Đề đọc hiểu Lầu Hoàng Hạc của Thôi Hiệu

Đề 1:
Phiên âm :
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ 
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch thơ
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

(Tản Đà dịch)
( Lầu Hoàng Hạc, Tr159-160, SGK Ngữ văn 10, Tập I, NXBGD 2006)
Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
1/ Nêu chủ đề của văn bản trên?
2/ Thời gian trong văn bản có sự chuyển hoá như thế nào ?
3/ Văn bản xuất hiện những màu sắc gì ? Nêu hiệu quả nghệ thuật những màu sắc đó.
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về tâm trạng của nhà thơ qua từ sầu ( phiên âm) cũng là từ buồn (dịch thơ).
 
Trả lời:
1/ Văn bản trên có chủ đề: Bài thơ miêu tả cảnh lầu Hoàng hạc nhưng chủ yếu bộc lộ nỗi hoài vọng xa xưa và nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ.
2/ Thời gian trong văn bản có sự chuyển hoá: từ quá khứ đến hiện tại
-Bốn câu đầu là sự tiếc nuối quá khứ với hạc vàng đã bay đi mất, với mây trắng nghìn năm ;
– Bốn câu cuối là nỗi niềm hiện tại, trước cảnh đẹp của lầu Hoàng Hạc, lòng chạnh buồn nhớ đến quê hương.
3/ Văn bản xuất hiện những màu sắc : màu vàng của hạc, màu trắng của mây, màu xanh của cỏ, màu hoàng hôn, màu khói sóng ;
Hiệu quả nghệ thuật những màu sắc đó : Bài thơ như một bức tranh nhiều màu sắc, thiên về những gam màu nhẹ, buồn, dễ gợi tình cảm thi nhân và tình cảm của người đọc, khiến cho bài thơ mang màu sắc hư ảo.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, trôi chảy ;
-Nội dung: từ sầu ( phiên âm) cũng là từ buồn (dịch thơ) được xem là nhãn tự  của bài thơ. Trước không gian bao la, bát ngát của thiên nhiên, trước thời gian với nhiều nỗi niềm của quá khứ và hiện tại ấy, con người cảm thấy vô cùng bé nhỏ, hữu hạn trước cái vô hạn của thời gian, đất trời nên tình cảm tự nhiên là chạnh lòng trước cảnh vật. Người con tha hương nên lòng buồn vì nhớ quê hương.
 
Đề 2:
Phiên âm :
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ 
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch thơ
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

(Tản Đà dịch)
( Lầu Hoàng Hạc, Tr159-160, SGK Ngữ văn 10, Tập I, NXBGD 2006)
Đọc bài thơ trên và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
1/ Bài thơ được bắt đầu từ hình ảnh gì ? Hình ảnh đó được nhắc đến mấy lần và có ý nghĩa gì đối với toàn bộ bài thơ?
2/ Xác định phép liệt kê ở 2 câu thơ 5 và 6. Các hình ảnh được liệt kê đó được nhìn từ một điểm, đó là điểm nào?
3/ Hình tượng nhân vật trữ tình ở 2 câu cuối bài thơ là ai ? Nhân vật trữ tình đó có tâm trạng gì ?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ vai trò của quê hương với đời sống con người.
 
Trả lời:
1/ Bài thơ được bắt đầu từ hình ảnh hạc vàng. Hình ảnh đó được nhắc đến hai lần và có ý nghĩa đối với toàn bộ bài thơ : gợi nỗi niềm về sự mất-còn, tiếc nuối : tất cả còn đấy mà cũng không còn đấy, tất cả đẹp đẽ nhưng rồi cũng không còn.
 
2/ Phép liệt kê ở 2 câu thơ 5 và 6 : sông nước, núi non, cây cỏ. Các hình ảnh được liệt kê đó được nhìn từ một điểm, đó là lầu Hoàng Hạc.
3/ Hình tượng nhân vật trữ tình ở 2 câu cuối bài thơ là người li khách. Nhân vật trữ tình đó có tâm trạng buồn vì nhớ thương quê hương, vì sự cô đơn trong một khung cảnh mênh mông trời đất.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, trôi chảy ;
-Nội dung: từ nỗi nhớ quê hương trong bài thơ, học sinh trình bày suy nghĩ riêng về quê hương trong đời sống của con người. Quê hương là gì ? Quê hương có vai trò gì ? Tình cảm của mỗi cá nhân với quê hương được biểu hiện như thế nào ? Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *