Đề mở là gì? nhiều GV và HS vẫn còn băn khoăn về khái niệm này.Đề mở là một hướng tiến bộ trong dạy học làm văn, những vẫn đang là một vấn đề mới, chưa được nghiên cứu sâu, còn có những khía cạnh chưa rõ, phải qua thực tiễn thì mới nhìn thấy hết được.
Trước đây trong dạy học làm văn giáo viên thường ra đề văn hạn định, trong đó bao giờ cũng có một phạm vi vấn đề, tri thức và một yêu cầu dưới hình thức mệnh lệnh. Ví dụ :
1.Bình giảng khổ thơ sau…
2. Nhà văn Nga M. Gorki có nói : “Văn học là nhân học”. Anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định ấy
3.Phân tích vẻ đẹp của hình tượng ông Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù.
Mỗi đề dều có một đối tượng xác định và một mệnh lệnh yêu cầu học sinh thực hiện trong bài làm văn. Đề 2 yêu cầu giải thích, chững minh câu nói của Gorki; đề 3 yêu cầu phân tích vẻ đẹp của hình tượng ông Huấn Cao; đề 3 tuy không hạn định nội dung, nhưng thực tế là yêu cầu bình giảng như đã học. Đặc điểm của đề văn đó là hướng dẫn học sinh suy nghĩ và viết về một vấn đề cụ thể, vận dụng một số thao tác, huy động một phạm vi kiến thức nhất định. Đặc điểm thứ hai là giáo viên có thể quy định một đáp án để dùng cho tất cả học sinh cùng làm một đề. Nhược điểm của nó là tính chất bắt buộc, gò bó, khả năng lựa chọn dành cho học sinh ít, chưa tạo cơ hội cho học sinh chủ động lựa chọn phương án và hào hứng làm văn.
Ngày nay trong dạy học làm văn có khuynh hướng ra đề mở. Đề văn nào cũng có tính hạn định, nhưng đề mở độ hạn định giảm thiểu để tạo khả năng cho học sinh lựa chọn, khiến họ được tự do lựa chọn vấn đề và cách giải quyết vấn đề của mình. Các dạng đề mở thường gặp gồm có :
Đề ra như một đề tài chung để viết, học sinh có thể cụ thể hoá thành đề mục hay nhan đề của bài viết, có thể chọn kiểu bài nghị luận hay tự sự, biểu cảm, nhưng không được làm thơ.
Ví dụ:
1)Viết về tình bạn. Học sinh tự đặt nhan đề, không hạn chế kiểu bài, trừ thơ, viết bài văn không dưới 600 chữ..
2) Cây xanh và con người. Học sinh tự đặt nhan đề, không hạn chế kiểu bài, trừ thơ, viết bài văn khoảng 800 chũ.
Trong hai đề dạng này, ngoài hạn chế số chữ và không được làm thơ, học sinh không chỉ có thể tự do chọn kiểu bài như đã nói, mà còn tự do đặt nhan đề. Chẳng hạn đối với đề 1), học sinh có thể viết về người bạn mới quen, hay người bạn cũ, họăc nghị luận về tình bạn, bày tỏ cảm xúc đối với người bạn gặp khó khăn, nhớ người bạn đang ở xa, hoặc kể về những mối tình bạn cao thượng và cảm động mà em biết. Loại đề này chỉ có thể ra khi học sinh đã học hết các kiểu bài và thích hợp ra trong kì thi cuối năm hay thi chuyển cấp. Khi đang học một kiểu bài nào đó thì phải tập trung vào kiểu bài đang học. Lúc đó có thể sử dụng kiểu đề mở khác.
Loại đề cho tài liệu. Đây là dạng đề cung cấp một bức tranh hoặc ảnh hoặc cho một một mẩu tin trên báo, truyện cười,truyện ngụ ngôn , hoặc một đoạn trích tác phẩm, một nhân vật lịch sử học sinh tự chọn lấy vấn đề, chủ đề để viết bài phân tích, bình luận, biểu cảm. Ví dụ :
Đề 1. Chọn một trong ba tài liệu dưới đây làm bài theo yêu cầu ở dưới
a) Cậu bé 14 tuổi xả thân cứu người. Trưa 8/9 em Nguyên học sinh trường THCS xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi đã ra đi vĩnh viễn. Một nhóm học sinh sau khi tập múa lân đã rủ nhau xuống tắm. Em Thơ không biết bơi, lội xa bờ, trượt chân đuối nước. Nguyên lao ra cứu Thơ, hai người vật lộn dưới nước, khi đưa được Thơ vào bờ, thì Nguyên đã kiệt sức sức, bị nước cuốn. Khi Nguyên được cứu thì em đã lịm dần, hôn mê sâu và ra đi mãi mãi. Đồng bào cả xã và học sinh toàn trường vô cùng thương tiếc em.
b)Báo Dương Thành Buổi Tối (Quảng Châu) tường thuật khoảng 17g30 ngày 13-10-2011, tại một con đường nhỏ ở Quảng Phật Ngũ Kim Thành thuộc quận Nam Hải ở Phật Sơn, bé gái Duyệt Duyệt 2 tuổi đang lững thững đi ra đường đã bị một xe hơi loại bảy chỗ tông phải và cán lên phần gần đầu của bé. Lúc này bé Duyệt Duyệt còn cử động, tài xế cho xe dừng lại vài giây rồi thản nhiên cho xe chạy tiếp và bánh xe sau lại nghiến nát một phần thân thể bé gái. Chỉ vài phút sau, một chiếc xe tải nhỏ tiếp tục cán nát đôi chân của bé gái này.
c) ‘Hiệp sĩ đường phố’ lập công 3 ngày liên tiếp. Đây là vụ thứ 3 liên tiếp trong 3 ngày “hiệp sĩ đường phố” lập công. Hai ngày trước, anh Tiến cũng đã bắt hai tên cướp giật dây chuyền trên đường Tô Hiến Thành. Sau đó, đôi trộm giàn giáo công trình ở quận 11 cũng bị anh bắt quả tang.Ngưỡng mộ trước thành tích hàng trăm lần bắt cướp của anh Tiến, nhiều người đã xin được làm “đệ tử” của anh, cùng anh rong ruỗi trên khắp các tuyến đường Sài Gòn để bắt tội phạm. Hiện nhóm các “hiệp sĩ đường phố” có khoảng chục người. Đọc kĩ tài liệu đã chọn, tự xác định đề mục, viết bài làm văn nghị luận, biểu cảm không quá 800 chữ.
Học sinh có thể chọn chủ đề thói vô cảm, tinh thần quả cảm, ngày nay vẫn còn kẻ biết quên mình vì đồng loại, cuộc sống rất cần tinh thần cao cả, từ vô cảm đối với mạng sống của một em bé đến vô cảm trước vận mệnh của đất nước, vô cảm và quả cảm, nguy cơ của thói vô cảm…Tùy theo chủ đề được chọn mà viết bài.
Đề 2. Đọc ba đoạn văn dưới đây, làm bài văn theo yêu cầu nêu ở dưới:
a) Con người thường chê lợn là ngu, nhưng có con lợn phản bác lại rằng : Xem lại đi, kẻ bị nhốt trong tù là người, kẻ bị hành quyết trên pháp trường là người, kẻ gây chiến tranh để tàn sát đồng loại cũng là người. Những chỗ ấy đâu có thấy bóng dáng của lợn ?
b) Nhà triết học Hy Lạp Platinus nói: Chúng ta do đòi hỏi mà khẳng định con người là thành viên sáng giá nhất, tồn tại trí tuệ nhất của vũ trụ, nhưng sự thực thì con người đứng giữa thiên thần và ác quỷ, có lúc ngả về phía này, lúc ngả về phía kia, có khi ngả về cả hai phía, phần lớn người giữ mình ở khoảng giữa.
c) Con hổ hỏi người thợ cày đang điều khiển con trâu cày ruộng: Tại sao con người nhỏ bé mà lại khuất phục được con trâu to thế kia? Người nông dân trả lời: Vì ta có trí khôn. Hổ lại hỏi: Thế trí không của người đâu cho tôi xem? Người nông dân đáp: Trí khôn ta để ở nhà. Nếu muốn xem thì để ta trói hổ vào gốc cây, nếu không thì khi về nhà hổ ăn mất trâu của ta. Hổ bằng lòng để người trói. Trói xong người nông dân lấy roi đánh túi bụi vào con hổ, vừa đánh vừa bảo: Trí không ta đây. Trí khôn ta đây. Đánh rồi còn đem lửa đốt hổ, hổ nóng quá vùng thoát chạy lên rừng. Từ đó con hổ có những vệt cháy sém loang lổ trên da nó.
Cả ba đoạn đều nói về con người, quan hệ con người với giới tự nhiên. Tìm hiểu ý nghĩa của mỗi đoạn, chú ý cả nghĩa vốn có của đoạn lẫn ý nghĩa mà người đọc có thể suy ra. Chọn chủ đề, đặt nhan đề thích hợp, viết bài làm văn nghị luận không quá 800 chữ.
Đối với đề văn này học sinh có thể tranh luận với các nhà tư tưởng cổ đại. Con người đúng là đứng giữa thiên thân và ác quỷ. Có kẻ muốn là thiên thần, bóp nghẹt cuộc sống tự nhiên của mình, có kẻ là ác quỷ, buông thả cho các dục vọng thú tính. Nhưng con người không phải thiên thần cũng không phải ác quỷ, nó có phần lí tính và có phần tự nhiên, nó phải sống hài hoà giữa hai mặt đó; con người thường quá tự hào về mình, xem loàì vật đều ngu dốt, mà không mấy khi thấy được nhược điểm của mình, con người dùng trí khôn để đối xử bất công với các loài vật, và ngày nay chính con người đó đang phá hoại môi trường sống tự nhiên, phá rừng. Trí khôn con người có loại khôn ngoan, hiểu biết, có loại chỉ là khôn tham, chỉ biết cái lợi trước mắt, không biết lợi ích lâu dài, toàn cục. Học sinh có thể chọn các chủ đề sau: Con người hãy nhìn lại mình, vượt lên ác quỷ, con người không phải thiên thần, trí khôn con người…
3. Đề cho học sinh điền chỗ trống. Ví dụ:
a) Em yêu….
b) Em ước mong…..
c) Em biết ơn…..
Đối với các loại đề này học sinh suy nghĩ điền vào chỗ trống một từ hay cụm từ thể hiện niềm mong ước hay gọi tên người hay tổ chức, cơ quan mà em biết ơn. Như thế học sinh có một khoảng rộng để tự chọn. Chẳng hạn em ước mong được làm người có ích, em ước mong được vào đại học, em ước mong đất nước mạnh giàu, em ước mong được khoẻ mạnh (nếu là một học sinh chẳng may bị bệnh hiểm nghèo, bị bênh tim bẩm sinh). Hoặc em biết ơn cha mẹ, em biết ơn nhà trường, em biết ơn bác sĩ…Đối với đề c học sinh có thể viết em yêu quê hương, em yêu cây xanh, em yêu lá cờ Tổ Quốc…Kiểu bài làm văn có thể là tự sự có thể là biểu cảm, có thể là nghị luận, tuỳ theo cách hiểu vấn đề và cách giải quyết vấn đề của học sinh.
4. Đề mở cho HS lựa chọn kết quả đọc hiểu
Loại đề này vừa mở, vừa có tính chất trắc nghiệm. Ví dụ, GV cho một đoạn văn, sau đó nêu ra 3 cách hiểu về chủ đề đoạn văn để học sinh chọn lấy cách hiểu mà em cho là phù hợp nhất. Đối với đề này cần lưu ý tính đa nghĩa của văn bản văn học, trong 3 cách nêu chủ đề, cách nêu đúng và sai phải rõ ràng. Có thể có 2 cách hiểu trong đó đều phù hợp, đứng ở 2 góc nhìn khác nhau. Đây là loại đề khó, sẽ bàn thêm vào dịp khác.
Đề mở có tác dụng cho học sinh được tự mình chủ động lựa chọn, gây hứng thú, phát huy sở trường và cá tính của học sinh, nhưng không có nghĩa là loại đề hạn định không còn ý nghĩa nửa. Trong nhiều trường hợp loại đề đó có tác dụng luyện tập thao tác làm việc cho học sinh trong kiểu bài cụ thể. Đề mở có ý nghĩa và tác dụng trong các kì thi cuối năm, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi đại học. Loại đề này có tác dụng thử tài tư duy sáng tạo, phân hóa khả năng ứng phó linh hoạt của học sinh.
Để học sinh làm được bài văn theo đề mở người giáo viên phải nghiên cứu, tập ra đề, trao đổi tập thể, thử các khả năng thực hiện đề mở, có biện pháp dạy học sinh làm quen, làm thử thì học sinh mới làm được. Đề mở đòi hỏi học sinh ngay trong khâu tìm hiểu đề đã phải tư duy nhiều, phải đọc hiểu đề, tìm ra các ý nghĩa ẩn chìm trong các đề tài và tài liệu mới có khả năng đề ra chủ đề và đặt nhan đề cho bài làm văn. Đặt nhan đề có nghĩa là xác định chủ đề cho mình và tự viết bài để thể hiện chủ đề ấy. Đề mở không phải là loại đề dễ làm hơn so với đề hạn định, mà phần nào còn khó hơn, vì bản thân sự lựa chọn là khó hơn việc học sinh không cần lựa chọn gì cả, cứ làm theo lệnh, chỉ đâu đánh đó. Đối với các học sinh quen học thụ động thì khi tự mình phải lựa chọn là đã cảm thấy khó. Cho nên đề mở đòi hỏi học sinh vượt qua tính thụ động của mình trong làm văn, và khi đã quen thì học sinh sẽ trở nên một con người khác, luôn luôn chủ động.
Một số đề kiểm tra Ngữ văn theo hướng mở, phát huy tính sáng tạo của học sinh:
1. Cảm nhận về tình yêu quê hương đất nước qua một số tác phẩm(…) đã học?
2. Nguồn cội của Y Phương trong bài thơ “Nói với con”
3. Những nghịch lý- triết lý trong truyện ngắn “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu?
4. Sang thu- “khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng, bâng khuâng mà cũng thầm thì triết lý”?
5. “Xe vẫn tiến vì miền nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”.
(Tiểu đội xe không kính)
Anh/chị hiểu như thế nào về lời gửi gắm chân thành của nhà thơ Phạm Tiến Duật tới cuộc sống ?
6. Từ khát vọng sống đẹp của nhà thơ Thanh Hải trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, anh chị có suy nghĩ gì về khát vọng sống của bản thân?
7. Ý nghĩa của cuộc đối thoại giữa hồn và xác trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt?
8. Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh đôi bàn tay rực lửa của Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành?
9. Chứng kiến cuộc sống của bé Phác trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu, anh/chị có suy nghĩ gì?
10. Những nhân vật trong truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân gợi cho anh/chị những cảm nhận gì về con người Việt Nam?
(Tài liệu sưu tầm )