Nghị luận xã hội :Cuộc sống như một cuốn sách

VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI

(Con người và cuộc sống xung quanh)

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI
         Không phải chờ đến thế kỉ XXI mới có sự bất định, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hoá sâu rộng, thế giới đã trở nên “phẳng” và “ảo” với mạng Internet và các ứng dụng công nghệ truyền thông, các sự bất định lan truyền với tốc độ chóng mặt và xảy ra trên quy mô lớn. Chưa kể thế giới đương đại càng ngày càng ẩn chứa đa liên kết phức tạp, sự bất định cũng trở nên phức tạp bội phần. (Lược một đoạn: Tác giả lí giải “Nguyên lí bất định” của Hây-xơn-bớt (Heisenberg) trong vật lí lượng tử hiện đại để phân tích những bất định trong thế giới đương đại.) Người trẻ cần mang theo những hành trang gì để chuẩn bị cho thế kỉ XXI đầy những bất định?

Thứ nhất, người trẻ cần trang bị hành trang tri thức. Đối với bất cứ ngành nào, kiến thức cốt lõi của ngành là đương nhiên. Tuy nhiên, thế giới hiện đại cho thấy không thể chia tách các ngành, các lĩnh vực, mà chúng tồn tại ràng buộc, lệ thuộc, tương tác với nhau. Do vậy, bên cạnh kiến thức cốt lõi của ngành, còn cần phải nắm bắt được kiến thức của các ngành gần, các ngành liên quan. Các vấn đề xã hội hiện đại đòi hỏi các giải pháp liên ngành, do vậy kiến thức liên ngành ngày càng trở nên quan trọng.

Câu chuyện của giải pháp liên ngành đã được nhắc từ nhiều năm nay trở nên hiển hiện nhất trong đại dịch Covid-19. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, chống dịch cấp quốc gia và trên toàn cầu là bài toán không thể giải chỉ bằng các mô hình dịch tễ hay các giải pháp y tế, mà còn đòi hỏi các tính toán về công bằng, an sinh xã hội, về tâm lí xã hội và cách tiếp cận cộng đồng.

Ngoài kiến thức chuyên ngành, người trẻ còn cần trang bị khối kiến thức chung mà bất cứ công dân nào của thế kỉ XXI cũng cần phải có. Tổ chức “Partnership for 21st Century skills” gọi tắt là P21 đã khảo sát, xây dựng và ban hành “Khung kĩ năng thế kỉ XXI”. (Lược một đoạn: Tác giả nêu thông tin về mục đích, vai trò của “Khung kĩ năng thế kỉ XXI”.)

Khối các môn học cốt lõi mà sinh viên trong thế kỉ XXI cần có là tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ toàn cầu (tiếng Anh), Nhân văn, Toán, Kinh tế, Khoa học, Địa lí, Lịch sử và Quản lí nhà nước – Trách nhiệm dân sự. Khối kiến thức chung liên ngành bao gồm: (1) Hiểu biết về các vấn đề toàn cầu (đa dạng văn hoá, tôn giáo, biến đổi khí hậu,..), (2) Hiểu biết về tài chính, kinh tế, kinh doanh (vai trò của nền kinh tế, tài chính cá nhân,…), (3) Hiểu biết về vai trò và trách nhiệm dân sự (quyền công dân, nhân quyền, quan hệ nhà nước – công dân,…), (4) Hiểu biết về y tế và sức khoẻ (các biện pháp bảo vệ sức khoẻ tâm thần và thể chất như giảm căng thẳng tránh rủi ro y tế, dinh dưỡng theo dõi, giám sát sức khoẻ cá nhân, các vấn đề an toàn và y tế cộng đồng,…), (5) Hiểu biết về môi trường (môi trường thiên nhiên – hệ sinh thái, nguồn nước, năng lượng, khí hậu, tác động của con người tới môi trường tự nhiên – tăng trưởng dân số, tiêu thụ tài nguyên, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, phá rừng,…). Có thể thấy khung kĩ năng đã đặt ra các khối nội dung kiến thức xã hội khá rộng, đòi hỏi sinh viên phải hiểu biết về môi trường đang sống, và phải có liên kết, gắn bó với môi trường xung quanh. Đây là những hành trang vô cùng quan trọng cho những người trẻ trong kỉ nguyên bất định ở thế kỉ XXI.

Thứ hai, người trẻ còn cần chuẩn bị hành trang về kĩ năng. Thiếu kĩ năng làm việc ở người trẻ khi tham gia thị trường lao động sau tốt nghiệp đại học là vấn đề của nhiều quốc gia. “Khung kĩ năng thế kỉ XXI” là chỉ dẫn giúp thu hẹp khoảng cách giữa việc đào tạo ở đại học với nhu cầu của doanh nghiệp. P21 đưa ra ba khối kĩ năng trọng yếu cho sinh viên ở thế kỉ XXI: (1) Kĩ năng học tập và sáng tạo, (2)Kĩ năng công nghệ, truyền thông và thông tin, và (3) Kĩ năng sống và nghề nghiệp. Trong số các kĩ năng này, nhóm (2) và (3) là những kĩ năng quan trọng nhất mang đặc trưng thời đại để ứng phó với bất định.

Thứ ba, hành trang không thể thiếu đó là thái độ. Nếu xem xét kĩ các kĩ năng trong khung kĩ năng của công dân thế kỉ XXI, có thể thấy trong đó đã ẩn chứa một phần thái độ mà những người trẻ cần có. (Lược một đoạn: Tác giả liên hệ với sự bất định đã phân tích ở trên để lí giải về những thái độ người trẻ cần có.) Chúng ta có thể lường trước sự bất định đến từ đâu, chứ không phải chúng ta mù mò về tương lai và cho rằng tương lai là không thể xác định. Nhận thức như vậy giúp chúng ta có thái độ phù hợp với sự bất định. Đó là sẵn sàng, chủ động, có sự chuẩn bị, thay vì hoang mang, sợ hãi, nghi hoặc để rồi phó mặc hoặc ra các quyết định sai lầm.

(Lược đoạn cuối: Tác giả nêu vai trò của nhà trường, hệ thống giáo dục chính thống, gia đình và xã hội trong việc giúp người trẻ chuẩn bị hành trang.)

(Trích trong “ Giáo dục trong kỉ nguyên của sự bất định “ của Đỗ Thị Ngọc Quyên, Nguyễn Đức Dũng, tạp chí “ Tia sáng “ , số Tết 2 + 3, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội, ngày 20/2/2022)

 Trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Bạn hãy nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản và bạn hãy kể tên 1 tác phẩm đã học cùng sử dụng phương thức biểu đạt này ?  

Câu 2: Bạn hãy nêu luận đề của đoạn trích trên ?  

Câu 3: Bạn hãy nêu phong cách ngôn ngữ của đoạn trích trên và phương pháp lập luận của đoạn văn thứ nhất ?

Câu 4: Bạn hãy chỉ ra dẫn chứng tiêu biểu nhất trong văn bản ?

Câu 5: Bạn hãy xác định các luận điểm chính của đoạn trích trên ?

Câu 6: Bạn hãy chỉ ra các lí lẽ mà tác giả sử dụng để làm rõ các luận điểm ?

Câu 7: Bạn hãy nêu yếu tố bổ trợ chính trong văn bản và tác dụng của yếu tố đó?

Câu 8: Từ văn bản trên, bạn thấy bản thân cần trau dồi thêm kĩ năng nào ? Bạn hãy nêu các hành động cụ thể để phát triển các kĩ năng ấy ?

 LÀM VĂN (4,0 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của mình về câu nói của Jean Paul Pougala : “Cuộc sống như một cuốn sách : kẻ điên rồ giở qua nhanh chóng, người khôn ngoan vừa đọc vừa suy ngẫm, vì biết rằng mình chỉ đọc một lần”.

 

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

I.ĐỌC – HIỂU

 

Câu 1: Bạn hãy nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản và bạn hãy kể tên 1 tác phẩm đã học cùng sử dụng phương thức biểu đạt này ? 

-Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

-Tác phẩm ( gợi ý ) : Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Đức tính giản dị của Bác Hồ, Ý nghĩa văn chương,   Tiếng nói của văn nghệ, Bàn về đọc sách, Mấy ý nghĩ về thơ , Sự giàu đẹp của tiếng Việt, Một thời đại trong thi ca , Bàn luận về phép học….

 

Câu 2: Bạn hãy nêu luận đề của đoạn trích trên ? 

-Luận đề : Người trẻ cần chuẩn bị cho bản thân mình những hành trang kiến thức phù hợp với thế kỉ XXI đầy những bất định.

 

Câu 3: Bạn hãy nêu phong cách ngôn ngữ của đoạn trích trên và phương pháp lập luận của đoạn văn thứ nhất ?

-Phong cách ngôn ngữ của đoạn trích trên: báo chí

-Phương pháp lập luận của đoạn văn thứ nhất: so sánh

 

Câu 4: Bạn hãy chỉ ra dẫn chứng tiêu biểu nhất trong văn bản ?

-Dẫn chứng: Giải pháp liên ngành đã trở nên hiển hiện nhất trong đại dịch Covid-19. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, chống dịch cấp quốc gia và trên toàn cầu là bài toán không thể giải chỉ bằng các mô hình dịch tễ hay các giải pháp y tế, mà còn đòi hỏi các tính toán về công bằng, an sinh xã hội, về tâm lí xã hội và cách tiếp cận cộng đồng.

 

Câu 5: Bạn hãy xác định các luận điểm chính của đoạn trích trên ?

– Luận điểm 1: Người trẻ cần trau dồi không chỉ kiến thức cốt lõi của ngành mà còn cần nắm bắt kiến thức của các ngành gần, các ngành liền quan vì xã hội hiện đại đòi hỏi các giải pháp liên ngành.

– Luận điểm 2: Người trẻ còn cần trau dồi kĩ năng vì tình trạng thiếu kĩ năng làm việc ở người trẻ khi tham gia thị trường lao động sau tốt nghiệp đại học là vấn đề của nhiều quốc gia.

– Luận điểm 3: Bên cạnh việc trau dồi kiến thức và kĩ năng, người trẻ cần có thái độ đúng mực, chuẩn mực.

 

Câu 6: Bạn hãy chỉ ra các lí lẽ mà tác giả sử dụng để làm rõ các luận điểm ?

– Thế giới hiện đại cho thấy không thể chia tách các ngành, các lĩnh vực mà chúng tồn tại ràng buộc, lệ thuộc, tương tác với nhau.

– Các vấn đề xã hội hiện đại đòi hỏi các giải pháp liên ngành, do vậy kiến thức liên ngành ngày càng trở nên quan trọng.

– Ba khối kĩ năng trọng yếu cho sinh viên ở thế kỉ XXI: Kĩ năng học tập và sáng tạo, kĩ năng công nghệ, truyền thông và thông tin, kĩ năng sống và nghề nghiệp.

– Thiếu kĩ năng làm việc ở người trẻ khi tham gia thị trường lao động sau tốt nghiệp đại học là vấn đề của nhiều quốc gia.

– Có thể thấy trong khung kĩ năng của công dân thế kỉ XXI đã ẩn chứa một phần thái độ mà những người trẻ cần có.

 

Câu 7: Bạn hãy nêu yếu tố bổ trợ chính trong văn bản và tác dụng của yếu tố đó ?

– Yếu tố bổ trợ chính : yếu tố thuyết minh “ Khối các môn học cốt lõi mà sinh viên.. ; khối kiến thức chung liên ngành bao gồm: Hiểu biết… “

– Tác dụng:

+Giúp cho nội dung văn bản trở nên giàu tính thuyết phục, tăng độ tin cậy và thu hút người đọc hơn, bổ sung, diễn đạt rõ ràng hơn luận điểm mà tác giả đưa ra.

+Cung cấp tri thức về nguồn gốc, cấu tạo, vai trò và ý nghĩa của việc cần phải có những hành trang vào thế kỉ XXI.

+ Thể hiện rõ thái độ của người viết:  vừa lo lắng, vừa vội vàng, khẩn trương, kiên quyết, mạnh mẽ và dứt khoát muốn thôi thúc các bạn trẻ hãy hành động ngay từ bây giờ vì xã hội đang không ngừng biến chuyển, thay đổi mỗi ngày.

 

Câu 8: Từ văn bản trên, bạn thấy bản thân cần trau dồi thêm kĩ năng nào ? Bạn hãy nêu các hành động cụ thể để phát triển các kĩ năng ấy ?

-Các kĩ năng cần trau dồi thêm:

+ Kĩ năng học tập và sáng tạo

+ Kĩ năng sống và làm việc.

+ Kĩ năng sử dụng công nghệ, truyền thông, thông tin

+Kĩ năng giao tiếp và học ngoại ngữ

+ Kĩ năng ứng xử với mọi người xung quanh

– Để hình thành và phát triển những kĩ năng ấy, em sẽ :

+ Luôn tìm tòi,học tập, thực hành  các kiến thức, kĩ năng liên quan đến công nghệ thông tin.

+ Học hỏi những kinh nghiệm từ bạn bè, gia đình, thầy cô, anh chị đi trước.

+ Tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở trường, ở nơi làm việc… để có thể học hỏi cách lắng nghe, đóng góp ý kiến từ mọi người xung quanh giúp kĩ năng học tập và sáng tạo trở nên tốt hơn

+Nhận thức được mình cần phải gặp gỡ, giao lưu với nhiều người hơn để có cơ hội được học hỏi thêm kĩ năng và kiến thức từ những người đi trước….

LÀM VĂN

 

Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong cuộc sống cần bàn luận

“Mục tiêu cuộc sống không phải là để chạy đua với thời gian, mà là để tận hưởng từng khoảnh khắc trên hành trình.” Lời khích lệ của Zig Ziglar mở ra cuộc thảo luận về ý thức thời gian và cách chúng ta quản lí cuộc sống hàng ngày. Nhiều người khi nói về vấn đề này đã tự đặt ra cho mình những câu hỏi rằng” Sống như thế nào mới ý nghĩa? Sống sao cho không uổng phí thời gian?”. Chúng ta ý thức được sự hữu hạn của cuộc sống nên luôn miệt mài tìm kiếm một chân giá trị sống thật đẹp đẽ và ý nghĩa. Có người chọn cho mình cách sống tích cực để làm đẹp và phong phú cuốn nhật kí đời mình. Có người lại chọn một lối sống mờ nhạt, sống thật nhanh như đang chạy đua với thời gian. Bàn về vấn đề này, Jean Paul Pougala từng chia sẻ: “ Cuộc sống như một cuốn sách: Kẻ điên rồ giở qua nhanh chóng, người khôn ngoan vừa đọc, vừa suy ngẫm, vì biết rằng mình chỉ được đọc một lần”. Cuộc đời chúng ta nói nhiều thì chẳng nhiều bao nhiêu, chẳng qua như một cuốn sách 100 trang, 80 trang hay thậm chí chỉ vỏn vẹn 18 trang ngắn ngủi. Nhưng kì diệu thay thước đo của cuộc đời không phải ở chỗ nó dài hay ngắn, mà ở chỗ ta đã sử dụng nó như thế nào, không có ý nghĩa nào khác ngoài việc chúng ta nên sống một cuộc đời có ý nghĩa với chính mình và cho mọi người.

Thân bài:

 

* Trình bày bản chất của vấn đề đời sống

 

-“Cuộc sống như một cuốn sách” là nơi chứa đựng những kiến thức phong phú được chắt lọc từ cuộc sống, mỗi trang sách in dấu những hình ảnh của cuộc sống và những cảm xúc của người viết. Cũng như cuốn sách, cuộc sống vô cùng phong phú, nhiều sắc màu. Bước vào cuộc sống, con người được học hỏi, được hiểu biết, được nếm trải, bước qua những chặng đường khác nhau của cuộc đời mình. Nhưng cuộc sống là một cuốn sách đặc biệt bởi mỗi người chỉ có thể sống một lần

– “Kẻ điên rồ giờ qua nhanh chóng”: Chỉ cách đọc cưỡi ngựa xem hoa, lối sống hời hợt, sống gấp, sống lãng phí, không cảm nhận được hết ý nghĩa của cuộc sống.

–  “Người khôn ngoan vừa đọc vừa suy ngẫm”: Chỉ lối sống sâu sắc, luôn suy nghĩ để cảm nhận giá trị của cuộc sống, trân trọng những giây phút quý giá của cuộc sống.

=> Câu nói đề cập đến những cách thức sống và thái độ sống của con người.

– Quan điểm cá nhân về vấn đề trên: Tôi đồng tình với ý kiến trên bởi bằng hình thức so sánh, Jean Paul đã bàn về cách sống và thái độ sống của con người trong xã hội. Ý kiến cũng đã nêu ra hai cách sống, thái độ sống trái ngược nhau và nhắn nhủ mỗi chúng ta phải biết hướng tới cuộc sống tích cực, biết trân trọng và nắm bắt các giá trị quý báu của cuộc sống. Sống trong xã hội hiện đại chúng ta cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa lối sống tích cực, sống có trách nghiệm, ý nghĩa để không chỉ phát triển bản thân mà còn góp phần làm cho xã hội phát triển.

 

* Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bàn về các khía cạnh của vấn đề.

-Thái độ sống

+Lối sống hời hợt:

  • Sống không có mục tiêu, không có đam mê, ước mơ để có động lực trong cuộc sống.
  • Sống hời hợt còn thể hiện qua sự vô cảm với thế giới xung quanh, không có ý thức đóng góp, cống hiến, yêu thương chia sẻ để xây dựng cộng đồng chung ngày càng phát triển.
  • Xã hội hiện nay tồn tại rất nhiều những người sống hời hợt, không có dự định và định hướng, coi thường tương lai của chính mình.
  • Dẫn chứng: Khi phỏng vấn sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều sinh viên thừa nhận “ Bản thân mình hời hợt lắm ! “ Cách nhìn cuộc sống cũng không ngoại lệ, chỉ nhìn vào vẻ ngoài đánh giá người khác, đánh giá sự vật, sự việc qua bề nổi. Họ cũng thừa nhận đã và đang hời hợt với mục tiêu của mình, làm cái gì cũng qua loa, nửa vời chứ không theo đến cùng, khi gặp thử thách khó khăn là bỏ…  Tại diễn đàn của các trường trên internet cũng có không ít lời ta thán xoay quanh chuyện này. Có thể thấy sự hời hợt xuất hiện với hàng trăm biểu hiện trong cuộc sống của người trẻ, cả trong tình bạn, tình yêu, chuyện học…

+Lối sống sâu sắc, biết trân trọng:

  • Biết cảm nhận, tận hưởng những vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh, thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên sự ấm áp của cuộc sống bình dị với những tình cảm thân thương, ngưỡng mộ trước một tài năng, cảm phục trước một trái tim vĩ đại…
  • Biết tự tin khẳng định những khả năng của chính mình, sống có mục đích, có lí tưởng, nắm bắt cơ hội để đạt tới thành công, biết sống hết mình với những ước mơ, khát vọng để khẳng định ý nghĩa của cuộc đời mình.
  • Sống nghị lực, có ý chí và dũng cảm đứng dậy sau mỗi thất bại cũng là một cách trân trọng cuộc sống vì chúng ta chọn cách nỗ lực không ngừng để từng giây phút trong cuộc sống trôi qua không lãng phí cũng như biết trân trọng những thành công, hoa thơm trái ngọt mà ta nhận được.
  • Biết yêu thương hết lòng, biết đem lại hạnh phúc cho mọi người. Đó là một lối sống tích cực, sống có ý nghĩa của những người khôn ngoan.
  • Dẫn chứng:

H Hen Niê có lẽ bây giờ đã tay bằng tay bể gần chục đứa con nheo nhóc, đói khổ, nếu như hơn 10 năm trước, cô phó mặc số phận minh cho bố mẹ, trở thành nạn nhân của nạn tảo hôn Nhưng không ! Cô gái kiên cường ấy đã đấu tranh để được học, để khẳng định chính mình để vượt lên những định kiểu hà khác, cổ hủ đang đầy rẫy khắp làng bản quê hương Hen không phải là một cô gái quá đỗi sắc sảo, thông minh, cũng đâu phải là một nữ tướng đạn dảy chiến chính đầy dũng mãnh, oai hùng. Cô chỉ có một trái tim cháy bỏng luôn muốn đem lại những điều tốt đẹp nhật cho gia đình, giúp ích một phần nhỏ bé cho quê hương, cho cộng đồng của các dân tộc thiểu số. Cô chỉ nung nấu quyết tâm giúp cho miền quê hẻo lánh của mình không còn sống rập khuôn theo những hủ tục từ ngàn đời, để những cô gái miền rẻo cao như cô không còn chôn vùi tuổi thanh xuân của mình trong những cuộc tảo hôn không hạnh phúc, không ảnh sáng rồi suốt đời phơi lưng cháy nắng trên ruộng lúa nương ngô mà vẫn bị sự đói nghèo đeo đẳng. Đó là điểm tựa cho Hen sức mạnh để vượt lên chính mình vượt lên những hủ tục Để rồi giờ đây. Hen trở thành biểu tượng sắc đẹp của Việt Nam, biểu tượng của lòng nhân ái và sự cầu tiến. Trong rừng hoa đẹp. Hen là một bông hoa lạ, luôn toả ngát hương như đóa cúc vàng trong gió bão càng khiến ta thêm cảm phục.

Mahatma Gandhi: Ông là một nhà lãnh đạo và triết gia Ấn Độ, người đã khuyến khích trân trọng cuộc sống và tôn trọng sự tồn tại của mọi loài sinh vật, thúc đẩy và bảo vệ môi trường.

=> Bản chất của cuộc sống nằm ẩn sau những trang sách, từng trang đều là một câu chuyện, một bài học. Có những người điên rồ, họ chỉ muốn đi qua nhanh chóng, bỏ lỡ những điều quý báu. Ngược lại, những người không ngoan đọc vừa suy ngẫm, họ nhận ra giá trị thực sự của cuộc sống khiến họ trở nên sâu sắc và giàu tri thức.

-Tác động đến cuộc sống

+ Tiêu cực

  • Cá nhân: Đánh mất nhiều cơ hội, niềm tin, sự lạc quan, tụt hậu dần trong cuộc sống vì không có ý thức học hỏi, tích luỹ tri thức, mở rộng nâng cao hiểu biết của bản thân. Tâm hồn khô khan, cằn cỗi, không biết yêu thương, sống ích kỉ vô trách nhiệm.
  • Cộng đồng: Trở thành gánh nặng, thành phần xấu đáng bị phê phán bởi họ đem lại ảnh hưởng tiêu cực tới mọi người xung quanh, không cống hiến cho sự phát triển của xã hội.
  • Dẫn chứng: Hiện nay có một số bạn trẻ sống hời hợt, vô cảm, thờ ơ khi có những trạng thái, bình luận tiêu cực trên các nền tảng mạng xã hội để chê bai, chỉ trích những người không quen không biết . Họ sử dụng những ngôn từ tục tĩu, hình ảnh phản cảm làm ảnh hưởng và bôi xấu không chỉ danh dự của người khác mà còn làm ảnh hưởng không gian mạng của nước ta, khiến Việt Nam ở top 5 văn hóa ứng xử kém văn minh trên Internet.

+ Tích cực:

  • Cá nhân: Xây dựng một lối sống đẹp, có lòng yêu thương, đồng cảm, biết ơn và biết trân trọng cuộc sống, có một cuộc sống không hối tiếc.
  • Cộng đồng: Đem lại sự tích cực, lạc quan, động lực cho mọi người xung quanh. Có ý thức xây dựng bảo vệ và phát triển cộng đồng thêm văn minh.
  • Dẫn chứng:

Lê Thanh Thúy, cô gái lạc quan, yêu đời với nụ cười hoa hướng dương, đối mặt với căn bệnh ung thư và cái chết, vẫn mạnh mẽ, sống có ích. Cô đã lập nên quỹ “Ước mơ của Thúy” để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư khác. Tuy Thúy đã mất đi nhưng ước nguyện cao đẹp của chị vẫn còn mãi với cuộc đời, hàng “Ngày hội Hoa hướng dương”, viết tiếp ước mơ của Thúy, vẫn được tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo của mọi người, đặc biệt là giới trẻ.

Người phụ nữ trẻ Elora Hardy đã rời bỏ công việc thiết kế thời trang đắt đỏ ở New York để trở về Bali và xây dựng nhà từ tre. Sau đó, cô đã sử dụng kỹ thuật này để trồng cây trong khu đô thị và tái tạo một phần của hệ sinh thái tự nhiên. Bằng việc tạo ra không gian xanh trong thành phố, cô hy vọng khuyến khích mọi người trân trọng cuộc sống và giữ gìn môi trường.

* Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều

-Đọc mà không suy ngẫm: Đọc cho có lệ, đọc mà không lưu lại được trong đầu chút nào => Họ không quan tâm đến những tình huống, thông điệp, bài học, không nhận thức được những giá trị và ý nghĩa sâu sắc mà câu chuyện cuộc sống mang lại. Họ bỏ qua những cơ hội học hỏi và phát triển trong suy nghĩ và đánh giá của mình. => Họ thường không quan tâm đến hậu quả của hành động mình và không đặt nặng những kế hoạch hay mục tiêu dài hạn. Họ chỉ quan tâm đến việc tận hưởng cuộc sống trong hiện tại mà không đặt nặng sự phấn đấu và phát triển cá nhân, không chịu đương đầu với những khó khăn. Họ dễ bị lạc lối và không thể tiến xa trong sự phát triển cá nhân và sự nghiệp.

– Đọc và có suy ngẫm nhưng theo giai đoạn phụ thuộc vào hoàn cảnh, cảm xúc : Đọc sách nhưng không có sự kiên nhẫn, bền bỉ cố định bởi việc đọc là một quá trình cần sự tập trung tư duy và miệt mài liên tục. Giống với việc đọc sách, trong cuộc sống tồn tại những người sống tùy hứng, sống để cảm xúc lấn át lí trí nhiều hơn. Họ không có mục tiêu cố định mà làm theo cảm xúc cá nhân tùy từng thời điểm khác nhau. Hôm nay họ thích, theo đuổi cái này nhưng hôm sau họ có thể quay lưng với chính những điều mà mình đã từng say mê. Như thế, họ không thể cân bằng được cuộc sống, mịt mù trong việc xác định rõ định hướng của bản thân và để thời gian trôi đi vô nghĩa, lãng phí từng giây phút quý báu của cuộc đời mình.

– Sống vừa tư duy vừa ngẫm nghĩ thì có thể tránh được những sai lầm, vấp váp do vội vàng. Nhưng cũng đừng nghĩ quá lâu vì quỹ thời gian của ta có hạn và thời gian cũng trôi nhanh không kém. Đoạn nào hiểu rồi thi qua nhanh, đoạn nào chưa hiểu thì nghiên cứu. Tạo hóa cho chúng ta quỹ thời gian ngang bằng, không ai hơn ai một giây nào khi nó trôi qua. Bởi vậy người khôn ngoan là người biết sử dụng một quỹ thời gian hợp lí và nạp được nhiều kiến thức nhất có thể.

– Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới thì phải chăng lối sống suy ngẫm, chậm rãi có còn phù hợp ? Cuộc sống đa sắc màu và biến thiên liên tục nên chúng ta cũng cần có sự linh hoạt và nhạy bén, thay đổi để thích nghi với cuộc sống đang phát triển không ngừng.

– Sống hời hợt là coi thường tương lai của mình và mọi hành động của chúng ta chỉ xoay quanh hiện tại. Chúng ta không đầu tư, lập kế hoạch hay làm bất kỳ công việc nào nhằm phát triển bản thân trong tương lai. Điều này có thể dẫn đến việc không có sự phát triển và thành công trong công việc, tài chính và mọi mặt của cuộc sống.Vì vậy, việc sống hời hợt và coi thường tương lai sẽ ràng buộc và hạn chế khả năng phát triển và thành công trong cuộc sống.

* Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng

-Tác động cá nhân:

+Tìm kiếm giá trị cuộc sống giúp mỗi người nhìn nhận thế giới với tâm hồn lạc quan, tìm thấy sự tích cực trong mọi tình huống.

+Sự nỗ lực trong việc xác định lối sống tích cực khuyến khích tư duy linh hoạt, khả năng đối mặt với sự đa dạng và biến động của cuộc sống.

+Ham học hỏi và tìm kiếm lối sống tót trị giúp xây dựng tâm hồn sâu sắc, phát triển sự nhạy bén về tâm lý và trải nghiệm.

+ Mục tiêu sống rõ ràng và ham học hỏi giúp mỗi người phát triển khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và hiệu quả.

+ Việc nỗ lực sống nghiêm túc, yêu cuộc sống giúp xây dựng nền tảng cho sự đổi mới, khám phá những khả năng mới và thách thức.

+ Lối sống tích cực tạo động lực cho sự sáng tạo và đổi mới, giúp cá nhân không ngừng khám phá và phát triển bản thân.

+Sự sâu sắc và yêu thương trong cuộc sống giúp cá nhân tìm thấy ý nghĩa, động lực và mục tiêu sống.

 

-Tác động cộng đồng:

+ Lối sống tích cực của mọi người làm nền tảng cho một cộng đồng mạnh mẽ, đồng lòng hướng tới mục tiêu chung.

+Sự sâu sắc và tích cực trong cuộc sống thúc đẩy tinh thần hợp tác, tạo nên một môi trường xã hội hỗ trợ và đồng lòng.

+Mọi người sống tích cực khuyến khích tinh thần tự giác trong cộng đồng, tạo điều kiện cho sự phát triển chung.

+Mọi người biết trân trọng và yêu thương, làm nền tảng cho một văn hóa tôn trọng và quan tâm đến người khác.

+Cuộc sống hết mình và tích cực khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới, giúp cộng đồng phát triển và thích ứng với thay đổi.

+Lối sống tích cực thúc đẩy môi trường bền vững, tạo nền tảng cho sự chăm sóc và bảo vệ môi trường xanh.

+ Mọi người sống hết mình và tích cực thường có khả năng hỗ trợ người cần giúp đỡ trong cộng đồng, tạo ra một môi trường đoàn kết, hợp tác, gắn bó bền chặt.

+Mọi người sống sâu sắc và tích cực có thể truyền cảm hứng và khích lệ phong cách sống bền vững cho mọi người xung quanh.

 

-Ý nghĩa của vấn đề đối với đời sống :

+ Lối sống tích cực giúp tăng cường trải nghiệm và giá trị của mọi khoảnh khắc, từ những điều nhỏ bé đến những thành tựu lớn.

+ Tích cực trong tư duy và hành động giúp tạo ra môi trường tích cực, tạo ra các mối quan hệ khỏe mạnh và hỗ trợ.

+ Lối sống tích cực tạo ra nguồn năng lượng tích cực, giúp vượt qua những thời kỳ khó khăn và tăng cường sự kiên nhẫn.

+Sống tích cực giúp xây dựng tầm nhìn tích cực về tương lai, tạo đà cho những thành công và hạnh phúc trong tương lai.

+Bằng cách sống tích cực và yêu thương cuộc sống, bạn có thể lan tỏa sự lạc quan và tích cực trong cộng đồng xã hội, góp phần vào sự hòa thuận và hạnh phúc chung.

 Kết bài: Rút ra ý nghĩa của việc bàn luận vấn đề

Câu nói của Jean Paul Pougala : “ Cuộc sống như  một cuốn sách: Kẻ điên rồ giở qua nhanh chóng, người khôn ngoan vừa đọc, vừa suy ngẫm, vì biết rằng mình chỉ được đọc một lần”  đã mang đến bài học sâu sắc về thái độ sống của con người. Để sống trọn vẹn,ý nghĩa con người cần không ngừng học hỏi, trải nghiệm để hoàn thiện và phát triển bản thân theo hướng tiến bộ. Người có lối sống tích cực, có trách nhiệm sẽ luôn có ý thức hoàn thành những mục tiêu sống, sống có lí tưởng và biết cách phát huy bản thân, nắm bắt những cơ hội để thực hiện những ước mơ, hoài bão.Việc có lối sống tích cực đó được thể hiện qua những hành động cụ thể, thiết thực như : nhận thức đúng đắn về lối sống tích cực, tích cực học tập, rèn luyện đạo đức, giúp đỡ mọi người, xác định lí tưởng sống, mục đích sống cho riêng mình ,… Bởi vậy, ngoài câu nói của Jean Paul Pougala thì câu nói của nhà viết tiểu luận Ralph Waldo Emerson cũng cho rằng  “Cuộc sống không phải là sự đo lường theo số năm mà là sự tích tụ theo số lượng ý nghĩa “ để mỗi chúng ta biết trân trọng, yêu quý cuộc sống của bản thân giúp cuộc sống ngày càng trở nên tốt đẹp hơn theo thời gian .

Bài viết tham khảo

Trần Minh Khuê

Phương Hương Giang

Lớp 11d2 – THPT Tây Hồ

 

“Mục tiêu cuộc sống không phải là để chạy đua với thời gian, mà là để tận hưởng từng khoảnh khắc trên hành trình.” Lời khích lệ của Zig Ziglar mở ra cuộc thảo luận về ý thức thời gian và cách chúng ta quản lí cuộc sống hàng ngày. Nhiều người khi nói về vấn đề này đã tự đặt ra cho mình những câu hỏi rằng” Sống như thế nào mới ý nghĩa? Sống sao cho không uổng phí thời gian?”. Chúng ta ý thức được sự hữu hạn của cuộc sống nên luôn miệt mài tìm kiếm một chân giá trị sống thật đẹp đẽ và ý nghĩa. Có người chọn cho mình cách sống tích cực để làm đẹp và phong phú cuốn nhật kí đời mình. Có người lại chọn một lối sống mờ nhạt, sống thật nhanh như đang chạy đua với thời gian. Bàn về vấn đề này, Jean Paul Pougala từng chia sẻ: “ Cuộc sống như một cuốn sách: Kẻ điên rồ giở qua nhanh chóng, người khôn ngoan vừa đọc, vừa suy ngẫm, vì biết rằng mình chỉ được đọc một lần”. Cuộc đời chúng ta nói nhiều thì chẳng nhiều bao nhiêu, chẳng qua như một cuốn sách 100 trang, 80 trang hay thậm chí chỉ vỏn vẹn 18 trang ngắn ngủi. Nhưng kì diệu thay thước đo của cuộc đời không phải ở chỗ nó dài hay ngắn, mà ở chỗ ta đã sử dụng nó như thế nào, không có ý nghĩa nào khác ngoài việc chúng ta nên sống một cuộc đời có ý nghĩa với chính mình và cho mọi người.

 

Mỗi chúng ta đều có cách định nghĩa riêng của mình về cuộc sống, còn đối với Jean Paul thì cuộc sống hiện lên như một cuốn sách, là nơi chứa đựng những kiến thức phong phú được chắt lọc từ cuộc sống, mỗi trang sách in dấu những hình ảnh của cuộc sống và những cảm xúc của người viết, đó là những tinh hoa được lưu giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Cuộc sống cũng có sự gặp gỡ với cuốn sách bởi nó rộng lớn, đa dạng những sắc màu. Trong cuộc sống con người được học hỏi, có cơ hội trải nghiệm nhiều điều để hoàn thiện mình. Tuy nhiên, cuộc sống ấy là cuốn sách đặc biệt, nơi con người chỉ được đọc một lần, chỉ được sống một lần. Bước vào hành trình của riêng mình, con người được học hỏi, được hiểu biết, được nếm trải, bước qua những chặng đường khác nhau của cuộc đời mình. Mặt khác,  phép ẩn dụ “Kẻ điên rồ giờ qua nhanh chóng” là cách sống, lối sống vội vàng, hời hợt, thiếu trách nhiệm với chính bản thân và xã hội nên chẳng thể cảm nhận được những ý nghĩa đích thực của cuộc sống, chỉ cách đọc cưỡi ngựa xem hoa, sống gấp, sống lãng phí, không cảm nhận được hết ý nghĩa của cuộc sống nhưng  “Người khôn ngoan vừa đọc vừa suy ngẫm” là những người nghiêm túc trong việc tìm kiếm giá trị của cuộc đời, họ không chỉ sống tích cực, ham học hỏi mà luôn nỗ lực để thực hiện những mục tiêu, bởi vậy họ cảm nhận được hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống, chỉ lối sống sâu sắc, luôn suy nghĩ để cảm nhận giá trị của cuộc sống, trân trọng những giây phút quý giá của cuộc  đời. Như vậy tôi đồng tình với câu nói của Jean Paul Pougala bởi nó đã chỉ ra được những cách thức sống và thái độ sống của con người, qua đó đề cao lối sống tích cực, ham học hỏi và nỗ lực cho cuộc sống, tương lai. Ý kiến cũng đã nêu ra hai cách sống, thái độ sống trái ngược nhau và nhắn nhủ mỗi chúng ta phải biết hướng tới cuộc sống tích cực, biết trân trọng và nắm bắt các giá trị quý báu của cuộc sống. Sống trong xã hội hiện đại chúng ta cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa lối sống tích cực, sống có trách nghiệm, ý nghĩa để không chỉ phát triển bản thân mà còn góp phần làm cho xã hội phát triển.

 

Kawabata Yasunari – nhà văn đoạt giải Nobel văn học 1968 từng nói : “ Thời gian trôi theo một cách giống nhau với tất cả mọi người, nhưng mỗi người lại du hành thời gian theo một cách khác nhau.” Chuyến du hành của mỗi người có ý nghĩa hay không còn phụ thuộc vào cách họ lựa chọn lối sống, thái độ và những sự cống hiến mà họ đã đóng góp. Có những người lựa chọn du hành cuộc sống một cách hời hợt. Họ sống không có mục tiêu, không có đam mê, ước mơ và điều đó đồng nghĩa với việc họ mất đi động lực trong cuộc sống. Sống hời hợt còn thể hiện qua sự vô cảm với thế giới xung quanh, không có ý thức đóng góp, cống hiến, yêu thương chia sẻ để xây dựng cộng đồng chung ngày càng phát triển. Tuy nhiên, xã hội hiện nay tồn tại rất nhiều những người sống hời hợt, không có dự định và định hướng, coi thường tương lai của chính mình. Khi phỏng vấn sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều sinh viên thừa nhận “ Bản thân mình hời hợt lắm ! “ Cách nhìn cuộc sống cũng không ngoại lệ, chỉ nhìn vào vẻ ngoài đánh giá người khác, đánh giá sự vật, sự việc qua bề nổi. Họ cũng thừa nhận đã và đang hời hợt với mục tiêu của mình, làm cái gì cũng qua loa, nửa vời chứ không theo đến cùng, khi gặp thử thách khó khăn là bỏ…  Tại diễn đàn của các trường trên internet cũng có không ít lời ta thán xoay quanh chuyện này. Có thể thấy sự hời hợt xuất hiện với hàng trăm biểu hiện trong cuộc sống của người trẻ, cả trong tình bạn, tình yêu, chuyện học…Bên cạnh đó, sống sâu sắc, biết trân trọng là biết cảm nhận, tận hưởng những vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh, thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên sự ấm áp của cuộc sống bình dị với những tình cảm thân thương, ngưỡng mộ trước một tài năng, cảm phục trước một trái tim vĩ đại… Tôi bắt đầu biết lắng nghe hơi thở cuộc sống, bộc lộ những cảm xúc ra ngoài, người ta gọi đó là cách mở lòng với cuộc sống. Tôi không né tránh những gì mà mình thấy, không biện minh cho những gì mình sai và cũng không tìm cách kìm hãm quá mức cảm xúc của mình. Đó là lúc tôi không muốn mình như biển chết, chỉ có vị mặn và đắng trong cuộc sống, cũng không muốn mình biến thành hòn đá lạnh lẽo, thờ ơ, tôi muốn đem tâm hồn mình nhuộm màu cuộc sống. Biết tự tin khẳng định những khả năng của chính mình, sống có mục đích, có lí tưởng, nắm bắt cơ hội để đạt tới thành công, biết sống hết mình với những ước mơ, khát vọng để khẳng định ý nghĩa của cuộc đời mình.Sống nghị lực, có ý chí và dũng cảm đứng dậy sau mỗi thất bại cũng là một cách trân trọng cuộc sống vì chúng ta chọn cách nỗ lực không ngừng để từng giây phút trong cuộc sống trôi qua không lãng phí cũng như biết trân trọng những thành công, hoa thơm trái ngọt mà ta nhận được. Biết yêu thương hết lòng, biết đem lại hạnh phúc cho mọi người. Đó là một lối sống tích cực, sống có ý nghĩa của những người khôn ngoan và H Hen Niê chính là tấm gương sáng đó.  H Hen Niê có lẽ bây giờ đã tay bằng tay bể gần chục đứa con nheo nhóc, đói khổ, nếu như hơn 10 năm trước, cô phó mặc số phận minh cho bố mẹ, trở thành nạn nhân của nạn tảo hôn Nhưng không ! Cô gái kiên cường ấy đã đấu tranh để được học, để khẳng định chính mình để vượt lên những định kiểu hà khác, cổ hủ đang đầy rẫy khắp làng bản quê hương Hen không phải là một cô gái quá đỗi sắc sảo, thông minh, cũng đâu phải là một nữ tướng đạn dảy chiến chính đầy dũng mãnh, oai hùng. Cô chỉ có một trái tim cháy bỏng luôn muốn đem lại những điều tốt đẹp nhật cho gia đình, giúp ích một phần nhỏ bé cho quê hương, cho cộng đồng của các dân tộc thiểu số. Cô chỉ nung nấu quyết tâm giúp cho miền quê hẻo lánh của mình không còn sống rập khuôn theo những hủ tục từ ngàn đời, để những cô gái miền rẻo cao như cô không còn chôn vùi tuổi thanh xuân của mình trong những cuộc tảo hôn không hạnh phúc, không ảnh sáng rồi suốt đời phơi lưng cháy nắng trên ruộng lúa nương ngô mà vẫn bị sự đói nghèo đeo đẳng. Đó là điểm tựa cho Hen sức mạnh để vượt lên chính mình vượt lên những hủ tục Để rồi giờ đây. Hen trở thành biểu tượng sắc đẹp của Việt Nam, biểu tượng của lòng nhân ái và sự cầu tiến. Trong rừng hoa đẹp. Hen là một bông hoa lạ, luôn toả ngát hương như đóa cúc vàng trong gió bão càng khiến ta thêm cảm phục. Trên thế giới ta không thể không nhắc đến Mahatma Gandhi – ông là một nhà lãnh đạo và triết gia Ấn Độ, người đã khuyến khích trân trọng cuộc sống và tôn trọng sự tồn tại của mọi loài sinh vật, thúc đẩy và bảo vệ môi trường.Từ đó, ta thấy rằng bản chất của cuộc sống nằm ẩn sau những trang sách, từng trang đều là một câu chuyện, một bài học. Có những người điên rồ, họ chỉ muốn đi qua nhanh chóng, bỏ lỡ những điều quý báu. Ngược lại, những người khôn ngoan đọc vừa suy ngẫm, họ nhận ra giá trị thực sự của cuộc sống khiến họ trở nên sâu sắc và giàu tri thức như lời bài hát “ Sống như những đóa hoa “:

“Và rồi tôi nhận ra

Rằng những khó khăn này

Càng làm tôi thêm yêu cuộc đời

Và thắp sáng niềm tin trong tôi

 

Và tôi sống như đoá hoa này

Toả ngát hương thơm cho đời

Sống với nỗi khát khao rằng

Được hiến dâng cho cuộc đời

Hôm nay dẫu có gian nan

Thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn

Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi…”

Cách sống của mỗi người có tác động tiêu cực hay tích cực đến mỗi cá nhân và cả cộng đồng . Nếu ta sống hời hợt sẽ đánh mất nhiều cơ hội, niềm tin, sự lạc quan, tụt hậu dần trong cuộc sống vì không có ý thức học hỏi, tích luỹ tri thức, mở rộng nâng cao hiểu biết của bản thân và tâm hồn khô khan, cằn cỗi, không biết yêu thương, sống ích kỉ vô trách nhiệm. Không chỉ vậy, đối với cộng đồng còn trở thành gánh nặng, thành phần xấu đáng bị phê phán bởi họ đem lại ảnh hưởng tiêu cực tới mọi người xung quanh, không cống hiến cho sự phát triển của xã hội. Điển hình như hiện nay có một số bạn trẻ sống hời hợt, vô cảm, thờ ơ khi có những trạng thái, bình luận tiêu cực trên các nền tảng mạng xã hội để chê bai, chỉ trích những người không quen không biết . Họ sử dụng những ngôn từ tục tĩu, hình ảnh phản cảm làm ảnh hưởng và bôi xấu không chỉ danh dự của người khác mà còn làm ảnh hưởng không gian mạng của nước ta, khiến Việt Nam ở top 5 văn hóa ứng xử kém văn minh trên Internet. Mặt khác, nếu chúng ta sống tích cực thì chính mỗi cá nhân xây dựng một lối sống đẹp, có lòng yêu thương, đồng cảm, biết ơn và biết trân trọng cuộc sống, có một cuộc sống không hối tiếc.Hơn thế nữa, chúng ta đem đến cộng đồng lại sự tích cực, lạc quan, động lực cho mọi người xung quanh và giúp nâng cao ý thức xây dựng bảo vệ và phát triển cộng đồng thêm văn minh. Trên mảnh đất hình chữ S thân yêu, chúng ta chắc hẳn ai cũng từng nghe qua câu chuyện của cô Lê Thanh Thúy, cô gái lạc quan, yêu đời với nụ cười hoa hướng dương, đối mặt với căn bệnh ung thư và cái chết, vẫn mạnh mẽ, sống có ích. Cô đã lập nên quỹ “Ước mơ của Thúy” để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư khác. Tuy Thúy đã mất đi nhưng ước nguyện cao đẹp của chị vẫn còn mãi với cuộc đời, hàng “Ngày hội Hoa hướng dương”, viết tiếp ước mơ của Thúy, vẫn được tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo của mọi người, đặc biệt là giới trẻ.Còn trên thế giới, người phụ nữ trẻ Elora Hardy đã rời bỏ công việc thiết kế thời trang đắt đỏ ở New York để trở về Bali và xây dựng nhà từ tre. Sau đó, cô đã sử dụng kỹ thuật này để trồng cây trong khu đô thị và tái tạo một phần của hệ sinh thái tự nhiên. Bằng việc tạo ra không gian xanh trong thành phố, cô hy vọng khuyến khích mọi người trân trọng cuộc sống và giữ gìn môi trường. Do vậy, khi biết yêu thương từ những điều nhỏ nhất, yêu hơn những đồng bào, thế giới này bỗng phong phú hơn những gì ta từng nghĩ, đáng sống hơn và hạnh phúc hơn. Bởi những gì có thể nắm được trong tay, bao giờ cũng khiến ta an lòng hơn. Đừng bỏ lỡ những điều quý giá quanh mình bạn nhé, đừng để bản thân phải luyến tiếc.Đừng chạy theo những thứ phù phiếm để cuối cùng nhìn lại trong tay chẳng có gì. Cuộc sống rất tuyệt vời nếu bạn biết sống và dám sống. Hãy thử “sống” như cách mình muốn, sống từ hôm nay, để sau này khi vốn thời gian của bạn cạn kiệt, bạn sẽ không phải hối tiếc vì chưa kịp làm quá nhiều điều, ngay cả những điều rất nhỏ nhoi và những điều rất lớn. Cuộc sống như chiếc gương, bạn chỉ nhận được kết quả tốt đẹp nhất khi mỉm cười với nó.

 

Tưởng như chỉ vừa mới đón chào ánh bình minh của cuộc đời, chúng ta lại thấy thời gian như bị kéo nhanh chóng, như cuốn sách đầy trang bị lẫn sóng gió. Chẳng biết từ khi nào, chúng ta trở thành những “kẻ điên rồ”, chỉ biết chạy đua với thời gian, không dừng chân lại hay suy ngẫm về những gì đã xảy ra. Chúng ta thức dậy và phải đối mặt với hàng loạt công việc, trách nhiệm, ngập tràn ưu phiền đến tận cuối ngày. Và khi nhìn lại, chúng ta bối rối và thất vọng, vì đã đọc quá nhanh và chẳng lưu lại được gì trong từng trang sách cuộc sống. Soi chiếu vào hiện thực cuộc sống, ta thấy có nhiều người không biết cách trân trọng cuộc sống, không hiểu được giá trị của việc sống suy ngẫm. Tuy trong câu nói của Jean Paul, ông đã đề cập đến một khía cạnh tốt đẹp của những người khôn ngoan đó là vừa đọc vừa suy ngẫm nhưng  bên cạnh đó vẫn có những người đọc mà không suy ngẫm, đọc cho có lệ, đọc mà không lưu lại được trong đầu chút nào. Qua thái độ không đúng đắn với việc đọc sách như thế, có thể thấy trong cuộc sống họ là những người không quan tâm đến những tình huống, thông điệp, bài học, không nhận thức được những giá trị và ý nghĩa sâu sắc mà câu chuyện cuộc sống mang lại. Họ bỏ qua những cơ hội học hỏi và phát triển trong suy nghĩ và đánh giá của mình. Họ thường không quan tâm đến hậu quả của hành động mình và không đặt nặng những kế hoạch hay mục tiêu dài hạn. Họ chỉ quan tâm đến việc tận hưởng cuộc sống trong hiện tại mà không đặt nặng sự phấn đấu và phát triển cá nhân, không chịu đương đầu với những khó khăn. Họ dễ bị lạc lối và không thể tiến xa trong sự phát triển cá nhân và sự nghiệp. Cũng có những người đọc có suy ngẫm nhưng theo giai đoạn phụ thuộc vào hoàn cảnh, cảm xúc. Đối với việc đọc sách, họ không có sự kiên nhẫn, bền bỉ cố định bởi việc đọc là một quá trình cần sự tập trung tư duy và miệt mài liên tục. Những người như thế trong cuộc sống thường là những người sống tùy hứng, sống để cảm xúc lấn át lí trí nhiều hơn. Họ không có mục tiêu cố định mà làm theo cảm xúc cá nhân tùy từng thời điểm khác nhau. Hôm nay họ thích, theo đuổi cái này nhưng hôm sau họ có thể quay lưng với chính những điều mà mình đã từng say mê. Như thế, họ không thể cân bằng được cuộc sống, mịt mù trong việc xác định rõ định hướng của bản thân và để thời gian trôi đi vô nghĩa, lãng phí từng giây phút quý báu của cuộc đời mình. Tuy nhiên, có một số người khôn ngoan, họ đọc cuộc sống của mình bằng cách dừng lại và suy ngẫm, để cảm nhận và học hỏi từ mỗi trang sách. Thay vì chỉ đơn thuần là dành thời gian để sống, họ biết trân trọng từng khoảnh khắc và tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của nó. Họ thấu hiểu rằng cuộc sống chỉ đến một lần duy nhất, và việc đọc nó một cách tư duy và suy ngẫm là một khát khao khôn lường trước. Đó còn phần nào là do sự chú trọng và nhạy bén của mỗi người đối với thực tại. Người khôn ngoan biết làm thế nào để sử dụng quỹ thời gian hữu hạn của mình một cách có hiệu quả nhất để học hỏi, trau dồi và nâng cao sự hiểu biết của bản thân. Họ không bị vùi dập bởi sự vội vã và thế giới xung quanh mà tận hưởng từng giây phút và nhìn thấu sự xáo trộn của cuộc sống. Họ biết rằng chỉ được đọc một lần duy nhất và phải nắm bắt cơ hội này để trân trọng từng trải nghiệm và sự xuất hiện của những người thân yêu. Sống vừa tư duy vừa ngẫm nghĩ thì có thể tránh được những sai lầm, vấp váp do vội vàng. Chúng ta được phép thất bại nhưng không được phép dửng dưng trước nó và coi nó như một lẽ thường tình, cần hạn chế việc vấp ngã và có những sơ suất không đáng có. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, để bắt kịp xu hướng phát triển nhanh chóng của thế giới thì phải chăng lối sống suy ngẫm, chậm rãi có còn phù hợp ? Người khôn ngoan là người biết chọn lọc, dùng quỹ thời gian hợp lí để nạp được nhiều kiến thức nhất có thể. Cuộc sống đa sắc màu và biến thiên liên tục nên chúng ta cũng cần có sự linh hoạt và nhạy bén, thay đổi để thích nghi với cuộc sống đang phát triển không ngừng. Bên cạnh đó, việc sống hời hợt còn có thể coi là biểu hiện của việc coi thường chính tương lai của mình khi ta không có mục tiêu, định hướng và bất kì sự chuẩn bị chu đáo nào. Chúng ta không đầu tư, lập kế hoạch hay làm bất kỳ công việc nào nhằm phát triển bản thân trong tương lai. Điều này có thể dẫn đến việc không có sự phát triển và thành công trong công việc, tài chính và mọi mặt của cuộc sống. Vì vậy, việc sống hời hợt và coi thường tương lai sẽ ràng buộc và hạn chế khả năng phát triển, sự thành công trong cuộc sống. Để sự tồn tại của chúng ta có ý nghĩa, bước chân của con người luôn phải song hành cùng sự phát triển của thế giới, của cộng đồng và xã hội. Chúng ta không được phép tụt lại đằng sau, trở thành những người lạc hậu và là phần tử của một bộ phận người có lối sống đáng bị phê phán. Chúng ta sống sao cho thật đáng, thật ý nghĩa, không vội vàng, gấp gáp nhưng cũng không để phí phạm thời gian một cách vô nghĩa. Cuộc sống là một cuốn sách rất đáng giá để đọc và suy ngẫm. Chúng ta không thể để cho nó tự trôi qua như một đoạn phim hay một trò chơi vội vã. Hãy dừng lại, suy ngẫm và trân trọng mỗi trang sách cuộc đời. Hãy là những người khôn ngoan, để những dấu chân của chúng ta trở thành một câu chuyện đáng nhớ. Và khi chúng ta đọc lần cuối cùng, chúng ta sẽ không hối tiếc vì đã biết rằng chúng ta đã sống hết mình và hiểu rõ hơn về cuộc sống.

Mỗi người trong chúng ta chỉ sống có một lần, nhưng nếu chúng ta sống thật tốt, thật ý nghĩa, thì một lần đó thôi cũng là đủ để ta cảm thấy mãn nguyện về bản thân, về cuộc sống mà ta đã sống hết mình. Tôi và bạn, mỗi người là một cá thể riêng biệt nhưng đều có chung một điểm duy nhất là chỉ sống có một lần. Đời người ngắn ngủi lắm, có lẽ lúc mình chợt nhận ra thì cũng là lúc sự sống của mình cũng chỉ được tính bằng ngày, bằng giờ, bằng phút, bằng giây mà thôi nên Xukhôm linxki cũng từng nói :Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”. Vì vậy, mỗi chúng ta cần sống một cách sâu sắc, sống hết mình, sống biết yêu thương để  mỗi người trong chúng ta nhìn nhận thế giới với tâm hồn lạc quan, tìm thấy sự tích cực trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, việc học hỏi và tìm kiếm lối sống tót trị giúp xây dựng tâm hồn sâu sắc, phát triển sự nhạy bén về tâm lý và trải nghiệm. Bánh xe thời gian thì cứ êm đềm mà quay, từng khoảnh khắc của sự sống cứ thế mà ngắn lại , cuộc sống nó như là một chuyến xe của hành trình trải nghiệm , xe đến lúc khởi hành và cũng sẽ đến thời điểm nó dừng bánh , vậy nên hãy dừng lại bài nhịp sống dừng lại để chiêm nghiệm vẻ đẹp của cuộc đời , vẻ đẹp của sự tìm ẩn và khám phá , xem cuộc sống là một cuốn nhật kí để ta ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ .Mục tiêu sống rõ ràng và ham học hỏi giúp mỗi người phát triển khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và hiệu quả, tìm kiếm giá trị của bản thân giúp mỗi người tạo ra đời sống có ý nghĩa, với những mục tiêu đầy ý nghĩa và giác quan rõ ràng. Việc nỗ lực sống nghiêm túc, yêu cuộc sống giúp xây dựng nền tảng cho sự đổi mới, khám phá những khả năng mới và thách thức. Lối sống tích cực tạo động lực cho sự sáng tạo và đổi mới, giúp cá nhân không ngừng khám phá và phát triển bản thân và sự sâu sắc và yêu thương trong cuộc sống giúp cá nhân tìm thấy ý nghĩa, động lực và mục tiêu sống. Không chỉ vậy, lối sống tích cực của mọi người làm nền tảng cho một cộng đồng mạnh mẽ, đồng lòng hướng tới mục tiêu chung.Sự sâu sắc và tích cực trong cuộc sống thúc đẩy tinh thần hợp tác, tạo nên một môi trường xã hội hỗ trợ và đồng lòng.Mọi người sống tích cực khuyến khích tinh thần tự giác trong cộng đồng, tạo điều kiện cho sự phát triển chung.Mọi người biết trân trọng và yêu thương, làm nền tảng cho một văn hóa tôn trọng và quan tâm đến người khác.Một cộng đồng tích cực tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động. Sự sâu sắc và yêu thương thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật và văn hóa trong cộng đồng, làm cho nó trở nên đa dạng và sáng tạo. Mọi người sống hết mình và tích cực thường có khả năng hỗ trợ người cần giúp đỡ trong cộng đồng, tạo ra một môi trường đoàn kết, hợp tác, gắn bó bền chặt. Mọi người sống sâu sắc và tích cực có thể truyền cảm hứng và khích lệ phong cách sống bền vững cho mọi người xung quanh. Do đó, lối sống tích cực giúp tăng cường trải nghiệm và giá trị của mọi khoảnh khắc, từ những điều nhỏ bé đến những thành tựu lớn. Tích cực trong tư duy và hành động giúp tạo ra môi trường tích cực, tạo ra các mối quan hệ khỏe mạnh và hỗ trợ. Lối sống tích cực tạo ra nguồn năng lượng tích cực, giúp vượt qua những thời kỳ khó khăn và tăng cường sự kiên nhẫn;  giúp xây dựng tầm nhìn tích cực về tương lai, tạo đà cho những thành công và hạnh phúc trong tương lai. Bằng cách sống tích cực và yêu thương cuộc sống, bạn có thể lan tỏa sự lạc quan và tích cực trong cộng đồng xã hội, góp phần vào sự hòa thuận và hạnh phúc chung. Bởi cuộc sống này hối hả lắm, hãy dành một ngày nghỉ cuối tuần để tìm những khoảng lặng trong tâm hồn mình, để sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn. Hãy học cách yêu thương bản thân mình và cả người khác nữa. Thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta có thể trở về nhà an toàn để kịp quây quần bên mâm cơm gia đình với không khí ấm áp mà chẳng nơi đâu đem lại được, thật hạnh phúc khi ta còn được ở bên họ ngay lúc này. Nhiều lúc vì cuộc sống hối hả ngoài kia mà ta vô tình quên mất việc ăn cơm cùng gia đình, về nhà để thưởng thức bữa cơm có cha, có mẹ và những người anh, người chị, người em thân yêu.

Câu nói của Jean Paul Pougala : “ Cuộc sống như  một cuốn sách: Kẻ điên rồ giở qua nhanh chóng, người khôn ngoan vừa đọc, vừa suy ngẫm, vì biết rằng mình chỉ được đọc một lần”  đã mang đến bài học sâu sắc về thái độ sống của con người. Để sống trọn vẹn,ý nghĩa con người cần không ngừng học hỏi, trải nghiệm để hoàn thiện và phát triển bản thân theo hướng tiến bộ. Người có lối sống tích cực, có trách nhiệm sẽ luôn có ý thức hoàn thành những mục tiêu sống, sống có lí tưởng và biết cách phát huy bản thân, nắm bắt những cơ hội để thực hiện những ước mơ, hoài bão.Việc có lối sống tích cực đó được thể hiện qua những hành động cụ thể, thiết thực như : nhận thức đúng đắn về lối sống tích cực, tích cực học tập, rèn luyện đạo đức, giúp đỡ mọi người, xác định lí tưởng sống, mục đích sống cho riêng mình ,… Bởi vậy, ngoài câu nói của Jean Paul Pougala thì câu nói của nhà viết tiểu luận Ralph Waldo Emerson cũng cho rằng  “Cuộc sống không phải là sự đo lường theo số năm mà là sự tích tụ theo số lượng ý nghĩa “ để mỗi chúng ta biết trân trọng, yếu quý cuộc sống của bản thân giúp cuộc sống ngày càng trở nên tốt đẹp hơn theo thời gian

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *