Đề đọc hiểu văn bản Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

Đề 1:
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:
Tháng 6 , ngày 24, sao sa.
 Hưng Đạo Vương ốm. Vua ngự tới nhà thăm, hỏi rằng:
“Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?”
Hưng Đạo Vương trả lời:
-“Ngày xưa Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.”
( Trích Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Trang 42, SGK Ngữ văn 10,Tập II, NXBGD 2006)
1/ Nêu ý chính của văn bản trên ?
2/ Xác định biện pháp tu từ( về từ) trong đoạn: Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó?
3/ Trong văn bản có nói đến binh pháp. Binh pháp là gì? Binh pháp của Hưng Đạo Vương có điểm gì đáng chú ý?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về bài học khoan thư sức dân của Hưng Đạo Vương trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
 
Trả lời:
1/ Văn bản trên có ý chính: Lời trình bày về kế sách giữ nước của Trần Quốc Tuấn với vua.
2/ Biện pháp tu từ( về từ): so sánh:
quân nó kéo đến như lửa, như gió
nó tiến chậm như các tằm ăn
-xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy
-có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được
Hiệu quả nghệ thuật: hàng loạt so sánh làm cho cách diễn đạt gợi hình ảnh cụ thể, qua đó thấy được tài năng trong cách dùng binh cũng như thấy được tầm nhìn sâu rộng của nhà quân sự Hưng Đạo Vương khi ông đề cao sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn dân sẽ chống giặc thành công.
3/ Binh pháp là hệ thống tri thức về những vấn đề lí luận quân sự nói chung và phương pháp tác chiến nói riêng.
Binh pháp của Hưng Đạo Vương có điểm đáng chú ý là chống giặc phải tuỳ thời mà tạo thế, phải vận dụng linh hoạt, không có một khuôn mẫu nào nhất định.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung:
+ Tư tưởng khoan thư sức dân của Hưng Đạo Vương là biết thương yêu dân, trọng dân và chăm lo cho dân hết mực.
+ Những biểu hiện cụ thể khoan thư sức dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay: trong lãnh đạo, Đảng ta luôn phát huy truyền thống lấy dân làm gốc của cha ông. Đó là chăm lo đời sống vật chất và văn hoá tinh thần cho nhân dân, nhất là những đồng bào nơi đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc, miền núi, hải đảo xa xôi
+ Phê phán tệ nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí, những kẻ sống trên mồ hôi nước mắt của nhân dân.
+ Bài học nhận thức và hành động: thể hiện lòng biết ơn nhân dân, đóng góp sức mình trong xây dựng và bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
 
 
Đề 2:
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:
(…)Một hôm Quốc Tuấn vờ hỏi con ông là Hưng Vũ Vương : “Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?”
Hưng Vũ Vương thưa: “Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!”
 Quốc Tuấn ngẫm cho là phải.
 Lại một hôm Trần Quốc Tuấn đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương  Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa: “Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.”
 Quốc Tuấn rút gươm kể tội:

  • “Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra”.

Định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ Vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha. Đến đây, ông dặn Hưng Vũ Vương: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng.”(…)
( Trích Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Trang 43, SGK Ngữ văn 10,Tập II, NXBGD 2006)
 
1/ Văn bản trên kể về sự việc gì?
2/ Xác định phương thức biểu đạt của văn bản ?
3/ Xác định biện pháp nghệ thuật nổi bật trong thái độ của Hưng Đạo Vương với 2 người con trai? Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp đó ?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về bài học giáo dục con cái trong cuộc sống hôm nay.
 
Trả lời:
1/ Văn bản trên kể về sự việc: Quốc Tuấn thử thách với hai người con trai Quốc Hiến và Quốc Tảng với hai câu trả lời trái ngược nhau và hai thái độ khác nhau
2/ Phương thức biểu đạt của văn bản: tự sự
3/ Biện pháp nghệ thuật nổi bật trong thái độ của Hưng Đạo Vương với 2 người con trai: biện pháp đối lập.
Hiệu quả nghệ thuật: Qua biện pháp đối lập, câu chuyện thử thách với hai người con trai Quốc Hiến và Quốc Tảng với hai câu trả lời trái ngược nhau và hai thái độ khác nhau: ngầm cho là phải (với Quốc Hiến) và định giết, kể tội, đến chết không cho gặp mặt…( với Quốc Tảng) đã càng làm rõ tính cách thận trọng, trung nghĩa và lối giáo dục con cái trong nhà một cách rất công bằng và nghiêm khắc của Hưng Đạo Vương.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung:
+ Cách giáo dục con cái của Hưng Đạo Vương vừa công bằng, vừa nghiêm khắc. Hưng Vũ Vương có cách trả lời ứng xử thấu tình đạt lí. Quốc Tảng trả lời có ý bất trung đã làm cho Hưng Đạo Vương nổi giận rút gươm định trị tội đứa con nghịch tử;
+ Ngày nay, những bậc làm cha mẹ cần học cách giáo dục con cái một cách đúng đắn. Được giáo dục tốt, con người sẽ sống lương thiện, tích cực, có trách nhiệm với xã hội, gia đình, bản thân. Không nhận được sự giáo dục tốt, con người sẽ trở nên ích kỷ, xấu xa, độc ác.
+Trong xã hội hiện nay có nhiều cha mẹ nuông chiều con cái, chăm lo về tri thức, vật chất nhưng thiếu quan tâm, uốn nắn đến tính cách cho con dẫn đến nhiều bạn trẻ sống ích kỷ, có suy nghĩ lệch lạc, sai lầm.
 
Đề 3:
Đọc đoạn vãn sau và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
Quốc Tuấn là con Yên Sinh Vương, lúc mới sinh ra, có một thầy tướng xem cho và bảo: “[Người này] ngày sau cổ thê giúp nước cứu đời”. Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ. Yên Sinh Vương trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng, mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn […]
Ông lại khéo tiến cử người tài giỏi cho đất mrớc, như Dã Tượng, Yết Kiêu là gia thần của ông, có dự công dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đô. Bọn Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự, bởi vì ông có tài mưu lược, anh hùng, lại một lòng giữ gìn trung nghĩa vậy. Xem như khi Thánh Tông vờ bảo Quốc Tuấn rằng: “Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi”. Quốc Tuấn trả lời: “[Bệ hạ] chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”. Vì thế, đời Trùng Hưng, lập nên công nghiệp hiếm có. Tiếng vang đến giặc Bắc, chủng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên. Sau khi mất rồi, các châu huyện ở Lạng Giang hễ có tai nạn bệnh dịch, nhiều người cầu đảo ông. Đến nay, mỗi khi đất nước có giặc vào cướp, đến lễ ở đền ông, hễ tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thẳng lớn.
(Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên… soạn thảo, Đại Việt sử kí toàn thư, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch, NXB Khoa Học Xã Hội)
Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt của đoạn trích.
Câu 2: Câu văn Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ có đặc điểm gì đặc biệt về cấu trúc ngữ pháp? Điều này thể hiện đặc điểm gì của phương thức biểu đạt của văn bản mà anh (chị) vừa chỉ ra ở câu trên?
Câu 3: Trần Quốc Tuấn được miêu tả trên mấy phương diện? Đó lá những phương diện nào? Đoạn trích có sử dụng chi tiết kì ảo nào?
Câu 4: Trong khoảng 5-7 dòng, trình bày suy nghĩ của anh (chị) về một bậc anh hùng trong lịch sử mà anh (chị) biết.
 
Trả lời:
 
Câu 1: Phương thức biểu đạt của đoạn trích trên là phương thức thuyết minh (về một nhân vật lịch sử), cụ thể ở đây là thuyết minh về Trần Qúốc Tuấn.
Câu 2: Câu văn là câu rút gọn (rút gọn thành phần chủ ngữ).
Thể hiện đặc điểm của văn bản thuyết minh: ngắn gọn, chủ yếu hướng đến việc cung cấp thông tin cho người đọc.
Câu 3: Trần Quốc Tuấn được miêu tả trên hai ý chính:

  • Ý 1: Trần Quốc Tuấn thời còn nhỏ với lời tiên đoán của thầy tướng và những nét khái quát nhất về tuổi thơ của ông.
  • Ý 2: Khi Trần Quốc Tuấn trưởng thành, ông được miêu tả là một con người quyết đoán, có tấm lòng yêu nước sâu sắc, đánh giặc lập công hiếm có, tiếng vang khắp nơi.

Trong đoạn trích có sử dụng yếu tố huyền bí, kì ảo là: Đến nay, mỗi khi đất nước có giặc vào cướp, đến lễ ở đền ông, hễ tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn vừa thể hiện đặc điểm của văn học cổ với niềm tin của nhân dân vào thần thánh, vừa để nâng cao vị thế của Trần Quốc Tuấn hiện lên mức thánh thần của dân tộc, nâng cao vẻ đẹp của nhân vật lịch sử.
Câu 4: Học sinh trình bày theo suy nghĩ của mình, có thể tham khảo những ý sau đây

  • Bậc anh hùng đó là ai? Diện mạo, tính’cách của nhân vật đó như thế nào?
  • Học sinh có thể kể những câu chuyện mình biết về nhân vật anh hùng đó.

Học sinh có thể trình bày theo cách khác, miễn sao đảm bảo các ý cơ bản ở trên, diễn đạt hợp lí .
 
 
 
Đề 4:
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:
Hưng Đạo Đại Vương                                                     
 
Đất nước Việt Nam giống Lạc Hồng
Đại Vương Hưng Đạo diệt quân Mông
Diên Hồng-bô lão mưu hiền sĩ
Bình Than-hội nghị chí lão nông
Tướng giặc cùng đường nên bỏ chạy
Quân binh hết lối vượt qua sông
Mừng vui chiến thắng trang hào kiệt
Đất nước anh hùng sáng biển Đông.
(Mầu Danh Nguyên)
1/ Xác định thể thơ của văn bản?
2/ Văn bản làm sống lại những sự kiện lịch sử gì của dân tộc trong thời đại nhà Trần ?
3/ Tác giả tỏ thái độ, tình cảm gì khi viết về Hưng Đạo Đaị Vương?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về vẻ đẹp hình tượng Hưng Đạo Đaị Vương qua văn bản trên.
 
Trả lời:
1/ Thể thơ của văn bản : thất ngôn bát cú Đường luật.
2/ Văn bản làm sống lại những sự kiện lịch sử của dân tộc trong thời đại nhà Trần :
     – Diên Hồng – bô lão mưu hiền sĩ
     Bình Than – hội nghị chí lão nông
             Hội nghị Diên Hồng và hội nghị Bình Than là hai hội nghị trọng đại toàn quốc mà vua Trần (theo sáng kiến của Trần Hưng Đạo) đã triệu tập tất cả các vị bô lão trong cả nước để lấy ý kiến thống nhất cao độ về tinh thần đoàn kết đánh giặc và bàn kế sách đánh giặc từ các hiền sĩ .
  -Tướng giặc cùng đường nên bỏ chạy
Quân binh hết lối vượt qua sông.
       Hai câu luận gợi lên những cảnh bại trận của giặc Nguyên cả trên cạn và dưới nước rất đúng với thực tế lịch sử. Cảnh tướng giặc cùng đường bỏ chạy nhục nhã còn được nhắc mãi trong lịch sử Việt Nam. Đó là chuyện tướng quân chỉ huy Thoát Hoan (con trai của vua Nguyên) hai lần cầm quân sang xâm lược Việt Nam hung hãn bao nhiêu thì cũng là hai lần chạy trốn nhục nhã bấy nhiêu vì phải chui vào ống đồng, sai quân lính khiêng chạy vượt rừng vượt núi mới thoát chết, về đến nhà rồi mà vẫn hồn xiêu phách lạc. Đó là cảnh giặc chạy trốn khỏi kinh thành Thăng Long bị chặt đứt cầu phao rơi đầy xuống sông Hồng, làm tắc nghẽn cả dòng sông. Đó là những chiến công oanh liệt của quân và dân ta và những tên tướng giặc cùng đường bị bắt sống.
 
 
3/ Tác giả tỏ thái độ, tình cảm khi viết về Hưng Đạo Đaị Vương:
– Thái độ ca ngợi: Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương chính là một trong những thần tượng đẹp nhất về người Anh hùng giải phóng dân tộc với chiến công hiển hách lẫy lừng thế giới khi liên tiếp lãnh đạo quân dân ta thời Trần đánh tan cả ba cuộc xâm lăng tàn bạo của đế quốc Mông- Nguyên hung hãn nhất hành tinh lúc bấy giờ.
-Lòng biết ơn và ngưỡng mộ Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;
-Nội dung:
+ Trần Hưng Đạo là vị tướng tài danh thế giới vì có công đánh tan giặc Mông- Nguyên – một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới ở thế kỉ thứ XIII. Vị tướng Anh hùng dân tộc Việt Nam Trần Hưng Đạo mãi mãi là niềm tự hào vô cùng lớn lao của nhân dân cả nước, mãi mãi là sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt Nam ta mỗi khi Tổ quốc bị lâm nguy.
+ Ngày nay, phát huy tinh thần uống nước nhớ nguồn, tuổi trẻ Việt Nam vô cùng tự hào với bạn bè thế giới, luôn nhớ đến những bậc anh hùng kiệt xuất làm vẻ vang dân tộc.
+Từ đó, bản thân rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *