Đề đọc hiểu, viết đoạn văn 200 chữ về Phở, Tùy bút Nguyễn Tuân

  1. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Quanh hồ khu Ô-ta-ni-ê-mi [Xứ Phần Lan], chúng tôi ngồi dưới rừng thông xanh phân tích với nhau xem tại sao lòng dạ mấy người đang thấy nhớ thương một cái gì xa xôi lắm. Từ hôm xách va ly ra tàu qua nước này nước khác, thế là mấy tháng rồi; ở nhà đã hoàn thành tiếp quản Hải Phòng rồi, đất đai miền Bắc giải phóng toàn bộ rồi… Nhưng mà chúng tôi đã kéo cuộc nhân đàm xoáy vào chuyện ẩm thực và muốn giúp đỡ nhau tìm hiểu vì đâu mà lâu nay ăn uống kém ngon. Có người bèn chỉ tay thẳng xuống nền cỏ bờ hồ Phần Lan, buông thõng một câu: “Bây giờ có ngay một gánh phở đỗ bên bờ hồ này, thì tớ đả luôn sáu bát!”. Tất cả đều reo lên. Thì ra gần đây chúng tôi héo hắt đi, vì xa đất nước, khẩu vị lạc điệu, thấy nhớ nhà nhớ nước, trong cái nhớ nhà nhớ đất nước, có cả một sự nhớ ăn phở nữa. Hình ảnh bát phở quê hương đưa ra lúc ấy giải quyết đúng vào thắc mắc chung của mấy người. Tất cả đều thi nhau đề cao những đức tính của phở dân tộc… về một miếng ăn kỳ diệu của tất cả những người Việt-nam chân chính. […] 

Phở ăn bất cứ vào giờ nào cũng đều thấy trôi cả. Sớm, trưa, chiều, tối, khuya, lúc nào cũng ăn được. Trong một ngày ăn thêm một bát phở, cũng như lúc trò chuyện ăn giọng nhau mà pha thêm một ấm trà, cùng thưởng thức với bạn bè. Hình như không ai nỡ từ chối một người quen rủ đi ăn phở. Phở giúp cho người thanh bạch đủ điều kiện biểu hiện lòng thành theo với bầu bạn nó hợp với cái túi nhỏ của mình. Phở còn tài tình ở cái chỗ là mùa nào ăn cũng thấy có nghĩa thâm thúy. Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại. Trong một ngày mùa đông của người nghèo, bát phở có giá trị như một tấm áo kép mặc thêm lên người. Đêm đông, có người ăn phở xong, tự coi như vừa nuốt được cả một cái chăn bông và tin rằng có thể ngủ yên đến sáng, để mai đi làm khoẻ. Dùng những hình ảnh bình dị để nói lên mùa đông ở Việt-nam, tôi cho không gì nên thơ bằng cái hình ảnh một bếp lửa hàng phở bến ô tô nhiều hành khách quây quanh chờ đợi bát mình, vai rụt xuống một tí, người nhún nhẩy như trẻ em đang thú đời. Tết, nhà ai cũng bánh chưng, cá kho, thịt đông, nhưng vẫn rất đông người tình cờ mừng tuổi nhau ở những hiệu phở khai trương từ mùng hai Tết. […]

Hương vị phở vẫn như xa xưa, nhưng cái tâm hồn người ăn phở ngày nay, đã sáng sủa và lành mạnh hơn nhiều… Ngày trước, anh hàng phở có tiếng rao, có người rao nghe quạnh hiu như tiếng bánh dày giò đêm đông tội lỗi trong ngõ khuất; có người rao lên nghe vui rền. Tại sao, bây giờ Hà nội vẫn có phở, mà tiếng rao lại vắng hẳn đi? Có những lúc, tôi muốn thu thanh vào đĩa, tất cả những cái tiếng rao hàng quà rong, của tất cả những thứ quà miếng chín trên toàn cõi quê hương chúng ta. Những tiếng rao ấy, một phần nào vang hưởng lên cái nhạc điệu sinh hoạt chung của chúng ta đấy. […]…Trong một giọt nước rơi lóng lánh có cả câu chuyện của vầng thái dương; trong một miếng ăn, cũng thấy rộng được ra những điều cao cả yên vui trên đất nước bao la giàu có tươi đẹp… […]

(Trích Phở, Tùy bút Nguyễn Tuân, 1957. In lại trong Cảnh sắc và hương vị đất nước, NXB Tác phẩm mới – 1988)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt có trong văn bản.

Câu 2 (0,5 điểm). Điều khiến nhân vật tôi và những người bạn khi ở xứ Phần Lan xa xôi nhớ đến là gì?

Câu 3 (1,0 điểm). Phân tích tác dụng của sự kết hợp yếu tố tự sự và trữ tình trong văn bản.

Câu 4 (1,0 điểm). Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ có trong đoạn văn sau: Phở ăn vào bất cứ giờ nào cũng đều thấy trôi cả. Sớm, trưa, chiều, tối, khuya, lúc nào cũng ăn được. Trong một ngày ăn thêm một bát phở, cũng như lúc trò chuyện ăn giọng nhau mà pha thêm một ấm trà, cùng thưởng thức với bạn bè.

Câu 5 (1,0 điểm). Trong văn bản, thông điệp nào có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao?

  1. VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày cảm nhận của anh/chị về giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản phần Đọc hiểu.

  ĐỌC HIỂU 4,0
1  Phương thức biểu đạt: Thuyết minh; Tự sự; Miêu tả; Biểu cảm.

* Hướng dẫn chấm:

+ HS trả lời đúng đáp án: 0,5 điểm

+ HS trả lời 02/04 phương thức vẫn cho điểm tối đa.

0,5
2 Điều khiến cho nhân vật tôi và những người bạn khi ở xứ Phần Lan xa xôi nhớ đến đó là: Nhớ thương một cái gì xa xôi lắm; Nhớ nhà nhớ nước/ nhớ nhà nhớ đất nước; Nhớ ăn phở nữa.

* Hướng dẫn chấm:  

+ HS trả lời đúng đáp án: 0,5 điểm.

+ HS trả lời 02 ý “Nhớ nhà nhớ nước/nhớ nhà nhớ đất nước; Nhớ ăn phở nữa” vẫn cho điểm tối đa.

0,5
3 – Văn bản có sự kết hợp yếu tố tự sự và trữ tình, điều đó được thể hiện trong các câu văn, như là (0,25 điểm):

+ Câu văn chứa yếu tố tự sự: Từ hôm xách va ly ra tàu qua nước này nước khác, thế là mấy tháng rồi; ở nhà đã hoàn thành tiếp quản Hải Phòng rồi, đất đai miền Bắc giải phóng toàn bộ rồi…

+ Câu văn chứa yếu tố trữ tình: Ngày trước, anh hàng phở có tiếng rao, có người rao nghe quạnh hiu như tiếng bánh dày giò đêm đông tội lỗi trong ngõ khuất; có người rao lên nghe vui rền.

– Tác dụng của sự kết hợp hai yếu tố đó:

+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt, tạo sự sinh động hấp dẫn và thuyết phục người đọc; (0,25 điểm)

+ Thể hiện rõ nét đặc trưng của thể loại kí, từ đó khẳng định rõ nét phong cách nghệ thuật của tác giả Nguyễn Tuân; (0,25 điểm)

+ Khắc họa chân thực những nét đặc trưng của món phở Việt Nam và tình cảm của tác giả: Nỗi niềm thương nhớ, tình yêu, sự trân trọng tự hào về món một món ăn quen thuộc, đậm đà bản sắc dân tộc. (0,25 điểm)

* Hướng dẫn chấm:  

– HS trả lời đầy đủ, có sức thuyết phục: 1,0 điểm.

– HS trả lời từ ngữ có ý tương đương vẫn cho điểm tối đa.

– HS trả lời sai hoặc không trả lời: Không cho điểm.

1,0
4 – Phép liệt kê: Phở ăn vào bất cứ giờ nào cũng đều thấy trôi cả. Sớm, trưa, chiều, tối, khuya, lúc nào cũng ăn được. (0,25 điểm)

– Tác dụng:

+ Làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho đoạn văn. (0,25 điểm)

+ Nhấn mạnh (thể hiện cụ thể) sự linh hoạt về thời gian thích hợp để thưởng thức món phở Hà Nội/(phở Việt Nam). (0,25 điểm)

+ Bộc lộ một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, tình yêu mến, vui sướng thích thú và tự hào về món Phở của một người xa quê hương. (0,25 điểm)

* Hướng dẫn chấm:  

– HS trả lời đầy đủ, có sức thuyết phục: 1,0 điểm.

– HS trả lời từ ngữ có ý tương đương vẫn cho điểm tối đa.

– HS trả lời sai hoặc không trả lời: Không cho điểm.

1,0
5 * Hướng dẫn chấm: HS trả lời thông điệp theo nhiều cách, miễn sao diễn đạt đầy đủ, hợp lý, có sức thuyết phục. Giáo viên chấm linh hoạt.

– Sau đây là một số thông điệp gợi ý:

+ Yêu mến, ca ngợi món Phở – một món ăn chứa đựng văn hóa ẩm thực của Hà Nội/Việt Nam.

+ Tự hào, trân trọng giá trị mang bản sắc văn hóa truyền thống.

+ Biết gìn giữ, bảo vệ, phát triển và lan tỏa nét đẹp ẩm thực dân tộc.

1,0
  VIẾT 6,0
Câu 1 Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 150 chữ) cảm nhận về giá trị nội dung và nghệ thuật có trong văn bản phần đọc hiểu 2,0

 

a. Xác định được yêu cầu sau:

– Xác định đúng yêu cầu về hình thức, dung lượng (khoảng 150 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành

– Lựa chọn được các thao tác, phương thức phù hợp có lập luận, lí lẽ và minh chứng bằng câu văn cụ thể sáng tỏ giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản.

 

0.25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Xác định đúng vấn đề nghị luận: Giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản.

0.25
c. Đề xuất được hệ thống lập luận làm rõ vấn đề cần nghị luận, sau đây là một hướng gợi ý:

– Nội dung:

+ Nỗi niềm thương nhớ nhà, nhớ đất nước, nhớ hương vị món phở quê hương.

+ Những đức tính và sự kì diệu của món Phở: Linh hoạt trong cách thức, thời gian thưởng thức phở, tiếng rao của phở, sức sống món phở qua thời gian trong đời sống người dân; khẳng định vẻ đẹp ẩm thực, giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống qua món ăn quen thuộc của người Việt Nam.

– Nghệ thuật:

+ Thể loại tùy bút tự do, phóng khoáng, kết hợp linh hoạt yếu tố tự sự và trữ tình thể hiện cái tôi của tác giả.

+ Nghệ thuật miêu tả tài tình, vốn từ vựng phong phú làm hiện lên vẻ đẹp của một món ăn dân tộc.

+ Ngôn ngữ tự nhiên, chân thực, trong sáng, tinh tế mang dấu ấn cá nhân,  giàu tính hình tượng và cảm xúc.

=> Giá trị đoạn trích góp phần khẳng định phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác và tên tuổi Tùy bút số 1 Việt Nam Nguyễn Tuân.

1,0

 

 

d. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

 

0,25

e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,25

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *