Một số dạng đề Đọc hiểu và định hướng kỹ năng làm bài

Một số dạng đề Đọc hiểu và định hướng kỹ năng làm bài
Theo định hướng của Bộ GD về cách ra đề thi TNTHPT môn văn  , thì các câu hỏi phần đọc hiểu tập trung vào một số khía cạnh như:
1. Kiểm tra kiến thức Tiếng Việt: Dạng đề này thường cho một đoạn văn có sai sót và cho học sinh nhận biết từ đó trả lời các câu hỏi.
 Các lỗi sai trong văn bản :
– Lỗi về câu (lỗi cấu tạo câu; lỗi dấu câu; lỗi liên kết câu)
– Lỗi về từ (lặp từ; từ không đúng nghĩa; từ không phù hợp phong cách)
– Lỗi đoạn văn (lỗi về nỗi dung; lỗi về hình thức )
– Lỗi chính tả (lỗi do phát âm; lỗi do không nắm vững quy tắc chính tả )
* Lưu ý : Trong một văn bản không chỉ có một loại lỗi mà thường xuất hiện đồng thời nhiều loại lỗi.
Kỹ năng xác định lỗi trong đoạn văn bản:
– Đọc kỹ văn bản. Xác định nội dung và thể loại, phong cách văn bản .
– Phân tích cấu tạo câu (các thành phần của câu)
– Xem xét vị trí các câu và sự liên kết câu trong văn bản.
– Xem xét về lỗi chính tả và cách sử dụng từ ngữ.
 Ví dụ: Đọc đoạn văn bản sau đồng thời anh, chị hãy chỉ ra những sai sót về ngữ pháp, chính tả, cách dùng từ, tính logic…trong đoạn văn đó :
“… cái nhìn của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên là một sinh thể có linh hồn với những tính cách đối địch: vừa hung bạo, vừa dữ rằn. Đây là lối nhân cách hóa những đặc điểm vốn có của giòng sông thiên nhiên mà chực quan có thể nhìn thấy”.
– Cách phát hiện lỗi sai : Với hình thức hỏi như trên, sau khi đã đọc kỹ văn bản, xác định được cấu tạo câu và sự liên kết câu cũng như thể loại, phong cách ngôn ngữ và hình thức chính tả và cách trình bày,cách dùng từ ,chữ viết.. ta có thể trả lời như sau:
+ Sai ngữ pháp: Câu thứ nhất trong đoạn văn. Sai chính tả: dữ rằn; giòng sông; chực quan
+ Dùng từ sai: đối địch. Sai logic: vừa hung bạo, vừa dữ dằn
2. Nhận biết nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản; hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản:
Loại đề này đòi hỏi HS kỹ năng tóm tắt văn bản, trình bày mạch lạc, bám sát văn bản gốc. Đồng thời, phải hiểu được ý nghĩa của những khái niệm quan trọng trong ngữ liệu.
Ví dụ: Văn bản sau nói về vấn đề gì ? Đặt tên cho văn bản…
“Ở người lớn tuổi ít vận động cơ bắp, nếu chế độ ăn giàu chất colesteron (thịt, trứng, sữa…) sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh xơ vữa động mạch. Ở bệnh này, colesteron ngấm vào thành mạch kèm theo các ion canxi làm cho mạch bị hẹp lại, không còn nhẵn như trước, xơ cứng và vữa ra.
Động mạch xơ vữa làm cho sự vận chuyển máu trong mạch khó khăn, tiểu cầu dễ bị vỡ và hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Động mạch xơ vữa còn dễ bị vỡ gây các tai biến trầm trọng như xuất huyết dạ dày, xuất huyết não, thậm chí gây chết người”. (Sinh học – lớp 8. NXB Giáo Dục 2007)
– Đối với ví dụ trên, ta thấy: đoạn văn nói đến căn bệnh xơ vữa động mạch và nguyên nhân dẫn đến bệnh xơ vữa động mạch. Vì vậy ta có thể đặt tên cho đoạn văn bản đó là: “Bệnh xơ vữa động mạch và hậu quả của nó” hoặc “Đề phòng với xơ vữa động mạch”.
Cách đọc và nhận biết văn bản đối với dạng câu hỏi này:
+ Đọc kỹ đoạn văn bản của đề ra.
+ Tìm và gạch dưới những từ ngữ nào được lặp đi lặp lại nhiều lần văn bản ( đây là những từ mà người viết có ý nhấn mạnh thông tin muốn nói). Tìm hiểu nội dung của những từ ngữ đó nói về điều gì ?
+ Xác định mối quan hệ ngữ pháp (các câu và các thành phần phụ của câu trong đoạn văn bản).
+ Từ đó xác định được nội dung chính của đoạn văn bản và đề xuất cách đặt tên cho văn bản.
3. Nhận diện những biện pháp nghệ thuật trong đoạn văn bản và tác dụng của những biện pháp nghệ thuật đó với việc thể hiện nội dung văn bản:
Với dạng câu hỏi này HS cần:

  1. Ôn lại kiến thức về các biện pháp tu từ từ , tu từ về câu và tác dụng của các biện pháp tu từ khi được sử dụng trong văn bản như:

– So sánh: đối chiếu sự vật này với sự vật khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình biểu cảm.
– Ẩn dụ: Gọi tên sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm.. .
– Nhân hóa: cách gọi tả vật, đồ vật..v.v bằng những từ ngữ vốn dùng cho con người làm cho thế giới vật, đồ vật … trở nên gần gũi biểu thị được những suy nghĩ tình cảm của con người.
– Hoán dụ: gọi tên sự vật hiện tượng khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó.
– Nói quá: Biện pháp tu từ phóng đại mức độ qui mô tính chất của sự vật hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh gây ấn tượng tăng tính biểu cảm.
– Nói giảm nói tránh: dùng cách diễn đạt tế nhị uyển chuyển tránh gây cảm giác phản cảm và tránh thô tục thiếu lịch sự.
– Điệp ngữ: lặp lại từ ngữ hoặc cả câu để làm nối bật ý gây cảm xúc mạnh.
– Chơi chữ: Cách dựa vào những đặc sắc về âm và về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm hài hước.

  1. Ôn, nắm vững các đặc điểm về cách cách gieo vần, phối thanh, ngắt nhịp …trong văn bản văn học.

Ví dụ:
Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của những biện pháp nghệ thuật ấy trong đoạn thơ sau:
“Chúng đem bom ngàn cân
Dội lên trang giấy trắng
Mỏng như một ánh trăng ngần
Hiền như lá mọc mùa xuân”
(Trang giấy học trò – Chính Hữu)
– Căn cứ vào những kiến thức về các phương tiện biểu đạt trong thơ , ta có thể trả lời :
+ Các biện pháp nghệ thuật trong đoạn thơ : Ẩn dụ, đối lập và so sánh ( hình ảnh trang giấy trắng chỉ sự ngây thơ trong sáng của trẻ nhỏ; đối lập: bom nghìn cân với trang giấy mỏng manh; so sánh: trang giấy mỏng như…, hiền như…)
+ Tác dụng của việc sử dụng phối hợp những biện pháp nghệ thuật này : khắc họa sự tàn khốc của chiến tranh và tội ác của kẻ thù; lòng căm giận và thương cảm của nhà thơ với trẻ thơ .
2. Luyện tập các dạng đề và hướng dẫn giải đề
Đề 1. Đọc hiểu (3,0 điểm)
            Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
[…] 6) Nếu đọc, chúng ta sẽ đạo.
Rất nhiều khi chúng ta đương nhiên coi những gì chúng ta đọc được là của mình. Và chúng ta nhại lại như thế chúng ta viết ra nó.
7) Chúng ta thiếu sự hoài nghi.
Thường thì sách báo nói thế nào, chúng ta tin như vậy. Rất ít khi chúng ta thử dừng lại, nhìn lại vấn đề theo quan điểm riêng. Trong khi nghi ngờ sách là một thái độ đáng tôn trọng không kém gì tôn sùng sách.
8) Chúng ta dễ dãi với những sai sót.
Ngày trước, kèm theo mỗi cuốn sách xuất bản thường có một tờ đính chính. Nhưng đính chính đó đôi khi chỉ là lỗi chính tả tên riêng… Mẩu giấy nhỏ nhưng hàm chứa một ý thức lớn của người làm sách. Bây giờ, công nghệ hiện đại hơn, in ấn rẻ hơn, nhưng những mẩu giấy đính chính lại gần như thất truyền mặc dù lỗi in rõ ràng là nhiều hơn. Cả ý thức của người làm sách lẫn người đọc sách đều kém hơn trước.
9) Chúng ta chỉ đọc những gì mình thích.
Điều đó không xấu, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể đọc cả những điều mình không thích, nhưng cần. Bởi đọc không chỉ là để giải trí. Đọc cần phải có mục đích, và rất nhiều sự kiên nhẫn.
            (9 thói quen sai lầm của người Việt khi đọc sách, dẫn theo Internet)
Câu 1. Nêu ngắn gọn nội dung của đoạn trích trên? (0,5 điểm)
Câu 2. Nêu cách hiểu các từ: chúng ta sẽ đạo; đính chính. (0,25 điểm)
Câu 3.  Căn cứ vào nội dung đoạn trích, hãy cho biết tại sao tác giả lại cho rằng: nghi ngờ sách là một thái độ đáng tôn trọng không kém gì tôn sùng sách? (0,25 điểm)
Câu 4. Nêu ít nhất 02 tác dụng của việc đọc sách theo quan điểm riêng của anh/chị, viết trong khoảng 5 – 7 dòng. (0,5 điểm)
            Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:
                        Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng?
                        Bạn bè đi xa anh giữ trời Hà Nội
                        Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi
                        Ngoài cửa ô tàu đói những vành trăng.
 
                        Đất nước mênh mông đời anh nhỏ hẹp
                        Tàu gọi anh đi sao chẳng ra đi?
                        Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép
                        Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia.
                                                (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)
Câu 5. Trong đoạn thơ trên tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt nào? (0,25 điểm)
Câu 6. Nêu ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con tàu vành trăng trong đoạn thơ. (0,5 điểm)
Câu 7. Câu thơ Đất nước mênh mông đời anh nhỏ hẹp thể hiện điều gì? (0,25 điểm)
Câu 8. Chỉ ra và nêu tác dụng của những biện pháp nghệ thuật đặc sắc trong khổ 1 đoạn thơ.
(0,5 điểm)
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ VÀ CHẤM
Câu 1. Câu chủ đề: Lòng đố kị có thể gắn với sự hiếu thắng – một tâm lí muốn chứng tỏ mình không thua chúng kém bạn, thậm chí hơn người.
– Điểm 0,25: Nêu đủ những vấn đề cơ bản trên.
– Điểm 0: Nêu ý khác không liên quan nội dung hoặc không trả lời.
Câu 2. Nêu cách hiểu về các từ: Biến dạng – thay đổi so với hình dạng gốc; ích kỷ: chỉ nghĩ đến mình, vì lợi ích của bản thân, không biết nghĩ cho người khác.
– Điểm 0,5: Nêu được đúng nghĩa của các từ như trên.
– Điểm 0,25: Giải thích được một từ hoặc cả hai nhưng chưa đầy đủ.
– Điểm 0: Giải thích chung chung, mơ hồ, sai lệch hoặc không trả lời.
Câu 3. Lí giải:
– Điểm 0,25: Nêu được các ý trên hoặc diễn đạt được tương tự các ý cơ bản đó.
– Điểm 0: Nêu ý khác không liên quan nội dung hoặc không trả lời.
Câu 4. Nêu 02 tác dụng của việc đọc sách theo quan điểm riêng. Hs diễn đạt tốt, nêu đủ ý, không lạc đề.
– Điểm 0,5: đảm bảo những yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Nêu được 01 biện pháp hoặc nêu 02 biện pháp nhưng cách diễn đạt còn chung chung.
– Điểm 0: + Nêu biện pháp nhưng không liên quan tới câu hỏi.
+ Không trả lời.
Câu 5. Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận.
– Điểm 0,25: Nêu đủ các phương thức biểu đạt trên.
– Điểm 0,125: Nêu được từ 1-3 phương thức biểu đạt trên.
– Điểm 0: Nêu sai hoặc không trả lời.
Câu 6.
 Con tàu – tượng trưng cho tâm hồn sôi nổi, giàu khát vọng.
Vành trăng: tượng trưng cho những vẻ đẹp của những chân trời mới.
– Điểm 0,5: Nêu được đầy đủ các ý trên hoặc hiểu và diễn đạt theo cách khác, miễn là hợp lí, có sức thuyết phục.
– Điểm 0,25: Chỉ nêu được nghĩa của một trong số hai hình ảnh, hoặc nêu được nghĩa của hai hình ảnh nhưng còn chung chung, không rõ ý.
– Điểm 0: Nêu sai hoặc không trả lời.
Câu 7. Câu thơ Đất nước mênh mông đời anh nhỏ hẹp thể hiện sự tương phản giữa sự mênh mông, rộng lớn của đất nước, cộng đồng với sự bé nhỏ, chật hẹp của cái tôi cá nhân.
– Điểm 0,25: Nêu được đầy đủ các ý trên.
– Điểm 0,125: Nêu được đúng ý nhưng chưa đầy đủ hoặc diễn đạt còn chung chung.
– Điểm 0: Nêu sai hoặc không trả lời.
Câu 8. Biện pháp nghệ thuật tiêu biểu nhất: Câu hỏi tu từ, nhân hóa, ẩn dụ, tương phản đối lập. Tác dụng: Thể hiện sự trăn trở, chất vấn, giục giã chính mình của nhân vật trữ tình, qua đó bộc lộ khát vọng mãnh liệt muốn được lên Tây Bắc và đến với những chân trời mới.
– Điểm 0,5: Nêu được đầy đủ các ý trên.
– Điểm 0,25: + Nêu được ½  số biện pháp và nêu được tác dụng ở mức sơ sài.                      + Nêu được đúng (từ 3-4) biện pháp nhưng chưa chỉ ra được tác dụng.
– Điểm 0: Nêu sai hoặc không trả lời.
* Đề số 2:
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Trong sổ tay ghi chép của một Hs, có đoạn chép như sau:
Kẻ thù lớn nhất của tất cả chúng ta là sự lười biếng. Nếu chúng ta không lười biếng thì mọi cái mà chúng ta chông thấy đều là các cơ hội, bởi vì càng khó khăn cơ hội càng lớn. Tôi có một lý thuyết cho cá nhân tôi. Gọi là lý thuyết bên bờ vực. Tôi không bao giờ làm việc gì rễ và không làm việc gì mà người khác có thể ngay lập tức làm giống tôi được. Tôi gọi là lý thuyết bên bờ vực bởi vì kẻ định cạnh tranh với mình không dám theo gia mép vực để cạnh tranh và kẻ thù cũng không dám theo mình ra mép vực. Tôi nghĩ rằng không lười biếng và phải dũng cảm, hai cái đấy tạo ra cơ hội. Các bạn đừng sợ. Khó khăn là thuốc kích thích để mỗi con người dũng cảm, sáng suốt và sống có lý tưởng. Mọi khó khăn là điềm báo tạo cơ hội.
(Ông Nguyễn Trần Bạt đối thoại với sinh viên Học viện Ngoại giao, nguồn chungta.com)

  1. Trong đoạn trích trên, có một số lỗi sai về chính tả và một lỗi ngữ pháp câu. Hãy chỉ ra lỗi và sửa lại cho đúng (0,5 điểm).
  2. Lý thuyết bên bờ vực được nhắc tới ở trên có những đặc điểm gì? (0,5 điểm).
  3. Viết một đoạn văn ngắn (từ 8 – 10 dòng) về chủ đề: Sự lười biếng (1,0 điểm).

HƯỚNG DẪN

  1. – Chỉ ra lỗi sai:

+ Lỗi sai về chính tả: chông, rễ, gia
+ Lỗi sai về ngữ pháp: Gọi là lý thuyết bên bờ vực.
– Sửa lại cho đúng:
+ Chính tả: trông, dễ, ra
+ Ngữ pháp: thêm dấu phảy đằng trước, coi câu này chỉ là một bộ phận của câu. Câu hoàn chỉnh sẽ là: Tôi có một lý thuyết cho cá nhân tôi, gọi là lý thuyết bên bờ vực.
* Lưu ý: Chấp nhận cả phương án học sinh thêm từ vào trước câu để câu này đúng ngữ pháp. Ví dụ: Đó là….; Tôi gọi là….; Nó gọi là….

  1. Đặc điểm của lý thuyết trên bờ vực

+ Không bao giờ làm việc gì dễ, không làm việc gì mà người khác có thể ngay lập tức làm giống như mình được.
+ Khiến kẻ định cạnh tranh với mình không dám theo ra mép vực để cạnh tranh và kẻ thù cũng không dám theo mình ra mép vực.
*Lưu ý: Chấp nhận cả phương án học sinh trích nguyên văn hai câu văn có nêu đặc điểm trên, tuy nhiên lỗi chính tả phải được sửa.

  1. Viết đoạn văn (8- 10 dòng) về chủ đề Kẻ thù lớn nhất của tất cả chúng ta là sự lười biếng (1,0 điểm)

Về hình thức: Hs phải đảm bảo đúng yêu cầu về mặt hình thức của một đoạn văn hoàn chỉnh, không xuống dòng tạo thành hai đoạn văn. Câu chủ đề có thể đặt ở đầu hay cuối đoạn đều được.
– Về nội dung: Đoạn văn phải bám sát nội dung của câu chủ đề đã cho, làm rõ điều đó, tránh lan man, lạc đề.
* Đề số 3 :
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
Ngày nay, có quá nhiều phụ huynh chỉ biết con mình đang bị sỉ nhục, đang phải chịu đựng sự ức hiếp khi đã quá muộn. Hàng ngày, người ta online, đặc biệt là những người trẻ – những người chưa được trang bị để đối phó với điều này, và vì thế họ bị lạm dụng, bị làm tổn thương đến mức không thể tưởng tượng có thể sống tiếp tới ngày hôm sau nữa hay không, và một số thảm kịch đã xảy ra. Nó không còn ở trong thế giới ảo nữa.
ChildLine – một tổ chức phi lợi nhuận của Anh chuyên giải quyết những vấn đề của người trẻ đã đưa ra một thống kê đáng kinh ngạc vào năm ngoái: từ năm 2012 tới 2013, các cuộc gọi và email yêu cầu được giúp đỡ liên quan tới xúc phạm trong thế giới ảo tăng tới 87%. `Một phân tích tổng hợp cho thấy, lần đầu tiên tỷ lệ tự tử vì bị sỉ nhục trên mạng nhiều hơn đáng kể so với bị ức hiếp trực tiếp. Và điều hoảng hốt là một nghiên cứu khác vào năm ngoái chỉ ra rằng sự sỉ nhục mang lại cảm giác mạnh hơn cả hạnh phúc và tức giận.
Chế giễu công khai là một môn thể thao đổ máu cần phải dừng lại. Hãy bình luận bằng những ngôn từ tích cực, tiếp nhận tin tức và click chuột bằng sự bao dung, bởi chúng ta đã gieo những hạt giống của sự xấu hổ và sự tổn thương trên mảnh đất văn hóa của mình, cả ở thế giới thật và ảo.
(Bài thuyết trình chấn động của nữ thực tập sinh nổi tiếng, Vietnamnet.vn)
Câu 1. Nêu ngắn gọn nội dung của đoạn trích trên? (0,25 điểm)
Câu 2. Đặt nhan đề cho đoạn trích. (0,25 điểm)
Câu 3. Căn cứ vào nội dung đoạn trích, hãy cho biết tại sao tác giả lại gọi chế giễu công khaimột môn thể thao đổ máu? (0,5 điểm)
Câu 4. Theo quan điểm riêng của anh/chị, cần phải làm gì để dừng môn thể thao đổ máu này? Viết trong khoảng 5 – 7 dòng. (0,5 điểm)
            Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:
Năm 20 của thế kỷ 20 
Tôi sinh ra. Nhưng chưa được làm người
Nước đã mất. Cha đã làm nô lệ.
Ôi những ngày xưa… Mưa xứ Huế
Mưa sao buồn vậy, quê hương ơi!
Ngẩng đầu lên, không thấy mặt trời
Đất lai láng những là nước mắt

 Có lẽ vậy thôi… Tôi đã trôi như con thuyền lay lắt
Trên dòng sông mù sương
Tôi đã khô như cây sậy bên đường
Đâu dám ước làm hoa thơm trái ngọt
Tôi đã chết, lặng im, như con chim không bao giờ được hót
Một tiếng ca lảnh lót cho đời
Nếu chậm mùa xuân ấy, em ơi!
(Một nhành xuân – Tố Hữu)
Câu 5. Trong đoạn thơ trên tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt nào? (0,25 điểm)
Câu 6. Nêu ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh mặt trờinước mắt trong đoạn thơ. (0,5 điểm)
Câu 7. Cụm từ Có lẽ vậy thôi thể hiện điều gì trong tư tưởng, tình cảm của nhân vật trữ tình (0,25 điểm)
Câu 8. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật đặc sắc nhất được thể hiện trong 7 dòng thơ cuối? (0,5 điểm)
 
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ
Câu 1. Nội dung của đoạn trích: Nói về sự sỉ nhục/ xúc phạm/chế giễu công khai trong thế giới ảo và những hậu quả đáng báo động của nó, đồng thời kêu gọi mọi người chấm dứt môn thể thao đổ máu này.
– Điểm 0,5: Nêu đủ 2 vấn đề cơ bản trên, có thể diễn đạt bằng một số từ ngữ gần nghĩa.
– Điểm 0,25: Nêu được 1 trong 2 ý trên hoặc nêu được vấn đề một cách chung chung.
– Điểm 0: Nêu ý khác không liên quan nội dung hoặc không trả lời.
Câu 2. Đặt nhan đề cho đoạn trích: Hậu quả của sự xúc phạm trong thế giới ảo; Chế giễu công khai trong thế giới ảo – môn thể thao đổ máu…
– Điểm 0,25: Nhan đề như trên hoặc diễn đạt khác, miễn là gọi được đúng tên vấn đề chính.
– Điểm 0: Nhan đề không liên quan nội dung đoạn trích hoặc không trả lời.
Câu 3. Tác giả đoạn trích gọi chế giễu công khai là một môn thể thao đổ máu:
Gọi là môn thể thao vì nó hấp dẫn, thu hút đông đảo, đem lại cảm giác mạnh cho người tham gia; gọi là môn thể thao đổ máu vì nó khiến người bị chế giễu/sỉ nhục bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn tới một số thảm kịch, thậm chí đưa tới việc tự tử.
– Điểm 0,25: Nêu được các ý trên.
– Điểm 0,125: Nêu được 1/2 các ý trên.
– Điểm 0: Nêu ý khác không liên quan nội dung hoặc không trả lời.
Câu 4. Biện pháp, cách thức để dừng môn thể thao đổ máu này lại: Nêu ít nhất 02 biện pháp, không nhắc lại nội dung của tác giả. Câu trả lời phải chặt chẽ, thuyết phục.
– Điểm 0,5: đảm bảo những yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Nêu được 01 biện pháp hoặc nêu 02 biện pháp nhưng cách diễn đạt còn chung chung.
– Điểm 0: + Nhắc lại các biện pháp tác giả đã nêu.
+ Nêu biện pháp nhưng không thuyết phục.
+ Không trả lời.
Câu 5. Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.
– Điểm 0,25: Nêu đủ các phương thức biểu đạt trên.
– Điểm 0,125: Nêu được từ 1 – 2 phương thức biểu đạt trên.
– Điểm 0: Nêu sai hoặc không trả lời.
Câu 6. Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh:
 Mặt trời – tượng trưng cho tự do/ ánh sáng của lí tưởng/cuộc sống tươi đẹp;
 Nước mắt – tượng trưng cho sự thương đau/ mất mát/ nô lệ/ lầm than/ cuộc sống tối tăm.
– Điểm 0,5: Nêu được đầy đủ các ý trên.
– Điểm 0,25: Chỉ nêu được nghĩa của một trong số hai hình ảnh, hoặc nêu được nghĩa của hai hình ảnh nhưng còn chung chung, không rõ ý.
– Điểm 0: Nêu sai hoặc không trả lời.
Câu 7. Cụm từ Có lẽ vậy thôi diễn tả tư tưởng buông xuôi, phó mặc cho số phận/ an phận; tình cảm chán nản, tuyệt vọng.
– Điểm 0,25: Nêu được đầy đủ các ý trên.
– Điểm 0,125: Nêu được đúng ý nhưng chưa đầy đủ hoặc diễn đạt còn chung chung.
– Điểm 0: Nêu sai hoặc không trả lời.
Câu 8. Biện pháp nghệ thuật tiêu biểu nhất: So sánh. Tác dụng: thể hiện rõ tình trạng mất phương hướng, mất niềm tin và mơ ước, sống vô nghĩa, lay lắt của nhân vật trữ tình/tôi khi chưa gặp được mùa xuân của lí tưởng.
– Điểm 0,5: Nêu được đầy đủ các ý trên.
– Điểm 0,25: + Nêu được biện pháp so sánh nhưng chưa nêu được tác dụng, hoặc nêu tác dụng chung chung, không rõ ý hoặc thiếu ý.
+ Nêu được ý nghĩa của 7 dòng thơ nhưng nêu sai biện pháp.
– Điểm 0: Nêu sai hoặc không trả lời.
Đề số 4:
Câu 1 (1,5 điểm).
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4.
Còn gì đáng buồn hơn khi mà giàu có về vật chất thì lại nghèo nàn đến thảm hại về văn hóa tinh thần,… Một bộ phận thanh niên bây giờ nghĩ nhiều, nói nhiều đến tiền bạc, hưởng thụ. Ăn mặc đẹp sang trọng, tiện nghi hiện đại lắm, nhưng con người thì vô cùng mỏng. Gió thổi nhẹ là bay biến tứ tán ngay. Ngày trước dân ta nghèo nhưng đức dày, nhân cách vững vàng, phong ba bão táp không hề gì,… chung quy tại giáo dục mà ra. Cha mẹ bây giờ chiều con quá, không để chúng thiếu thốn gì. Vì thế mà chúng rất mong manh, dễ vỡ, dễ hư hỏng“.
(Theo Nguyễn Khải, báo Đầu tư, Ngữ văn 11 Nâng cao, tập 1, tr. 73, Nxb Giáo dục, 2014)
1/ Văn bản trên nói về hiện tượng gì trong đời sống? (0,25 điểm)
2/ Trong văn bản có sử dụng một thành ngữ. Hãy ghi lại chính xác và giải thích ý nghĩa của thành ngữ đó. (0,5 điểm)
3/ Chữ “mỏng” trong văn bản được hiểu như thế nào? (0,25 điểm)
4/ Viết một đoạn văn (khoảng 5 đến 7 câu) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan niệm: “Còn gì đáng buồn hơn khi mà giàu có về vật chất thì lại nghèo nàn đến thảm hại về văn hóa tinh thần“?  (0,5 điểm)
Câu 2 (1,5 điểm)
Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8:
MẸ
Con về thăm mẹ chiều mưa,
Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên.
Hạt mưa sợi thẳng, sợi xiên,
Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời.
Con đi đánh giặc một đời,
Mà không che nổi một nơi mẹ nằm.
(Tô Hoàn)
5/ Cho biết phương thức biểu đạt chính trong bài thơ trên? (0,25 điểm)
6/ Các hình ảnh “nhà dột”, “gió lùa bốn bên”, “những đêm trắng trời” diễn tả điều gì? (0,25 điểm)
7/ Hai câu cuối thể hiện nỗi niềm gì của người con? (0,5 điểm)
8/  Bài thơ còn đặt ra vấn đề gì trong cuộc sống hôm nay? (Viết một đoạn văn khoảng 5 đến 7  câu). (0,5 điểm)
HƯỚNG DẪN

  1. Văn bản nói về hiện tượng một bộ phận thanh niên mải chạy theo những nhu cầu về vật chất, không chú trọng đến đời sống văn hóa tinh thần.
  2. Thành ngữ: phong ba bão táp, chỉ những khó khăn, gian khổ.
  3. Chữ “mỏng” được hiểu là sự yếu đuối, kém cỏi về đạo đức, nhân cách, nghị lực, sức mạnh, bản lĩnh, ý chí,… không đủ sức chống đỡ những thử thách gian khổ trong cuộc sống.
  4. – Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về quan niệm : “Còn gì đáng buồn hơn khi mà giàu có về vật chất thì lại nghèo nàn đến thảm hại về văn hóa tinh thần”.

+ Nội dung: Đây là dạng đề mở, thí sinh có thể đồng tình với quan niệm, có thể không đồng tình nhưng cần đưa ra lí lẽ thuyết phục trên tinh thần bàn luận nghiêm túc, thiện chí.
+ Hình thức: Đảm bảo yêu cầu về hình thức và số câu theo quy định.

  1. – Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.
  2. Các hình ảnh “nhà dột”, “gió lùa bốn bên”, “những đêm trắng trời” diễn tả cuộc sống vất vả, khó nhọc, gian lao của người mẹ.
  3. Hai câu cuối thể hiện nỗi niềm của người con: tình yêu thương vô bờ bến với người mẹ và nỗi day dứt, xót xa, ân hận đậm chất nhân văn về tình đời, tình người.
  4. Vấn đề bài thơ đặt ra trong cuộc sống hôm nay: HS có thể trả lời theo nhiều cách, nhưng cần có lập luận chặt chẽ, thuyết phục, thể hiện được suy nghĩ sâu sắc của người viết thì vẫn cho điểm tối đa. Dưới đây là một vài gợi ý:

* Nội dung:
– Thái độ, trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ.
– Cuộc sống của những người mẹ thời hậu chiến.
– Cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân khi đất nước đã được độc lập, tự do, hòa bình.
* Hình thức: Đảm bảo yêu cầu về hình thức và số câu theo quy định.
Xem thêm : Bộ đề đọc hiểu môn văn có đáp án

4 bình luận trong “Một số dạng đề Đọc hiểu và định hướng kỹ năng làm bài

  1. Con về thăm mẹ chiều mưa,
    Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên.
    Hạt mưa sợi thẳng, sợi xiên,
    Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời.
    Con đi đánh giặc một đời,
    Mà không che nổi một nơi mẹ nằm.
    (Tô Hoàn)
    8/ Bài thơ còn đặt ra vấn đề gì trong cuộc sống hôm nay? (Viết một đoạn văn khoảng 5 đến 7 câu). (0,5 điểm)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *