Đề đọc hiểu văn bản Cánh đồng bất tận

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu

Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn.

Cha tôi tháo cái khung tre chắn dưới sàn ghe, bầy vịt lúc nhúc chen ra, cuống quýt, nháo nhào quẫy ngụp xuống mặt nước váng phèn. Một lớp phèn mới, vàng sẫm quánh lại trên bộ lông của những con vịt đói, nhớp nháp bám trên vai Điền khi nó trầm mình bơi đi cặm cọc, giăng lưới rào bầy vịt lại. Tôi bưng cái cà ràng lên bờ, nhóm củi.[…]

Cánh đồng không có tên. Nhưng với tôi và Điền, chẳng có nơi nào là vô danh, chúng tôi nhắc, chúng tôi gọi tên bằng những kỷ niệm mà chúng tôi có trên mỗi cánh đồng. Chỗ chị em tôi trồng cây, chỗ Điền bị rắn cắn, chỗ tôi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên… Và mai này khi trôi dạt đến một nơi nào khác, nhắc đến cánh đồng này với cái tên của chị, chắc chúng tôi sẽ xốn xang.

(Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận)

Câu 1: Trong đoạn trích có rất nhiều hình ảnh tái hiện những kỉ niệm. Hãy chỉ ra ý nghĩa của những kỉ niệm đó.
Câu 2: Chỉ ra màu sắc Nam Bộ có trong ngôn ngữ của đoạn trích trên.
Câu 3: Hãy chỉ ra hoạt động xuyên suốt được miêu tả trong tác phẩm.
Câu 4: Theo tác giả, những điều đơn giản nhất cũng trở thành những kỉ niệm vô cùng đáng nhớ. Anh (chị) hãy chỉ ra quan điểm đó trong đoạn trích._
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI CHI TIẾT
Câu 1. Những kỉ niệm được nhắc đến trong đoạn trích là kỉ niệm hai chị em trồng cây ,việc Điền bị rắn cắn, việc nhân vật “tôi” có kỳ kinh nguyệt đầu tiên… Mỗi kỉ niệm gắn liền với một nơi cụ thể trên cánh đồng đó, khiến nhân vật trữ tình luôn nhớ đến mảnh đất quê hương này.

Câu 2: Màu sắc Nam Bộ được thể hiện từ nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.

Về nội dung: Đoạn trích là lời tâm sự chân thành, tha thiết của một cô gái về mảnh đất nơi cô và gia đình cô sinh sống, nó ghi lại dấu ấn những kỉ niệm của tác giả. Những cảnh vật của Nam Bộ như con kênh, cái ghe, cái cà ràng,…
Về hình thức: Đoạn trích sử đụng nhiều từ ngữ của Nam Bộ như con kinh, cha tôi.
Học sinh cần chỉ ra đầy đủ những ý cơ bản như trên thì mới cho điểm tối đa. Ngoài ra có thể đưa ra những kiến giải riêng của mình, giáo viên vẫn cho điểm khuyến khích nếu kiến giải đó chính xác, hợp lí.
Câu 3: Trong đoạn trích, hoạt động được miêu tả xuyên suốt là những công việc đồng áng quen thuộc, những hoạt động này thể hiện tính chân thật, chất phác của con người Nam Bộ.
Câu 4: Học sinh trình bày theo những cảm nhận riêng của mình, về cơ bản cần đảm bảo một số ý sau:
Trong đoạn trích có nhắc đến những kỉ niệm, mỗi kỉ niệm lại gắn bó với con người bằng dấu ấn in lên một không gian quê hương quen thuộc nào đó. Đó là chỗ chị em tôi trồng cây, chỗ Điền bị rắn cắn, chỗ tôi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên… Và mai này khi trôi dạt đến một nơi nào khác, nhắc đến cánh đồng này với cái tên của chị, chắc chúng tôi sẽ xốn xang. Đối với nhân vật trữ tình, chẳng có nơi nào là vô danh, chúng tôi nhắc, chúng tôi gọi tên bằng những kỷ niệm mà chúng tôi có trên mỗi cánh đồng, tất cả đều có ý nghĩa, đều trở thành  điều mà tác giả in sâu trong lòng.

Nguyễn Thế Hưng

Xem thêm: Bộ đề đọc hiểu môn văn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *