Sáng kiến kinh nghiệm :Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi

Sáng kiến kinh nghiệm

Một số phương diện nghệ thuật cần khai thác khi dạy tác phẩm Những đứa con trong gia đình”

của Nguyễn Thi

MỤC LỤC:

                                                                                                                           Trang

  1. A. Đặt vấn đề:……………………………………………………………………………………..2

 

  1. Lời mở đầu………………………………………………………………………………………..3
  2. Thực trạng của vấn đề nghiên cứu……………………………………………………….3

II.1. Thực trạng của vấn đề………………………………………………………………….. 3
II.2. Mục đích của đề tài……………………………………………………………………….4
II.3. Phương pháp nghiên cứu……………………………………………………………….4
II.4. Những luận điểm cần bảo vệ………………………………………………………….4

  1. 5. Những đóng góp về lý luận và thực tiễn của đề tài…………………………..4

 

  1. Giải quyết vấn đề…………………………………………………………………………….6

 

  1. Vài nét về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Thi và truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình”………………………………………………………………………..6
  2. Những phương diện nghệ thuật cần khai thác khi dạy tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi………………………………………………..7

II.1. Tình huống truyện……………………………………………………………………7
II.2. Nghệ thuật trần thuật của tác phẩm……………………………………………8
II.3. Sử dụng nghệ thuật đồng hiện………………………………………………….12
II.4 Nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lý nhân vật…………………………14
II.4.1. Nghệ thuật xây dựng  nhân vật………………………………………………14
II.4.2. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật………………………………………..16
III. Kết quả thực nghiệm:……………………………………………………………………..17
III.1.Kết quả giờ dạy……………………………………………………………………..17
III.2. So sánh kết quả bài kiểm tra…………………………………………………..18
III.3. So sánh kết quả đội tuyển………………………………………………………18
 
 

  1. Kết thúc vấn đề……………………………………………………………………………..19

 
 

ĐẶT VẤN ĐỀ

 

 LỜI MỞ ĐẦU:

Nguyễn Thi ( 1928 – 1968), là một nhà văn chiến sĩ mà cuộc đời và sự nghiệp sáng tác đã để lại nhiều bài học lớn cho cả một thế hệ nhà văn thời chống Mĩ. Ông đã hi sinh ở mặt trận Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Trong di sản văn học viết về chiến tranh của ông, có tác phẩm đã hoàn chỉnh, có tác phẩm mới ở dạng phác thảo… nhưng tất thảy đều ngồn ngộn chất sống và giàu tính thẩm mĩ, chứng tỏ tác giả của nó là một tài năng văn học lớn.
Từng sống ở Nam Bộ trước cách mạng và sau này lại tham gia chiến đấu trên chiến trường ấy, Nguyễn Thi rất hiểu con người và cảnh vật nơi này. Có thể nói ông là nhà văn của người nông dân Nam Bộ trong cuộc chiến tranh chống Mĩ ác liệt. Ông đã trút tâm huyết xây dựng họ thành những nhân vật văn học đáng nhớ, đầy cá tính, có lòng yêu nước và có lòng căm thù giặc sâu sắc, sống bộc trực, hồn nhiên, giàu tình nghĩa.
Nguyễn Thi có nhiều truyện ngắn hay, trong đó Những đứa con trong gia đình từ lâu đã được đánh giá là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông, đồng thời là một tác phẩm tiêu biểu của nền văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975.  Những đứa con trong gia đình thể hiện tài năng của Nguyễn Thi trên nhiều mặt: khả năng khái quát cao, dựng cảnh, dựng người, mô tả tâm lí sâu sắc, ngôn ngữ Nam Bộ biến hoá, linh hoạt với những triết lí riêng toát lên từ hiện thực. Chúng hoà hợp với nhau hết sức tự nhiên làm cho người đọc không còn thấy là văn mà đó là cuộc sống.
Tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh đ­ược đọc – hiểu một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Thi.Trong chương trình thay sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 12THPT mới (từ 2007), Những đứa con trong gia đình đã được đưa vào giảng dạy với thời lượng 2 tiết nhằm giúp cho người học hiểu được:
+ Hiện thực đau thương, đầy hi sinh gian khổ nhưng rất đỗi anh hùng, kiên cường, bất khuất của nhân dân miềm Nam trong những năm chống Mĩ cứu nước. Sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình và tình cảm yêu nước, cách mạng, giữa truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
+ Biết trân trọng yêu thương và cảm phục những con người bình thường mà trung hậu, dũng cảm đã đem máu xương để bảo vệ đất nước.
+ Nghệ thuật trần thuật, khắc hoạ tính cách và phân tích tâm lí nhân vật, ngôn ngữ phong phú, giàu màu sắc tạo hình và đậm chất Nam Bộ.
Đó cũng là những lí do khiến tôi chọn đề tài Một số phương diện nghệ thuật cần khai thác khi dạy tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” của  Nguyễn Thi  để nghiên cứu, áp dụng vào thực tế giảng dạy chương trình Ngữ Văn 12, ở trường THPT Lam Kinh  năm học 2009 – 2010, 2010 – 2011
 

THỰC TRẠNG CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU:

II.1. Thực trạng của vấn đề:
Tuy nhiên việc dạy học tác phẩm Những đứa con trong gia đình trong nhà trường là một vấn đề không hề đơn giản, bởi nhiều lẽ:
– Tác phẩm càng hay, thì càng giàu ý nghĩa; và con đường đi tìm hiểu và khám phá nó càng không dễ dàng.
– Bên cạnh đó, truyện ngắn này mới đưa vào giảng dạy trong nhà trường,  nên tài liệu nghiên cứu còn ít và hiếm.
–  Phong cách của Nguyễn Thi đậm đà màu sắc dân gian mà hiện đại, lối kể chuyện tự nhiên như cách cảm, cách nghĩ của người nông dân Nam Bộ, nhân vật được trình bày trong mối quan hệ phức tạp và vận động phát triển đầy ấn tượng: trẻ trung, bộc trực, mãnh liệt, đáng yêu.
– Do giới hạn thời gian và dung lượng SGK nên tác phẩm đã được lược bớt, tập trung vào học phần văn bản khi Việt tỉnh dậy lần thứ tư và hồi tưởng việc hai chị em tranh nhau ghi tên đi bộ đội, những tính toán của chị Chiến trong đêm trước ngày lên đường. Phần văn bản được lựa chọn đã tập trung thể hiện chủ đề tác phẩm. Tuy để hiểu sâu sắc phẩm chất, tính cách của “ Những đứa con trong gia đình”, không thể không quan tâm đến phần tóm tắt những đoạn văn bản đã được lược lược gọn, đặc biệt hình tượng nghệ thuật về dòng sông gia đình được phát biểu qua nhân vật chú Năm Chiến, Việt là hình ảnh khúc sông gia đình đang chảy vào biển lớn “ rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta”. Nguồn mạnh làm nên dòng chảy ấy, nối tiếp cho dòng chảy ấy chính là khúc thượng nguồn của truyền thống gia đình kết tinh trong các nhân vật như chú Năm, ba, má Việt …. Do vậy, trước khi hướng dẫn học sinh phân tích tính cách, phẩm chất của hai nhân vật Chiến và Việt, người giáo viên cần gợi cho học sinh căn cứ vào phần tóm tắt để nhận ra những đặc điểm chung gắn kết các nhân vật, cũng là các thế hệ lại với nhau ở gia đình ấy. Từ đó học sinh thấy được sự gắn kết tình cảm gia đình và tình yêu quê hương đất nước, truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc đã gắn kết hoà quyện để tạo nên sức mạnh to lớn cho con người Việt Nam thời chống Mĩ cứu nước. Một trong những đặc điểm thành công của thiên truyện là ở mặt nghệ thuật: tạo tình huống, cách trần thuật theo điểm nhìn nhân vật, phân tích tâm lý nhân vật, nghệ thuật đồng hiện, chất Nam Bộ …là những đặc điểm riêng cần chú ý  khi tiếp cận tác phẩm.
Vì vậy, khi dạy Những đứa con trong gia đình không ít giáo viên rất lúng túng, đó là thực tế không chỉ với những giáo viên trẻ mới ra trường, mà với cả những giáo viên lâu năm – dù có kinh nghiệm. Bởi với họ, Nguyễn Thi  vẫn là mới mẻ khi những năm tháng ngồi trên giảng đường đại học, nhà văn này vẫn chưa được có một vị trí xứng đáng như hiện nay.
 2. Mục đích, nhiệm vụ của đề tài:
Từ thực trạng trên, bản thân tôi đã mạnh dạn nghiên cứu  những phương pháp tiếp cận và khám phá tác phẩm Những đứa con trong gia đình :
Mục đích của đề tài:
– Nhằm giúp cho giáo viên dạy văn, nhất là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở lớp 12- trung học phổ thông có thêm nguồn tư liệu về Nguyễn Thi và truyện ngắn Những đứa con trong gia đình.
– Đối với người học: Đây là một trong những phương pháp  quan trọng,  giúp các em thấy được cái hay, cái đẹp một tác phẩm văn học xuất sắc nhất của Nguyễn Thi, đồng thời là một truyện ngắn tiêu biểu của nền văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975 . Nhằm góp phần làm tăng sức hấp dẫn của bài học đối với học sinh, trong thời điểm mà hứng thú học văn của các em còn nhiều điều đáng phải suy tư, trăn trở.
Nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài:
– Đi sâu vào khám phá những phương diện nghệ thuật đặc sắc nhằm làm nên giá trị độc đáo, sức hấp dẫn của tác phẩm Những đứa con trong gia đình. Từ đó hướng dẫn học sinh đọc – hiểu để cảm nhận  sâu sắc ý nghĩa của tác phẩm.
II.3. Phương pháp nghiên cứu:
Về lí thuyết:
– Tìm hiểu các tài liệu viết về văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975.
–  Các bài nghiên cứu, lí luận phê bình về nhà văn Nguyễn Thi.
–  Các tài liệu nghiên cứu về  tác phẩm Những đứa con trong gia đình .
Về thực tiễn:
– Dự giờ dạy bài Những đứa con trong gia đình của đồng nghiệp.
– Thực nghiệm triển khai đề tài trong giờ dạy bài Những đứa con trong gia đình.
– Chọn hai lớp cơ bản có trình độ ngang nhau: một lớp chú ý khắc sâu, nhấn mạnh về các phương diện nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn trong hai giờ học; còn một lớp không chú ý khắc sâu các phương diện này.
II.4. Những luận điểm cần bảo vệ:
* Vài nét về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Thi và truyện ngắn Những đứa con trong gia đình .
* Những phương diện nghệ thuật đặc sắc làm nên sức hấp dẫn của truyện ngắn Những đứa con trong gia đình .
* Kết quả thực nghiệm.
II.5. Những đóng góp về lý luận và thực tiễn của đề tài.
Đối với giáo viên:
Đề tài sẽ giúp cho giáo viên khi giảng dạy tác phẩm Những đứa con trong gia đình sẽ có một trong những hướng khai thác hợp lí,  làm nổi bật tài năng nghệ thuật của tác giả và ý nghĩa sâu sắc của truyện ngắn. Đồng thời làm cho giờ học sinh động, dễ đi vào tâm trí và tình cảm của học sinh.
– Qua bài dạy, phần nào giáo viên sẽ nắm được năng lực tiếp nhận và khám phá tác phẩm của học sinh.
Đối với học sinh: Đề tài này giúp các em:
– Nâng cao khả năng tiếp nhận và cảm thụ truyện ngắn đặc sắc, tiêu biểu cho phong cách của Nguyễn Thi: Một cây bút đậm đà màu sắc dân gian mà hiện đại, lối kể chuyện tự nhiên như cách cảm, cách nghĩ của người nông dân Nam Bộ, nhân vật được trình bày trong mối quan hệ phức tạp và vận động phát triển đầy ấn tượng: trẻ trung, bộc trực, mãnh liệt, đáng yêu. Đ­ược coi là nhà văn của ng­ười nông dân Nam Bộ trong kháng chiến chống Mĩ ác liệt. Ngòi bút Nguyễn Thi có biệt tài phân tích tâm lí, thâm nhập sâu vào nội tâm nhân vật. Ông đã sáng tạo nên những trang viết vừa giàu chất trữ tình vừa đầy chất sống hiện thực, với những hình tượng, những tính cách gân guốc, có cá tính mãnh liệt
– Có nhận thức  sâu sắc vẻ đẹp của con người của con người Nam Bộ trong kháng chiến chống Mĩ. đồng thời giúp các em cảm nhận về sự trưởng thành của thế hệ trẻ Việt Nam trong chiến đấu. Vẻ đẹp ấy kết tinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam – một phẩm chất cao quí còn để lại những tấm gương cho thế hệ sau noi theo, từ đó  xác định được  một lối sống đúng đắn cho bản thân.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:

 Vài nét về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Thi và truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình”

– Nguyễn Thi  bước vào hoạt động văn học khi văn học Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Con đường nghệ thuật của Nguyễn Thi là con đường vẻ vang của một nhà văn chiến sĩ, nhà văn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Không chỉ cuộc đời anh hùng mà chính những trang viết đã là bằng chứng cho cây bút không bao giờ chịu đứng ngoài hay tụt lại trong cuộc hành quân vĩ đại của dân tộc để du dương hoá, tiểu thyết hoá cuộc đời. Ông bám riết lấy cuộc đời đến phút cuối cùng, trên những mũi nhọn nhất và đỉnh cao nhất của nó bằng cả thể xác và tâm hồn, để quan sát, ghi chép, suy nghĩ, khám phá và sáng tạo bằng thứ ngôn ngữ chắt lọc từ cuộc sống ấy. Bởi vậy sáng tạo của ông không phải là thứ nghệ thuật mỏng manh mà thời gian dễ làm hư nát. Đó là hiện thực cách mạng tự biểu hiện trong cái phần gân guốc nhất, mãnh liệt nhất của nó .Ông đã phát huy ưu thế của truyện ngắn, nâng thể loại này lên tầm cao hơn. Điều đó khiến nhà văn có một phong cách nghệ thuật độc đáo, trở thành “ Người nghệ sĩ duy nhất của thời đại ta nắm vững đến điêu luyện nghệ thuật viết làm sao cho lời chật mà ý rộng”.
– Qua một số tác phẩm tiêu biểu, có thể thấy phong cách nổi bật trong truyện ngắn của Nguyễn Thi đậm đà màu sắc dân gian mà hiện đại, lối kể chuyện tự nhiên như cách cảm, cách nghĩ của người nông dân Nam Bộ, nhân vật được trình bày trong mối quan hệ phức tạp và vận động phát triển đầy ấn tượng: trẻ trung, bộc trực, mãnh liệt, đáng yêu. Đ­ược coi là nhà văn của ng­ười nông dân Nam Bộ trong kháng chiến chống Mĩ ác liệt. Ngòi bút Nguyễn Thi có biệt tài phân tích tâm lí, thâm nhập sâu vào nội tâm nhân vật. Ông đã sáng tạo nên những trang viết vừa giàu chất trữ tình vừa đầy chất sống hiện thực, với những hình tượng, những tính cách gân guốc, có cá tính mãnh liệt . Nghĩa là sự độc đáo của phong cách còn nằm ở những “mạch ngầm” của văn bản. Đằng sau hình thức nghệ  thuật phải thể hiện những dòng chảy ngầm nhiều tầng, nhiều lớp của ý nghĩa: nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa tường minh, hàm ẩn. Làm nên những “mạch ngầm” ấy là toàn bộ các yếu tố nghệ thuật được kết hợp với nhau trong một mối quan hệ hết sức tinh xảo. Vì vậy muốn khám những tầng ý nghĩa tác phẩm của Nguyễn Thi cần phải thận trọng và xem xét kĩ càng các yếu tố nghệ thuật của văn bản.
– Truyện ngắn Những đứa con trong gia đình  là một kiệt tác, bộc lộ rõ tài năng truyện ngắn của Nguyễn Thi. Tác phẩm được viết ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt với đế quốc Mĩ , khi ông công tác với tư cách là nhà văn –  chiến sĩ ở tạp chí văn nghệ Quân giải phóng  năm 1966, sau được in trong “ Truyện và kí” NXB văn học, Hà Nội, 1978. Xuất hiện trong hoàn cảnh đó, Những đứa con trong gia đình  mang đậm dấu ấn thời sự của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.Tác phẩm là bài ca ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của ng­ười dân Nam Bộ đồng thời khẳng định lòng yêu n­ước, căm thù giặc đã trở thành truyền thống gia đình, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn khiến dân tộc ta có thể vượt qua nỗi đau lớn nhất  để tồn tại và chiến thắng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trư­ờng kì gian khổ.
– Là một truyện ngắn tiêu biểu của nền văn học cách mạng Việt Nam 1945 – 1975, Những đứa con trong gia đình hiển nhiên mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn. Tuy vậy, nói đến tác phẩm này người ta không thể nói đến tính hiện thực sâu sắc của nó. Sự chính xác và sống động của các chi tiết luôn được đề cao. Chi tiết nào cũng gây ấn tượng, như được lấy “ trực tiếp” từ đời sống nóng hổi, giàu sức biểu hiện, giàu tính thẩm mỹ. Chính công việc chuẩn bị tư liệu chu đáo, cẩn thận, việc ghi chép miệt mài những điều mắt thấy, tai nghe vào sổ tay đã hỗ trợ đắc lực cho Nguyễn Thi ở phương diện này. Đọc từng trang viết của ông, ta cảm nhận được một trữ lượng dồi dào những kinh nghiệm sống thấp thoáng ở phía sau. Truyện ngắn mà nhiều khi có sức chứa của một tiểu thuyết lớn. Tham vọng khái quát của nhà văn luôn được thể hiện thông qua cách ông sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau, nhưng tham vọng đó không hề khiến ông quên đưa ra những đường nét chạm khắc rạch ròi về nhân vật, bối cảnh. Sự hứng thú quan sát, miêu tả ngôn ngữ, tâm lý nhân vật, sự vận dụng đầy ý thức ngôn ngữ Nam Bộ trong trần thuật có mối liên hệ lô gích với động cơ sáng tạo này. Ngoài ra, việc học tập kinh nghiệm của các nhà tiểu thuyết hiện đại phương Tây trong vấn đề tái hiện dòng ý thức nhân vật cũng được chú ý đúng mức, tạo nên những trang viết xuất thần, đáng quý ( đoạn miêu tả dòng hồi tưởng, suy nghĩ của nhân vật Việt khi bị thương nằm lại trên trận địa là một ví dụ cụ thể, điển hình).
Tất cả những ý nghĩa cao đẹp này, được nhà văn gửi gắm ở tác phẩm Những đứa con trong gia đình, với một hình thức nghệ thuật đặc sắc, tạo nên sức hấp dẫn diệu kì có một không hai  của truyện ngắn. Cảm nhận được điều đó, độc giả ngày nay không thể không tiếc nuối khi nghĩ về sự ra đi quá sớm của Nguyễn Thi – một hiện thượng “ bùng nổ về tài năng” – Nguyên Ngọc trong các thế hệ nhà văn trưởng thành sau cách mạng tháng Tám.

Những phương diện nghệ thuật cần khai thác khi dạy tác phẩm “Những đứa con trong gia đình của Nguyn Thi.

Làm nên sức cuốn hút của tác phẩm là sự kết hợp nhuần nhuyễn nhiều yếu tố nghệ thuật đặc sắc:
 
II.1.Trước hết là ở tình huống truyện:
Những đứa con trong gia đình lôi cuốn và hấp dẫn trước hết bởi một cốt truyện giản dị .Đây là câu chuyện của gia đình anh giải phóng quân tên Việt. Nhân vật này rơi vào một tình huống đặc biệt: trong một trận đánh, bị thư­ơng nặng phải nằm lại giữa  chiến trư­ờng, anh nhiều lần ngất đi tỉnh lại, tỉnh rồi lại ngất.
 
Sơ đồ tóm tắt cốt truyện:
Chú Năm        Ba má Việt                Chiến              Việt
 
Hình tượng dòng sông gia đình                                            Biển lớn
 

Việt tỉnh dậy lần thứ nhất….
+ Anh cố bò đi tìm đồng đội, tuy bị thương khắp người và mắt không thấy gì… Anh lại ngất đi..
Việt tỉnh dậy lần thứ hai lúc trời mưa lất phất…
+ Anh nhớ lại chuyện đi bắt ếch với chị Chiến, chuyện phân xử của chú Năm với hai chị em, chuyện cốn sổ gia đình…
Việt tỉnh dậy lần thứ ba giữa ban ngày….
+ Tiếng chim gù gợi Việt nhớ đến cái ná thun, nhớ chuyện má đi đòi đầu ba…
– Việt tỉnh dậy lần thứ tư….

 
– Truyện đ­ược kể theo dòng nội tâm của nhân vật khi đứt (ngất đi) khi nối (tỉnh lại).  Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật bằng cáh nương theo dòng hồi ức của nhân vật. Bốn lần Việt tỉnh rồi lại mê trên trận địa là bốn lần Việt nhớ và nghĩ theo dẫn dụ hình ảnh ngoại cảnh. Tâm lí phức tạp nhưng vẫn lô gíc . Kết cấu từ những giấc mơ chập chờn mê tỉnh, từ đó mở rộng và đào sâu vào đời sống hiện thực và tâm hồn nhân vật. Tóm lại, tình huống truyện dẫn đến một cách trần thuật riêng của thiên truyện theo dòng ý thức của nhân vật.
II.2. Thứ hai: Nghệ thuật trần thuật của tác phâm:
Những đứa con trong gia đình là một trong những thiên truyện ngắn xuất sắc nhất và tiêu biêu biểu nhất của Nguyễn Thi. Tạo nên nét đặc sắc nhất của thiên truyện phải kể tới nghệ thuật kể chuyện ( trần thuật) độc đáo, linh hoạt của tác giả.
Tác phẩm kể chuyện một gia đình cách mạng, mọi thành viên đều là chiến sĩ diệt Mĩ kiên cường. Thù nhà, nợ nước thống nhất làm một. Tình gia đình và tình cách mạng hoà lẫn vào nhau: Ba má Việt đều ngã xuống trong chiến đấu. Những đứa con của họ ( Việt, Chiến ) đều gắn bó với nhau trong tình ruột thịt và trong niềm tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình. Người mẹ nuôi con lớn lên để trả thù cho cha. Những đứa con giành nhau nhập ngũ để trả thù cho ba má… Một câu chyện như thế tuy cảm động nhưng khá nặng nề, dễ đơn điệu và trùng lặp nếu không tạo ra một cách trần thuật độc đáo, linh hoạt.
– Giáo viên đưa ra bảng đối chiếu các sự việc theo trật tự thời gian tự nhiên và các sự việc được kể trong tác phẩm. Yêu cầu học sinh quan sát và đưa ra nhận xét: Tại sao Nguyễn Thi có thể sắp xếp các sự việc theo trật tự như vậy? Câu chuyện sẽ như thế nào nếu được kể đúng theo tuần tự các sự việc trong đời sống tự nhiên?
 

Trình tự các sự việc đã sảy ra với “ những đứa con trong gia đình Trình tự các sự kiện được kể lại trong truyện
– Chú Năm và cuốn sổ gia đình.
 
 
 
 
– Ba Việt hy sinh, má Việt chèo chống nuôi gia đình và tham gia đấu tranh, bị bom đạn giặc giết hại.
– Việt và Chiến tranh nhau ghi tên tòng quân, tính toán, sắp xếp việc gia đình để lên đường.
 
– Việt tham gia chiến đấu, trong một trận đọ lê với giặc , bị thương và lạc đồng đội giữa chiến trường.
– Sau ba ngày, anh Tánh và đồng đội tìm thấy Việt và đưa anh vào bệnh viện. Anh Tánh giục Việt viết thư cho chị Chiến.
– Việt bị thương, nằm trong bệnh viện, rờ rờ từng dòng viết thư báo tin cho chị Chiến, anh hồi tưởng lại cảnh trận đánh và bị thương, lạc đồng đội giữa chiến trường.
– Việt tỉnh lại lần thứ nhất, bò đi tìm đồng đội.
 
– Việt tỉnh lại lần thứ hai, trời lất phất mưa, anh nhớ lại chuyện đi soi ếch ở nhà, chuyện về chú Năm và cuốn sổ gia đình.
– Việt choàng  tỉnh lại lần thứ ba, anh nhớ tới chuyện cái ná thun, chuyện hy sinh của ba, chuyện về má.
– Việt choàng  tỉnh lại lần thứ tư, anh  chuyện đi bộ đội của mình và chị Chiến.
– Anh Tánh cùng đồng đội tìm thấy Việt và đưa anh về bệnh viện, anh Tánh giục Việt viết thư cho chị Chiến
 

* HS quan sát bảng, đối chiếu các sự việc, đưa ra nhận xét, lí giải và đánh giá
* Trên cơ sở đó, GV tổng hợp về nghệ thuật trần thuật của tác phẩm :
–  Nhìn vào bảng liệt kê các sự việc đã xảy ra theo trình tự thời gian đối với “Những đứa con trong gia đình” và các sự việc được kể lại trong truyện, chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt thể hiện ở cách kể truyện của nhà văn. Vẫn là các sự kiện xảy ra đối với gia dình nông dân Nam Bộ, nơi Chiến và Việt được sinh ra, nuôi nấng trưởng thành, đi làm cách mạng, nhưng trong tác phẩm, trật tự kể lại chúng đã được xáo trộn. Chuyện xảy ra sau nhưng lại được kể trước. Ngược lại có những sự việc trong cốt truyện tự nhiên phải xảy ra trước song lại được kể sau. Thế nhưng câu chuyện vẫn hiện lên rất rõ ràng, hấp dẫn, mạch lạc trong cách cảm nhận của người đọc. Lối thuật kể này giúp tác giả dễ dàng cắt bỏ những vách ngăn giữa các khoảng thời gian để mạch kể thoải mái đi về giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái đang diễn ra trước mặt và kỉ niệm xa xưa, giữa những chi tiết thoáng đến thoáng đi tưởng như bâng quơ, ngẫu nhiên với những tư tưởng, tình cảm lớn lao, trọng đại. Xâu chuỗi tất cả những gì được nhà văn kể lại, chúng ta hình dung thấy trước mắt những thành viên, các thế hệ kế tiếp nhau làm thành hình tượng dòng sông về truyền thống gia đình như lời một nhân vật trong tác phẩm đã phát biểu. Điều gì đã làm nên “mạch lạc” câu chuyện với các sự kiện đựoc xáo trộn không tuân theo trật tự thời gian thông thường ấy? Chính là dòng tâm tưởng, những hồi ức đứt nối của Việt khi bị thương nơi chiến trường. Người kể chuyện đã nương theo những mảnh kí ức chợt đến, chợt đi, chợt náo nức, chợt hiển hiện, chợt thoáng qua ấy mà làm nên mạch chuyện ở “Những đứa con trong gia đình”.
– Trong tác phẩm tự sự, điều tạo nên sức hấp dẫn của sáng tác không phải chỉ ở nội dung câu chuyện với các sự kiện, chi tiết, hình ảnh được kể lại, mà còn ở cách kể, ngôn ngữ, giọng điệu, điểm nhìn của người kể chuyện. Xét ở phương diện này, một thành công trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Thi là nghệ thuật trần thuật. Việc chọn cách kể chủ yếu dựa trên điểm nhìn của nhân vật Việt đã đem lại hấp dẫn riêng cho câu chuyện về “Những đứa con trong gia đình”.
+ Kể bằng điểm nhìn của Việt, một chiến sĩ quân giải phóng gan dạ từ trong trứng nước, vào trận lần đầu đã thể hiện tinh thần của một dũng sĩ diệt Mĩ, nhưng đồng thời cũng là một thanh niên mới lớn, vô tư, lộc ngộc, hồn nhiên, cho nên tất cả sự kiện, kí ức đều được khúc xạ qua thế giới tâm hồn ấy trở nên mới mẻ hơn, vô tư hơn, đồng thời dường như cũng tạo ấn tượng chân thật hơn trong mắt ngưòi đọc.
+ Kể chuyện bằng hồi tưởng của Việt, một chiến sĩ bị thương giữa chiến truờng, trong nhưng cố gắng đi tìm đồng đội, hay sẵn sàng chờ giặc đến, đã ngất đi tỉnh lại nhiều lần, nhất định câu chuyện ấy phải ít nhiều có liên quan hoặc được gợi ra từ tình huống người chiến sĩ đang phải đối mặt. Và như vậy, việc tổ chức, sắp xếp (kết cấu) các sự việc, sự kiện trở nên linh hoạt, tự nhiên hơn. Chuyện gọi chuyện, sự việc này gợi liên tưỏng đến sự việc khác, cứ nhự thế câu chuyện về gia đình giống như một cuốn phim quay chậm lần lượt hiện ra với những kí ức sâu đậm nhất. Câu chuyện về việc đăng kí đi bộ đội của hai chi em trong lần tỉnh dậy thứ tư này của Việt được gợi lại từ bóng dáng thấp thoáng của hình ảnh người mẹ trong lần hồi tưởng thứ ba. Câu chuyện về tình yêu của ba má, về bàn tay to bản bao bọc, che chở đàn con, về ánh mắt vượt sông, vượt biển của má vẫn còn thoáng qua trong đầu anh. Nó nhắc cho anh nhớ tới “ngày má chết rồi ý nghĩ đi bộ đội cũng thôi thúc Việt như vậy”. Thêm nữa là tiếng đạn nổ rất gần báo tin rằng đồng đội Việt đang ở đâu đây, những người đồng đội mới gặp thôi mà gần gũi thân yêu, đã coi anh như một “út em” trong gia đình vậy, cũng làm cho mạch chuyện về việc hai chị em tranh nhau đi tòng quân trở nên rất tự nhiên và linh hoạt, sống động, thêm những ngã rẽ, khúc quanh bất ngờ.
+ Nhưng phải nói, kể chuyện bằng điểm nhìn của Việt là nhà văn đã mượn người kể chuyện để trao ngòi bút cho nhân vật tự viết về mình. Cách trần thuật này tạo nên những trang văn đậm màu sắc trữ tình, chân thực về tâm trạng của nhân vật chính. Bị thương vào mắt sau một trận đọ lê quyết liệt với địch và lạc đồng đội giữa chiến trường, Việt chỉ còn cảm nhận về thế giới xung quanh hoàn toàn bằng cảm giác và sự hồi tưởng. Lần tỉnh dậy thứ tư này, Việt biết đêm nữa đã lại đến qua tiếng nhạc dế “ u u cao vút mãi lên”. Và độ sâu của đêm  được “ đo” bằng âm thanh quen thuộc, gần gũi này. Việt nhận thấy đó là đêm “ sâu thăm thẳm” bởi quá yên tĩnh. Cái thăm thẳm của đêm làm cho Việt như vẫn sống trong giấc mơ về má “ Người Việt như đang tan ra nhè nhẹ”. Má sẽ lại bơi xuồng, ghé lại qua nhà, xoa đầu Việt, đánh thức Việt rồi lấy xong cơm đi làm đồng về cho anh ăn,…Những mảnh dư âm của hồi tưởng đột ngột tan biến bởi tác động của hiện thực. Mấy giọt mưa đã làm cho Việt tỉnh hẳn để cảm nhận về thực tại. Nhập thân vào dòng tâm trạng của nhân vật chính, nhà văn đã tái hiện những cảm giác rất chân thực và sinh động của một thanh niên mới lớn, lần đầu tiên nếm trãi cảm giác bị lạc đồng đội ở giữa chiến trường. Việt không sợ phải đối đầu với giặc, không sợ hy sinh. Nhưng anh sợ cái vắng lặng và cô đơn nơi chiến trường – “ sự vắng lặng như từ trên trời lao xuống chạy từ cổ Việt, lan dài cho tới ngón chân”. Cảm giác một mình không chỉ xuất hiện trong ý nghĩ. Nó trở thành vô vàn câu hỏi bật lên dội tới từng đường gân thớ thịt. “ Cái cảm giác một mình bật lên một cách rõ ràng nhất, mênh mông nhất” đã khiến Việt muốn “ chạy thật nhanh, thoát khỏi sự vắng lặng này, về với ánh sáng ban ngày”. Bởi lẽ bóng đêm không chỉ mang theo sự cô đơn. Bóng đêm đối với chàng thanh niên lộc ngộc, mới lớn mà còn đáng sợ vì nó mang đến “ con ma cụt đầu vẫn ngồi trên cây xoài mồ côi và thằng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót trong những đêm mưa ngoài vàm sông, cái mà Việt vẫn nghe  chị nói hồi ở nhà”. Chàng dũng sĩ diệt Mỹ ấy vẫn đang còn ở tuổi sợ ma khi vào trận!
Chỉ trong cảm giác cô đơn, một mình rõ ràng nhất đó, cảm nhận của Việt về tiếng súng mới thật đặc biệt. Bằng thính giác và sự nhạy bén của người chiến sĩ vào trận, Việt phân biệt tiếng nổ lễnh lãng của pháo giặc và “những tiếng quen thuộc, gom vào một chỗ”, “ súng lớn và súng nhỏ quyện vào nhau như tiếng mõ và tiếng trống đình đánh dậy trời dậy đất hồi Đồng khởi”. Cũng chỉ trong cảnh đó, tiếng súng mới trở nên thân thiết và vui lạ. Nó gọi Việt tới phía của “ sự sống”. “Tiếng súng đã đem lại sự sống cho đêm vắng lặng”. Nơi có tiếng súng là đồng đội anh , là anh Tánh, là những “ anh em đơn vị mình”, nơi “ đạn ta đang đổ lên đầu giặc Mĩ những đám lửa dữ dội, và những mũi lê nhọt hoắt trong đêm đang bắt đầu xung phong”. Tiếng súng đồng đội gọi chiến đấu đã tiếp thêm sức mạnh mới để gọi Việt đến. Sự thôi thúc chưa bao giờ mạnh mẽ và quyết liệt đến như vậy. Nó đơn giản hơn nhiều so với việc phải “ giành nhau” với chị để đi bộ đội đặng trả thù cho ba má, cho những người thân trong gia đình và cũng là cho quê hương đất nước. Để cho Việt trong tư thế đối mặt với cái chết và bản thân chỉ nghĩ đến nhiều nhất, lâu nhất đến những người thân yêu trong gia đình mình, tác giả đã tìm được cách thức hữu hiệu nhất để chứng tỏ rằng: gia đình đó là phần nguồn cội sâu thẳm nhất của con người ấy. Truyền thống gia đình thực sự thiêng liêng hiện lên trong thời khắc thiêng liêng. đó là công phu sáng tạo nghệ thuật của tác giả để biểu hiện những khám phá về nội dung.
+ Cứ như vậy, dòng trần thuật qua tâm tưởng nhân vật Việt đã thể hiện thật rõ nét với người đọc những suy nghĩ, cảm nhận và đời sống nội tâm của nhân vật ấy trong tình huống đặc biệt nơi chiến trường mà anh đang gặp. Đó là ưu thế nghệ thuật mà một điểm nhìn trần thuật khác không thể có được.
Đấy là một thủ pháp nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng sử dụng thành công được. Phải am hiểu sâu sắc tâm lý nhân vật, phải nhập vai nhân vật và nói được đúng giọng nói của nhân vật… đấy là sở trường và tài năng độc đáo của Nguyễn Thi – nhà văn của nông dân Nam Bộ.
II.3. Thứ ba: Sử dụng nghệ thuật đồng hiện:
– Đây là một thủ pháp khá quen thuộc về kết cấu tác phẩm, một yếu tố thuộc về hình thức. Kết cấu là việc tổ chức , sắp xếp các yếu tố nội dung trong văn bản tác phẩm để nó đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Thủ pháp đồng hiện góp vai trò quan trọng trong công việc này. Đó là một trong những thủ pháp tạo ra được kết cấu độc đáo. Từ đó, cốt truyện, nhân vật, chủ đề được thể hiện, gây hiệu quả nghệ thuật sâu sắc. Sau một cuộc giao tranh quyết liệt với kẻ thù, Việt lạc đơn vị giữa rừng đầy xác giặc, chân tay tê dại nhức nhối, khắp người rỉ máu, miệng tê cứng không la lên được, sau đó ngất đi. Nhưng Việt vẫn cố bò đi và sẵn sàng chiến đấu bằng khẩu súng của mình. Mười ngón tay không lên đạn được. Việt dùng răng giật cơ bẩm, đưa một viên đạn lên nòng. Chi tiết này nói lên ý chí diệt giặc của Việt rất mạnh mẽ. Trong tâm trạng luôn nhớ tới người thân( nhớ chị Chiến, chú Năm…). Sang ngày thứ hai, Việt bắt đầu cảm thấy nóng và đói, mắt bị thương nặng, đau khắp người. Đến đây hoàn cảnh của Việt càng gay go. Đường về với đồng đội càng khó khăn gấp bội. Dù vậy anh vẫn sẵn sàng nổ súng với một ngón tay cái sẵn sàng nhúc nhích do chín ngón còn lại đã bị thương. Tâm trí thì nhớ về ngày tòng quân, nhớ ngày theo má đi đòi đầu ba, nhớ má tần tảo lo nuôi các con, nhớ cái chết của má. Trong hoàn cảnh hiểm nghèo, Việt không sợ chết mà chỉ (sợ không còn gặp được đồng đội, không được cầm súng) mà hướng về ba má. Khi về đêm. Khi về đêm thì Việt cảm thấy kiệt sức hoàn toàn, cảm thấy không còn bò được nữa , cảm giác sờ sợ cái vắng lặng, lạnh lẽ của đêm tối. Lúc này tâm trạng của Việt luôn hướng về đồng đội, điều đó rất hợp lý vì Việt đã nghe tiếng súng, tiếng khèn xung phong của ta và đang cảm thấy cuộc chiến đấu bắn ra. Do đó, Việt lại bò được một đoạn, bò về phía trận đánh, phía đồng đội, phía sự sống. Nhưng trận đánh ở xa Việt, cho nên tâm trí Việt lắng lại, hồi tưởng ngày giành đi bộ đội với chị Chiến và cảnh hai chị em bàn định việc nhà trước khi lên đường gia nhập ngũ. Cảm động nhất là khi hai chị em bàn và gửi bàn thờ má: đối với hai chị em dường như đó là việc hệ trọng nhất. Hai chị em lo cúng má trước khi lo dời bàn thờ (càng cảm động hơn khi hai chị em em lo làm cơm cúng má trong tiếng hò như vỡ ra, như nhắn nhủ, tha thiết rồi ngắt lại như một lời thề dữ dội của chú Năm). Tác giả nương theo theo ý nghĩ của nhân vật, để hai chị em đóng vai trò kể chuyện- trước đó tác giả đứng ra kể chuyện – mà dùng các từ ngữ “ đưa má sang ở tạm nhà chú” , “ khiêng má” – chứ không phải khiêng bàn thờ, rồi đến ngày độc lập lại “ đưa má về”. Cũng qua cảm nghĩ của hai chị em và của riêng Việt ở đoạn này “ chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má… Việt thấy thương chị lạ. Còn mối thù thằng Mĩ nó đang đè nặng lên vai”, ta thấy chị em Việt nhập ngũ không phải vì ý thích nông nổi mà do chiều sâu nhận thức: đi đánh giặc vì căm thù và yêu thương sâu nặng. Việt đã nhìn lại quá khứ bằng con mắt của ý chí, của tâm tưởng. Qua đó nhân vật bộc lộ ý chí, nghị lực, tinh thần chiến đấu cao và tình yêu thương đậm đà, hồn nhiên. Tuy Việt hay tranh giành với chị, nhưng biết nghe lời chị. Việt cũng là một đứa trẻ hồn nhiên, thậm chí trẻ con( luôn mang chiến ná thun bên mình, sợ ma, không muốn mất chị…). Chính tình chị em, chú cháu, má con, đồng đội đã tiếp sức cho Việt vượt qua thử thách khắc nghiệt..
– Qua  một vài điều trên, ta thấy thủ pháp nghệ thuật đồng hiện trong khắc hoạ nhân vật Việt, chủ yếu dựa trên cơ sở của phép liên tưởng , phép bắc cầu từ sự kiện này sang sự kiện khác, từ chi tiết, nhân vật này sang chi tết nhân vật kia… Trong sự liên kết đó, dòng hồi tưởng của nhân vật vẫn là sợi dây nối quan trọng nhất. Từ chi tiết anh, em trong quân y viện gọi anh là cậu Tư, Việt chợt nhớ tới chị Chiến, anh Tánh, nhớ lại trận đánh… Cách tình tiết truyện diễn ra rất tự nhiên. Thủ pháp nghệ thuật này ta đã gặp ở truyện “ Đôi mắt” của Nam Cao. ở đó, câu chuyện diễn ra trong hồi tưởng của Độ, khác chăng là Nam Cao để độ xưng “ tôi” và tự kể. Còn ở đây, Nguyễn Thi trực tiếp miêu tả nhân vật Việt. Ông vừa miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật, vừa mượn tâm trạng ấy nói lên câu cuyện mình muốn kể. Đây cũng là một lối kể chuyện độc đáo.
– Vẫn bằng cách trên, theo lời độc thoại của nhân vật Việt, tác giả lần lượt giới thiệu và đồng hiện các nhân vật: Chiến, chú Năm, ba má Việt, anh Tánh…Cũng như Việt, Chiến tòng quân chiến đấu trong một tiểu đội nữ địa phương. Chiến chỉ khác Việt ở chỗ vai trò người chị cả nên sớm trưởng thành, biết lo toan, tính toán già dặn hơn lứa tuổi 20. Cô là một người chị yêu thương, nhường nhịn em, một người má với với nỗi lo toan tính mọi mặt, một người chiến sĩ với tâm hồn khao khát trả thù, có tinh thần chiến đấu cao như tên của cô “ Quyết Chiến”, với câu nói “ Nếu giặc còn thì tao mất”. Chiến có nhiều nét giống má nhưng khác má cô đã vươn lên mạnh mẽ, có điều kiện trả thù. Chú Năm là một nhân vật được thoáng qua trong dòng tâm tưởng, gợi lên từ một tiếng ếch trong trận chiến đã im tiếng súng… Mỗi lần Việt và Chiến đi soi ếch về, chú đều “ kiếm con trọng trọng đem về nhậu” , “ nhậu vào ba hột là chú nói tới hay hò lên mấy câu”. Câu hò khiến chú xúc động “ đôi mắt mở to, đọng nước”. Chú là sử gia lưu giữ truyền thống gia đình , là tác giả cuốn “ gia phả”. Cuốn sổ lần về quá khứ, lẫn trong hiện tại. đó là chứng tính lịch sử được khơi dậy, chép lại bởi cái nhìn đa cảm, cái yêu, cái ghét của một tư cách Nam Bộ trọng nghĩa, bộc trực, sôi nổi, yêu đời…. Ba má Việt hiện về trong Việt như những kỷ niệm về lòng yêu thương và căm thù. Những đoạn văn này Nguyễn Thi như đồng cảm với nhân vật và viết lên bằng nước mắt khiến cho người đọc thấy xúc động, đau nỗi đau cùng nhân vật.
– Chính nghệ thuật đồng hiện làm cho câu chuyện thảm khốc và hào hùng, đậm đà tình người… tưởng như chập chờn, đứt nối, rời rạc… liền lại trong mạch nguồn tâm tưởng khá chặt chẽ. Chặt chẽ nhưng vẫn giữ được cái vẻ bề bộn của tầng tầng, lớp lớp chi tiết trong cuộc sống thường và trong chiến tranh. Các mảng sự kiện, những đoạn đời trong quá khứ và hiện tại như cố tình đan chéo vào nhau, bổ sung cho nhau một cách hợp lý, làm cho tính cách nhân vật được khắc hoạ rõ nét và chủ đề của truyện được bộc lộ khá nổi bật. Lối kết cấu đặc biệt này buộc tác giả phải đi đến tận cùng trong việc phân tích và diễn biến phức tạp nhưng tinh tế của tâm lý nhân vật. Tất cả điều này được Nguyễn Thi vượt qua và thể hiện rất thành công. Truyện tái hiện hiện thực nóng bỏng của một vùng quê với những con người chân chất, hồn nhiên với quyết tâm cầm súng trả thù nhà, nợ nước. Qua các nhân vật ta thấy truyền thống đấu tranh của gia đình, quê hương. đồng thời mỗi người lại góp một “ khúc sông” vào con sông gia đình kiên cường, tạo thành biển cả truyền thống dân tộc.
II.4. Thứ 4 : Nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật.
II.4.1: Nghệ thuật xây dựng nhân vật.
– Nguyễn Thi có biệt tài dựng người, dựng cảnh. Vốn sống của ông phong phú khiến cho các chi tiết mà ông “lẩy” ra bao giờ cũng như giẫy trên trang sách rất sinh động. Nhiều nhân vật chỉ xuất hiện thoáng qua trong truyện nhưng đã kịp để lại một ấn tượng khó quên cả về hành động lẫn ngôn ngữ. Chú Năm của Việt thật dễ nhớ với “giọng hò đục và tức như tiếng gà gáy”. Gọng hò của chú tuy không hay nhưng chứa đựng một cái gì tha thiết khiến cho chị em Việt buồn cười nhưng vẫn rất cảm động. Ông là người ít nói nhưng những câu nói của ông được chị em Chiến khắc sâu vào tâm khảm. Nó tương tự như những châm ngôn kết tinh cả một đời từng trải sông nước, lăn lộn với ruộng vườn và thuỷ chung với cách mạng.Bên cạnh nhân vật chú Năm là hình ảnh má Việt cũng hiện lên với nét chạm khắc rạch ròi. đó là người đàn bà xốc vác, gan dạ. Tác giả đã chọn được nhiều chi tiết tài tình để xây dựng chân dung con người ấy, đặc biệt là chi tiết bà đối mặt với quân thù giúp ta hình dung rõ nét hình ảnh một người mẹ nơi thành đồng Tổ quốc.
–  Hai nhân vật được khắc hoạ đậm nét trong tác phẩm là Chiến và Việt. Chiến là chị. Theo lời chú Năm, cô “ không khác mẹ một chút nào’. Ngay cả Việt cũng nhận thấy thế. Cô có đức tính kiên trì, chịu khó, chi tiết “ bỏ ăn để ngồi đánh vần cuốn sổ gia đình suốt từ trưa đến trời choạng vặng” đã chứng tỏ điều đó. Cô cũng thừa hưởng ở mẹ đức tính gan góc. Trong ngày tòng quân, cô nói với em “ Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!”. Ở cô, khả năng vun vén, thu xếp gia đình cũng thể hiện rất rõ. Trước khi cùng em đi bộ đội, mọi chuyện nhà đã được cô xếp đặt đâu vào đó, tỉ mỉ, chu đáo, “ nói nghe thiệt gọn” khiến cho chú Năm cũng phải có chút sững sờ, “ nhìn hai cháu thiệt lâu” rồi nói “ Khôn! Việc nhà nó thu gọn được thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non. Con nít bây kì đánh giặc này khôn hơn chú hồi trước”. Câu nói của chú Năm thể hiện sự yên tâm của thế hệ trước đối với người lớp sau. Rõ ràng họ đã trưởng thành, có thể gánh vác những việc lớn của đất nước.
–  Khác với chị Chiến, Việt vẫn giữ nguyên tính chất của một cậu bé. “ Cậu Tư” có điệu cười “ lỏn lẻn” rất dễ thương, hay tranh phần hơn với chị, từ chuyện bắt ếch đến chuyện đi bộ đội trước chị. Trước khi chị bàn những việc phải làm trong ngày mai, Việt vẫn đùa nghịch “ chụp một con đom đóm úp trong lòng tay” và thú vị quan sát điệu bộ, cử chỉ, cách nói năng “ in hệt má” của chị. Vào bộ đội rồi, cậu vẫn “ giấu chị như giấu của riêng vậy” vì sợ mất chị trước những lời gạ gẫm đùa tếu của anh, em. Trong hành trang người lính của mình, ngoài cái võng, bộ quân phục, Việt còn mang cái theo cái ná thun – một vật bất li thân từng gắn bó từ ngày “để đầu trần, mình mầy tèm lem sình đất từ chỗ móc mương lên, lội tắt trong vườn, đi tìm chim”. Tuy còn rất trẻ con nhưng Việt đã chiến đấu rất dũng cảm không thua kém ai. Anh đã tiêu diệt được một chiếc xe bọc thép của địch. Bị thương, Việt quyết bò đi tìm đồng đội . Nghe tiếng xe, pháo của giặc, Việt nằm chờ với tâm niệm: “ Tao sẽ chờ mày! Trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này chỉ có mình tao”. Có bao nhiêu là quyết tâm, bao nhiêu là niềm trìu mến với đồng đội, bao nhiêu là sự coi thường, khinh rẻ kẻ thù thể hiện qua lời độc thoại ấy. Quả thật, Việt đã là một người lính chững chạc trong khi còn mang đầy đủ nét ngây thơ, trong sáng, đáng yêu của một cậu bé vừa đến tuổi thành niên.
Nhìn chung trong xây dựng nhân vật, Nguyễn Thi rất quan tâm đến việc cá thể hoá. Nhân vật nào cũng có những nét riêng, độc đáo hiện lên rõ mồn một trước mắt độc giả. Chú Năm nói khác má Việt và Việt nói khác chị Chiến. Lời nói của ai thể hiện rõ tính cách người đó. Nhưng mặt khác, nhà văn cũng có ý thức nhấn mạnh điểm giống nhau giữa họ. Chẳng thế mà ông nhiều lần qua lời chú Năm, qua lời Việt so sánh Chiến với người má của cô, và để người má ấy nói về Việt: “ Đó, lại giống cái thằng cha nó rồi!”. Nói lên điểm giống nhau ở đây tức là nói đến nét bền vững trong một gia đình giàu tinh thần cách mạng, có lòng căm thù giặc sâu sắc, sống rất mực tình nghĩa thuỷ chung. Đây chính là điểm nút sẽ giúp ta lí giải được sức mạnh tinh thần nào đã giúp các nhân vật vượt qua được những thử thách lớn lao, gay gắt đến như vậy. Mở rộng ra, đấy cũng là điểm nút khiến cho mọi chi tiết, sự việc được mô tả trong tác phẩm qui tụ lại, thống nhất ở tinh thần chung là khẳng định những phẩm chất đẹp đẽ của người dân Nam Bộ trong chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Nhiều câu nói thốt lên từ miệng chú Năm hay từ miệng má Việt, vì vậy, có tầm  khái quát triết lí, mang triết lí của cả một dân tộc bất khuất, dù nó được biển hiện ra trong một hình thức rất  mực giản dị- giản dị đến bất ngờ: Ví dụ câu nói nói của má Việt: “người chết có cái vui của người chết, nếu không người ta sanh con ra làm gì?”.Ở đây, có thể nhận ra một đặc điểm trong sáng tác của Nguyễn Thi: tính triết lí rất cao, nhưng đấy là triết lí của chính cuộc đời – một cuộc đời được tái hiện sinh động qua những biểu hiện mang tính bản chất. Điều đó đã được chứng minh bằng  chi tiết “cực đắt” mà nhà văn đã đưa vào cuối tác phẩm: chi tiết hai chị em Việt và Chiến khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm: “ Chị Chiến đứng giữa sân, kéo cái khăn trên cổ xuống, cũng sắn tay áo để lộ hai bắp tay tròn vo và chắc nịch của mình nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên. Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về.” Đoạn văn đã nói hết sức cô đọng về cuộc chiến đấu của chúng ta: có yêu thương, có căm thù, có mất mát nhưng có cái vĩnh hằng, có sự quyết liệt nhưng cũng có sự thanh thản, có yếu tố hành động nhưng cũng có yếu tố tâm linh… Và “mùi hoa cam”, nó chỉ thoảng qua một lần mà thơm mãi. Trong văn Nguyễn Thi, mùi hương “ trữ tình” này thường chỉ được dùng rất dè sẻn, nhưng chính vì vậy mà nó vô cùng quý, để lại trong lòng người đọc những tình cảm sâu xa.
II.4.2: Nghệ thuật phân tích tâm lí  nhân vật.
Một thành công cơ bản của Nguyễn Thi trong Những đứa con trong gia đình là nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật. Đó là cái tài của ông khi lựa chọn các chi tiết đặc sắc làm nổi bật cá tính nhân vật. Điều đặc biệt cần lưu ý rằng truyện ngắn này được tổ chức dựa trên dòng hồi ức của nhân vật Việt khi bị thương trên trận địa. Miêu tả tâm lý người tỉnh táo đã khó mà ở đây lại là tâm lý của con người luôn nằm trong trạng thái giữa mê và tỉnh, hiển nhiên nhiệm vụ nghệ thuật đặt ra càng khó bội phần. Nhưng nhà văn đã thể hiện một cách xuất sắc trạng thái “ chập chờn cơn tỉnh cơn mê” đó của nhân vật. Bốn lần Việt “ tỉnh dậy” trên trận địa, mỗi lần Việt nhớ gì đều được nhà văn miêu tả rất cụ thể, tinh tế và chính xác. thông thường, mạch hồi tưởng của nhân vật trong bước khởi đầu phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố dẫn dụ của ngoại cảnh. Lần thứ hai Việt tỉnh dậy, nghe tiếng ếch nhái kêu dậy lên, Việt tự nhiên nhớ về những đêm đi soi ếch, nhớ “ khi đổ ếch vào thùng, chú Năm thế nào cũng sang”. Thế là hình ảnh chú Năm hiện lên với những câu hò và cuốn sổ gia đình cùng ý nghĩa của nó. Lần thứ ba tỉnh dậy, tiếng cu rừng nhắc Việt nhớ tới chiếc ná thun, rồi chiếc ná thun nhắc tới hành trang trong trong chiếc ba lô ngày nhập ngũ là ngày má Việt vừa mất, thế rồi nỗi nhớ “ chuyển vùng” sang hình ảnh người má thân yêu. Việt tỉnh dậy lần thứ tư trong tiếng súng thôi thúc. Sự thôi thúc ấy khiến Việt liên hệ tới ý nghĩ thôi thúc ngày đi bộ đội, liên hệ chuyện chị em giành nhau đi nhập ngũ trước, sau, sau đó là chuyện chuyển bàn thờ má đi gửi bên nhà chú…Nhìn chung Nguyễn Thi nắm rất chắc quy luật diễn biến tâm lý con người. Ông đã khéo léo tạo ra cho tác phẩm một hình thức kết cấu độc đáo tương đồng với “kết cấu” của những giấc mơ chập chờn, từ đó cứ mở rộng dần đối tượng được miêu tả và đi mỗi lúc một sâu vào đời sống tâm hồn của nhân vật.
Trong khi làm sáng tỏ tâm lý nhân vật, nhà văn đã sử dụng một ngôn ngữ trần thuật đặc biệt phù hợp. đấy là ngôn ngữ của chính nhân vật nói về mình và kể về người khác, mặc dù bề ngoài có vẻ là ngôn ngữ khách quan của người trần thuật. Điều đó thể hiện ngay ở cách xưng hô rất đỗi thân thương, gắn bó: “ Việt” ( chứ không phải là “ anh” hay “chú bé”,“chị Chiến”(chứ không phải là “ cô”, “ chị”) , “ chú Năm” ( chứ không phải là “ ông Năm”), “ má” ( chứ không phải là “ má Việt”)… Điều đó cũng thể hiện ở màu sắc địa phương của lời trần thuật ( chưa kể đến lời nói thực thụ của nhân vật): “ Chú ít nói, nhưng đã nhậu vào ba hột là chú nói tới”, “ Thím Năm vừa khóc vừa kể thôi là kể”, “ Hai bên giáp mặt, ba cười hề hề, nhưng má chẳng thèm dòm, hai mắt hứ một cái “ cóc”, rồi đi thẳng”…Thật khó kể hết những ví dụ sinh động như thế. Nhiều người từng biểu dương Nguyễn Thi rất thạo ngôn ngữ Nam Bộ. Cần phải thấy rằng cách sử dụng ngôn ngữ của ông ở đây trước hết có tác dụng làm nổi bật tâm lý những con người sống ở vùng đất ấy, sau nữa mới gọi dậy không khí của một vùng, một thời…         
III. Kết quả thực nghiệm:
Với những suy nghĩ trên và bằng những thể nghiệm của bản thân trong giờ dạy bài Những đứa con trong gia đình ( tiết 67, 68 trong chương trình Ngữ Văn 12 cơ bản- THPT), đã giúp tôi đạt được kết quả nhất định: Học trò trong các lớp tôi trực tiếp giảng dạy- dù chỉ lớp cơ bản- các em đều hứng thú trong giờ học. Các em đều thấy tự tin, thoải mái, và yêu thích  để rồi từ đó các em nhận ra những tầng nghĩa sâu sắc của tác phẩm. Trên cơ sở đó, từ những lớp bình thường vẫn phát hiện ra những học sinh có năng lực học văn để bồi dưỡng vào đội tuyển.
III.1. So sánh kết quả giờ học:
Tôi đã tiến hành thực nghiệm đề tài ở lớp 12A2 và đối chứng với lớp 12A8, đều là hai lớp  Ban cơ bản- trường trung học phổ thông Lam Kinh, năm học 2010-2011.
a. Lớp 12A2: Không chú ý nhiều đến việc khai thác các phương diện nghệ thuật của truyện ngắn Những đứa con trong gia đình :
– Giờ học buồn, khô khan; học sinh không hứng thú tìm hiểu tác phẩm.
– Học sinh không thấy rõ được đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn có gì khác với truyện ngắn của các nhà văn cùng thời ở văn học Việt Nam. Lại càng không thấy được điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật., tài năng nghệ thuật của một nhà văn kiệt xuất Nguyễn Thi.
– Vì thế mà việc tự tìm hiểu, khám phá ý nghĩa của tác phẩm Những đứa con trong gia đình  ở học sinh rất hời hợt, không khái quát được chiều sâu, và sự rộng lớn của nó.
Lớp 12A8: Tập trung khai thác sâu sắc các phương diện nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi. Kết quả là:
– Giờ học trở nên  sôi nổi: Học sinh thoải mái, tự tin, tìm tòi, khám phá và thảo luận để tìm ra những phương diện nghệ thuật đặc sắc làm nên giá trị của tác phẩm.
–  Các em còn hào hứng phân tích, chứng minh sự hấp dẫn, sức cuốn hút  của  những phương diện nghệ thuật ấy đối với độc giả. Học sinh thấy  bằng bút pháp nghệ thuật  tài năng của nhà văn đã làm nên vẻ đẹp riêng cho tác phẩm Những đứa con trong gia đình, đồng thời thể hiện được phong cách truyện ngắn độc đáo của nhà văn- chiến sĩ Nguyễn Thi.
– Qua hình thức nghệ thuật, hiểu rõ  hiện thực đau thương, đầy hi sinh gian khổ nhưng rất đỗi anh hùng, kiên cường, bất khuất của nhân dân miềm Nam trong những năm chống Mĩ cứu nước. Sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình và tình cảm yêu nước, cách mạng, giữa truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
+ Biết trân trọng yêu thương và cảm phục những con người bình thường mà trung hậu, dũng cảm đã đem máu xương để bảo vệ đất nước.
+ Nghệ thuật trần thuật, khắc hoạ tính cách và phân tích tâm lí nhân vật, ngôn ngữ phong phú, giàu màu sắc tạo hình và đậm chất Nam Bộ.
III.2. So sánh kết quả bài kiểm tra:

  1. Sau khi dạy thực nghiệm đối chứng ở bài học ở hai lớp 12A2, 12A8, tôi đã tiến hành cho cả hai lớp làm bài kiểm tra để đối chứng kết quả, trong 90 phút.

Đề: Những phương diện nghệ thuật đặc sắc làm nên vẻ đẹp độc đáo và sức hấp dẫn của truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.
(Đáp án: Hs cần trình bày được)
* Các phương diện nghệ thuật đặc sắc: Bốn  ý chính:
– Tình huống truyện.
– Nghệ thuật trần thuật của tác phẩm.
 – Sử dụng nghệ thuật đồng hiện
– Nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật.
     + Nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật.
* Tạo nên nét độc đáo của tác phẩm và ngòi bút của nhà văn
– Ngôn ngữ đậm đà màu sắc dân gian mà hiện đại.
–  Lối kể chuyện tự nhiên như cách cảm, cách nghĩ của người nông dân Nam Bộ.
Kết quả kiểm tra:
 

Lớp
 
Số bài Điểm 0- 4 Điểm 5 – 6 Điểm 7 – 8 Điểm 9 – 10
SL TL SL TL SL TL SL TL
12A2
(Đối chứng)
50 12 24% 31 62% 7 4% 0 0
12A8
(Thực nhiệm)
46 4 8,7% 22 47,8% 17 7% 3 0,5%

 -> Rõ ràng, việc áp dụng thực nghiệm đề tài  đã tạo ra kết quả học tập cao hơn cho học sinh, đây là điều không chỉ học sinh  mà giáo viên đều  mong muốn.

 KẾT THÚC VẤN ĐỀ

 
Đọc văn để hiểu người. Giảng văn để dạy làm người…Làm thế nào để chúng ta – vừa là người đọc, vừa là người giảng văn để tạo ra và truyền được cái cảm hứng “ Uống xong lại khát” ấy. Xin mượn lời nhà văn Nguyễn Tuân để trao đổi với bạn bè đồng nghiệp một kĩ năng nhỏ trong việc dạy văn: “ Văn học có cái vui là phong cách, cách nói, cách viết khác nhau. Vậy mà nhiều anh dạy văn lại không đi vào đấy, chỉ nói về nội dung tư tưởng chung chung, nên trở nên nhạt nhẽo, vô duyên”. Vâng! Trong một truyện ngắn ngoài nhân vật, cốt truyện- “ những phần nổi”, người dạy văn thường bám vào phân tích còn có những “ phần chìm”- khoảng trống, khoảng lặng nằm im sau câu chữ. Đó chính là các phương diện nghệ thuật. Bởi vậy, khi phân tích tác phẩm tự sự người dạy cần xác định rõ các phương diện nghệ thuật  –  những mã khoá giúp người dạy, người học đi từ sự im lặng của các từ ngữ để trở về với tiếng lòng mình đến với những trạng thái tâm hồn cảm xúc.
Từ đề tài trên có thể thấy khám phá những phương diện nghệ thuật đặc sắc để tìm hiểu mọi giá trị của tác phẩm  là một trong những con đường hữu hiệu để tiếp cận và cảm nhận văn bản văn học “Những đứa con trong gia đình ”. Từ đó các em không chỉ yêu mến truyện ngắn, nhà văn, mà còn có ý thức rèn luyện và lựa chọn lối sống đúng đắn, cao đẹp biết tiếp thu những gì mới mẻ tiến bộ, khoẻ khoắn, để sống đúng là chính mình, có ý nghĩa.
=> Trên đây là những kinh nghiệm bản thân tôi đã rút ra từ thực tế giảng dạy. Có thể cách làm của tôi trong việc giảng dạy tác phẩm Những đứa con trong gia đình, còn nhiều điểm hạn chế, chưa phù hợp với một số nơi, một số đối tượng. Nhưng với mong muốn góp phần nhỏ vào công cuộc đổi mới phương pháp giảng dạy môn Ngữ Văn, tôi đã mạnh dạn tiến hành thực nghiệm và trao đổi. Rất mong được sự đóng góp của các đồng nghiệp có kinh nghiệm.
Tôi xin chân thành cảm ơn!

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.Hưóng dẫn giải các kiểu, dạng đề thi quốc gia môn Ngữ văn – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội , 2008, Nguyễn Trọng Khánh

  1. Truyện và kí – NXB Văn học HN, 1978.
  2. Văn bản Ngữ Văn lớp 12, gợi ý đọc hiểu và lời bình – NXB GD, 2007, Vũ Dương Quỹ- Lê Bảo.
  3. Thiết kế bài giảng Ngữ văn, lớp 12– tập hai- NXB GD, 2008, Phan Trọng Luận (chủ biên).
  4. Phân tích tác phẩm Ngữ Văn , lớp 12 – NXB GD, 2008, Trần Nho Thìn (chủ biên).
  5. Tự sự học – một số vấn đề lý luận và lịch sử . NXB Đại học sư phạm Hà Nội ,2004

Xem thêm : Sáng kiến kinh nghiệm môn văn

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *