Đề đọc hiểu đoạn trích Hồi trống Cổ Thành

 
Đề 1:
Đọc bài văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Hồi trống Cổ Thành vừa là tên gọi của trích đoạn vừa là một chi tiết văn bản như một nốt nhấn văn chương. Nó vừa là sự “thắt nút” vừa chỉ ra khả năng “cởi nút”. Gọi là “thắt nút” bởi bao nhiêu mâu thuẫn, khúc mắc, ẩn ức cả hai phía: phía nghi ngờ (Trương Phi) và phía bị nghi ngờ (Quan Công) đã được đẩy tới đỉnh điểm. Còn khả năng “cởi nút” là do tính xác định: chỉ có một khả năng hành động, chỉ có một thời gian ngặt nghèo hành động. Cơ hội duy nhất này không có lần thứ hai. Hòn đá thử vàng như một phép màu sẽ làm sáng tỏ ngay gian khi hồi trống định mệnh gióng giả cất lên thúc giục…
                        ( Trích Hồi trống thử thách tình huynh đệ, Lê Bảo)
1/ Xác định câu chủ đề của văn bản. Người viết sử dụng thao tác diễn dịch hay quy nạp?
2/ Nêu phương thức biểu đạt của văn bản?
3/Xác định biện pháp tu từ (về từ) trong văn bản. Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó.
4/ Thế nào là chi tiết “thắt nút” và chi tiết “cởi nút” trong truyện?
Trả lời:
1/ Câu chủ đề của văn bản: Hồi trống Cổ Thành vừa là tên gọi của trích đoạn vừa là một chi tiết văn bản như một nốt nhấn văn chương.
Người viết sử dụng thao tác diễn dịch .
2/ Phương thức biểu đạt của văn bản: nghị luận
3/ Biện pháp tu từ (về từ) trong văn bản:
– So sánh: Hồi trống Cổ Thành … vừa là một chi tiết văn bản như một nốt nhấn văn chương; Hòn đá thử vàng như một phép màu
– Ẩn dụ: Hòn đá thử vàng ( chỉ hành động đánh trống của Trương Phi và chém đầu Sái Dương của Quan Công)
Hiệu quả nghệ thuật: thông qua biện pháp tu từ so sánh và ẩn dụ, người viết đã làm cho lời văn bình giảng có tính gợi hình ảnh cụ thể, thấy được vẻ đẹp của Hồn trống Cổ Thành cũng như sức hấp dẫn trong nghệ thuật kể chuyện của La Quán Trung
4/ – Chi tiết thắt nút là chi tiết tạo tình huống khá căng thẳng do hàng loạt những sự kiện được tác giả tổ chức theo kiểu tăng tiến mức độ nóng bỏng và ngày càng siết chặt vòng vây.
– Chi tiết cởi nút là chi tiết khiến câu chuyện buộc phải tiến tới một kết thúc nào đó để giải quyết những mâu thuẫn dồn dập và đan xiết đã được tác giả khéo léo dàn dựng.
 
 
Đề 2:
Đọc bài văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Hôm ấy, Tôn Càn theo lệnh Quan Công vào thành ra mắt Trương Phi, thi lễ xong, nói chuyện Huyền Đức đã bỏ Viên Thiệu sang Nhữ Nam, Vân Trường thì ở Hứa Đô vừa đưa hai phu nhân đến đây. Rồi mời Trương Phi ra đón.
Phi nghe xong, chẳng nói năng gì, lập tức mặc áo giáp vác mâu lên ngựa, dẫn một nghìn quân, đi tắt ra cửa bắc. Tôn Càn thấy lạ nhưng không dám hỏi, cũng phải theo ra thành.
Quan Công trông thấy Trương Phi ra, mừng rỡ vô cùng, giao long đao cho Châu Thương cầm, tế ngựa lại đón. Trương Phi mắt tròn xoe râu vểnh ngược, hò thét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công.
Quan Công giật mình, vội tránh mũi mâu, hỏi:
– Hiền đệ cớ sao thế, há quên nghĩa vườn đào ru?
Trương Phi hầm hầm quát:
– Mày đã bội nghĩa còn mặt nào đến gặp tao nữa?
Quan Công nói:
– Ta làm sao mà bội nghĩa?
Trương Phi nói:
– Mày bỏ anh, hàng Tào Tháo được phong hầu phong tước, nay lại đến đây đánh lừa tao! Phen này tao quyết liều sống chết với mày.
( Trích Hồi trống Cổ Thành, SGK Ngữ văn 10,Trang 76,Tập II, NXBGD 2006)
1/ Nêu nội dung chính của văn bản? Phương thức biểu đạt chính của văn bản là gì?
2/ Xác định các động từ liên quan đến nhân vật Trương Phi trong đoạn: Phi nghe xong…chạy lại đâm Quan Công.Nêu hiệu quả nghệ thuật của những động từ đó.
3/Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ trong câu văn: Trương Phi mắt tròn xoe râu vểnh ngược, hò thét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công.
4/ Qua văn bản, anh (chị) thấy Trương Phi có tính cách như thế nào ?
 
Trả lời:
1/Nội dung chính của văn bản: kể về việc Trương Phi đón Quan Công ở Cổ Thành sau thời gian xa cách
– Phương thức biểu đạt chính của văn bản là tự sự.
2/ Đoạn: Phi nghe xong…chạy lại đâm Quan Công có 12 động từ: nghe, mặc, vác, lên, dẫn, đi tắt, trợn, vểnh, hò thét, múa , chaỵ, đâm .
Hiệu quả nghệ thuật của những động từ đó: 12 động từ thể hiện 12 hành động liên tiếp trong im lặng mà sôi sục bão táp bên trong, khiến nhịp văn nhanh, mạnh, gấp gáp, tạo nên ý vị hấp dẫn đặc biệt của truyện Tam Quốc. Qua đó, thể hiện tính cách cương trực, ngay thẳng của nhân vật Trương Phi.
3/ Câu văn: Trương Phi mắt tròn xoe râu vểnh ngược, hò thét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công  sử dụng các biện pháp tu từ sau:
-Biện pháp tu từ so sánh: hò thét như sấm
-Biện pháp tu từ liệt kê: mắt tròn xoe râu vểnh ngược, hò thét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm
Hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ: làm tăng tính gợi hình, cụ thể hoá những hành động của Trương Phi, qua đó nhấn mạnh thái độ tức giận vì nghe Quan Công không còn trung tín, phản bội lời thề bỏ anh theo Tào Tháo, phụ nghĩa vườn đào.
4/ Trương Phi có tính cách:
-Là người nóng nảy nổi tiếng đến mức trở thành thành ngữ “Nóng như Trương Phi” : Nghe Tôn Càn vào báo tin bèn kéo quân ra cổng thành, không hỏi han gì mà lập tức “đâm ngay Quan Công”.
-Là người ngay thẳng, cương trực, không chấp nhận sự giả dối, quanh co, không khoan nhượng với cái xấu : Trương Phi không hiểu rõ tình cảnh Quan Công nên kết tội anh mình. Với Trương Phi, việc hàng Tào của Quan Công là biểu hiện của sự phản bội lời thề kết nghĩa vườn đào của ba anh em Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi.
Đề 3:
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Quan Công giật mình, vội tránh mũi mâu, hỏi:
-Hiền đệ cớ sao như thế, há quên nghĩa vườn đào ru?
Trương Phi hầm hầm quát:
-Mày đã bội nghĩa, còn mặt nào đến gặp tao nữa?
Quan Công nói:
-Ta thế nào là bội nghĩa?
Trương Phi nói:
-Mày bỏ anh, hàng Tào Tháo, được phong hầu tứ tước, nay lại đến đây đánh lừa tao! Phen này tao quyết liều sống chết với mày!
( Trích Hồi trống Cổ Thành, SGK Ngữ văn 10,Trang 76,Tập II, NXBGD 2006)
Câu 1: Em hãy cho biết trong đoạn trích trên gồm có những nhân vật nào và mối quan hệ của họ.
Câu 2: Và họ đã gặp gỡ nhau trong hoàn cảnh ra sao?
Câu 3:  Nội dung giao tiếp giữa họ là gì?
Câu 4: Mục đích của hoạt động giao tiếp trên là gì?
Câu 5: Hoạt động giao tiếp trên được thực hiện bằng phương tiện và cách thức gì?
Câu 6: Các nhân tố trên chi phối như thế nào về cách sử dụng ngôn ngữ của Trương Phi và Quan Công
 
Trả lời:
Câu 1:  Trong đoạn trích trên  gồm có các nhân vật: Quan Công, Trương Phi.Giữa họ có mối quan hệ anh em kết nghĩa  .
Câu 2: Và họ đã gặp gỡ nhau trong hoàn cảnh:
+ Rộng: Xã hội phong kiến
+ Hẹp: ở Cổ Thành, trong sự hiểu lầm giữa Trương Phi và Quan Công.
Câu 3:  Nội dung giao tiếp giữa họ là : Trương Phi cho rằng Quan Công đã bội nghĩa hàng Tào. Quan Công chưa rõ cớ sự và hành động của Trương Phi.
Câu 4: Mục đích của hoạt động giao tiếp trên thấy được thái độ giận dữ của Trương Phi đối với Quan Công và thái độ ôn tồn nhã nhặn của Quan Công.
Câu 5: Hoạt động giao tiếp trên được thực hiện bằng ngôn ngữ – lời nói
Câu 6:  Do là anh em kết nghĩa sống dưới chế độ phong kiến nên họ gọi nhau là huynh đệ. Do hiểu lầm và giận dữ nên khi giao tiếp Trương Phi xưng mày – tao với Quan Công. Còn Quan Công  chưa hiểu cớ sự, thái độ ôn tồn vẫn gọi hiền đệ xưng ta.
 

,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *