Mục lục
Sáng kiến kinh nghiệm: Kĩ năng tìm hiểu đề, tìm ý cho bài văn
Kho sáng kiến và tài liệu môn văn dành cho giáo viên tham khảo
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
I.Lời mở đầu
Tìm hiểu đề và tìm ý là một yêu cầu có tính bắt buộc trong quy trình làm một bài văn ở trường phổ thông:có ý nghĩa quan trọng, quyết định phương hướng lựa chọn kiểu văn bản, cùng với việc sử dụng các thao tác tư duy hoặc các phương thức biểu đạt để tạo lập văn bản và nội dung bài văn. Để đánh giá một bài văn hay, căn cứ điều đầu tiên và then chốt nhất là bài văn có đúng yêu cầu của đề bài đặt ra không? Sách giáo khoa Ngữ văn bậc phổ thông hiện hành có nhiều đổi mới ở khâu ra đề và không dễ dàng ở những năm đầu đổi mới đối với cả người dạy và người học. Học sinh lúng túng nhiều nhất là khâu tìm hiểu đề và tìm ý cho bài văn.
Làm văn là một công việc đầy sáng tạo và khó nhọc, không chỉ đòi hỏi ở người viết sự am hiểu chữ nghĩa, năng lực tư duy, vốn hiểu biết mà còn thử thách trình độ tạo lập văn bản và cả nhân cách, cá tính của người cầm bút. Tìm hiểu đề và tìm ý là những thao tác, kĩ năng quan trọng làm nên trình độ tạo lập văn bản của người làm văn. Những trình bày của bản thân tôi còn nhằm giúp cho giáo viên và học sinh bổ sung kiến thức về tạo lập văn bản, nâng cao chất lượng làm văn trong sách giáo khoa Ngữ văn mới.
Đó cũng là những lí do khiến tôi chọn đề tài “ Kĩ năng tìm hiểu đề, tìm ý cho bài văn” để nghiên cứu, áp dụng vào thực tế giảng dạy ở trường THPT. Hy vọng rằng những kinh nghiệm nhỏ này sẽ có tác dụng hữu ích với đồng nghiệp.
II -Thực trạng của vấn đề nghiên cứu
( Thực trạng tìm hiểu đề và tìm ý cho bài làm văn của học sinh ở trường THPT)
Tìm hiểu đề và tìm ý là một yêu cầu bắt buộc trước khi đặt bút viết bài văn nhằm giúp bài văn tránh được tình trạng xa đề, lạc đề, nội dung lan man, thiếu ý, thừa ý. Bản thân giáo viên cũng có lúc rất xem nhẹ việc tìm hiểu đề và lập dàn ý trong giờ dạy của mình. Song khi thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc tìm hiểu đề và tìm ý có liên quan mật thiết tới hiệu quả tăng, giảm của chất lượng bộ môn Văn. Từ đó, tôi đã tiến hành trao đổi với 12 giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Ngữ Văn tại các trường THPT Lam Kinh, THPT Lê Văn Linh, THPT bán công 2 Thọ Xuân và để kiểm nghiệm cho cách làm của mình, tôi đã thực hiện điều tra 143 học sinh thuộc 3 lớp 10B1, 11A5, 12C6 bằng phiếu khảo sát bài làm văn của học sinh, với câu hỏi đặt ra là: Em có thói quen đọc đề văn trước khi làm bài? Em có thói quen tìm hiểu đề và lập dàn ý trước khi làm bài văn? Kết quả như sau:
– Với câu hỏi 1:
+ 134 học sinh( Tỉ lệ 93,7%) trả lời có thói quen đọc đề trước khi làm bài
+ 09 học ( Tỉ lệ %6,3) sinh trả lời rằng em không quan tâm đọc đề trước khi làm bài văn.
– Với câu hỏi 2:
+ 80 học sinh chiếm 56% học sinh trả lời không bao giờ có thói quen tìm hiểu đề, tìm ý trước khi viết bài văn.
+ 20 học sinh chiếm 14% học sinh trả lời có thói quen đọc đề, gạch chân các từ quan trọng nhưng chưa chú đến việc tìm ý cho đề bài.
+ 43 học sinh chiếm 30% học sinh trả lời đó là công việc em thường làm và là điều kiện giúp cho bài văn của em đạt điểm cao.
Kết quả cho thấy, trước một đề làm văn, phần đông số học sinh chưa có thói quen tìm hiểu đề và tìm ý. Học sinh chỉ đọc đề một vài lần và viết bài luôn, không tìm ý trước mà vừa viết vừa suy nghĩ để tìm ý, chưa biết cách phân tích đề làm cơ sở cho việc tìm ý. đặc biệt đối với dạng đề mở, đa số các em gặp khó khăn ở khâu xác định các phương thức biểu đạt hoặc thao tác tư duy cần sử dụng để làm bài, lúng túng ở việc tìm ý, bị động trong quá trình viết bài; bài làm văn vừa thiếu ý, lạc ý vừa không đáp ứng đúng đặc trưng kiểu văn bản mà đề bài yêu cầu tạo lập. Như vậy từ thực trạng trên cho thấy rằng việc tìm đề và tìm ý là một yêu cầu bắt buộc trước khi đặt bút viết bài văn, nhằm giúp bài văn tránh được tình trạng xa đề, lạc đề, nội dung lan man rất cần thiết. Cũng từ thực trạng trên để công việc đạt hiệu quả tốt hơn, tôi đã suy nghĩ, tìm hiểu và trao đổi với đồng nghiệp nhằm tìm ra một số biện pháp phù hợp để giải quyết thực trạng.
B.GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Đề làm văn trong sách giáo khoa Ngữ văn THPT hiện hành:
I.1. Đề làm văn theo quan niệm truyền thống:
Trên thực tế, đề làm văn có nhiều dạng khác nhau( trực tiếp và gián tiếp), nhưng có thể thấy kết cấu chung của một đề làm văn theo quan niệm truyền thống thường có 2 phần:
- Nêu yêu cầu kiểu bài.
- Giới hạn vấn đề.
Phần 1 mang đặc tính thông tin hiệu lệnh chứa đựng yêu cầu và cách thức làm bài như giải thích, chứng minh ( làm sáng tỏ), phân tích, bình giảng, bình luận; phần 2 nhằm gợi ý định hướng nội dung cho học sinh, giúp các em trả lời câu hỏi viết cái gì, trong phạm vi nào?
Ví dụ:
Đề1: Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn “ Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành.
Đề 2: “ Việt Bắc” cũng rất tiêu biểu cho giọng thơ tâm tình, ngọt ngào tha thiết của Tố Hữu và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc của thơ ông.
( Sách giáo viên Văn 12, 1992)
Hãy chứng minh điều đó qua đoạn trích hai mươi câu thơ đầu của bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu
( Đề 166 – trang 480; Tuyển tập 234 đề và bài làm văn; NXB đại học quốc gia HN)
Đề 3: Trong truyện ngắn “ Mùa lạc”, nhà văn Nguyễn Khải viết “ ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới , điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” ( Văn học 12)
Bằng việc phân tích nhân vật Đào, anh, chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
ở đề 2,3 câu dẫn của đề cũng thuộc phần giới hạn vấn đề nhưng có tác dụng định hướng gợi dẫn rõ hơn về nội dung.
I.2. Quan niệm về đề văn theo sách giáo khoa Ngữ văn THPT hiện hành:
Đề thi phải khơi dậy những suy nghĩ riêng đồng thời rèn luyện cho học sinh óc phê phán, nhìn vấn đề trên nhiều mặt, tránh ra đề kiểu “suôn sẻ”, dạng “ thoả hiệp một chiều”. Với mục tiêu ấy, sách giáo khoa Ngữ văn THPT hiện hành chủ yếu ra đề theo hướng “ mở” – chỉ nêu ra đề tài hoặc vấn đề cần bàn bạc trong bài văn, không giới hạn cứng nhắc việc vận dụng các phương thức biểu đạt hoặc các thao tác tư duy để viết bài văn, khuyến khích học sinh suy nghĩ nhiều chiều trước một vấn đề. Đề “ mở” khác loại đề “ đóng”, đề “ khép kín”. Sử dụng loại đề này để phân hoá học sinh sẽ phù hợp hơn. Kết cấu đề “ mở ” trong sách giáo khoa khá phong phú.
Dạng 1: Phổ biến là dạng đề chỉ nêu ra đề tài hoặc vấn đề để học sinh làm bài, không nêu yêu cầu về kiểu văn bản và cách thức làm bài. Ví dụ:
VD1:Người phụ nữ xưa với tình yêu và hôn nhân qua một số bài ca dao?( Ngữ văn 10, tập 1, bộ 1; Ban KHXH – NV).
VD2: “ Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động” ( Ngữ văn 12, tập 1, SGK thí điểm bộ 2, ban KHTN).
VD3: Dòng sông truyền thống trong đoạn trích Những đứa con trong gia đình của nhà văn Nguyễn Thi ( Ngữ văn 12, tập 2, NXB GD, 2008) ,( Đề thi học sinh giỏi tỉnh Thanh Hoá năm học 2009 – 2010).
VD4: Tiền tài và hạnh phúc. ( Đề 1, trang 221; Ngữ văn nâng cao 12, tập 2)
Dạng 2: Dạng đề có kết cấu hai phần: Phần nêu mệnh đề làm bài và phần giới hạn vấn đề, đề tài. Ví dụ:
VD1: Nhà thơ Tố Hữu viết “ ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn” ? Anh, chị hãy tìm câu trả lời trong cuộc sống và trong văn học ( Ngữ văn 10, tập 2, bộ 1; Ban KHXH – NV)
VD2: Cảm nghĩ của anh, chị về hình tượng rừng xà nu trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Trung Thành ( Ngữ văn 12, tập 2, bộ 2; Ban KHXH – NV)
VD3: Hình tượng người phụ nữ gợi cho anh, chị nhiều suy nghĩ nhất trong các tác phẩm Vợ chồng A Phủ ( Tô Hoài), Vợ nhặt ( Kim Lân) , Một người Hà Nội ( Nguyễn Khải) và Chiếc thuyền ngoài xa ( Nguyễn Minh Châu); ( Đề 4 trang 221; Ngữ văn nâng cao 12, tập 2)
II.Các giải pháp thực hiện:
Sau đây tôi xin mạnh dạn đưa ra một số đề xuất tìm hiểu đề và tìm ý cho bài làm văn theo sách giáo khoa Ngữ văn THPT hiện hành. Cụ thể là:
II.1. Cách thức tìm hiểu đề làm văn theo sách giáo khoa Ngữ văn THPT hiện hành:
Đây là vấn đề khó không chỉ đối với học sinh mà ngay cả đối với giáo viên ( vì nội dung chương trình làm văn ở THPT được kết cấu theo nguyên tắc đồng tâm và nâng cao; đề làm văn trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành hiện nay chủ yếu ra theo hướng mở để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh – loại đề này hay ở chỗ hạn chế được lối làm văn sao chép, tái hiện, học sinh phải tự mình suy nghĩ và nêu được ý nghĩ của chính mình. Nhưng sẽ rất khó đối với học sinh có học lực yếu và trung bình). Theo tôi, nên dựa vào những căn cứ sau đây để tìm hiểu đề làm văn theo sách giáo khoa Ngữ văn mới:
– Dựa vào lời văn trong đề bài để xác định yêu cầu của đề. Đề nêu ra yêu cầu gì cần giải quyết?
– Mục đích giao tiếp của các kiểu văn bản tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, đối chiếu với đề tài được nêu ra trong đề bài để xác định kiểu văn bản và dạng bài cần tạo lập: đề yêu cầu kiểu văn bản nào? Thuộc dạng bài làm văn nào?
– Dựa vào khối/ lớp học, thời gian học để để xác định sử dụng phương thức biểu đạt biểu đạt hoặc các thao tác làm bài nhằm đảm bảo một số chuẩn kiến thức kĩ năng cần đạt: Các phương thức biểu đạt hoặc các thao tác tư duy nào cần được sử dụng để làm bài văn? Sử dụng chúng khi nào?
Ví dụ cụ thể:
Ví dụ 1: Một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn ( Trang 14, Ngữ văn 10, tập 2- NXBGD). Đề làm văn này yêu cầu làm nổi bật kinh nghiệm học văn hoặc làm văn bằng kiểu văn bản thuyết minh, thuộc dạng bài thuyết minh về một kinh nghiệm học tập có sử dụng kết hợp một số biện pháp nghệ thuật và yếu tố tự sự. Thuyết minh là phương thức biểu đạt chính. Các biện pháp như tự thuật, so sánh, nhân hoá và yếu tố tự sự được sử dụng đan xen kết hợp trong quá trình giới thiệu quá trình học văn: những thất bại, những tìm tòi, tích luỹ về kinh nghiệm học văn( học thuộc lòng văn bản, chuẩn bị bài trước khi đến lớp, chú ý nghe giảng, luyện đề sau giờ học…) . Lưu ý: đối với loại đề mở có kết cấu hai phần, học sinh cần lưu ý các “ lệnh” trong đề bài.
Từ “ phân tích” trong đề bài có ý nghĩa nhấn mạnh phép luận luận chính của bài viết chứ không có ý nghĩa chỉ định một phương pháp lập luận duy nhất hay yêu cầu về kiểu bài phân tích như các đề văn thường gặp trong các đề văn thường gặp trong sách giáo khoa cải cách giáo dục. Bởi trong thực tế không có đề văn nào chỉ sử dụng một thao tác giải thích, chứng minh hay một cách thức lập luận nào đó, hoặc chỉ dùng một phương thức kể… Bất kì bài văn nào cũng là sự tổng hợp các phương thức và các thao tác. Tuy nhiên,, nói như thế không có nghĩa là trước một đề văn, ai thích sử dụng phương thức biểu đạt nào cũng được. Bao giờ cũng có một phương thức biểu đạt chính đóng vai trò chủ đạo, các phương thức biểu đạt khác chỉ là hỗ trợ và phục vụ cho phương thức chính.
Ví dụ 2: Phân tích đoạn thơ sau đây trong bài Vội vàng của Xuân Diệu:
Ta muốn ôm
Cả sự sống đang bắt đầu mơn mởn ;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếch choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
( Đề 1, trang 101,102; Sách giáo khoa Ngữ văn nâng cao 12 – NXB GD)
Đề văn trên yêu cầu nghị luận về một đoạn thơ, trong đó phép lập luận chủ yếu là phân tích. Các thao tác sử dụng với phân tích là giải thích, chứng minh, so sánh và tổng hợp đánh giá. Nghị luận là phương thức biểu đạt chính của bài văn, bên cạnh đó, học sinh có thể sử dụng kết hợp yếu tố biểu cảm.
Từ “ Cảm nghĩ” đến “ cảm nhận” trong đề văn có ý nghĩa lưu ý đến ấn tượng, cảm thụ của người viết – đặc biệt, đối với nghị luận văn học lại càng phải có sự cảm thụ, liên tưởng, đồng cảm và ấn tượng chủ quan của người làm bài được gợi lên từ tác phẩm. Bởi vậy, học sinh cần lưu ý các cụm từ “ Cảm nghĩ”, “ cảm nhận” trong đề bài không đơn giản là phát biểu cảm tưởng, suy nghĩ mà còn là yêu cầu nghị luận trên cơ sở cảm thụ.
Ví dụ 3: “ Cảm nghĩ của anh, chị về hình tượng rừng xà nu trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Trung Thành” ( Ngữ văn 12, tập 2, bộ 2; Ban KHXH – NV)
Đề yêu cầu nghị luận về hình tượng rừng xà nu trong truyện ngắn “ Rừng xà nu”, thuộc dạng bài nghị luận về một tác phẩm tự sự. Nghị luận là phương thức biểu đạt chủ yếu kết hợp với yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm. Các thao tác lập luận kết hợp gồm phân tích, so sánh, bác bỏ và bình luận nhằm làm nổi bật số phận của rừng xà nu trong tầm đại bác của đồn giặc, sức sống bất diệt của cây xà nu và ý nghĩa tượng trưng của rừng xà nu trong truyện.
Từ “ suy nghĩ” trong đề văn nhấn mạnh yêu cầu người làm bài phải trình bày những nhận định, phân tích của mình. Khi trình bày cảm nhận, suy nghĩ phải có lí lẽ , lập luận, phải qua phân tích, chứng minh bằng các dẫn chứng cụ thể kết hợp đan xen linh hoạt nhiều phương thức biểu đạt và các thao tác lập luận khác.
Ví dụ 4: “ Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết”
Anh, chị có suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên. (Đề 2, trang 41 Sách giáo khoa Ngữ văn nâng cao 12 – NXBGD)
Đề yêu cầu nghị luận về thái độ sống của con người , thuộc dạng bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống. Sử dụng nghị luận là phương thức biểu đạt chính kết hợp với các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm. Phép lập luận chủ yếu là phân tích, kết hợp các thao tác chứng minh, bình luận.
II.2. Cách thức tìm ý cho bài làm văn theo sách giáo khoa Ngữ văn THPT hiện hành:
Để học sinh không bị lạc đề, lạc ý hay bỏ ý trong quá trình tìm ý cho bài văn, theo tôi có thể tiến hành theo các cách sau:
Cách 1: Dựa vào tính chất của dạng bài mà đề yêu cầu tạo lập để tìm ý cho bài viét: trả lời câu hỏi viết cái gì?
Cách 2: Căn cứ vào vấn đề được nêu ra trong đề bài để đặt các câu hỏi và trả lời câu hỏi. Đây thực chất là yêu cầu học sinh phải đọc kĩ đề bài, lật đi lật lại vấn đề ở nhiều mặt để tìm ý cho bài làm văn trước khi viết bài.
Ví dụ 5: Tìm ý cho đề bài sau:
Nhà thơ Tố Hữu viết : Ôi sống đẹp là thế nào hỡi bạn Anh, chị hãy tìm câu trả lời trong cuộc sống và trong văn học.
* GV định hướng cho học sinh nắm được tính chất của dạng bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí : Bàn bạc, làm sáng tỏ một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người, chỉ ra chỗ đúng ( hay chỗ sai) của một tư tưởng nào đó nhằm làm thuyết phục người nghe, người đọc.
* Gv hướng dẫn học sinh tìm ý cho bài văn nghị luận về tư tưởng sống đẹp :
– Giới thiệu tư tưởng sống đẹp : Trong cuộc sống, con người luôn hướng tới cái Chân, Thiện, Mĩ và họ luôn mong muốn được hoàn thiện bản thân làm cho cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa hơn.
– Giải thích tư tưởng sống đẹp : Là sống có ích, biết hy sinh, có tâm hồn yêu đời, có ý chí nghị lực, có khát vọng hoài bão…
– Chứng minh và phân tích các mặt biểu hiện của tư tưởng sống đẹp :
+ Dẫn chứng tiêu biểu trong cuộc sống : Những tấm gương ngưqời thực, việc thực.
+ Dẫn chứng tiêu biểu trong văn học: ca dao, truyện cổ tích, thơ trung đại, văn thơ kháng chiến, văn học sau 1975 đến nay.
– Nêu nhận xét đáng giá về các biểu hiện sống đẹp đó trong bối cảnh của cuộc sống riêng, chung.
– Nêu nhận thức mới và hành động : ‘Đời người chỉ sống có một lần phải sống sao cho ra sống ? Phải sống sao cho trước khi nhắm mắt xuôi tay ta không phải xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí. để trước khi nhắm mắt, xuôi tay ta có thể tự hào rằng : tất cả đời ta, tất cả sức lực ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao quý của loài người’. Lời bất hủ của chàng thanh niên Paven Coosoghin trong tiểu thuyết ‘Thép đã tôi là thế đấy’cũng là phương châm sống đẹp của tuổi trẻ chúng ta trong thời đại đất nước hội nhập và phát triển hôm nay.
II.3. áp dụng cho việc tìm hiểu đề, tìm ý ( Tiết 120 Ngữ văn 11, chương trình nâng cao)
- Tìm hiểu đề:
* GV yêu cầu HS so sánh ba đề văn :
Đề 1: Vẻ đẹp của bài Thơ duyên (Xuân Diệu).
Đề 2: Nghệ thuật trào phúng của Nguyễn Công Hoan qua truyện ngắn Tinh thần thể dục.
Đề 3: Nhà văn Nga Lê-ô-nit Lê-ô-nốp cho rằng: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phám về nội dung”. Anh (chị) hãy giải thích và chứng minh ý kiến trên.
* Gợi ý:
(1) Giống nhau: Đều là nghị luận văn học.
(2) Khác nhau:
Đề 1: Thuộc dạng đề mở, không giới hạn về nội dung và không chỉ rõ các thao tác lập luận cần sử dụng.
Đề 2: Thuộc dạng đề có giới hạn về nội dung, nhưng không chỉ rõ các thao tác lập luận cần sử dụng.
Đề 3: Thuộc dạng đề có yêu cầu cụ thể về nội dung và chỉ rõ các thao tác lập luận cần sử dụng.
Có thể lập bảng tổng hợp như sau:
Vấn đề trọng tâm | Thao tác chính | Phạm vi tư liệu | |
Đề 1 | Vẻ đẹp của bài Thơ duyên | Phân tích, chứng minh | Toàn bộ bài Thơ duyên |
Đề 2 | Nghệ thuật trào phúng qua truyện ngắn Tinh thần thể dục | Giải thích, phân tích, chứng minh | Lấy dẫn chứng trong truyện ngắn Tinh thần thể dục |
Đề 3 | Bản chất sáng tạo của tác phẩm văn chương | Giải thích, chứng minh | Lấy dẫn chứng từ các tác phẩm văn học tiêu biểu |
- Tìm ý:
* GV gợi dẫn HS cách tìm ý cho bài văn bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi:
Với đề 1, có thể đặt và trả lời một số câu hỏi sau:
– Vẻ đẹp của bài Thơ duyên được thể hiện ở những phương diện nào? Trả lời câu hỏi này sẽ tìm được các ý lớn: vẻ đẹp về nội dung, vẻ đẹp về nghệ thuật.
– Vẻ đẹp nội dung của bài thơ được thể hiện như thế nào? Với câu hỏi này, căn cứ vào nội dung bài thơ có thể tìm được các ý: bài thơ là những cảm xúc tinh tế, mãnh liệt về mối giao hoà của thiên nhiên và mối tơ duyên của lòng người.
– Vẻ đẹp nghệ thuật của bài thơ được thể hiện như thế nào? Đó là nghệ thuật sử dụng từ ngữ, xây dựng hình ảnh, là cách cấu tứ, cách thể hiện tình cảm, cảm xúc, giọng điệu thơ…
– Vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật có sự thống nhất, gắn bó như thế nào? Đó là những tình cảm, cảm xúc tinh tế, nồng nhiệt, đắm say được thể hiện qua một giọng thơ trẻ trung, với những hình ảnh ngôn ngữ mới mẻ, đầy gợi cảm.
Với đề 2 có thể đặt một số câu hỏi sau:
– Thế nào là nghệ thuật trào phúng? Nghệ thuật trào phúng thường sử dụng những thủ pháp nào và biểu hiện ở những phương diện nào?
– Nghệ thuật trào phúng được thể hiện như thế nào trong truyện ngắn Tinh thần thể dục?
– Nghệ thuật trào phúng có ý nghĩa, giá trị như thế nào trong việc thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm?
Với đề 3 có thể đặt một số câu hỏi sau:
– ý kiến của Lê-ô-nít Lê-ô-nốp đề cập đến vấn đề gì?
– Thế nào là “phát minh về hình thức”? Phát minh về hình thức của tác phẩm văn học được thể hiện như thế nào?
– “Khám phá về nội dung” là gì và được thể hiện như thế nào?
– Sự phát minh về hình thức và khám phá về nội dung của một tác phẩm có mối liên hệ như thế nào?
– Có thể chứng minh qua những tác phẩm văn học tiêu biểu nào? Mỗi tác phẩm đó có những sáng tạo gì mới về nội dung và nghệ thuật?
III.Kết quả thực nghiệm:
III.1. Kết quả giờ dạy:
Qua giờ dạy, học sinh tích cực suy nghĩ chủ động tham gia các hoạt động học tập để khám phá lĩnh hội kiến thức. Đặc biệt các em đã mạnh dạn trình bày và bảo vệ ý kiến của mình. Bước đầu kết quả cho thấy, trước một đề làm văn, phần đông số học sinh có thói quen đọc đề một vài lần mới viết bài, chú ý tìm hiểu đề, tìm ý trước khi viết bài. Đặc biệt đối với dạng đề mở, các em đã xác định được thao tác, phương thức lập luận và nội dung của bài văn .
*Cụ thể ở lớp 12C6: Tổng số 49 hs ;
+ 39/49 học sinh chiếm 79% đã có thói quen đọc kĩ đề từ 2- 5 lần trước khi viết bài văn.
+30/49 học sinh, chiếm 61,2% biết vận dụng thao tác tìm hiểu đề, tìm ý cho bài văn.
* Cụ thể ở lớp 11A5 : có 45 học sinh :
– Kết quả của việc tìm hiểu đề, tìm ý :
+ 40/45 hs, chiếm 89% đã có thói quen đọc kĩ đề từ 2- 5 lần trước khi viết bài văn.
+37/45 hs, chiếm 77% biết vận dụng thao tác tìm hiểu đề, tìm ý cho bài văn.
Trong quá trình thực hiện đề tài này tôi đó có ít nhất 4 lần cho học sinh làm bài kiểm tra trong một học kỳ, kết quả của các lần kiểm tra đều nâng lên về mặt chất lượng .
– Kết quả chung :
+ Học kỳ I có 3 em đạt giỏi, chiếm tỉ lệ 7%, 23 em loại khá, chiếm tỉ lệ 51% ,18 em loại trung bình, chiếm tỉ lệ 41 %, 01 em loại yếu, chiếm 2% .
+ Đến học kỳ 2 đó có 5 em đạt loại giỏi, 24 em đạt khá, 16 em đạt loại trung bình , không còn học sinh xếp loại yếu.
So sánh kết quả bài kiểm tra:
Sau khi dạy thực nghiệm đối chứng ở bài học ở hai lớp 11A2, 11A5, tôi đã tiến hành cho cả hai lớp làm bài kiểm tra để đối chứng kết quả, trong 15 phút.
Đề1: Intenet – con dao hai lưỡi.
* Bài viết cần nêu được những ý chính sau:
– Giải thích khái niệm Intenét: hệ thống thông tin toàn cầu có thể truy cập công cộng gồm các mạng máy tính liên kết với nhau…
– “Intenét là con dao hai lưỡi” có nghĩa là thế nào? Intenét có những tiện ích to lớn bên cạnh những tác hại khôn lường. ( Vừa là “ túi khôn” vừa là “ thùng rác” của loài người.
– Tiện ích của Intenét: Cung cấp thông tin, mở mang hiểu biết, giúp con người giao lưu, thư giãn…
– Mặt trái của Intenét: Làm cho văn hoá đọc có nguy cơ bị mai một; là nguyên nhân phá vỡ kết nối giữ các cá nhân trong cộng đồng khi họ say mê trong thế giới ảo; là phương tiện để kẻ xấu lợi dụng để truyền di những thông tin không có lợi; là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ bê trễ học hành, vi phạm pháp luật…
– Làm thế nào để Intenét phát huy tác dụng tốt nhất trong cuộc sống.
+ Người sử dụng: Biết sử dụng đúng mục đích, sử dụng một cách thông minh, linh hoạt.
+Cơ quan quản lí: Có những biện pháp tích cực, quản lí chặt chẽ những thông tin trên mạng, giáo dục phổ cập nâng cao kiến thức…
– Rút ra bài học cho bản thân.
Đề2: Học sinh sử dụng điện thoại di động trong trường học – lợi và hại.
* Bài viết cần nêu được những ý chính sau:
– Nêu vấn đề nghị luận: Hiện tượng sử dụng điện thoại di động trong nhà trường của hs.
– Lợi ích cho ĐTDĐ mang lại đối với hs.
+ Liên lạc cùng bạn bè, trao đổi những vấn đề về học tập.
+ Bố mẹ quản lí giờ giấc cũng nh kiểm soát con em mình được dễ dàng hơn.
Qua đó có thể hiểu và chia sẻ được những lo lắng và những suy nghĩ của con
cái.
+ Dùng ĐTDĐ có thể ghi nhớ, đặt giờ giấc.
- Tác hại của ĐTDĐ gây ra.
+ Dùng điện thoại để nhắn tin, chơi điện tử, nghe nhạc… làm mất thời gian
học hành của hs.
+ Dùng điện thoại không đúng lúc, đúng chỗ sẽ tạo nên một hình ảnh phản
cảm.
+ Dùng điện thoại di động trong nhà trường vào những mục đích xấu sẽ
khiến học sinh đi sai đường, nhận thức vấn đề không đúng dẫn đến việc
không xây dựng cho mình lối sống văn hoá…
- Định hướng giải quyết:
+ Hạn chế việc hs mang ĐTDĐ đến trờng.
+ Tăng cường giáo dục tư tưởng, ý thức để hs hiểu được ảnh hưởng không tốt
của việc mang ĐTDĐ đến trường lớp.
+ Phụ huynh hs cần quản lí chặt chẽ việc con em sử dụng ĐTDĐ.
+ Bản thân mỗi hs phải hiểu được những mặt lợi – hại, tốt – xấu của việc
mang và sử dụng ĐTDĐ trong trường để tự điều chỉnh hành vi của mình.
– Liên hệ bản thân.
- Kết quả kiểm tra:
Lớp |
Số bài | Điểm 0- 4 | Điểm 5 – 6 | Điểm 7 – 8 | Điểm 9 – 10 | ||||
SL | TL | SL | TL | SL | TL | SL | TL | ||
11A2 (Đối chứng) |
50 | 12 | 24% | 31 | 62% | 7 | 14% | 0 | 0 |
11A5 (Thực nghiệm) |
46 | 4 | 8,7% | 22 | 47,8% | 17 | 37% | 3 | 6,5% |
-> Rõ ràng, việc áp dụng thực nghiệm đề tài đã tạo ra kết quả học tập cao hơn cho học sinh.
Kết thúc vấn đề:
Làm văn là một công việc đầy sáng tạo và khó nhọc, không chỉ đòi hỏi ở người viết sự am hiểu chữ nghĩa, năng lực tư duy, vốn hiểu biết mà còn thử thách trình độ tạo lập văn bản và cả nhân cách, cá tính của người cầm bút. Tìm hiểu đề và tìm ý là những thao tác, kĩ năng quan trọng làm nên trình độ tạo lập văn bản của người làm văn. Việc tìm hiểu đề, tìm ý trong bài văn không phải là công việc mới , song việc luyện tập cho học sinh có thói quen tìm hiểu đề và tìm ý như thế nào cho có hiệu quả thì không phải giáo viên nào cũng chú ý làm. Trong thực tế rất nhiều giáo viên chỉ coi việc luyện tập cho học sinh tìm hiểu đề, tìm ý theo hình thức chiếu lệ , cho có, mà chưa khai thác hết vai trò của thao tác này này. Muốn có được điều đó, phụ thuộc rất nhiều vào tâm huyết của người giáo viên .
Hiểu biết tri thức, rèn luyện nhân cách cho học sinh, đó cũng là mục đích cao đẹp của mỗi giờ dạy học văn nói chung trong nhà trường phổ thông. Đó cũng là mong muốn bất cứ người thầy, người cô dạy Văn nào. Và đó cũng là mục tiêu cao đẹp của giáo dục: “ Đánh thức năng lực nhạy cảm, phán đoán đúng nhất; phát triển nhân cách…” và để làm được điều này “hãy tìm ra một phương pháp cho phép giáo viên dạy ít hơn, học sinh học nhiều hơn” (Akômexki). Với suy nghĩ đó, tôi đã cố gắng tìm tòi, nghiên cứu đổi mới phương pháp, nhằm nâng cao hiệu quả của các giờ dạy của bộ môn Ngữ văn tạo hứng thú cho học sinh trong học tập. Khiến các em thấy thêm yêu thích những giờ học Văn, không còn thấy tẻ nhạt, chán ngắt và lê thê. Những cách làm ấy tuy nhỏ, nhưng nó đã phần nào trả lại vị trí xứng đáng của môn Ngữ văn trong lòng học sinh ở trường phổ thông hiện nay. Những trình bày của bản thân tôi còn nhằm giúp cho giáo viên và học sinh bổ sung kiến thức về tạo lập văn bản, nâng cao chất lượng làm văn trong sách giáo khoa Ngữ văn mới.
=> Trên đây là những kinh nghiệm bản thân tôi đã rút ra từ thực tế giảng dạy. Có thể cách làm của tôi trong việc giảng dạy còn nhiều điểm hạn chế, chưa phù hợp với một số nơi, một số đối tượng. Nhưng với mong muốn góp phần nhỏ vào công cuộc đổi mới phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn, tôi đã mạnh dạn tiến hành thực nghiệm và trao đổi. Rất mong được sự đóng góp của các đồng nghiệp có kinh nghiệm.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Tài liệu tham khảo :
- Từ điển Tiếng Việt – Hoàng Phê NXB Đà Nẵng -2005
- Tự sự học – một số vấn đề lý luận và lịch sử . NXB Đại học sư phạm Hà Nội ,2004
- Ngữ Văn 11, 12 NXB GD
- Tạp chí THPT số 30
- Tạp chí giáo dục số 222( kì 2 – 2008 )
- Tạp chí giáo dục số 176 ( kì 1-11-2007 )
- Sách giáo viên Ngữ văn 11,12 Ban KHXH.
- Ngữ văn 12, tập 2, bộ 2; Ban KHXH – NV)
- Ngữ văn 10, tập 1, bộ 1; Ban KHXH – NV)
Xem thêm : Sáng kiến kinh nghiệm môn văn