Đề đọc hiểu đoạn Trích Thề nguyền trong Truyện Kiều Nguyễn Du

Đề 1:
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu :
 
Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
Nhặt thưa gương giọi đầu cành,
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu .
                                         (Trích Thề nguyền, Ngữ văn 10-tập 2)
1/ Nêu nội dung chính của văn bản? Phong cách ngôn ngữ của văn bản là gì?
2/ Các từ vội, xăm xăm, băng  được bố trí như thế nào và có hàm nghĩa gì ?
3/ Không gian và thời gian của cảnh chuẩn bị Thề nguyền của Kiều và Kim Trọng được thể hiện như thế nào?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ quan niệm về tình yêu của Nguyễn Du qua văn bản.
 
Trả lời:
1/ Nội dung chính của văn bản: Thuý Kiều chủ động qua nhà Kim Trọng để thề nguyền chuyện trăm năm.
Phong cách ngôn ngữ của văn bản là phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
2/ – Các từ vội, xăm xăm, băng  xuất hiện trong hai câu lục và bát. Đặc biệt, từ “vội” xuất hiện hai lần trong văn bản ; hai từ “xăm xăm”, “băng” được đặt liền kề nhau.
– Điều đó cho thấy sự khẩn trương, gấp gáp của cuộc thề nguyền. Kiều như đang chạy đua với thời gian để bày tỏ và đón nhận tình yêu, một tình yêu mãnh liệt, tha thiết… Mặt khác, các từ này cũng dự báo sự không bền vững, sự bất bình thường của cuộc tình Kim – Kiều.
3/ Không gian và thời gian của cảnh chuẩn bị Thề nguyền của Kiều và Kim Trọng được thể hiện:

  • Thời gian: đêm khuya yên tĩnh

–    Không gian: hình ảnh ánh trăng chiếu qua vòm lá in những mảng sáng tối mờ tỏ không đều trên mặt đất: Nhặt thưa gương giọi đầu cành. Ánh đèn từ phòng học của Kim Trọng lọt ra dịu dịu, hắt hiu.
4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :
-Hình thức : đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, trôi chảy ;
-Nội dung: Qua hành động của Kiều chủ động sang nhà Kim Trọng để thề nguyền, Nguyễn Du thể hiện khá rõ quan niệm về tình yêu rất tiến bộ. Ông đã đặc tả cái không khí khẩn trương, gấp gáp, vội vã nhưng vẫn trang nghiêm, thiêng liêng của đêm thề ước. Ông trân trọng và ca ngợi tình yêu chân chính của đôi lứa. Đó là tình yêu vượt lên trên sự cương toả của lễ giáo phong kiến, của đạo đức Nho giáo theo quan niệm  Nam nữ thụ thụ bất tương thân.
 
Đề 2 : Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu :
 
(1)Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

( Trích Chị em Thuý Kiều)
(2)Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
( Trích Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều)
(3)Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
đinh ninh hai mặt một lời song song .

                 (Trích Thề nguyền, Ngữ văn 10-tập 2)
1/ Nêu nội dung chính của mỗi văn bản? Văn bản nào sử dụng nghệ thuật ước lệ?
2/ Hình tượng nào được sử dụng lặp lại ở các văn bản trên ? Nêu hiệu quả nghệ thuật của hình tượng đó ?
3/ Xác định và nêu ý nghĩa từ láy ở văn bản (3) ?
 
Trả lời:
1/ Nội dung chính của mỗi văn bản:

  • Văn bản (1) : tả vẻ đẹp của nàng Thuý Vân ;
  • Văn bản (2) : Tả cảnh sau khi nàng Kiều chia tay Thúc Sinh
  • Văn bản (3) : Tả đêm Thuý Kiều qua nhà Kim Trọng để thề nguyền chuyện trăm năm.

Văn bản (1) sử dụng nghệ thuật ước lệ qua từ khuôn trăng, nét ngài
2/ Hình tượng trăng được sử dụng lặp lại ở các văn bản trên.
Nêu hiệu quả nghệ thuật của hình tượng đó :

  • Văn bản (1) : Từ khuôn trăng ẩn dụ về vẻ đẹp phúc hậu của nàng Thuý Vân ;

–    Văn bản (2) : Vầng trăng ai xẻ ẩn dụ cho cuộc sống lứa đôi hạnh phúc bị chia đôi, thể hiện nỗi cô đơn của Kiều sau khi chia tay Thúc Sinh

  • Văn bản (3) : Vầng trăng biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi của Thuý Kiều-Kim Trọng.

3/ Xác định từ láy:

–    Vằng vặc:  chỉ ánh trăng rất sáng, không một chút gợn, khiến có thể nhìn rõ các vật.
–    Đinh ninh : nói đi nói lại, dặn đi dặn lại cặn kẽ để cho nhớ kĩ, cho chắc chắn.

–   Song song: đi bên nhau
Hiệu quả nghệ thuật: vầng trăng trở thành hình ảnh tượng trưng cho trời đất để làm chứng nhân cho lời thề. Trong xã hội phong kiến, nghi thức thực hiện lời thề trang trọng phải có sự chứng dám của trời đất. Nghĩa là lời thề vừa ràng buộc về mặt đạo đức xã hội, vừa thiêng liêng đối với đời sống tâm linh. Đây là cuộc thề nguyền chưa được phép cha mẹ – theo quan niệm xưa- nhưng được Nguyễn Du miêu tả không chỉ nên thơ mà còn trang trọng. Chứng tỏ tình yêu say đắm giữa hai người và ý thức sâu sắc của họ về tình yêu chân chính.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *