Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 10 năm 2019 – Chuyên Bắc Ninh

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẮC NINH
TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC NINH
ĐỀ ĐỀ XUẤT
THI CHỌN HSG KHU VỰC DHBB
NĂM HỌC 2018- 2019
Môn: Ngữ văn – Lớp 10
Thời gian làm bài 180 phút (không kể thời gian phát đề)

 
Câu 1: 8 điểm               
Đọc câu chuyện sau:
Thầy giáo hỏi: Có một con sâu không biết bơi mà lại muốn qua sông. Các em có biết con sâu qua sông bằng cách nào không?
Học trò đưa ra ba đáp án
– Con sâu bò qua cầu.
Thầy giáo trả lời: “ Không có cầu”
–  Con sâu nằm trên lá, qua sông.
Thầy giáo cười “ Chiếc lá sẽ bị nước cuốn trôi”
–  Con sâu bị chim nuốt vào bụng rồi bay qua sông.
Thầy giáo lắc đầu: “ Vậy sâu chết thì đâu còn ý nghĩa của việc qua sông”
Vậy con sâu qua sông bằng cách nào đây?
Thầy giáo cười rồi nói: “ Con sâu nếu muốn qua sông, thì nó chỉ còn một cách, là biến thành bướm”
Trước khi biến thành bướm, nó phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn. Nó ở trong cái kén, ban ngày cũng như ban đêm, không ăn không uống. Nỗi khổ này trải qua một thời gian rất dài. Cuối cùng nó thành con bướm và bay qua sông…”
.                                           ( Theo Đại kỷ nguyên)
Suy nghĩ của anh/chị về bài học cuộc sống được gợi từ câu chuyện trên.
Câu 2: 12 điểm
Cảm nhận sự gặp gỡ và nét khác biệt của hình tượng người anh hùng trong bài thơ “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão và trong đoạn trích “ Chí khí anh hùng” ( trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du.

—————–Hết—————-

 
(Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẮC NINH
TRƯỜNG THPT CHUYÊN BẮC NINH
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI CHỌN HSG KHU VỰC DHBB
NĂM HỌC 2018- 2019
Môn: Ngữ văn – Lớp 10
Thời gian làm bài 180 phút (không kể thời gian phát đề)

 
Câu 1- 8 điểm:

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

– Thí sinh có kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí đặt ra từ câu chuyện, kết hợp các thao tác lập luận để làm sáng tỏ vấn đề.
– Bố cục rõ ràng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ, lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục; diễn đạt, văn phong trong sáng; dùng từ, đặt câu chuẩn xác, không mắc lỗi chính tả.

  1. Yêu cầu về kiến thức:

Bài làm cần đạt được các nội dung cơ bản sau:

  1. Giải thích: Thông điệp là gì?
  • Thầy giáo đặt ra tình huống, buộc học sinh tìm cách giải quyết tình huống. Bằng cái nhìn đa chiều, bằng sự phân tích thấu đáo người thầy buộc học sinh phải tự nhận thức, tự rút ra cho mình bài học cuộc sống.

+ Tình huống đó là: con sâu- con vật nhỏ bé, yếu ớt, chỉ biết bò >< muốn qua sông
Sông rộng, không cầu, nước chảy xiết- biểu tượng cho những khó khăn, trở ngại để đạt tới những mục đích lớn lao của cuộc đời.
Qua sông – hành trình vươn tới ước mơ, thành công của mỗi người.
=> tình huống dường như bất khả kháng, mong ước bất khả thi.
+ Giải đáp của trò
Con sâu đi qua cầu- tương đối dễ dàng               >< nhưng không có cầu

  • muốn dựa vào sự sẵn có để đạt mục đích

Con sâu nằm trên lá- trôi sang bên sông             >< lá bị nước cuốn

  • muốn dựa vào may rủi, phó mặc cho may rủi

Con sâu chịu để cho chim nuốt vào bụng           >< chết- sự sang sông không còn ý nghĩa

  • muốn đạt bằng mọi giá kể cả hủy hoại bản thân, sự trả giá bằng cả mạng sống.

Nhận xét: 3 phương án thể hiện 3 thái độ sống: muốn đạt được mục đích lớn lao, vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc đời, nhiều người thường dựa dẫm, phó mặc cho may rủi hoặc liều lĩnh bất chấp vượt qua bằng mọi giá kể cả việc đánh mất mình.
+ Lời giải đáp của thầy: rất bất ngờ
Con sâu đóng kén=> hóa bướm=> bay qua sông: Đó là một quá trình tự chuyển hóa, tự thay đổi để phát triển. Quá trình ấy phải trải qua thời gian dài “ở trong cái kén, ban ngày cũng như ban đêm, không ăn không uống” lâu dài, đau khổ.
Chỉ có thay đổi mình, vượt lên chính mình mới có thể vượt qua gian khổ, đạt tới mục đích lớn lao. Đôi cánh bướm của con sâu là đôi cánh của sự dũng cảm, của bản lĩnh, khát vọng dám đổi thay, thử thách chính mình. Đôi cánh ấy sẽ giúp nó vượt qua mọi khó khăn trở ngại tưởng chừng như không thể của cuộc sống.

  • Lời khuyên: Có lẽ mỗi người chúng ta giống như con sâu, trong chặng đường cuộc sống vươn đến thành công đều sẽ gặp phải những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua. Có người đối mặt với những khó khăn thì bi quan thất vọng, không có cách nào thay đổi chính mình. Ngược lại có những người dũng cảm vượt qua, không ngừng thử thách chính mình, không ngừng thay đổi chính mình, cuối cùng đạt đến thành công.
  1. Bàn luận: thông điệp sâu sắc.
  • Trước hết, hãy có khát vọng làm những điều lớn lao.

Con sâu muốn sang sông, nó không cam chịu chỉ mãi mãi là con sâu nhỏ bé, chấp nhận cuộc sống quẩn quanh. Con người phải có khát vọng chinh phục, thử sức với những điều lớn lao. Đó sẽ là động lực mạnh mẽ để vượt qua mọi khó khăn trở ngại vốn là điều tất yếu trong cuộc sống, điều tất yếu trên hành trình đến với thành công.

  • Không thay đổi được hoàn cảnh hãy thay đổi chính mình. Khi hóa bướm- đôi cánh chính là cây cầu, là chiếc lá, là chú chim để con sâu có thể vượt sông. Qua sông đã khó nhưng thay đổi chính mình còn khó hơn; nỗ lực thành công là cả một quá trình gian khổ cần bền tâm, vững chí.
  • Thay đổi nhưng không được đánh mất mình, hóa bướm là một chặng trong quá trình phát triển của con sâu, bướm rồi sẽ lại đẻ trứng, trứng hóa thành sâu- lại trở về với chính mình.
  • Phê phán: những kẻ không có khát khao, ước vọng, không bản lĩnh, không dám đổi thay. Trước khó khăn có người là con cuốn chiếu hễ đụng đến là cuộn mình lại. Có người là con giun suốt đời chỉ biết trốn dưới đất tối không vươn nổi mình lên; Có người như con thiêu thân đốt mình trong cám dỗ cuộc đời…

( lấy dẫn chứng trong cuộc sống để làm sáng tỏ các luận điểm)

  1. Bài học:

Làm thế nào để có thể sang sông, để có thể vượt mọi trở ngại để đi đến thành công?
+ Tỉnh táo lường trước thực tế khó khăn.
+ Cần hiểu biết về chính mình, hiểu biết tình thế để có thể chủ động trước hoàn cảnh, tìm cách chế ngự hoàn cảnh. Không buông xuôi, dựa vào may rủi, không liều lĩnh bất chấp mọi điều để đạt mục đích…
+ Dám đối mặt, dám đổi thay.

  • Cần tôi rèn bản lĩnh sống, khát khao chinh phục từ những việc nhỏ, những cái hàng ngày.

III. Biểu điểm:
Điểm 8: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, luận giải sắc sảo, tri thức phong phú.
Điểm 6-7: Đáp ứng tương đối tốt yêu cầu về kỹ năng và kiến thức, mắc vài lỗi về chính tả, diễn đạt
Điểm 4-5: Đáp ứng được khoảng một nửa số ý cơ bản, ít mắc lỗi về chính tả, diễn đạt.
Điểm 1-2-3: Chưa hiểu rõ vấn đề, bài viết sơ sài, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.
Câu 2:
* Yêu cầu về kĩ năng
Làm tốt bài nghị luận văn học; bố cục rõ ràng; lập luận chặt chẽ, kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, hành văn trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
* Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể làm nhiều cách, song cần đảm bảo một số ý cơ bản sau:

  1. Giới thiệu về hình ảnh người anh hùng trong hai đoạn thơ, bài thơ
  • Khái niệm người anh hùng: người có tài năng khí phách lớn, có tính cách dũng cảm, làm nên những việc phi thường có công lớn đối với dân với nước.
  • Giới thiệu 2 bài thơ, đoạn trích.
  1. Sự gặp gỡ trong hình tượng người anh hùng trong 2 đoạn thơ, bài thơ:
  2. Về nội dung:

– Cả hai đều là người anh hùng của thời đại phong kiến
– Đều mang vẻ đẹp của người anh hùng chiến trận:
+ Tư thế hiên ngang ( hoành sóc giang san cáp kỷ thu, thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong…)
+  Khí thế hào hùng( tỳ hổ khi thôn ngưu, động lòng bốn phương, tiếng chiêng dậy đất, bong tinh binh rợp đường…)
+ Ý chí, quyết tâm sắt đá( quyết lời dứt áo ra đi ….)
+ Lý tưởng cao cả vì nghĩa lớn vì nước vì dân( Nam nhị vị liễu công danh trái, làm cho rõ mặt phi thường…)
b.Về nghệ thuật:
– Đều được đặt vào bối cảnh không gian, thời gian kỳ vĩ ( cáp kỷ thu, giang san, trông vời trời bể mênh mang, bốn phương, …) con người mang tầm vóc vũ trụ
– Bút pháp thậm xưng, tô đậm, lý tưởng hóa nổi bật sự khác thường, mạnh mẽ về thể chất lẫn tinh thần( khí thôn ngưu, dậy đất, rợp đường…)  tô đậm tầm vóc người anh hùng.
– Lý giải:
Sự tương đồng do quan niệm của thời đại về người anh hùng, ảnh hưởng thi pháp trung đại trong cách nhìn, khám phá diễn tả vẻ đẹp người anh hùng.

  1. Nét riêng
  2. Người anh hùng thời Trần:

– Hình ảnh người anh hùng mang tính sử thi.
+ Phạm Ngũ Lão là “trai thời loạn” , thời Trần- thời đại anh hùng sản sinh ra những anh hùng-thời đại đã hun đúc nên những nhân vật kì vĩ.
+ Hình ảnh người anh hùng lồng trong hình ảnh ba quân, khát vọng của người anh hùng hòa trong khát vọng của dân tộc đất nước, của vua, quan, tướng sĩ. Hình ảnh người anh hùng mang tính đại diện cho dân tộc, thời đại. Nhân vật trữ tình mang vẻ đẹp sử thi, tầm vóc sử thi.
Hình ảnh người anh hùng thể hiện hào khí Đông A- hào khí anh hùng ở nhiều cung bậc, nhiều phương diện.
+ Quan niệm chí làm trai- nợ nam nhi: làm trai phải có công danh và sự nghiệp để lại tiếng thơm cho đời,  góp sức cho đất nước. Đó là một quan niệm nhân sinh tiến bộ thời phong kiến có tác dụng cổ vũ động viên con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỉ cá nhân sẵn sàng chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp cứu nước, trung quân ái quốc để cùng trời đất muôn đời  bất hủ.
+  Cái thẹn cao cả làm nên nhân cách: thẹn chưa  được như Vũ Hầu Gia Cát Lượng giúp vua giúp nước, trả nợ công danh=> nổi bật lòng yêu nước, khát vọng giúp vua giúp nước của người trai thời loạn
=> Hình ảnh người tráng sĩ đời Trần- người anh hùng: khí phách, ý chí, tư tưởng tình cảm hào hùng thể hiện cao độ hào khí Đông A hào khí giết giặc lập công phò vua giúp nước
Trực tiếp  thể hiện quan điểm, lý tưởng anh hùng của tác giả PNL:
Bài thơ là bức chân dung tinh thần tự họa của tác giả, thể hiện lý tưởng anh hùng của Phạm Ngũ Lão đồng thời là chân dung tinh thần thời Trần rực ngời hào khí Đông A. Phạm Ngũ Lão không chỉ phát ngôn nhân danh cá nhân mình mà còn nhân danh cả dân tộc, cả thời đại.

  1. Hình ảnh người anh hùng Từ Hải:
  • Người anh hùng cá nhân, có chí lớn muốn làm nên sự nghiệp anh hùng “đâu đấy tỏ”.

Khác với người anh hùng thời Trần được đặt trong một tập thể anh hùng- Từ Hải là anh hùng cá nhân- anh hùng dân chủ, nhân dân.
+ Một mình ra đi thực hiện ý nguyện,  không tạo nên ấn tượng về sự đơn độc mà  trái lại càng cho thấy sự dũng mãnh của người anh hùng.
+ Khao khát về một sự nghiệp lớn, khẳng định bản thân: “Bao giờ 10 vạn tinh binh – Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường”  tựa cánh chim Bằng giữa  “bốn phương”, “trời bể mênh mang” “bốn bể”.
+ Một trang nam nhi tràn đầy lòng tự tin: tin vào tài năng, sức mạnh của bản thân, tin vào tương lai “Bằng nay bốn biển là nhà” nhưng sẽ có ngày nắm trong tay “mười vạn tinh binh”, và ngày đó không phải là xa vời “Đành lòng chờ đó ít lâu – Chầy chăng là một năm sau vội gì”.
Người anh hùng hành động, quyết tâm thực hiện lí tưởng.
+ Từ đã biết vượt qua những níu kéo của tình cảm cá nhân riêng tư, vượt qua thói “nữ nhi thường tình” để sẵn lòng ra đi làm nên nghiệp lớn. Cả một hệ thống từ ngữ thể hiện sự quyết tâm, dứt khoát đó: “thoắt” , “thẳng rong”, “quyết lời”, “dứt áo ra đi”.
+ Con người Từ Hải như một thứ sức mạnh của thiên nhiên, vẫy vùng giữa trời cao đất rộng, không có sức gì kiềm giữ được, kể cả sức mạnh của tình yêu.
+ Từ Hải là con người của hành động. Hành động được miêu tả đầy sự dứt khoát, nhanh nhẹn. “Thoắt đã động lòng bốn phương” “lên đường thẳng rong”
Nhân vật lí tưởng, thể hiện thái độ và ước mơ của N.Du về người anh hùng.
 + Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp lí tưởng hoá để nâng cao tầm vóc của Từ Hải: từ ngữ trang trọng, bút pháp lí tưởng hóa, lãng mạn hóa, cảm hứng vũ trụ, hình ảnh ước lệ kì vĩ.
+ Nguyễn Du đã dùng những hình ảnh đẹp nhất để miêu tả Từ. Từ Hải là bóng dáng của những người anh hùng nông dân khởi nghĩa với bao phen thay đổi sơn hà. Thái độ của tác giả với Từ: yêu quý, cảm phục( dù ý thức hệ phong kiến phải coi Từ là giặc). Nguyễn Du đã dồn nén giấc mơ về tự do và công lí của mình trong con người Từ Hải.
Quan điểm về người anh hùng của tác giả: người anh hùng phải làm được những việc lớn lao, dám nghĩ dám làm, dứt khoát, oai nghiêm nhưng cũng rất tình cảm( thấu hiểu Kiều, động viên Kiều)=> Người anh hùng dân chủ nhân dân.
Lý giải sự khác biệt:

  • Do sự khác nhau về kiểu nhân vật: Thuật hoài- thơ tỏ lòng, tỏ chí- chủ thể trữ tình bộc bạch trực tiếp, Truyện Kiều- nhân vật tự sự + trữ tình, tác phẩm truyện thơ
  • Chủ thể trữ tình: Phạm Ngũ Lão là một anh hùng thời chiến. Nguyễn Du là một văn nhân giữa những “ thay đổi sơn hà”
  • Khác nhau về hoàn cảnh lịch sử: Thuật hoài- thời đại anh hùng. Thời Nguyễn Du- XHPK mục ruỗng thối nát- bi hùng, sự thức tỉnh ý thức cá nhân.
  1. Đánh giá:
  • Vẻ đẹp người anh hùng trong 2 bài thơ hội tụ- kết tinh vẻ đẹp người anh hùng thời phong kiến, kết tinh lý tưởng, khát vọng anh hùng của tác giả của nhân dân, dân tộc Việt Nam. Đó là vẻ đẹp cao cả mang tính lý tưởng vừa kết tinh tư tưởng thẩm mỹ của thời đại vừa mang dấu ấn riêng của người nghệ sĩ.
  • Truyền thống anh hùng, cảm hứng anh hùng đã và đang được phát huy, phát triển trong thời đại mới với những yêu cầu mới.

*Biểu điểm
– Điểm 12: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, lập luận sắc sảo.
– Điểm 10-11: Đáp ứng được hầu hết các ý cơ bản, mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.
– Điểm 8-9:  Đáp ứng được phần lớn những ý cơ bản, mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, diễn đạt.
– Điểm 6-7: Trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.
– Điểm 4-5: Bài viết sơ sài, kiến thức nghèo nàn, phân tích dẫn chứng hời hợt, mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.
– Điểm 1-2-3: Chưa hiểu rõ vấn đề, chưa nắm được kĩ năng làm bài, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.
 
 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *