gian- thời gian (là vị trí của chủ thể trong không gian và thời gian, thể hiện ở phương hướng nhìn, khoảng cách nhìn, đặc điểm của khách thể được nhìn)

  1. Giọng kể (hay chính là giọng điệu) là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa, gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm. Giọng điệu trong tác phẩm có giá trị đa dạng, nhiều sắc thái dựa trên một giọng điệu cơ bản chủ đạo.

– Giọng kể (giọng điệu) quan trọng trong tác phẩm văn học vì  phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả,  là một biểu hiện của phong cách nhà văn, có tác dụng truyền cảm cho người đọc. Giọng điệu trong tác phẩm là giọng riêng của tác giả nhưng mang nội dung khái quát nghệ thuật, phù hợp với đối tượng thể hiện
1.1.7. Ngôn ngữ
-Truyện ngắn là một thể loại yêu cầu rất cao về việc tổ chức ngôn ngữ. Ngôn ngữ truyện ngắn thư­ờng mang tính chất đậm đặc, chắt lọc, trong sáng và dễ hiểu,
ngôn ngữ truyện ngắn, thứ ngôn ngữ cô đọng, chính xác, trong sáng và vang lên theo cách của mình. Chính thứ ngôn ngữ này truyền đạt tư tưởng, xây dựng tính cách, khiến cho truyện ngắn tràn đầy nhạc điệu (Nhà văn Liên Xô Vôrônin)
-> Ngôn ngữ truyện ngắn vừa mang đặc điểm ngôn ngữ văn xuôi  vì đặc trưng phản ánh cuộc sống theo phương thức tự sự, vừa gần gũi với ngôn ngữ thơ ca, vì đòi hỏi ngắn gọn, do yêu cầu của thể loại.

  1. 2. Cách dạy đọc – hiểu văn bản truyện

1.2.1. Chú ý hoàn cảnh ra đời của tác phẩm
Tìm hiểu bối cảnh xã hội, hoàn cảnh sáng tác là cơ sở để cảm nhận các tầng lớp nội dung và ý nghĩa của truyện.
Mỗi tác phẩm truyện trong giai đoạn văn học 1945-1975 gắn liền với bối cảnh xã hội mà nó ra đời. Hoàn cảnh xã hội ấy chi phối giá trị của các tác phẩm, là cơ sở để đánh giá, lí giải đặc điểm của tác phẩm…
Vợ chồng A Phủ được ra đời  sau chuyến đi tám tháng của nhà văn Tô Hoài cùng bộ đội trong chiến dịch Tây Bắc. Chuyến đi đó đã để lại những ấn tượng sâu sắc và tình cảm tốt đẹp cho nhà văn. Tô Hoài viết truyện ngắn là để trả món nợ ân tình cho Tây Bắc “đất nước và con người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá”.
Do đó đối tượng được phản ánh trong tác phẩm chính là con người, là thiên nhiên của mảnh đất Tây Bắc. Đó là người lao động miền núi với số phận bi thảm và sức sống ngoan cường, với khát vọng tự do tiềm tàng; đó là thiên nhiên thơ mộng và những phong tục tập quán mang đậm chất Tây Bắc…
Đồng thời tác phẩm cũng mang chủ đề phổ biến của văn học 1945-1975: khảng định sự đổi đời của của nhân dân nhờ cách mạng, sự đổi đời từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ, từ chỗ mê muội đến chỗ được giải phóng về tư tưởng, tâm hồn.
Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành được viết vào đầu năm 1965, ở khu căn cứ ở chiến trường miền Trung Trung Bộ, trong không khí sôi sục của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Đó là thời điểm sau khi Mĩ ồ ạt đổ quân vào miền Nam nước ta và đánh phá ác liệt miền Bắc, cuộc kháng chiến của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn mới, chống lại cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mĩ, từ đó ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm khái quát về chân lí lịch sử, về con đường giải phóng của nhân dân trong thời đại cách mạng. Mặt khác đây cũng là tác phẩm của giai đoạn 1945-1975 nên rất tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn (ở các phương diện từ đề tài, chủ đề hình tượng nhân vật, thiên nhiên, nghệ thuật trần thuật).
1.2.2.  Hướng dẫn đọc văn bản truyện
– HS cần đọc trước văn bản ở nhà
+ Các tác phẩm trong chương trình đều thuộc thể loại truyện ngắn song so với thời lượng chương trình trên lớp, khả năng để HS đọc toàn bộ là khó. Thực tế HS thường không nắm được cốt truyện, không nhớ các chi tiết, các sự kiện quan trọng diễn ra trong câu truyện do tình trạng không đọc tác phẩm, từ đó không hiểu được giá trị của tác phẩm. Do đó cần yêu cầu HS đọc văn bản trước khi bài dạy diễn ra, ở nhà.
+ Giáo viên kiểm tra việc đọc của học sinh ở nhà qua phần tóm tắt cốt truyện ở trên lớp, hoặc kể về các chi tiết tiêu biểu trong tác phẩm.
– Việc đọc ở trên lớp: trên lớp, GV vẫn cần cho HS đọc tuy nhiên chỉ nên đọc điểm từng đoạn tùy thuộc vào hướng khai thác tác phẩm.Ví dụ khi đọc truyện Vợ chồng A Phủ, GV có thể yêu cầu HS đọc đoạn mở đầu tác phẩm khi  đi vào tìm hiểu hình tượng nhân vật Mị, nhấn mạnh cách giới thiệu nhân vật của tác giả, hoặc  đọc đoạn về cảnh đêm tình mùa xuân để HS thấy được diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị. Còn với truyện Vợ nhặt, có thể cho HS đọc đoạn về cảnh trong buổi sáng hôm sau ở gia đình bà cụ Tứ để thấy rõ hơn khát vọng hạnh phúc, niềm hi vọng vào sự đổi thay cuộc sống của Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ khi bên bờ vực thẳm của cái chết.
1.2.3. Đọc hiểu văn bản truyện dựa trên đặc trưng thể loại truyện
Ở phần trên chúng tôi đã nêu những đặc trưng của thể loại truyện ngắn. Khi hướng dẫn HS đọc hiểu văn bản truyện chúng tôi cũng hướng vào các phương diện quan trọng của truyện ngắn đã nêu:
– Nhân vật: đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm. Khi tìm hiểu nhân vật cần chú ý
+ Đặc điểm của nhân vật thể hiện chủ đề của tác phẩm:  chú ý số phận, phẩm chất tính cách nhân vật : ví dụ nhân vật là những con người thuộc tầng lớp nạn nhân xã hội cũ: số phận bi thảm của dưới ách áp bức của thực dân, chúa đất như Mị, A Phủ trong Vợ chồng A Phủ; thân phận cùng cực vì nạn đói 1945 như trong Vợ nhặt của Kim Lân;  nhân vật có số phận gắn bó với cộng đồng như nhân vật Tnú trong Rừng xà nu; nhân vật thể hiện phẩm chất của người lao động như có sức sống tiềm tàng, có khát vọng tự do (Mị, A Phủ trong Vợ chồng A Phủ), giàu yêu thương, khao khát hạnh phúc, tin tưởng vào tương lai (nhân vật trong Vợ nhặt); yêu nước, căm thù giặc, trung thành với Đảng, với cách mạng, gan góc dũng cảm nhưng cũng giàu tình nghĩa (các nhân vật trong Rừng xà nu hoặc Những đứa con trong gia đình)
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: việc xây dựng nhân vật thể hiện tài năng và phong cách nghệ thuật của nhà văn. Trong Vợ chồng A Phủ hai nhân vật Mị và A Phủ đều mang những nét tính cách của người dân miền núi bị áp bức song  được khắc họa khác nhau: nhân vật Mị  chủ yếu được miêu tả ở sức sống nội tâm thông qua diễn biến tâm lí tinh tế phức tạp (nhất là hai tình huống trong đêm tình mùa xuân và đêm Mị cắt dây trói cứu A Phủ) còn nhân vật A Phủ tính cách lại được thể hiện thông qua hành động và những biểu hiện bên ngoài.
Những đứa con trong gia đình:  các nhân vật vừa mang những nét chung để tạo nên dòng song truyền thống song mỗi nhân vật lại là một khúc sông, mang một tâm lí, một nét tính cách riêng được diễn tả chính xác, tinh tế; thế giới nhân vật đậm chất Nam Bộ (từ tính cách đến ngôn ngữ của nhân vật).
– Tình huống truyện: để phân tích tình huống truyện cần tóm tắt tình huống, phân tích diễn biến của tình huống hoặc tính chất của tình huống, rút ra ý nghĩa của tình huống
Vợ chồng A Phủ: tình huống độc đáo vừa gây sự bất ngờ, ngạc nhiên vừa éo le, tình huống có ý nghĩa phản ánh hiện thực vừa thể hiện tư tưởng nhân đạo của tác phẩm
– Chi tiết trong truyện: như trên đã nói chi tiết rất phong phú, đa dạng; chi tiết trong tác phẩm thể hiện ý đồ nghệ thuật của nhà văn, hiểu sâu chi tiết cũng là hiểu được ý nghĩa của tác phẩm
Vợ chồng A Phủ:  với chi tiết (hình ảnh) tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân  xuất hiện nhiều lần, biểu hiện khác nhau, thể hiện vẻ đẹp của không gian Tây Bắc và diễn biến tâm lí nhân vật Mị
Rừng xà nu: chi tiết bàn tay Tnú: thể hiện cuộc đời, số phận và tính cách của  Tnú (biểu hiện của chi tiết, ý nghĩa của chi tiết)
Những đứa con trong gia đình: chi tiết  trong đoạn chị em Việt mang bàn thờ má sang gửi chú Năm: khi Việt nghe tiếng chân chị thấy thương chị, hiểu rõ lòng mình, thấy mối thù giặc Mĩ ở trên vai chứa đựng ý nghĩa sâu xa, vừa là hành động cụ thể vừa có yếu tố tâm linh vừa thể hiện tâm lí nhân vật- yêu thương, trĩu nặng căm thù.
– Nghệ thuật trần thuật
Ví dụ truyện Vợ chồng A Phủ vẫn tuân theo lối trần thuật  sự kiện theo trình tự thời gian nhưng vẫn có đan xen hồi ức tự nhiên, pha trộn quá khứ và hiện tại, các tình tiết được dẫn dắt khéo léo làm mạch truyện hấp dẫn mà không bị rối; giọng điệu trữ tình, hấp dẫn, lôi cuốn
Còn Những đứa con trong gia đình lại được trần thuật  theo dòng ý thức của nhân vật (truyện được kể theo dòng hồi tưởng miên man đứt nối của nhân vật Việt khi bị thương nằm lại ở chiến trường). Cách trần thuật làm cho tác phẩm có màu sắc trữ tình tự nhiên, sống động, có thể thâm nhập vào thế giới nội tâm nhân vật, diễn biến câu chuyện trở nên linh hoạt không phụ thuộc vào thời gian tự nhiên, có thể thay đổi không gian…
– Ngôn ngữ
Vợ chồng A Phủ: ngôn ngữ sinh động, vừa giản dị vừa phong phú; lối văn giàu tính tạo hình, vận dụng cách nói của người dân miền núi;
Những đứa con trong gia đình: ngôn ngữ sống động, gợi cảm, giàu màu sắc Nam Bộ
1.3. Luyện tập phần đọc hiểu văn bản truyện
1.3.1. Cơ sở xây dựng bài tâp đọc hiểu văn bản truyện
– Đặc trưng truyện là cơ sở quan trọng để xây dựng câu hỏi đọc- hiểu văn bản thuộc thể này. Chẳng hạn có thể ra những câu hỏi về: vẻ hình tượng nhân vật (tâm trạng, tính cách, vẻ đẹp…), chi tiết (nhận biết, nêu ý nghĩa…), điểm nhìn trần thuật (nêu điểm nhìn, hiệu quả…), giọng điệu trần thuật (nhận xét, so sánh…)….
– Căn cứ vào 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
1.3.2. Một số bài tập luyện tập
Bài tập 1
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
Quê hương thứ nhất của chị ở đất Hưng Yên, quê hương thứ hai của chị ở nông trường Hồng Cúm, hạnh phúc mà chị đã mất đi từ bảy, tám năm trước nay ai ngờ chị lại tìm thấy ở một nơi mà chiến tranh đã xảy ác liệt nhất. Ở đây, trong những buổi lễ cưới, người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối đã tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù rất óng. Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy.
( Nguyễn Khải, Mùa lạc, Dẫn theo Truyện ngắn Nguyễn Khải, NXB Văn học 2013)
Câu 1. Chỉ ra các  phương thức biểu đạt được sử dụng kết hợp trong đoạn văn bản trên.
Câu 2. Nhà văn đã kể gì về nhân vật chị trong đoạn trích ?
Câu 3. Anh/ chị hiểu gì về cuộc sống và con người thời đó qua câu văn: “Ở đây, trong những buổi lễ cưới, người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối đã tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù rất óng
Câu 4.  Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy
Quan điểm của anh/chị về câu nói của nhà văn Nguyễn Khải?
 
Câu 1:
Phương thức biểu đạt  được sử dụng kết hợp là: tự sự, miêu tả, biểu cảm.
Câu 2:
+ Chị có 2 quê hương: Hưng Yên và Hồng Cúm
+ Chị từng có quá khứ bất hạnh, khổ đau và đã tìm được hạnh phúc trong hiện tại.
Câu 3:
+ Cuộc sống thời hậu chiến: gian khổ, thiếu thốn
+ Con người vẫn biết vươn lên, vượt qua những khó khăn gian khổ để tìm được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.
Câu 4: có thể thể hiện thái độ bằng gợi ý sau
– Câu nói khảng định: trong cuộc sống con người cần có ý chí, nghị lực để vượt qua gian khổ; hạnh phúc sẽ đến nếu con người biết vươn lên.
– Thái độ sống sẽ giúp mỗi người vượt qua hoàn cảnh của mình, phê phán lối sống bi quan, tuyệt vọng, không biết vươn lên.
Bài tập 2
Đọc  văn bản sau và trả lời các câu hỏi
Trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn có tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng.
– Sắp đến chưa?
Người đàn bà chợt hỏi.
– Sắp.
– Nhà có ai không?
– Có một mình tôi mấy u.
Thị tủm tỉm cười:
– Đã một mình lại còn mấy u. Bé lắm đấy!
Hắn bật cười
– À nhỉ!
Câu chuyện xem chừng đã thân thân. Hắn đi sát gần bên thị hơn, ngẫm nghĩ một lát, chợt hắn giơ cái chai con vẫn cầm lăm lăm một bên tay lên khoe:
– Dầu tối thắp đây này.
– Sang nhỉ.
– Khá thôi. Hai hào đấy, đắt quá, cơ mà thôi chả cần.
– Hoang nó vừa vừa chứ.
Hắn chậc lưỡi:
– Vợ mới vợ miếc cũng phải cho nó sảng sủa một tí chứ…
(Kim Lân, Vợ nhặt )
Câu 1. Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 2. Tâm trạng của nhân vật Tràng được diễn tả trong đoạn trích như thế nào?
Câu 3. Từ tâm trạng của nhân vật Tràng, anh/ chị hiểu về phẩm chất của người nông dân trong nạn đói năm 1945?
Câu 4. Nhận xét về nghệ thuật truyện ngắn của Kim Lân qua đoạn trích trên.
Gợi ý
Câu 1. Diễn tả tâm trạng của nhân vật Tràng khi dẫn người đàn bà xa lạ về nhà và cuộc đối thoại giữa họ.
Câu 2. Tâm trạng của Tràng
– Quên đi hoàn cảnh sống tăm tối, bất hạnh.
– Chìm đắm trong niềm sung sướng, cảm động vì lần đầu tiên được đón nhận hạnh phúc gia đình.
Câu 3. Qua tâm trạng Tràng thấy được vẻ đẹp của người nông dân: bên bờ vực thẳm của cái chết, giữa nạn đói khủng khiếp 1945, con người vẫn khao khát hạnh phúc, hướng tới tương lai, sự sống.

  1. Nhận xét về đặc sắc truyện ngắn Kim Lân qua đoạn trích?

– Kể chuyện thông qua đối thoại: đối thoại sinh động, hấp dẫn, làm rõ tâm lí của nhân vật.
– Miêu tả tâm lí tinh tế
– Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, gần với khẩu ngữ nhưng được chắt lọc kĩ lưỡng.
Bài tập 3
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi
Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà Mị từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào, A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường:
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi…
(Tô Hoài, Vợ chồng A Phủ)
Câu 1. Xác định điểm nhìn trần thuật trong đoạn văn trên. Cách tổ chức điểm nhìn trần thuật của nhà văn ở đây có gì đặc sắc?
Câu 2. Ở phần trên của tác phẩm, nhà văn có viết: Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị  tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa…
Theo anh/chị, tại sao đến đây nhân vật Mị lại có ý nghĩ Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa.
Câu 3. Chi tiết tiếng sáo xuất hiện cuối đoạn trích có ý nghĩa như thế nào trong việc diễn tả tâm lí nhân vật Mị?
Câu 4. Từ đoạn trích trên, anh/chị có cảm nghĩ gì về người phụ nữ miền núi trong xã hội phong kiến xưa?
Gợi ý
Câu 1:
– Xác định điểm nhìn trần thuật:
. Điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ 3: Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà Mị từ từ bước vào buồng.
. Điểm nhìn của nhân vật Mị: Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa.
– Đặc sắc: Sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật từ người kể chuyện đến nhân vật, từ ngoài vào trong giúp nhà văn thâm nhập, khám phá chiều sâu nội tâm nhân vật; cho người đọc thấy được sự linh hoạt, biến hóa trong nghệ thuật trần thuật của nhà văn cũng như cảm nhận được tấm lòng thấu hiểu, đồng cảm sâu xa i của người viết.
Câu 2:
Sống trong nhà thống lí Pá Tra, bị bóc lột về sức lao động, bị đầu độc, áp chế về tinh thần, cô Mị một thời trẻ trung, yêu đời là thế giờ  chỉ còn như cái xác khô héo, tàn tạ, mất hết ý thức về sự sống. Nhà văn viết: Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi.
 Nhưng giờ đây, ý thức sự sống trở về (Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau), Mị lại muốn được chết cái chết của một con người còn hơn sống kiếp nô lệ tủi nhục.
Câu 3:
Chi tiết tiếng sáo xuất hiện cuối đoạn trích ngầm khẳng định: thực tại kiếp sống nô lệ khiến Mị buồn tủi muốn chết nhưng sâu trong ý thức người phụ nữ ấy vẫn là niềm khát sống, khát yêu mãnh liệt. Tiếng sáo là tiếng gọi thiết tha của sự sống ngoài kia hay chính là sự lên tiếng của khát vọng tiềm tàng mà mãnh liệt ấy!
Câu 4:
Cảm nghĩ gì về người phụ nữ miền núi trong xã hội phong kiến xưa:
– Thấu hiểu, sẻ chia với thân phận khổ đau, bi kịch của người phụ nữ.
– Trân trọng những khát vọng đẹp đẽ, chính đáng của người phụ nữ.
Bài tập 4
Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn.
Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ  như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng.
(Nguyễn Trung Thành, Rừng xà nu)
Đọc đoạn văn trên và thực hiện các yêu cầu nêu sau:
Câu 1. Nêu tên 02 biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Việc sử dụng những biện pháp nghệ thuật đã gợi ra bức tranh thiên nhiên thế nào?
Câu 3. Hình tượng xà nu trong đoạn trích gợi những liên tưởng gì về số phận và vẻ đẹp của con người Tây Nguyên?
Câu 4. Anh/ chị suy nghĩ gì về vẻ đẹp của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ?
Gợi ý
Câu 1. Gọi tên được 02 biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ.
Câu 2. Việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật đó đã gợi ra bức tranh thiên nhiên Tây Nguyên hùng vĩ, tráng lệ (màu sắc, âm thanh, hương thơm, ánh sáng…)
Câu 3. Hình tượng xà nu trong đoạn trích gợi liên tưởng đến số phận, phẩm chất của con người Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mĩ: chịu những đau thương khi kẻ thù đến; sức sống mãnh liệt, khát vọng hướng về ánh sáng của Đảng và cách mạng, đoàn kết…
Câu 4. Học sinh nêu được một số những vẻ đẹp của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ, ví dụ như: tinh thần dũng cảm, bất khuất, kiên trung với cách mạng, đoàn kết, lạc quan…

  1. Đọc – hiểu văn bản thơ

Đã có rất nhiều tài liệu tham khảo nói về việc đọc văn bản thơ theo đặc trưng thể loại (đặc biệt chuyên đề DẠY ĐỌC HIỂU THƠ TRỮ TÌNH NĂM 2015-2016). Vì thế trong chuyên đề này chúng tôi chỉ đi vào lí thuyết cụ thể mong góp phần hình thành một ma trận cho việc ra câu hỏi đọc hiểu phần thơ ca cách mạng, tránh sự lặp lại không cần thiết.
2.1.Cách làm câu hỏi đọc hiểu văn bản thơ cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 ( theo đặc trưng thể loại  và văn học sử )
Khi tiến hành thiết lập hệ thống câu hỏi và giúp học sinh ôn tập dạng câu hỏi đọc hiểu phần thơ ca cách mạng 1945 – 1975 chúng ta cần dựa vào hai trục chính: Đặc trưng thơ trữ tình và Văn học sử thơ cách mạng Việt Nam. Khi ấy hệ thống câu hỏi và cách làm mới thực sự trúng vấn đề.

Vấn đề chính ở văn bản thơ Vấn đề cụ thể có thể hỏi Hướng giải quyết
Nội dung trữ tình – Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình
– Thể hiện tâm trạng, tình cảm gì ?
– Đặt tên cho văn bản
– Thông điệp qua văn bản ?
– Chỉ ra những lớp nghĩa khác nhau của văn bản
– Thể hiện tâm trạng, tình cảm gì => Lưu ý: gọi tên bằng những từ khoá chính xác nhất có thể dùng một loạt những từ mang ý nghĩa tương đương, có thể trích những từ ngữ thể hiện rõ
– Thông điệp qua văn bản ? => tìm ra hàm ý của văn bản
– Chỉ ra những lớp nghĩa khác nhau của văn bản => làm như trên (chú ý tới nghĩa cụ thể, và nghĩa tượng trưng)
Thể thơ, kết cấu – Chỉ ra thể thơ và ý nghĩa
– Kết cấu có gì đặc biệt ? Ý nghĩa ?
– Nêu biểu hiện và ý nghĩa
Ngôn từ, hình ảnh, hình tượng – Chỉ ra ý nghĩa, đặc điểm của từ ngữ, hình ảnh …
– Lựa chọn từ ngữ (chép lại đúng với nguyên bản, so sánh với từ ngữ khác)
– Việc sử dụng các biện pháp tu từ (từ vựng và cú pháp)
– Sử dụng trường từ vựng, ý nghĩa
– Ý nghĩa của từ ngữ, hình ảnh … => ghi lại từ ngữ hình ảnh, nêu đặc điểm, tính chất, nêu ý nghĩa
– Các biện pháp tu từ => lưu ý: chỉ ra biểu hiện của các biện pháp tu từ ; nói tới ý nghĩa (trong thể hiện nội dung, trong nghệ thuật diễn đạt, thể hiện phong cách tác giả)
– Lựa chọn từ ngữ => lưu ý: đưa ra ý kiến lựa chọn ,chỉ ra hạn chế của từ được lựa chọn so với từ gốc của văn bản
Nhịp điệu, vần điệu, âm điệu, giọng điệu – Cách ngắt nhịp, ý nghĩa
– Cách phối thanh, ý nghĩa
– Gọi tên giọng điệu, các yếu tố tạo nên giọng điệu, ý nghĩa
Chú ý tới việc thể hiện nội dung và nghệ thuật diễn đạt trong cụ thể đoạn trích. Tránh trả lời chung chung
Bút pháp, thủ pháp – Bút pháp lãng mạn, hiện thực
– Thủ pháp đối lập, tương phản …
– Gọi tên, nêu biểu hiện
– Ý nghĩa
Các khái niệm lí luận, làm văn và văn học sử có liên quan –  Chỉ ra phong cách nhà thơ trong văn bản
– Màu sắc sử thi, tính dân tộc, phương thức biểu đạt
Lưu ý: Phương thức biểu đạt chính là biểu cảm
 

2.2. Một số bài tập luyện tập
Bài tập 1
Đoc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới
Có những ngã ba nối những dòng sông lớn của một đại châu, sóng dựng trùng trùng
Có những ngã ba nối những con đường dài chạy từ các thủ đô to
Như những mạch máu khổng lồ
Trên thân hình trái đất
Trong đó mỗi con người là một hạt hồng cầu đỏ chói
Có những ngã ba là nơi gặp gỡ của những dòng văn minh lớn, đông,tây, kim, cổ…
Tất cả những ngã ba trên con có thể học biết ( trong sách địa dư, trên bản đồ)
Mai sau lớn lên con có thể đến thăm và chụp ảnh nữa…
Xong rồi, con có thể quên
Nhưng con chớ quên ngã ba Đồng Lộc
(Huy Cận,  Ngã ba Đồng Lộc, 1971)
Câu 1: Đoạn thơ trên là lời của ai nói với ai? Nói về điều gì?
Câu 2: Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào? Tác dụng của nó trong việc biểu lộ cảm xúc?
Câu 3: Hãy chỉ ra các phép tu từ trong đoạn thơ và cho biết  hiệu quả nghệ thuật của nó.
Câu 4: Theo em, tác giả muốn nói điều gì qua lời khuyên “ Chớ quên ngã ba Đồng Lộc” ?
Gợi ý trả lời:
Câu 1: Đoạn thơ là lời của người cha – thế hệ đi trước nói với người con thế hệ đi sau. Đó là lời khuyên đừng quên những người đã ngã xuống để bảo vệ độc lập dân tộc, đừng quên lịch sử hào hùng của dân tộc.
Câu 2: Bài thơ được viết theo thể thơ tự do. Điều đó phù hợp với dòng tâm tư khi miên man, dàn trải, khi cô nén, ngưng lại trong sự xúc động. Thể thơ tự do khiến cho lời của người cha nói với con trở nên tự nhiên, chân thực tựa như lời nói hàng ngày.
Câu 3: Phép so sánh “ Như những mạch máu khổng lồ”. Phép ẩn dụ: Hạt hồng cầu đỏ chói
Các phép tu từ làm cho đoạn thơ vừa trừu tượng, vừa cụ thể, vừa sống động, vừa bộc lộ niềm tự hào mãnh liệt của tác giả.
Câu 4: Học sinh tự do bộc lộ cảm xúc nhưng cảm xúc phải chân thành phù hợp với nội dung đoạn thơ, với thời đại ngày nay. Chủ đề chính là phải luôn ân nghĩa thủy chung, tự hào với truyền thống yêu nước của dân tộc.
Bài tập 2
Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:
Em ơi buồn làm chi
 Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
 
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
 
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
( Hoàng Cầm, Bên kia sông Đuống)
Câu 1: Đoạn thơ trên đã cho anh/ chị hình dung như thế nào về toàn cảnh sông Đuống  khi nhìn từ “ bên này”?
Câu 2: Chỉ ra những biện pháp nghệ thuật đặc sắc được nhà thơ sử dụng trong đoạn văn bản trên.
Câu 3: Anh/ chị hiểu gì về tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ trong đoạn văn bản trên?
Câu 4: Theo anh chị, trong thời điểm hiện tại, ngoài nỗi nhớ thì tình yêu  quê hương đất nước còn được biểu hiện ở những khía cạnh nào nữa?
Gợi ý
Câu 1:
-Toàn cảnh sông Đuống như hiện lên trước mắt với một không gian thoáng đạt, ngút ngàn. Có hình ảnh dòng sông, cát trắng, bãi mía, bờ dâu…bao phủ một màu xanh dịu nhẹ, sáng tươi: màu biếc của ngô khoai, màu xanh của bờ dâu, ánh sáng lấp lánh của dòng sông trôi, của cát trắng phẳng lì
– Hình dung trước mắt là một miền quê thanh bình, trú phú với những cảnh vật thân thuộc, bình dị nhưng rất đỗi thơ mộng, trữ tình. Sông Đuống nằm nghiêng nghiêng trong suốt những năm kháng chiến như một sinh thể có hồn, vừa duyên dáng nhưng cũng đầy ưu tư, chất chứa bao tâm trạng.
Câu 2:
Đoạn thơ sử dụng khá nhiều những biện pháp nghệ thuật, thí sinh cần nêu được 2 trong số các biện pháp nghệ thuật đặc sắc sau đây:
– Hệ thống từ láy: Lấp lánh, nghiêng nghiêng, xanh xanh, biếng biếc, xót xa kết hợp với nghệ thuật nhân hóa: sông Đuống như một con người “ nằm nghiêng nghiêng”.
– Câu hỏi tu từ sao tiếc nuối, sao xót xa kết hợp với nghệ thuật chuyển đổi cảm giác: xót xa như rụng bàn tay. Nỗi đau trong tâm can khi biết tin quê hương bị giặc chiếm đóng đã cụ thể hóa và chuyển thành nỗi đau thể xác, khiến nhà thơ xót xa, nhức nhối như rụng rời, mất đi một phần cơ thể.
Câu 3:
– Với nỗi buồn chất chứa khi nghe tin quê hương bị giặc chiếm đóng, nhà thơ khao khát được giãi bày, sẻ chia, đồng cảm. Hình tượng  em –  người con gái Kinh Bắc trong tưởng tưởng đã hiện lên như cùng nhà thơ ngược dòng thời gian về với kí ức để sống lại ngày xưa bên kia sông Đuống một thủa yên bình.
– Tiếng lòng náo nức, bồi hồi của chính nhà thơ khi sống lại với những kỉ niệm đã lắng sâu trong kí ức về một quê hương thanh bình, trú phú và thơ mộng. Từ đó, thể hiện niềm yêu thương nhung nhớ, tự hào của nhà thơ về vẻ đẹp của quê hương mình.
– Đi cùng với nỗi nhớ là cảm giác nuối tiếc đến nghẹn ngào, da diết khi chứng kiến hiện thực đau thương “ Đứng bên này sông sao nhớ tiếc”. Cảm giác “ bên này” thật gần mà không thể làm gì được, cảnh vật trìu mến, thân thương của làng quê đã rơi vào tay giặc
– Nỗi đau đớn, xót xa như dâng lên, cắt cứa vào da thịt. Nỗi đau mất quê cứ nhức nhối, quặn thắt trong trái tim khiến nhà thơ như cảm thấy mất đi một phần máu thịt. “ Sao xót xa như rụng bàn tay”
Câu 4: Trong thời điểm hiện tại, khi đất nước hòa bình, phát triển và hội nhâp, tình yêu quê hương đất nước không chỉ biểu hiện ở nỗi nhớ mà còn:

  • Tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa
  • Ý thức tôn tạo, bảo vệ, làm giàu có những vẻ đẹp vốn có
  • Xây dựng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh hơn
  • Quyết tâm bảo vệ chủ quyền dân tộc nếu bị đe dọa, xâm lược
  • ……

Bài tập 3
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau từ hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “một hai”
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh
Ba năm rồi gửi lại quê hương
Tiếng mõ đêm trường
Luống cày đất đỏ
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya
 
Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô
Tháng năm bạn cùng thôn xóm
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng
Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng
Quờ chân tìm hơi ấm  đêm mưa
– Đằng nớ vợ chưa?
– Đằng nớ?
– Tớ còn chờ độc lập
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu…
Câu 1: Đoạn thơ trên viết theo thể thơ nào?
Câu 2: Phác họa hình ảnh người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp được thể hiện trong đoạn thơ?
Câu 3: Hai câu thơ “Ít nhiều người vợ trẻ/Mòn chân bên cối gạo canh khuya” thể hiện tâm  sự gì của người lính?
Câu 4: Nhận xét về cách sử dụng hình ảnh chi tiết thơ của tác giả trong đoạn trích?
Gợi ý
Câu 1: Thể thơ tự do
Câu 2: Hình ảnh người lính chống Pháp được thể hiện trong đoạn thơ:
– Hoàn cảnh xuất thân: ra đi từ những miền quê nghèo trên mọi miền đất nước.
– Trình độ văn hóa, quân sự còn hạn chế (chưa biết chữ, súng bắn chưa quen, quân sự mươi bài).
– Đời sống chiến đấu gian khổ, thiếu thốn (Áo vải chân không/ Nắng mưa sờn mép ba lô/ tháng năm bạn cùng thôn xóm…)
– Tinh thần: có ý chí chiến đấu, giàu nhiệt tình cách mạng, lạc quan tin tưởng ở tương lai (lột sắt đường tàu/ Rèn thêm dao kiếm/ Lòng vẫn cười vui kháng chiến…)
Câu 3: Hai câu thơ đặc tả sự lặng thầm, chịu thương chịu khó của người vợ trẻ nơi quê nhà. Qua đó lời thơ thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu và tình cảm yêu thương gắn bó sâu sắc của người lính với hậu phương, gia đình.
Câu 4: Hình ảnh chi tiết thơ mộc mạc, giàu chất sống; thể hiện khuynh hướng thẩm mĩ mới của thơ ca kháng chiến: khám phá và thể hiện vẻ đẹp, chất thơ trong cái bình thường, giản dị của đời sống chiến đấu.
Bài tập 4
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre chẳng ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con

(Nguyễn Duy , Tre Việt Nam )
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên?
Câu 2. Nêu nội dung, ý nghĩa của đoạn thơ trên?
Câu 3.  Ý nghĩa của biện pháp tu từ trong 2 câu thơ:
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường

Câu 4.
Thương nhau tre chẳng ở riêng
   Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Suy nghĩ của em về vẻ đẹp của con người Việt Nam ta qua hai câu thơ trên ? ( Lấy ít nhất hai ví dụ trong thực tế cuộc sống để củng cố cho suy nghĩ của em )
Gợi ý   
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm
Câu 2. Nội dung, ý nghĩa của đoạn trích:

  • Ngợi ca vẻ đẹp của tre Việt Nam
  • Ngợi vẻ đẹp của con người Việt Nam
  • Niềm tự hào của tác giả đánh thức ý thức và niềm tự hào của người đọc

Câu 3.

  • Biện pháp tu từ được sử dụng trong 2 câu thơ: Biện pháp so sánh (so sánh nòi tre nhọn như chông)
  • Ý nghĩa:

+ Tạo nối diễn đạt hình ảnh, ấn tượng qua đó nhấn mạnh vẻ đẹp ngay thẳng ,cứng cỏi, bản lĩnh, đầy dũng khí của tre Việt Nam cũng như con người Việt Nam
+ Niểm trân trọng, tự hào của nhà thơ
Câu 4.

  • Chỉ ra và nói lên suy nghĩ về vẻ đẹp của con người Việt Nam trong câu thơ: Thương yêu, gắn bó, đoàn kết
  • HS lấy được hai dẫn chứng có sức thuyết phục

III. Đọc – hiểu văn bản kí

  1. Đặc trưng thể loại kí

Cho đến nay giới LLVH vẫn chưa đưa ra một hệ thống lí thuyết thống nhất cho thể loại này. Có nhiều ý kiến khác nhau trong việc xác định khái niệm và đặc trưng của kí song chúng tôi thấy có một số đặc trưng nổi bật sau:
– Mang tính chất của báo chí: kí là một loại văn xuôi trần thuật người thật, việc thật, tôn trong tính xác thực và tính thời sự của đối tượng được miêu tả -> tiếp cận hiện thực nhanh nhạy, nắm bắt và thể hiện cuộc sống kịp thời, mạnh dạn hướng vào những vấn đề nóng bỏng đang được xã hội quan tâm, thông tin đa dạng, xác thực được đảm bảo bằng thực chứng có giá trị tư liệu lịch sử quý giá, đáp ứng những nhu cầu hiểu biết thế giới của độc giả.
– Kí có mối liên hệ chặt chẽ với thể loại trữ tình:
+ Cái tôi trữ tình trong kí được bộc lộ phong phú, trực tiếp -> người viết phải biểu hiện độc đáo cá tính sáng tạo trong mạch cảm xúc, suy nghĩ, trong cách bình luận và phân tích sự vật cũng như trong phương thức thể hiện (Nguyễn Tuân- một cái tôi tài hoa, uyên bác; Vũ Bằng – một cái tôi thao thiết nhớ thương hồn dân tộc; Hoàng Phủ Ngọc Tường- Cái tôi với tâm linh Huế sâu thẳm)
+ Liên tưởng phóng khoáng, bất ngờ
+ Lối hành văn giàu chất thơ
+ Bố cục tự do, phóng túng;
+ Về ph­ương diện kết cấu, tùy bút, bút kí …gần với thơ ở chỗ nó có cấu tứ – cấu tứ gắn kết các chi tiết t­ưởng nh­ư không liên quan trong thực tế thành những tín hiệu thẩm mĩ có cùng chung một nhiệm vụ nghệ thuật trong chỉnh thể tác phẩm là bộc lộ nội dung t­ư t­ưởng. Ng­ười viết  phải xâu chuỗi, tập hợp các sự vật, hiện t­ượng, gắn kết những cái rời rạc thành một chỉnh thể bằng lôgic suy nghiệm riêng độc đáo, bất ngờ. Cấu tứ qui tụ tất cả các chi tiết trong quỹ đạo của nó
Ví dụ: cấu tứ Tờ hoa (Nguyễn Tuân):
+ Mạch văn triển khai từ không khí làm việc tại một công tr­ường làm đường Tây Bắc, tổ ong do các anh chị công nhân kiếm đ­ược, đời sống con ong, quá trình tạo ngọc trai, nghề viết văn, b­ước sinh tr­ưởng của đóa hoa thơm, hoa tưởng niệm những nạn nhân của phát xít Đức, tấm tranh hoa của em bé Nga, chiếc đồng hồ của chị phiên dịch, các loại đồng hồ đông tây kim cổ…và kết thúc ở sự bàn luận về bánh xe thời gian, bánh xe lịch  sử, xu thế chiến thắng của quân ta trư­ớc quân đội Mĩ.
+ Ở đây, sự kiện đời sống không phải là cái đích thông báo của tác phẩm, mà đóng vai trò điểm tựa cho những suy luận, cảm xúc của tác giả về các vấn đề: sứ mệnh, sự gian khổ của nghề viết văn, ­ước vọng hòa bình và niềm tin chiến thắng
+ Mạch kết nối các vấn đề trên là sự liên t­ưởng trên những nét đồng nhất của các yếu tố tưởng như­ không có quan hệ gì trong đời sống thực tế: mật của con ong, ngọc của con trai, đóa hoa thơm và nghề viết; hoa và sự sống, hòa bình; đồng hồ đo thời gian và vòng quay lịch sử. Các vấn đề trên lại đư­ợc thống nhất trong ý tưởng lớn bao trùm toàn bộ tác phẩm: đó là ý thức dấn thân, là trọng trách của người cầm bút tr­ước những vấn đề lớn lao của lịch sử, của thời đại, của nhân loại.
-> Nh­ư vậy, NT đã cấu tứ tác phẩm trên những sự kiện khác xa nhau về không gian, thời gian, về đặc điểm loại hình…Chính cái tôi của nhà văn với màu sắc tư­ duy, cá tính riêng đã quyết định đến việc tạo thành ý t­ưởng và liên kết các chi tiết trong những cấu tứ độc đáo.
+ Hư cấu trong kí: một tác phẩm nghệ thuật dù dưới dạng nào đi nữa bao giờ cũng là một sản phẩm hư cấu của thực tại. Hư cấu trong kí được sử dụng ở những thành phần không thật xác định như: miêu tả nội tâm, miêu tả thiên nhiên, … bên cạnh đó hư cấu ở kí còn thể hiện trong việc sắp xếp, san định tư liệu, sự kiện trong quá trình tái tạo hiện thực ngoài đời thành hiện thực trong tác phẩm. Một trong những cách thức vận dụng hư cấu trong kí là nghệ thuật sử dụng cái tôi . Bằng cái tôi, nhà văn thoát khỏi tình trạng quẩn quanh giữa người thực, việc thực để mở rộng hoàn cảnh văn học đến những chân trời xa xôi khác, bằng cảm xúc, tưởng tượng, liên tưởng, hồi ức…
Tuy vậy, hư cấu không làm ảnh hưởng tới tính xác thực của nội dung và phải làm tăng ý nghĩa xã hội và giá trị nghệ thuật của tác phẩm
– Các tiểu loại kí cơ bản:
+ Kí sự: ghi chép khá hoàn chỉnh diễn biến một sự kiện, một phong trào, một giai đoạn…
+ Truyện kí: thường tập trung trần thuật một nhân vật như: danh nhân, anh hùng
+ Phóng sự: chú trọng sự kiện khách quan, đòi hỏi tính thời sự trực tiếp, thường hướng vào những vấn đề nóng hổi, bức xúc của cuộc sống
+ Bút kí: kết hợp việc ghi chép con người, sự kiện cùng với việc bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của người viết
+ Tuỳ bút: so với các tiểu loại khác của kí giàu chất trữ tình hơn cả tuy vẫn không ít yếu tố chính luận và chất suy tưởng, triết lí. Tuỳ bút không bị ràng buộc, câu thúc bởi 1 cốt truyện cụ thể song nội dung vẫn được triển khai theo 1 cảm hứng chủ đạo, 1 tư tưởng chủ đề nhất định. Ngôn ngữ giàu hình ảnh và chất thơ.
+ Nhật kí: ghi chép theo ngày, thể hiện đậm nét cá tính, suy nghĩ riêng của người viết

  1. Cách đọc- hiểu kí theo đặc trưng thể loại

Nắm vững và bám vào đặc trưng của thể kí, GV sẽ hướng dẫn HS phát hiện được cái hay cái đẹp của tác phẩm. Để tổ chức cho học sinh đọc hiểu hai văn bản kí trong chương trình lớp 12, chúng tôi thường hướng dẫn theo cách sau:
Xác định được đặc trưng cơ bản của thể kí, hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi “Đặc trưng của thể kí hiện đại là gì?”. Giúp học sinh trả lời câu hỏi này, chúng tôi sử dụng kiến thức tích hợp trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông, trả lời các câu hỏi gợi mở:
? Em đã học những văn bản kí nào trong chương trình cấp 2 và cấp 3?
? Em hãy chỉ ra những đặc điểm chung của các văn bản kí đã học ?
Từ đó, GV sẽ hướng dẫn học sinh nhanh chóng xác định được đặc trưng của thể kí để làm cơ sở cho các em đọc hiểu nội dung văn bản.
– Phát hiện  đối tượng của bài kí: Hiện thực được phản ánh trong tác phẩm, đánh giá về độ chân xác, tính thời sự của các sự kiện; dung lượng thông tin…
VD: khi đọc hiểu văn bản kí Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, chúng tôi hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi:
? Em hãy chỉ ra đối tượng của bài kí? (hình tượng sông Đà và hình tượng người lái đò sông Đà)
? Tác giả đã sử dụng những hình ảnh, từ ngữ nào để khắc họa cảnh sắc của sông Đà? Qua đó, vẻ đẹp của sông Đà được hiện lên như thế nào?
Từ việc trả lời cũng câu hỏi này, học sinh sẽ nhanh chóng xác định được những nét đẹp bản chất của Đà giang: thơ mộng và hùng vĩ, trữ tình và hung bạo.
– Tìm hiểu cái tôi của người viết kí: Hiện thực là cái cớ để nhà văn bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, bình luận, triết lí
VD: khi đọc hiểu văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông  của Hoàng Phủ Ngọc Tường, chúng tôi thường hướng dẫn học sinh xác định cái tôi tác giả qua những câu hỏi gợi mở:
– Tình cảm, thái độ của người viết kí được thể hiện thế nào qua cách quan sát và miêu tả cảnh sông Hương?
– Qua những từ những miêu tả trực tiếp cái tôi của tác giả, em hiểu gì về tình cảm của nhà văn đối với dòng sông xứ sở?
Từ đó, học sinh sẽ tìm được những từ ngữ trực tiếp bộc lộ tâm trạng nhân vật “tôi” và qua cách tả cảnh tỉ mỉ, công phu để xác định vẻ đẹp cái tôi của Hoàng Phủ: mê đắm và tài hoa, hướng nội và yêu Huế.
– Khái quát các yếu tố nghệ thuật viết kí: thực tế, nghệ thuật không tách rời nội dung thể hiện nên khi tìm hiểu vẻ đẹp hình tương và cái tôi tác giả thì đã sử dụng các yếu tố nghệ thuật. Có thể kể tới các yếu tố nghệ thuật sau:
+ Bố cục, cấu tứ:
+ Sử dụng cái tôi
+ Khả năng liên tưởng, tưởng tượng
+ Xây dựng hình ảnh
+ Tạo nhịp điệu
+  Sử dụng ngôn ngữ

  1. Luyện tập phần đọc hiểu văn bản kí

3.1 Cơ sở xây dựng bài tâp đọc hiểu văn bản kí
– Đặc trưng kí và cách đọc- hiểu kí là cơ sở quan trọng để xây dựng câu hỏi đọc- hiểu văn bản thuộc thể này. Chẳng hạn có thể ra những câu hỏi về: đối tượng của đoạn trích, cái tôi người viết kí, nghệ thuật viết kí, phong cách tác giả,…
– Căn cứ vào 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao
Chúng tôi hình thành bảng mô tả các mức độ của câu hỏi đọc – hiểu kí để làm cơ sở để giáo viên xây dựng các câu hỏi với văn bản kí trong nhà trường hoặc ngoài chương trình

Nhận biết Thông hiểu Vận dụng thấp Vận dụng cao
– Nêu thông tin về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, thể loại,…
– Nhận ra phương thức biểu đạt
– Nhận ra đề tài, cảm hứng chủ đạo.
– Nhận ra nội dung
– Nhận ra hình tượng
– Chỉ ra được các chi tiết nghệ thuật đặc sắc và các đặc điểm nghệ thuật
 
– Lý giải chi tiết nghệ thuật
– Lý giải ý nghĩa, tác dụng của các biện pháp nghệ thuật
– Lý giải đặc điểm hình tượng
 
 
– Vận dụng hiểu biết về tác giả, tác phẩm để phân tích, lý giải giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm;
– Khái quát đặc điểm phong cách tác giả
– Khái quát các đặc điểm của thể loại
– So sánh các phương diện nội dung, nghệ thuật trong một tác phẩm/ giữa các tác phẩm.
 
– Trình bày những kiến giải riêng về một vấn đề trong văn bản
– Giải quyết một vấn đề trong thực tiễn

3.2. Một số bài tập luyện tập
Bài tập 1.
Đọc đoạn văn bản dưới đây và trả lời câu hỏi
Nước biển Cô Tô sao chiều nay nó xanh quá quắt đến như vậy? Ai  dám  bảo  mình  đã  thuộc tên của hết thảy loài cá trên khắp biển lớn biển con ? Ai đã ghi chép cho hết những hình trang trí trên mình cá? Cái màu xanh luôn luôn biến đổi của nước biển chiều nay trên biển Cô Tô như là thử thách cái vốn từ vị của mỗi đứa tôi đang nổi gió trong lòng. Biển xanh như gì nhỉ? Xanh như lá chuối non? Xanh như lá chuối già? Xanh như mùa thu ngả cốm làng Vòng? Nước biển Cô Tô đang đổi từ vẻ xanh này sang vẻ xanh khác. Nó xanh như cái màu áo Kim Trọng trong tiết Thanh Minh? Đúng một phần thôi. Bởi vì con sóng vừa dội lên kia đã gia giảm thêm một chút gì, đã pha biến sang màu khác. Thế thì nước biển xanh như cái vạt áo nước mắt của ông quan Tư mã nghe đàn tỳ bà trên con sóng Giang Châu thì có đúng không? Chưa được ư? Thế thì nó xanh như một màu áo cưới, được không? Hay là nói thế này: nước biển chiều nay xanh như một trang sử của loài người, lúc con người còn phải viết vào thân tre? Nghe hơi trừu tượng phải không? Mà kìa, nhìn cho kỹ mà xem, nước biển đang xanh cái màu xanh dầu xăng của những người thiếu quê hương. Cũng không phải là sợ lai căng, nhưng nghe nó vẫn chưa trúng vẫn chưa được ổn phải không? Sóng cứ kế tiếp cái xanh muôn vẻ mới, và nắng chiều luôn luôn thay màu cho sóng. Mà chữ thì không tài nào tuôn ra kịp được với nhịp sóng. Đua với sóng, thì chỉ có mà thua thôi. Chao ôi, nước biển Cô Tô chiều nay xanh cái màu xanh của ngọc bích. Hoặc là chao ôi, nó xanh như một niềm hy vọng trên cửa biển.
(Nguyễn Tuân, Cô Tô)
Câu 1: Nội dung của đoạn văn bản trên?
Câu 2:  Em hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong đoạn trích?
Câu 3: Em có nhận xét gì về cái tôi của tác giả ở đoạn trích trên.
Câu 4: Em có đồng ý khi cho rằng: Đoạn văn trên đã thể hiện tài năng bậc thầy của Nguyễn Tuân trong việc sử dụng ngôn ngữ? Lí giải
Bài tập 2.
Đọc đoạn văn bản sau và trả lời câu hỏi
Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như đời Lí, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh núi đồi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ – Yên Bái – Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “Dải sông Đà bọt nước lênh đênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. 
(Nguyễn Tuân, Người lái đò sông Đà)

  1. Hình tượng sông Đà hiện lên như thế nào trong đoạn kí trên?
  2. Chỉ ra và phân tích giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ trong câu “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa
  3. Cái tôi của người viết kí được thể hiện như thế nào qua đoạn kí trên.
  4. Cảnh sóng nước sông Đà ở đoạn văn

Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “Dải sông Đà bọt nước lênh đênh – Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc
Và đoạn văn sau:
“… Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như oán giận gì, rồi lại như van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cũng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng
Gợi ý:

  1. Vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của dòng sông Đà ở vùng hạ lưu
  2. Biện pháp so sánh: (…). Tác dụng:

+ Gợi ấn tượng về một so sánh độc đáo: lấy cái vô hình để tả cái hữu hình, lấy thời gian để gợi không gian.
+ gợi một cách ấn tượng về vẻ đẹp tĩnh lặng, yên ả, hoang sơ ; vừa cổ kính vừa tươi mới đầy sức sống của dòng sông Đà.

  1. Đặc sắc nghệ thuật của đoạn kí:

– Cách cảm nhận, miêu tả, liên tưởng tài hoa phóng túng
– Kết hợp miêu tả và bộc lộ cảm xúc chủ quan của người viết: thuyền tôi trôi trên sông Đà…; chao ôi, thấy thèm được giật mình…
– Ngôn ngữ tinh tế, chọn lọc: con hươu thơ ngộ….

  1. Khác nhau:

– Ở khúc hạ lưu, sông Đà êm đềm, nên thơ với hình ảnh đàn cá dầm xanh nhảy tung bọt nước; còn ở khúc thượng nguồn, sông Đà dữ dội, hung bạo với âm thanh của nước thác.
– Cách thể hiện: vẻ trữ tình của sông Đà được gợi lên trong cảm nhận tinh tế, qua những liên tưởng thơ ca giàu sức gợi; vẻ hung bạo được gợi lên bằng những cảm nhận thính giác, bằng liên tưởng táo bạo: lấy cái nóng bỏng của lửa để làm nổi bật cái dữ dội của nước, lấy cái sức mạnh của núi rừng để diễn tả sức mạnh của nước…
Bài tập 3.
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:
Tại một công trường làm đường Tây Bắc, 1966.
         Tôi nhìn ra cái tàu lăn nghiến đá mặt đường mới, nhìn ra những kíp thợ xây dựng mở đường, nhìn ra một tổ ong của anh chị em làm đường vừa mang được ong chúa về. Cửa sổ buồng tôi viết, lúc nào cũng nhộn nhịp cánh tay người và những cánh ong quen dần với tổ mới. Ong bay trên trang sổ tay tôi. Ong tua tròn trên trang giấy chữ nhật trắng, như là tàu bay đảo nhiều vòng chờ lệnh hạ cánh xuống. Buồng bên có người bị ong đốt. Bởi vì người đó hoảng hốt vừa giết ong một cách không cần thiết, và ngửi thấy mùi máu, bọn ong cùng tổ liền xông tới đốt. Rồi ong cũng lăn ra chết, tinh hồn  xuất theo luôn với nọc đốt. Con ong bé cũng như con voi to, vốn tính lành nhưng khiêu khích chúng thì chúng đánh lại ngay, dẫu rằng có phải lấy bổn mạng ra mà trả lời. Anh cán bộ địa chất liền cho tôi mượn một số tạp chí khoa học có mấy trang về nuôi ong. Giờ tôi mới biết rằng đó là một thế giới đầy sinh thú. Đời sống con ong để lại cho người đọc nó một bài học về kiên nhẫn, về cần lao, về tích lũy, chế tạo và sáng tạo. Người ta đã đánh dấu con ong, theo dõi nó, và thấy rằng cái giọt mật làm ra đó, là kết quả của 2.700.000 chuyến (bay) đi, đi từ tổ nó đến khắp các nơi có hoa quanh vùng. Và trong một nửa lít mật ong đóng chai, phân chất ra được 5 vạn thứ hoa. Tính ra thành bước chân người thì tổng cộng đường bay của con ong đó là 8.000.000 cây số.
      Giữa rừng Tây Bắc đầy hoa, đầy bướm, đầy ong, cái tôi thấy say say trong chính mình là dầu không được một chuyến đi bằng một đời ong, mình cũng là một con sinh vật đang nung một thứ mật gì. Sự tích lũy ở mình cũng ngày ngày có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống. Đối hoa xuân lắng ong mật mà thêm ngẫm tới đàn bướm tốt mã chấp chới bay, lộng lẫy những sắc phấn của sáo ngữ ồn ào. Bướm phù phiếm cũng bay vào hoa, nhưng cặp cánh hào nhoáng cũng chẳng để lại gì. Từ ngày có lịch sử tiến hóa của loài người, chưa ai dám nói đến mật bướm.
(Nguyễn Tuân,  Tờ hoa )
Câu 1. Nêu nội dung của đoạn văn.
Câu 2. Trong đoạn văn trên tác giả đã sử dụng kết hợp những phương thức biểu đạt nào? .
Câu 3. “Tôi nhìn…”, “Giờ tôi mới biết rằng…”, “cái tôi thấy say say…” . Qua các cụm từ trên anh/chị hiểu gì về cái “tôi” trong thể loại tùy bút?
Câu 4. Qua đoạn trích, anh/ chị hiểu gì về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
Gợi ý

  1. Câu 1. Nội dung của đoạn văn: Từ hình ảnh của đàn ong tác giả gợi liên tưởng tới công phu tích lũy và sự lao động bền bỉ của con người.

Câu 2. Trong đoạn văn trên tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm
Câu 3. Qua các cụm từ trên ta thấy được đặc sắc của cái “tôi” trong thể tùy bút:

  • Cái tôi được thể hiện đậm nét, trực tiếp
  • Cái tôi chịu khó quan sát, trải nghiệm, suy tưởng.

Câu 4.
– Ngòi bút tài hoa: trong cách nhìn, trong bút pháp thể hiện
– Luôn nhìn sự vật ở phương diện văn hóa thẩm mĩ
– Sư uyên bác: vận dụng tri thức của nhiều ngành để phản ánh đối tượng.

  1. PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC DẠY HỌC
  2. Cơ sở của phương pháp tổ chức dạy học: Căn cứ vào đối tượng HS, mục tiêu hướng tới, điều kiện cơ sở vật chất, kế hoạch tổ chức ôn tập chung của nhà trường.

2, Một số cách thức tổ chức dạy học

  1. Hoạt động trên lớp

– Dạy đọc hiểu theo kế hoạch đã xây dựng của tổ nhóm chuyên môn từ đầu năm học
– Thực hiện kế hoạch ôn luyện phù hợp với đối tượng học sinh
+ Với HS chỉ thi xét tốt nghiệp: ôn tập giai đoạn cuối, sau khi đã học xong phần đọc hiểu các văn bản
+ Với HS kết hợp xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng: kết hợp xen đọc hiểu và ôn tập, sau cùng ôn tập thêm lần nữa.
– Cách thức ôn tập: chủ yếu ôn tập bằng  hệ thống đề cụ thể:
++ Theo mức độ kiến thức: từ dạng đề yêu cầu kiến thức cơ bản (đặc điểm nhân vật, hình tượng, cảm nhận đoạn thơ…) đến các dạng đề tổng hợp, mức độ cao (so sánh trong một tác phẩm, hai tác phẩm; những nhận định, nội dung khó…)
++ Theo thể loại văn bản, theo giai đoạn văn học: thể loại truyện ngắn, thể loại kí, thể thơ….;  văn học chống Pháp, văn học chống Mĩ…
++ Làm đề hoàn chỉnh: theo cấu trúc đề thi THPT Quốc gia (thường ở giai đoạn ôn tập cuối cùng, sau khi kết thúc chương trình)

  1. Hoạt động ở nhà của học sinh

– Làm đề cương ôn tập: làm trong thời gian dài, theo từng phần đã học (ví dụ kết thúc phần thơ yêu cầu HS làm xong đề cương về thơ, học xong kí làm về kí…)
– Lập dàn ý, hoặc làm bài hoàn chỉnh một số đề GV cho song chưa chữa (lập dàn ý), đã chữa (viết bài hoàn chỉnh)

  1. TÀI LIỆU THAM KHẢO
  2. Các tác phẩm văn học 1945-1975

– Truyện kí Việt Nam 1945-1975
– Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Khải
– Tuyển tập Nguyễn Tuân
– Thơ Việt Nam 1945-1975

  1. Các tài liệu giáo trình, sách giáo khoa

– Lí luận văn học ( Sách của ĐH Quốc gia Hà Nội và DDHSP Hà Nội)
– Tài liệu Chuẩn kiến thức và kĩ năng môn Ngữ văn 10, 11, 12 của Bộ;
–  Ngữ văn 11, tập 1,2 (Bài  Một số thể loại văn học: truyện thơ; Một số thể loại văn học: kịch, văn nghị luận
– Chủ đề tự chọn Nâng cao Ngữ văn 12 (Chủ đề 2, Chủ đề 3)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *