Nghị luận xã hội: Câu chuyện về chàng trai khiếm thị

Đề bài :
Suy nghĩ của em về ý nghĩa câu chuyện sau đây:
Một chàng trai 24 tuổi cư xử như một đứa trẻ con… và ai cũng cảm thấy khó chịu vì điều đó trừ người cha.
Chàng trai 24 tuổi nhìn ra ngoài cửa sổ tàu hoả, mắt sáng rỡ, hào hứng reo lên:
“Cha, nhìn những cái cây đang chạy lùi về phía sau kìa!”
Người cha mỉm cười. Một cặp đôi trẻ ngồi kế bên tỏ ra khó hiểu với hành vi như một đứa trẻ của chàng trai. Chắc họ nghĩ chàng trai không được bình thường về thần kinh.
“Cha, những đám mây đang chạy theo chúng ta!”, chàng trai 24 tuổi lại thốt lên, tràn đầy sự kinh ngạc.
Đến lúc này, cặp đôi không thể chịu được nữa bèn quay sang hỏi người cha:
“Tại sao chú không đưa con trai mình đến gặp một bác sĩ thật giỏi ngay đi nhỉ?”
Người đàn ông đứng tuổi mỉm cười, chậm rãi nói:
“Chú vừa mới làm thế. Và cha con chú đang trở về từ bệnh viện. Con trai chú không may bị khiếm thị từ khi mới chào đời, hôm nay là ngày đầu tiên nó có thể nhìn thấy mọi thứ.”
Không ai nói gì nữa…
(Theo mục Góc trái tim, báo điện tử kenh14.vn, ngày 07/01/2016)
Hướng dẫn  :

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Thí sinh nắm vững kĩ năng làm bài nghị luận xã hội, vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận để làm sáng tỏ yêu cầu của đề bài và nêu suy nghĩ của bản thân.
– Bố cục mạch lạc, kết cấu chặt chẽ, thuyết phục.
– Hành văn gãy gọn, khúc chiết, có sức truyền cảm; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; chữ viết sạch đẹp.

  1. Yêu cầu về kiến thức

* Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, song cần đáp ứng được những yêu cầu sau:
Mở bài : dẫn dắt, giới thiệu câu chuyện và vấn đề nghị luận
Thân bài :
Bước 1 : Tóm tắt câu chuyện , nêu ý nghĩa rút ra từ câu chuyện
– Ý nghĩa của câu chuyện: Mỗi người trên thế giới này đều có một câu chuyện riêng của mình. Đừng vội vã phán xét khi không biết câu chuyện của người khác như thế nào. Đừng nghĩ người khác không tốt khi mới gặp họ vài lần.
=> Đừng vội phán xét khi chưa hiểu vấn đề là gì.
Bước 2 :Bàn luận về ý nghĩa của câu chuyện theo quan điểm và hiểu biết riêng của mình.
Vì sao không nên phán xét khi chưa hiểu gì về những người xung quanh?

  • Cuộc sống của người khác phát sinh việc gì, họ đang trải qua khó khăn và trắc trở gì, đứng tại lập trường của mình, chúng ta cũng không biết được, những điều chúng ta nhìn thấy chỉ là bề ngoài mà thôi…
  • Chúng ta có từng trải qua khổ đau mới hiểu được nỗi đau của người khác. Chúng ta có trải qua con đường đời gập ghềnh nhấp nhô như thế nào mới hiểu được người khác cũng trải qua như vậy.
  • Mỗi người sống đều có một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, người khác sẽ không cách nào hiểu được tường tận. Vậy nên, đừng vội vàng chỉ trích hay phán xét người khác khi không hiểu gì về tình huống chân thực của họ.

* Lưu ý:
Học sinh có thể có nhiều cách nhìn nhận và thể hiện khác nhau nhưng bài viết cần đảm bảo sức thuyết phục, chặt chẽ và lôgic. Trong quá trình làm bài cần biết liên hệ với cuộc sống của bản thân và mọi người xung quanh để thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề đó đối với mỗi người. Giám khảo căn cứ trên bài làm thực tế của thí sinh để đánh giá, cho điểm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *