Đề đọc hiểu tích hợp NLXH : Vì sao người mình kém ngoại ngữ

Đề: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Từ mấy mẩu chuyện có liên quan tới một cách nhìn từ phía bên ngoài… 
Mới đây thôi, một nhà văn Mỹ là S.Sontag qua đời. Tôi nhớ những năm chiến tranh, bà này có qua Hà Nội, và nghe nói nhận xét về người mình hay lắm, mà bọn tôi không được giới thiệu. Thì may quá, có hôm đọc thấy một nhà nghiên cứu văn học người Việt đang sống ở Melbourne kể rằng S. Sontag từng nhận xét người Việt Nam ít có thói quen tư duy trên một phạm vi địa lý rộng.
Đó cũng là cái ý mà một người Nhật gần đây có sống mấy năm liền ở Hà Nội nhận xét: Người Việt ít khi đặt mình vào địa vị của người khác để suy xét .
Tôi cho rằng chính những đặc tính trên đây cản trở việc học ngoại ngữ của ta hiện nay . 
Nếu như câu chuyện trên đây còn hơi có vẻ xa xôi thì có những dẫn chứng gần gũi hơn: Hồi Phan Chu Trinh mới qua Nhật, ông có được gặp cả thủ tướng Nhật Bản lúc ấy mà phiên âm qua tiếng Hán Việt gọi là Đại Ôi . Câu đầu tiên mà Đại Ôi nói với Phan Chu Trinh: Tôi nghe nói người Việt Nam đã lâu, mà nay mới gặp, hoá ra người các ông ít đi nước ngoài thật. Tiếp đó , khi biết rằng người đối thoại với mình lúc ấy chưa biết tiếng Pháp, Đại Ôi tỏ vẻ ngạc nhiên: Sao lại thế, muốn đánh đuổi gì người ta cũng phải hiểu người ta đã, không học tiếng Pháp sao được?
…tới một sự so sánh nội bộ 
Những anh em lên Sapa về thường kể, không hiểu tại sao tuy chỉ tích luỹ theo kiểu học lỏm khách du lịch mà nhiều thanh niên dân tộc H’mong trên đó nói tiếng Anh rất giỏi, trong khi nhiều người Kinh mình học có bài bản hẳn hoi mà nói vẫn rất quê. 
Nhìn kỹ vào chuyện có vẻ ngược đời đó, vẫn trên cái mạch đi tìm những ảnh hưởng của văn hoá đối với việc học ngoại ngữ, tôi muốn nêu một giả thiết:
Tuy không nói ra rành rọt, nhưng những thanh niên H’mong kia hiểu rằng ngoài cái thế giới mà họ đang sống, còn có thế giới rộng hơn, thế giới của người Kinh. Và muốn tồn tại họ phải hoà nhập với thế giới đó. Tức là ý thức về mình và kẻ khác của họ đã phát triển và nó ăn vào trong tâm thức họ, đời nọ truyền sang đời kia. Khi tiếp xúc với một thứ tiếng mới, họ có nhu cầu buộc mình cố bắt chước nói cho thật giống .
Còn ngược lại, nhiều người vùng xuôi khi tiếp xúc với người nước ngoài, tuy ở ngay các đô thị lớn, song thường thiếu nghiêm túc, không coi là chuyện thiết yếu liên quan đến cuộc sống của mình . Sự xem thường đó là cả một thứ vô thức tập thể kéo dài và bền chắc, nó lưu cữu trong ta, và tha hồ tác oai tác quái .
(Vương Trí Nhàn – Vì sao người mình kém ngoại ngữ)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản?
Câu 2:Văn bản trên sử dụng thao tác lập luận gì?
Câu 3: Tác giả đưa ra đâu là nguyên nhân vì sao người mình kém ngoại ngữ?
Câu 4:Từ đó, tác giả muốn nhắc nhờ người đọc điều gì về vai trò của ngoại ngữ trong thời đại mới.
Câu NLXH: Năm 1925, nhà báo Nguyễn An Ninh đã cho rằng: “Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức”. Còn thủ tướng Nhật Bản lại dặn dò rằng: “Muốn đánh đuổi gì người ta cũng phải hiểu người ta đã, không học tiếng Pháp sao được?”
Anh/chị có suy nghĩ gì về hai câu nói trên. Trình bày điều đó trong 1 đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ.
 
Hướng dẫn trả lời:

Đáp án Hướng dẫn làm bài
Câu 1,2:
Phương thức biểu đạt nghị luận
Thao tác lập luận so sánh
Nhận biết:
– Văn bản bàn bạc đánh giá về 1 vấn đề xã hội: nguyên nhân vì sao người mình kém ngoại ngữ, đồng thời thuyết phục người đọc về vai trò của ngoại ngữ
– Tác giả đã so sánh quan điểm sống của người Việt với quan điểm của người nước ngoài (Mỹ, Nhật) và so sánh với người dân tộc thiểu số ở Sapa.
Câu 3:
ít có thói quen tư duy trên một phạm vi địa lý rộng
ít khi đặt mình vào địa vị của người khác để suy xét .
thiếu nghiêm túc, không coi là chuyện thiết yếu liên quan đến cuộc sống của mình
 
Thông hiểu
Cách diễn đạt của văn bản theo lối quy nạp:
Sau khi liệt kê các nguyên nhân vì sao người mình kém ngoại ngữ tác giả kết luận: Tôi cho rằng chính những đặc tính trên đây cản trở việc học ngoại ngữ của ta hiện nay . 
Vì vậy cần chú ý các luận cứ đã nêu trước đó.
Câu 4:
Ngoại ngữ giúp hòa nhập với thế giới rộng lớn – là điều kiện tất yếu giúp ta tồn tại
Nên coi việc học ngoại ngữ là một việc làm thiết yếu đến bản thân giúp ta tiếp cận gần hơn tới văn minh nhân loại
 
Vận dụng
Từ việc phê phán những quan điểm chưa đúng đắn của người việt: ít có tư duy địa lý rộng không coi đó là việc thiết yếu, giúp ta hiểu được thái độ của tác giả về vai trò của ngoại ngữ
Đồng thời từ câu chuyện nhỏ của người dân tộc ở SaPa, tác giả hiểu rằng học ngoại ngữ – bắt chước người khác là cách để hòa nhập với thế giới người kinh. Qua đó ta rút ra được bài học hành động cho chính mình đối với thế giới rộng lớn.
Câu NLXH:
– Cả hai quan điểm không mâu thuẫn nhau mà bổ sung cho nhau.
– Giữ gìn tiếng mẹ đẻ cũng quan trọng như giữ gìn vận mệnh dân tộc
– Học ngoại ngữ là cách để mở rộng tầm nhìn giúp ta hiểu biết thế giới như thế nào, làm thế nào để dân tộc lớn mạnh.
– Cần kết hợp giữa việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt với việc trau dồi những ngôn ngữ mới để trở thành 1 công dân toàn cầu.
– Phê phán những việc làm pha tạp lai căng giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ ngoại lai.
Vận dụng cao:
Đoạn văn phải đảm bảo nội dung cơ bản:
Nhận thức: Đánh giá về vấn đề được đề cập (đúng/sai, ý nghĩa)
Thái độ: Phê phán hoặc ca ngợi những hành động việc làm có liên quan.
Hành động: Từ đó rút ra được bài học gì cho bản thân, cần phải làm gì để phát huy ý nghĩa của vấn đề.
,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *