Các hình thức đoạn văn: Diễn dịch, Quy nạp, tổng phân hợp, nêu phản đề, so sánh, phân tích nhân quả, vấn đáp

Các hình thức đoạn văn: Diễn dịch, Quy nạp, tổng -phân -hợp, nêu phản đề, so sánh, phân tích nhân quả, vấn đáp

Hướng dẫn  phân biệt các hình thức trình bày đoạn văn.
Có nhiều cách trình bày, trong đó có 7 cách chính sau: Diễn dịch, Quy nạp, tổng -phân -hợp, nêu phản đề, so sánh, phân tích nhân quả, vấn đáp

  1. Diễn dịch

Diễn dịch là từ một chân lí chung, quy luật chung mà suy ra các hệ luận, các biểu hiện cụ thể.
Ví dụ :
Đau thương bao giờ cũng là nguồn cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa lớn lao của văn học nghệ thuật. Nguyễn Du, Tônxtôi, Lỗ Tấn… đã trở thành những nghệ sĩ lớn trước hết là vì hơn bất cứ ai họ đã thông cảm sâu sắc và đau đớn da diết những nỗi đau nhân tình trong thời đại họ…
(Hoàng Ngọc Hiến)
Câu thứ nhất là một nguyên lí phổ biến {bao giờ cũng là). Câu thứ hai là một nhận định mới về các nhà văn cụ thể được suy ra từ quan điểm của câu thứ nhất (nhấn mạnh trước hết).

  1. Quy nạp

Quy nạp là từ những chứng cớ cụ thể mà rút ra những nhận định  tổng quát. Ví dụ :
Bộ Sử kí Tư Mã Thiên mà các nhà nho vẫn công nhận làm kiểu mẫu văn hay kia, nếu không phát sinh từ trong buồng gan uất ức của ông “Thái sử” thì ở đâu ra ? Gần chúng ta hơn là các nhà tiền bối như là Nguyễn Du, Cao Bá Nhạ, Nguyễn Công Trú Yên Đổ, Tú Xương, Phan Sào Nam, Nguyễn Khắc Hiếu cũng vậy Những câu văn mà hiện còn truyền tụng cũng đều biểu hiện những) buồng tim đã chán chê hay tê tái với thế cuộc nhân tình : Không có một khối óc sôi nổi, không có một thế giới quan, nhân sinh quan sinh động thì không thể sản sinh được một áng danh văn.
(Đặng Thai Mai)
Phần đầu, tác giả nêu lên các luận cứ cụ thể, và phần cuối, quy nạp thành luận điểm.

  1. Phối hợp diễn dịch với quy nạp (tổng – phân – hợp)

Ví dụ : Trong hoàn cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm”, ta càng thấy chị Dậu thật là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát. Một mình chị phải giải quyết mọi khó khăn đột xuất của gia đình, phải đương đầu với những thế lực tàn bạo : quan lại, cường hào, địa chủ và tay sai của chúng. Chị có khóc lóct có kêu trời, nhưng chị không nhắm mắt khoanh tay, mà tích cực tìm cách cứu được chồng ra khỏi cơn hoạn nạn. Hình ảnh chị Dậu hiện lên vững chãi như một chỗ dựa chắc chắn của cả gia đình.
(Theo GS. Nguyễn Đăng Mạnh)
Câu mở đầu đoạn văn trên nêu lên môt nhận định chung về nhân vật. Hai câu khai triển đoạn đưa ra các biểu hiện cụ thể minh họa cho nhận định chung ấy. Từ những chứng cớ cụ thể này, câu kết đoạn đúc kết thành một nhận định mới vừa phù hợp với nhận định ban đầu, vừa được nâng cao hơn. Đó là mô hình tổng hợp – phân tích – tổng hợp (tổng – phân – hợp).
Mô hình tổng – phân – hợp cũng thường là mô hình cấu tạo của toàn bài văn nghị luận.

  1. Nêu phản đề

Nêu phản đề là nêu ra một luận điểm giả định và phát triển nó cho đến tận cùng để chứng tỏ đó là luận điểm sai và từ đó mà khẳng định luận điểm của mình. Đây là cách lật ngược vấn đê để xem xét. Ví dụ :
Giả sử, nếu không có Thơ mới thì sau Cách mạng tháng Tám, tình hình thơ ca sẽ ra thế nào ? Chắc chắn là từ các thể thơ cũ, bát cú, tuyệt cú, cổ phong mà nhảy vọt lên để sớm có được những thành tựu như của Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu… trong kháng chiến làn thứ nhất, là chuyện khó quan niệm nổi. Lịch sử là sợi dây chuyền mà mỗi khâu trong đó đều có vai trò trong quá trình phát triển.
(Lê Đình KỊ)

  1. So sánh

a) So sánh tương đồng (loại suy)

So sánh tương đồng là từ một chân lí đã biết suy ra một chân lí tương tự, có chung     một   lôgic bên trong. Ví dụ :
“Tất cả mọi người   đều   sinh ra có quyền bình đẳng.    Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được’; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn độc lập   năm 1776    của nước Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là : tất cả các    dân tộctrên thế giới đều sinh ra bình đẳng ; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do
( Hồ Chí Minh)

b) So sánh tương phản

So sánh tương phản là đối chiếu các mặt trái ngược nhau đê’ làm nổi bật luận điểm.
Ví dụ, để bênh vực cho sự xuất hiện của Thơ mới, diễn đạt những tình cảm mói mang màu sắc riêng của thời đại, Lưu Trọng Lư viết :
Các cụ ưa những màu đỏ choét, ta lại ưa những màu xanh nhạt… Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya, ta nao nao vì tiếng gà lúc đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ, các cụ coi như đã làm một việc tội lỗi, ta thì cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ thì chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng : cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gụi, cái tình xa xôi…, cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu…

  1. Phân tích nhân quả

a. Trình bày nguyên nhân trước, chỉ ra kết quả sau.

Ví dụ :
Câu chuyện lẽ ra chấm hết ở đó, nhưng dân chúng không chịu nhận cái tình thế đau đớn ấy, và có đem một nét huyền ảo để an ủi ta. Vì thế mới có đoạn thứ hai, kể chuyện nàng Trương xuống thủy cung, và sau lại còn gặp mặt chồng một lần nữa.
(Nguyễn Đình Thi)

b. Chỉ ra kết quả trước, trình bày nguyên nhân sau.

Ví dụ
Tính nhân dân bộc lộ một cách trực tiếp và dễ thấy nhất trong văn học dân gian, vì đây là những sáng tác tập thể, truyền miệng, “vô danh” của chính quần chúng, phản ánh chủ yếu sinh hoạt của những người lao động, nói lên tư tưỏng, tình cảm của họ, thể hiện cách suy nghĩ, cách diễn đạt, lời ăn tiếng nói của họ.
(Nguyễn Văn Hạnh)

c) Trình bày hàng loạt sự việc theo quan hệ nhân quả liên hoàn.

Ví dụ :
Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải tăng gia sản xuất. Muốn tăng gia sản xuất tốt thì phải có kĩ thuật cải tiến. Muốn sử dụng tốt kĩ thuật thì phải có văn hóa. Vì vậy, công việc bổ túc văn hóa là cực kì cần thiết.
(Hồ Chí Minh)

  1. Vấn đáp

Vấn đáp    là nêu câu hỏi rồi trả lời hoặc   để người  đọc tự trả lời.
Ví dụ :
Những câu thơ này của Nguyễn Du :
Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một và bông lau
thì có quan hệ gì với “đạo đức ?” Câu thơ tưởng như chẳng dính líu gì đến đạo đức cả. Nó không dạy cho người ta phải làm việc này thiện, việc kia thiện. Nhưng một câu thơ như thế làm cho ngưòi ta nhìn            thấy cảnh mà động lòng  thương,  nó     cho ta      thấy        ngọn “gió hiu hiu      thổi”    và cảm   thấy đằng   sau đó còn có cái gì  nữa.
Con người đã giàu lòng thông cảm như thế, đã động lòng được với từng ngọn cỏ, lá cây, thì làm sao mà không động lòng thương những nỗi khổ của con người được ?
(Nguyễn Đình Thi)
Câu hỏi trước nêu vấn đề. Câu hỏi sau đã hàm chứa một câu trả lờí, bởi vì không dễ trả lời phủ định được.
Xem thêm :TRÌNH TỰ LẬP LUẬN/CÁCH THỨC TRÌNH BÀY ĐOẠN VĂN

Cách thức trình bày đoạn văn: Diễn dịch- quy nạp- song hành- móc xích- tổng phân hợp…


 

5 bình luận trong “Các hình thức đoạn văn: Diễn dịch, Quy nạp, tổng phân hợp, nêu phản đề, so sánh, phân tích nhân quả, vấn đáp

  1. cô ơi: cô hãy cho một số đề nghị luận xã hội đi cô.. rồi tự tụi e giải khoảng 5 sáu ngày sau cô đăng bài giải lên cô ah.. vậy tjui em mới biết cách làm và hiểu đề hơn nữa ạ.

  2. cô ơi mở đầu đoạn văn tổng phân hợp trình bày ý kiến về nhân vật trong truyện thì ta cần trình bày những ý nào.Có cần giống như mở bài trong bài văn nghị luận ko ạ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *