Đề minh hoạ môn văn theo cấu trúc thi tốt nghiệp 2025, đề số 106

ĐỀ THAM KHẢO THEO CẤU TRÚC CỦA BỘ GD&ĐT

 PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc bài thơ và chú thích kèm theo, sau đó thực hiện các yêu cầu ở dưới:

Thuật hứng bài 24

“Công danh đã được hợp về nhàn,
Lành dữ âu chi thế nghị khen.
Ao cạn vớt bèo cấy muống,
Đìa thanh phát cỏ ương sen.
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,
Thuyền chở yên hà nặng vạy then.
Bui có một lòng trung lẫn hiếu,
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen”

(Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập, trích trong: Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, 1976)

Chú thích:

– Thuật hứng: Bày tỏ cảm hứng.

Hợp: Tiếng cổ, nghĩa là “nên”.

Âu: Lo

Thế: Đời, thế gian.

Nghị: Bàn bạc.

Đìa: Chỗ trũng nhỏ ở giữa đồng, có bờ để giữ nước và cá.

Thu: Cất, chứa.

Đầy qua nóc: Tràn lân qua nóc.

Yên hà: Khói ráng.

Vạy then: Chở nặng quá làm cho then đầy cong đi, oằn xuống.

– Câu thơ cuối: Có gốc trong sách Luận ngữ: “Ma nhi bất lận, miết nhi bất tru” – mài mà không mòn, nhuộm mà không đen.

 

 

Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ trên.

Câu 2. Liệt kê 02 từ Hán Việt trong câu thơ sau:

Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,
Thuyền chở yên hà nặng vạy then.
Câu 3. Khái quát nội dung bài thơ.

Câu 4. Chỉ ra vẻ đẹp tâm hồn của tác giả ở câu 5,6 của bài thơ.

Câu 5: Đọc bài thơ, có người cảm nhận: “Nguyễn Trãi nhàn thân nhưng chẳng nhàn tâm”. Bạn có đồng tình với ý kiến đó hay không? Vì sao?

 PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ những đặc điểm trong tư tưởng của nhà văn thể hiện qua đoạn trích sau:

Đứa con chết, mà dì thì tê liệt. Mỗi ngày ngồi là một ngày không có hai hào. Người chồng muốn đó là cái lỗi của người vợ vô phúc ấy.
Nhưng mới đầu hắn chỉ nghĩ thế thôi. Là vì nhờ ít tiền dành dụm, người ta vẫn có thể đủ cả cơm lẫn rượu. Nhưng rồi rượu phải bớt đi. Đến cả cơm cũng thế. Đến lúc ấy thì hắn không nhịn được nữa. Hắn chửi bâng quơ. Hắn chửi những nhà giàu, hắn chửi số kiếp hắn, và sau cùng thì chửi vợ. Ô! Hắn chửi nhiều lắm lắm, một bữa đói rượu rồi tình cờ có một bữa rượu say. Dì Hảo chẳng nói năng gì.
               Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc. Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt. Nhưng đã vội phí nước mắt làm gì nhiều đến thế. Vì dì còn phải khóc hơn thế nhiều, khi hắn chán chửi, bỏ nhà mà đi, bỏ dì bơ vơ, đau ốm, để tìm cơm rượu. Trách làm gì hắn, cái con người bắt buộc phải tàn nhẫn ấy? Hắn phải ăn, phải uống, phải vui thú, đó là đời của hắn. Dì Hảo què liệt không còn những cái ấy để mà cho. Không, dì có trách chi con người tàn nhẫn ấy. Cũng như dì đã không trách bà tôi đã làm ngơ không cấp đỡ cho dì. Bà tôi có còn giàu như trước nữa đâu? Người đã già, đã ốm yếu, và khổ cực thay! Đã nghèo như lúc còn hăm hai. Cái cơ nghiệp người gây dựng thầy tôi buôn bán thua lỗ, chúng tôi học hành tổn phí nhiều, đã tan tác đi theo gió bốn phương. Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở.

(Trích Dì Hảo –Tuyển tập truyện ngắn Đôi mắt, Nam Cao, NXB VH, 2017, tr. 208)​

Câu 2 (4,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn về vai trò của lao động với con người.

ĐÁP ÁN

Phần Câu Nội dung Điểm
I 1 Thể thơ: Thất ngôn xen lục ngôn. 0,5
2 Từ Hán Việt trong hai câu thơ: phong nguyệt, yên hà. 0,5
3 Nội dung bài thơ: thể hiện cảm xúc thư thái, thanh nhàn, giao hoà với thiên nhiên thanh sơ mà phong phú, đẹp đẽ, nhưng đồng thời cũng chứa chan nỗi niềm ưu ái của tác giả với đất nước qua lời khẳng định về lòng trung hiếu sắt son. 1,0
4 Vẻ đẹp tâm hồn của tác giả ở câu 5,6 của bài thơ:

– Vẻ đẹp tâm hồn tinh tế.

– Yêu thiên nhiên tha thiết.

– Giao hoà cùng thiên nhiên.

1,0
5 Đồng tình và lí giải thuyết phục qua hai phương diện thể hiện ở hình ảnh và cảm xúc trong bài thơ:

– Tâm trạng thư thái, thanh nhàn trước cuộc sống giản dị thôn quê, giao hoà với thiên nhiên.

– Nỗi niềm ưu ái với đất nước qua lời khẳng định về lòng trung hiếu sắt son.

1,0
II 1             Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ những đặc điểm trong tư tưởng của nhà văn thể hiện qua đoạn trích Dì Hảo (Nam Cao)  
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng của đoạn văn (khoảng 200 chữ). Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: đặc điểm trong tư tưởng của nhà văn thể hiện qua văn bản đoạn trích Dì Hảo (Nam Cao).

0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận. Sau đây là một số gợi ý:

– Nhà văn cảm thông sâu sắc, thương xót với những bất hạnh của người phụ nữ, người nông dân như dì Hảo.

– Nhà văn lên án, tố cáo xã hội vô nhân tính với kẻ tàn nhẫn, với những hủ tục đã gây nên nỗi khổ cho người phụ nữ, người nông dân.

– Trân trọng khát vọng hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn của con người trong cảnh khốn cùng.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: tư tưởng của nhà văn thể hiện qua đoạn trích.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
2 Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn về vai trò của lao động với con người.  
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Vai trò của lao động đối với con người. 0,5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bài viết.

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận.

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề

* Triển khai vấn đề nghị luận

– Giải thích vấn đề nghị luận.

Lao động : hoạt động khó nhọc có ý thức của con người, nhằm tạo ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu con người

– Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo gợi ý sau:

Lao động có vai trò quan trọng với đời sống con người:

+  Nhờ có lao động mới biến ước mơ của con người thành hiện thực: tạo ra giá trị vật chất, tinh thần; đem lại niềm vui, khơi dậy những sáng tạo; giúp con người rèn luyện nhân cách, phẩm chất, vượt qua khó khăn, hoàn thành công việc, làm chủ bản thân, thực hiện trách nhiệm, bổn phận với gia đình, đóng góp xây dựng xã hội.

+ Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, là hạnh phúc của con người.

+Cần có quan điểm lao động mới, có thái độ lao động tự giác, có kĩ thuật, có kỉ luật và đạt năng suất cao.

+ Con người không ngừng phấn đấu, rèn luyện để trở thành người lao động chân chính, có ích, để góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tốt đẹp…

– Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc có ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện…

Thái độ lười biếng lao động, ỷ lại, không sáng tạo,…

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.

1,0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,5
đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *