PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể một ngày nào đó hóa ra kẻ thù chống lại chúng ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi cũng có thể sẽ là một lũ vô ơn.
Những người gần gũi, thân thiết nhất mà người ta gửi gắm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có được rồi sẽ mất đi, thậm chí còn luôn mất đi đúng vào lúc ta cần nó nhất.
Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động dại dột. Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt, có thể sẽ là những kẻ ném đá vào ta khi ta sa cơ lỡ vận. Duy có một người bạn không vụ lợi mà con người có thể có trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ vô ơn hay tráo trở, đó là chú chó của ta.
Nó luôn ở bên cạnh ta trong những lúc phú quý cũng như bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau ốm. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh dù gió đông giá rét hay bão tuyết vùi lấp, miễn sao được cận kề bên chủ. Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn cho nó.
Nó liếm vết thương của ta và những vết trầy xước mà ta phải hứng chịu khi va chạm với cuộc đời bạo tàn này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng, dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân tàn danh liệt thì vẫn còn chú chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời. Nếu chẳng may số phận hắt ta ngoài rìa xã hội, không bạn bè, không nơi ở thì chú chó trunng thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó được bảo vệ ta trước nguy hiểm, giúp ta chống lại kẻ thù…
Và khi trò đời hạ màn, thần chết đến rước phần hồn ta đi, để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy, lúc tất cả thân bằng gia quyến đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ, vẫn còn bên nấm mồ của ta chú chó cao thượng nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở to cảnh giác, trung thành và trung thực ngay cả khi ta đã đi vào cõi hư vô!
(George Graham Vest, nguồn: https://vtc.vn/). Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Chỉ ra hai phương thức biểu đạt nổi bật được sử dụng trong văn bản? (0,5 điểm)
Câu 2. Văn bản trên có thể được chia làm mấy phần? Nêu nội dung chính của từng phần (0,5 điểm)
Câu 3. Mục đích của tác giả khi viết văn bản trên là gì? (1,0 điểm)
Câu 4. Phân tích ngắn gọn sức thuyết phục trong lập luận của tác giả? (0,5 điểm)
Câu 5. Từ nội dung văn bản, anh/ chị rút ra được bài học gì cho bản thân mình? (1,0 điểm) II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về tác hại của thói phản bội.
Câu 2. (4,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích hình tượng nhân vật Dung trong văn bản sau:
(Tóm lược một đoạn: Dung sinh ra trong một gia đình trước kia danh giá nhưng giờ sa sút, nghèo khổ. Vì đã đông con, nên khi Dung ra đời, cả bố mẹ đều đối với nàng rất lãnh đạm, thờ ơ. Dung lớn lên trong sự hờ hững, lạnh nhạt ấy của gia đình. Rồi Dung bị mẹ gả bán cho nhà người ta để lấy mấy trăm đồng bạc).
Về đến nhà chồng, Dung mới biết chồng là một anh học trò lớp nhì, vừa lẫn thẩn vừa ngu đần. Nàng đã bé mà chồng nàng lại còn bé choắt hơn. Nhưng bà mẹ chồng với các em chồng nàng thì to lớn ác nghiệt lắm.
Qua ngày nhị hỉ, Dung đã tháo bỏ đôi vòng trả mẹ chồng, ăn mặc nâu sồng như khi còn ở nhà, rồi theo các em chồng ra đồng làm ruộng. Nhà chồng nàng giàu, nhưng bà mẹ chồng rất keo kiệt, không chịu nuôi người làm mà bắt con dâu làm.
Khốn nạn cho Dung từ bé đến nay không phải làm công việc gì nặng nhọc, bây giờ phải tát nước, nhổ cỏ, làm lụng đầu tắt mặt tối suốt ngày. Đã thế lại không có người an ủi. Chồng nàng thì cả ngày thả diều, chả biết cái gì mà cũng không dám cãi lại bà cụ. Còn hai em chồng nàng thì ghê gớm lắm, thi nhau làm cho nàng bị mắng thêm.
Những lúc Dung cực nhọc quá, ngồi khóc thì bà mẹ chồng lại đay nghiến:
– Làm đi chứ, đừng ngồi đấy mà sụt sịt đi cô. Nhà tôi không có người ăn chơi, không có người cả ngày ôm lấy chồng đâu.
Rồi bà kể thêm:
– Bây giờ là người nhà tao rồi thì phải làm. Mấy trăm bạc dẫn cưới, chứ tao có lấy không đâu. Dung chỉ khóc, không dám nói gì. Nàng đã viết ba bốn lá thư về kể nỗi khổ sở của nàng, nhưng
không thấy cha mẹ ở nhà trả lời.
Một hôm tình cờ cả nhà đi vắng, Dung vội ăn cắp mấy đồng bạc trinh lẻn ra ga lấy vé tàu về quê. Đến nơi, mẹ nàng ngạc nhiên hỏi:
– Kìa, con về bao giờ thế? Đi có một mình thôi à?
Dung sợ hãi không dám nói rằng trốn về, phải tìm cớ nói dối. Nhưng đến chiều tối, nàng lo sợ quá, biết rằng thế nào ngày mai mẹ chồng nàng cũng xuống tìm. Nàng đánh bạo kể hết sự tình đầu cho cha mẹ nghe, những nỗi hành hạ nàng phải chịu, và xin cho phép nàng ở lại nhà.
Cha nàng hút một điếu thuốc trong cái ống điếu khảm bạc, rồi trầm ngâm như nghĩ ngợi. Còn mẹ nàng thì đùng đùng nổi giận mắng lấy mắng để:
– Lấy chồng mà còn đòi ở nhà. Sao cô ngu thế. Cô phải biết cô làm ăn thế đã thấm vào đâu mà phải kể. Ngày trước tôi về nhà này còn khó nhọc bằng mười chứ chả được như cô bây giờ đâu, cô ạ.
Sớm mai, bà mẹ chồng Dung xuống. Vừa thấy thông gia, bà đã nói mát:
– Nhà tôi không có phúc nuôi nổi dâu ấy. Thôi thì con bà lại xin trả bà chứ không dám giữ. Mẹ Dung cãi lại:
– Ô hay, sao bà ăn nói lạ. Bây giờ nó đã là dâu con bà, tôi không biết đến. Mặc bà muốn xử thế nào thì xử. Chỉ biết nó không phải là con tôi nữa mà thôi.
Bà nọ nhường bà kia, rút cục Dung được lệnh của mẹ phải sửa soạn để đi với mẹ chồng.
Bị khổ quá, nàng không khóc được nữa. Nàng không còn hy vọng gì ở nhà cha mẹ nữa. Nghĩ đến những lời đay nghiến, những nỗi hành hạ nàng phải sẽ chịu, Dung thấy lạnh người đi như bị sốt. Nàng hoa mắt lên, đầu óc rối bời, Dung ước ao cái chết như một sự thoát nợ.
Nàng không nhớ rõ gì. Ra đến sông lúc nào nàng cũng không biết. Như trong một giấc mơ, Dung lờ mờ thấy cái thành cầu, thấy giòng nước chảy. Trí nàng sắc lại khi ước lạnh đập vào mặt,
nàng uất ức lịm đi, thấy máu đỏ trào lên, rồi một cái màng đen tối kéo đến che lấp cả.
Bỗng nàng mơ màng nghe thấy tiếng nhiều người, tiếng gọi tên nàng, một làn nước nóng đi vào cổ. Dung ú ớ cựa mình muốn trả lời.
– Tỉnh rồi, tỉnh rồi, không lo sợ gì nữa. Bây giờ chỉ đắp chăn cho ấm rồi sắc nước gừng đặc cho uống là khỏi.
Dung dần dần nhớ lại. Khi nàng mở mắt nhìn, thấy mình nằm trong buồng, người u già cầm cây đèn con đứng đầu giường nhìn nàng mỉm cười một cách buồn rầu:
– Cô đã tỉnh hẳn chưa? Dung gật:
– Tỉnh rồi.
Một lát, nàng lại hỏi:
– Tôi làm sao thế nhỉ… Bà cả đâu u? Bà ấy về chưa? U già để tay lên trán Dung, không trả lời câu hỏi:
– Cô hãy còn mệt. Ngủ đi.
Hai hôm sau, Dung mạnh khỏe hẳn. Bà mẹ chồng vẫn chờ nàng, hỏi có vẻ gay gắt thêm:
– Cô định tự tử để gieo cái tiếng xấu cho tôi à? Nhưng đời nào, trời có mắt chứ đã dễ mà chết được.
Thế bây giờ cô định thế nào? Định ở hay định về? Dung buồn bã trả lời:
– Con xin về.
Khi theo bà ra ga, Dung thấy người hai bên đường nhìn nàng bàn tán thì thào. Nàng biết người ta tò mò chú ý đến nàng.
Trông thấy dòng sông chảy xa xa, Dung ngậm ngùi nghĩ đến cái chết của mình. Lần này về nhà chồng, nàng mới hẳn là chết đuối, chết không còn mong có ai cứu vớt nàng được nữa.
Dung thấy một cảm giác chán nản và lạnh lẽo. Khi bà cả lần ruột tương gọi nàng lại đưa tiền lấy vé, Dung phải vội quay mặt đi để giấu mấy giọt nước mắt.
(Hai lần chết, Thạch Lam30, in trong tập Gió đầu mùa, Nxb Đời nay, Hà Nội, 1937)
30 Thạch Lam (1910-1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Lân, là một người đôn hậu và rất đỗi tinh tế, ông có quan điểm văn chương lành mạnh tiến bộ và có biệt tài về truyện ngắn. Truyện ngắn của Thạch Lam thường có sự hòa quyện giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn trữ tình. Cho nên truyện ngắn của ông thường không có cốt truyện đặc biệt, mỗi truyện ngắn giống như một bài thơ trữ tình đượm buồn.
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 4,0 | |
1 | Hai phương thức biểu đạt nổi bật được sử dụng trong đoạn trích là: nghị
luận và biểu cảm. |
0,5 | |
2 | Văn bản trên có thể được chia làm hai phần:
– Phần 1 (từ đầu đến đó là chú chó của ta): Nói về sự khôn lường của long người, sự phù du của tiền bạc và danh tiếng. – Phần 2 (còn lại): nói về sự trung thành, thủy chung của chú chó mà ta nuôi. |
0,5 | |
3 | Mục đích của tác giả khi viết văn bản trên là:
– Ngầm phê phán những con người vô ơn, bội bạc. – Cho thấy sự vô nghĩa của danh vọng, tiền tài. – Từ đó làm nổi bật lòng trung thành, chung thủy của chú chó mà ta nuôi. |
1,0 | |
4 | Để tạo ra sức thuyết phục, tác giả đã dùng lối lập luận tương phản:
– Ở luận điểm thứ nhất, tác giả đã đưa ra hàng loạt các dẫn chứng để cho thấy rằng: lòng người là dễ thay đổi, những người thân yêu, gần gũi với ta nhất, những người mà ta hết lòng thương yêu có thể một ngày nào đó sẽ rời xa, sẽ vô ơn, bội bạc, thậm chí trở thành kẻ thù của ta. Những tiền tài, danh vọng mà ta đã lao tâm khổ tứ để có được có thể sẽ biến mất đi trong chốc lát. |
1,0 |
– Đối lập với những cái dễ thay đổi, dễ mất đi ấy, chính là tình cảm mà những chú chó dành cho con người, đó là một thứ tình cảm lâu bền, thủy chung như nhất, trước sau không hề thay đổi. Để tạo cơ sở cho luận điểm này, tác giả đã đưa ra một loạt các dẫn chứng, các dẫn chứng này đều tương phản với các dẫn chứng ở luận điểm thứ nhất, có nghĩa là, những điều mà con người có thể không tìm thấy ở con người, ở công danh, tiền bạc, thì con người có thể tìm thấy nó ở một con chó trung thành: nó luôn bên cạnh ta, yêu thương ta bất chấp mọi hoàn cảnh, bất chấp địa vị sang
hèn, cuộc sống giàu sang hay nghèo khó. Kể cả khi ta đã ra đi, mọi người đã quên lãng ta, thì chú chó vẫn luôn nhớ về ta. |
|||
5 | Học sinh được tự do rút ra bài học, miễn là hợp lí và liên quan đến nội dung đoạn trích. Tham khảo:
Cần biết sống yêu thương người khác, cho dù họ có ở vào hoàn cảnh nào, địa vị nào. |
1,0 | |
II | VIẾT | 6,0 | |
1 | Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về tác hại của thói phản bội. | 2,0 | |
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Suy nghĩ về tác hại của thói phản bội. |
0,25 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
Sau đây là một số gợi ý: – Phản bội là việc một người có những suy nghĩ và hành động đi ngược lại với tình cảm và lòng tin tưởng mà người khác đã dành cho mình. – Phản bội khiến cho người bị phản bội tổn thương sâu sắc, gây đổ vỡ các mối quan hệ. – Kẻ có lòng phản bội sẽ khiến cho người khác mất tin tưởng, ghét bỏ, coi thường, thậm chí nuôi lòng thù hận. – Kẻ phản bội sẽ không có được một đời sống tâm hồn thanh thản. |
0,5 | ||
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
0,5 | ||
đ. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,25 | ||
2 | Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích hình tượng nhân vật Dung trong truyện ngắn “Hai lần chết”. | 4,0 | |
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài:
Nghị luận văn học. |
0,25 | ||
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Phân tích hình tượng nhân vật Dung trong truyện ngắn “Hai lần chết”. |
0,5 | ||
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết | 1,0 |
– Xác định được các ý chính của bài viết
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: 1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề nghị luận: – Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Thạch Lam (1910-1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Lân, là một người đôn hậu và rất đỗi tinh tế, ông có quan điểm văn chương lành mạnh tiến bộ và có biệt tài về truyện ngắn. Truyện ngắn của Thạch Lam thường có sự hòa quyện giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn trữ tình. Cho nên truyện ngắn của ông thường không có cốt truyện đặc biệt, mỗi truyện ngắn giống như một bài thơ trữ tình đượm buồn. Truyện ngắn “Hai lần chết” được in trong tập “Gió đầu mùa”, là một trong những truyện ngắn đặc sắc của ông. – Nêu vấn đề nghị luận: Phân tích hình tượng nhân vật Dung. 2. Triển khai vấn đề nghị luận: 2.1. Phân tích nhân vật Dung: – Dung là một cô gái có tuổi thơ bất hạnh. Sinh ra trong lúc gia đình đã đông con, lại nghèo túng, Dung bị mọi người hờ hững, lạnh nhạt. – Lớn lên, số phận của Dung lại càng bi đát: + Dung bị mẹ ép gả cho người ta để lấy mấy trăm đồng bạc hồi môn. Đây thực sự là một cuộc bán con chứ không phải cưới hỏi. + Cuộc sống ở nhà chồng thật ngột ngạt: chồng thì còn trẻ con, chỉ mải vui chơi; mẹ chồng ác nghiệt, các em chồng đều ghê gớm; Dung phải làm lụng đầu tắt mặt tối hơn cả một đứa ở. + Vì không chịu nổi cảnh sống đó, Dung đã bỏ về nhà mẹ đẻ, nhưng mẹ đẻ không dung chứa. Cùng đường, Dung đã nhảy xuống sông tự vẫn nhưng lại được cứu sống. + Cuối cùng, không còn cách nào khác, Dung đành phải quay trở lại nhà mẹ chồng, chốn địa ngục trần gian. Đây mới thực sự là cái chết của cuộc đời Dung, chết khi còn sống. 2.2. Tư tưởng nhà văn gửi gắm qua nhân vật: – Đồng cảm xót thương đối với những người phụ nữ có số phận bất hạnh, nhất là người phụ nữ trong xã hội cũ. – Phê phán lối hôn nhân ép buộc. – Phê phán những kẻ sống vô cảm, tàn nhẫn, ác độc. 3. Đánh giá khái quát vấn đề ở đề bài. |
|||
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
1,5 | ||
đ. Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn
bản. |
0,25 | ||
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,5 |