Đề thi cuối năm ngữ văn lớp 10 có đáp án chi tiết

ĐỀ THI HỌC KÌ II – NĂM HỌC 2015-2016 Môn: Ngữ Văn – Lớp 10
Thời gian: 90 phút (Không kể thời gian phát đề)
PHẦN 1: Đọc – Hiểu (3 điểm) Cho đoạn thơ:
 “Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!”
Câu 1: (1 điểm)
a/ Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Thuộc tác phẩm nào? Tác giả là ai? (0.75 điểm)
b/ Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? (0.25 điểm)
Câu 2: (2 điểm) Tìm và phân tích phép đối trong bốn câu thơ đầu của đoạn trích trên?
PHẦN 2: Tập làm văn (7 điểm)
Câu 1: (3 điểm) Học sinh chọn một trong hai đề sau để làm:
Đề 1:
 “Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện ắt thành công”
“Giã gạo – Hồ Chí Minh”
Từ bài thơ “Giã gạo” của Hồ Chí Minh hãy trình bày suy nghĩ của em về ý chí và nghị lực trong cuộc sống hiện nay?
Đề 2: Em có suy nghĩ gì về hiện tượng chụp hình tự sướng hiện nay của giới trẻ?
Câu 2: (4 điểm) Phân tích nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ sau:
“Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kỳ,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”
(Đoạn trích “Trao Duyên” – Truyện Kiều của Nguyễn Du)
 
——————-Hết——————-
Họ và tên thí sinh: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .           SBD :. . . . . . . . . .
 
ĐÁP ÁN ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II – 2015-2016
MÔN : Ngữ Văn             LỚP : 10
THỜI GIAN LÀM BÀI : 90 PHÚT
PHẦN 1: (3 điểm)
Câu 1: (1 điểm) Học sinh trả lời đúng các ý sau:
a/ -Đoạn thơ trên trích trong văn bản “Nỗi thương mình” của “Truyện Kiều” (0.5 điểm)
-Tác giả: Nguyễn Du (0.25 điểm)
b/ Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ: Lục bát (0.25 điểm)
Câu 2: (2 điểm) Học sinh cần chỉ ra:
Phép đối thể hiện trong đoạn thơ trên:
-“Bướm lả ong lơi” (0.5 điểm)
+Số tiếng cân bằng 2/2
+Phép đối từ loại: DT – DT (bướm – ong), ĐT – ĐT (lả – lơi)
+Phép đối thanh T – B (bướm lả – ong lơi)
-“Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm (0.5 điểm)
+Số tiếng cân bằng: 4/4
+Phép đối về từ loại: DT – DT (cuộc say – trận cười)
+Phép đối về nghĩa: tháng – đêm
-“Lá gió cành chim” (0.5 điểm)
+Số tiếng cân bằng: 2/2
+Phép đối từ loại: DT –DT (lá – cành, gió – chim)
+Phép đối thanh T – B (lá gió – cành chim)
-Sớm đưa Tống Ngọc  tối tìm Trường Khanh (0.5 điểm)
+Cân bằng số tiếng: 4/4
+Phép đối DT – DT (Tống Ngọc – Trường Khanh), ĐT – ĐT (đưa – tìm)
+Phép đối nghĩa: sớm – tối
PHẦN 2: (7 điểm)
Câu 1: (3 điểm) Học sinh chọn một trong hai đề sau để làm
a/ Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh viết được một bài nghị luận hoàn chỉnh:
+Bài văn có bố cục rõ ràng.
+Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng có tính thuyết phục
b/ Yêu cầu về nội dung: Bài làm cần làm nổi bật được những suy nghĩ của học sinh về những vấn đề sau:
Đề 1: Qua bài “Giã gạo” của Hồ Chí Minh em hãy trình bày suy nghĩ về ý chí và nghị lực trong cuộc sống
Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận (0.25 điểm)
Thân bài:
-Giải thích đề bài: (0.25 điểm)
+ Ý chí nghị lực là bản lĩnh, là sức mạnh, là sự cố gắng kiên cường để vượt lên mọi khó khăn và thử thách để đạt được những mục tiêu mà mình đã đề ra.
+Trong cuộc sống, con người không thể sống tốt nếu không có ý chí nghị lực
-Biểu hiện của ý chí nghị lực: (0.75 điểm)
+Ý chí nghị lực biểu hiện rất đơn giản, thường xuyên trong cuộc sống và nó tồn tại trong chính bản thân mỗi người.
+Ý chí nghị lực sẽ giúp mình có thể đứng vững trên chính đôi chân, bằng sức lực của mình mà không cần dựa dẫm vào ai.
+Ý chí nghị lực giúp chúng ta tự tin đương đầu với thử thách, sóng gió kể cả những nỗi bất hạnh và mất mát trong cuộc sống.
-Ví dụ chứng minh từ văn học và thực tế đời sống: (0.5 điểm)
+Thầy Nguyễn Ngọc Ký với sự cố gắng và nghị lực của bản thân đã trở thành một người có ích cho xã hội.
+Bác Hồ – vị cha già của dân tộc nhờ ý chí và nghị lực đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách trong quá trình đi tìm đường cứu nước để rồi kết quả dân được ấm no hạnh phúc, đất nước được độc lập.

-Phản đề: Phê phán những hành vi sai: (0.5 điểm)
+Chúng ta phê phán những con người sống ỷ lại vào người khác, không có chí tiến thủ.
+Những người không có tính tự lập, không biết tự hoàn thiện bản thân mình để sống tốt.
-Bài học liên hệ: (0.5 điểm)
+Gia đình và nhà trường cần tạo điều kiện cho con em mình đối mặt với những thử thách và va chạm với cuộc sống để mỗi cá nhân rèn luyện cho mình tính tự lập, một ý chí vươn lên và vượt qua thử thách.
+Là học sinh cần rèn luyện cho mình những kĩ năng sống cần thiết, tính tự lập đặc biệt là nghị lực sống vượt qua khó khăn để thành công.
Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, vai trò của ý chí nghị lực trong cuộc sống. (0.25 điểm)
Đề 2: Em có suy nghĩ gì về hiện tượng chụp hình tự sướng hiện nay của giới trẻ?
Mở bài: Dẫn dắt vấn đề nghị luận (0.25 điểm)
Thân bài:
-Giải thích đề bài: (0.25 điểm)
+Chụp hình tự sướng (tiếng Anh gọi là selfie) dùng để chỉ thói quen tự chụp hình và cập nhật trạng thái đăng tải lên các trạng mạng xã hội nhằm thu hút sự chú ý của mọi người.
+Nghiện chụp ảnh “tự sướng” trở thành căn bệnh dù đi đâu, ở đâu, làm gì  trong trang phục như thế nào cũng có thế chụp hình “tự sướng”, nếu không chụp sẽ thấy khó chịu.
-Thực trạng: (0.75 điểm)
+Ta bắt gặp hiện tượng các bạn trẻ giơ điện thoại lên chụp hình “tự sướng” bất cứ đâu, thậm chí cả nhà tắm, khi đi chùa, trong các cuộc hội họp, hội nghị sang trọng…bất cứ thời gian nào, họ sẵn sàng “take and share” (chụp và chia sẻ)
+Sau khi chụp hình xong chỉnh sửa và đăng tải, chia sẻ hình ảnh thông tin trên các trang mạng xã hội như facebook, Intasgram, Twitter… nơi bạn bè có thể “like” (ưa thích), và đưa ra những “comment (lời nhận xét) về bức ảnh.
+Người nghiện chụp hình “tự sướng” thường bỏ ra nhiều thời gian để chụp được những bức hình sao cho hoàn hảo nhất. (dẫn chứng)
-Nguyên nhân: một số bạn chụp hình “tự sướng”muốn khẳng định bản thân, muốn khoe khoang mình.(0.25 điểm)
-Hậu quả: (0.75 điểm)
+Mạng xã hội là thế giới ảo, những nội dung đăng tải có tính đa chiều giúp chúng ta tham khảo học tập, giải trí, nhiều khi thông tin không có đủ tin cậy, nhưng những ảnh hưởng của thông tin đó là thật. Nhiều người tin tưởng vào lời tán dương của cư dân mạng từ đó ảo tưởng về giá trị bản thân. Khi nhận được những lời nhận xét ác ý có thể gây ra những tổn thương về tinh thần.
+Việc ham mê chụp ảnh tự sướng mất nhiều thời gian ảnh hưởng tới công việc, học tập, bỏ lỡ những cơ hội tốt cho tương lai.
+Chụp và đăng ảnh selfie có thể làm cản trở người xung quanh, gây cho người khác sự phiền phức.
+Nhiều trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng lắp ghép, chỉnh sửa, tống tiền gây ra những tổn hại về vật chất và tinh thần.
-Giải pháp và bài học cá nhân: (0.5 điểm)
+ Mỗi chúng ta cần ý thức được việc sử dụng công nghệ thông tin hiện đại thế nào cho phù hợp và có ý thức văn hóa.
+ Phê phán những người có thói quen nghiện chụp ảnh “tự sướng”.
+ Dành thời gian chụp ảnh tự sướng cho những công việc khác thiết thực hơn, tuyên truyền mọi người hiểu được những giá trị chân thực của cuộc sống.
Kết bài: Khẳng định lại vấn đề (0.25 điểm)
Cách cho điểm:
Điểm 3: Đáp ứng tốt yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, văn viết mạch lạc, bố cục rõ ràng, đầy đủ, không sai lỗi diễn đạt, dùng từ ngữ, ngữ pháp.
Điểm 2.75 – 2.5: Trình bày ý tương đối đủ so với yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, dùng từ ngữ, ngữ pháp.
Điểm 2 – 1: Văn viết chỉ đạt ½ yêu cầu về nội dung, sai nhiều lỗi về diễn đạt, dùng từ ngữ, ngữ pháp.
Điểm 0: Nộp giấy trắng.
Nếu học sinh viết đoạn văn trừ 0.25 điểm
Lưu ý: Giáo viên cần dựa vào kĩ năng làm bài của các em trong việc trình bày quan điểm của mình cũng như tôn trong suy nghĩ của các em để linh động cho điểm
Câu 2: (4 điểm)
Giáo viên tùy bài làm của học sinh mà linh động cho điểm
a/ Yêu cầu về kĩ năng
-Biết cách làm bài văn nghị luận
-Kết cấu 3 phần rõ ràng, chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, văn có cảm xúc.
-Không mắc lỗi: chính tả, dùng từ, viết câu…
-Chữ viết rõ ràng, cẩn thận
b/ Yêu cầu về kiến thức:
Mở bài: 0.25 điểm
– Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm và đoạn trích
Thân bài:
– Học sinh phân tích rõ lời trao duyên của Thúy Kiều
-Hai câu thơ đầu: Lời nhờ cậy (1 điểm)
+Đây là lời nhờ cậy, tác giả đã đặt Thúy Kiều vào hoàn cảnh éo le để nàng tự bộc lộ tâm trạng, nhân cách của mình. Kiều buộc phải trao duyên, nàng làm như vậy là thực hiện một chuyện tế nhị, khó nói. (Phân tích rõ từ “Cậy”, từ “Chịu” để thấy được Thúy Kiều hiểu hoàn cảnh của Thúy Vân, nàng ý thức được việc mình nói ra mang tính chất rất hệ trong, việc nàng nhờ cậy có thể làm em lỡ cả đời)
+Khung cảnh “Em” – “ngồi”, “chị” – “lạy”, “thưa”. Ở đây có sự đảo lộn ngôi vị của hai chị em trong gia đình, diễn tả việc nhờ cậy là cực kì quan trọng, thiêng liêng, nghiêm túc
=> Thúy Kiều là người khéo léo, thông minh, tế nhị, kín đáo, coi trọng tình nghĩa.
-Sáu câu tiếp: Lời giãi bày nỗi lòng mình (1 điểm)
+Thúy Kiều nói về hoàn cảnh éo le của mình:
+Kiều nói vắn tắt về mối tình đẹp nhưng dang dở với Kim Trọng
+Nàng nhắc đến các biến cố đã xẩy ra khiến Kiều không thể tiếp tục cuộc tình của mình.
+Kiều xin em hãy “chắp mối tơ thừa” để trả nghĩa cho chàng Kim.
-Bốn câu: Lời thuyết phục. (1,0 điểm)
+Thúy Kiều thuyết phục em nhờ vào lí lẽ:
+Nhờ vào tuổi xuân của em
+Nhờ vào tình máu mủ chị em
+Dù đến chết Kiều vẫn ghi ơn em, biết ơn sự hi sinh của em.
=> Đó là những lời nói, lí lẽ khéo léo, tinh tế làm tăng tính thuyết phục của lời nói, tạo tính chất lời nói thiết tha, kín kẽ, tế nhị. Giọng thơ khẩn khoản, cách ngắt nhịp thơ đem lại sắc thái trang trọng.
-Nghệ thuật: (0,5 điểm)
+Miêu tả tinh tế nội tâm nhân vật
+Ngôn từ chọn lọc, sử dụng nhiều biện pháp tu từ.
KB: Khẳng định lại nội dung, nghệ thuật, khẳng định tài năng của tác giả. (0,25 điểm)
vCách cho điểm:
Điểm 4: Đáp ứng tốt yêu cầu đề bài, văn viết mạch lạc, có cảm xúc, không sai lỗi diễn đạt, dùng từ ngữ, ngữ pháp.
Điểm 3 – 2.5: Trình bày ý tương đối đủ so với yêu cầu về kiến thức, còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, dùng từ ngữ, ngữ pháp.
Điểm 2 – 1: Văn viết chỉ đạt ½ yêu cầu về nội dung, sai nhiều lỗi về diễn đạt, dùng từ ngữ, ngữ pháp.
Điểm 0: Nộp giấy trắng.
Xem thêm : Tuyển tập đề thi ngữ văn lớp 10
Tuyển tập đề thi về bài Trao duyên ngữ văn 10

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *