Đề 1:
Vận nước như mây quấn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Chốn chốn dứt đao binh.
( Vận nước, Tr139, SGK Ngữ văn 10, Tập I, NXBGD 2006)
Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
1/ Văn bản trên có mấy ý chính? Đó là những ý nào? Văn bản sử dụng thể thơ gì?
2/ Xác định biện pháp tu từ về từ trong văn bản? Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp đó là gì?
3/ Hai tiếng vô vi trong văn bản được hiểu như thế nào?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ truyền thống yêu chuộng hoà bình của dân tộc ta.
Trả lời:
1/ Văn bản trên có hai ý chính: Đất nước trong cảnh thái bình, thịnh vượng ; vai trò người đứng đầu đất nước và truyền thống dân tộc.
Văn bản sử dụng thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt.
2/ Biện pháp tu từ so sánh: Vận nước như mây quấn
Hiệu quả nghệ thuật: gợi hình ảnh biểu tượng cho sự bền chắc của ngôi vua và vận nước.
3/ Hai tiếng vô vi trong văn bản được hiểu: Vô vi nghĩa đen là “ không làm gì”. Khái niệm vô vi được nhiều trường phái triết học, tôn giáo sử dụng. Vô vi là thuật ngữ trong sách Đạo đức kinh của Lão Tử nhằm chỉ một thái độ sống thuận theo tự nhiên, không làm điều trái tự nhiên. Trong bài thơ này, vô vi còn được hiểu theo nghĩa của Nho giáo. Chu Hi chú giải (câu này) như sau: Vô vi mà thịnh trị là vì bậc thánh nhân có đức thịnh nên cảm hóa được nhân dân, không phải làm gì hơn”.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức : đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, trôi chảy ;
-Nội dung: hiểu được truyền thống yêu chuộng hoà bình của dân tộc ta. Tuy người Việt rất quật cường trong việc bảo vệ non sông, đất nước nhưng tận sâu thẳm cõi lòng, người Việt luôn mơ ước được sống trong cảnh không có chiến tranh. Rút ra bài học nhận thức và hành động.